Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Lời tuyên bố công dân

Nguồn danlambao

Lê G. (Danlambao) - Rồi đây, khi chủ nghĩa tàn bạo này đã qua đi, những sử gia Việt Nam sẽ hân hoan viết vào Việt Sử ký dòng này: Ngày 25.02.2013, đầu xuân Quý Tỵ, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên đã đưa ra Lời tuyên bố công dân kết nối được hàng triệu trái tim của người Việt trong nước và khắp thế giới châm ngòi cho cuộc đấu tranh giữa bạo tàn và thiện lành, giữa độc tài và dân chủ, nhân quyền, giữa lòng tham và tình bao dung, giữa thù hận và yêu thương, giữa rã rời và kết đoàn. 

Vì sao tôi dám khẳng định điều đó? Đã có bao nhiêu người đã nằm trong tù, bao nhiêu người đã dũng cảm đấu tranh chống bạo quyền, và bao nhiêu người anh hùng hơn Nguyễn Đắc Kiên. Đúng, mỗi người trong số họ đều có thể là tấm gương sáng và là tinh thần của cuộc đấu tranh. Nhưng không ai trong số họ có lời tuyên bố công dân rõ ràng, mạnh mẽ, khúc chiết như Nguyễn Đắc Kiên:

Bây giờ, tôi trân trọng tuyên bố những điều tôi muốn: 

Tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp hiện hành, mà tôi muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến pháp mới thực sự là ý chí của toàn dân Việt Nam, không phải là ý chí của đảng cộng sản như Hiến pháp hiện hành. 

Tôi ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ các đảng cạnh tranh lành mạnh vì tự do, dân chủ, vì hòa bình, tiến bộ của dân tộc Việt Nam, không một đảng nào, lấy bất cứ tư cách gì để thao túng, toàn trị đất nước. 

Tôi không chỉ ủng hộ xây dựng một chính thể tam quyền phân lập mà còn muốn một chính thể phân quyền theo chiều dọc, tức là tăng tính tự trị cho các địa phương, xây dựng chính quyền địa phương mạnh, xóa bỏ các tập đoàn quốc gia, các đoàn thể quốc gia tiêu tốn ngân sách, tham nhũng của cải của nhân dân, phá hoại niềm tin, ý chí và tinh thần đoàn kết dân tộc. 

Tôi ủng hộ phi chính trị hóa quân đội. Quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào. 

Tôi khẳng định mình có quyền tuyên bố như trên và tất cả những người Việt Nam khác đều có quyền tuyên bố như thế. Tôi khẳng định, mình đang thực hiện quyền cơ bản của con người là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng; quyền này mỗi người sinh ra đã tự nhiên có, nó được nhân dân Việt Nam thừa nhận và tôn trọng; quyền này không phải do đảng cộng sản của các ông ban cho, nên các ông cũng không có quyền tước đoạt hay phán xét nó. Vì thế, tôi có thể xem những lời phán xét trên của ông, nếu có hướng đến tôi là một sự phỉ báng cá nhân. Và tôi cho rằng, những người nào chống lại các quyền trên là phản động, là đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, dân tộc, đi ngược lại xu hướng tiến bộ của nhân loại. 

Tôi dám khẳng định điều đó vì anh một con người lẻ loi, để chống lại cường hào đã dũng cảm đưa ra lời tuyên bố nói trên trong khi bao nhiêu nhân sỹ trí thức từ trước đến nay cũng chỉ mới đưa ra những thư Kiến nghị và Yêu cầu. Ý chí của anh còn nung nấu mãnh liệt trong bài thơ bi hùng Bởi vì tôi khao khát tự do: 


nếu một ngày tôi phải vào tù, 
tôi muốn được vào nhà tù Cộng sản, 
ở nơi đó tôi gặp những người ngay, 
ở nơi đó đồng loại tôi đang sống. 

nếu một ngày tôi phải vào tù, 
tôi muốn được vào nhà tù Cộng sản, 
ở nơi đó giam giữ Tự do, 
giam giữ những trái tim khao khát Sống. 

nếu một ngày tôi phải vào tù, 
tôi muốn được vào nhà tù Cộng sản, 
ở nơi đó giam giữ những nhà thơ, 
giam giữ kẻ ngủ hoang để thức tỉnh muôn đồng bào vô thức. 

bắt nhà thơ giam vào trong ngục tối, 
là mở ra ngàn thiên thể Tự do. 
bắt Tự do giam vào trong ngục tối, 
là mở ra ngàn thơ tứ Con người. 

nếu một ngày tôi phải vào tù, 
thì chắc chắn là nhà tù Cộng sản, 

bởi vì tôi khao khát Tự do. 


Lời tuyên bố công dân Nguyễn Đắc Kiên đã đi vào hồn Đất nước, vào lòng dân tộc. 

Vậy thì, tất cả chúng ta quên đi thù hận, quên đi ngăn cách, quên đi những mưu toan, quên đi những hèn nhát, quên đi những ích kỷ... để cùng nhau ra lời tuyên bố công dân sau đây (mong Dân Làm Báo phát động phong trào này): 


LỜI TUYÊN BỐ CÔNG DÂN 

Sát cánh bên Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, chúng tôi những con dân nước Việt Nam cùng ký tên dưới đây để tuyên bố: 

1. Chúng tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp hiện hành, mà chúng tôi muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến pháp mới thực sự là ý chí của toàn dân Việt Nam, không phải là ý chí của đảng cộng sản như Hiến pháp hiện hành. 

2. Chúng tôi ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ các đảng cạnh tranh lành mạnh vì tự do, dân chủ, vì hòa bình, tiến bộ của dân tộc Việt Nam, không một đảng nào, lấy bất cứ tư cách gì để thao túng, toàn trị đất nước. 

3. Chúng tôi không chỉ ủng hộ xây dựng một chính thể tam quyền phân lập mà còn muốn một chính thể phân quyền theo chiều dọc, tức là tăng tính tự trị cho các địa phương, xây dựng chính quyền địa phương mạnh, xóa bỏ các tập đoàn quốc gia, các đoàn thể quốc gia tiêu tốn ngân sách, tham nhũng của cải của nhân dân, phá hoại niềm tin, ý chí và tinh thần đoàn kết dân tộc. 

4. Chúng tôi ủng hộ phi chính trị hóa quân đội. Quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào. 

5. Chúng tôi khẳng định mình có quyền tuyên bố như trên và tất cả những người Việt Nam khác đều có quyền tuyên bố như thế. Chúng tôi khẳng định, mình đang thực hiện quyền cơ bản của con người là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng; quyền này mỗi người sinh ra đã tự nhiên có, nó được nhân dân Việt Nam thừa nhận và tôn trọng; quyền này không phải do đảng cộng sản của các ông ban cho, nên các ông cũng không có quyền tước đoạt hay phán xét nó. Vì thế, chúng tôi có thể xem những lời phán xét trên của ông, nếu có hướng đến chúng tôi là một sự phỉ báng cá nhân. Và chúng tôi cho rằng, những người nào chống lại các quyền trên là phản động, là đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, dân tộc, đi ngược lại xu hướng tiến bộ của nhân loại. 

Hãy chung tay để cho LỜI TUYÊN BỐ CÔNG DÂN này trở thành sợi dây bền vững kết nối hàng triệu triệu trái tim Việt Nam. 


Đồng Phụng Việt : Ép Đảng tự khỏa thân

Nguồn facebook dongphungviet


Cách nay vài tuần, sau khi đọc "Hiến pháp, những 'trò khỉ' và chuyện góp ý hay không" (1), một người bạn vong niên của mình dự đoán: Nếu số người ủng hộ "Kiến nghị 72" vượt qua mức 50.000, Đảng sẽ "tự khỏa thân". 

Mình thưa, mình cũng tin Đảng sẽ "tự khỏa thân" nhưng với những gì mình đã biết về Đảng, mình tin chỉ cần 20.000 cá nhân tuyên bố ủng hộ "Kiến nghị 72" là đủ để Đảng tự nhảy lên sàn, biểu diễn "thoát y vũ" rồi.

Hóa ra cả mình lẫn bạn mình đều sai! 

Tuần này, khi số người tuyên bố ủng hộ "Kiến nghị 72" chỉ mới tròm trèm 6.000, thời gian thu thập ý kiến đóng góp cho việc sửa đổi Hiến pháp vẫn còn tới một tháng nhưng cả bác Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư, lẫn bác Nguyễn Sinh Hùng – Chủ tịch Quốc hội đã toan "lột" nốt cái "quần đùi".

1.

Mình đoán, lúc tính tới trò "sửa đổi Hiến pháp", Đảng vẫn nghĩ qua trò đó, Đảng có thể vớt vát được một chút niềm tin, qươ quào được một chút uy tín để mua thêm thời gian, tìm cơ hội xoay chuyển hiện tình chính trị vốn đang càng ngày càng tồi tệ, nguy hiểm cho Đảng.

Đảng không nghĩ như vậy thì không có chuyện cuối năm ngoái, riêng trong ngày 28 tháng 12, bác Nguyễn Phú Trọng - lấy tư cách Tổng Bí thư - ban hành Chỉ thị 22 CT/TW, còn bác Nguyễn Sinh Hùng – nhân danh Quốc hội – ký Nghị quyết 38/2012/QH13, cùng yêu cầu tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho việc "sửa đổi Hiến pháp" trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, kể cả ý kiến của người Việt định cư ở nước ngoài. 

Chỉ thị 22 CT/TW do bác Trọng ký khẳng định, việc góp ý "sửa đổi Hiến pháp" là "nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp các ngành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân và cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân".

Tương tự, Nghị quyết 38/2012/QH13 do bác Hùng ký nhấn mạnh, việc góp ý "sửa đổi Hiến pháp" là "nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân"

Một ngày sau khi hai văn bản vừa dẫn được ban hành, bác Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, kiêm Trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tuyên bố thêm, nhân dân có thể góp ý về tất cả các nội dung trong Dự thảo Hiến pháp, kể cả "Điều 4", không có gì là cấm kỵ... 

Mình tin, lúc soạn kịch bản và khởi diễn, Đảng hoàn toàn không dè "dưới sự lãnh đạo vẻ vang của Đảng" lại có thể có tình huống kiểu như "Kiến nghị 72". Đảng cũng hoàn toàn không dè "dưới sự lãnh đạo vẻ vang của Đảng", tất cả những kẻ lên tiếng bảo vệ quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng trong đợt góp ý "sửa đổi Hiến pháp" lần này lại trở thành "bia", bị thiên hạ "bắn", đành "ngậm tăm", lãnh búa rìu dư luận.

Chính vì không dè nên bác Nguyễn Phú Trọng mới hoảng, bác Nguyễn Sinh Hùng mới hãi. 

Cuối cùng, cũng giống như hồi cuối tháng 12 năm ngoái, những ngày cuối tháng 2 này, bác Trọng quyết định ngưng "diễn", "xé" Chỉ thị 22 CT/TW bằng nhận định, những góp ý "sửa đổi Hiến pháp" là "suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức". Bác Hùng "vò" Nghị quyết 38/2012/QH13 bằng tuyên bố, việc góp ý "sửa đổi Hiến pháp" là lợi dụng để "tuyên truyền, vận động nhân dân chống lại đảng, chống lại chính quyền… phải kiên quyết đấu tranh và ngăn chặn".

2.

Khác với một số người, mình không tin chuyện tổ chức cho nhân dân góp ý "sửa đổi Hiến pháp" là một kiểu "khiêu khích chính trị", nhằm tìm - trị tất cả những người không chấp nhận sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng. 

Mặt khác, tuy chuyện Đảng tổ chức cho nhân dân góp ý "sửa đổi Hiến pháp" có đầy đủ dấu hiệu của một "trò khỉ" nhưng khác với nhiều người, mình không tin việc tuyên bố ủng hộ "Kiến nghị 72" là vô ích. Chuyện bác Trọng "xé" Chỉ thị 22 CT/TW, bác Hùng "vò" Nghị quyết 38/2012/QH13 trước thời hạn, cho thấy giá trị của "Kiến nghị 72". 

Mình tin, tâm tư của công chúng về hiện tình chính trị - kinh tế - xã hội, khát vọng thay đổi của họ,… khiến các bác lãnh đạo Đảng dao động. Các bác ấy chợt nhận ra rằng, mọi thứ đang vuột khỏi tầm tay của các bác ấy, nếu không lên tiếng răn đe ngay thì điều các bác ấy sợ nhất có thể thành hiện thực. Lượng người tuyên bố ủng hộ "Kiến nghị 72" có thể sẽ là 6 con số, 7 con số,… Thành ra các bác ấy đành chấp nhận tự thóa mạ chính mình. Tuy màn chưa khép, vở diễn đang dang dở nhưng vẫn muối mặt liếm lại những thứ đã… nhổ ra.

3.

Hôm nay, mình vừa viết vào sổ tay: 28 tháng 2 năm 2013, "dưới sự lãnh đạo vẻ vang của Đảng", chỉ 6.000 người mà có thể ép Đảng "tự khỏa thân". Nếu con số này tăng thêm, tôi hy vọng có thể thay sổ mới. 

28/02/2013 

(1) Hiến pháp, những "trò khỉ" và chuyện góp ý hay không
http://dongphungviet.wordpress.com/2013/02/08/hien-phap-nhung-tro-khi-va-chuyen-gop-y-hay-khong/

Trần V Hoàng – Phải chăng thời cơ đã đến?

Nguồn danluan

Trong bài "Thời cơ quyết định đã đến" đăng trên Danluan.org mới đây, Thanh Hương đã viết:

"Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa. Chưa bao giờ Tổ quốc đứng trước một cơ hội thay đổi tốt như bây giờ. Kinh tế, xã hội suy đồi làm lòng dân mong muốn thay đổi hệ thống chính trị thối nát này hơn bao giờ hết. Cái cần duy nhất bây giờ là một chữ THỜI. Thời cơ đó đang đến và phải đến. Nhưng đến nhanh hay chậm là do các lực lượng xã hội có mau chóng hướng đến một mục tiêu chung duy nhất hay không. Qui tụ được về mục tiêu này thì thời cơ đó sẽ đến ngay trong năm nay và làm cho chế độ toàn trị cộng sản sụp đổ, cải biến thành một chế độ dân chủ.

Đến hiện nay mục tiêu này đã hiển hiện rất rõ ràng và không gì có thể khác hơn là Quyền Con Người. Mục tiêu này không chỉ là nhu cầu chung của toàn nhân dân Việt Nam mà còn là sự ủng hộ quốc tế của nhân dân toàn thế giới tiến bộ, dân chủ và văn minh. Mục tiêu Quyền con người là hoàn toàn chính nghĩa và không thể bác bỏ ngay cả bởi chính quyền Cộng Sản. Các lực lượng đấu tranh vì dân chủ cho Việt Nam cần gác bỏ những bất đồng về quan điểm, chủ thuyết chủ nghĩa, tên gọi, quá khứ và cả sự thù giận để cùng bước đến một mục tiêu đấu tranh duy nhất là Quyền Con Người. Như vậy nước sẽ đổ về một chỗ, lòng dân sẽ hướng về một mục tiêu nên sẽ tạo ra một sức mạnh không có bất cứ súng đạn nào của cường quyền có thể thắng nổi. Sự ủng hộ và sức ép quốc tế sẽ tiếp thêm sức cho sức mạnh này tạo nên những làn sóng mãnh liệt.

Lâu nay chế độ toàn trị cộng sản duy trì được vì nó đã thành công trong việc phá vỡ sự kết hợp các lực lượng. Nhưng sẽ không có thế lực nào đủ sức ngăn chặn một mục tiêu chiến lược chung là quyền con người. Và khi mục tiêu đó có cơ hội để kết tinh vào một đòi hỏi duy nhất là quyền phúc quyết hiến pháp thì nó sẽ tạo nên một thời cơ tuyệt vời cho dân tộc đứng lên giành lại quyền làm chủ của mình."

Thực sự thì người Việt trong và nước đã rất chú trọng vào vấn đề nhân quyền và đã đấu tranh để đòi hỏi quyền làm người, hay bênh vực cho nhiều tù nhân lương tâm đã bị bắt giữ vì đã mạnh dạn đấu tranh đòi dân chủ và nhân quyền.

Gần đây nhạc sĩ Trúc Hồ và đài truyền hình SBTN ở California, Hoa Kỳ, cùng với những tổ chức khác đã đề xướng một thỉnh nguyện thư gởi lên tổng thống Mỹ, vào ngày 7 tháng Hai, năm 2012, để tố cáo những hành động vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam, và yêu cầu chính quyền Mỹ can thiệp cho những nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam hiện đang bị giam cầm chỉ vì thể hiện các quyền tự do đã được liệt kê trong bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền mà Việt Nam đã đồng ý ký kết và hứa hẹn làm theo. Số người tham gia ký thỉnh nguyện thư nầy đã lên đến hơn 150 ngàn.

Sau đó vào ngày 15 tháng 10, nhạc sĩ Trúc Hồ và đài truyền hình SBTN một lần nữa khởi động phong trào vận động nhân quyền "Triệu Con Tim – Một Tiếng Nói" và đạt cao điểm vào ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10/12/2012 với hai công tác cụ thể:

1. Gừi Thỉnh Nguyện Thư đến Liên Hiệp Quốc và chính quyền các nước tự do, với chỉ tiêu 100 ngàn chữ ký trên toàn thế giới khi chiến dịch kết thúc.

2. Gọi điện thoại và gởi fax đến các sứ quán CSVN để phản đối sự chà đạp nhân quyền của nhà cầm quyền CSVN.

Với sự tham gia tích cực của 118 đoàn thể, cộng đồng, chính đảng, và cơ quan truyền thông ở khắp mọi nơi, chiến dịch đã thu được hơn 135 ngàn chữ ký từ 61 quốc gia, trong đó có khoảng 6 ngàn chữ ký từ Việt Nam.

Trong khi những phong trào vận động quốc tế cho vấn đề cải thiện nhân quyền ở Việt Nam của đồng bào Việt Nam ở hải ngoại ngày càng có tổ chức và có sự tham gia đông đảo của quần chúng mà điển hình là hai sự vận động ở trên, thì ở ngay tại Việt Nam, khi mà sự đàn áp, bắt bớ giam cầm ngày càng nhiều và càng mạnh bạo, thì sự đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền ngày càng phát triển với sự tham dự đông đảo của mọi tầng lớp nhân dân. Từ những kiến nghị với con số vài trăm, rồi tiến lên hai, ba ngàn chữ ký gởi cho nhà cầm quyền Việt Nam, đến những lời kêu gọi cho dân chủ nhân quyền gởi đến mọi tầng lớp nhân dân, và gần đây nhất là kiến nghị sửa đổi hiến pháp được đề xướng bởi 72 nhân sĩ trí thức đã thu thập gần 6 ngàn chữ ký và ngày càng có nhiều người ủng hộ.

Ở đây chúng ta đã thấy một cách rõ ràng là những thỉnh nguyện thư được đề xướng ở hải ngoại đã được cả trăm ngàn người tham gia, ký tên ủng hộ. Một con số lớn hơn ở trong nước rất nhiều. Điều nầy cũng có nhiều lý do, nhưng tựu trung lại là nhờ phương tiện truyền thông và sự tự do bày tỏ nguyện vọng của mình mà không sợ bị trả thù, trong khi ở trong nước thì không một tờ báo nào đăng nội dung bản kiến nghị của 72 nhân sĩ trí thức. Không những vậy nội dung đúng đắn của bản kiến nghị còn bị tổng bí thư đảng cộng sản xuyên tạc và đe dọa.

Bản kiến nghị 72 nầy hình như không được biết đến và ủng hộ nhiều ở hải ngoại, có lẽ vì đối với nhiều người, họ còn e ngại khi phải đứng chung tên với những người chủ xướng đã có thời đứng ở chiến tuyến bên kia. Hay có những điều khoản trong bản kiến nghị không được chấp nhận bởi nhiều người Việt hải ngoại như tên nước, màu cờ, và bản quốc ca… Cái lý của những người không ký tên quả không sai. Nhưng nếu nghĩ cho cùng thì nội dung của cái kiến nghị sửa đổi hiến pháp một phần lớn cũng là để cải thiện nhân quyền. Không nhất thiết là chỉ đòi hỏi cho người dân những quyền hạn căn bản, mà còn góp ý xây dựng một nền tảng cho một nhà nước pháp quyền, đa nguyên, đa đảng, để quyền tự do của người dân được bảo đảm một cách lâu dài và vững chắc.

Bản kiến nghị 72 đã xác định cái quyền lập hiến là của nhân dân và đòi hỏi trưng cầu dân ý để phúc quyết Hiến Pháp là một yếu tố then chốt trong phong trào góp ý sửa đổi hiến pháp lần nầy. Có như thế thì những điều khoản không thuận ý dân sẽ bị thay đổi và bản hiến pháp sẽ trở nên tốt đẹp và hoàn hảo hơn:

Kiến nghị thứ sáu về trưng cầu dân ý đối với Hiến pháp: Quyền lập hiến là quyền của toàn dân, phải phân biệt với quyền lập pháp của Quốc hội. Vì vậy phải có trưng cầu dân ý để phúc quyết Hiến pháp. Chúng tôi đề xuất quy định trong Hiến pháp: "Bảo đảm quyền phúc quyết của nhân dân đối với Hiến pháp, thông qua trưng cầu dân ý được tổ chức thật sự minh bạch và dân chủ với sự giám sát của người dân và báo giới."

Nhiều người ký tên ủng hộ bản kiến nghị 72, không nhất thiết là họ đồng ý hoàn toàn với từng điểm, từng đề nghị của bản kiến nghị, mà họ đồng ý với những nội dung căn bản như đã đề ra trong 7 điểm chính của bản kiến nghị, Và những điểm chính nầy đã thật sự bao gồm những điểm trong thỉnh nguyện thư mà nhạc sĩ Trúc Hồ và SBTN đã thực hiện, là đòi hỏi quyền làm người cho nhân dân Việt Nam.

Ký tên vào bản kiến nghị 72 không những là để đòi quyền lập hiến và xây dựng đất nước của mình, mà còn là một phương pháp khẳng định ước vọng sống với những quyền căn bản của mình. Ước mơ được sống trong một xã hội dân chủ, công bằng và phồn thịnh là ước mơ chung của nhân dân Việt Nam mà nó chỉ có thể là hiện thực khi mọi người cùng nhau chung tay hành động.

Từ những lời phát biểu gần đây của ông Nguyễn Phú Trọng, chúng ta thấy rằng đảng Cộng sản muốn hợp thức hóa sự độc quyền lãnh đạo của mình qua việc kêu gọi góp ý sửa đổi hiến pháp cho có vẻ dân chủ, nhưng trong thâm tâm họ quả thật không dễ gì từ bỏ những quyền lợi và ngôi vị độc tôn của họ mặc cho đất nước lầm than, dân tình khốn khó. Nhưng có lẽ họ không ngờ là đã mở ra một thời cơ cho những nhà dân chủ, những bậc nhân sĩ, trí thức, và quảng đại quần chúng tham gia mạnh mẻ vào phong trào cứu nguy đất nước qua những kiến nghị táo bạo. Sự ủng hộ ngày càng to lớn của nhân dân cho bản kiến nghị đã làm cho những người lãnh đạo của đảng Cộng Sản hiện nay hoảng sợ. Họ phải tự bỏ đi cái mặt nạ giả nhân, giả nghĩa của họ và trở về cái bản chất tàn bạo để hy vọng chặn đứng các làn song đòi hỏi dân chủ nhân quyền đang lan rộng.

Phải chăng họ đã quá trể trong công cuộc đấu tranh mất còn nầy?

Thời cơ đã đến!

Nhân dân Việt Nam chỉ còn một con đường để tiến là mạnh dạn ký những lời kêu gọi dân chủ, ký kiến nghị 72, và đoàn kết một lòng đứng lên đòi cho được cái quyền sống và quyền làm người của mình. Người ở trong nước thì truyền miệng, truyền tay, và truyền tin qua những blogs, những emails, điện thoại cầm tay hay tin nhắn. Người ở hải ngoại thì truyền tin qua báo chí, TV, radios, internet, và những sinh hoạt cộng đồng.

Với những phương tiện truyền thông rộng rãi và tự do, những đài truyền hình như SBTN, VietFace, và cả trăm tờ báo ở hải ngoại có thể góp sức phổ biến kiến nghị sửa đổi hiến pháp đến người dân thì chẳng bao lâu con số người ký tên ủng hộ sẽ lên đến hàng trăm ngàn hay hàng triệu. Mỗi chữ ký là một viên gạch vùi chôn chế độ độc tài toàn trị để đất nước được thay mình đổi mới và nhân dân Việt Nam được vui hưởng cái quyền sống và sự tự do mà bao năm qua vẫn chỉ là mong mỏi, đợi chờ.

Trần V Hoàng

Tài liệu tham khảo:

1) Bảy điểm chính trong bản kiến nghị 72

2) Lời kêu gọi của sinh viên và cựu sinh viên Luật Việt Nam

Phạm Đình Trọng : SỬA HIẾN PHÁP ĐỂ NHÀ NƯỚC TRỞ VỀ VỚI DÂN, KHÔNG PHẢI GIA CỐ HIẾN PHÁP ĐỂ NHÀ NƯỚC CỐ THỦ TRƯỚC DÂN

Nguồn anhbasam

28/02/2013

Phạm Đình Trọng

27-02-2013

1.  Hiến pháp là nền tảng pháp lí để tổ chức lên Nhà nước được Nhân dân trao cho quyền lực quản lí xã hội, phục vụ người Dân. Được Dân trao quyền lực để phục vụ Dân nhưng kẻ nắm quyền thường lạm quyền, dùng quyền lực của Dân để áp bức Dân, vì thế Hiến pháp còn xác định những điều cơ bản trong mối quan hệ giữa Nhà nước và người Dân, xác định quyền của người Dân và trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền Công dân của người Dân.

Từ nhận thức như vậy để có vài đối chiếu với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Lời nói đầu của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có 447 từ thì có đến 394 từ tán dương chủ nghĩa Mác Lê nin và kể lể công lao trời biển của đảng Cộng sản Việt Nam đối với dân tộc Việt Nam! Dành tới gần chín mươi phần trăm ngôn từ lời nói đầu của Hiến pháp để ngâm ngợi, suy tôn đảng cầm quyền thì đó là Đảng pháp chứ đâu còn là Hiến pháp!

Ngay lời nói đầu đã có sự lạm quyền vô lối của đảng cầm quyền. Sự lạm quyền càng ngang nhiên không còn biết đến lẽ phải và đạo lí ở điều 4, đặt xã hội Việt Nam, đặt người dân Việt Nam trong sự cai trị đương nhiên vĩnh viễn của đảng Cộng sản Việt Nam, tước mất một quyền lớn của Công Dân, quyền người Dân được lựa chọn một tổ chức chính trị tin cậy với những chính khách sáng giá trao cho việc tổ chức lên một Nhà nước thực sự của Dân, vì Dân.

Mở lời Thông điệp Liên bang 2013, Tổng thống Mỹ Barak Obama thưa với Dân chúng Mỹ: Cách đây 52 năm Tổng thống John F. Kennedy tuyên bố trước căn phòng này rằng: Hiến pháp làm cho chúng ta không phải là những đối thủ tranh giành quyền lực mà là những đối tác vì sự tiến bộ.

Đó là Hiến pháp Mỹ, Hiến pháp dân chủ. Hiến pháp dân chủ không khi nào giành sẵn quyền lực cho một tổ chức chính trị nào. Hiến pháp ghi nhận những quyền lực người Dân trao cho Nhà nước. Chọn tổ chức chính trị nào đảm nhận quyền lực Nhà nước lại vẫn là quyền của người Dân. Điều 4 trong Hiến pháp cũ và trong dự thảo Hiến pháp mới của ta đã làm cho Hiến pháp của chúng ta trở thành nơi đảng Cộng sản tranh giành, tước đoạt quyền lực của Dân!

Bầu cử chọn ra lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội là quyền Công Dân lớn nhất, quan trọng nhất. Chỉ một điều 4 đã làm cho người dân Việt Nam gần như trắng tay về quyền Công dân, người Dân không còn được quyền chọn mặt gửi vàng, chọn những gương mặt xứng đáng để trao quyền lực Nhà nước! Điều 4 đã giật mất quyền tối quan trọng của Dân trao cho đảng Cộng sản! Người Dân vẫn cầm lá phiếu đi bầu cử đấy nhưng chỉ là những rô bốt, đi bầu cử hộ Đảng, bầu cho người Đảng đã chọn sẵn cho rồi!

Không cần lá phiếu bầu chọn của Dân, đảng Cộng sản Việt Nam nghiễm nhiên lãnh đạo Nhà nước và xã hội như một định mệnh nghiệt ngã của người Dân Việt Nam, Điều 4 đã đặt đảng Cộng sản Việt Nam đứng trên Nhà nước, đứng trên luật pháp!

Kẻ nắm quyền thường lạm quyền, dùng quyền lực của Dân mưu cầu lợi ích riêng. Quyền lực làm hư hỏng con người là vậy. Quyền lực tự nhiên mà có càng dễ làm hư hỏng kẻ nắm quyền vì kẻ đó không có sự thử thách, chọn lọc của người Dân, không có sự giám sát của người Dân. Sự hư hỏng không có giới hạn, không có điểm dừng của bộ máy Nhà nước ta hiện nay là hệ quả tất yếu của điều 4 Hiến pháp thực thi suốt mấy chục năm qua đã tước quyền chọn lọc, quyền giám sát bộ máy Nhà nước bằng lá phiếu của người Dân.

2.  Hẹp hòi, thiển cận, đố kị, hận thù giai cấp, lấy giai cấp thống trị dân tộc, đảng Cộng sản Việt Nam đã liên tiếp mở những chiến dịch đẫm máu và nước mắt đánh vào người Dân Việt Nam, đánh tan rã khối thương yêu đùm bọc dân tộc Việt Nam: Cải cách ruộng đất. Cải tạo tư sản. Nhân văn Giai phẩm. Xét lại chống đảng. Tập trung cải tạo thực chất là giam cầm, chà đạp nhân phẩm, đày đọa thân xác làm chết dần chết mòn những người Việt Nam không cùng ý thức hệ Cộng sản.  .  . Những chiến dịch đó đã giết hại hàng triệu, hàng triệu người Việt Nam vô tội, phần lớn là những người Việt Nam ưu tú, yêu nước, thức thời, có trí tuệ, biết làm giầu chính đáng, có đóng góp lớn lao và quyết định vào chấn hưng đất nước và tiến bộ xã hội.

Đó là đảng Cộng sản Việt Nam hôm qua. Còn hôm nay?

Phải là đảng viên Cộng sản mới được giao quyền lực Nhà nước. Có tí quyền lực, dù chỉ là quyền lực ở cấp thấp nhất cũng hối hả vơ vét của công, cướp đoạt của dân, ngang nhiên tham nhũng. Những vụ cướp đất của Dân ở Tiên Lãng, Hải Phòng, ở Văn Giang, Hưng Yên đã lộ rõ cả một hệ thống quyền lực hư hỏng, tham nhũng. Tham nhũng cố kết thành băng đảng tàn phá tan hoang đất nước. Tạo ra và dung dưỡng một Nhà nước tham nhũng, đó là trách nhiệm không thể chối bỏ của đảng Cộng sản Việt Nam.

Yếu kém trong quản lí, điều hành nền kinh tế gây ra những đổ vỡ nặng nề trong đời sống kinh tế đất nước. Mỗi vụ đổ bể như Vinashin, Vinalines .  .  . cuốn ra sông ra biển hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt của Dân, làm cho xã hội Việt Nam càng ngày càng tụt xa so với thế giới! Trách nhiệm đó cũng hiển nhiên thuộc về đảng Cộng sản Việt Nam.

Cả chục triệu người Dân Việt Nam bỏ mạng trong cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do. Độc lập tự do phải đổi bằng máu nhiều thế hệ người Việt Nam. Đất nước có độc lập nhưng quyền tự do của người Dân Việt Nam thời đảng Cộng sản cầm quyền lại kém xa quyền tự do của người Dân Việt Nam thời còn bị thực dân Pháp đô hộ!

Con Người là cây sậy biết tư duy (Pascal). Con Người khác thế giới sinh vật ở chỗ có tư duy, có tư tưởng, có ngôn ngữ diễn đạt tư tưởng. Tự do tư tưởng, tự do ngôn luận là quyền con Người, quyền tự nhiên mà có khi con Người sinh ra, không cần ai ban phát. Nhưng tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí trong xã hội Việt Nam hôm nay chỉ có trên giấy, còn trong thực tế, người Dân không được xuất bản báo tư nhân. Người Dân ôn hòa bộc lộ tư tưởng, chính kiến khác với tư duy của đảng cầm quyền liền bị buộc tội tuyên truyền chống Nhà nước, phải nhận những năm tháng dài tù đày nghiệt ngã. Những bản án nặng nề dành cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, dành cho những blogger Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải trong Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, dành cho luật sư Nguyễn Văn Đài, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, nhà giáo Vũ Hùng, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, cô gái Phạm Thanh Nghiên, cô gái Đỗ Minh Hạnh .  .  . là những bản án phi pháp, khắc nghiệt đối với quyền tự do ngôn luận. Đảng Cộng sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về những bản án giam cầm tự do ngôn luận đó.

Suốt mấy ngàn năm chống chọi với bành trướng phương Bắc, với thực dân phương Tây, với thiên nhiên hung dữ, cha ông chúng ta đã không để mất một tấc đất mà còn mở mang thêm bờ cõi. Ngày nay hàng trăm cây số vuông đất đai Việt Nam thiêng liêng ở biên cương phía Bắc đã thuộc về Đại Hán phương Bắc, phần buông xuôi để cho phương Bắc đánh chiếm, phần Nhà nước Cộng sản Việt Nam tự nguyện cắt đất sang nhượng cho phương Bắc như dâng lễ vật cầu thân với phương Bắc hòng lấy phương Bắc làm chỗ nương tựa duy trì ý thức hệ Cộng sản. Để mất mát quá lớn đất đai xương máu của tổ tiên, trong lịch sử oai hùng Việt Nam chỉ có đảng Cộng sản Việt Nam mới phạm tội tày trời đó!

Một đảng cầm quyền mang lại quá nhiều tai họa đau xót và tủi nhục cho dân cho nước như vậy mà đảng đó vẫn buộc Hiến pháp phải dành cho đảng sự quản lí đất nước, lãnh đạo xã hội thì đảng đó có còn lương tâm không nhỉ? Đảng đó có còn đủ lòng tự trọng để nhận trách nhiệm trước Dân không nhỉ? Đảng đó có còn đủ tư cách để "lãnh đạo Nhà nước và xã hội" không nhỉ?

3.  Nhắc lại những chiến dịch đẫm máu và nước mắt đánh vào Dân của đảng Cộng sản Việt Nam, nhắc lại thảm cảnh đất nước tan hoang, người Dân điêu đứng lầm than vì tham nhũng, cuộc sống ngột ngạt vì thiếu tự do, nhắc lại những nỗi đau xót, tủi nhục để mất đất đai thiêng liêng của cha ông, nhắc lại những dấu ấn đau buồn đảng Cộng sản Việt Nam để lại cho đất nước, để lại trong lịch sử Việt Nam để thấy rõ sự thiếu trung thực, thói khoa trương, ngạo mạn của Lời nói đầu dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có Lời nói đầu và 124 điều. Chỉ Lời nói đầu và một điều khoản cốt lõi đã cho thấy người Dân không còn là chủ thể của Hiến pháp nữa, đã cho thấy khẩu khí ngạo mạn, coi thường Dân của bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Ngạo mạn coi thường Dân, quyết biến Hiến pháp của Dân thành Hiến pháp của Đảng, thành Đảng pháp, biến quyền lực của Dân thành quyền lực của Đảng. Ngạo mạn, coi thường Dân đến mức đảng Cộng sản chỉ có ba triệu đảng viên trong chín mươi triệu dân Việt Nam nhưng toàn bộ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đều là đảng viên Cộng sản, không hề có một chuyên gia luật pháp của Dân!

Đất nước đang đứng trước nhiều nguy khốn hiểm nghèo. Kinh tế suy sụp có cấp độ nguy khốn một, kẻ thù truyền kiếp lấn đất, cướp biển, đầu độc lãnh đạo Nhà nước ta có cấp độ nguy khốn mười thì lòng Dân li tán có cấp độ nguy khốn tới một trăm. Những chiến dịch máu và nước mắt đánh vào Dân. Tước đoạt quyền Công Dân của Dân. Tước đoạt tự do của Dân. Cả bộ máy Nhà nước tham nhũng bòn rút máu Dân, cướp đất của Dân. Nhà nước đó không còn là nơi người Dân gửi lòng tin được nữa. Lòng Dân li tán, mất lòng tin vào Nhà nước mới là nỗi khốn cùng của vận nước.

Khi vận nước nguy khốn thì lối thoát hiệu nghiệm duy nhất là dựa vào sức mạnh Nhân Dân. Có sức mạnh Nhân Dân, dù nguy nan đến đâu cũng sẽ vượt qua. Sửa Hiến pháp để Nhà nước trở về với Dân, cái gì của Dân, trả lại cho Dân, lấy lại lòng tin của Dân, tìm sức mạnh trong Dân để vượt qua nguy khốn, xây dựng đất nước giầu mạnh. Mọi người Dân Việt Nam đón chờ sửa đổi Hiến pháp đều với mong mỏi đó. Và những trí tuệ, tâm hồn Việt Nam khắc khoải với vận nước liền viết Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp để Hiến pháp mới tạo ra một Nhà nước thực sự dân chủ, khai thác, tập hợp được sức mạnh Nhân Dân.

Như bốn năm trước những trí tuệ và tâm hồn Việt Nam đã viết Kiến nghị yêu cầu dừng Dự án boxit. Ngạo mạn, coi thường Dân, đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng sản Việt Nam khinh bỉ không thèm trả lời Kiến nghị của những trí tuệ và tâm hồn Việt Nam, vẫn quyết liệt thực hiện "chủ trương lớn của Đảng", hăm hở đào bới boxit ở Tây Nguyện. Nay "chủ trương lớn của Đảng" đang đứng trước thua lỗ không tránh khỏi đúng như những cảnh báo của những trí tuệ và tâm hồn Việt Nam bốn năm trước. "Chủ trương lớn của Đảng"  đang nối tiếp vào sau Vinashin, Vinalines, đổ ra sông ra biển hàng ngàn tỉ tiền thuế mồ hôi nước mắt của Dân!

Người Dân mong Hiến pháp sửa đổi để Nhà nước trở về với Dân, Nhà nước thực sự của Dân, vì Dân. Nhưng những người Cộng sản cầm quyền lại rắp tâm sửa Hiến pháp chỉ để tăng cường quyền lực của Đảng, gia cố Hiến pháp, biến Hiến pháp thành nơi Đảng cố thủ với Dân! Và Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp của những trí tuệ và tâm hồn Việt Nam rồi sẽ lại có chung số phận như Kiến nghị dừng Dự án boxit mà thôi!

Nhưng Hiến pháp không phải là boxit. Hiến pháp là quyền lực và ý chí của Nhân Dân. Hiến pháp tạo ra bầu không khí dân chủ trong xã hội. Hiến pháp tạo ra ý nghĩa và giá trị cuộc sống của mỗi con Người có mặt trong cõi đời. Người Dân Việt Nam hôm nay có mạng internet toàn cầu đến với từng nhà, từng Người, cho người Dân ý thức về quyền Công Dân, về thời đại dân chủ hóa, về thời hội nhập trong kỉ nguyên văn của loài Người. Người Dân Việt Nam hôm nay không còn là người Dân Việt Nam của năm 1980, của năm 1992, những năm điều 4 tước đoạt quyền quan trọng nhất của Công Dân ngạo mạn xuất hiện trong Hiến pháp trong sự nín lặng cam chịu của người Dân Việt Nam hiền lành vốn quen cam chịu.

Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp là đòi hỏi khẩn thiết, chính đáng và vô cùng bình dị của Công Dân. Những chữ kí của những người Dân Việt Nam khao khát đòi những giá trị làm Người, khao khát tự do đang nối dài trong Kiến nghị là những giọt nước trong câu thành ngữ dân gian "tức nước vỡ bờ", những giọt nước nhỏ bé đang tích tụ, dâng lên thành biển nước mênh mông, thành thác nước cuồn cuộn, thành sức nước vỡ bờ và lật thuyền.

Ngô Nhân Dụng - Lú nhỏ và lú lớn

Nguồn diendantheky


Ngô Nhân Dụng

Ông Nguyễn Phú Trọng quả là một nhân vật quan trọng. Một câu nói của ông được các công dân trên mạng đem ra bàn tán xôn xao, đâu đâu cũng ào ào phản đối. Có mấy ai trong xóm Ba Đình được đồng bào chiếu cố như vậy?


Ông Nguyễn Phú Trọng nói thế này: "Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức …" Và ông mô tả tình trạng "suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức" gồm bốn triệu chứng: (1) muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp; (2) phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản, muốn đa nguyên đa đảng ; (3) muốn thực hiện tam quyền phân lập; (4) muốn quân đội chỉ phục vụ đất nước, không lệ thuộc đảng Cộng sản.

Trưng ra bằng chứng rồi, ông Nguyễn Phú Trọng nói: "Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy." Và ông kết luận: "Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa?" Chứ còn gì nữa? Nghe ai cũng phải bật cười. Chứ còn gì nữa? Thảo nào dân Hà Nội vẫn gọi ông là Trọng Lú.

Ngoài những bằng chứng suy thoái tư tưởng, đạo đức trên, ông Trọng còn thấy đạo đức chính trị suy thoái cả trong hành động của dân nữa: "Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể … thì đó là cái gì (nếu không phải là suy thoái)?" Ông Nguyễn Phú Trọng bảo vệ bốn không: Không bỏ điều 4 độc quyền; không đa nguyên đa đảng; không phân quyền; và không cho quân đội thoát ra ngoài bàn tay kiểm soát của đảng Cộng sản.

Người lên tiếng phản đối đầu tiên là nhà báo Nguyễn Đắc Kiên.  Phát pháo đầu của Nguyễn Đắc Kiên vừa nổ đã vang động bốn phương. Nhờ bài của ông Kiên mà nhiều người mới biết chủ nghĩa bốn không của ông Trọng. Bình thường thì những người ngồi nghe đều đang mơ màng ngủ gật, hoặc đang nghĩ đến những quả sắp đánh ra tiền; có ai nghe ông Trọng nói gì đâu? Nếu người nào vô tình để mấy lời ông nói lọt vào tai thì chắc họ cũng chỉ chép miệng, lắc đầu: "Lại lú rồi!" 

Ông Nguyễn Đắc Kiên nói thẳng vào mặt: "Ông là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu muốn dùng hai chữ "suy thoái" thì cùng lắm là ông chỉ có thể nói về (với) những người đang là đảng viên cộng sản, ông không đủ tư cách để nói lời đó với nhân dân cả nước." Ông Kiên nói rõ: "đang là đảng viên," vì biết bây giờ nhiều đảng viên cộng sản trong lòng đã bỏ đảng từ lâu rồi.

Trong số các đảng viên đang nhờ đảng mà trục lợi, ai quên chủ nghĩa bốn không tất nhiên là "suy thoái" – chứ còn gì nữa? Bởi vì lập trường bốn không bảo đảm họ bám chặt quyền hành mà chia sẻ lợi lộc. Còn đảng còn mình. Mất đảng đi về đâu?

Nhưng còn người dân Việt bình thường, có ai muốn kéo dài chế độ tham nhũng, bất công, kinh tế trì trệ và nô lệ ngoại bang như hiện nay hay không? Chắc chắn không ai muốn!

Một ngày sau khi đưa bài lên mạng, ông Nguyễn Đắc Kiên đã bị báo Gia Đình & Xã hội thi hành "kỷ luật, buộc thôi việc." Nhà thơ Nguyễn Đắc Kiên thật can đảm. Trước khi lên tiếng, chắc ông phải biết sẽ mất việc. Nước Việt Nam sẽ không bao giờ mất vào tay "Tàu lạ" là vì có những người dân Việt can đảm như vậy. Từ thời Hai Bà Trưng đã như thế: Nhưng hào kiệt đời nào cũng có! (Nguyễn Trãi)

Một người khác nhắc đến chủ trương bốn không của ông Nguyễn Phú Trọng là Nguyễn Hữu Vinh. Ông thẳng thắn bác bỏ: "Xin thưa, đó không phải là suy thoái về đạo đức" của người dân Việt Nam, "mà đó là sự suy thoái uy tín, vị trí của (chế độ) độc tài, tham nhũng." 

Nhưng Nguyễn Hữu Vinh còn nhìn thấy đảng Cộng sản gần đây đã giăng một cái bẫy khi cho dân góp ý kiến về sửa đổi hiến pháp, nhấn mạnh: "Không có cấm kỵ khi góp ý sửa Hiến pháp." Đây là một thủ thuật, như Mao Trạch Đông đã dùng khi phát động phong trào "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng nói." Để ai nói ý kiến thật đều bị nhận diện rồi bị đầy đọa từ đời cha tới đời con. 

Nhưng Nguyễn Hữu Vinh thấy cái bẫy đó gây phản ứng ngược. Bao nhiêu người lên tiếng đòi trong hiến pháp phải bỏ điều số 4 về độc quyền lãnh đạo của đảng, đòi tam quyền phân lập. Đảng Cộng sản trông thấy nguy cơ; biết cứ đà này thì phong trào đòi sửa hiến pháp sẽ ngày càng mạnh, vận mệnh đảng lâm nguy! Cho nên, ông Nguyễn Phú Trọng phải đứng ra ngăn chặn bằng "bốn điều cấm kỵ," 4 cái không! Nguyễn Hữu Vinh khen: "Cái ông tổng bí thư này quả là thâm hậu, thế mà dân gian cứ tặng cho ông xú danh là Lú thì quả không hẳn đúng."

Nhưng khi dân Hà Nội đặt bài ca dao có câu "Lú như Trọng," chắc họ không nhầm. Nếu ông Trọng không lú thì chẳng lẽ đất Thăng Long ngàn năm văn vật toàn dân lú cả hay sao? Bởi vì trong câu chuyện này, nếu ông Trọng không lú trong chuyện nhỏ, thì vẫn lú trong những chuyện lớn hơn. 

Chuyện nhỏ là địa vị ngon lành của đảng, bỏ mất thì rất uổng! Cho nên phải bám chặt, phải đóng chốt, phải bảo vệ đến cùng! Cái này, quả thật ông Nguyễn Phú Trọng không lú.

Ông Trọng lú lẫn trong những chuyện lớn hơn. Cái Lú Lớn thứ nhất là không biết thế nào là tiến bộ, thế nào là suy thoái. Có những tiến bộ loài người mới chỉ đạt được trong vài thế kỷ vừa qua, trong đó có những quy tắc như "Tam quyền phân lập," hay là quân đội thuộc về toàn dân, phải độc lập với các đảng chính trị. Nhiều dân tộc đã thực hiện được các quy tắc đó, họ đều hãnh diện. Những thứ đó mà ông Nguyễn Phú Trọng lại gọi là suy thoái! Lú đến như thế thì xứng danh là Lú Lớn, dịch sang tiếng Trung Quốc là Đại Lú!

Cái Lú lớn thứ nhì là không biết chính cái đảng Cộng sản của ông nên chọn con đường nào để hạ cánh an toàn, cứ bám víu lấy một chủ trương tuyệt vọng sẽ đưa nhau vào chỗ chết. Hiện nay đảng Cộng sản có ba đường để chọn, theo ba mô hình: Đài Loan, Liên Xô, hay Rumani.

Làm theo lối Quốc Dân Đảng ở Đài Loan tức là thi hành ngay các quyền tự do lập hội, lập đảng, quyền tự do phát biểu; khuyến khích tư doanh; chấp nhận có các công đoàn tự do, các đảng chính trị đối lập; tự dưng xã hội công dân sẽ phát triển, họ sẽ giúp chấn dân khí, khai dân trí và vụ dân sinh. Theo mô hình Đài Loan thì chắc chắn phải đoạn tuyệt với chủ nghĩa bốn không của Nguyễn Phú Trọng!

Mô hình Liên Xô là tạo ra một Boris Yeltsin. Có lẽ Yeltsin hiểu rõ bản chất của đảng cộng sản hơn chúng ta nhiều, thấy không theo nổi con đường Đài Loan, nên đã thú nhận: Đảng Cộng sản chỉ có thể thay thế, không thể thay đổi. Theo lối Yeltsin thì xóa đi làm lại hết; giải tán ngay đảng cộng sản; những đảng viên nào còn quyến luyến cứ đi lập lại đảng với nhau.

Nếu không theo hai đường Đài Loan và Liên Xô thì chỉ còn Mô hình Rumani, tức là bảo vệ độc quyền lãnh đạo đến cùng, quyết tâm sẽ "về với Marx, Engels, Lenin và  Nicolae Ceaușescu." Cái Lú Lớn của ông Nguyễn Phú Trọng là đang dẫn đảng ông theo mô hình Rumani bằng chủ trương bốn không.

Chúng ta có thể hiểu tại sao ông Trọng chọn con đường bốn không. Cả đời ông chỉ được học bấy nhiêu thôi. Giống như một con ngựa đã được hai miếng da che kín hai bên mắt, chỉ còn nhìn thấy địa vị và quyền lợi bầy ra trước mặt, khó nhìn thấy đường nào khác.

Điều đáng tiếc là ông còn mắc vào một cái Lú Lớn hơn nữa, mà cái này có thể tránh được. Cái Lú Lớn nhất của ông Nguyễn Phú Trọng và những người theo chủ trương bốn không bây giờ, là họ khinh thường dân tộc Việt Nam. 

Có lẽ nào người Việt cứ để cho một đám sâu mọt gậm nhấm tài nguyên quốc gia mãi như thế này được? Lẽ nào người Việt cứ chịu mãi cảnh thua kém các nước khác, từ Mã Lai tới Miến Điện?  Lẽ nào người Việt cứ chịu mãi nỗi nhục bị Tàu lạ tấn công, người lạ đến cướp rừng, cướp biển? Lẽ nào người Việt khi muốn làm lễ tưởng niệm những người lính chết vì chống xâm lăng năm 1979 lại bị cấm đoán? Cấm đoán họ tưởng niệm không những là khinh rẻ người đang sống mà còn khinh cả những người đã chết; người dân nước nào chịu mãi như thế được?

Nhiều người Trung Hoa biết kính trọng dân Việt Nam hơn. Trong bài trước, mục này nhắc đến tiết độ sứ Tăng Cổn cuối đời Đường, với hai câu thơ "Việt điện sơn xuyên" đối với "Đường gia nhân vật. Trong bài thơ đó ông còn so sánh Nước Nam với xứ Thục (Tứ Xuyên bên Tàu) với hai câu: "hiệu Nam quốc chi giang san –  thắng thần long vu Thục địa"(號南國之江山, 勝神龍 于蜀地) . Nghĩa là: Giang sơn nước Nam này hơn hẳn rồng thần đất Thục.

Nếu như ông Nguyễn Phú Trọng biết đọc thơ thì chắc ông lú đến nỗi không khinh rẻ người Việt như vậy. Nếu đọc thơ, ông sẽ biết thi sĩ Nguyễn Đắc Kiên viết mấy câu thơ như vầy:
"lũ quỷ ám thừa cơ toàn trị,
khủng bố dã man, reo rắc những kinh hoàng,
biến lẽ sống thành châm ngôn "mày phải sợ"

Nhà thơ không biết sợ cho nên bật lên lời nói thẳng. Ông bị mất việc làm ngay. Nhưng sau đó viết thư cho mọi người ông lại yêu cầu đừng ai đả kích tờ báo đã cho ông thôi việc, họ không có cách nào khác, tội nghiệp. Đó là cách cư sử cao thượng theo đạo lý người Việt Nam. Không lẽ một dân tộc sống như vậy mà lại chịu làm tôi mọi cho một đảng bất lực và tham nhũng mãi? 

Người Việt Nam sẽ lắng nghe những lời tâm huyết trong thơ Nguyễn Đắc Kiên:
"còn chần chừ gì mà không tỉnh dậy mau,
sống cho xứng danh xưng con người trên mặt đất!"

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Tưởng Năng Tiến : Đất nước nhìn từ dưới hố (... bauxite)

Nguồn procontra

Tháng 2 27, 2013

Tưởng Năng Tiến

"Bauxite Tây Nguyên hoàn toàn có thể là điểm khởi đầu cho một sự tan rã, không chỉ ở mức thể chế chính trị mà ở tầm quốc gia – dân tộc." (La Thành – "Bauxite Tây Nguyên: Phép thử phản xạ tự vê của quốc gia Việt", 2009)

Giới sĩ phu Bắc Hà (lắm người) có tính rất hài, nghĩa là thích "giễu" – nếu nói theo ngôn ngữ của dân chúng miền Nam. Bữa rồi, có vị vỗ vai tôi bỏ nhỏ: "Đảng Cộng sản Việt Nam như người đi đường không biết dùng bản đồ. Thỉnh thoảng lại sa xuống hố. Lóp ngóp bò lên được thì hô vang thắng lợi. Cứ thế, Ðảng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác."

Thắng lợi kế tiếp, sau khi Đảng lóp ngóp bò được lên khỏi cái hố (bauxite) hiện nay, là chuyện của tương lai – và chắc là "tương lai" hơi xa – nên xin để hạ hồi phân giải. Ngay bây giờ, câu hỏi đang được nhiều người đặt ra là tại sao lại ra đến nông nỗi khốn khổ khốn nạn này?

Theo quí vị trưởng thượng của trang Bauxite Việt Nam thì đây chả qua là "hệ lụy của một dự án thiếu tầm nhìn và không tỉnh táo… nên đã… đâm quàng vào bụi." Những blogger thuộc thế hệ trẻ thì đặt vấn đề một cách quyết liệt và dữ dằn hơn, thấy rõ:

Sáu Vinh: Đó là hậu quả tất yếu của sự kiêu ngạo và bỏ ngoài tai mọi lời góp ý, mọi sự đóng góp của nhân dân, mọi quyền lợi của người dân trên đất nước này. Khi giành được quyền lực vào tay mình, những người cộng sản đã nghiễm nhiên coi chỉ có mình là người chủ đất nước và mọi tiếng nói phản biện của người dân đều bị coi khinh, thậm chí được xếp vào "thế lực thù địch…"

Mẹ Nấm: Vấn đề đặt ra ở đây là ai sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả những việc trên?

Osin: Tôi nghĩ, nay là thời điểm chín muồi để các bác "Bauxite Việt Nam" thu thập chữ ký mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ chức, đề nghị thả tự do cho Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ…

Bọ Lập: Bây giờ đã trắng mắt ra chưa? Câu hỏi đặt ra là: Ai chịu trách nhiệm về dự án này? Tập đoàn than – khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) thì rõ rồi. Thế còn Chính phủ thì sao? Quốc hội thì sao? Ai đỡ đầu cho dự án này đều phải chịu trách nhiệm, trước hết người đứng đầu Chính phủ đó là Thủ tướng.

Miệng người sang (mới) có gang có thép. Còn đám thường dân cỡ như J.B Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trương Huy San, Nguyễn Quang Lập… e không đủ sang trọng để có thể đưa ra những lời kết án hùng hồn và đanh thép như thế đối với Đảng (nói chung) và ông Thủ tướng (nói riêng). Noble cỡ luật sư Cù Huy Hà Vũ mà đụng tới thằng chả còn đi tù thấy mẹ luôn, chớ đâu phải chuyện giỡn – mấy cha?

Để cho nó an toàn – theo tôi – trách nhiệm nên đổ vào, và đổ xuống, những kẻ thấp bé hơn (đại loại như đám nhà văn, nhà báo, ký giả, hay còn gọi là kỹ giả) cỡ như ông Nguyễn Hữu Nhàn là vừa. Bằng chứng lại có sẵn hẳn hòi.

Rành rành là vào ngày 1 tháng 9 năm 2010, trên tạp chí Hồn Việt có bài phóng sự (Bô-xít Tây Nguyên, Thấy gì ghi nấy) của tác giả này. Xin ghi lại vài ý chính, coi chơi, trước khi nó rất có thể bị ông Tổng biên tập (GS-TS Mai Quốc Liên) gỡ xuống vì thấy ngượng:

Đầu hè, Hà Nội, Huế, Sài Gòn đang nóng như lò lửa, nhưng ở Đắk Nông nắng vẫn dịu mát trải vàng trên miền đất đỏ bazan. Nguyễn Văn Hiếu – Chánh văn phòng Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ – TKV ra giữa sân nắng vẫy tay ra hiệu cho ô-tô chạy vào sát cửa hội trường. Chúng tôi đứng chờ ngoài cửa cho năm ba cán bộ kỹ sư người Trung Quốc thu dọn máy tính, thiết kế, bản đồ… sang làm việc tạm phía nhà ăn để nhường hội trường cho Công ty tiếp khách…

Tôi thoáng thấy quanh tường hội trường treo kín ảnh, khách đến Công ty. Thấy có Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Quốc phòng và nhiều Ủy viên Bộ Chính trị khác. ..

Hiếu bấm máy điện thoại di động mời các cán bộ phụ trách về kỹ thuật, đào tạo, đền bù và quản đốc công trường địa chất của công ty đến làm việc với chúng tôi. Các nhà văn gặp từng người hỏi và ghi chép không ngừng…

Hiếu vừa chỉ lên bản đồ vừa giải thích cho chúng tôi biết: Tỉnh Đắk Nông có trữ lượng quặng bô-xít nhiều nhất cả nước. Mà Việt Nam lại có trữ lượng bô-xít lớn thứ 3 trên thế giới sau Guinea và Australia. Dự kiến tỉnh Đắk Nông sẽ xây bốn nhà máy sản xuất Alumin. Còn từ Alumin sản xuất ra nhôm kim loại còn phải qua công đoạn điện phân tốn rất nhiều điện phải chờ có nhà máy thủy điện Đồng Nai V, chuyên phục vụ cho sản xuất nhôm. Ta không có chủ trương xuất khẩu quặng bô-xít. Alumin không phải là sản phẩm thô, có giá trị thương mại cao nhưng biến nó thành nhôm kim loại thì mới thật sự có hiệu quả kinh tế.

Các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt tỉnh Đắk Nông đang trông chờ vào các dự án khai thác bô-xít, sản xuất Alumin, nhôm để biến vùng đất nghèo thành giàu có.

Nguyễn Văn Hiếu, người miền Bắc học xong Cao đẳng Bản đồ liền vào đây thăm dò quặng bô-xít cùng với các chuyên gia Hunggari từ 1981. Hiếu nói:

- Các anh tìm hiểu thực tế sẽ rõ, dư luận cán bộ và người dân Đắk Nông rất ủng hộ dự án bô-xít, khác hẳn với dư luận ở các nơi….

Chúng tôi vào gia đình già làng của bon Bu Dấp. Đó là già làng Điểu Sơn, 82 tuổi. Hỏi về cảm tưởng của người dân với việc xây dựng nhà máy Alumin ở đây, già làng cười nói:

- Dân mình thích lắm, nhiều nhà giàu lên, có nhà tầng, có xe máy vì được đền bù đấy. Xưa kia cứ ông trời làm mưa là có cá về Bầu Ếch. Tát cá Bầu Ếch, cả bon lại chia đều mỗi nhà một phần cá, nay nhà máy lấy mất Bầu Ếch đền bù chia nhau mỗi nhà một triệu, hơi thiệt đấy nhưng nhà máy về dân mình mới có cái đường cái điện về bon chứ…

Do được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp mà từ hôm đến Đắk Nông, hỏi bất cứ người dân nào người ta đều ủng hộ các dự án về bô-xít, chắc chắn nó sẽ làm thay đổi hẳn bộ mặt tỉnh Đắk Nông trong tương lai.

Từ nhà già làng Điểu Sơn, chúng tôi sang nhà ông Điểu Lônh (Lôi). Nhờ có tiền đền bù đất mấy trăm triệu, ông xây cho con gái, con rể ngôi nhà khang trang lát gạch men bóng lộn, xa lông, tủ chè, ti-vi, quạt điện… làm chúng tôi ngỡ mình đang ngồi ở thành phố chứ không phải là một bon hẻo lánh của người H'Mông.

Nhờ dự án khai thác bô-xít mà bon Bu Dấp và cả xã Nhân Cơ đang từng ngày thay da đổi thịt để trở thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa.

Miệng lưỡi của Nguyễn Hữu Nhàn, xem chừng, cũng ngọt. Tuy thế, nhân vật này ấy chưa "đĩ miệng" bằng ông bạn đồng nghiệp Lã Thanh Tùng. Trong một bài viết trước đó ("Bô-xít và những điều khác", Văn nghệ số 44, phát hành ngày 31 tháng 10 năm 2009) vị văn sĩ này tỏ ra hùng biện và hùng hổ hơn nhiều:

Chuyến đi "bauxit" của chúng tôi diễn ra trong những ngày siêu bão Ketsana hoành hành dữ dội khắp vùng Tây Nguyên, Trung Bộ. Bão là sự trở chứng của thời tiết, tàn phá mọi thứ dám cản đường nó. Nhưng trong tâm trí chúng tôi dường như còn có cơn bão khác "hiểm" hơn, cơn bão của những luồng thông tin và nhận thức trái chiều, xoay quanh một chủ trương tưởng như rất bình thường của cuộc sống.

Trước khi đi, tôi đã kịp tìm hiểu một số nguồn tài liệu để có những kiến thức đầu tiên. Nhưng những gì tôi đọc được, nghe và chiêm ngưỡng, rõ ràng là một mớ bùng nhùng. Cụ thể, có thể phân làm hai loại:

- Phái chủ động, chưa kể Bộ Chính trị và Chính phủ, thì bao gồm luôn Bộ Công thương, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), Lãnh đạo các địa phương có bauxit, và một số nhà khoa học nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nhôm, khoáng sản. Ý kiến của họ khá giản dị: Chúng ta có tài nguyên, Tây Nguyên lại đang nghèo. Vậy làm sao để khai thác tốt, đánh thức những tiềm năng to lớn, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

- Phái phản biện, khá đông, bao gồm nhiều nhân sĩ trí thức, đặc biệt là giới trí thức Việt kiều, những người tự nhận là tỉnh táo, độc lập tư duy, chống tham nhũng, chống độc quyền, độc đoán trong xã hội. Căn cứ để họ phản biện thường là: Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, các dự án có người nước ngoài vào sẽ ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc phòng. Tây Nguyên là mái nhà Đông Dương, tập trung rừng đầu nguồn của nhiều dòng sông, bùn đỏ sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Tây Nguyên đang thanh bình, các dự án hiệu quả chưa thấy đâu, nhưng rất dễ phá vỡ cảnh quan, mất bản sắc văn hóa các dân tộc, bần cùng hóa người bản địa…

Việc đầu tiên chúng tôi quan tâm, đi đâu cũng hỏi, là trữ lượng bauxit của nước ta hiện nay. Theo Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Alumine Nhân Cơ Nguyễn Phú Dương thì tuy hàm lượng quặng bauxit của chúng ta chỉ ở mức khá, chứ chưa phải tốt nhất, nhưng trữ lượng thì Việt Nam đứng hàng thứ ba thế giới, chỉ sau Ghinê và Úc.

Khắp Tây Nguyên gần như chỗ nào cũng có bauxit, nhưng nhiều nhất tập trung ở Lâm Đồng và Đắc Nông, trong đó riêng Đắc Nông chiếm đến 70% trữ lượng toàn quốc. Mạch bauxit vùng Đắc Nông còn lan cả sang Cămpuchia, mở ra triển vọng hợp tác quốc tế sau này…

Về hiệu quả, theo đánh giá của các chuyên gia, với mức giá năm 2005 là thời điểm thiết kế, thì sau khi trừ mọi chi phí, đóng góp các loại thuế, mỗi năm một dự án như Tân Rai cũng sẽ lãi khoảng 50 triệu USD, tức chỉ khoảng 13 năm sau sẽ hoàn đủ vốn…

Bauxit của chúng ta khai thác dễ đến nỗi, chỉ cần gạt lớp đất mặt đi (khoảng 0,9 mét) là đến ngay vỉa quặng dày đến 4 mét. Theo các chuyên gia, trữ lượng bauxit của Việt Nam có thể khai thác hàng trăm năm, đem lại lợi nhuận hàng chục tỷ USD…

Thiệt là quá đã, và… quá đáng. Từ cái hố bauxite nhầy nhụa bùn đỏ mà đám nhà báo, nhà văn (và "những nhà khoa học nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nhôm, khoáng sản") vẫn nhìn ra một khoảng trời xanh bao la (cùng rất nhiều dollar) như vậy thì trách chi cái ông Thủ tướng, một kẻ thất phu.

Ảnh: Nhà văn Lã Thanh Tùng. Nguồn: vanvn.net

© 2013 Tưởng Năng Tiến & pro&contra

Tấn Hà – Bất tuân – Điểm khởi đầu của mọi cuộc cách mạng mềm!

Nguồn danluan

Cho đến hôm nay rất nhiều người đã nghĩ đến một cuộc cách mạng mềm ở Việt Nam. Cách mạng tất yếu sẽ xảy ra, điều đó không cần bàn cãi. Nhưng nó phải bắt đầu từ đâu và người ta sẽ vận hành cuộc cách mạng ấy như thế nào, lại là điều khó mà hình dung ra được.

VTT7-Gandhi.jpgMahatma Grandhi – "ông tổ" của phương pháp bất tuân

Nếu như ta chịu khó tìm tòi từ những cuốn sách viết về kỹ năng và chiến thuật chiến lược đấu tranh ôn hoà như cuốn "Từ Độc Tài Đến Dân Chủ" của tác giả Gene Sharp, hay tích cực theo dõi và thu thập thông tin từ những cuộc cách mạng Dân Chủ ở Đông Âu và Bắc Phi, thì sẽ thấy điểm chung của tất cả các cuộc cách mạng mềm là chúng đều được khởi đầu bằng việc bất tuân.

Vậy bất tuân là gì?

Bất kể một nhà nước nào, chính thể nào, muốn tồn tại và bền vững được đều phải nhờ vào sự tuân phục của dân chúng. Sự tuân phục của người dân chính là sức mạnh của nhà nước và của kẻ nắm quyền. Cụ thể nhân dân cung cấp nguồn tài chính nuôi dưỡng chính quyền bằng tiền thuế do họ đóng góp. Nhân dân cung cấp lương thực thực phẩm do họ làm ra. Quan trọng nhất đó là họ cung cấp binh sĩ cho quân đội để bảo vệ tổ quốc, đồng nghĩa với bảo vệ chính quyền, vì một khi nước mất thì kẻ cầm quyền cũng tiêu vong.

Tuân phục chính là hành động chấp hành và làm theo một cách tự giác tất cả các mệnh lệnh, chủ trương, đường lối, kế hoạch về mọi mặt do kẻ cầm quyền khuyến khích hoặc yêu cầu nhân dân thực hiện thông qua các văn bản pháp luật và hành chính, thậm chí là ngay cả lệnh miệng như đối với trường hợp Việt Nam nhiều năm qua. Ví dụ như nghĩa vụ đóng thuế, nghĩa vụ quân sự, và thực hiện vô vàn những chủ trương phát triển văn hoá, kinh tế, xã hội khác do chính quyền chỉ đạo.

Vậy có thể suy ra, bất tuân chính là hành động làm trái với mong muốn của kẻ nắm quyền. Ngay lập tức có vấn đề ở đây, đó chính là hành vi vi phạm pháp luật. Giả sử như người dân chống đóng thuế thì đương nhên là họ đã vi phạm pháp lệnh về thuế, từ chối nhập ngũ thì đương nhiên vi phạm luật nghĩa vụ quân sự, không chấp hành luật giao thông thì sẽ vi phạm luật giao thông v.v…

Nhưng nếu không làm trái với mong muốn của kẻ nắm quyền thì không còn là việc bất tuân nữa. Cũng ngay lập tức đã có câu trả lời, đó là cách bất tuân thế nào cho đúng. Một người viện những lý do chính đáng để trì hoãn đóng thuế hay đòi giảm thuế cũng đã bao hàm sự bất tuân. Một người giả bệnh để không đi họp tổ dân phố cũng là hành vi bất tuân. Thậm chí ngay cả việc từ chối nhận phần thưởng như đối với trường hợp nghệ sĩ Kim Chi vừa qua cũng là hành động bất tuân. Nhưng những hành vi đó không ai có thể quy kết cấu thành tội phạm. Vậy vấn đề ở đây là cách người ta bất tuân ra sao mà thôi…

Gần đây ở Việt Nam có việc 72 nhân sĩ trí thức trong nước ra kiến nghị góp ý sửa đổi hiến pháp, đến nay đã có hơn 5 ngàn chữ ký hưởng ứng. Đây là hành động bất tuân, tại sao lại nói như vậy? Nếu tuân phục theo mong muốn của nhà cầm quyền CSVN thì mọi kiến nghị sửa đổi hiến pháp phải theo hướng dẫn của quốc hội, tức là chỉ được góp ý những điều khoản mà chính quyền đưa ra. Nhưng nhóm 72 nhân sĩ đã "làm quá" tức là đòi sửa đổi cả những điều khoản "không trong danh mục" như Điều 4 chẳng hạn…

Tất nhiên, mặc dù nhà cầm quyền CSVN rất khó chịu với việc kiến nghị sửa đổi hiến pháp, nhưng họ cũng chẳng thể quy đó là hành động vi phạm pháp luật. Về phía những người khởi xướng, họ cũng không tham vọng là ý kiến của họ được chấp nhận mà có lẽ đơn giản là họ chỉ cần gióng lên hồi chuông nhằm thức tỉnh công luận trong đại chúng và vạch mặt ĐCSVN mà thôi. Như vậy việc bất tuân rõ ràng là phải có trí tuệ chứ không thể không tính toán trước sau.

Nhưng lại một điều nữa được đặt ra, liệu những người phản kháng có nên ngồi chờ những cơ hội như việc sửa đổi hiến pháp hay khai thác Bô Xít trước đây để mà "ra tay" hay không? Tất nhiên là không! Vậy thì ngoài việc họ cần nắm bắt cơ hội để "nhờ gió bẻ măng" như cơ hội nhà cầm quyền kêu gọi "góp ý sửa đổi hiến pháp", họ cần phải tạo ra lý cớ để mà bất tuân. Kinh nghiệm tại Nam Phi và Đông Âu trước đây cho thấy, chỉ cần âm thầm tẩy chay mua một loại hàng hoá nào đó, tẩy chay một khu mua sắm nào đó, hay thậm chí là mọi người chỉ cần đi chậm lại trong khi tham gia giao thông vv.., là đã thành công trong việc bất tuân. Vậy những người bất tuân phải làm những điều mà pháp luật không cấm để tự bảo vệ mình.

Nhưng tiếp tục nảy sinh ra một điều nữa, đó là câu hỏi: Liệu một người hay một vài người bất tuân thì sẽ đi đến đâu? Chẳng có gì xảy ra cả! Nhưng nếu như với số đông hàng ngàn, hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn hoặc hơn thì sẽ thấy hiệu quả của việc bất tuân ngay lập tức. Khi một khâu nào đó của guồng máy xã hội bị chậm lại hay bị tắc nghẽn, nhà cầm quyền sẽ buộc phải quan tâm. Khi họ không đủ căn cứ để quy kết vi phạm thì chắc chắn họ sẽ phải xuống nước xem xét. Đúng lúc này những người bất tuân mới đưa ra yêu sách của mình…

Như vậy rõ ràng bất tuân chỉ có thể có hiệu lực khi có số đông tham gia. Mà một khi số đông muốn hành động nhịp nhàng, đúng thời điểm, đủ thời lượng, liều lượng thì lẽ dĩ nhiên phải có tổ chức chỉ đạo. Trong việc bất tuân và cấp độ cao hơn, không thể và không bao giờ được phép thiếu khâu tổ chức, sự thật là đấu tranh là phải có tổ chức. Ở Việt Nam hiện nay đang thiếu điều này vì nhiều lý do, nhưng lý do cụ thể nhất, đó chính là bị đàn áp ngay từ trong trứng nước, vì ĐCSVN đang độc quyền chính trị.

Vậy có phương cách bất tuân nào khả dĩ vừa không công khai tổ chức lại vừa đạt được hiệu quả hay không? Trong cái khó luôn ló cái khôn. Ví dụ những cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra năm 2011 dường như không ai xuất hiện công khai tổ chức, nhưng những người bất tuân vẫn tổ chức thành công nhiều cuộc biểu tình tại Hà Nội.

Kinh nghiệm cho thấy, sử dụng mạng Internet như là công cụ liên lạc để kết nối giao thông với nhau là hợp lý nhất cho đến lúc này. Tất nhiên cơ hội để phát động một đợt bất tuân bất kỳ lại buộc phải chờ vào những biến động thời sự xã hội. Và đối với những người không có điều kiện tiếp xúc Internet thì quả là khó khăn! Để giải quyết khâu này lại là trách nhiệm nặng nề của bộ máy các tổ chức, đảng phải chính quy của người Việt ở nước ngoài đã hoạt động đấu tranh ôn hoà lâu năm.

Từ những tín hiệu như việc kiến nghị sửa đổi hiến pháp hiện nay, hay trước đó là các cuộc biểu tình bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa, sự bất tuân đã đánh dấu một bước đi quan trọng trong tiến trình dân chủ hoá đất nước Việt Nam. Tuy nó mới chỉ là những tín hiệu, nhưng đã và đang làm cho nhà cầm quyền CSVN đau đầu loay hoay chống đỡ. Và tuy con đường tự do dân chủ còn đang ở phía trước, nhưng nó đang được khởi động đúng theo quy luật của các cuộc cách mạng mềm trên thế giới, mở màn bằng những hành động bất tuân.

Tấn Hà

Đoan Trang – Não trạng tự kiểm duyệt, nịnh trên nạt dưới của các tòa soạn báo Việt Nam đang ở mức báo động

Nguồn danluan

‎(Tất cả các nội dung dưới đây được viết dựa trên giả định rằng nhà báo Nguyễn Đắc Kiên bị đuổi việc là do hành vi gửi bài "Vài lời với TBT ĐCSVN N guyễn Phú Trọng" cho blog Anh Ba Sàm).

Mình có nói rằng, "càng ở trong một quốc gia có xu hướng (và thực tế là) vô luật, người dân càng phải hiểu biết về hiến pháp và luật pháp như là những công cụ bảo vệ công dân, đặc biệt là ý thức được về các quyền của bản thân. Nếu không, họ sẽ bị chính các lực lượng công quyền (như công an) lợi dụng, nhẹ thì bắt nạt, nặng thì hà hiếp, đàn áp".

Hôm nay, nhân sự kiện nhà báo Nguyễn Đắc Kiên bị đuổi việc, mình xin nhắc lại câu đó, một lần nữa.

Bởi vì, theo luật pháp (của nước CHXHCN Việt Nam), nhà báo Nguyễn Đắc Kiên hoàn toàn có thể gửi đơn khiếu nại, tố cáo, khởi kiện báo Gia đình và Xã hội. (Mình đang nói ở góc độ luật pháp, không xét đến các khía cạnh khác như tình cảm, tình nghĩa, tình đồng nghiệp v.v.)

Bởi vì, theo luật pháp – cụ thể là theo Luật Báo chí nước CHXHCN Việt Nam, báo Gia đình và Xã hội KHÔNG CÓ QUYỀN đuổi việc một phóng viên của mình khi phóng viên đó không viết bài cho báo mà lại viết rồi gửi "ra bên ngoài", kể cả đứng tên thật và nêu rõ thông tin nhân thân, trong trường hợp này là thông tin "nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, báo Gia đình và Xã hội".

Mọi quy chế hoạt động, hợp đồng lao động của báo với anh Kiên, nếu có điều khoản nào quy định rằng anh Kiên không được viết bài gửi ra bên ngoài với thông tin nhân thân của anh, đều là trái luật và do đó, vô giá trị.

Mình muốn khẳng định điều này: Não trạng tự kiểm duyệt, não trạng nịnh trên nạt dưới, não trạng khúm núm và xúm xít quanh "lãnh đạo Đảng và Nhà nước" của các toà soạn báo Việt Nam đang ở mức báo động. Chính cách làm đó, cách nghĩ đó mới bôi nhọ chính quyền nhanh hơn bao giờ hết. Ông Nguyễn Phú Trọng chắc chắn là không có một chỉ đạo cụ thể, trực tiếp nào đến toà soạn báo Gia đình và Xã hội trong trường hợp nhà báo Nguyễn Đắc Kiên. Chỉ có toà soạn hối hả ra quyết định đuổi việc nhân viên của mình trong vòng chưa đầy một ngày mà thôi (và điều đó có dấu hiệu vi phạm Luật Viên chức).

Vì sao các nhà báo, các vị lãnh đạo toà báo, các toà báo, không chịu nghiên cứu hiến pháp và luật pháp kỹ hơn và sử dụng chính hiến pháp, luật pháp làm công cụ bảo vệ mình? Sao lại để bị cơ quan công quyền bắt nạt?

Mình không biết đã có bao nhiêu lần anh em trong toà soạn mình nhận những lời "hỏi thăm, trao đổi" của "các cơ quan hữu quan" về "trường hợp phóng viên Đ.T.", nhưng chưa bao giờ mình phải sợ các cơ quan ấy, vì một lý lẽ rất đơn giản mà xác đáng của toà soạn, đại ý là "nếu phóng viên vi phạm pháp luật, xin các đồng chí cứ xử lý theo pháp luật, và có văn bản; còn nếu phóng viên không vi phạm pháp luật thì cô ấy làm gì ngoài cơ quan, là việc của cô ấy".

_________________________

Phát biểu của TS Nguyễn Quang A về việc TBT Nguyễn Phú Trọng ra chỉ thị xử lý những người có ý kiến trái chiều

Sáng nay, tại trụ sở Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội, RED đã tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề: Tác nghiệp báo chí trong việc lấy ý kiến nhân dân về các dự thảo chính sách; Đông đảo các nhà báo, các chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý, truyền thông-báo chí; đại diện Cục Báo chí-Bộ Thông tin-Truyền thông; Đại diện cơ quan thông tin truyền thông Văn phòng Quốc hội đã đến dự nghe và tham luận…

Có trên 10 tham luận, ý kiến phát biểu tại hội thảo này nhấn mạnh, phân tích và chỉ ra những mặt tích cực, tiêu cực của các phương tiện thông tin truyền thông đối với việc ban hành các chính sách của nhà nước…

Cuộc hội thảo đã diễn ra tới 12 giờ trưa, nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắng, cởi mở và hàm chứa nhiều thông tin bổ ích…

Xin trích một trong những ý kiến phát biểu tại hội thảo này của Tiến sĩ Nguyễn Quang A và ông Nguyễn Hữu Vinh, chủ trang mạng Anhbasam về hệ lụy của việc TBT Giadinh.net buộc thôi việc nhà báo Nguyễn Đắc Kiên:

[video:http://www.youtube.com/watch?v=CaFj2nuBlZI#!%5D

Xích Tử – Bản cáo trạng của công tố nhân dân gởi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Nguồn danluan

Để khỏi phải tốn kém những chi phí cho công nghệ thông tin và viễn thông, tôi xin nói thẳng rằng phát biểu của Tổng bí thư tại Vĩnh Phúc được VTV1 tường thuật trong bản tin thời sự tối 25/2/2013 với nội dung lời gỡ băng "… Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chứ gì nữa … Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn 'tam quyền phân lập' không? Hả? Muốn 'phi chính trị hóa quân đội' không? Người ta đang có những quan điểm đấy!… Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! Chỉ ở đâu nữa nào?… Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể… thì nó là cái gì?!… Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này" là một biểu hiện tiêu cực nghiêm trọng trong nhãn quan văn hoá chính trị, đạo đức chính trị của một người đứng đầu đảng cộng sản. Nó huỷ hoại, làm sụp đổ hoàn toàn một số chuyển biến chất lượng tích cực, một số chuẩn mực và giá trị tốt được đảng cố gắng tạo nên trong công cuộc "đổi mới" từ năm 1986 đến nay và tạo ra nguy cơ đẩy đảng vào những bế tắc ngày càng trầm trọng trong lý luận và thực tiễn lãnh đạo đất nước trong tình hình đầy nhạy cảm hiện nay. Cũng rất ngắn gọn, vì những lẽ đó, lời phát biểu là một hành vi phạm tội với các luận giải sau :

1. Nó đi ngược và phủ nhận truyền thống văn hoá, đạo đức của dân tộc. Một dân tộc, trong điều kiện thể chế chính trị phong kiến và không khí căng thẳng khi kẻ thù ngoại xâm đã có mặt trên một phần đất nước, đã có thể tạo ra một sự kiện chính trị cực kỳ dân chủ, có tính văn hoá cao là tổ chức Hội nghị Diên Hồng – một hình thức đại hội bô lão toàn quốc để lấy ý kiến nhân dân về sự đồng thuận quyết tâm đánh giặc. Ý chí đó của toàn dân có thể không phù hợp với ý vua và một bộ phận quan lại cao cấp thuộc tầng lớp quí tộc, song không ai bị kết tội là suy thoái và được chuẩn thuận để trở thành ý chí chung. Trong phát biểu của mình, khi cho rằng những ý kiến đóng góp cho dự thảo Hiến pháp của một bộ phận nhân dân, bao gồm cả một số đảng viên "cộng sản" không phù hợp với ý chí, lợi quyền của một bộ phận của đảng thống trị là suy thoái về đạo đức, tư tưởng chính trị, Tổng bí thư cũng đã tuyên chiến, kết án và phủ nhận truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc.

2. Nó phá hoại khối đại đoàn kết nhân dân và dân tộc Việt Nam. Sau 47 năm thống nhất đất nước, tình hình diễn biến theo chiều hướng xuất hiện một số mâu thuẫn, đối ngược trong nội bộ nhân dân, kể cả sự nghi kỵ, thù hằn, sự cách biệt giàu nghèo ngày càng gay gắt…, nhu cầu hoà giải hoà hợp dân tộc được đặt ra như một giải pháp tối thượng, trong đó có sự lắng nghe ý kiến trái chiều của nhau để tạo ra định hướng dung hoà, khoan dung và những giải pháp phát triển phù hợp cho đất nước. Nhu cầu ấy, trong quan hệ giữa người Việt trong nước và ngoài nước, giữa miền nam và miền bắc, cho đến nay vẫn chưa có lời giải và ngày càng bộc lộ những tác dụng tiêu cực. Chỉ cần theo dõi, phân tích những ý kiến trái chiều, đầy phức tạp của cả hai bên đối với cuốn sách "Bên thắng cuộc" của Huy Đức cũng đã rõ cho nhận xét ấy. Phát biểu của Tổng bí thư đã đổ dầu thêm vào đám lửa này. Chẳng những nó tạo thêm sự ngăn cách đối với các nhóm người Việt nói trên, mà còn tạo ra sự phân hoá thêm đối với số trí thức, đảng viên, nguyên quan chức cao cấp trong hệ thống chính trị của đảng. Họ vốn là những nguyên uỷ viên trung ương, bộ trưởng, là những trí thức uyên bác với những hiểu biết về lịch sử văn minh chính trị nhân loại và lịch sử, văn hoá dân tộc. Hơn ai hết, họ có đạo đức, nhân cách, luôn ưu ái đến vận mệnh của Tổ quốc, nhân dân và dân tộc. Song khi họ có ý kiến khác với Tổng bí thư, họ bị loại ra khỏi nhân dân của Tổng bí thư, bị kết tội là suy thoái đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị. Tôi chắc rằng tất cả những người có ý kiến khác đó không thể nào phạm tội tham nhũng như những người không suy thoái theo ý của Tổng bí thư, một lòng trung thành với Tổng bí thư, trước hết là đồng chí X.

3. Nó vi phạm chủ trương, chính sách của đảng về mục tiêu xây dựng đất nước dân chủ văn minh, vi phạm Hiến pháp và luật pháp hiện hành. Trong những văn kiện và thiết chế pháp luật ấy, quyền được phát biểu ý kiến trái chiều, quyền thể hiện quan điểm, nhu cầu về việc không được ghi Điều 4 vào Hiến pháp, yêu cầu đa đảng, xây dựng nhà nước tam quyền phân lập, phi chính trị hoá quân đội, biểu tình, khiếu kiện tập thể… không bị cấm, được pháp luật bảo hộ, khuyến khích; không có văn bản nào kết tội đó là suy thoái đạo đức. Trực tiếp, Tổng bí thư đã vi phạm nghị quyết 22 của Bộ chính trị của Tổng bí thư, Quyết nghị 38 của Quốc hội khoá XIII và kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân dự thảo Hiến pháp 1992 của Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Trong các văn kiện ấy, đảng, Quốc hội đều thể hiện quan điểm, nguyên tắc và phương pháp lấy ý kiến là không có chỗ cấm, chấp nhận mọi chiều ý kiến khác nhau; thu thập và tổng hợp đầy đủ, nghiêm túc mọi ý kiến của "nhân dân" (ý là những nhân dân được đảng tổ chức cho phép ý kiến, chức không phải toàn bộ hơn 60 triệu người Việt Nam trên 18 tuổi). Công việc ấy theo kế hoạch đến 31/3/2013 mới tổng hợp, đánh giá, báo cáo. Thế nhưng mới đến 25/2, Tổng bí thư đã đánh giá, kết luận rồi, rằng đó là những biểu hiện suy thoái đạo đức lối sống, tư tưởng chính trị và đề nghị phải xử lý.

4. Nó đi ngược và phủ nhận nền văn minh nhân loại. Quyền tự do phát biểu ý kiến của công dân, quan điểm về nhà nước dân chủ phi đảng trị, tam quyền phân lập, quân đội phi chính trị hoá, quyền biểu tình… là sản phẩm tốt đẹp của nền văn minh đó, hiện nay được áp dụng ở nhiều nước và thực sự sự áp dụng đó là một trong những động lực làm cho những nước ấy phát triển, nhân dân cảm thấy tự do, hạnh phúc, năng động, sáng tạo, đáng sống. Phát biểu của Tổng bí thư cố ý kết án, phê phán những giá trị nhân loại và những nước đang áp dụng các giá trị nhân loại ấy là suy thoái đạo đức, phi đạo đức, tức là phủ nhận, chống lại văn minh nhân loại.

5. Nó phá hoại chính sách ngoại giao đa phương, rộng mở của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Văn kiện mới nhất của đảng về công tác đối ngoại đề cập đến việc chấp nhận các quốc gia có thể chế và quan điểm chính trị khác với đảng nhưng có quan hệ có lợi về kinh tế, đầu tư; chấp nhận những đảng đối lập có đường lối không thiên tả nhưng có vai trò chính trị lớn ở những nước có quan hệ lợi ích với Việt Nam v.v…Phát biểu của Tổng bí thư, một mặt, khi phủ nhận tính chất văn minh của họ, chọ họ là suy thoái sẽ làm khó cho việc giải thích và thực thi chính sách ngoại giao. Mặt khác, phát biểu ấy, như có người đã nhận xét, làm lộ bí mật quốc gia về tình trạng không dân chủ trong việc cho phép công dân thể hiện ý kiến riêng của mình, cùng với những hạn chế tự do, dân chủ, vi phạm nhân quyền khác, sẽ làm cho uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế giảm sút; qua đó, việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ nhiệm kỳ 2014-2016 sẽ khó khăn hơn và trở nên hài hước.

6. Nó bật đèn xanh cho một chính sách và biện pháp khủng bố trắng toàn bộ nhân dân, trước hết là trong thời gian từ nay đến 31/3/2012. Biểu hiện đó đã có ngay trong việc trả thù hèn hạ nhà báo Nguyễn Đắc Kiên. Chỉ sau một ngày đăng bài phê phán, hội đồng kỷ luật báo Gia đình và Xã hội đã ra quyết định buộc thôi việc đối với nhà báo dũng cảm ấy. Sự mẫn cán kỳ lạ đó của lãnh đạo tờ báo, nếu không có sự chỉ đạo nhanh và dung túng ngay từ Tổng bí thư thì sẽ rất khó giải thích những trường hợp thụ lý công vụ ỳ ạch khác như Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có thông tư hướng dẫn việc trợ cấp cho học sinh vùnh khó khăn sau 6 tháng Nghị quyết của Chính phủ có hiệu lực hoặc những vụ án tham nhũng phải điều tra đến 5 – 7 năm vẫn chưa xét xử được.

Trong những ngày này, kẻ thù ngoại xâm vẫn gây hấn; một phần lãnh thổ đất nước vẫn bị chiếm đóng; dự án bôxít Tây Nguyên có cơ thất bại hoàn toàn; Tây nguyên và nam Trung bộ hạn hán có thể gây thiệt hại hàng chục ngàn tỉ; Nam bộ nước mặn lấn sâu mấy chục cây số vào đất liền; nông dân chăn nuôi thuỷ sản Nam bộ lao đao vì tôm chết và thức ăn chăn nuôi bị doanh nghiệp nước ngoài nâng giá có thể lỗ cũng đến hàng chục ngàn tỉ; doanh nghiệp nhà nước lỗ và nợ xấu hàng trăm ngàn tỉ. Tổng bí thư không nghỉ ra được gì khác ngoài sự u mê tự sướng trong nghị quyết 4 thành công mếu máo và tiếp tục khủng bố tinh thần nhân dân trong việc tham gia ý kiến vào dự thảo Hiến pháp. Với một đảng như thế, tạo ra một Tổng bí thư như thế, bản cáo trạng này cần có sự bổ sung thêm của mọi thức giả trong nước để tiến đến sự kết án, yêu cầu từ chức và trả lại công việc ngay cho nhà báo Nguyễn Đắc Kiên.

Xích Tử

Ghé thăm các blogs: 26/02/2013 (Diễn Đàn Thế Kỷ)

Nguồn diendantheky



BLOG VĂN CÔNG HÙNG

Bài này viết theo đơn đặt hàng của một tờ báo. Viết xong rồi... lênh đênh, cứ cất mãi trong file. Hôm qua thấy các báo đồng loạt nhắc lại Bô xít, nào là cảng Kê Gà không làm nữa, nào là làm Bô Xít lỗ... he he, lại nhớ là ngay từ hồi đầu, bao nhiêu người phản bác, nhưng ai phản bác là bị... đì, bị theo dõi. Bài này là một dạng phản bác từ hồi ấy...

TÂY NGUYÊN VÀ BÔ XÍT

Tôi vừa lang thang đi mấy huyện ở Tây Nguyên. Đi mới biết hình như nơi nào ở Tây Nguyên cũng có... bô xít. Làng mạc, rừng núi, sông suối, rừng vườn... đang trù phú xum xuê thế, đang hồn nhiên tươi trẻ thế, đang xanh tươi mướt mát thế, bỗng một hôm phát hiện rằng có bô xít ở dưới, thế là...

Bây giờ đi xuống các địa phương phía nam Tây Nguyên thi thoảng ta gặp người... nước ngoài. Nhưng đây không phải nước ngoài du lịch, cũng không phải Tây ba lô, mà trông họ... nhếch nhác lắm. Thì ra đấy là... công nhân bô xít... nhập ngoại. Cái chuyện bô xít này chưa biết ngã ngũ như thế nào nhưng thấy lòng dân có vẻ bất an lắm. Mấy năm phát triển, rừng ào ào trụi, giờ lại thêm bô xít. Cái nhỡn tiền là môi trường - không chỉ là môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái thông thường, mà nó là cả môi trường văn hóa, bị xâm hại, không chỉ bị xâm hại, có nhà văn hóa còn bảo, nó sẽ bị phá hủy. UNESCO công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên chứ có phải chỉ riêng cồng chiêng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đâu. Có mấy nhà văn cũng đã có thư ngỏ gửi các cơ quan có trách nhiệm bày tỏ quan ngại về vấn đề này rồi...

Nghe nói dưới chân tôi đây cũng Bô Xít

Lại nhớ mới đây có một cái hội thảo khá lớn ở Đăk Nông rồi sau đó là ở Hà Nội về Bô xit. Chính quyền tỉnh và tập đoàn than khoáng sản Việt Nam thì muốn khai thác bô xit ở đây, nghe nói là vô cùng nhiều, nhiều như... đất, cứ bóc vỏ đất ra là thấy. Các nhà văn hóa, khoa học, có cả đại tướng Võ Nguyên Giáp và mấy vị tướng nữa, thì chỉ ra rằng, Bô xit có thật đấy, nhưng chả bõ bèn gì, bởi vì quặng Bô xit rất rẻ, có bóc hết đất Tây Nguyên cho nó trọc lếu trọc láo cả lên thì cũng chả đáng là bao nếu quy ra đô la. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thì kết luận: Không khai thác bô xít bằng mọi giá. Theo tính toán thì bao giờ Bô xit thành nhôm thì mới có giá trị. Mà từ Bô xit đến Nhôm là cả một giai đoạn rất dài và rất tốn kém, nghe nói có một nước nào đó ông nhà văn Nguyên Ngọc đã đi thăm, thì để phục vụ riêng một nhà máy luyện nhôm cỡ trung bình, nước này phải dành hẳn một nhà máy thủy điện cỡ Ia Ly để phục vụ nó. Mà đấy mới là điện, chứ để biến từ bô xit ra nhôm còn bao nhiêu thứ khác nữa. Thế nên nếu cứ quyết tâm làm bô xit thì văn hóa Tây Nguyên sẽ bị băm nát. Ông Nguyên Ngọc nói thế và nhiều người cũng biết thế. UNESCO công nhận cồng chiêng Tây Nguyên là di sản nhưng thực ra là không gian văn hóa cồng chiêng chứ không chỉ mình cồng chiêng như một số người hiểu. Vậy nên vấn đề bô xit đang nóng ở Tây Nguyên. Đụng đến Bô xit là đã đụng đến cái món không gian văn hóa này rồi...

May thay là Bộ chính trị vừa có kết luận về vấn đề Bô Xít chứ không cứ như nghe cái nhà ông Đoàn Văn Kiển, chủ tịch HĐQT tập đoàn than khoáng sản Việt Nam trả lời Việt Nam net mà thấy hãi. Ông này nói rất lấy được, cái kiểu có làm mới biết lỗ lãi, mới biết có ảnh hưởng, có xâm hại gì không... thì quả là kiểu nói cả vú lấp miệng em, nói như kiểu duy ý chí một thời, rất vô trách nhiệm.

Tôi cho rằng, phàm là tài nguyên, là khoáng sản thì phải khai thác thôi. Nó là lộc giời, là ân sủng trời cho. Tuy thế nó không phải là vô tận, và nó cũng không phải là của làng để rồi ai cũng nhăm nhăm lao vào làm một phát cho nở mày nở mặt. Không thể khai thác nó bằng mọi giá. Đời mình chưa có điều kiện thì cứ để đấy, trồng cây, canh tác, làm du lịch (cắm cọc bảo: nơi này có Bô Xít đấy- cũng sẽ có khối người tò mò đến thăm)... rồi đời con, thậm chí đời cháu, chút, chít... có điều kiện, chúng sẽ khai thác một cách tinh tươm gọn ghẽ bằng những công nghệ hiện đại nhất, làm bô xít mà như đi du lịch, nước cứ trong vắt, đất cứ xanh rì cây lá... Bởi ngay cái kế hoạch khai thác bô xít bây giờ thì Trung ưong cũng đã nghiên cứu hàng mấy chục năm nay rồi cơ mà...

Bây giờ, rõ ràng lòng dân chưa thuận, mà trong Đảng cũng chưa đồng, còn nhiều vấn đề tế nhị mà chúng ta chưa lường hết được.

Thì đã làm sao nếu cứ tạm quên cái món bô xít đi. Cây công nghiệp, rừng, những thảo nguyên mênh mông rợn cỏ để chăn nuôi... vẫn phát triển như cũ. Tạm thôi, lòng dân là nước, nước ấy đang bình yên chảy như ngàn đời vẫn thế...

Bài này tôi viết theo đặt hàng của nhà thơ Nguyễn Trác, TBT Tạp chí Nhà Văn cho mục "Tiếng nói nhà văn" mà chả hiểu ông ấy có dám in không. Chả đâu như... nước ta. Cấm và không cấm cứ loạn lên. Hồi vụ Tây Nguyên, cấm báo chí đưa tin, sau đấy một thời gian lại yêu cầu ào ạt đưa. Vụ Hoàng Sa Trường Sa cũng vậy. Nhiều người đã bị rầy rà vì bày tỏ lòng yêu hai hòn đảo thân yêu của Tổ Quốc này. Bây giờ thì ngày nào cũng có HS TR trên báo, đến nỗi thấy phát thương cho ông tân chủ tịch HS không đất không dân ngày nào cũng phải trả lời phỏng vấn  và tuyên bố sẽ bảo vệ HS đến cùng. Và Bô Xít. Tôi có bài "Bô xít, rừng và Tây Nguyên" in báo Văn Nghệ già tết dương lịch, sau đó vannghequandoi online đưa lên, được ba ngày phải bóc xuống vì hồi ấy có lệnh không được nhắc đến Bô xít, giống như một từ húy kỵ. Bi giờ thì các báo lại cũng tràn ngập Bô xít... (2009)



FACEBOOK MẸ NẤM GẤU

Hôm qua hàng loạt báo chạy tin về dự án bauxite Tân Rai, Nhân Cơ.

Tuy không đề cập thẳng đến vấn đề an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế một cách trực tiếp, nhưng cách đưa tin rõ ràng là chỉ ra tính bất khả thi của dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên.

"Cảnh báo của các nhà khoa học về dự án Bôxít ở Tây Nguyên đang dần đúng. Dự án vẫn được thải bằng công nghệ rẻ tiền, nhiều rủi ro... Nếu làm đến cùng thì bôxít sẽ trở thành gánh nặng kinh tế!".

- Đó là khẳng định của Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) về việc thử nghiệm 2 dự án Bôxít Tân Rai và Nhân Cơ. Tiến sĩ Sơn kiến nghị lãnh đạo Vinacomin xin Chính phủ cho dừng ngay dự án Nhân Cơ, chờ khi nào Tân Rai có hiệu quả sẽ làm tiếp.

Sau chuyến khảo sát thực tế hai dự án trên ở Tây Nguyên, Tiến sĩ Sơn cho biết, đến nay dự án chẳng có gì mới so với những điều đã được cảnh báo từ 4 năm trước. Bùn đỏ - vấn đề được nhiều nhà khoa học quan tâm, vẫn được thải bằng công nghệ "ướt" rẻ tiền và nhiều rủi ro. (Theo Dân Trí)

Chợt nhớ 4 năm trước, trong rất nhiều buổi làm việc với Pa38 – phòng an ninh Chính trị nội bộ tỉnh Khánh Hòa và hai anh an ninh trẻ đến từ Bộ Công An, ngoài việc dò hỏi vì sao in câu "Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam" lên mặt trước của áo bên cạnh dòng chữ "Stop bauxite – No China" thì quan điểm mà họ luôn nhắc đi nhắc lại với tôi như thế này:
- Dự án khai thác bauxite là chủ trương lớn của đảng, nhận được sự đồng thuận và nhất trí cao của rất nhiều người. Chỉ có những người thiếu thông tin mới phản đối nó. Em chỉ đọc thông tin trên mạng làm sao biết được hết tính toán của chính phủ. Em phải biết việc em phản đối như thế này là đi ngược lại với đường lối và chính sách của nhà nước".

Tôi còn nhớ rất rõ, mình bị bắt vì tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích quốc gia". 

Năm 2011, trong các phiên họp của Quốc hội người ta lại nhắc đến dự án bauxite nhưng không đề cập đến các cảnh báo về an ninh quốc gia, lợi ích kinh tế mà chuyển sang việc vận chuyển quặng đã khai thác có thể gây hại cho cầu đường vì tải quá nặng.
(Theo Dân Trí)

4 năm sau, khi đã bỏ ngoài tai toàn bộ ý kiến và các lời cảnh báo từ các nhà khoa học, người ta lại nhắc đến dự án bauxite vì sợ "lỗ".

Vấn đề đặt ra ở đây là ai sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả những việc trên?

Câu trả lời như mọi lần sẽ là không có một ai hết.

Bởi không ai có thể túm đầu đảng để bắt đảng chịu trách nhiệm về chủ trương, đường lối của mình.

Cũng năm 2009, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ nộp đơn khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì đã ban hành quyết định số 167/2007/QĐ -TTg ngày 01/11/2007 "phê duyệt quy hoạch, phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015."

Theo một chuyên gia luật ẩn danh phân tích việc Tiến sĩ Vũ kiện Thủ tưởng thì thủ tướng không có trách nhiệm cá nhân trong vụ này.
"Trách nhiệm là từ phía chính phủ, và thủ tướng chỉ là người đại diện đứng ra thực hiện các chính sách của chính phủ."

Chính cách lập luận trên đã khiến cả dân tộc này phải lao đao khốn đốn sau nhiều lần chính phủ Việt Nam  cải cách, và sửa sai sau khi đã ban hành hàng loạt quyết định bất hợp lý với toàn xã hội.

Ông Thủ tướng không chịu trách nhiệm, thì đương nhiên sẽ không có chuyện chính phủ chịu trách nhiệm.

Cá nhân tôi cho rằng với tuyên bố 'khai thác bauxite là chủ trương lớn của Đảng" của nhiều vị lãnh đạo Việt Nam thì việc phải chịu trách nhiệm trước toàn dân tộc về hậu quả của dự án này là trách nhiệm chung của toàn thể các đảng viên đảng Cộng Sản đã nhắm mắt làm ngơ với tuyên bố trên.


BLOG HUỲNH NGỌC CHÊNH

Chỉ đạo lấy ý kiến cho dự thảo Hiến pháp tại Vĩnh Phúc, TBT Nguyễn Phú Trọng nói: "… Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, … Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! …
Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể … thì đó là cái gì? …"  - Video phát biểu của cụ Tổng (phút 7'20″): Thời sự 19h – 25/02/2013 (VTV)

Nghe xong những lời vàng ngọc nầy, nhà văn Nguyễn Quang Lập nhã nhặn nói: Tự nhiên thấy nhạt miệng, muốn văng tục quá.

Nhưng may quá nhà văn đã không văng tục ra vì kịp thời nhớ lại bài thơ của Nguyễn Duy, bài Đánh thức tiềm lực

nhưng sau đó nhà văn vẫn cứ ấm ức:
Thơ Nguyễn Duy cũng không giúp mình đỡ nhạt miệng, vẫn muốn văng tục, tức thế chứ!
Còn Mit Tờ Đỗ nào đó thì xuất khẩu thành thơ ngay để khỏi văng tục:
Mít Tờ Đỗ
Vẻ mặt bác rất tỉnh bơ
Mà sao nói tựa nằm mơ ban ngày
Bác phát biểu rất hăng say
Lập trường, bản lĩnh dạn dày ôi thôi!
Em nghi bác lú thật rồi
Để em đưa bác ra nơi Biên Hòa

======
(Tức là Bệnh viện tâm thần Biên Hòa, QL1, Tân Phong, TP Biên Hòa, ĐỒNG NAI - Điện thoại: 031.3828269 ạ)

Còn Anh Gấu Phạm ở tận bên Mỹ thì nhớ lại chuyện cổ tích ông vua cởi truồng... cũng để khỏi văng tục: Anh Gau Pham

Nghe bác Trọng phát biểu về sự suy thoái đạo đức mình không thể không nghĩ đến truyện Hoàng đế cởi truồng. Những năm xưa lớn lên trong cảnh tăm tối vì thiếu thông tin mình coi các vị đó như Vua như Thánh, giờ đây nhờ có ánh sáng của ngày mới chiếu rọi thì mình mới nhận ra chân tướng của các vị và thấy các vị thật yếu đuối, chán nản làm sao, mình không thể hiểu được là đúng là các vị tin những điều các vị nói hay ở trong sâu thẳm các vị cũng biết là đang nói những điều không thật nhưng vẫn nói chỉ vì quyền lợi cá nhân, quyền lợi nhóm. Mình mong sao cho sớm tới ngày mà cuộc đời của mọi người đều được hả hết hơi chính trị, người ta không nói với nhau những lời giả dối với giọng đảng phái, giai cấp, lập trường, đạo đức, tồn vong, tiến lên mà chỉ nói những lời yêu thương nhau, làm sao cho tất cả đều được làm người bình thường.

Còn blogger Anh Chí thì chợt nhớ đến con mình: Anh Chí

Thằng con mình mới rụng mất cái răng cửa, hôm nay đọc tiếng Anh số 4 toàn thành 'phò' chứ không thành 'pho' như mấy bữa trước. Phò phò :)

Blogger Trương Duy Nhất:
 Đảng và quốc hội đang vận động dân chúng tham gia góp ý sửa đổi hiến pháp với cam kết "không có vùng cấm, kể cả điều 4" thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại hắt một thau nước lạnh rất sỗ sàng và thách thức. ...
Phát biểu của ông Trọng đã ngay tức thời gây ra những luồng phản ứng dữ dội, gay gắt từ phía dân chúng và giới nhân sĩ trí thức. Chắc chắn trong những ngày tới, sự phản ứng này sẽ còn quyết liệt và gay gắt hơn. Một góc nhìn khác xin giới thiệu bài viết của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên (báo Gia Đình- Xã Hội)

Trên trang Ba Sàm cũng ghi lại một số ý kiến của một số nhà bình luận tên tuổi dưới đây:
 – Nguyễn Đắc Kiên – Nhà báo, báo Gia Đình & Xã Hội: Vài lời với TBT ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng (Ba Sàm). "Đầu tiên, cần phải xác định, ông đang nói với ai? Nếu ông nói với nhân dân cả nước thì xin khẳng định luôn là ông không có tư cách… Nếu ông và các đồng chí của ông muốn giữ Điều 4, muốn giữ vai trò lãnh đạo, muốn chính trị hóa quân đội, không muốn đa đảng, không muốn tam quyền phân lập, thì đó chỉ là ý muốn của riêng ông và ĐCS của ông. Ông không thể quy kết rằng đó là ý muốn của nhân dân Việt Nam".

- Blogger Osin bình luận trên FB: "Tôi cực lực phản đối những người phê phán nặng lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông gọi những người góp ý sửa hiến pháp theo hướng tam quyền phân lập, đa nguyên chính trị và phi chính trị hóa quân đội là suy thoái đạo đức. Điều này chỉ làm tổn hại uy tín của cá nhân Tổng bí thư (dân gian gọi là tự bắn vào chân mình). Ông Trọng không nói thì rất ít người tin nhận thức chính trị của một nguyên thủ trong thời đại ngày nay lại chỉ như tuyên huấn huyện ủy hồi thập niên 1980s. Theo tôi, chúng ta chỉ nên phê phán Tổng bí thư về hành vi tiết lộ bí mật quốc gia là được".

- Blogger Người Buôn Gió bình luận trên FB: "Vệ Kính Vương mưu sâu kế hiểm bày ra trò trưng cầu dân ý học theo cách trăm hoa đua nở bên Tề. Xem ai góp ý thì mang ra xử. Đến Bạo Tể tướng nửa thế kỷ thao lược còn phải thất thế ôm đầu lo cho số phận gia đình nhà mình, huống chi là nhân sĩ trói gà không chặt, tay không tấc sắt". – Blogger Đoan Trang: Trong khi nhân dân nô nức góp ý sửa đổi Hiến Pháp: Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vác nước lạnh ra dội (Dân Luận). Nghị quyết TW 4 cũng chính ông nhóm lò rồi dội nước, bây giờ cụ lại tiếp tục dội nước. – Nóng…sau chương trình thời sự buổi tối trên facebook! (LTDA).  – Nghe cụ Tổng nói, nhớ thơ Nguyễn Duy (Quê Choa).

- Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Cái bẫy và tác dụng ngược (J.B. Nguyễn Hữu Vinh). "…để biết ai 'muốn' cái gì thì là rất khó, vì trong xã hội Việt Nam thời Cộng sản, việc nói dối, làm dối, báo cáo dối, xử sự dối… đã thành nét 'văn hóa mới'. Càng như vậy thì đọc được ý muốn, ý nghĩ người khác đâu phải dễ dàng. Vì vậy mà Đảng mới giở trò 'Góp ý mà không có vùng cấm' này đây chăng? Tưởng rằng trò tương tự này đã được thể hiện trong các cuộc 'lấy ý kiến nhân dân' cho Dự thảo Báo cáo chính trị mỗi kỳ Đảng họp rồi cơ mà?"

- TS. NGUYỄN MINH TUẤN: "QUYỀN LẬP HIẾN LÀ CỦA DÂN" (ABC Radio Australia/ Nguyễn Minh Tuấn). – Nguyên thủ thực quyền, quốc gia thực lực (VNN). "Để người giữ vị trí nguyên thủ quốc gia không lạm quyền thì dự thảo cần phải bổ sung các điều khoản cụ thể về cơ chế kiểm soát quyền lực, thiết lập Hội đồng bảo hiến (hoặc tòa án hiến pháp) độc lập và luật định cơ chế nhân dân giám sát hoạt động của Đảng".

Thơ Nguyễn Duy

Tiềm lực còn ngủ yên 
trong quả tim mắc bệnh đập cầm chừng 
Tiềm lực còn ngủ yên 
trong bộ óc mang khối u tự mãn 
Tiềm lực còn ngủ yên 
trong con mắt lờ đờ thủy tinh thể 
Tiềm lực còn ngủ yên 
trong lỗ tai viêm chai màng nhĩ 
Tiềm lực còn ngủ yên 
trong ống mũi khò khè không nhận biết mùi thơm 
Tiềm lực còn ngủ yên 
trong lớp da biếng lười cảm giác 
Năng động lên nào 
từ mỗi tế bào, từ mỗi giác quan 
cố nhiên cần lưu ý tính năng động của cái lưỡi

Còn tôi đang thời gian đi giang hồ, né bớt cõi trần tục để bảo trì trí não nhưng nghe xong những lời vàng ngọc của người cũng muốn... Mà thôi, bần dân đang tập tành làm kẻ tu hành. Đéo chấp...ý quên, vô chấp.



BLOG HIỆU MINH


Rolex fake

Hồi tháng 7-2012, mình dự hội thảo IT ở Bangkok. Hết giờ, cả đám rủ nhau đi chợ mua đồng hồ. Thôi thì đủ loại đắt tiền, từ Patek Philippe, Louis Moinet đến Rolex. Loại xịn giá mấy chục ngàn đô tới hàng trăm ngàn đô ở London, nhưng ở đây chỉ bán 30-40$. Tây, ta mua túi bụi, ai cũng vui vẻ, dù đeo vài ngày thì kim rơi hoặc chết ngóm.

Thời mình đi học Ba Lan về, cánh lưu học sinh thường qua Moscow mua đồng hồ Poljot (Pôn-dốt), vì thuộc thơ của bác Việt Phương "Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ". Lão Tổng Cua cũng làm một cái mạ vàng, khá nhẹ, đeo dễ đến 10 năm ở Hà nội.

Vốn nông dân, ông già dạy, con ạ, nhà mình nghèo, cốt cái đạo đức làm đầu. Mẹ bảo "đói cho sạch, rách cho thơm", không nên dối trá, chả nên người.

Đi du học về vẫn mang theo "sứ mệnh" của người xưa. Làm việc chăm chỉ, chả biết nói dối là gì, và trong tình yêu thích khoe "anh đây chân thật nhà quê".

Ra trường dễ đến 5 năm vẫn chưa có ai. Được bạn bè giới thiệu cho một cô khá đẹp ở làng Liễu Giai (Hà Nội). Cũng đến tán, kéo cưa lừa xẻ. Khốn nỗi, người ta xinh nên vệ tinh cũng nhiều.

Lần đó mình đi theo cậu bạn đã có vợ, ra vẻ kinh nghiệm tình trường. Đến nhà nàng, vừa ngồi uống nước, tán tỉnh một lúc, bỗng xuất hiện cái xe cúp đỏ DD đỏ chói (xe máy của Nhật, nhãn DD).

Một chàng trai hào hoa phong nhã bước vào, quần là áo lượt, nước hoa thơm lừng. Con chó Nhật chạy ra vẫy đuôi mừng rối rít, trong khi mình đến thì nó sủa ngậu cả làng.

Cảnh đời đi tán gái đẹp thật trớ trêu. Mình đi xe đạp Liên Xô, đồng hồ Liên Xô. Đối phương đi xe Nhật, tay đeo đồng hồ Rolex sáng loáng. Cô chủ tiếp đãi ai nhiệt tình hơn thì cũng đoán ra.

Tay bạn nháy ra về. Dọc đường hắn bảo, mày có biết cái đồng hồ Rolex kia bao nhiêu không. Mình lắc đầu. Cỡ chục ngàn đô la đó. Trời, bằng căn hộ lắp ghép còn gì.

Mẹ kiếp. Hắn đi cái DD là căn hộ di động, đeo Rolex là căn hộ thứ hai. Thử hỏi cái nhà tập thể với 3 nhà khoa học nằm bàn ở làng Liễu Giai của cậu có giá trị gì. Biến đi cho nước nó trong.

Vài năm sau, người đẹp lên xe hoa. Kiểu gì thì Tư bản CN giả tạo vẫn thắng XHCN thật, dù thi sỹ Việt Phương vẫn nằng nặc "Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ".

Chua chát trong lòng, mình tìm cách bán cái Poljot để thêm tiền mua Rolex. Ra cửa hàng, hỏi tay thợ đồng hồ ngõ nhỏ trên  phố Tràng Thi. Cậu muốn đổi ngang cái Rolex  không. Mình tưởng nghe nhầm. Nhưng tay thợ bảo, tớ nói thật mà.

Dễ đến 5 năm sau, gặp người xưa, vẫn thấy nàng vẫn đẹp, nhưng hơi buồn. Hỏi sao vậy. Số em sinh năm Sửu nên vất vả như trâu.

Trời, ông xã có DD và Rolex, mua được vài căn hộ lắp ghép chứ chẳng chơi. Không, DD là đi mượn, Rolex thì mù. Bây giờ em là người bread earner (kiếm cơm) cho cả nhà.


Poljot thật

Mình vội phóng xe ra bờ Hồ tìm tay thợ chữa đồng hồ để hỏi, Rolex mù là gì. Là không phản quang vào ban đêm, chỉ sáng một thời gian rồi tắt ngấm. Tớ định đổi Rolex ngang Poljot là vì đồng hồ Liên Xô có mạ vàng thật. Rolex chỉ có mỗi cái tên. Lão thợ hấp háy mắt.

Hôm nay nghe chuyện của tay Robert Kiyosaki giời đánh nào đó, mình than trời. Đồng hồ fake đã giúp bao nhiêu người đẹp lên xe hoa. Dù sau đó có nhận ra đồ rởm, nhưng liệu có ai thay được "dòng thời cuộc".

Rolex rởm vẫn thường thắng trong những cuộc tình ngoạn mục so với những chàng trai Poljot thật thà.

Đi trên đường đời hôm nay, giữa những thật giả lẫn lộn, liệu bao nhiêu người trong chúng ta đủ tỉnh táo để nhận ra. Cái giá đôi khi là một cuộc tình đầy hối hận của chân dài, hoặc cao hơn là cả một quốc gia thất vọng vì một ánh hào quang ma quái giả tạo.

Nói gì thì nói, fakes Rolex vẫn sống trên thị trường Bangkok vì cái ánh sáng phát rực rỡ, dù đôi khi chỉ le lói được vài đêm. Cánh IT bạn mình lại hẹn hội thảo lần sau mua hẳn loại fake Patek cho sướng một đời trai.

HM. 22-02-2013



FACEBOOK HẢI LÝ

Khoảng giữa năm 2011, thế giới bắt đầu chứng kiến một hiện tượng lạ trong văn học. Bộ tiểu thuyết "50 Shades of Grey" (gồm ba quyển) của nữ văn sĩ Anh E. L. James đã leo lên hàng đầu của nhiều bảng xếp hạng sách danh tiếng với thành tích lẫy lừng: hơn 65 triệu cuốn được bán ra và gần 40 quốc gia đã mua bản quyền dịch thuật. Đó là chưa kể Hollywood cũng đang ngấp nghé dự định chuyển "50 Shades" sang thành phim. Hiện tượng lạ, vì bản chất của "50 Shades" chỉ là một bộ tiểu thuyết khiêu dâm, hay dâm thư. Chưa bao giờ một bộ dâm thư lại tạo nên thành công về mặt tài chính như thế.

Tuy "50 Shades" chịu không ít lời chê bai từ các nhà phê bình văn học, nó cũng nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ phía độc giả. Nhưng dù đứng ở góc độ khen hay chê, tất cả đều đồng ý ở một điểm: "50 Shades" là một dâm thư. Còn việc nó hay hoặc dở thì tùy thuộc vào người đọc.

Nếu chỉ vậy thôi thì chẳng có gì phải bàn tiếp.

Chuyện đáng nói bắt đầu khi "50 Shades" được dịch ra tiếng Việt và phát hành ở Việt Nam qua tựa đề tiếng Việt "50 sắc thái." Nó đáng nói vì hai nguyên nhân như sau:

1. Báo chí, truyền thông của nhà cầm quyền Việt Nam bao lâu nay vẫn ít nhiều một giọng điệu lên án lối sống và văn hóa đồi trụy của bọn "đế quốc, tư bản." Một quyển dâm thư như "50 sắc thái" có thể được phát hành rộng rãi ở VN đã là chuyện lạ. Lạ hơn nữa là một bài quảng cáo "50 sắc thái" bỗng dưng xuất hiện chễm chệ trên báo Nhân Dân – cơ quan truyền thông, tiếng nói chính thức của Đảng CS Việt Nam. Sự xuất hiện này dấy lên câu hỏi: "Tự bao giờ, những trang sách quằn quại với trần truồng, với c*c và l*n, với bao cảnh làm tình được tường thuật cặn kẽ, với mọi trò chơi tình dục (lành mạnh hoặc bệnh hoạn) được mô tả không che đậy... không còn là sản phẩm đồi trụy trong mắt người Cộng Sản?"

Trước đồng chí báo Nhân Dân, báo Công An Nhân Dân cũng có một bài đầy ưu ái dành cho bộ tiểu thuyết "50 sắc thái" và đặc biệt là E. L. James.

Nhưng thôi, hãy đừng quá quan trọng nguyên nhân thứ nhất này. Hãy xem nó là một phần của chính trị. Mà trong chính trị, sự tráo trở – hôm qua tuyên bố thế này, hôm nay tuyên bố thế khác – là chuyện bình thường. Đừng nên quá xem trọng cái sự nhổ ra rồi liếm lại của các cơ quan truyền thông nhà nước.

2. Cách thức mà người ta tiếp thị và quảng cáo bộ tiểu thuyết này ở Việt Nam để lại cái ấn tượng là họ đang cố tình giảm nhẹ một sự thật rành rành "50 sắc thái" chỉ là một dâm thư. Hãy đọc những gì trang VnExpress đã viết "Tước bỏ vỏ bọc sex, câu chuyện tình yêu của Grey và Steele là một dạng tình cảm lãng mạn kiểu cổ điển, theo motif phảng phất đâu đó qua các tác phẩm văn học kinh điển của Anh - Mỹ, như: Jane Eyre (Charlotte Brontë), Đỉnh gió hú (Emily Brontë), Cuốn theo chiều gió (Margaret Mitchell), Tess of the d'Urbervilles: A Pure Woman (Thomas Hardy)..." Không khó để mà nhận ra thông điệp của họ: "50 sắc thái" cũng có những giá trị nhân văn, nghệ thuật; cũng có thể sánh ngang với những tác phẩm văn học kinh điển đấy chứ!

Có thể nói rằng, trong hầu hết tất cả những bài điểm sách/bình sách uy tín ở nước ngoài thì không một bài nào dám đặt "50 sắc thái" bên cạnh các tác phẩm văn học khác một cách quái đản như vậy. Phần đông, họ chỉ so sánh sự tương đồng giữa "50 sắc thái" và bộ tiểu thuyết "Chạng vạng" mà thôi, và chính nữ văn sĩ E.L. James cũng thừa nhận cảm hứng của bà khi viết "50 sắc thái" là lấy từ "Chạng vạng."

Nói "tình yêu của Grey và Steele là một dạng tình cảm lãng mạn kiểu cổ điển, theo motif phảng phất đâu đó qua các tác phẩm văn học kinh điển của Anh – Mỹ..." là một sự gượng ép, tròng tréo, mượn danh một cách rất trơ trẽn và tội nghiệp. Những tình yêu kiểu ấy nhan nhản đầy trên các kệ sách, nào chỉ giới hạn trong các tác phẩm kinh điển kia.

Thật sự mà nói, với người trưởng thành thì việc đọc dâm thư, cũng như xem hình Playboy hoặc phim ảnh người lớn – dù không nên khoe khoang – cũng không hẳn là điều gì khiến người ta phải quá xấu hổ. Ở nước ngoài, người ta thẳng thắn "Vâng, tôi đọc dâm thư. Và tôi thích/ghét nó vì..." chỉ đơn giản có vậy. Ở Việt Nam, dâm thư cần được khoác lên một giá trị gì đó cho nó trông... thanh cao hơn: chẳng hạn như nó cũng có thể sánh ngang với các tác phẩm văn học kinh điển của thế giới, hay nó là cẩm nang giải phóng tình dục cho phụ nữ, hay là nó cho người đọc rất nhiều điều để suy ngẫm (về triết lý cuộc đời). Khoác lên cái giá trị ảo đó để người đọc yên tâm hơn, tự sướng với ý nghĩ "50 sắc thái" là một tác phẩm văn học rất đáng đọc.

Nghe đâu đấy phảng phất một cái mùi rất khó chịu: mùi đạo đức giả.

Để kết thúc, thiết nghĩ cũng nên nói rõ một điều. Tôi không có ác cảm gì với "50 sắc thái," chỉ thấy khá buồn cười trước cách mà người ta chào đón và quảng cáo bộ dâm thư này ở Việt Nam.

Tham khảo:
Cơn sốt "50 sắc thái của màu xám" - http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandancuoituan/nhan-dan-cu-i-tu-n/qu-c-t/c-n-s-t-50-s-c-thai-c-a-mau-xam-1.357460
Nữ văn sĩ E.L.James: Nữ quyền quyến rũ http://antgct.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=56455
Bài học về tình dục trong '50 sắc thái'
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/diem-sach/bai-hoc-ve-tinh-duc-trong-50-sac-thai-2422118.html



BLOG ĐÀO TUẤN

Chìa khóa cho vấn đề tin đồn, vì thế, không phải là việc nạn nhân xuất hiện bác bỏ tin đồn, để rất nhanh sau đó tra tay vào còng, cũng không phải là việc "công an vào cuộc".

Ngày 21-9-2012, ngay sau tin đồn bị khởi tố, một cách ráo hoảnh, cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá, bấy giờ đương chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB- khẳng định hoàn toàn không có tin này. Là tờ báo đầu tiên đưa tin, Tiền Phong sau đó đã phải rút lại với một lời xin lỗi. Cựu Bộ trưởng sau đó "tiết lộ" bảo bối với các nhà báo: Tôi là "cha đẻ"' của Luật Doanh nghiệp nên tôi có thể nói đấy là quy định tiến bộ nhất, là 'đứa con' sung sướng nhất cả cuộc đời làm việc. Trước năm 1989 khi Luật Doanh nghiệp chưa ra đời, người dân làm bất kỳ việc gì miễn là nhà nước cho phép, còn sau đó, thì được phép làm bất kỳ việc gì mà pháp luật không cấm".

Đúng 1 tuần sau đó, cựu Bộ trưởng bị khởi tố với hành vi "Ký nghị quyết HĐQT cho phép Tổng Giám đốc Lý Xuân Hải ủy thác rút 718 tỉ đồng của ACB mang đi gửi để hưởng lãi suất cho vay cao hơn lãi suất định hướng của Ngân hàng Nhà nước".

Trước đó, sáng 23-8, sau tin đồn lãnh đạo ACB bị khởi tố, Ngân hàng này lập tức bác bỏ, đồng thời tổ chức khuyến mại rầm rộ. Nhưng ngay trong tối 23-8, TGĐ Lý Xuân Hải bị bắt tạm giam.

Và nói về chuyện tin đồn, không thể không nhắc đến vụ bầu Kiên.

Nói tin đồn, nhưng không phải là tin đồn là vì thế. Và giờ đây, sau mỗi lần "nạn nhân" của tin đồn lên tiếng "bác bỏ", dư luận lại một lần nín thở chờ đợi trong căng thẳng một "ngày đen tối" của thị trường chứng khoán khi tin đồn được xác tín bằng một quyết định khởi tố, bắt tạm giam một đại gia nào đó.

Có hai điểm chung: Thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung "lãnh đủ" sau các tin đồn. Và quan trọng hơn: Các tin đồn rất nhanh chóng sau đó đều trở thành sự thật.

Sáng hôm qua 21-2, thị trường chứng một lần nữa lại khoán rúng động với tin đồn lãnh đạo BIDV bị bắt. Chỉ số HNX-Index giảm 5,3%, mức giảm kỷ lục trong 2 năm qua. Trong khi đó, chỉ số VN-Index cũng giảm mạnh nhất, kể từ sau vụ bắt giữ bầu Kiên hôm 20-8.

Không khí trên sàn chứng khoán được mô tả là "ầm ĩ hết cả lên" với cảnh "tranh nhau bán", "ồ ạt tháo chạy". Chỉ có một điểm bất thường là một nhóm nhỏ các nhà đầu tư tranh thủ "mua vét" 250 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 2.600 tỷ đồng.

Nạn nhân của tin đồn, Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà sau đó đã nhanh chóng xuất hiện bác tin bị bắt. "Nhiều khả năng là có người tung tin để trục lợi từ đó, nhất là sau những diễn biến về bắt bầu Kiên và những lùm xùm liên quan đến một số lãnh đạo ngân hàng thời gian gần đây. Những kẻ tung tin đồn có thể kiếm được từ 500-700 tỷ đồng sau những biến động dữ dội trên thị trường tài chính"- ông cáo buộc.

Không ngẫu nhiên, tin đồn này được tung ra khi mà thị trường đang hoang mang trước…tin đồn phá giá vnd.
Nhìn nhận các tin đồn xuất hiện trong 2 năm qua, cho thấy nó bao hàm cả 2 bộ mặt: Những tin bí mật được rỉ tai, sau đó thành sự thật. Và bộ mặt thứ hai là những tin vịt hoàn toàn, được tung ra nhằm trục lợi, hạ bệ, bôi nhọ. Nhưng bộ mặt nào thì tin đồn cũng là chỉ dấu cho thấy sự bất ổn của thị trường, hậu quả của sự bất minh và sự lung lay dữ dội của niềm tin.

Chìa khóa cho vấn đề tin đồn, vì thế, không phải là việc nạn nhân xuất hiện bác bỏ tin đồn, để rất nhanh sau đó tra tay vào còng, cũng không phải là việc "công an vào cuộc", mà phải là sự công khai, minh bạch, và nhất quán trong các chính sách kinh tế vĩ mô. Bởi suy cho cùng, nạn nhân của tin đồn không phải là các "đại gia nạn nhân" mà chính là nhân dân, những người lúc nào cũng thấp tha thấp thỏm với mấy đồng tiền còi vì mù tịt thông tin.



BLOG ĐÀO TUẤN

Nếu hỏi Chung Hân Đồng ấn tượng nhất về điều gì ở Việt Nam. Hẳn là cô sẽ tái mặt kể lại câu chuyện chiếc điện thoại bị cướp ngay trên tay, ngay trong ngày thứ 2 du lịch ở Việt Nam, ngay trước mặt bạn trai.

"Bạn trai tôi cũng không kịp trở tay"- cô nói với PV Ifeng.

Đúng là một nữ ca sĩ "phan hồn nhiên". Bạn trai cô, vâng, người xứ Hàn, dù có nhất đẳng huyền đai Teakwondo có lẽ cũng bó tay. Đến ngay cả những ngôi sao võ thuật Thành Long, Lý Liên Kiệt hay người hùng cơ bắp Sylveter Stallone hay Arnold Schwarzenegger sang Việt Nam lớ ngớ là bị giựt liền trên tay. Đơn giản, với cướp ở Việt Nam, những ngôi sao võ thuật hay người hùng cơ bắp chỉ là "khoai tây". Vả lại, phố phường ở ta vốn hiểm, người Việt vốn dĩ ngày ngày phóng xe mạo hiểm đem mạng đùa giỡn tử thần khác gì trên phim Hollywood, mà đâu có cần đóng thế hay kỹ xảo.

Tất nhiên, chẳng phải đợi Chung Hân Đồng trở thành "nạn nhân nổi tiếng bất đắc dĩ", người Việt mới nhận ra sự bất an rình rập cuộc sống hàng ngày. Chẳng phải là hồi cuối năm, hẳn một trung đoàn cảnh sát cơ động được tăng viện cho TP HCM đó sao?! Có lẽ, khi đọc những bản tin, đại loại "Cô gái đi xe SH bị cướp chặt đứt tay" nhan nhản và dày đặc trên báo chí, thì không phải chỉ là chuyện "đêm về gặp ác mộng", Chung Hân Đồng còn… té ghế nếu cô đủ can đảm quay trở lại Việt Nam.

Quay trở ra "Thành phố vì hòa bình". Năm 2009, nhân kỷ niệm 10 năm đạt danh hiệu này, Thị trưởng Thảo "Xin gửi tới bạn bè quốc tế thông điệp về một Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thành phố vì Hòa bình, về con người Thăng Long-Hà Nội thanh lịch và tài hoa".

Vâng, người Hà Nội vẫn thanh lịch. Nhưng chỉ là bởi họ đã quen với "văn hóa chửi", ngay cả khi phải bỏ tiền ra mua miếng ăn vào mồm.

Không hiểu người Tràng An thanh lịch văn minh sẽ nghĩ sao khi đọc những bình luận của một phóng viên nước ngoài khi anh viết về món phở Hà Nội: "Bát phở ngon nhất nằm ở những hàng quán không sạch sẽ, với những người bán hàng thô lỗ, dòng người xếp hàng dài và môi trường tồi tàn nhất".

Thô lỗ là gì? Là câu chuyện "bún mắng cháo chửi ốc lắm mồm", nó truyền thống đến nỗi đôi khi chúng ta quên mất rằng đang phải chịu nhục vì miếng ăn. Trên Dân trí, một người Việt Nam, tất nhiên, TS XHH Trịnh Hòa Bình phàn nàn: Khi bàn, khi miêu tả về ấn tượng phở Hà Nội, phở Việt Nam người ta có thể bao gồm cả cái văn hóa chửi đó. Văn hóa ẩm thực, vẫn tính đến nó như một thành tố của sự dã man, mông muội. Và họ chấp nhận nó như một thứ gia vị.

TS Bình cho cho đây là "một thứ bán kèm", thậm chí thành "một thứ văn hóa", mà người ta đang phải chịu đựng nhau, biểu hiện của sự kém phát triển và văn minh ở mức dưới trung bình.

Năm 2010, một trang web chuyên về du lịch phong Hà Nội là một trong những  "thủ đô ẩm thực" của thế giới. Thậm chí, Hà Nội "Điểm đến ẩm thực hấp dẫn thứ hai trên thế giới", chỉ sau Barcelona của Tây Ban Nha, qua mặt cả Rome và Tokyo.

Chắc là biên tập viên trang web chưa từng thưởng thức "bún mắng cháo chửi" Hà Nội. Bởi bọn "khoai tây" sẽ không thể như người Tràng An thanh lịch, quen nổi thứ "gia vị chửi", cay hơn ớt, đắng hơn bồ hòn.