"Sức khỏe" sau các vụ "xin nghỉ hưu non", "từ chức" của các quan chức, bỗng trở thành lý do quý như vàng SJC
Trung tuần tháng 4, khi Chủ tịch tỉnh Trà Vinh xin nghỉ hưu sớm (4 tháng) vì "lý do sức khỏe và không muốn người ta nói mình tham quyền cố vị", có một câu hỏi đã được đặt ra: Nếu không có scandal nữ phó phòng đại náo trụ sở Ủy ban thì ông có xin nghỉ hưu sớm? thì ông có thấy sức khỏe đang có vấn đề?
Người mạnh miệng hơn thì bảo đó là "hạn cánh an toàn" chứ chẳng phải cái gì gọi là tham quyền cố vị.
2 tháng trước đó, ở Lâm Đồng, một vị Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra xin thôi chức. Nguyên cớ: Vị chủ nhiệm, trong một cuộc sát phạt, đã bị quay clip. Và tình tiết "thú vị" là đơn thôi chức của vị này được gửi đi, ngay trước cuộc họp xem xét hình thức kỷ luật của Huyện ủy Lâm Hà. Vị Chủ nhiệm đã có một sự lựa chọn khôn ngoan, khi bước đúng bước chân của một đồng nhiệm là Chánh án TAND huyện: Cũng đánh bạc, cũng bị phát hiện, cũng hết cơ hội chối, cũng xin thôi chức. Và, thật tình cờ, cũng vì lý do "sức khỏe không đảm bảo".
Sức khỏe đúng là thứ lý do quý như vàng.
Nhìn ngược trở lại, hình như chẳng có mấy người xin nghỉ hưu sớm, nhất là "từ chức" nếu không dính tới, nhẹ thì là scandal, nặng thì là những hành vi vi phạm pháp luật.
Hành vi "treo mũ ở cửa Huyền Vũ", một thời được xem như tiết tháo, bị lạm dụng như một chiếc phao, cứu cánh cho những sai phạm, phổ biến đến mức giờ đây, trước mỗi vụ từ chức, người dân liền đeo kính hiển vi xem đằng sau đó là scandal, hay sai phạm.
Đó cũng là tâm trạng xã hội chung khi sáng nay, người dân đọc một bản tin trên Thanh Niên về việc PGĐ Sở NN và PTNT Bình Thuận xin từ chức.
Thanh Niên dẫn lời Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận Huỳnh Thanh Cảnh xác nhận vị Phó Giám đốc "Là người tốt, có chuyên môn giỏi. Nhưng bị bệnh gút rất nặng không thể đi công trường trong khi ông lại phụ trách mảng công trình thủy lợi".
Vị Phó Giám đốc xin từ chức, một thạc sĩ chuyên ngành cơ khí học công trình được đào tạo tại Pháp, từng cùng các chuyên gia của Hiệp hội Thủy điện Thế giới chuyển giao công nghệ xây đập thủy lợi của Pháp cho Bình Thuận- thì cho biết ông có nhiều trăn trở và không tán thành cơ bản với cách triển khai một số công trình thủy lợi của tỉnh hiện nay. Đây là nguyên do chính dẫn đến việc ông xin từ chức.
Nhưng, hoàn toàn không lạ, là sau vụ từ chức của vị PGĐ Sở, có vẻ người dân đã rất dè dặt, thậm chí, xuất hiện những dấu hỏi lớn về nguyên nhân thực sự.
Cũng phải thôi, nói đến ngành Nông nghiệp, người dân còn chưa quên vụ từ chức vô tiền khoáng hậu của Bộ trưởng Lê Huy Ngọ.
Năm 2004, Bộ trưởng Ngọ đã viết đơn xin từ chức trước trách nhiệm để Công ty tiếp thị đầu tư thương mại vi phạm pháp luật, làm thất thoát hơn 100 tỷ đồng. Vụ này nghiêm trọng đến mức bị cáo chính bị tuyên tử hình, 2 thứ trưởng bị xử án dù (dù treo), còn chính Bộ trưởng phải đối chất.
Buồn nhất là lá đơn xin từ chức chỉ được gửi sau khi BCH TƯ đã quyết định thi hành kỷ luật Đảng với Bộ trưởng, thậm chí, chỉ từ chức sau khi Thủ tướng Phan Văn Khải đã có quyết định kỷ luật cảnh cáo.
Xin vị PGĐ tha lỗi nếu những dấu hỏi to tướng mà dư luận đang đặt ra là khiếm nhã với vụ từ chức vì bất đồng ý kiến với cấp trên, một vụ từ chức sẽ đúng tuyệt đối với hai chữ "tiết tháo", sẽ trở thành một tiền lệ tốt đẹp, nếu không có scandal hay vi phạm nào ẩn dấu sau đó.
Một tuần khủng hoảng với những tin tức đánh ghen. Ở Đà Nẵng, một kẻ thất tình tưới xăng thiêu sống người yêu khiến nạn nhân "bỏng 95% cơ thể, hôn mê sâu và không còn đo được huyết áp" và sau đó… Ở Bình Dương, 2 mẹ con một người đàn bà đánh đập lột quần áo "địch nhân" quay clip và tung lên mạng. Còn ở Mỹ, một người đàn bà bị tuyên có tội, với hành vi cho ông chồng uống thuốc mê, rút dao cắt phăng "thằng nhỏ". Ả ta sau đó "đi thẳng vào bếp, ném "cái đó" vào máy xử lý rác và… bật nút.
Cảm giác của bạn, ngoài sự tò mò, khi đọc những dòng tin này là gì?
Nếu ai đó thắc mắc vì sao lại có chuyện "cắt phăng thằng nhỏ bên Mỹ" vào đây, thì xin thưa rằng, kẻ thủ ác mang cái tên Catherine Kiều, và là một người Mỹ gốc Việt. Còn chuyện "cắt phăng thằng nhỏ" thì, lạy thánh mớ bái, cũng chỉ vừa mới xảy ra ở TP HCM. Một người phụ nữ ở Củ Chi, vô tình đọc được một tin nhắn, chắc sướt mướt, của ai đó gửi vào điện thoại của chồng. Không nói nhiều. Chị này chạy vào bếp lấy dao…và sau đó, anh chồng được đưa thẳng vào Khoa Nam học. Có thể bạn không tin, nhưng mỗi năm, BV Chợ Rẫy phải "xử lý" chừng 30 ca các ông chồng vào viện trong tình trạng…khiêng kèm xô đá. Thôi thì đủ loại, từ bảo vệ, công nhân, kỹ sư, nghệ sĩ, và cả… công an.
Nhắc đến Kiều, mới nhớ trong Kiều có câu "ghen tuông thì cũng người ta thường tình". Có yêu mới có ghen, như hai ống của một chiếc quần. Và những kẻ thủ ác, sau này kiểu gì cũng "thú nhận" rằng vì thất tình, vì…tình yêu.
Nhưng yêu, nhưng ghen, không có nghĩa là người ta sẽ xăm quái vật vào mặt tình địch. Không có nghĩa là được phép đánh đập, lột đồ, quay clip tung lên mạng để làm nhục người khác. Cũng không thể "tự kỷ bản thân" đến mức cắt phăng thằng nhỏ "cho vào máy xử lý rác và bấm nút".
Có một điều chúng ta cần sòng phẳng với nhau, rằng: không tội ác nào có thể bao biện được bằng tình yêu.
Có thể, những người "trong chăn" sẽ cảm thấy tổn thương khi bị phản bội. Có thể phường "mèo mả gà đồng" khiến chị em không thể bình tĩnh nổi. Nhưng sau những cơn ghen "máu nóng bốc lên đầu" là những hậu quả mà không "bác sĩ" nào, kể cả nam học, có thể hàn gắn nổi.
Người phụ nữ xăm quái vật lên mặt "địch nhân" đã phải bồi thường 400 triệu đồng.
Người phụ nữ lột đồ quay clip đánh ghen đã bị bắt giữ vì tội làm nhục người khác.
Người đàn và gốc Việt tên Kiều đang đối diện với án phạt tù chung thân.
Còn kẻ tẩm xăng thiêu sống người yêu vừa bị bắt. Và bản án đang đợi kẻ thủ ác khó biết trước là bao nhiêu cuốn lịch, cả đời chăn kiến, hay một chiếc cột.
Trước khi đánh ghen có lẽ bạn nên cẩn thận chọn lựa kiểu đánh ghen: Kiểu "bồi thường hàng trăm triệu", kiểu "buôn lịch" hay kiểu "cả đời chăn kiến". Chọn được rồi thì đánh ghen đâu đã muộn.
Chúng ta hay nói về Hoạn Thư với những đòn ghen "nhẹ như bấc, nặng như chì", đến nỗi cụ Tiên Điền phải thốt lên rằng "Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen". Nhưng Hoạn Thư đã không đánh Kiều, dù chỉ một roi. Huống chi trong bức tranh Đông Hồ "Đánh ghen" nổi tiếng, các cụ ta đã để lại một lời đề: Thôi thôi nuốt giận làm lành, Chi điều sinh sự nhục mình nhục ta".
Ngày 30/4/1975 tôi có 3 đứa con: năm tuổi, bốn tuổi và một tuổi. Bây giờ chúng đã là những viên chức, có chỗ đứng tốt trong xã hội. Chúng có học vấn, có cuộc sống ổn định. Chúng sống bình lặng, khiêm nhường và lương thiện như mọi công dân Việt Nam khác.
Nhưng không phải ai cũng sống bình thường như vậy.
Bởi vì cũng có những đứa trẻ của ngày 30/4/75 đang sống khá đặc biệt. Đó là những người hiện nay thuộc lứa tuổi từ 50 trở xuống (tức là ở thời điểm 30/4/75 các vị ấy chỉ vừa mới cất tiếng khóc chào đời cho đến 12 tuổi), chẳng những không hề tham gia cách mạng mà thậm chí không biết cách mạng là gì, chiến tranh là gì, nhưng hiện nay họ là những ông bà quan lớn cách mạng, giàu có và đầy quyền lực.
Họ coi chính quyền này là của riêng họ, làm như thể chính họ đẻ ra cái chính quyền này, họ là bố mẹ của dân, là ông chủ của dân. Trong hàng ngũ các bộ trưởng, thứ trưởng, giám đốc, chủ tịch tỉnh, chủ tịch quận, chủ tịch phường, xã… không ít những người thuộc thế hệ ấy (có những vị bộ trưởng chỉ mới 48 tuổi, có vị chỉ 45 tuổi, bí thư tỉnh Hà Giang 45 tuổi, phó chủ tịch Đà Nẵng 35 tuổi – con trai một ủy viên BCT – còn ở cấp quận, huyện, phường, xã… thì người trẻ vô số).
Nói theo kiểu dân gian: họ là những người "tân gia ba" tức là mới tham gia cách mạng sau ngày ba mươi tháng Tư, nhưng họ vẫn hùng hồn tuyên bố: "Chúng ta đã đổ bao nhiêu xương máu để giành lấy chính quyền này thì không thể nào chúng ta có thể để chính quyền lọt vào tay kẻ khác".
Rõ ràng là họ coi chính quyền này như một chiến lợi phẩm mà – tiếc thay – họ chỉ là kẻ thừa hưởng chứ không hề tự tay mình giành lấy, đừng nói tới chuyện "đổ xương máu".
Họ có thể biện bạch rằng: tuy chúng tôi không đổ xương máu nhưng đó chính là xương máu của cha anh chúng tôi.
Thật vậy sao? Vậy mà người ta cứ nghĩ rằng đó là xương máu những người thân của đám dân đen đang chui rúc trong xóm lao động kia, là con, là chồng, là cha của những người nông dân đang đổ mồ hôi và nước mắt trên những luống cày tại những làng quê nghèo khó.
Tôi không có ý chê bai những người mới tham gia vào guồng máy chính quyền hiện nay sau ngày 30/4/75 bởi vì điều đó thật vô lý. Tôi cũng không có ý coi thường những cán bộ trẻ bởi vì họ đang đầy sức sống và năng lực, nhưng quả thật là hiện nay đang có những nhà lãnh đạo trẻ, cứ tiếp tục cái điệp khúc: "chúng ta đã hy sinh xương máu… nên không thể để chính quyền lọt vào tay người khác"… đã trở nên quá nhàm chán.
Tôi nghĩ, thay vì cứ tự hào về cái quá khứ mà họ không hề tham dự, họ nên hành động, nên suy nghĩ độc lập, biết đột phá, biết tìm con đường mới, biết mở cánh cửa tự do dân chủ, tránh vết xe đổ của lớp đàn anh vừa đi qua thì phúc cho dân tộc này biết chừng nào.
Những người từng đổ xương máu cho chính quyền này là hàng triệu chiến sĩ đã chết ngoài mặt trận, chết nơi ngục tù. Những người ấy giờ chỉ còn là cát bụi, không tài sản, không địa vị, không quyền lực và hiện nay thân nhân của họ đang sống rất nghèo khổ. Họ là những người duy nhất có quyền được tuyên bố rằng mình đã đổ xương máu cho chính quyền này, nhưng không bao giờ những mộ bia quạnh hiu nơi nghĩa trang liệt sĩ, những nấm đất vô danh nơi rừng sâu núi thẳm kia có thể thốt nên lời!
Số còn lại thì đã già, đã về hưu, chỉ còn một số ít vẫn đang nắm quyền nhưng rồi chẳng bao lâu họ cũng sẽ xuôi tay nhắm mắt mà không biết rằng mình sẽ để lại cho đời sau những tiếng thơm hay những lời nguyền rủa.
Đổ xương máu hay không đổ xương máu thì cũng chỉ còn lại một nước Việt buồn.
Muốn xác định ai đang đầu cơ vàng thì chúng ta tìm chỉ dấu để xác định. Hiện nay chỉ có duy nhất NHNN đang bán vàng ra để bình ổn thị trường. Phần lợi nhuận chênh lệch giá này tất nhiên chảy vào túi NHNN. Như vậy có thể thấy chỉ dấu này cho thấy chính Chính phủ Việt Nam đang đầu cơ vàng. Chỉ dấu thứ hai là Thống đốc NHNN không bị cách chức. Nếu NHNN làm ra chính sách để tạo điều kiện hình thành đầu cơ vàng cho một nhóm đặc lợi cá nhân nào đó thì cái ghế Thống đốc không thể yên ổn. Ngày 22/12/2012 Tổng bí Đảng Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc với NHNN đồng thời đánh giá cao hoạt động của NHNN. Tháng 9 năm 2012 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo hội nghị kiểm điểm của ban cán sự Đảng của NHNN và cũng đánh giá cao những nỗ lực hoạt động của NHNN. Những hoạt động này là chỉ dấu cho thấy chính sách của NHNN được Đảng cầm quyền và Nhà nước đánh giá cao. Như vậy có thể suy ra Đảng cầm quyền và Nhà nước đang ủng hộ chính sách tạo ra đầu cơ vàng.
Vậy còn ai đang đầu cơ vàng ở đây ngoài chính Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam? Tại sao họ phải làm như vậy? Rất có thể đầu cơ vàng chính là chính sách tận thu tiền từ nhân dân trong bối cảnh nền kinh tế đang be bét và xuống dốc, và ngân sách nhà nước đang bị thâm thủng nghiêm trọng.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phản ứng mạnh bài 'Rửa' vàng bằng cơ chế đăng trên báo Thanh Niên ngày 24-4 đến nỗi báo này phải rút bài xuống, hôm sau thì đăng đính chính trên báo in.
Vấn đề được NHNN đẩy đến chỗ hình sự hóa khi mời Bộ Công an (Tổng cục An ninh II) "cùng xử lý thông tin rửa vàng", tạo một tiền lệ chưa từng có.
Bình tĩnh đọc lại bài báo trên báo Thanh Niên thì thấy căn cứ để tác giả nêu ra các con số nhập lậu vàng vào Việt Nam trong các năm qua là một báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới. Theo đó, bài báo cho rằng Việt Nam đã nhập khẩu 87,8 tấn vàng thỏi trị giá 4,561 tỷ đô-la vào năm 2011; 75,2 tấn vàng thỏi trị giá trên 4 tỷ đô-la vào năm 2012. Với vàng nữ trang thì ít hơn, năm 2011 nhập năm 2011 là 13 tấn, năm 2012 thêm 12,5 tấn nữa.
Cái sai về mặt kỹ thuật ở đây là báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới dùng khái niệm "gold demand", tức nhu cầu vàng, được họ định nghĩa là "tổng lượng vàng nữ trang và vàng miếng tiêu thụ trong cả nước". Nhu cầu vàng này được ước tính dựa trên cung vàng từ các nguồn, gồm vàng chế tác và vàng nhập từ các nguồn không chính thức. Nói tóm lại, họ lấy các con số do các công ty vàng bạc lớn của cả nước bán ra trong năm để ước tính ra "demand" (cầu vàng), còn các công ty này lấy vàng từ đâu thì họ không quan tâm (vì cũng chẳng biết). Vàng đó có thể từ nhập lậu, cũng có thể từ các dạng vàng khác dập thành vàng miếng hoặc vàng nguyên liệu nhập từ trước.
Ví dụ theo thông tin trên trang web của SJC, doanh thu của SJC năm 2010 là 4,27 tỷ đô-la, năm 2011 là 5,28 tỷ đô-la (khoảng 100 tấn giá lúc đó), chủ yếu là nhờ mua bán vàng miếng ra thị trường. Lưu ý là doanh thu này không có nghĩa SJC bán ra 100 tấn mà có thể xoay vòng nhiều lần, mua vào rồi bán ra nhưng cuối cùng cũng tính thành nhu cầu tiêu thụ vàng của toàn thị trường. Nhưng vàng nguyên liệu ở đâu ra để bán? Có thể từ nhập khẩu, có thể từ mua vàng đủ loại trên thị trường (từ chuyên môn là scrap gold) về chế biến thành vàng bốn số chín.
Vậy nếu bài báo nói những con số này là nhu cầu vàng, trong đó một tỷ lệ nào đó là từ vàng nhập lậu thì hoàn toàn chính xác, không cãi vào đâu được. Vàng nhập lậu tác động lên tỷ giá là chuyện ai cũng biết nên đoạn tiếp theo cũng không có gì sai cả.
Bây giờ đến đoạn quan trọng nhất là câu "hé lộ khả năng đã có tình trạng trục lợi chính sách để 'rửa' số lượng vàng lậu khổng lồ đã tràn vào Việt Nam". Chỉ cần biên tập bỏ chữ khổng lồ (vì như đã nói ở trên là không xác định được khối lượng vàng nhập lậu là bao nhiêu) thì câu này đâu có cáo buộc trực tiếp NHNN điều gì đâu. Bài báo chỉ nói đến khả năng người khác trục lợi do chính sách chứ đâu nói chính sách là nhằm rửa vàng lậu?
Tôi đã từng phê phán chính sách cho tạm xuất tái nhập vàng rồi nên ở đây không nhắc lại nữa nhưng rõ ràng chính sách này dễ bị một bên khác lợi dụng để hưởng lợi nhiều cách, kể cả không loại trừ khả năng hợp thức hóa vàng lậu nhập trước đó (dù số lượng có thể ít) mà NHNN không biết.
Nếu NHNN là nơi muốn lắng nghe dư luận để điều chỉnh chính sách thì đây là dịp rất tốt để hiểu thị trường bên ngoài đang nghĩ như thế nào về mình, công tác tuyên truyền còn yếu ra sao để họ hiểu nhầm như thế ấy, chứ tại sao lại hình sự hóa vấn đề lên như thế? Lắng nghe như thế biết đâu là nguồn thông tin để NHNN rà soát lại chính sách xem có để ai lợi dụng không chứ chưa gì đã phủ định hết sạch như thế thì chủ quan quá.
Chính sách liên quan đến vàng đang tiếp tục nhận những phê bình của công luận. Dù báo Thanh Niên có đính chính thì báo Pháp Luật TPHCM lại có bài "Thị trường vàng: Nguy cấp! Điều hành vàng: Thất bại!" (Với câu dẫn rất ấn tượng: Thanh tra cần làm rõ: Vàng lậu vào VN là bao nhiêu? Đấu giá vàng và tạo ra tình hình độc quyền thương hiệu để làm gì?); báo Tuổi Trẻ thì có bài "Ai mua hơn 12 tấn vàng đấu thầu?" đặt vấn đề NHNN đã tung ra hơn 12 tấn vàng nhưng giá vàng trong nước không những không giảm mà ngày càng bỏ xa giá vàng thế giới.
Đâu có thể "mét" bên Bộ Công an hết được!
Tôi đọc tin này trước tiên trên fb của nhà báo Đức Hiển khi anh vừa duyệt bài xong, mai báo mới ra, nhưng cầm lòng không đậu anh phải thông báo ngay trên fb, một việc ít BTV nào làm. Sau đó hôm sau đọc cụ thể và, không thể cầm được lòng uất hận cũng như thương xót. Trời ơi, sao trong xã hội chúng ta bây giờ mà vẫn còn những người khổ đến thế. Chết là khổ nhất, thế mà có người lấy cái chết để chia sẻ cái khổ với chồng con. Tôi đọc được một tình yêu vô bờ của người phụ nữ này với chồng và con qua bức thư chị để lại. Và tôi cũng thấy sự vô cảm đến ác độc của những ông quan ở đấy, từ ấp đến xã đến mấy ông quan ngân hàng... đau đớn, vô cùng đau đớn.
Chúng ta có những công trình hàng ngàn tỉ, những tượng đài, những quảng trường hàng mấy trăm tỉ, những nhà thờ, những lễ hội hoành tráng... thế mà vẫn có những thân phận người "dưới đáy" đến như thế, còn hơn cả thời Gooc Ky, hơn cả anh Pha, chị Dậu, vì họ chưa phải treo cổ chết để chứng minh mình nghèo, để cứu chồng con. Chị Dậu, dẫu sao vẫn còn Nghị Quế ra tay mua cho mấy con chó, mua cho mấy đứa con để mà sống. Và rồi vẫn còn có cụ Cố, dẫu dê xồm nhưng còn ra tay cho chị Dậu tiền nếu chị... im lặng. Ở đây, cả một hệ thống chính trị từ ấp đến tỉnh, bao nhiêu bà con hàng xóm... thế mà cuối cùng chị đã một mình lặng lẽ chọn cái chết để giải thoát mình, để lại gánh nặng cho chồng và con- như thư chị viết...
Nếu viết nữa tôi sẽ khóc. Khóc vì phẫn uất, và vì biết, những thân phận dưới đáy như chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân (48 tuổi, ngụ ấp 5, xã An Xuyên, TP Cà Mau, vẫn còn nhiều lắm.
Khi khởi công rầm rộ các công trình vô bổ, khi đề ra những dự án làm nghèo đất nước, khi định những chủ trương, chính sách vớ vẩn... hãy nghĩ đến những thân phận "dưới đáy" đang rất nhiều trong xã hội ta, thưa các ông bà ăn lương của dân...
Nếu chị không tự tử, chúng ta vẫn vênh vang là một xã hội ngàn lần tốt đẹp, như lời bà phó chủ tịch nước, cũng như nếu không... tung clip...
Có lần, ông tôi nằm trên giường bệnh và nói lớ mớ, anh em tôi không ai hiểu ông nói gì, ông ngoắc tôi lại gần, rồi thều thào dặn: "Ba mươi tháng Tư năm nay, chắc ông không làm được như mọi năm, con nhớ, cứ nghe tiếng chó sủa đêm phía sau nhà thì mang một ít thuốc lá, bánh, áo giấy và đường ra cúng nhé! Họ về đó, năm nào cũng thế…". Chưa kịp hiểu gì thì ông đã qua đời. Cũng từ đó, cứ 30 tháng Tư, tôi lại làm theo lời ông dặn nhưng vẫn không rõ lắm "họ" mà ông đã nói là ai. Mãi cho đến mười một năm sau, lúc này tôi đã ngấp nghé tuổi trung niên.
Lúc tôi được biết rõ chuyện này cũng là lúc bà sắp qua đời, bà cũng gọi tôi đến bên giường và nói thì thào vào tai tôi: "Sau nhà mình là một nghĩa trang đã bị phá hủy trong những ngày mới thay đổi chế độ, nghĩa trang đó chôn những người lính Nghĩa quân và Biệt kích, trong thời gian làm kinh tế hợp tác xã, họ bắt ông của con phải ra đào mộ, lấy đất làm gạch. Chỉ bắt ông con vì ông con là lính nghĩa quân thời Pháp và bác Hai của con là sĩ quan chế độ cũ. Hồi đó nếu ông từ chối thì nhà mình khó mà sống cho yên. Ông con nhắm mắt mà bốc họ đi. Bốc xong, mấy ông cán bộ đưa cốt đi đâu bà cũng không rõ. Chỉ nhớ là mỗi đêm, vong hồn về đốt đuốc sáng choang ngoài hố gạch, nói chuyện rì rầm cả đêm. Họ linh lắm. Ông của con chỉ biết thắp hương khấn vái xin họ thương tình mà tha thứ cho tình cảnh của ông. Họ về báo mộng, cho ông biết là họ bỏ qua tội của ông, họ hiểu hết, họ không trách. Nhưng họ cần áo quần để mặc, họ thèm đường bát và thuốc lá… Con nhớ mà cúng mỗi năm nhé, và nhớ cầu nguyện cho họ siêu thoát…".
Lời dặn của ông và câu chuyện của bà trước lúc lâm chung khiến tôi buồn mấy ngày và cứ suy nghĩ miên man về thân phận con người, thân phận của những chiến binh đã hy sinh thân xác cho lý tưởng, cho quốc gia, dân tộc. Có thể nói rằng họ là những chiến binh không may, mộ phần của họ không được chăm sóc tử tế bởi bàn tay đồng đội, bàn tay người thân. Sau một biến cố lịch sử, mọi việc đảo lộn, thân phận của người sống cũng như người đã khuất cũng trở nên phiêu hốt, bất định. Và cũng có thể nói rằng đó là một sự không may mắn mang tính lịch sử.
Nhưng, nếu chỉ nói thế thì e rằng sự thiếu sót này không thể nào bỏ qua, và sự hời hợt trong nhận xét cũng là một cái tội, chí ít là cái tội với người đã nằm xuống. Hai miền Nam – Bắc nước Mỹ, sau chiến tranh, họ vẫn có một nghĩa trang chung của hai phía, họ cũng có những cuộc hòa giải để cho thấy rằng không có bên nào chiến thắng cũng như không có bên nào thua trận. Mà chiến thắng lại thuộc về nước Mỹ, một nước Mỹ yêu chuộng hòa bình và dân chủ, văn minh thuộc vào bậc nhất địa cầu. Rất tiếc, Việt Nam thì mọi chuyện vừa buồn cười vừa chảy nước mắt.
Sau ba mươi mấy năm kêu gọi hòa giải, hòa hợp dân tộc, cái người ta dễ nhìn thấy nhất đó là hàng triệu sốn phận bị đắm chìm vì những chủ trương, chính sách cấm cửa, không cho thi đại học vì có lý lịch là con em của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, mọi cơ hội hoàn toàn đóng kín trước mắt những người có liên quan đến chế độ cũ. Và, mãi cho đến bây giờ, những căn nhà bị cướp trắng, những người vợ, người con của chiến bính Việt Nam Cộng Hòa bị xua đuổi ra đường vẫn chưa bao giờ có cơ hội bước chân vào căn nhà cũ của mình.
Nhưng đó là chuyện vẫn chưa đáng kinh hãi lắm.
Đáng kinh hãi hơn cả là những ngôi mộ liệt sĩ Việt Nam Cộng Hòa bị bỏ hoang, bị đào bới và những nghĩa trang bị chiếm đất để trồng cây lâu năm, cây lấy gỗ mà ai cũng có thể nhận biết là cây đó nhanh tươi tốt như vậy nhờ bởi hút xác người. Thật là hãi hùng khi nghĩ rằng người chết phải thêm một lần chết dần chết mòn bởi rễ cây đang từ từ nhấm nháp xương cốt, từ từ xâm thực toàn bộ mộ phần của họ. Nhưng, mức độ kinh hãi vẫn chưa dừng ở đó, người ta còn nghĩ đến việc mở đường, xây dựng công trình lên đó và xóa sạch dấu vết của chế độ cũ. Giật sập tượng đài, đào bới mộ, hoang hóa nghĩa trang, đó là tất cả những gì có được trong cuộc hòa giải hòa hợp dân tộc này!
Đến lúc này, tôi phải tự hỏi liệu cái nền giáo dục mà tôi đã học ở đó trong quãng thời gian không ngắn của đời người có phải là nền giáo dục của con người? Vì nếu là nền giáo dục của con người thì phải dạy cho người ta biết yêu thương, biết kính trọng, nghiêng mình trước vong linh người đã khuất và biết động lòng trắc ẩn trước cái chết đồng loại. Nhưng không, suốt ba mươi mấy năm nay, người ta vẫn chưa ngưng hành hạ những ngôi mộ liệt sĩ đối phương, người ta vẫn chưa ngừng tung hê chiến thắng, người ta vẫn không ngừng rót rượu uống mừng, mặc cho mấy triệu đồng bào phải cúi mặt giấu nước mắt.
Thêm một 30 tháng 4 nữa, thêm một năm dài của những oan hồn còn vương vấn đâu đó nơi dương thế bởi chưa tìm được sự chăm sóc ấm áp của người thân hoặc bị cư xử quá tệ bạc và tàn nhẫn. Thêm một năm nữa, không có hy vọng gì vào một xứ sở mà ở đó, lòng cừu thù đã lậm vào máu thịt và não trạng, sự hận thù không từ bỏ cả với người chết… Lại một 30 tháng 4 nữa, chó đang sủa sau nhà, và trụ sở ủy ban phường đang có văn nghệ ăn mừng chiến thắng!