Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Đào Tuấn : “Biển cấm” cho những “quả đấm thép”

Nguồn daotuanddk

Không nhiều người bất ngờ khi Kiểm toán nhà nước bất ngờ công bố thông tin: EVN đã không hạch toán hàng ngàn tỷ đồng để có thể giảm giá thành sản xuất điện.

Vấn đề tài chính đối với tập đoàn độc quyền này xưa nay vẫn là những bất ngờ muôn thủa. Đề xuất tự thưởng "không còn gì để nói" 1002 tỷ đồng trong khi phải trả lại 13 dự án vì thiếu vốn đầu tư. Đầu tư ra ngoài ngành có lúc lên tới 2,8% vốn điều lệ, tương đương 2.100 tỷ đồng, nợ chồng chất, lỗ đầm đìa- ở cùng thời điểm là hơn 31 ngàn tỷ. Liên tục kêu lỗ để đề xuất tăng giá điện trong khi than vãn lương, được hạch toán vào giá thành điện- 7,3 triệu đồng/tháng là "Không đủ sống". EVN đã làm gì để hạn chế đến tối đa việc tăng giá điện? EVN xin "nới" tỷ lệ tổn thất điện năng, đang vào hàng kỷ lục thế giới. Và hôm qua, báo chí đã dùng một từ nhẹ nhàng là "giấu lợi nhuận" để chỉ hành vi không hạch toán những khoản thu, các khoản lãi để giảm giá thành điện. Chính Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Lê Minh Khái đã tính toán phần thu từ các khoản cho thuê cột điện, nhượng bán vật tư… lên tới hơn 400 tỷ đồng- nếu hạch toán vào thu thì sẽ giúp giảm giá thành khoảng 5 đồng/kWh điện. Số lãi các khoản đầu tư, kinh doanh khác, khoảng 2.900 tỷ đồng, nếu hạch toán cũng giúp giảm được 29 đồng/kWh. Có nghĩa nếu thực hiện đúng quy định, giá thành điện có thể giảm được 34 đồng/kWh. Có nghĩa là giá thành điện, vừa tăng bình quân 65 đồng/kWh từ 1-7, sẽ là 1369- 34 đồng/kWh. Có nghĩa "cú sốc tăng giá" sẽ bớt khắc nghiệt hơn. Nhưng câu chuyện để tiền "trôi nổi" đâu đó không chỉ là chuyện của riêng EVN. Mặc dù đã có các quyết định yêu cầu DNNN tập chung vào lĩnh vực chính, hạn chế đầu tư ra ngoài ngành, tuy nhiên, đến giờ "đa số tập đoàn, tổng công ty có đầu tư ngoài ngành. Có doanh nghiệp đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính vượt cả vốn điều lệ, trong đó, đầy đủ các tên tuổi sừng sỏ Xi măng, Hàng hải, Điện lực, Than… đầu tư ra ngoài ngành bằng 4-12% vốn điều lệ". Dường như những DN có gắn kèm hai chữ nhà nước đều ở chung tình trạng tỷ lệ vốn bị chiếm dụng cao, nợ quá hạn và khó đòi phát sinh lớn. Và đầu tư ngoài ngành quá lớn dẫn tới thua lỗ kéo dài. EVN đương nhiên là một kỷ lục khi lỗ năm 2010 lên tới hơn 8.400 tỷ. Nhưng thông tin đáng chú ý nhất, được đăng tải trên Tuổi trẻ, là việc Bộ Tài chính phải trả nợ thay ngày càng nhiều cho các dự án, đơn vị được Chính phủ bảo lãnh. Cụ thể: 1.300 tỷ đồng năm 2009, 1.600 tỷ đồng năm 2010 và 2.400 tỷ đồng năm 1011. Tiền trả nợ trong túi Bộ trưởng Vương Đình Huệ thực ra cũng là tiền thuế của dân. Đúng là sướng nhất thời nay là làm giám đốc DNNN. Nợ thì dân trả thay, có lợi nhuận thì "giấu" để kêu lỗ, đòi tăng giá. Khi nói về lỗ, về nợ, các DNNN hay viện dẫn lý do "trách nhiệm xã hội". Nhưng thực ra, họ chỉ cần không quá hoang phí, tiêu đúng và có trách nhiệm với những đồng vốn từ tiền thuế của dân cũng đã là thứ "trách nhiệm xã hội" lớn nhất rồi. Đầu tư ra ngoài ngành và luôn miệng kêu thiếu vốn cho sản xuất "chính ngành", có lẽ đã đến lúc ngoài yêu cầu triệt thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành, cần hẳn một "biển cấm" đối với các "quả đấm thép". Và quan trọng hơn nữa, là một "biển cấm", thực ra chỉ là sự công bằng- để sai phạm, thua lỗ không chỉ cần "tái cơ cấu" thì coi như hòa cả làng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét