Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Lê Thăng Long : NGƯỜI VIỆT NAM CẦN CÓ LÝ TƯỞNG MỚI!

Nguồn lethanglong

Kính gửi: Đồng bào Việt Nam ở trong nước và nước ngoài cùng bè bạn quốc tế!

Tôi là chí sĩ yêu nước Lê Thăng Long, tên bí danh là Lincoln Lê. Tôi là nhà hoạt động vì quyền con người cho nhân dân Việt Nam và là nhà hoạt động vì hòa bình và hạnh phúc nhân loại. Tôi xin có mấy lời tâm sự với đồng bào Việt Nam ở trong nước và nước ngoài cùng bè bạn quốc tế.

Cho đến nay Việt Nam vẫn còn là 1 trong 50 quốc gia nghèo nhất thế giới. Tôi đã lập kế hoạch để thực hiện nhằm từ 10 năm đến 20 năm đưa Việt Nam trở thành 1 trong 50 quốc gia giàu nhất thế giới, từ 20 đến 30 năm đưa Việt Nam trở thành 1 trong 10 quốc gia giàu nhất thế giới. Đồng thời tôi lập kế hoạch cải cách phát triển ASEAN và thế giới. Trong năm 2014 tôi bắt đầu khởi sự những chương trình cải cách phát triển ASEAN và thế giới như sau:

1-        Chương trình vận động cải cách Liên Hiệp Quốc.

2-        Chương trình vận động thành lập chính phủ chung thế giới.

3-        Chương trình vận động thành lập quân đội thường trực chung thế giới theo mô hình mới.

4-        Chương trình vận động thành lập an ninh chung thế giới theo mô hình mới.

5-        Chương trình vận động thành lập đồng tiền chung thế giới.

6-        Chương trình vận động thành lập chính phủ chung thế giới mô hình.

7-        Chương trình công bố dự thảo hiến pháp chung thế giới.

8-        Chương trình vận động thành lập chính phủ chung ASEAN.

9-        Chương trình vận động thành lập quân đội chung ASEAN.

10-     Chương trình vận động thành lập an ninh chung ASEAN.

11-     Chương trình vận động thành lập đồng tiền chung ASEAN.

12-     Chương trình vận động thành lập chính phủ chung ASEAN mô hình.

13-     Chương trình công bố dự thảo hiến pháp chính phủ chung ASEAN.

14-     Nhiều chương trình lớn khác nữa cho Việt Nam, ASEAN và thế giới.

Rất nhiều người Việt Nam đã từng tâm sự với tôi rằng là họ rất buồn vì ngày nay đại đa số người Việt Nam sống thiếu lý tưởng. Thời chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ rất nhiều người Việt Nam sống có lý tưởng, lý tưởng của họ là sống chiến đấu hy sinh để cho dân tộc Việt Nam được độc lập, thống nhất. Ngày nay dân tộc Việt Nam đã được độc lập, thống nhất rồi thì lý tưởng sống của người Việt Nam hiện nay cụ thể là gì ?! Tôi muốn tất cả mọi người dân tộc Việt Nam ngày nay hãy sống với những lý tưởng cụ thể mới. Theo tôi lý tưởng sống của người Việt Nam hiện nay nên là:

1/ Xây dựng một xã hội Việt Nam có sự tôn trọng quyền con người đầy đủ, toàn diện.

2/ Xây dựng một xã hội Việt Nam trong sạch, không có hoặc ít có tệ nạn tham nhũng trong bộ máy chính quyền, không có hoặc ít có tệ nạn trong xã hội như: trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, cờ bạc, mãi dâm.

3/ Xây dựng Việt Nam có môi trường sống thật trong sạch.

4/ Xây dựng Việt Nam sớm trở thành cường quốc.

5/ Cống hiến cho ASEAN và nhân loại hòa bình hơn, thịnh vượng hơn, hạnh phúc hơn.

6/ Xây dựng dân tộc Việt Nam biết sống có nhiều tình yêu thương hơn, đoàn kết hơn, vị tha hơn, bao dung hơn, bác ái hơn.

Còn rất nhiều vấn đề nữa nhưng có ít nhất 6 vấn đề tôi vừa nêu là rất cần thiết xây dựng phấn đấu cho người Việt Nam. Mơ ước suông mà không thực hiện sẽ không bao giờ có thành công. Thà có một mơ ước để rồi tan vỡ còn hơn là không có gì để mà mơ ước. Tôi muốn đặt ra những mục tiêu cụ thể đồng thời lập ra những kế hoạch cụ thể cho mọi người Việt Nam tham gia thực hiện nhằm sớm đạt được mục tiêu đề ra. Để giành được độc lập, thống nhất đã có hàng triệu con người Việt Nam ưu tú phải hy sinh. Những hy sinh cao cả của nhiều triệu con người Việt Nam ưu tú trong chiến tranh là để nhằm đem lại quyền con người, hạnh phúc cho thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Nếu thế hệ người Việt Nam hiện nay và mai sau sống thiếu quyền con người, hạnh phúc thì có nghĩa rằng sự hy sinh của nhiều triệu con người Việt Nam ưu tú trong chiến tranh trở thành vô ích tựa như công con dã tràng xe cát biển Đông.

Chủ nghĩa cộng sản đã hiện diện tại hơn 20 quốc gia châu Âu nhưng không mang lại được sự công bằng, phát triển, hạnh phúc cho các quốc gia ấy trong thế kỷ 20. Bởi vậy cuối thế kỷ 20 toàn bộ hơn 20 quốc gia châu Âu đã đồng loạt giã từ hoàn toàn chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản đã hiện diện tại Việt Nam hơn một nửa thế kỷ. Nhưng cho đến nay Việt Nam vẫn còn là 1 trong 50 quốc gia nghèo nhất thế giới, xã hội Việt Nam còn rất thiếu công bằng và rất thiếu quyền con người.

Hệ lý luận chủ nghĩa công sản Mác – Lê Nin sai lầm đến 99% và thiếu sót rất nhiều. Khi tư duy nhận thức sai ắt sẽ dẫn đến hành động sai và kết quả không tốt ở thực tiễn. Tôi cùng nhóm trí thức, doanh nhân người Việt Nam đã chắt lọc toàn bộ tinh hoa và loại bỏ hoàn toàn sai lầm của hệ lý luận chủ nghĩa cộng sản Mác – Lê Nin để viết thành hệ lý luận chủ nghĩa cộng đồng. Trong hệ lý luận chủ nghĩa cộng đồng còn có tinh hoa của nhiều chủ thuyết khác và có thêm nhiều sự sáng tạo mới của nhóm chúng tôi. Nhóm chúng tôi muốn tặng miễn phí  hệ lý luận chủ nghĩa cộng đồng cho đảng cộng sản Việt Nam để thay thế hệ lý luận chủ nghĩa cộng sản Mác – Lê Nin có quá nhiều sai lầm và thiếu sót.

Hệ lý luận chủ nghĩa cộng sản Mác – Lê Nin đã làm u mê tinh thần dân tộc Việt Nam, làm đảo lộn nhiều giá trị đạo đức của xã hội Việt Nam, chia rẽ làm mất sự đoàn kết trong nội bộ xã hội Việt Nam và tạo ra nhiều sự mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Hệ lý luận chủ nghĩa cộng sản Mác – Lê Nin đã đưa ra nhiều nhận định sai lầm và thiếu sót nghiêm trọng như sau:

1/ Tất cả mọi doanh nhân ở khối kinh tế tư nhân đều thuộc về giai cấp bóc lột tức là giai cấp tư bản.

2/ Giai cấp tiểu tư sản tức là giai cấp bóc lột nhỏ gồm các thành phần xã hội như sau: trí thức, nhà báo, văn nghệ sỹ, giáo viên, học sinh, sinh viên, tiểu thương, tiểu chủ.

3/ Tất cả những ai là người làm thuê ở những cơ sở kinh tế tư nhân đều thuộc về giai cấp bị bóc lột.

4/ Coi triết lý của tất cả các tôn giáo đều là mê tín dị đoan.

 

Từ 4 nhận định này Các Mác đưa ra những giải pháp rất cực đoan, độc ác để cải cách xã hội loài người như sau:

1/ Sử dụng bạo lực để cưỡng bức tước đoạt toàn bộ tài sản tư hữu của doanh nhân khối kinh tế tư nhân để làm thành sở hữu công cộng toàn dân.

2/ Bài trừ tôn giáo ra khỏi đời sống xã hội.

3/ Xác định mục tiêu cuối cùng là tiêu diệt toàn bộ kinh tế tư nhân khỏi xã hội loài người để trong tương lại nhân loại chỉ còn một hình thái duy nhất đó là kinh tế công cộng chung toàn xã hội.

Đã có khoảng 30 quốc gia trên thế giới thực hiện theo lý thuyết chủ nghĩa cộng sản. Kết quả ở thực tế nhận thấy cái lợi chỉ có khoảng 1% nhưng cái hại thì có đến 99%. Trong từng doanh nghiệp thì tạo ra sự chia rẽ và mâu thuẫn giai cấp. Đối với nhân loại thì tạo ra đối kháng giữa các quốc gia cộng sản với các quốc gia phi cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản kích động sự sử dụng bạo lực để cải cách xã hội. Chủ nghĩa cộng sản đã tạo ra vô vàn sự bất công, độc ác trong xã hội loài người.

Đã có hàng triệu doanh nhân khối kinh tế tư nhân ở khoảng 30 quốc gia cộng sản trên thế giới bị cưỡng bức tước đoạt tài sản. Trong số đó chỉ có khoảng 1% họ là giai cấp tư bản thật sự, còn lại khoảng 99% họ không thuộc về giai cấp tư bản. Trong hệ lý luận chủ nghĩa cộng đồng tôi đã chỉ ra có 3 loại tư bản là: tư bản đen, tư bản xanh, tư bản đỏ. Có hai hình thái kinh tế tư nhân là kinh tế tư nhân tư bản và kinh tế tư nhân cộng đồng. Kinh tế tư nhân tư bản là kinh tế tư nhân có bóc lột. Kinh tế tư nhân cộng đồng là kinh tế tư nhân không có bóc lột. Vì hệ lý luận chủ nghĩa cộng sản Mác – Lê Nin sai lầm quy kết kinh tế tư nhân cộng đồng trở thành kinh tế tư nhân tư bản, bởi vậy đã có đến khoảng 99% doanh nhân ở khối kinh tế tư nhân trên toàn thế giới đã từng bị quy thành phần oan, họ bị cưỡng bức tịch thu tài sản sở hữu chính đáng của mình.

Tôi đã công bố bài viết giới thiệu tóm tắt nội dung hệ lý luận chủ nghĩa cộng đồng. Tuy mới chỉ là sự giới thiệu tóm tắt đôi chút nội dung cơ bản nhưng thời gian qua đã có rất nhiều người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài cùng bè bạn quốc tế nhiệt liệt hoan nghênh. Dự kiến trong năm 2014 tôi sẽ viết hoàn thành quyển sách chương trình sơ cấp hệ lý luận chủ nghĩa cộng đồng để công bố. Tôi muốn tiếp bước theo con đường nhà cách mạng yêu nước Phan Châu Trinh đã vạch ra là: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Hệ lý luận chủ nghĩa cộng đồng đưa ra những lý luận, giải pháp hòa bình để cải cách phát triển xã hội loài người. Tuyệt đối không chủ trương sử dụng bạo lực để cải cách xã hội như hệ lý luận chủ nghĩa Mác – Lê Nin.

Trong năm 2014 tôi sẽ tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo trực tiếp và trực tuyến. Các hội nghị, hội thảo bàn về những chương trình cải cách phát triển Việt Nam, cải cách phát triển ASEAN và thế giới.

Lý tưởng mơ hồ chỉ dẫn con người đến sự thất vọng, tuyệt vọng. Tôi muốn xây dựng lý tưởng sống mới cho mọi người dân tộc Việt Nam rất cụ thể, rõ ràng. Lý tưởng phải có mục tiêu thực hiện rõ ràng, phải có kế hoạch khoa học cụ thể để từng bước thực hiện nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra.

Trong năm 2014 tôi sẽ tổ chức hội nghị Diên Hồng Việt Nam mới . Trong hội nghị Diên Hồng Việt Nam mới có bàn sâu kỹ về những kế hoạch, giải pháp thực hiện lý tưởng sống mới cho mọi người dân tộc Việt Nam ta.

Việt Nam giàu mạnh lên và đóng góp nhiều hơn cho hòa bình, phát triển, hạnh phúc của nhân loại thì rất tốt.

Thông qua bài viết nhỏ này tôi mong muốn đồng bào Việt Nam ở trong nước và nước ngoài cùng bè bạn quốc tế hãy hưởng ứng, làm theo, cổ vũ tinh thần sống theo lý tưởng sống mới cho người Việt Nam mà tôi đề ra.

Tôi xin chúc toàn thể đồng bào Việt Nam ở trong nước và nước ngoài cùng bè bạn quốc tế luôn nhiều sức khỏe, bình an, may mắn, thành công, hạnh phúc!

Tôi rất mong đồng bào Việt Nam ở trong nước và nước ngoài cùng bạn bè quốc tế hãy sống theo tinh thần sống của nhóm chúng tôi là: Hãy ôm hôn kẻ thù của chính mình!

Sài Gòn – TP. HCM, Việt Nam, ngày 28/04/2014,

Chí sĩ yêu nước Lê Thăng Long – Lincoln Lê

Website: www.lethanglong.wordpress.com . Facebook:www.facebook.com/lethanglong.ptcdvn

ĐCNR: 80 Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM. ĐTCĐ: (08)22245577. ĐTDĐ: 0967375886. Email: thanglong67@gmail.com.

Bùi Tín : Ngày 3/5 và Cách Mạng Số

Nguồn VOA

28.04.2014

Trong cuộc đời tôi đã thử chọn nhiều nghề. Dạy học, cầm súng, viết văn, làm thơ, rồi làm báo. Cuối đời ngẫm nghĩ lại, khoái nhất, hài lòng nhất, phải nói là hạnh phúc nhất vẫn là viết báo. Viết báo, không phải là làm các việc khác trong xuất bản báo chí.
 
Tôi trở thành nhà báo chuyên nghiệp từ năm 1964, khi đã gần 40 tuổi, từ đó tự nhủ không thể chuyển sang nghề nào khác. Tuy nhiên hồi đó tôi chưa phải nhà báo tự do, còn bị điều khiển, lãnh đạo, chăn dắt, nhưng vẫn hiểu ra những điều chung nhất về cái ''vinh" lẫn cái ''nhục'' của cái nghề này. Vinh, vì mỗi bài viết của mình là sản phẩm riêng, mang dấu ấn cá nhân, từ ý tưởng, hành văn, đến cấu trúc, văn phong, hình ảnh… đều do mình tạo nên, sáng tạo ra. Cho nên mỗi bài đều ''được'' và ''phải'' ghi rõ tên hay bút danh của mình ở dưới. Nó là tài sản riêng của mình được xã hội ghi nhận, một cống hiến cá nhân cho xã hội được tồn tại lâu bền.
 
Từ năm 1990 tôi là nhà báo hoàn toàn tự do, thoát khỏi sự trói buộc, kìm hãm và điều khiển của đảng CS, tôi nhận ra niềm vui nghề báo khác hẳn trước. Tôi bắt đầu phủ định những đứa con tinh thần của mình trước đây, lấy làm tiếc đã sinh ra chúng nó để tuyên truyền cho đảng CS ''cướp chính quyền'' theo lệnh của đệ Tam Quốc tế CS, rồi biến dân ta nước ta thành một quân tốt đen trên bàn cờ chiến tranh lạnh đối lập 2 phe ''Cộng sản với Dân chủ'', ''Vô sản với Đế quốc'', để rồi đảng CS tước đoạt các quyền tự do, trong đó có quyền tự do báo chí của xã hội cho đến tận ngày hôm nay.
 
Tôi rất vui mừng vì ngày càng hiểu ra ''Tự do báo chí là hòn đá tảng của Nhân quyền''(The press freedom is the cornerstone of the Human Rights ). Từ năm 1993, Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 3 tháng 5 mỗi năm làm ''Ngày Tự do Báo chí toàn thế giới''.

Năm nay ngày 3/5 mang lại cho làng báo dân chủ VN nhiều niềm vui sâu lắng chưa từng có. Chúng ta có dịp nhớ lại cuộc cách mạng ở Tunisia 3 năm trước đã chứng kiến tác dụng kỳ diệu của truyền thông nhanh nhậy bằng internet và điện thoại di động khi sinh viên và thanh niên xuống đường. Các bạn ấy truyền đi tin, hình ảnh và bình luận sự kiện ngày 17/12/2010 anh Mohamed Bouazizi bị công an nhà nước hành hung, tự thiêu trước trụ sở chính quyền, thành bó đuốc đòi tự do của cả một dân tộc. Tình hình bùng nổ, 2 vạn công dân - chủ yếu là tầng lớp công nhân cùng trung lưu-tiểu thương tiểu chủ xuống đường phẫn nộ, buộc vợ chồng Tổng thống Ben Ali phải bỏ chạy sang Saudi Arabia, mở ra kỷ nguyên dân chủ.
 
Vài tháng sau ở Ai Cập, anh thanh niên-chuyên viên truyền thông Wael Ghonim làm cho hãng Google đưa lên Facebook hình ảnh cô Khaleid Said ngay sau khi cô bị công an nhà nước đánh chết cùng khẩu hiệu ''Mỗi chúng tôi đều là Khaleid Said''. Lập tức số người phẫn nộ đổ ra đường vọt lên 12 vạn, Tổng thống Mubarak run sợ phải trao quyền cho quân đội. Viên tổng thống từng hét ra lửa này đang chờ ngày ra hầu tòa để lãnh án về tội đàn áp nhân dân và tham nhũng.
 
Năm nay số các blogger tự do dấn thân cho dân chủ nhân quyền trong nước ta tăng lên đáng kể, đạt đến gần một trăm người, đoàn kết trong Hôị blogger VN, Hội Bầu Bí tương thân ra mắt, Hiệp hội dân oan tòan quốc hoạt động, với chân rết đang tỏa xuống một số tỉnh thành, quận huyện, rồi Hội ái hữu các tù chính trị và tù lương tâm - tôn giáo mở rộng hoạt động, Hội nạn nhân bị công an hành hung chuẩn bị xuất hiện, vẽ nên toàn cảnh các chiến sỹ dân chủ đa dạng đang giang tay kết đoàn, thương yêu, đùm bọc, bảo vệ lẫn nhau, thăm hỏi, động viên nhau trong đấu tranh.
 
Càng thêm vui khi mấy tháng gần đây anh chị em ta rất quan tâm ghi lại tài liệu sưu tầm hình ảnh những công an hung hãn mất hết tính người, đánh đập hành hung nhân dân, lập nên hồ sơ bọn tội phạm đội lốt ''bạn dân'' để thành tai họa cho dân lành. Rất cần trưng lên hình ảnh, danh tính, chức vụ, tội phạm của hung ác ''côn an'' này.
 
Năm nay ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5 càng thêm niềm vui khi hoạt động đối ngoại của phong trào dân chủ rộ lên khác hẳn những năm trước. Anh chị em trẻ gõ cửa các sứ quán bè bạn, mở ra các cuộc gặp gỡ, uống trà, cà phê Dân chủ - Nhân quyền, trao đổi về quyền tự do cư trú, xuất nhập cảnh. Anh chị em ta còn cử đại diện ra nước ngoài, sang Hoa Kỳ, Canađa, châu Âu, Pháp, Bỉ, Thụy Sỹ, thông báo tình hình sống động, hình ảnh chuẩn xác, mở ra một nền ngoại giao dân chủ nhân dân phong phú sinh động, có hiệu quả. Một nhóm từ trong nước đã sang Hoa Kỳ dự kỷ niệm 3/5 ngay tại Liên Hiệp Quốc.
 
Nhân ngày 3/5 năm nay, xin ngả mũ chào mừng đội ngũ các nhà báo trẻ, thông minh tháo vát, đang sử dụng ngày càng thành thạo những thành tựu kỹ thuật truyền thông hiện đại, các máy tính gọn nhẹ, các máy điện thoại cầm tay thông minh, tận dụng kỹ thuật số điêu luyện. Chính vì vậy mà có nhà bình luận gọi các cuộc cách mạng của thế kỷ XXI này là cuộc ''Cách mạng Số'', tất cả do truyền tin truyền ảnh bằng bảng số. Cái lợi hại của kỹ thuật số là nó thu hẹp không gian đến độ gần bằng ''không'', nó thu hẹp thời gian đến độ cũng gần bằng ''không''. Ngày xưa tin hoàng đế ở Bắc Kinh hay Nam Kinh băng hà, truyền đi qua các mã trạm, đến biên giới có khi phải mất 3 tháng, 100 ngày đêm. Nay mọi sự kiện ở xa vạn dặm, có thể truyền tin truyền hình truyền lời đối thoại tức thời, qua một thiết bị cầm tay chỉ vài trăm gam, bằng một quả cam. Thật là kỳ diệu.
 
Chính vì vậy mà vài năm nay đội ngũ của các nhà bình luận viên chính thống, chỉ biết nương theo bờ phải, ăn lương của đảng, được đảng dạy dỗ, chỉ bảo, đe nẹt, thỉnh thoảng được đảng xoa đầu khen thưởng, có khi được trả tiền rộng rãi, ngày càng thưa thớt, khó làm ăn. Con số họ là hàng vài ngàn, nhưng hiệu quả rất thấp, tay nghề sa sút, lý sự bế tắc, trước bạn đọc sành sõi. Một số người cuối cùng thức tỉnh tham gia đội ngũ những chiến sỹ thông tin của nhân dân, ghé sang bên trái, dần dần gia nhập hàng ngũ của cuộc Cách mạng số ngày càng đông đảo, được toàn xã hội quý mến và tin cậy. Rồi họ sẽ thoát cái cảnh ngộ tù túng tủi hổ mà tôi đã vĩnh biệt được hơn 24 năm nay.

Hoàng Ngọc Tuấn : Gabriel García Márquez (1927-2014): nhà văn vĩ đại hay “con điếm hạng sang”?

Nguồn rfablog
Sun, 04/27/2014 - 11:56 — hoangngoctuan

 

Tối Chủ Nhật 27.4.2014 [Sydney], trong câu chuyện "Gabriel García Márquez - hào quang và bóng tối", tôi đã có phát biểu một số ý kiến về giá trị văn chương của Gabriel García Márquez cũng như về những điều sai lầm của ông trong thái độ chính trị. Tuy nhiên, vì thời lượng phát thanh có giới hạn nên còn một số điều tôi chưa nói hết ý. Tôi hy vọng có thể diễn tả ý kiến của mình đầy đủ hơn trong bài viết này.

Trong suốt hơn một tuần qua, báo chí khắp nơi trên thế giới rầm rộ đưa tin về sự qua đời của Gabriel García Márquez, nhà văn gốc Colombia, người đã đoạt giải Nobel Văn Chương năm 1982 và được xem như là một trong những nhà văn lớn nhất trên thế giới trong thế kỷ 20. Song song với vô số bài báo tuyên dương thành quả vĩ đại của ông trong văn chương, cũng có rất nhiều bài báo phê phán thái độ chính trị của ông trong việc ông ủng hộ chế độ Cộng Sản độc tài của Fidel Castro ở Cuba.

Thành quả vĩ đại của Gabriel García Márquez trong văn chương là điều không thể chối cãi. Trong bài "Nghĩ thoáng khi nghe Gabriel García Márquez qua đời", nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc có nhận xét rằng:

"... Ảnh hưởng của Márquez lớn và cụ thể đến độ người ta có thể thấy được, cân đo đong đếm được. Ông đã biến Colombia, quê hương của ông, thành một xứ sở văn học thay vì chỉ là nơi nổi tiếng về việc trồng và buôn bán thuốc phiện. Ông đã thần thoại hóa nguyên cả một lục địa (Nam Mỹ) và qua đó, làm cho cả vùng đất ấy bỗng dưng có một linh hồn để từ các lục địa khác, các nền văn hóa khác, người ta có thể hình dung được con người châu Mỹ La Tinh thực sự như thế nào. Ông đã làm cho tiếng Tây Ban Nha trở thành một thứ ngôn ngữ văn học ở phạm vi toàn thế giới, một vai trò mà, theo nhiều nhà phê bình, chỉ có Miguel de Cervantes (1547-1616), với tác phẩm Don Quixote là có thể so sánh được.

Márquez không phải là người phát minh ra phương pháp sáng tác hiện thực thần kỳ (magical realism). Công lao ấy thuộc về nhà văn Argentina Jorge Luis Borges, nhà văn Cuba Alejo Carpentier và nhà văn Mễ Tây Cơ Juan Rulfo, nhưng không ai có thể phủ nhận được, chính Márquez, với cuốn Trăm năm cô đơn, câu chuyện viết về bốn thế hệ nhà Buendia, chứ không phải bất cứ ai khác, đã biến chủ nghĩa hiện thực thần kỳ trở thành một phương pháp sáng tác đặc sắc, một dấu ngoặc trong lịch sử văn học thế giới và một nguồn cảm hứng cho vô số các cây bút thuộc nhiều văn hóa và nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó, có lẽ có cả Việt Nam. Riêng tại Úc, nhân ngày ông qua đời, nhiều nhà phê bình và học giả đồng thanh nhấn mạnh: Nếu không có Márquez, có lẽ diện mạo văn học Úc trong suốt mấy chục năm vừa qua sẽ khác hẳn. Nhiều nhà văn tài hoa của Úc thừa nhận: Cách viết của họ thay đổi hẳn sau khi đọc Márquez.

Nhưng ảnh hưởng của Márquez còn lớn hơn tất cả những điểm vừa nêu. Ông không những thay đổi cách viết của nhiều người; ông còn thay đổi cả cách đọc của quần chúng, hơn nữa, qua đó, thay đổi cách nhìn về hiện thực của mọi người: Người ta bỗng phát hiện đằng sau những sự kiện ngỡ như rất hợp lý, được nối kết với nhau bằng một thứ quan hệ nhân quả bỗng xuất hiện vô số những làn sương mù mịt với những hình ảnh thấp thoáng: Cái gọi là hiện thực bỗng trở thành huyền ảo hẳn và ngược lại, những cái vốn được xem là huyền ảo lại trở thành như thực."

Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc nhận xét thật chí lý. Văn chương của García Márquez hiển nhiên có ảnh hưởng rất lớn đến bút pháp của rất nhiều nhà văn trên thế giới, từ châu Mỹ La-tinh đến Bắc Mỹ, đến châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Úc. Khi nói đến ảnh hưởng của García Márquez, người ta lập tức nghĩ đến những tên tuổi lớn đã chịu ảnh hưởng của García Márquez như Isabel Allende của Chile, Salman Rushdie của Ấn-độ, Toni Morrison của Hoa-kỳ, Ben Okri của Nigeria (Châu Phi), v.v... Ảnh hưởng của García Márquez lại càng lớn đối với văn chương của châu Úc đương đại. Peter Carey, một trong những nhà văn đương đại lớn nhất của Úc, đã thú nhận rằng chính cuốn tiểu thuyết Cien años de soledad (Trăm Năm Cô Đơn) của García Márquez đã làm thay đổi bút pháp của ông. Ông nói nhờ may mắn được đọc cuốn tiểu thuyết đó hồi đầu những năm 70, mà ông đã tìm ra một con đường mới để thoát khỏi cái chủ nghĩa hiện thực màu nâu xám xịt (the dun-coloured realism) như Patrick White đã mô tả văn chương Úc thuở ấy.

Một nhà văn nổi tiếng khác của Úc là Richard Flanagan ở Tasmania còn nhấn mạnh rằng "Nếu không có ảnh hưởng từ những cuốn sách của García Márquez, thì thật khó mà hình dung văn chương Úc có được diện mạo như hôm nay. Bạn không thể có những tác phẩm lớn của Peter Carey, bạn không thể có cuốn Cloudstreet của Tim Wilton, bạn không thể có rất nhiều nhà văn khác. Thật khó mà tưởng tượng bất cứ cuốn sách nào trong số đó có thể thành hình mà không nhờ cuộc cách mạng văn chương do García Márquez dấy lên trong tiểu thuyết."

Riêng về kinh nghiệm của cá nhân tôi thì lần đầu tiên tôi đọc cuốn tiểu thuyết Trăm Năm Cô Đơn của García Márquez, cách đây đã mấy mươi năm, ấn tượng mạnh mẽ khiến tôi bị ám ảnh là sự trộn lẫn và xoá nhoà giữa những sự kiện hiện thực và những sự kiện phản hiện thực. Trong cuộc sống hiện thực của ngôi làng Macondo (một ngôi làng hư cấu trong cuốn tiểu thuyết) có những hình ảnh hoàn toàn phản hiện thực nhưng được dân chúng xem như hoàn toàn hiện thực, chẳng hạn: Mauricio Babilonia đi đâu, từng bầy bướm bay theo đến đó; Aureliano có một cái đuôi heo; nàng Xinh Đẹp Remedios bay lên trời; một vết máu chạy trên đường phố rồi chui vào nhà dòng họ Buendía; và còn nhiều nữa... Những hình ảnh phản hiện thực này được mô tả một cách rành mạch và thản nhiên đến độ chúng trở nên 'thực' hơn mọi hình ảnh có thực. Chúng ta không thể quên chúng, vì qua đó, chúng ta thoáng thấy những bí mật kỳ dị nằm ngay trong bản chất của cuộc sống - những bí mật không thể tìm thấy trong văn chương hiện thực.

Ngược lại, ở ngôi làng Macondo đó, có rất nhiều điều hoàn toàn hiện thực nhưng dân chúng lại xem chúng như những điều thần kỳ, phản hiện thực, chẳng hạn: nước đá. Ngay khi vừa đọc câu văn đầu tiên của cuốn tiểu thuyết ("Nhiều năm sau, khi đang đối diện với đội hành quyết, Đại Tá Aureliano Buendía nhớ lại buổi chiều xa xôi ấy khi cha của ông dắt ông đi xem nước đá"), người đọc có thể đã thấy ngay chi tiết thú vị này: khi đang phải đối diện với cái chết thì Aureliano Buendía vẫn thấy bình thường, nhưng chính trong giây phút đó ông lại hồi tưởng về một kinh nghiệm mà ông cảm thấy như một điều thần kỳ: nước đá. Ngoài nước đá, thì nam châm, xe lửa, điện ảnh, điện thoại... cũng được xem như những điều thần kỳ. Dân ở Macondo không thể hiểu nổi vì sao một nhân vật đã chết và được đem chôn trong một cuốn phim khiến họ đã khóc hết nước mắt, mà sau đó chính nhân vật ấy lại có thể xuất hiện trong một phim khác trong hình hài của một người Ả-rập!

Sự xoá nhoà và bất khả phân biệt giữa những sự kiện hiện thực và phản hiện thực không chỉ ở trong cái nhìn của người dân Macondo, mà còn nằm ngay trong chính cái hiện thực chính trị ở đó. Chẳng hạn, Gabriel García Márquez mô tả cuộc đình công ở một đồn điền trồng chuối, nhưng ông luật sư của đồn điền tuyên bố trước công luận rằng ở đồn điền ấy không hề có cuộc đình công nào cả, vì đồn điền không hề có một tập thể công nhân nào cả, đồn điền chỉ mướn những người làm ngắn hạn và trả lương hàng ngày. Thế rồi, khi tất cả những công nhân của đồn điền ấy đồng loạt biểu tình đình công, thì họ bị giết hết, và xác của họ bị chất lên xe lửa và bị chở trong đêm tối một cách bí mật đến một nơi khác để phi tang. Có một nhân chứng, một công nhân sống sót, đã thấy tất cả sự thật này, nhưng nhân chứng ấy chỉ có một mình, nên không thể thuyết phục ai tin vào sự thật khủng khiếp ấy. Mọi người đều cho rằng không hề có cuộc đình công nào cả, và những thế hệ sau của trẻ em sẽ được học trong sử ký rằng chẳng hề có cuộc đình công nào, chẳng hề có cuộc thảm sát nào, và thậm chí cũng chẳng hề có cái đồn điền trồng chuối nào ở đó cả. Nói tóm lại, những người dân ở đó có thể xem những điều phi hiện thực là hiện thực, nhưng chính họ lại xem những điều có thật trong hiện thực là những điều không hề có, bởi họ bị đánh lừa bởi một hệ thống chính trị gian manh.

Chi tiết ấy đã làm tôi sởn tóc gáy và mang một ấn tượng mạnh trong tâm trí. Nó làm tôi nghĩ đến sự đánh tráo lịch sử, biến không thành có, biến có thành không, của những chế độ độc tài, gian manh và phi nhân, như chế độ hiện hành ở Việt Nam chẳng hạn, với cái gọi là lịch sử của họ chỉ toàn là những điều dối trá được đánh tráo vào để thay cho những sự thật bi thảm, những sai lầm và những tội ác khủng khiếp của họ.

Nói tóm lại, về tài năng văn chương của Gabriel García Márquez thì tôi vô cùng khâm phục. Tuy nhiên, tôi không bao giờ tán thành cái thái độ chính trị đạo đức giả của Gabriel García Márquez vì ông ấy đã không ngừng ủng hộ và bào chữa cho những tội ác của nhà độc tài Cộng Sản Fidel Castro.

Nhà thơ kiêm nhà vận động nhân quyền Armando Valladares, người đã bị chế độ Fidel Castro cầm tù từ năm 1960 đến năm 1982, đã có vạch ra những hành vi của García Márquez mà ông cho là tội ác. Ông cho rằng nếu García Márquez kết thân với Fidel Castro và bào chữa cho những tội ác của Fidel Castro, thì García Márquez cũng là kẻ tòng phạm, nhúng tay vào những tội ác đó.

Armando Valladares thuật lại rằng chính ông và ông thị trưởng của Miami là ông Xavier Suarez, đã bảo lãnh một phụ nữ Cuba (thư ký riêng của García Márquez) từ Colombia sang Mỹ, sau khi bà ấy từ Cuba sang Colombia làm việc và trốn lại ở đó để đào thoát. Theo Armando Valladares thì bà thư ký riêng của García Márquez đã kể lại rằng mỗi lần García Márquez đến Cuba thì được Fidel Castro tiếp đón rất vương giả. García Márquez có nhà riêng ở Cuba, nơi đó García Márquez sống với một tình nhân rất trẻ tên là Blanquita, tuổi chỉ bằng cháu nội của García Márquez. Fidel Castro còn tặng cho García Márquez một chiếc xe hơi Mercedes-Benz màu trắng, và thỉnh thoảng Fidel Castro ghé thăm và uống rượu García Márquez ngay cả vào những lúc rất khuya, quá nửa đêm.

Chính vì được hưởng những đặc quyền đặc lợi do Fidel Castro ban phát, nên García Márquez đã thoả hiệp với Fidel Castro. Ông không bao giờ chịu ký tên vào những  bản tuyên bố chung của các nhà văn quốc tế lên án Fidel Castro và đòi hỏi Fidel Castro trả tự do cho những nhà văn và nhà báo bị chế độ của Fidel Castro giam cầm.

Armando Valladares còn kể lại một câu chuyện ghê gớm rằng Ricardo Bofill, một nhà bất đồng chính kiến và vận động nhân quyền ở Cuba, một lần nọ đã nhờ ông Colin McSeveny (phóng viên của Reuter) lén dắt vào khách sạn để gặp riêng với García Márquez, khi García Márquez vừa vào đó để uống rượu. Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đó, Ricardo Bofill vì tin tưởng vào nhân cách của một danh nhân như García Márquez, nên đã trao cho García Márquez một bộ hồ sơ về thực trạng đàn áp trí thức ở Cuba. Vài tuần sau đó, công an Cuba đã ập đến nhà bắt nhốt Ricardo Bofill. Khi Ricardo Bofill bị đem ra hỏi cung, thì trên bàn của công an đã có sẵn bộ hồ sơ mà chính Ricardo Bofill đã trao cho García Márquez. Nghĩa là chính García Márquez đã đem bộ hồ sơ ấy giao cho công an để công an đến bắt Ricardo Bofill.

García Márquez còn ngoảnh mặt làm ngơ cả khi chế độ Cộng Sản Cuba xử tử hình những người vô tội. Tháng 3 năm 2003, nhà nước Fidel Castro bắt giam 78 người bất đồng chính kiến và tuyên án họ từ 12 đến 25 năm tù, trong đó có một người bị bắt chỉ vì đã sở hữu một máy thu băng Sony. Ngay sau đó, nhà nước Fidel Castro còn ra lệnh tử hình 3 cậu bé vì tội âm mưu dùng bè để vượt biển trốn khỏi Cuba.

Trong lúc những bản án và lệnh tử hình này đang gây chấn động trong dư luận khắp thế giới, thì ở Columbia có Hội Chợ sách Bogotá. Tất cả những nhà văn ở Hội Chợ đó đều ký tên vào kháng thư, nhưng tất nhiên García Márquez đã không chịu ký và José Saramago (Nobel Văn Chương 1998) cũng không chịu ký. Nhà văn Hoa-kỳ Susan Sontag giận dữ tuyên bố: "Giờ đây tôi đã thấy một người tự xưng là Cộng Sản như José Saramago cũng bao che cho những tội ác man rợ ở Cuba." Và bà nói thêm: "Còn García Márquez sẽ nói gì? Ông ta sẽ không nói gì cả. Tôi không thể bào chữa giùm cho thái độ đó của ông ta. Giá trị tiếng nói của ông ta có thể giúp cho rất nhiều người đang tranh đấu. Ông ta là nhà văn lớn nhất của đất nước này và tôi rất ngưỡng mộ ông ta, nhưng thái độ câm nín của ông ta đối với những bản án của nhà nước Cuba thì không thể nào tha thứ được." García Márquez đã đáp lại một cách gỡ gạc rằng: "Tình bạn của tôi với Fidel Castro sẽ cho phép tôi giúp những người đó được trục xuất khỏi Cuba". Nhưng Susan Sontag cho rằng lối trả lời của García Márquez là "yếu đuối và khôi hài."

Mà có lẽ sự thật là García Márquez cũng đã chẳng hề "giúp" cho những người bất đồng chính kiến ở Cuba "được trục xuất". Một trong những vụ nổi tiếng là vụ nhà thơ Heberto Padilla bị nhà nước Cộng Sản Cuba bắt giam vào tháng Ba năm 1971 và bị tra tấn suốt cả tháng trời. Nhà văn Peru, ông Mario Vargas Llosa (Nobel Văn Chương năm 2010), lúc ấy có tung ra một kháng thư, với chữ ký của hàng chục nhà văn nổi danh trên thế giới, trong số đó có Julio Cortázar, Susan Sontag, Jean-Paul Sartre, v.v., để phản đối hành động ô nhục của nhà nước Cộng Sản Cuba, nhưng García Márquez đã không chịu ký tên chung vào kháng thư ấy. Cuối cùng, vì áp lực của dư luận trí thức quốc tế, chế độ Cộng Sản Cuba đành thả Heberto Padilla ra khỏi tù, nhưng tiếp tục quản chế. Sống không nổi dưới sự quản chế, Heberto Padilla đã viết đơn xin rời khỏi Cuba để sang Mỹ định cư, nhưng nhà nước Cộng Sản Cuba vẫn không cho ông ra đi. Heberto Padilla có nhờ García Márquez giúp đỡ, nhưng García Márquez từ chối. Chưa đủ, García Márquez còn khuyên Heberto Padilla rằng đừng đi ra khỏi Cuba "vì những thế lực thù địch sẽ lợi dụng sự ra đi của Heberto Padilla để tuyên truyền chống Fidel Castro."

Cuối cùng, năm 1980, dưới sức ép của dư luận trí thức quốc tế, nhà nước Cộng Sản Cuba cũng chấp nhận để cho Heberto Padilla ra đi. Năm 1989, Heberto Padilla đã kể lại tất cả những chi tiết này trong cuốn hồi ký La mala memoria (bản dịch tiếng Anh có nhan đề là Self Portrait of the Other) của ông.

Để mô tả thái độ chính trị của Gabriel García Márquez, Mario Vargas Llosa đã dùng nhóm chữ "con điếm hạng sang của Fidel Castro" ("a courtesan of Fidel Castro"). Thật chí lý.

Tuy nhiên, bây giờ, khi Gabriel García Márquez đã qua đời, chúng ta nên đánh giá ông như thế nào?

Tôi thiết nghĩ rằng chúng ta nên đánh giá chuyện gì ra chuyện đó. Chúng ta nên phân biệt rành mạch giá trị văn chương và thái độ chính trị. Nhà báo Charles Lane đã mô tả Gabriel García Márquez rất chính xác như là "một kết hợp kỳ dị của sự sáng chói về văn chương và sự thối nát về chính trị" (the weird blend of literary brilliance and political rottenness).

Năm 1990, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Paris Review, khi được hỏi về Gabriel García Márquez, Mario Vargas Llosa nói:

"Chúng tôi từng là bạn; chúng tôi là hàng xóm với nhau suốt hai năm ở Barcelona, sống trên cùng một con đường. Sau đó, chúng tôi xa rời nhau vừa vì lý do cá nhân vừa vì lý do chính trị. Nhưng nguyên nhân ban đầu của sự xa cách là một vấn đề cá nhân không hề liên quan gì đến những niềm tin ý thức hệ của ông ấy — một thứ ý thức hệ mà tôi cũng không tán thành. Tôi cho rằng văn chương của ông ấy và quan điểm chính trị của ông ấy không có cùng một giá trị. Hãy chỉ nói rằng tôi hết sức khâm phục tác phẩm của ông ấy như một nhà văn. Như tôi đã nói, tôi từng viết một cuốn sách dày 600 trang về tác phẩm của ông ấy. Nhưng tôi không tôn trọng ông ấy lắm, về tính cách cũng như về những niềm tin chính trị của ông ấy mà tôi thấy có vẻ như không nghiêm túc. Tôi nghĩ những thái độ chính trị của ông ấy mang tính cơ hội chủ nghĩa và cầu danh."

Mario Vargas Llosa đã gọi Gabriel García Márquez là "con điếm hạng sang của Fidel Castro", nhưng sau đó ông vẫn xuất bản cuốn tiểu luận García Márquez: Historia de un decidio, trong đó ông ca ngợi giá trị văn chương của những tác phẩm của Gabriel García Márquez. Khi nghe tin Gabriel García Márquez mất, Mario Vargas Llosa đã phát biểu trên báo El País ở Madrid"Một nhà văn vĩ đại đã qua đời. Tác phẩm của ông đã giúp cho văn chương tiếng Tây-ban-nha được quảng bá và sáng giá. Những cuốn tiểu thuyết của ông sẽ làm ông sống mãi và sẽ tiếp tục được độc giả khắp nơi ái mộ." ["Ha muerto un gran escritor cuyas obras dieron gran difusión y prestigio a la literatura en lengua española en todos los países del mundo. Sus novelas sobrevivirán e irán ganando lectores por doquier."]

Gabriel García Márquez đã qua đời, những cuốn sách của ông để lại cho thế giới sẽ mãi mãi là những tác phẩm văn chương bất hủ. Những hành vi chính trị sai lầm tệ hại của ông cũng sẽ còn lại trong sử sách để hậu thế suy ngẫm.

 

==========

Tham khảo:

Armando Valladares, "García Márquez: Castro Stooge"National Review Online, 21.4.2014.

Charles Lane"Gabriel García Márquez was a gifted writer but no hero"The Washington Post, 24.4.2014

Elizabeth Llorente, "Amid Praise For Gabriel Garcia Marquez, Criticism Over His Bond With Fidel Castro", Foxnews Latino, 18.4.2014.

Enrique Krauze, "In the Shadow of the Patriarch"New Republic, 23.10.2009

Mario Vargas Llosa, "Nghệ thuật văn chương hư cấu [II]"Tiền Vệ, 11.10.2010.

Nguyễn Hưng Quốc, "Nghĩ thoáng khi nghe Gabriel García Márquez qua đời"Tiền Vệ, 21.4.2014

Valerie Miles, "Nobel laureate, magical realist author Gabriel García Márquez dies"Aljazeera America, 17.4.2014

Winston Manrique Sabogal, "Muere Gabriel García Márquez: genio de la literatura universal"El País, 17.4.2014

Nguyễn Lân Thắng : Thế nào là một phía?

Nguồn rfablog
Tue, 04/29/2014 - 00:21 — nguyenlanthang

Ngày 28 tháng 4 năm 2014 lúc 23:39 tờ Quân Đội Nhân Dân có bài của trung tá Nguyễn Văn Minh, một cây bút chuyên nghiệp của bộ máy tuyên huấn Quân uỷ Trung ương với tựa đề: Điều trần… một phía, làm sao khách quan?

Trước tiên, phải nói rõ vai trò Quân ủy Trung ương là cơ quan lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, thể hiện quan điểm Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. Tuy phạm vi trách nhiệm chỉ trong quân đội, nhưng với mục tiêu hàng đầu là bảo vệ Đảng, cho nên người ta thấy những cây bút như Nguyễn Văn Minh luôn xuất hiện để bênh vực cho Đảng CSVN mỗi khi bên ngoài xã hội xảy ra bất cứ chuyện gì bất lợi cho Đảng. Mang tiếng là một sĩ quan quân đội của Nhân Dân, nhưng chúng ta chưa hề thấy Nguyễn Văn Minh một lần nào viết bài bênh vực cho chính những người bộ đội phục viên hay thanh niên xung phong bị cưỡng chế đất... chưa nói đến những trường hợp oan sai khác như ông Nguyễn Thanh Chấn - Bắc Giang... hay chuyện bất công xảy ra với người dân mà nhiều tờ báo khác phải lên tiếng bênh vực cho họ.

Cái tên Nguyễn Văn Minh bắt đầu được biết đến từ năm 2011 khi còn là đại úy với những bài viết thóa mạ lòng yêu nước của những người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược trên blog Yahoo, vậy mà đến năm 2014 đã là trung tá! Lạ quá... chiến công nào đây giữa thời bình mà được thăng quân hàm còn nhanh hơn thời chiến, hay chỉ nhờ những bài viết như vậy? Bài viết mới đây của Nguyễn Văn Minh trên báo Quân đội Nhân dân nhằm chỉ trích những blogger, nhà báo tự do đến Hoa Kỳ để tham dự buổi điều trần về tự do báo chí nhân ngày Tự Do Báo Chí thế giới, rằng họ là những kẻ "cơ hội chính trị", là những kẻ "truyền bá, phát tán những thông bịa đặt, xuyên tạc, chống đối chính quyền". Vậy thử hỏi viết để thăng quân hàm vượt cấp có phải là "cơ hội chính trị" không?! Dân oan mất đất đang lê la đầy đường ở đâu ra?! Người dân chết trong đồn công an ở đâu ra?! Trẻ con chết vì vacxin và bệnh dịch sởi la liệt ở đâu ra?!... có là thánh cũng không thể phủ nhận những chuyện như vậy chứ đừng nói là ai xuyên tạc cho được!

Càng viết, Nguyễn Văn Minh càng bộc lộ một trình độ hiểu biết của một con ếch nhựa rơi dưới cống. Chẳng hạn như Nguyễn Văn Minh cho rằng Hoa Kỳ cho những người kia điều trần là từ một phía, là không khách quan. Vậy thử hỏi, nếu giả sử một trong những người đó chính thức viết bài phản biện lại bài viết của Nguyễn Văn Minh, liệu báo Quân đội Nhân dân hay 700 tờ báo ở Việt Nam có tờ nào dám đăng?! Riêng câu hỏi này thôi đã khiến bài viết của Nguyễn Văn Minh trở thành ngờ ngệch, đáng thương!

Thứ hai, Nguyễn Văn Minh ngồi trong cái đáy giếng làng, cứ ngỡ thế giới cũng tròn như giếng làng mình, cứ chém gió chuyện đông chuyện tây như thật, cứ nghĩ thiên hạ bây giờ vẫn còn ở cái thời chỉ biết nghe mỗi cái loa rỉ treo trên cây đa đầu xóm. Đọc một bài viết mà lời lẽ hùng hồn như một bản cáo trạng, nhưng kỳ thực là trung tá Nguyễn Văn Minh phải đợi bài viết của một kẻ lưu vong đã thay tên đổi họ như John Lee viết ra xong, mới dựa vào đó để hùa theo chốt hạ. Lẽ ra Nguyễn Văn Minh và John Lee phải thấy nhục nhã tại sao một cây viết ''chính thống'' như mình và một đồng bọn là chủ bút tờ báo tại Mỹ lại không được mời mới phải chứ.

Nguyễn Văn Minh đã nói rằng những nhà báo độc lập kia là những kẻ cơ hội chính trị, trong nước thì viết bài xuyên tạc tình hình đất nước và giờ ra nước ngoài tiếp tục xuyên tạc bịa đặt về tự do báo chí. Vậy tại sao ngay phóng viên có thẻ nhà nước cấp như hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long (VOV) bị công an đánh tơi bời khi tác nghiệp ở Văn Giang nhỉ? Tại sao phóng viên Thế Dũng (Lao Động) lại bị hành hung khi tác nghiệp ở nơi buôn lậu gia cầm nhỉ? Tại sao hai phóng viên là Nguyễn Duy Long và Trần Văn Dương (VTC16) lại bị chức sắc thôn truy sát khi tìm hiểu về dồn điền đổi thửa nhỉ? Đấy có phải là tự do báo chí không hả ông trung tá nhà báo quân đội? Rồi còn nhiều cây bút tự do trong nước đã phải nhận những bản án tù khắc nghiệt như Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần của nhóm CLB nhà báo tự do hay những cây bút độc lập như Phạm Viết Đào, Phạm Chí Dũng, Trương Duy Nhất... những người đến Mỹ biết trước hậu quả họ có thể gánh chịu, nhưng họ vẫn kiên định cất tiếng nói của mình. Họ có là kẻ cơ hội không khi dám chọn phần thiệt về mình chỉ để nói lên sự thật?

Nực cười nữa là Nguyễn Văn Minh còn bày cách cho nước Mỹ phải hỏi nghị sĩ này, phải hỏi nghị sĩ kia thì mới khách quan, mới trung thực. Nếu chính phủ Mỹ dại đến mức phải để cho một trung tá nhà báo của một tờ báo chả ai đọc như Nguyễn Văn Minh chỉ lối như vậy thì tốt nhất chính phủ Việt Nam cũng nên quên đi việc hợp tác kinh tế TPP hay lời mời tổng thống của bọn hâm ấy làm gì, nên mời Kim Jong Un thì hơn./.

Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Kỷ niệm 30/4 Nhà cầm quyền Đà Nẵng cho dân oan Cồn Dầu ăn thịt lừa

Nguồn danlambao

Cồn Dầu (Danlambao) - Như một kế hoạch để lập thành tích mừng ngày 30 tháng 4, nhà cầm quyền Đà Nẵng đã dàn xếp từ đầu tháng để lừa dân oan Cồn Dầu từ Hà Nội ngoan ngoãn về Đà Nẵng chờ đợi biện pháp giải quyết. Nhưng nay nhà cầm quyền trở mặt tiếp tục đẩy dân oan cồn dầu vào cảnh khốn cùng.

Suốt gần 5 năm qua kể từ khi mảnh đất Cồn Cầu trở thành mục tiêu của nhà cầm quyền, họ đã phải từng ngày đấu tranh để giữ lại mảnh đất là nơi chôn rau cắt rốn của người Cồn Dầu. Biết bao nhiêu cảnh tang tóc ly tán đã xảy ra, biết bao gia đình nhà tan cửa nát không nơi nương tựa.Chỉ trong năm 2013 và 2014 từng ngôi nhà của người dân Cồn Dầu bị đập tan nát, một làng cồn dầu yên bình giờ trở nên hoang tàn đổ nát.

Trước tình cảnh đó, vào cuối năm 2013, gần 100 dân oan Cồn Dầu đã cùng nhau ra thủ đô Hà Nội để kêu cứu đến chính phủ. Cũng như những dân oan ở nhiều nơi khác, họ cũng chỉ hy vọng nhà cầm quyền thấu hiểu cho nỗi khổ của nhân dân mà giải quyết cho thấu đáo, đặt lợi ích nhân dân lên đầu. Nhưng suốt 5 năm đấu tranh vẫn chưa ló lên cho họ một tia hy vọng. Những tháng đầu năm 2014 nhà cầm quyền đã liên tục cưỡng chế nhà của những gia đình còn kiên cường bám trụ ở lại, đẩy người dân vào cảnh vô gia cư, họ lại tiếp tục khăn gói lên đường ra Hà Nội để kêu cứu đến chính phủ.

Suốt mấy tháng trời ăn sương nằm đất ở nơi đất khách quê người, nhưng mọi việc dường như vẫn một màu đen. Cho đến ngày 5.4, bỗng dưng đoàn thanh tra thành phố Đà Nẵng yêu cầu một buổi làm việc cùng bà con dân oan Cồn Dầu vào ngày 8 tháng 4 tại văn phòng chính phủ. Nghe đến cuộc gặp này bà con cũng không mấy tin tưởng và hy vọng gì, bởi vì bà con đã quá mất tin tưởng vào nhà cầm quyền Đà Nẵng, nhưng còn nước còn tát nên bà con vẫn đồng ý gặp đoàn thanh tra Đà Nẵng.

Vào ngày 8 tháng 4 năm 2014, như đã hẹn, bà con đã gặp gỡ đoàn thanh tra thành phố Đà Nẵng tại văn phòng tiếp dân của chính phủ, nhưng qua cuộc gặp này mọi việc vẫn không thay đổi, Nhà cầm quyền vẫn giữ quyết định cưỡng chết tất cả các gia đình còn ở lại. Vậy là cái tia hy vọng vừa được lóe lên lại bị dập tắt ngay tức thì. Sau cuộc gặp đó, bà con tiếp tục ở lại Hà Nội để khiếu kiện và kêu oan, không những thế, bà con dân oan Cồn Dầu dự định sẽ tiếp tục có thêm người từ Cồn Dầu ra nữa và sẽ có cả trẻ con lẫn người già.

Những tưởng nhiệm vụ của đoàn thanh tra Đà Nẵng đến đó là hết, nhưng không, đoàn thanh tra vẫn không chịu về mà còn ở lại để toan toan mưu lập kế đưa bà con Cồn Dầu về Đà Nẵng. Vào ngày 10 tháng 4 nhà cầm quyền điều một xe bus đến vườn hoa Mai Xuân Thưởng và ép bà con lên xe chở về văn phòng chính phủ, tại đây đoàn thanh tra đã chờ sẵn và thêm một lần nữa yêu cầu được làm việc với bà con Cồn Dầu, qua cuộc làm việc này, một lần nữa đoàn thanh tra Đà Nẵng lại mở cho bà con một cánh cửa hy vọng khi hứa sẽ tạm ngưng cưỡng chế trong tháng 4 cho đến tháng 5 sẽ có một cuộc đối thoại với bà con để giải quyết vụ việc.

Lời hứa đó không chỉ là hứa suông bằng miệng mà nhà cầm quyền đã có văn bản rõ ràng, ngày 8 tháng 4 năm 2014 trụ sở tiếp dân của chính phủ đã gửi công văn số 1204/TDTW (hình 1) cho UBND thành phố Đà Nẵng để yêu cầu UBND Đà Nẵng giải quyết dứt điểm nội dung khiếu kiện và kiến nghị của công dân. Để trả lời công văn ấy, ngày 11 tháng 4 năm 2014, UBND thánh phố Đà nẵng cũng đã gửi công văn số 2998/UBND-NCPC (hình 2) cho trụ sở tiếp dân của chính phủ tại Hà Nội, theo công văn này UBND thành phố sẽ tổ chức đối thoại xử lý, giải quyết theo quy định trong tháng 5 năm 2014 và trước mắt sẽ tạm dừng cưỡng chế cho đến khi thành phố tổ chức đối thoại.

Như vậy là đã có văn bản giấy trắng mực đen rõ ràng, nên bà con Cồn Dầu rất đỗi vui mừng và thu xếp ra về trong ngày 11 tháng 4 để chờ ngày đối thoại với thành phố trong tháng 5. Nhưng niềm vui ấy chưa được trọng vẹn, ngọn lửa hy vọng nhỏ nhoi ấy chỉ mới được nhóm lên thì đã bị nhà cầm quyền Đà Nẵng dội lên một chậu nước, họ đã bị nhà cầm quyền lừa cách trắng trợn. Nhà cầm quyền chỉ hứa để bà con thuận lòng mà rời khỏi Hà Nội và khi bà con về rồi thì liền trở mặt.

Trong công văn của UBND thành phố Đà Nẵng gửi trụ sở tiếp dân đã hứa hoãn cưỡng chế cho đến ngày đối thoại trong tháng 5, nhưng chỉ tròn 1 tuần sau khi bà con Cồn Dầu đã về Đà Nẵng thì nhà cầm quyền lại gửi giấy quyết định cưỡng chế số 444/QĐ-UBND (hình 3,4) đối với hộ Nguyễn Diệp và buộc phải thực hiện bàn giao đất trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận quyết định. Chưa hết, vào ngày 22 tháng 4 nhà cầm quyền tiếp tục gửi giấy quyết định cưỡng chế thêm 17 hộ dân nữa. Quả là thất vọng tràn trề, bà con đã biết mình bị lừa, hết sức uất ức nên đã tiếp tục khăn gói ra Hà Nội khiếu kiện. Nhưng lần đi này hết sức khó khăn, một người dân Cồn Dầu cho biết công an và an ninh theo dõi họ sát sao và tìm cách ngăn chặn không cho bà con ra Hà Nội, vậy nên bà con phải chia nhỏ ra. Hiện nay đã có 9 người dân Cồn Dầu có mặt tại Hà Nội và sắp tới sẽ có thêm nhiều người nữa khăn gói ra Hà Nội để tiếp tục đội đơn khiếu kiện.

Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, nhà cầm quyền HN xua quân vào đánh chiếm, vơ vét miền nam. Nhưng giờ đây, sau cái thành quả mà đảng cộng sản luôn bi bô rằng là thống nhất đất nước, là độc lập, tự do, hạnh phúc thì từ miền Trung Nam Bộ người dân lại khăn gói ra thủ đô ngàn năm văn hiến của nước "cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" để ăn sương nằm đất mà khiếu kiện, ôi thật là độc lập - tự do và hạnh phúc.






Phỏng vấn nhà báo Phạm Chí Dũng - Không thể treo cổ nền báo chí độc lập!

Nguồn diendanxahoidansu

Trần Quang Thành

WPLiên hiệp quốc lấy ngày 3 tháng 5 hàng năm làm Ngày Tự do báo chí thế giới. Nhân dịp này, năm nay tại Quốc hội Mỹ vào ngày 29/4 sẽ tổ chức buổi điều trần về tự do thông tin tại Việt Nam. Chủ đề buổi điều trần là "Media Freedom in Vietnam – Tình Hình Tự Do Báo Chí tại Việt Nam". Đây là một diễn đàn quốc tế để Quốc Hội, các tổ chức vận động cho tự do thông tin và các blogger trình bày về tình hình tự do báo chí, cũng như cùng thảo luận về các chính sách của Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ việc xây dựng xã hội dân sự tại Việt Nam.

Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhưng các báo cáo nhân quyền gần đây cho thấy nhà cầm quyền Hà Nội vẫn không ngừng sách nhiễu, đàn áp các quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin và rất nhiều các quyền căn bản khác của người dân. Việt Nam không có truyền thông độc lập hay tư nhân và nhà cầm quyền luôn tìm cách áp bức và giam cầm, bắt giữ các blogger và nhà báo độc lập khi họ phổ biến quan điểm của họ.

Trong phái đoàn các bloggers, nhà báo độc lập đến từ Việt Nam có 3 người bị cấm xuất cảnh đó là:

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng

Blogger Nguyễn Lân Thắng

Phóng viên độc lập Anna Huyền Trang

Nhân kỷ niệm Ngày tự do báo chí thế giới 3/5 và cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam, nhà báo Phạm Chí Dũng đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Trần Quang Thành.

Nội dung như sau. Mời quí vị theo dõi:

Trần Quang Thành (TQT): Xin chào nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng.

Phạm Chí Dũng (PCD): Xin chào nhà báo Trần Quang Thành. Sắp tới ngày 3-5 là ngày tự do báo chí của thế giới và các nhà báo độc lập trên thế giới, chúc anh một năm mới bình yên và độc lập hơn.

TQT: Thưa nhà báo Phạm Chí Dũng, như anh đã nói ngày 3-5 đã được Liên hiệp quốc chọn là ngày Quốc tế tự do báo chí. Anh đánh giá thế nào về ngày mà LHQ chọn?

PCD: Cảm xúc hơi khó tả. Vì với tôi từ trước tới giờ, những năm gần đây đã quen với ngày 21/6 là ngày nhà báo VN, và tôi nghĩ rằng có lẽ sẽ phải chuyển ngày 21/6 ngày nhà báo VN thành ngày 3/5. Đó là một sự chuyển biến từ một không gian không độc lập sang một không gian độc lập, vì ngày 3/5 là ngày nhà báo tự do của thế giới.

Một kỷ niệm mà tôi nhớ là vào ngày 3/5/2012, trên một diễn đàn quốc tế, Tổng thống Barack Obama đã vinh danh nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Mặc dù đối với nhiều tờ báo Đảng trong nước họ không quan tâm đến việc này và họ chưa từng xem Điếu Cày là một nhà báo chính danh. Với họ một nhà báo chính danh là người ít nhất phải có thẻ nhà báo được cấp bởi Bộ văn hóa thông tin trước đây và Bộ thông tin truyền thông ngày nay của chính quyền. Tất nhiên nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải không thể có cái thẻ như vậy rồi. Nhưng xét theo tiêu chí của nhà báo tự do quốc tế thì anh không cần có bất kỳ một thẻ nhà báo nào do Bộ thông tin truyền thông cấp. Vì vậy chúng ta có thể nói đó là sự vinh danh về tính độc lập của một nhà báo.

Bây giờ chúng ta cùng tranh luận thế nào là một nhà báo độc lập vì một nền báo chí độc lập. Một nhà báo độc lập trước hết phải độc lập đối với hệ thống định hướng tuyên truyền của nhà nước, của chính quyền, đặc biệt trong chính thể cầm quyền ở VN hiện nay. Đã quá lâu rồi Ban tuyên giáo trung ương, Bộ TTTT và các sở ban ngành thông tin ở các địa phương đã duy trì một hệ thống thông tin một chiều và chỉ có một chiều mà thôi, làm lụi tàn sáng tạo của các nhà báo chân chính – những nhà báo thực sự muốn có những sáng tạo độc lập, những phát kiến độc lập, những bài điều tra độc lập chống tham nhũng và nêu lên chính kiến của mình thể hiện quyền tự do phát biểu chính kiến, quyền tự do biểu đạt. Nhưng quá lâu rồi họ đã bị ngăn cản bởi hệ thống thông tin rất kinh viện, không những không đi sát và phản ánh thực tế đời sống của người dân mà còn né tránh xa rời nó giống như là một hệ thống thông tin đóng thùng vậy…

Trong khi đó các nhà báo độc lập có không gian hoạt động riêng và ít nhất là họ độc lập về mặt tư tưởng đối với nhà nước. Do sự độc lập về tư tưởng như vậy mà trong những năm qua đã có một số nhà báo lề phải của VN cũng cần được vinh danh không kém Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Đó là những nhà báo đã có những bài điều tra, mặc dù trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn, về nạn tham nhũng trong lĩnh vực ODA. Còn nhớ hồi năm 2008 hai phóng viên của báo Thanh Niên đã bị tù tội trong việc chống tham nhũng trong lĩnh vực ODA.

Tổ chức bảo vệ nhà báo thế giới (CPJ) đã xếp VN vào quốc gia đứng thứ ba về kỷ lục giam giữ các nhà báo. Có tới 18 nhà báo đang bị giam giữ trên toàn quốc và đó là một thành tích rất đáng không khích lệ, không khuyến khích được nền tự do báo chí ở VN. Cho dù điều 69 Hiến pháp 1992 và HP sửa đổi 2013 vẫn luôn luôn cho rằng báo chí ở VN có tự do, nhưng thực tế ở VN báo chí gần như không có tự do. Tôi muốn dùng chính xác cụm từ "gần như không có tự do". Tất nhiên các phóng viên có quyền sáng tác riêng, nhưng hầu hết các Ban biên tập lại bị chi phối bởi các cơ quan nhà nước cấp trên – là nơi mà những bài báo chân chính khó mà lọt được vào, khó có thể qua được sự kiểm duyệt vô hình được thiết lập từ trên xuống dưới.

Đó là vấn đề tôi muốn nên lên để trả lời câu hỏi của nhà báo Trần Quang Thành rằng ngày nhà báo tự do Quốc tế có ý nghĩa như thế nào. Và tôi muốn nêu một đề xuất nhỏ bé thôi, là đã đến lúc chúng ta – những người làm báo và những người viết báo chân chính – nên suy nghĩ để chuyển ngày nhà báo VN ngày 21/6 hàng năm sang ngày 3/5 là ngày nhà báo tự do Quốc tế, để cần có một sự tôn trọng đối với sự độc lập của nhà báo.

Dù sự chuyển đổi đó có thể làm mích lòng Ban tuyên giáo trung ương, Bộ TTTT hay là toàn bộ hệ thống TTTT một chiều của Đảng, nhưng bù lại nó vinh danh sự độc lập, tự do tư duy, tự do biểu đạt của các nhà báo trong một xã hội khép kín, trong một chế độ chính trị khép kín . Điều đó cực kỳ cần thiết vì nó làm cho các nhà báo có không gian, có đất để sáng tạo. Sẽ có nhiều bài báo hay và thiết thực với dân chúng chứ không hẳn là chỉ thiết thực với chế độ chính trị.

TQT: Những người lãnh đạo của ĐCS VN nói rằng mở một cuộc vận động sâu rộng trong quần chúng là "đọc và làm theo báo", nhưng mà báo ấy là báo lề Đảng độc nói một chiều tư tưởng. Vậy theo anh thì làm sao chúng ta có thể thực hiện được điều đó?

PCD: Có một tiêu chí để chúng ta có thể phân định việc có nên đọc và làm theo báo đảng hay không. Báo chí được quyết định bởi cái gì? Về mặt nghiệp vụ thì đó là nội dung thông tin và số lượng phát hành và lượng tiêu thụ thực tế. Thế thì thử hỏi những tờ báo Đảng ở VN như Nhân dân, Quân đội nhân dân, Đại đoàn kết, Sài Gòn Giải Phóng ở Sài Gòn hay là Công an nhân dân của Bộ CA… có được lượng phát hành là bao nhiêu?

Tôi đơn cử tờ Nhân dân và QĐND hiện nay được phát hành "ấn", tức từ lâu lắm rồi những tờ báo này phát hành theo một hệ thống nội bộ các cấp ủy từ trên xuống dưới, thậm chí là bán "ấn" cho đến cấp ủy cơ sở phường xã địa phương. Nếu đằng thẳng ra thì bán được rất ít. Có thể thấy các báo Nhân dân, QĐND hầu như không xuất hiện trên các sạp báo ở ngoài đường. Có thể nói là tiêu chí của tờ báo phát hành có thành công hay không là có thấy tờ báo ấy xuất hiện trên các sạp báo bán lẻ ngoài đường hay không. Rất nhiều tờ báo đã xuất hiện, chỉ trừ các tờ báo Đảng. Theo tôi biết thì các tờ Nhân dân hay QĐND chỉ phát hành vài ba chục ngàn bản, mà đó là bán theo chỉ đạo của các cấp ủy ở trên tới các cấp ủy địa phương và các địa phương buộc phải mua. Nếu không có chỉ đạo thì có lẽ các địa phương sẽ rất tiết kiệm trong việc đặt mua báo Đảng.

Trong khi đó, số lượng phát hành của các tờ báo khác có vẻ gần gũi với quần chúng hơn như Thanh Niên là trên 300 ngàn bản, Tuổi Trẻ trước đây cũng trên 300 ngàn, gần đây mặc dù đã xuống thấp nhưng vẫn còn trên 200 ngàn, từ 200-250 ngàn. Số lượng này gấp gần 10 lần các tờ báo Đảng, cho thấy độc giả đang quan tâm đến những gì ? Họ quan tâm đến những vấn đề mà Thanh Niên Tuổi Trẻ đề cập gần với đời sống hơn hay họ quan tâm đến vấn đề ý thức hệ hay hệ thống Đảng trị ngự trên các tờ Nhân dân và QĐND? Điều đó cũng gián tiếp trả lời câu hỏi của anh TQT là người dân có nên làm theo báo Đảng hay không.

TQT: Với chế độ thực dân Pháp trước đây thì ĐCS đã giảng rõ rằng nó là thứ chủ nghĩa ngu dân vì nó chỉ rao giảng những gì có lợi cho chủ nghĩa tư bản. Nhưng thực tế trong chế độ thực dân Pháp cũng còn có báo tư nhân, cũng còn có tiếng nói của những nhà báo độc lập. Nhưng dưới chế độ của CS VN hiện nay thì chúng ta không ngu dân nhưng chỉ tuyên truyền độc đảng theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin, không được tự do báo chí, không có báo chí tư nhân. Vậy nên nỗi lo của người dân VN bây giờ là có lẽ báo chí dưới chế độ hiện giờ đang là ngu dân. Anh Phạm Chí Dũng nghĩ sao?

PCD: Thực ra nói VN không có báo chí tư nhân cũng không hẳn đúng đâu anh. Đã hơn 20 năm qua sau thời mở cửa kinh tế, báo chí tư nhân bắt đầu xuất hiện, từ những năm 1994-1995 dưới dạng phụ trương, phụ san của những tờ báo chính thống.

Nhưng chưa bao giờ nhà nước thừa nhận báo chí tư nhân về mặt hình thức, chưa bao giờ trong Hiến pháp và trong tất cả các văn bản pháp quy thừa nhận báo chí tư nhân. Báo chí chịu sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng và nhà nước, đó là nguyên tắc bất di bất dịch hiện nay. Nhưng mà có chút tréo ngoe thế này: cách đây mười mấy năm là đã có ít nhất vài chục tờ báo tư nhân ra đời, song song với hệ thống báo chí nhà nước hiện hành. Những tờ báo tư nhân này không được nhà nước chú ý bởi đó chỉ là những tờ báo thương mại thuần túy, những tờ báo mà người ta gọi là theo xu hướng cướp – giết – hiếp, chỉ tung ra những chiêu câu khách cực kỳ rẻ tiền để có thể bán báo và lấy quảng cáo mà thôi. Sự tồn tại của báo chí tư nhân trên bình diện như vậy vô hình chung làm cho cho nhà nước hài lòng nhưng cả một nền báo chí cảm thấy bị xúc phạm.

Vậy thì với vấn đề báo chí tư nhân hiện nay, chúng ta cần cái gì? Nền báo chí chính thống cần phải có tính độc lập của báo chí tư nhân, thể hiện quan điểm chính kiến độc lập của báo chí tư nhân về các vấn đề chính trị xã hội chứ không phải là cho ra báo chí tư nhân trá hình, bỏ mặc nó muốn làm gì thì làm và đẩy nền nhận thức và dân trí của xã hội xuống vực thẳm như tình trạng báo chí tư nhân hiện nay.

Theo quan điểm của tôi, với báo chí tư nhân hiện nay cho dù được hợp thức hóa thì tôi cũng không đồng ý, vì đó là nền báo chí tư nhân nhếch nhác tởm lợm với mọi thông tin câu khách cướp để bán báo thôi, mọi thông tin cướp – giết – hiếp thì làm sao mà người dân có thể chấp nhận được. Việc đọc và mặt bằng dân trí của người đọc bị tồi tệ hóa đi theo những thứ báo chí như vậy. Chính những tờ báo chí tư nhân cùng với một số báo chí nhà nước cùng hướng đến tôn chỉ cướp – giết – hiếp như vậy đã làm cho nền báo chí VN trở nên rất đáng xấu hổ.

Cái mà chúng ta cần đối với xã hội tương lai của VN là những tờ báo tư nhân có tiếng nói độc lập, với những nhà báo độc lập dám thể hiện quan điểm chính thống. Đó cũng là một vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang đặt ra đối với nhà nước VN. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị cũng đặt ra vấn đề là cần phải có truyền thông tư nhân, nhưng hơn hai chục năm qua thì Hiến pháp VN cũng như toàn bộ các văn bản, kể cả não trạng của tất cả giới chức cầm quyền VN, vẫn chưa thể bằng lòng với chuyện tồn tại song song một nền báo chí độc lập của tư nhân. Đó là một điều rất đáng tiếc. Nhưng tôi hy vọng trong những năm tới đây và không còn xa lắm, tiếng nói chính thức của các nhà báo độc lập sẽ được nâng lên và giới cầm quyền phải dần tôn trọng những tiếng nói độc lập đó hơn, và họ sẽ không thể dùng Ban tuyên giáo TW như là một hệ thống kìm kẹp tư tưởng hay một vòng kim cô về não trạng để có thể làm cho những nhà báo chân chính phải tắt tiếng.

TQT: Trên thực tế hiện nay ở nước ta đang song song tồn tại hai hệ thống báo chí mà người dân gọi là hệ thống báo chí lề Đảng và hệ thống báo chí lề dân, nhà báo PCD bình luận sao về vấn đề này?

PCD: Đó là vấn đề thú vị, vì ít nhất thể hiện rằng triết học nhị nguyên có cơ sở của nó. Triết học nhị nguyên có cơ sở của nó từ thời cổ đại mà cho tới thời cận đại và hiện đại vẫn mang giá trị phổ quát của nó. Lịch sử đã chứng minh rằng 98% các chế độ nhất nguyên trên thế giới đã xảy ra khủng hoảng chính trị và khủng hoảng quân sự liên tục, và đó là những chế độ dễ chao đảo nhất, dễ biến động biến loạn nhất, hết chiến tranh này đến nội chiến khác. Trong khi đó phần lớn chế độ dân chủ chấp nhận nhị nguyên và đa nguyên thì ít có xáo động, ít biến loạn xã hội. Điều đó cũng liên quan trực tiếp đến vấn đề truyền thông và báo chí, có nghĩa là nếu chỉ duy trì cái nhìn một chiều, tư tưởng một chiều nhất nguyên thì không thể có sự sáng tạo được. Đến lúc nào đó theo quy luật áp bức về tư tưởng thì chủ nghĩa nhất nguyên sẽ gây một sức nén, một sự đàn áp về tư tưởng với xã hội đủ lớn, để trước hết là những tầng lớp dưới đáy xã hội phản ứng, sau đó là tầng lớp trí thức, khiến xã hội rơi vào trạng thái biến loạn thường xuyên và liên tục.

Như vậy việc hình thành truyền thông lề trái hay còn gọi là lề dân, hay còn một cụm từ khác mới sau này là truyền thông xã hội, là việc chuyển đổi tuân theo quy luật chuyển hóa từ lượng sang chất và chuyển hóa từ tư tưởng nhất nguyên sang tư tưởng nhị nguyên, thể hiện ở ít nhất hai hệ thống thông tin chứ không phải là chỉ một hệ thống.

Ở VN cho tới giờ có một điều cũng đáng mừng là 1/3 dân số đã biết sử dụng Internet trong đó có tôi (tôi thuộc số người có lẽ là chậm tiến nhất vì chỉ gần đây mới biết sử dụng Internet). Nhưng phần lớn người sử dụng Internet không biết cách vượt tường lửa để vào những hệ thống thông tin đa đạng của truyền thông xã hội, nên hiệu quả của truyền thông xã hội ở VN hiện nay là không lớn, khá ngược lại với hiệu ứng của truyền thông xã hội VN đối với dư luận và tâm lý người VN ở hải ngoại, bởi họ không phải vượt bức tường lửa mà vẫn có thể vào đúng trang thông tin xã hội để đọc.

Nhưng vượt bức tường lửa ở VN là khá khó khăn. Đó cũng là một trong những yêu cầu đối với các quốc gia trong những kỳ kiểm điểm phổ quát về nhân quyền, là phải ngay lập tức hủy bỏ chế độ rào chắn tường lửa đối với các thông tin trên Internet. Nhưng cho đến giờ thì đại đa số các trang gốc của truyền thông xã hội vẫn bị ngăn chặn một cách rốt ráo. Tuy chưa có con số thống kê chính thức, nhưng người ta cho rằng hàng năm nhà nước phải bỏ ra một số tiền rất lớn để duy trì cơ chế chặn các bức tường lửa như hiện nay, và duy trì một con số lớn có lẽ đến hàng chục ngàn dư luận viên từ cấp TW đến cấp xã phường để có thể lung lạc tình hình tranh đấu trên mạng truyền thông. Điều này có thể có cơ sở vì Trung Quốc duy trì 2 triệu dư luận viên dùng từ tiền thuế của dân, làm tất cả để phục vụ hệ thống thông tin một chiều của Đảng. Lề dân ở VN cũng đang phải đối phó với thách thức như vậy.

Nhưng dù gì, đây là một triển vọng đáng mừng vì từ giữa năm 2011 đến nay, mới chỉ gần 3 năm mà hệ thống truyền thông của lề dân đã phát triển khá nhanh. Ở VN có ít nhất 20 trang web và blog đáng chú ý. Những trang tin tổng hợp cũng có, thông tin chuyên ngành cũng có và tập trung những cây viết có tên tuổi và viết ngày càng sắc sảo. Có những trang gần như một tờ báo, và nếu như có sự chuyển từ chế độ nhất nguyên sang nhị nguyên thì tôi tin rằng chỉ trong một sớm một chiều những trang Web đó sẽ trở thành những tờ báo có sức cạnh tranh đáng kể với những tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất ở VN hiện nay như Tuổi Trẻ, Thanh Niên. Còn đối với những tờ báo đảng như Nhân dân, QĐND thì chắc chắn là bị báo chí truyền thông xã hội vượt xa.

TQT: Ngày quốc tế tự do báo chí năm nay được ghi dấu bằng một sự kiện là một số dân biểu Hoa Kỳ, các tổ chức bảo vệ nhà báo và nhân quyền đã mời một đoàn những người làm báo ở VN qua Hoa Kỳ để mở cuộc vận động cho tự do báo chí ở VN. Ông đánh giá sao về sự kiện này?

PCD: Tôi thấy hình ảnh chị Kim Chi – nữ diễn viên điện ảnh có tiếng một thời – nở nụ cười tươi rói ở phi trường Dulles ở Washington DC, và tôi thấy nụ cười này nói lên tất cả, rằng mặc dù chị chưa bao giờ là một nhà báo, mặc dù chị chưa bao giờ là một blogger, nhưng mà chị đang tự do về tư tưởng và trên hết chị đang tự do về tâm hồn. Có lẽ chị biểu cảm cho điều mà người ta hay tuyên truyền ở VN là chỉ số hạnh phúc của người Vn đứng thứ nhì thế giới, nhưng có lẽ chỉ số đó chỉ biểu hiện ở ngoài biên giới VN mà thôi, chứ ở VN thì không thể được như vậy.

Ít nhất cũng có vài ba người, và tôi đang nghe là con số có thể lên đến 5 người đến được hội thảo báo chí về nền báo chí độc lập kỳ này tại Washington DC. Tôi cầu chúc họ thay mặt các nhà báo độc lập và kể cả các nhà báo lề phải ở VN, nói lên được tiếng nói chính trực và độc lập rằng nền báo chí độc lập ở VN có cần thiết hay không và cần thiết ở mức độ nào, nếu cần thiết thì phải làm gì để xây dựng nền báo chí độc lập ấy, phải làm gì để nền báo chí độc lập của VN không bị treo cổ.

TQT: nhà nước VN nói rằng ở VN báo chí rất là tự do. Họ còn khoe là có khi báo chí VN tự do nhất thế giới, chuyện đi lại của người dân rất được tôn trọng. Nhưng trên thực tế, trong thời gian gần đây những nhà báo không nói lên ý của Đảng đều bị trù dập, bị cản trở xuất ngoại. Anh là một điển hình của hai lần liên tiếp bị cản trở, từ lúc bị cản trở dự UPR tháng 2/2014 cho đến lần này lại đang bị cản trở, không biết có khắc phục được cản trở để dự hội thảo vấn đề tự do báo chí vào ngày 29/4 và ngày 3/5 sắp tới tại Hoa kỳ. Nhà báo Huyền Trang của Dòng chúa cứu thế cũng bị chặn ở sân bay. Ông Nguyễn Lân Thắng, người có nhiều tập ảnh chụp cung cấp cho các trang tin quốc tế, cũng bị chặn không được đi tiếp. Anh nghĩ sao về những lời nói và việc làm cản trở của nhà nước VN đối với những nhà báo tự do?

PCD: Chính xác là họ đang cản trở chính họ. Chính xác là nhà nước VN đang có những động thái cản trở chính nhà nước VN trong việc hội nhập với thế giới. Và chính xác hơn nữa là nhà nước VN đang làm lùi đi bước tiến trong việc gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương TPP.

Về vấn đề TPP cũng như triển vọng làm đối tác chiến lược toàn diện với Hoa kỳ hay Hiệp định đa phương thương mại với Cộng đồng Châu Âu, tôi nghĩ rằng sau vài chục vòng đàm phán liên tục trong mấy năm vừa qua, nhà nước VN đã tiến khá gần cái đích mà họ mong muốn. Một trong cái đích họ đã đạt được chính là cái ghế trong Hội đồng nhân quyền LHQ. Nhưng quyền lợi cụ thể hơn phải nằm trong những hiệp định thương mại, kinh tế chứ không phải là những danh hiệu ảo. Vấn đề là nhà nước VN đang tự cản trở họ, vì đối với Phương tây không thể có TPP nếu không có nhân quyền – đó là điều kiện tiên quyết và đó cũng là một qui luật nhân quả đối với nhà nước VN, với những gì mà họ đã thể hiện trong ít nhất vài chục năm qua đối với cái được gọi là "nền tự do báo chí".

Việc ngăn cản đối với cá nhân tôi chỉ là việc rất nhỏ, nhưng qua đó cho thấy sự ngăn trở và ràng buộc đối với toàn bộ hệ thống tư tưởng của con người, của các công dân trong xã hội. Điều đó thể hiện ở sân bay, khi cô Huyền Trang không đi được, đòi có một biên bản và phải có lệnh cấm xuất cảnh, nhưng không những người ta không cung cấp cho cô mà còn kẹp cổ cô lôi ra ngoài. Người ta dùng luật rừng! Hình ảnh ấy cho tôi cảm giác tái hiện lại không khí và hình ảnh mà các nhân viên an ninh không mặc sắc phục bịt miệng Linh mục Nguyễn Văn Lý tại tòa trong một phiên xử. Một hình ảnh gây chấn động đối với thế giới và rất hay là một ai đó đã chụp được bức ảnh ấy, bức ảnh xuyên thế kỷ cho thấy quyền tự do chính kiến, quyền tự do biểu đạt và quyền được lên tiếng của người dân vẫn còn nằm trong bóng tối mà chưa hề được đưa ra ánh sáng. Cho đến khi nào mà nhà nước VN chưa chủ động đưa điều đó ra ánh sáng thì họ vẫn còn kìm kẹp chính họ, họ còn cản trở chính họ trên con đường tiến tới ít nhất là một mục đích rất sát sườn, rất thiết thân như TPP.

TQT: để có thể nhanh chóng có một nền báo chí tự do, có một nền báo chí của dân để nói lên tiếng nói của nhân dân mà không bị bịt miệng, không bị làm cho ngu dân thì chúng ta phải làm những công việc gì trước mắt?

PCD: Có nhiều động lực, động thái có thể dẫn đến một nền báo chí độc lập, nhưng phải mất thời gian khá lâu, đặc biệt là ở VN với những đặc thù chính trị. Nhưng rất may cho VN là có một nhãn tiền, một tiền lệ rất gần gũi với VN về địa lý, đó là Miến Điện. Ở Miến Điện, cho đến năm 2011 chẳng ai hy vọng gì. Ngay cả khi ông Thein Sein được ông Than Shwe nâng đỡ và trở thành tổng thống dân sự đầu tiên của Miến Điện đọc diễn văn nhậm chức, cũng chẳng mấy ai hy vọng đến những chuyển biến ngoạn mục sau này. Sau đó bắt đầu từ việc phóng thích lãnh tụ những đảng đối lập Aung San Suu Kyi và bắt đầu với việc thả người giống như VN cũng đang bắt đầu thả người.

Đến năm 2012 người ta mới bắt đầu chủ đề là phải có một nền báo chí tự do, và đầu tiên là hủy bỏ một sắc lệnh cấp tụ tập cấm biểu tình. Lúc đó dân chúng được thành lập hội, đi biểu tình thoải mái. Đến tháng 4 năm 2013 thì chính thức cho ra báo tư nhân ở Miến Điện – điều cực kỳ thú vị. Có những phóng viên bản địa ở Miến Điện khóc rưng rức khi nói chuyện với nhau và với phóng viên AFP, họ không thể tin nổi có một sự chuyển đổi kỳ diệu như thế từ một không gian bị bóp nghẹt, từ một không gian mà cuộc cách mạng áo cà sa bị đàn áp đẫm máu gần 10 năm trước đó. Toàn bộ hệ thống tư tưởng đều một chiều theo độc tài quân sự đã chuyển sang không gian mở để báo chí bắt đầu trở thành một công cụ của người dân chứ không chỉ là một công cụ của chế độ như trước đây.

Đó là bài học nhãn tiền cho VN, và tôi nghĩ rằng nó phụ thuộc đến 80% vào ý chí của giới lãnh đạo VN nếu họ nhìn nhận vấn đề Miến Điện là một bài học đáng giá cho họ và cũng là một lối thoát đối với họ. Họ nên mở ra một lối mở cho ít nhất là tự do báo chí. Vì khác với Miến Điện, ở VN đã có báo chí tư nhân rồi, mặc dù chỉ là báo chí tư nhân trá hình mà thôi nhưng dù sao hạ tầng cơ sở ở VN vẫn tốt hơn rất nhiều so với Miến Điện, cộng thêm chuyên môn nghiệp vụ của các nhà báo VN khá hơn rất nhiều so với các phóng viên ở Miến Điện. Đó là điều kiện rất cơ bản để nền báo chí VN phát triển được. Chỉ còn thiếu tự do tư tưởng nữa mà thôi. Nếu NNVN khắc phục chuyện đó và họ mở ra cái chuyện đó thì tôi tin là không chỉ kinh tế VN đi lên mà nền báo chí tự do cũng đi lên. Lúc đó sẽ không cần đặt ra vấn đề ý thức hệ hay định hướng, lề phải hay lề trái, lề Đảng hay lề dân nữa, mà tất cả sẽ cùng nhìn vào một hướng, đó là xây dựng một nhà nước pháp quyền và một xã hội dân sự tốt đẹp.

Tất nhiên đó là một điều kiện lý tưởng, mình mong muốn như vậy nhưng trong thực tế có lẽ phải kéo dài một số năm nữa cho tới lúc mà nhà nước VN cảm thấy quá khó, quá khó về kinh tế, quá khó về nội tình chính trị và về đối ngoại, buộc họ phải có thay đổi. Nhưng thay đổi sẽ khá chậm chạp.

Trong thời gian đó thì xã hội dân sự làm gì ? Trong xã hội dân sự, nền báo chí độc lập chiếm vai trò trọng yếu, cực kỳ xung yếu, nếu không muốn nói là quyết định trong thời gian 3 năm vừa qua, vì nếu không có truyền thông xã hội thì không biết bao nhiêu người dân đã tiếp tục âm thầm bị bưng bít thông tin và người VN hải ngoại cũng chẳng biết gì nhiều hơn. Nhưng vì có truyền thông xã hội và có thông tin trong nước đưa ra, có thông tin ngoài nước đưa vào nên mọi người có thể mở mắt và mở lòng được. Cuối cùng chỉ còn là tỷ lệ người vượt tường lửa sẽ tăng dần lên, lúc đó nền báo chí độc lập cũng như xã hội dân sự sẽ phát triển.

Tôi cho rằng không cần phải chờ sự thành tâm của nhà nước và của Đảng, mà xã hội dân sự phải chủ động để xây dựng một hệ thống báo chí độc lập. Hội thảo cũng như những vận động về báo chí độc lập ở VN diễn ra tại các cơ quan thông tấn cũng như là các địa điểm ở nước ngoài nên bàn về các mạng lưới dân sự độc lập, cũng như truyền thông quốc tế như tổ chức CPJ hay là Tổ chức phóng viên không biên giới nên có những động thái cụ thể hơn để hỗ trợ cho truyền thông VN trong thời gian tới bằng cách là đào tạo những nhà báo độc lập. Hiện nay vấn đề báo chí độc lập ở VN khủng hoảng về chuyên môn nghiệp vụ, cụ thể hơn là khủng hoảng về khả năng viết, rất thiếu, rất hiếm người viết và viết được đúng yêu cầu.

Đó chính là yêu cầu của nền báo chí độc lập VN trong thời gian tới. Ứng với tình hình và điều kiện trong tương lai mới thì phải có những con người mới, những cây viết sáng tạo. Tôi còn hy vọng đến lúc nào đó sẽ có những tờ báo chuyên nghiệp như là Le Monde của Pháp hay mang phong cách của những tờ báo Mỹ chuyên nghiệp như Washington Post, lúc ấy mới có thể đánh giá được sự thăng tiến của nền báo chí độc lập là như thế nào.

TQT: Xin cám ơn nhà báo Phạm Chí Dũng.