Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Nguyễn Đình Ấm : Điều 4 – Phải đâu cứ muốn là được?

Nguồn boxitvn

29/11/2013

Thời gian qua, thảo luận sửa đổi Hiến pháp cũng như phát biểu, trả lời phỏng vấn của "vô thiên lủng" (mượn lời nhà văn Nguyễn Quang Lập) các giáo sư, tiến sĩ, tướng, tá, đặc biệt tại kỳ họp thứ 6 QH 13, nhiều đại biểu khẳng định phải giữ điều 4, lại còn phải thêm "đảng là lực lượng lãnh đạo duy nhất" cho mạch lạc…

10 giờ ngày 28/11/2013 ý chí ấy đã được QH (gồm hơn 90 % là đảng viên) thông qua với 97,59% số phiếu, với lý do muôn thuở: Đảng có công lao giải phóng dân tộc, đưa nước ta lên CNXH, "tổ chức mọi thắng lợi"…

Mọi lãnh đạo, nhà cầm quyền đều muốn mình mãi mãi nắm vận mệnh một dân tộc thậm chí cả thế giới. Với đảng CSVN cũng không phải ngoại lệ: Năm 1992 khi khối XHCN đông Âu sụp đổ mất chỗ dựa mọi mặt lãnh đạo đảng CSVN phải vội ghi vào hiến pháp điều 4 để mình nghiễm nhiên cầm quyền mãi mãi đất nước này.

Ở các triều vua, chúa ngày xưa còn có ý chí độc quyền cai trị hơn thế: Vạn, vạn, vạn… tuế.

Thời phong kiến, để mong cầm quyền mãi mãi, ngoài dùng vũ lực trấn áp tàn bạo bất cứ ai làm trái ý, chống lại triều đình, các quan văn, mưu sĩ… không ngớt tuyên truyền công lao trời biển của "tiên đế", vua, triều đình, làm theo di huấn của "tiên đế", vua là "con trời" sai xuống trị dân. Các cận thần bịa ra các chuyện ly kỳ, các câu "sấm" để làm cho dân tưởng việc vua mãi mãi cầm quyền là xứng đáng, là ý trời, thần, quỷ… Bằng cách này, dù các đời vua về sau suy thoái, sa đọa, thối nát, nhưng do thông tin xấu bị bưng bít nên nhiều người dân vẫn an phận mà chấp nhận, cam chịu. Chỉ đến khi triều chính quá thối rữa, phe phái nổi lên tranh đoạt quyền bính, dân vùng lên khởi nghĩa, thì vua mới bị người khác thay thế trở thành "kẻ thất phu, cả giàu sang, nặng oán thù; Máu tươi lai láng xương khô rã rời…" ( Nguyễn Du).

Một trong những triều đại anh hùng có công lao lớn với dân tộc Việt Nam là nhà Trần: Ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông, rồi biến Đại Việt thành quốc gia hùng cường đến các triều đại nhà Minh, Thanh ở Trung Quốc sau này vẫn phải kinh sợ. Những triều vua đầu: Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông… đất nước hùng mạnh, dân ra đường "không thèm nhặt của rơi"… Thế nhưng, theo quy luật, chế độ độc tài không ai giám sát, cạnh tranh ngày càng thối nát, sa đọa, nên đến đời vua Trần Thiếu Đế đã bị nhà Hồ cướp ngôi. Các "tiên đế" nhà Trần có công lao với dân tộc lớn như thế có thể làm ra luật lệ ghi rõ: "Nhà Trần, đội tiên phong của quân, dân Đại Việt, đại biểu trung thành quyền lợi của thần dân lao động và của dân tộc, theo tư tưởng của Ngọc Hoàng, thần, quỷ, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" ai chống lại thì cứ chiểu theo luật đó mà bắt tù. Như thế thì Hồ Quý Ly không dám cướp ngôi nhà Trần sau 175 năm cầm quyền của nhà Trần chăng?

Đến nhà Lê cũng diễn ra tương tự. Lê Lợi từ người áo vải nằm gai nếm mật, trực tiếp cầm gươm ra trận khởi nghĩa 10 năm đuổi được giặc Minh ra khỏi bờ cõi, gây dựng nên nhà Lê danh thơm lừng lẫy. Nhưng cũng do chế độ độc tài không có giám sát nên đến thời Lê trung hưng triều chính thối nát, Trịnh-Nguyễn phân tranh, đất nước kiệt quệ, kiêu binh nổi loạn, "trộm cướp nổi lên như ong". Khi ấy, nếu bộ luật Hồng Đức có ghi "Nhà Lê được lịch sử giao phó là đội tiên phong của dân Đại Việt… do đã có công lao đánh đuổi giặc Minh mang lại giang sơn cho dân tộc Đại Việt…" thì Nguyễn Huệ sẽ không dám đem quân từ miền Trung ra Bắc để vua Lê Chiêu Thống phải chạy sang Tàu rồi chết rạc ở đó?

Tất cả lịch sử nhân loại dù có những khúc quanh trái quy luật, nhưng tổng thể vẫn theo đúng quy luật, đúng nguyên tắc: triều đại, chế độ văn minh, dân chủ hơn thay thế triều đại, chế độ độc tài lạc hậu…

Chính vì cái bệnh nan y của chế độ độc tài mà năm 1789 dân Pháp mới phải vùng lên phá ngục Basty, tử hình vua Luis 16, phá bỏ chế độ độc tài để sau này lập nên chế độ cộng hòa tam quyền phân lập, dân phán xét bầu ra lãnh đạo, để có hàng trăm nước dân chủ hùng cường, văn minh, hiện đại như ngày nay. Sự ưu việt của chế độ dân chủ đến mức cả 28 nước châu Âu thành một mái nhà chung, nương tựa, giúp đỡ nhau khi khó khăn. Ngược lại, ở các nước độc tài thì mọi thứ đều trì trệ, xâm chiếm, đánh giết lẫn nhau…

Thế mà đến nay một số đảng cộng sản lại làm cái việc phi khoa học, phi thực tế, trái quy luật đó để làm gì?

Phải chăng để tiếp tục trấn áp những người bất đồng chính kiến, những dân oan… đảng vẫn giữ vững điều 4 để bất khả xâm phạm? Căn cứ vào "luật gốc" đó sẽ đẻ ra các nghị định, quyết định… tạo thành bộ giáp cho đảng, ai nói, làm khác ý đảng sẽ được gọi là "chống đảng, chống phá, lật đổ nhà nước", cứ chiểu theo luật mà tống giam, bắt tù… để nhiều người sợ hãi mà khuất phục?

Tuy nhiên, không có cái lợi gì là tuyệt đối. Do có "căn cứ", đảng sẽ mạnh tay hơn trong việc trấn áp "thế lực thù địch" thực chất là nhân dân bất đồng chính kiến, oan sai, mất đất… thì chỉ tổ tích lũy thêm tội ác.

Như ta đã thấy trên thực tế và lịch sử, những chế độ độc tài khi còn đương quyền thì dù rất dã man, tàn bạo nhưng vẫn được tôn vinh đến tận mây xanh. Ví dụ như chính quyền của đảng cộng sản Liên Xô, Đông Âu trước kia, chính quyền Gadhafi ở Lybia, Saddam Husein ở Iraq… gần đây. Trước khi bị lật đổ, ông Gadhafi còn là bạn bè trọng thị của phần lớn các nước trên thế giới, được tung hô là lãnh tụ châu Phi, động một tí là cả triệu dân biểu tình hô Gadhafi muôn năm!… Thế nhưng, khi không còn quyền lực thì cha con, họ tộc của ông bị moi ra cơ man tội ác, kể cả ông bắt hàng trăm bé gái nô lệ tình dục, hơn 200 tỷ USD ở các ngân hàng bí mật bị phong tỏa… Chính quyền ông Saddam Husein của Iraq, chế độ ông Mubarak ở Ai Cập… cũng tương tự. Vừa qua, dù đảng cộng sản Trung Quốc đang tại vị, nhưng một lãnh đạo Trung Quốc đã bị chính phủ Tây Ban Nha phát lệnh truy bắt. Giả thử chính quyền CSTQ sụp đổ thì có lẽ "trúc Vân Nam không ghi hết tội" của nhiều lãnh đạo, đảng CSTQ. Theo quy luật thì ngày đó chắc chắn sẽ đến.

Chính vì vậy, theo tôi, có ghi một chứ ghi nhiều điều 4 vào Hiến pháp thì tác dụng cũng chẳng đáng là bao, thậm chí còn ngược lại.

Phải đâu, cái gì cứ muốn là được.

N.Đ.A.

Hồ Ngọc Nhuận : Viết tiếp

Nguồn boxitvn

Lịch sử không­­­­­­­ để viết lại.

Nhưng lịch sử có thể bị bắt dừng lại, kéo lui. Mà độ lùi không chỉ tính bằng năm hay bằng nhiều chục năm.

Như ở nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên "anh em", với đương kim "chủ tịch cháu nội", Kim Jong-un nguyên soái, thì phải dừng lại bao nhiêu năm? Để toàn dân toàn quân Triều Tiên khóc đứng khóc ngồi trước cái chết của "chủ tịch cha" Kim Jong Il, y chang như đã từng khóc đứng khóc ngồi "chủ tịch ông nội" Kim Nhật Thành, chết cách đó 17 năm? Và để bất cứ cái gì, từ cái đi, cái đứng, đến cái tiếng hét trên các làn sóng điện, đều phải y chang những thứ cách đây hơn nửa thế kỷ?

Đó là chỉ tính theo ngày thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, tức từ năm 1948 cho đến nay là 65 năm. Chớ nếu tính trên tước vị của "chủ tịch ông nội" Kim Nhật Thành thì lịch sử nước này phải lùi về thời Tam Quốc Triều Tiên cổ đại đã thống trị bán đảo Triều Tiên trong hầu hết Thiên niên kỷ 1, và dừng lại cho tới hết đời "ông chủ tịch cháu nội" hiện nay và nhiều đời con cháu ông ta nữa. Để cho "chủ tịch ông nội" trở thành "Chủ tịch vĩnh cửu" theo hiến pháp của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Trước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ba năm, trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đọc tại Hà Nội ngày 02 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án bọn thực dân Pháp như sau: "…Hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào… Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân… Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn…Chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật…".

Lời kết án đanh thép đó vang lên đã hơn 68 năm rồi mà cứ ngỡ như mới hôm nay.

Như mới hôm nay, cũng đang có một đám người liên tục muốn bắt lịch sử, đất nước, dân tộc ta phải lùi lại, để sống kiếp sống mà bọn thực dân, bất chấp nhân đạo và chính nghĩa, đã "ban bố" cho ông cha ta trong ngót 80 năm.

Hơn 68 năm về trước, "về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào",chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án bọn thực dân như vậy đó. Còn bây giờ, suốt 68 năm qua, về chính trị, có ai được một chút tự do dân chủ nào, xin cho biết? Cả những đảng viên cộng sản? Cả ông Đại tướng khai quốc công thần, và tất cả các ông tướng? Có ai tự do độc lập ứng cử đắc cử vô các Hội đồng, vô cái Quốc hội của Đảng, ngoài các đảng viên được Đảng cầm quyền chỉ định? Có bao nhiêu người yêu nước, kể cả các đảng viên cộng sản, đã bị thẳng tay đàn áp? Có một tổ chức chính trị nào được tồn tại, ngoài Đảng cầm quyền? Có một tổ chức văn hóa, xã hội, chuyên môn, nghề nghiệp… nào không bị Đảng cầm quyền nắm trong tay? …

Hơn 68 năm về trước, "chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân". Còn bây giờ, suốt 68 năm qua, ai độc quyền trói buộc tư tưởng văn hóa, với mạng lưới các ban tư tưởng văn hóa bao trùm lên khắp nước? Ai nắm hết các báo chí, các phương tiện truyền thông, các cơ sở phát hành, in ấn, kể cả sách giáo khoa, kể cả kinh bổn tôn giáo? Tuyệt đối, khắc nghiệt… hơn cả bọn thực dân? Bởi chế độ thực dân còn để cho "người An Nam" làm báo, viết báo tự do. Còn bây giờ, 68 năm sau, có người Việt Nam độc lập nào ở đây được tự do làm báo, viết báo? Ai miệng nói xây dựng dân chủ mà giựt sập không chừa một cây cột nào của tòa nhà dân chủ, hàng đầu là cây cột tự do báo chí, là Quyền Thứ Tư của nền Dân Chủ? Ai miệng nói Nhà nước Pháp quyền mà "vo tròn nhập cục" ba Quyền Nhà nước làm một trong tay một đảng độc tôn cầm quyền duy nhất? Ai đang thi hành chính sách ngu dân hơn cả mọi chế độ phong kiến? Bởi phong kiến còn biết huy động, tận dụng người tài.

Hơn 68 năm về trước, "chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu". Còn bây giờ, suốt 68 năm qua, hầm mỏ, nguyên liệu do các tập đoàn nước ngoài nào được thả cửa cho tha hồ khai thác? Ruộng đất nào thuộc về "người cày có ruộng"? Ruộng đất nào "thuộc về toàn dân" để bị "bọn chúng cướp không" đến nỗi người dân phải tự thiêu, tự xử?

Hơn 68 năm về trước, "chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn". Còn bây giờ, suốt 68 năm qua, có anh chị lao công, lao động nào… được có nghiệp đoàn tự do để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng? Có anh chị công nhân nào được các công đoàn nhà nước bênh vực khi bị các tập đoàn tài phiệt trong ngoài nước hà hiếp, bóc lột?

Hơn 68 năm về trước, "… hành động của bọn thực dân… áp bức đồng bào ta… là trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa". Còn bây giờ, hành động của những ai đang muốn kéo lùi lịch sử, kéo lùi đất nước, để dân tộc này, gồm già trẻ gái trai người Việt Nam của thế kỷ 21, phải sống trở lại kiếp sống "không có chút tự do dân chủ" nào, như dưới ách nô lệ thực dân cả 100 năm trước, là trái hẳn với mọi thứ đạo lý làm người.

Một dân tộc vừa liên tục trui rèn qua bốn cuộc chiến thảm khốc trong vòng 40 năm, luôn được ca ngợi là anh hùng, và không chỉ một lần anh hùng, thì sao lại xứng đáng bị nắm ót kéo lui để sống kiếp sống cúi đầu như một dân tộc bị mất nước?

"…Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm… dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!... Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy", như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự hào tuyên hứa.

Dân tộc đó cũng quyết không để bị ai kéo lùi lịch sử của mình lại.

Mà phải viết tiếp. Viết gì?

Viết những gì mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bỏ dở.

Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đọc tại Hà Nội ngày 02 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".

"Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ" còn có một lời "bất hủ" khác, tiếp theo. Mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bỏ dở. Đó là: "Để bảo đảm cho các quyền đó, các chính quyền được thiết lập giữa mọi người, và quyền hành của họ phải được xuất phát từ sự đồng thuận của những người họ quản lý. …" [1].

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 02 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Hồ chí Minh cũng đã viết: "Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. (Điều 1)

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được…"

Nhưng bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:

"Điều 2: Mục đích của mọi tổ chức chính trị là bảo tồn các quyền tự nhiên và tuyệt đối của con người. Các quyền đó là quyền tự do, quyền sở hữu, quyền an ninh và quyền chống lại sự áp bức".

"Điều 16: Xã hội nào không bảo đảm các Quyền con người, cũng không quy định rõ sự phân chia ba Quyền (Quyền Lập Pháp, Quyền Hành Pháp, Quyền Tư Pháp) thì xã hội đó không có Hiến pháp" [2].

Đây cũng là những lẽ phải không ai chối cãi được. Và phải được mọi người dân Việt thời đại Hồ Chí Minh và mọi thời đại viết tiếp. Để cùng nhau xây dựng cho mỗi người và mọi người một xã hội, một thế giới, một ngày nay, một ngày mai xứng đáng với con người.

TP Hồ Chí Minh, 28-11-2013

H. N. N.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Chú thích:

(1) IN CONGRESS, July 4, 1776. The unanimous Declaration of the thirteen united States of America,

"… We hold these truths to be self-evident, that all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty and the pursuit of Happiness.

That to secure these rights, Governments are instituted among Men, deriving their just powers from theconsent of the governed"

(2) Déclaration des droits de l'homme et du Citoyen du 26 août 1789. La Déclaration des droits de l'homme et du Citoyen de 1789 a été placée en tête de la Constitution de 1791.

"Le préambule de la Constitution du 4 octobre 1958 a remis en vigueur les dispositions de la Déclaration de 1789, comme l'avait fait lepréambule de la Constitution du 27 octobre 1946

Article premier. - Les hommes naissent et demeurent libres et égaux en droits. Les distinctions sociales ne peuvent être fondées que sur l'utilité commune.

Article 2. - Le but de toute association politique est la conservation des droits naturels et imprescriptibles de l'homme. Ces droits sont la liberté, la propriété, la sûreté et la résistance à l'oppression.

Article16. - Toute Société dans laquelle la garantie des Droits n'est pas assurée, ni la séparation des Pouvoirs déterminée, n'a point de Constitution."

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

QUAY CHẬM KẾT QUẢ BẤM NÚT THÔNG QUA HIẾN PHÁP CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM

Nguồn xuandienhannom


QUỐC HỘI KHOÁ XIII BIỂU QUYẾT HIẾN PHÁP 1992 SỬA ĐỔI
Số đại biểu tham gia biểu quyết: 488 (97,99%)
Số đại biểu biểu quyết nhất trí: 486 (97,59%)
Số đại biểu biểu quyết không nhất trí: 0 (0,00%)
Số đại biểu không biểu quyết: 2 (0,40%)
Xong!  
90 triệu con dân Việt Nam thuộc "dòng giống Tiên Rồng" lại tiếp tục dò dẫm, lầm lũi tiến lên "thiên đường XHCN", cái đích mà ngay cả ngài TBT, cựu Chủ tịch Hội đồng Lý luận TW Nguyễn Phú Trọng cũng phải "hồn nhiên" thừa nhận là không biết đến cuối thế kỷ này đã tới chưa!  (Nguồn: FB L.A.H)

Diễn đàn Xã hội Dân sự quan sát và bình luận:

11h, ngày 28/11/2013: Vào hồi 9h53′, ngày 28/11/2013, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp sửa đổi, với 486 phiếu tán thành, 3 "không biểu quyết", 0 có ý kiến "không tán thành". Tuy nhiên, trong thời gian chưa đến 60 giây trong quá trình bỏ phiếu, trên bản điện tử hiển thị có những diễn biến khó hiểu, đã có lúc ghi nhận có 3 ý kiến "không tán thành", 21 "không biểu quyết". Phải chăng đã có đại biểu nhanh chóng thay đổi quyết định trong thời gian bỏ phiếu ngắn ngủi, hay đã có sự tác động của … máy móc? Xin được ghi lại qua hình ảnh:







8

Dưới đây là video do Diễn đàn Xã hội Dân sự thực hiện ghi lại trực tiếp từ màn hình TV:


12h40′: Thế nhưng, dường như đã có câu trả lời cho "diễn biến khó hiểu" nêu ở trên, lúc 12h trưa nay 28/11/2013, trong chương trình Thời sự của VTV1, diễn biến được hiển thị trên màn hình trong quá trình bỏ phiếu đã không xuất hiện, mà chỉ có hình ảnh về kết quả cuối cùng (chúng tôi sẽ cập nhật đoạn video này trong ít phút nữa):..

.....
(Nguồn gốc từ : Diễn đàn XHDS. hiện đã bị gỡ bỏ, đây là bài copy từ xuandienhannom)

KIẾN NGHỊ TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG THÚC ĐẨY NHÂN QUYỀN

Nguồn boxitvn

28/11/2013


Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 11 năm 2013

Kính gửi: – CHỦ TỊCH NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM

– CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

– THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Đồng kính gửi: – BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO

– CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

V/v Tổ chức Hội đồng Thúc đẩy nhân quyền.

Ngày 12 tháng 11 năm 2013, Việt Nam được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp

Quốc. Trước đó 5 ngày (ngày 7/11) Việt Nam ký kết tham gia Công ước cấm tra tấn của Liên hiệp quốc, đồng thời Cam kết 14 điều khi nộp đơn ứng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.

Trước sự kiện này, một số cơ quan Đảng – Nhà nước, hệ thống báo chí, truyền thông chính thức loan tải thông tin bình luận đó là một thành tựu to lớn của nhân quyền Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước các cấp niềm hãnh diện của Đất nước, của Nhân dân ta.

Nhiều tác giả, từ những góc nhìn, tầm nhìn khác nhau đã đưa ra những thẩm định đa dạng, nhiều chiều. Trong đó có những viên chức cao cấp của nhà nước, như ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy Ban đối ngoại của Quốc hội đưa ra nhận định: "Đây là đòn đánh mạnh vào các đối tượng mà bấy lâu nay cố tình bôi nhọ, vu cáo chúng ta". Nhiều ý kiến khác lại cho rằng Việt Nam và một số ít nước khác tuy có vi phạm nghiêm trọng Nhân quyền cũng được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc là tạo điều kiện cho các nước này phấn đấu.

Trước tình hình này, chúng tôi một số nhân sĩ, trí thức, những người quan tâm đến thời cuộc, đang cư trú, sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy:

Hàng chục năm qua, trên các báo đài chính thống hiếm khi đăng tải toàn văn các Công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia là thành viên, đặc biệt là các Công ước của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền mà dư luận rất quan tâm như Công ước về Quyền dân sự và chính trị, Công ước về cấm tra tấn… Trên thực tế, các văn bản quan trọng này, chúng tôi chỉ nghe thấy tên, một vài trích dẫn để diễn giải theo ý kiến chủ quan của người cầm quyền. Đây lại chính là điều "cấm kỵ" đã được quy định trong Công ước. Chúng tôi hy vọng kể từ nay, các quyền dân sự và chính trị, quyền kinh tế, văn hóa, xã hội và các quyền cơ bản khác của công dân… cần phải được thực thi đúng theo tinh thần "Tuyên Ngôn Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc" và các "Công ước quốc tế nhân quyền" của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đã ký kết, hoặc đã là thành viên và đặc biệt mới đây là "14 điều cam kết" mà chính phủ Việt Nam ký khi nộp đơn ứng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.

Chúng tôi hiểu rằng, kể từ nay, Việt Nam không chỉ hãnh diện vì được bầu vào một trong hai tổ chức quyền lực bậc nhất của Liên hiệp quốc [Hội đồng Bảo An LHQ, Hội Đồng Nhân Quyền LHQ] mà vấn đề có ý nghĩa quan trọng là Nhà nước Việt Nam phải bằng hành động cụ thể có sự kiểm tra giám sát chặt chẽ của Nhà nước và của dân được quy định công khai, minh bạch với những chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó có những văn bản pháp quy nhằm đảm bảo cho 90 triệu người dân ở trong nước được hưởng và thực hiện đầy đủ các quyền ghi trong các Công ước mà Việt Nam đã ký kết, tham gia là thành viên.

Chúng tôi hiểu rằng, đường lối ngoại giao đúng đắn và bền vững chính là sự nghiêm chỉnh thực thi những cam kết quốc tế và khu vực thể hiện công khai trong đời sống xã hội của đất nước, thành tựu đạt được của ngoại giao là nhằm góp phần to lớn thúc đẩy xây dựng, phát triển mọi mặt

xã hội của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho nhân dân. Điều này không chỉ là nghĩa vụ chính trị mà còn là nghĩa vụ đạo đức của người cầm quyền. Để nhân quyền của mỗi người dân được thực thi và để sự hãnh diện của nhà nước đúng tầm với trách nhiệm đã cam kết, chúng tôi, những người quan tâm đến thời cuộc, đang cư trú, sinh sống tại Thành phố Hồ chí Minh muốn nói lên nguyện vọng bức xúc của các tầng lớp nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, kiến nghị:

1/ Nhân ngày 10 tháng 12 năm 2013, Ngày Nhân quyền do Liên Hiệp Quốc khởi xướng, Nhà nước, các tổ chức chính trị -xã hội, các tổ chức xã hội tổ chức mit- tinh, xuống đường chào mừng sự kiện trọng đại Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhằm vinh danh thắng lợi và đề cao ý thức trách nhiệm thực thi nhân quyền của chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân. Công bố thành lập "Hội Đồng Nhân Quyền của nhà nước", "Hội Đồng Nhân Quyền của Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp" và tại các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội cùng đồng thời cho thành lập các "Nhóm tổ chức xúc tiến Nhân Quyền của nhân dân".

2/ "Hội Đồng Nhân Quyền của nhà nước", "Hội Đồng Nhân Quyền của Mặt trận tổ quốc các cấp" cùng các "Nhóm tổ chức xúc tiến Nhân Quyền của nhân dân" có các nhiệm vụ chính như sau:

a) Phổ biến rộng rãi toàn văn các văn bản về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đã ký kết, tham gia... cụ thể là Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Công ước chống tra tấn, cam kết 14 Điều khi ứng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền và Luật Ký kết, Gia nhập và Thực hiện Điều ước Quốc tế ( Luật số: 41/2005/QH11).

b) Chủ trì phối với các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, rà soát, phát hiện các văn bản qui phạm pháp luật của Việt Nam qui định khác với qui định của Điều ước quốc tế về cùng một vấn đề, nghiêm túc phổ biến một cách minh bạch và công khai cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện, áp dụng theo qui định của Điều ước quốc tế (Khoản 1 Điều 6: Điều ước quốc tế và quy định của pháp luật trong nước. Luật Ký kết, Gia nhập và Thực hiện Điều ước quốc tế).

c) Kịp thời cập nhật và quảng bá thông tin về tình hình thực thi nhân quyền tại VN.

d) Tiếp xúc, phối hợp giữa Hội Đồng Nhân Quyền nhà nước, Hội đồng nhân quyền của các đoàn thể, Nhóm xúc tiến nhân quyền của nhân dân với các cấp chính quyền trong nước và các cơ quan của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc để trao đổi thông tin và xử lý thông tin về nhân quyền.

e) Phổ biến, truyền đạt kiến thức, tổ chức hội thảo về nhân quyền cho nhân dân.

g) Vận động trợ giúp, chia sẻ, góp phần khắc phục hậu quả đối với những trường hợp nhân dân bị vi phạm nhân quyền.

Chúng tôi đồng ký tên:

1. Huỳnh Tấn Mẫm, Bác sĩ, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (trước 1975), Đại

biểu Quốc hội khóa 6; Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP HCM

2. Trần Quốc Thuận, Luật sư, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội

3. Lê Công Giàu, nguyên Phó bí thư thường trực Thành đoàn TNCS TP HCM, nguyên Giám

đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC), TP HCM

5. Lê Văn Oanh, Chủ nhiệm Khối Trí thức, CLB Truyền thống kháng chiến TP HCM

6. Võ Văn Thôn, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM

7. Nguyễn Văn Kết [Tư Kết], nguyên Phó bí thư Đảng ủy Sở Văn hóa-Thông tin TP HCM

8. Bùi Tiến An, cựu tù Chính trị Côn Đảo, nguyên Cán bộ Ban Dân vận Thành ủy TP HCM

9. Hà Thúc Huy, PGS.TS, GS Đại học, TP HCM

10. Cao Lập, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Giám đốc Khu Du lịch Bình Quới

11. Kha Lương Ngãi, nguyên Phó tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng

12. Tô Lê Sơn, Kỹ sư, TP HCM

13. Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã Hội Học Việt Nam, nguyên thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Viện IDS

14. Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thư ký Hội Trí thức TP HCM

15. Trần Công Thạch, Hưu trí, TP HCM

16. GB Huỳnh Công Minh, Linh mục Tổng giáo phận Sài Gòn, TP HCM

17. Hạ Đình Nguyên, nguyên Chủ tịch UB Hành động thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn

(trước 1975), cựu tù chính trị Côn Đảo, TP HCM

18. Nguyễn Thị Khánh Trâm, Nghiên cứu viên văn hóa, TP HCM

19. Nguyễn Mai Oanh, Chuyên gia Nông nghiệp nông thôn, TP HCM

20. Nguyễn Xuân Nghĩa, Tiến sĩ, Giảng viên TP HCM

21. Trần Văn Long, nguyên Tổng thư ký UB vận động cải thiện chế độ lao tù miền Nam Việt

Nam (trước 1975), nguyên Phó bí thư Thành đoàn TNCS TP HCM

22. Lê Thân, nguyên CB Phong trào đấu tranh của nhân dân, sinh viên, học sinh tranh thủ dân chủ TP Đà Lạt, cựu tù chính trị Côn Đảo

23. Hồ Ngọc Nhuận, Nhà báo, Ủy viên UBTW MTTQ VN, Phó chủ tịch UB MTTQ TP HCM, nguyên Giám đốc chính trị Chủ bút nhật báo Tin Sáng, TP HCM

24. Tống Văn Công, Nhà báo, nguyên Tổng biên tập báo Lao Động, TP HCM

25. Nguyễn Thế Thanh, Nhà báo, Cán bộ hưu trí, TP HCM

26. Lưu Trọng Văn, Nhà báo, TP HCM

27. Lê Phú Khải, Nhà báo, nguyên Phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam thường trú tại miền Nam

28. Trần Minh Quốc, Hội viên CLB Truyền thống kháng chiến TP HCM, Thường trực khối Thanh niên

29. Nguyễn Đắc Diên, Bác sĩ nha khoa, TP HCM

30. Đào Duy Chữ, Tiến sĩ, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam,TP HCM

31. Hồ Hiếu, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên CB Phong trào đấu tranh của nhân dân, sinh viên, học sinh tranh thủ dân chủ TP Đà Lạt, nguyên Chánh văn phòng Quận ủy quận 1, nguyên Chánh văn phòng Ban Dân vận Thành ủy TP HCM

32. Phan Văn Thuận, Doanh nhân, Giám đốc công ty Phú An Định, TP HCM

33. Trần Văn Mỹ, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Giảng viên Đại học Sài Gòn, TP HCM

34. Nguyễn Lê Thu An, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Tổng biên tập Báo Điện ảnh TP HCM

35. Nguyễn Lê Thu Mỹ, cựu chiến sĩ biệt động khu Sài Gòn - Gia Định, CB hưu trí

36. Nguyễn Văn Lê, nguyên Chánh Văn phòng Khu đoàn Sài Gòn-Gia Định, nguyên Chánh Văn phòng Ban Dân Vận TP HCM

37. Trần Văn Nhiệm, nguyên Phó Giám đốc Sở Lao Động –Thương binh và Xã hội TP HCM

38. Đào Công Tiến, PGS, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP HCM

39. Huy Đức, Nhà báo, TP HCM

40. Hoàng Lại Giang, Nhà văn, TP HCM

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Phạm Trần : Hiến pháp mới chỉ kéo Việt Nam xuống hố

Nguồn danlambao

Phạm Trần (Danlambao) - Việt Nam chưa biết đi về đâu sau khi Hiến pháp 2013 được Quốc hội Khóa 13 chấp thuận ngày 28/11/2013 mà không có trưng cầu ý dân là hình ảnh tồi tệ lịch sử mà 500 Đại biểu của "cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" phải mang theo suốt đời.

Đó là hậu quả của hai năm nhà nước tiêu phí tiền bạc của dân từ 2011 để "bày" ra các cuộc thảo luận "bánh vẽ dân chủ" giữa các tổ chức và cơ quan của đảng với vài cuộc họp của Quốc hội chưa bao giờ làm tròn nghĩa vụ là "cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân".

Được tiếp sức bằng lời tự khoe của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có 26 triệu lượt người dân góp ý với Hiến pháp mới, nhưng không đồng ý là chuyện người dân phải tuyệt đối tránh để an thân, Hiến pháp có chủ tâm "diệt dân chủ để duy trì độc tài" đã đạt mục đích bảo đảm cho đảng Cộng sản Việt Nam được tiếp tục "lãnh đạo nhà nước và xã hội" bằng mọi giá mà không cần biết có thuận lòng dân hay không.

Ông Nguyễn Sinh Hùng đã tự an ủi cho hành động "một chiều" của Quốc hội rằng: "Chúng ta đã làm việc với một tinh thần trách nhiệm rất cao... Chúng tôi làm việc với tinh thần rất cần mẫn, rất khiêm tốn và rất cầu thị để tiếp thu cho được tinh hoa trí tuệ của nhân dân."

Nhưng thế nào là "tinh hoa trí tuệ của nhân dân" khi những ý kiến không hợp lòng đảng, khuyên đảng từ bỏ độc quyền lãnh đạo, bỏ lấy Chủ nghĩa phá sản Cộng sản làm nền tảng xây dựng đất nước để xây dựng một nhà nước thật sự của dân qua lá phiếu bầu cự tự do đã bị lên án là hành động chống đảng, chống nhà nước của các "thế lực thù địch"?

Ban Chấp hành Trung ương đảng cũng đã tự dối lòng mình khi tự đề cao những việc làm "dân chủ giả hiệu" tại Hội nghị Trung ương 8 từ ngày 30/9 đến ngày 9/10/2013: "Trong thời gian qua, chúng ta đã phát huy cao độ tinh thần dân chủ và ý thức trách nhiệm, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia ý kiến xây dựng Hiến pháp; việc đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp thực sự là đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị...".

Điều đáng bị lên án nhất đối với Quốc hội là trong suốt Kỳ họp 6, từ 21/10 đến 29/11/2013, họ đã không dám tổ chức các cuộc thảo luận dân chủ với nhân dân về bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, mặc dù đã nhận được Kiến nghị của nhóm 72 Trí thức và hàng ngàn người khác; của các Tổ chức Tôn giáo lớn gồm Công giáo, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy, Tin Lành và hàng ngàn Công dân tự do.

Ngược lại Quốc hội đã đóng cửa bảo nhau làm theo chỉ thị của Bộ Chính trị bác bỏ tất cả mọi ý kiến xây dựng một Hiến pháp dân chủ thật sự để mở ra một kỷ nguyên mới đoàn kết toàn dân, hòa hợp hòa giải dân tộc, đổi mới tư duy, chôn vùi quá khứ chính trị độc quyền tù túng và lỗi thời để đưa đất nước tiến lên hạnh phúc, phú cường cho toàn dân.

Nổi bật của sự lệ thuộc vào đảng của Quốc hội là không ai trong số 500 Đại biểu dám chống lại Điều 4 dành độc quyền lãnh đạo toàn diện cho đảng mà không do dân bầu, dù ai cũng biết như thế là trái với Khoản 1, Điều 2 viết rằng: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân." 

Những hạn chế và vi phạm


Thứ hai, dù biết có nhiều điều viết mới đã cố tình hạn chế "Quyền con người, Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của Công dân", cho phép nhà nước "tự ý suy diễn" để cưỡng chế và "giải thích tùy tiện" để đàn áp nhưng Quốc hội vẫn đồng ý mà không hề tham khảo với các chuyên viên về Nhân quyền, Pháp luật và Hiến pháp.

Tỷ dụ như điểm 2 của Điều 14 viết rằng: "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng."

Đến quyền của dân muốn thực thi những "quyền tự do căn bản" của mình thì lại bị hạn chế trong điểm 4 của Điều 15: "Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác."

Những ràng buộc mơ hồ này đã cho phép nhà nước được tự do hạn chế các quyền của công dân để chà đạp nhân quyền theo cách biện giải vô trách nhiệm của mình mà vẫn không bị lên án vi phạm Hiến pháp.

Trong lĩnh vực Tôn giáo, Điều 24 viết:

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Nhưng trong thực tế các quyền này đã bị "hạn chế" và "kiểm soát tối đa" đến gần như "vô hiệu hóa" Hiến pháp bởi Nghị đinh 92/2012/NĐ-CP về "Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo" của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 08/11/2012.

Nội dung Nghị định 92 quy định nhiều điều kiện nghiêm ngặt nhằm kiểm soát các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng từ nhân sự đến quyền hành đạo, tu hành và truyền đạo.

Các mánh lới phá đạo được thi hành dưới nhiều hình thức bằng biện pháp hành chính và gây khó khăn cho tín đồ theo đạo qua việc ngăn cấm tổ chức các buổi lễ cầu nguyện bên ngoài những địa điểm cố định đã được cho phép.

Việc bổ nhiệm, thăng chức trong nội bộ Tôn giáo phải có phép, nhất là các bổ nhiệm, thăng chức có "yếu tố nước ngoài" như trường hợp quan hệ giữa Giáo hội Công giáo với Tòa thánh Vatican.

Đến các quyền tự do khác ghi trong Điều 25 (sửa đổi, bổ sung Điều 69 của Hiến pháp 1992) cũng chỉ ghi ra cho có lệ để đánh lừa Quốc tế. Điều này viết: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật."

Nhưng nhà nước lại cấm tư nhân ra báo và bắt buộc 800 tờ báo, 67 đài phát thanh-truyền hình của đảng và của các tổ chức đảng và 17,000 phóng viên phải phục vụ đảng và tuyên truyền cho chủ trương, chính sách của đảng.

Các cơ quan báo đài này từng được sử dụng để chống các quan điểm không phù hợp với lập trường của đảng như đã diễn ra trong thời gian tranh luận về Hiến pháp mới.

Như vậy thì Hiến pháp viết ra để phục vụ ai, ngoài đảng cầm quyền thì Bộ Luật cao nhất của quốc gia chỉ có lợi cho 3 triệu rưỡi đảng viên và các nhóm lợi ích ầm quyền. Nó không có bất cứ giá trị nào đối với số dân khổng lồ 87 triệu người còn lại.

Nhưng khi nhóm người thiểu số dùng quyền lực và võ lực để áp đặt và cưỡng chế khối đa số phải thi hành Hiến pháp của họ thì hậu quả tai hại đến với đất nước và người dân sẽ là điều tất yếu.

Hiến pháp mới đã tước bỏ quyền tư hữu đất đai của dân để cho Nhà nước độc quyền "đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý" dù không có ủy thác của dân qua bất cứ hình thức nào.

Nền kinh tế quốc gia tuy mang danh nghĩa "nhiều hình thức sở hữu" nhưng không thuộc về toàn dân mà lại do đo nhà nước "chủ đạo" để nắm dạ dầy của dân.

Nhưng không phải chỉ một mình Quốc hội Khóa 13 mà cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XI cũng phải gánh chịu trách nhiệm lịch sử về Hiến pháp không do dân quyết định.

Vì vậy nếu ngày 28/11/2013 được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng coi là một "ngày đẹp" để thông qua Hiến pháp mới thì đằng sau vẻ đẹp ấy là những con mắt tuyệt vọng của hàng triệu người dân Việt Nam đang sống trong lo âu cho tiền đổ Tổ quốc. 

(11/2013)

Phạm Đình Trọng – Ngày mai quốc hội tự thú trước dân

Nguồn danluan

Từ lâu người dân Việt Nam đã thừa biết Quốc hội này là của ai. Nhưng hàng ngày cả hệ thống truyền thông đông đảo với công suất cực lớn của Nhà nước Cộng sản Việt Nam, những quan chức của Đảng và Nhà nước Cộng sản Việt Nam, những ông bà nghị sĩ của Quốc hội Việt Nam vẫn rổn rảng, vẫn véo von, vẫn ào ạt, cấp tập, xối xả rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhân Dân, Quốc hội thể hiện ý chí và nguyện vọng của Nhân Dân. Thực chất có đúng như vậy không, ngày mai, thứ năm, 28.11.2013, Quốc hội sẽ phải tự thú trước Nhân Dân, trước lịch sử khi những ông nghị, bà nghị biểu quyết quyết định số phận bản Hiến pháp năm 2013.

Hiến pháp năm 2013 dành cho đảng Cộng sản Việt Nam quyền hạn và lợi lộc mênh mông, vô hạn, đẩy cho người Dân mọi rủi ro, thua thiệt và bất hạnh. Hiến pháp năm 2013 dành cho đảng Cộng sản Việt Nam được quyền đương nhiên thâu tóm xã tắc, thống trị xã hội. Quân đội, công an là của đảng. Của nổi của chìm trên dải núi sông gấm vóc Việt Nam là của đảng. Đến những doanh nghiệp Nhà nước được ưu đãi tối đa, được sử dụng phần lớn nguồn vốn của đất nước, được độc quyền kinh doanh những ngành béo bở nhất cũng là của đảng, để rồi những doanh nghiệp đó giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế đất nước cứ lãng phí, thất thoát, tham nhũng, thua lỗ triền miên, làm cho cả nền kinh tế đất nước lụn bại, ngân sách trống rỗng, đời sống người Dân điêu đứng. Nhưng đảng không chịu trách nhiệm.

Hiến pháp năm 2013 ưu ái dành mọi lợi quyền cho đảng đúng như lời bài đảng ca: "Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình". Hiến pháp năm 2013 tước đoạt quyền con người, quyền công dân của người Dân, tước đoạt từ giá trị vật chất lớn lao (đất đai), đến giá trị tinh thần cao cả (quyền bầu chọn lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội) của người Dân, làm cho người Dân trắng tay và trắng mắt. Hiến pháp năm 2013 đẩy đất nước lún sâu mãi trong khủng hoảng, bế tắc và lạc hậu.

Biểu quyết chấp nhận bản Hiến pháp đó: Quốc hội của đảng

Biểu quyết bác bỏ bản Hiến pháp đó: Quốc hội của Dân

Từ lâu người Dân Việt Nam đã thừa biết Quốc hội này của ai nên người Dân cũng biết chắc rằng Hiến pháp năm 2013 sẽ được Quốc hội chấp nhận với số phiếu cao. Số phiếu cao đó là điều Quốc hội tự thú với Dân và là dấu ấn tủi nhục Quốc hội để lại trong lịch sử!

RFA. Tù chính trị: Chết vẫn còn bị "giam"

Nguồn RFA

Thanh Quang, phóng viên RFA 2013-11-26

11262013-thanhquang.mp3
000_Hkg8933729-305.jpg
Bên ngoài một trại tù ở VN, ảnh minh họa.
AFP photo

 

Số phận của những tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm ở VN hiện nay gây nhiều quan ngại trong công luận, nhất là họ bị phân biệt đối xử với tù thường phạm, gặp khó khăn trong vấn đề chữa bệnh khiến "chỉ có thể chờ chết" để rồi khi qua đời, thân nhân không được đem xác về an táng ở quê nhà, như trường hợp mới đây nhất của tù nhân Bùi Đăng Thủy.

Sau khi tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Trại qua đời tại trại tù Xuân Lộc, Đồng Nai hồi tháng Bảy năm 2011 và bị chôn tại đó dù trước khi mất, ông mong mỏi được về nhà chết bên cạnh người thân và dù gia đình xin đưa thi hài ông về an táng ở quê nhà nhưng trại giam bảo rằng "ông Nguyễn Văn Trại là một tù nhân chính trị chứ không phải là người"; sau khi người tù thế kỷ Trương Văn Sương qua đời tại trại giam Nam Hà hồi tháng 9 năm 2011 và cũng bị chôn cất tại chỗ dù thân nhân xin được hỏa tang để mang tro cốt ông về quê quán Sóc Trăng, thì hôm 24 tháng 11 vừa rồi, tù nhân chính trị Bùi Đăng Thủy, cựu sĩ quan không quân VNCH, đã qua đời trong lặng lẽ tại trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai; và gia đình cũng không được mang xác ông về quê chôn cất !

Điều đó thể hiện sự man rợ của nhà nước này, tức là đến chết mà người ta vẫn còn giam cầm. Hành động đó không phải là con người nữa. Tôi đọc tôi ức nghẹn lên. Họ cư xử như vậy, nó không còn là con người nữa. 
- Nhà văn Phạm Đình Trọng

Trước tình cảnh như vậy, từ Sàigòn, nhà văn Phạm Đình Trọng, cựu Đại tá quân đội Nhân dân VN, lên tiếng:

Điều đó thể hiện sự man rợ của nhà nước này, tức là đến chết mà người ta vẫn còn giam cầm. Hành động đó không phải là con người nữa. Tôi đọc tôi ức nghẹn lên. Họ cư xử như vậy, nó không còn là con người nữa.

Ký giả Trương Minh Đức cũng từ Saigòn nhận xét:

Tôi cũng là một tù nhân lương tâm, từng ở tù chung với ông Bùi Đăng Thủy, ông Nguyễn Văn Trại… Ngoài ra, hiện cũng có những tù nhân lương tâm khác đang bệnh rất nặng trong trại giam. Đối với nhà cầm quyền CSVN, nói về chính sách nhân đạo hoặc luật lệ thi hành án của họ cũng có cụ thể, nhưng đó là những luật để họ lừa bịp quốc tế thôi. Chứ đối với những tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, tù nhân tôn giáo, thì họ cư xử rất độc ác; có nghĩa là từ lúc những người tù này bị bệnh cũng như khi qua đời, giới cầm quyền hành xử khác biệt với những tù nhân thường phạm, ngược lại với chính luật lệ mà họ đề ra. Tôi nghĩ luật pháp VN, họ nói một đường làm một nẻo. Họ đối xử tàn tệ với những người đối lập, bất đồng chính kiến.

Cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển giải thích rằng theo quy định thi hành án phạt tù thì người tù sau khi qua đời ở trong trại giam có thể được đem thi hài trở về với gia đình an táng. Tuy nhiên, đối với tù nhân chính trị cũng như tù nhân lương tâm thì điều này sẽ không xảy ra! Trại giam luôn luôn giữ thi hài đó lại và an táng trong phạm vi trại giam, nơi người tù đó ở. LS Nguyễn Bắc Truyển lưu ý:

Tôi nghĩ rằng đó là một sự phân biệt đối xử giữa người tù thường phạm và người tù chính trị, cũng như đó là một sự không nhân đạo. Bởi vì người VN mình có câu nói "nghĩa tử là nghĩa tận". Nhưng đối với tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm thì nhà cầm quyền CSVN luôn luôn phân biệt đối xử như vậy. Họ không dựa trên cơ sở nhân đạo để giải quyết vấn đề  mà dựa trên cơ sở trừng phạt, trả thù để giải quyết vấn đề của những người đang thi hành án bị qua đời trong trại giam.

Ký giả Trương Minh Đức lưu ý rằng giới cầm quyền viện dẫn nhiều lý do, nhất là an ninh, nhưng, ký giả Trương Minh Đức nhấn mạnh, một người đã quá cố rồi, thì "nghĩa tử là nghĩa tận" mà họ cũng không cho thân nhân mang xác về, trong khi " đâu có gì gọi là nguy hiểm cho xã hội ?". Ký giả Trương Minh Đức cho rằng tính cách nhân đạo của họ quả "có vấn đề !". Nhà văn Phạm Đình Trọng khẳng định rằng:

Có một sự thật như thế này, tức là rõ ràng những người tù như Trương Văn Sương, như tù nhân (Bùi Đăng Thủy) vừa mất trong trại giam…, thực sự họ đều là những người tù chính trị cả. Nhưng nhà nước này không công nhận họ là tù chính trị, vẫn trốn tránh, tức là nhà nước này không dám nhìn thẳng vào sự thật. Điều đó cũng thể hiện một sự không trung thực của nhà nước này. Thực sự những người như Cù Huy Hà Vũ… đều là tù chính trị cả, nhưng nhà cầm quyền trốn tránh bởi vì vấn đề tù chính trị lại liên quan đến Công ước Quốc tế, những quy định quốc tế…Thành ra họ không dám công nhận. Mà họ coi tất cả những người đó là tù thường phạm.

Nhắc đến cái chết của những tù nhân chính trị trong cảnh lao lý nghiệt  ngã, FB Tin Không Lề không quên lưu ý rằng "những người tù chính trị dưới chế độ CS đã bị đối xử còn tệ hơn trong nhà tù đế quốc, thực dân". Nhà văn Phạm Đình Trọng đề cập đến vấn đề này:

Họ không dựa trên cơ sở nhân đạo để giải quyết vấn đề mà dựa trên cơ sở trừng phạt, trả thù để giải quyết vấn đề của những người đang thi hành án bị qua đời trong trại giam.
- LS Nguyễn Bắc Truyển 

Qua những sách vở tôi đọc được, thí dụ như Tướng Trần Độ nói rằng nếu thực dân Pháp cũng giam những người CS như bây giờ thì chẳng ai còn sống để làm cách mạng nữa. Chính ông Trần Độ đã nói như vậy, bởi vì ông đã trải qua nhà tù thời Pháp thuộc, rồi cũng kinh qua thời CS.

Theo cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển thì nhà cầm quyền VN luôn mô tả tình trạng giam giữ trong thời Pháp thuộc rất tàn ác, thô bạo, nhưng ông nhận thấy "thực dân Pháp xử tù những người gọi là yêu nước, kháng Pháp, vẫn có những người viết sách, viết truyện gởi ra đăng bên ngòai". Và LS Nguyễn Bắc Truyển tin rằng "trường hợp khắc nghiệt lúc đó cũng không như bây giờ".

Tù nhân chính trị VN hiện nay bị đối xử rất là tàn tệ. Ngoài chuyện họ bị đày đi xa gia đình hàng ngàn cây số như trường hợp bà Mai Thị Dung và Đỗ Thị Minh Hạnh, như Điếu Cày, Tạ Phong Tần cùng rất nhiều người khác. Họ bị đày đi rất xa để việc thăm nuôi ngày càng khó khăn bởi vì đa số gia đình tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm là những người nghèo, không có được đủ phương tiện, điều kiện thăm nuôi thường xuyên. Giới cầm quyền muốn cắt đi những tù nhân đó ra khỏi gia đình, làm cho họ khó khăn trong việc tái hòa nhập với xã hội sau này.

Rồi nhà cầm quyền CSVN áp dụng những hình thức như biệt giam tù nhân chính trị trong điều kiện khắc nghiệt; giam tù nhân chính trị trong những phòng giam nhỏ, chật hẹp, rất nóng bức như hiện đang xảy ra ở phân trại 2, trại giam Xuân Lộc. Ngoài ra, họ còn bị ép buộc phải nhận tội, nếu không sẽ bị đối xử như một hình thức vi phạm kỷ luật, như trường hợp anh Điếu Cày, bà Mai Thị Dung không "nhận tội" cũng không được cho đi chữa bệnh trong điều kiện đang bị bệnh rất nặng. Hay như trường hợp ông Nguyễn Tuấn Nam đang bị giam giữ ở trại số 2, Xuân Lộc.

Cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển nhân tiện lưu ý rằng từ năm 2000 đến nay, có ít nhất 10 tù nhân chính trị đã chết tại trại giam Xuân Lộc. Số phận của tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm VN – nói theo lời ký gia Trương Minh Đức - bị "để cho kéo dài tình trạng bệnh tật trong trại giam mà không được chữa trị đến nơi đến chốn chỉ có thể chờ chết thôi" khiến người ta lo ngại cho những người tù hiện nay, từ sinh viên Đỗ Thị Minh Hạnh, nhà giáo Đinh Đăng Định cho tới người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu.

Theo cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển thì cách hành xử của nhà cầm quyền VN như vậy là không thể hiện tinh thần giam giữ nhân đạo theo Công ước về Quyền Dân sự và Chính trị, Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, hay Công ước Chống Tra Tấn Tù nhân hoặc Hội đồng Nhân quyền LHQ mà chính VN đã gia nhập

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Đinh Phương Thảo – Xin hãy nhân đạo mà thả tự do cho bố tôi và tất cả các Tù Nhân Lương Tâm trên đất nước đau khổ này

Nguồn danluan

Lại thêm một người Tù Nhân Lương Tâm nữa đã ra đi trong ngục tối! Nhận được hung tin mà trong lòng thấy nghẹn, không thể cất lên thành lời. Cầu mong linh hồn người quá cố được siêu thoát, cầu cho vong linh của người quá cố bảo vệ che chở cho sinh mạng của bố con và những người Tù Nhân Lương Tâm khác đang chịu cảnh đọa đày.

Cái chết của những Bùi Đăng Thủy, những Trương Văn Sương, những Nguyễn Văn Trại, thực sự đã làm cho tất cả những ai yêu chuộng công lý hòa bình phải bật khóc. Vâng, không khóc sao được, khi đã 38 năm kể từ ngày "nước nhà thống nhất" mà vẫn còn cảnh ai oán bi thương trên khắp đất nước này. Họ gầy gò, họ nhỏ bé, họ đau đớn, bệnh tật và họ chêt trong cô đơn, không người thân thích. Những con người này, liệu họ còn có khả năng gây nguy hại gì cho đất nước, mà tại sao các vị lãnh đạo nhà nước còn cầm tù họ? Nhưng các vị có biết không? Bạo quyền của các vị chỉ có thể giam cầm thân xác con người ta thôi, không thể nào giam cầm được ý chí và tâm hồn của họ. Mãi mãi không bao giờ!

Bố cũng thế. Chỉ đơn giản là một con NGƯỜI đúng nghĩa, không thể không lên tiếng trước những bất công xã hội, không thể im lặng trước vi phạm, chà đạp nhân quyền, cho nên bố đã cất lên tiếng nói. Bố góp ý phê bình công tác giáo dục của tỉnh Đắk Nông nơi mà bố đang công tác thì bị người ta đe dọa cho nghỉ việc. Bố kêu gọi nhà nước chính quyền ngừng khai thác boxit Nhân Cơ – Đăk Nông, thì bị công an mời đi làm việc. Bố không tham gia bất kỳ một tổ chức, đảng phái chính trị nào cả. Ấy vậy nhưng người ta vẫn bất công, vẫn ngồi lên luật pháp và giáng cho bố bản án 6 năm đầy nghiệt ngã. Có nơi nào trên thế giới này như đất nước tôi không?

Còn nhớ, vào tháng 10/2010, trong ngày lễ tốt nghiệp đại học của con, đã không có bố mẹ đến dự. Ngày đó, con đã vô tình khi không biết thời gian con ở Sài Gòn học hành, là cũng bằng ấy thời gian bố bị chính quyền địa phương gây khó dễ, cản trở. Con không biết ngày con tốt nghiệp cũng là ngày mà chế độ này huy động một lực lượng hùng hậu đến bao vây nhà ta, đến đánh cướp cái máy tính là tài sản bố mua cho con để phục vụ con học tập. Để rồi một năm sau, cũng vào một ngày tháng 10, sau cái ngày nghe tin nhà độc tài Gaddafi bị tiêu diệt, thì họ lại dùng đội quân hùng hậu ấy đến để bắt bố. Ngày ấy, con cũng đã không có mặt ở nhà để chứng kiến. Mẹ và em đã tan nát cõi lòng khi nhìn thấy cảnh người ta bắt bố đi khi bữa cơm chiều mẹ còn chưa kịp chuẩn bị cho bố…

Bố bị tạm giam, bố bị người ta đánh đập trong nhà tù, bố tuyệt thực trong tù, bố đã phải mấy lần đi cấp cứu ở trạm y tế trại giam; mẹ và các con ở bên ngoài thì bị khủng bố tinh thần, không hay biết tình cảnh bố trong trại tạm giam như thế nào; thậm chí người ta còn đưa bố đi bệnh viện tâm thần Biên Hòa nhằm thực hiện một âm mưu bẩn thỉu. Cái lần người ta đưa bố đi bệnh viện tâm thần Biên Hòa, con may mắn được một bác tốt bụng liên lạc báo tin, con và mẹ tức tốc đến. Phải khó khăn lắm mới xin được gặp bố. Người trong song sắt bệnh viện, người ngoài song, được gặp bố mà sao lòng đau quá đỗi. Bố con đây -
người thầy giáo mẫu mực mà chúng con hằng kính yêu – một người tâm trí sáng suốt tỉnh táo mà sao lại ở chung với các bệnh nhân tâm thần thế này. Một buổi sáng thứ 7, con và em lóc cóc đến bệnh viện tâm thần mong sao gặp bố, thì được thông báo người ta đã đưa bố về trại rồi. Con và em chỉ còn biết ôm nhau mà khóc, vô phương quá, quẫn bách quá. Họ đưa bố đi đâu, làm gì đều trong âm thầm lặng lẽ.

Những tưởng hết 4 tháng tạm giam, họ sẽ đưa bố về. Con, mẹ và các em đã hí hửng lên kế hoạch đón bố để về nhà ăn tết. Nhưng không, họ lại đưa thêm quyết định tạm giam bố thêm 4 tháng nữa và không những thế, họ còn ra quyết định khởi tố bố. Phiên tòa sơ thẩm của bố, không luật sư bào chữa, không bạn bè, không anh em họ hàng, chỉ có mẹ và em – 2 con người nhỏ bé đến tội nghiệp trước đám đông bạo quyền. Một phiên tòa bỏ túi với bản án định sẵn: 6 năm tù cho một nhà giáo yêu nước! Trước tòa bố khẳng khái tuyên bố mình vô tội và yêu cầu được trả tự do, bồi thường tài sản đã bị mất. Nhưng tiếng nói của một mình bố không thể ngăn nổi sức mạnh của đội quân hùng hậu ngoài kia.

Phiên phúc thẩm, bố đã có luật sư Thanh Lương, ngoài mẹ và em còn có con và cô Bé đến dự phiên tòa. Phiên tòa vẻn vẹn chưa đầy 2 tiếng. Vẫn công an sắc phục cũng như thường phục, an ninh, dân phòng đông đúc, bố vẫn tuyên bố mình vô tội, yêu nước không có độc quyền. Nhưng, vẫn ko thể thay đổi được gì. Bản án đã được các thế lực mà bố-con-chúng ta không bao giờ thấy mặt-định sẵn rồi. Con đã gào thét lên khi thấy họ đánh dùi cui vào đầu bố để đưa bố vào xe bít bùng; trong khi mẹ thì bị 4 người lính cơ động to khỏe bẻ quặp tay, khóa chặt mẹ lại.

Sau phiên phúc thẩm của bố, con lại vội vã thu xếp cho một chuyến công tác 6 tháng xa nhà. Trong thời gian ấy thì mẹ báo cho con biết rằng bố đã bị chuyển đến trại giam An Phước, thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương. Bố thường xuyên bị đau phải cấp cứu. Sau 6 tháng con trở về, đi thăm gặp bố được 2 lần, chuẩn bị đi thăm bố lần thứ 3 thì nhận được hung tin bố lâm trọng bệnh: Bác sỹ bảo bố có khối u rất to trong dạ dày, 80% là ung thư ác tính!

Trước ngày bố lên bàn phẫu thuật, mẹ như người mất hồn. Mẹ gầy mòn héo hon. Nhưng mọi người đều tin rằng bản năng của bố sẽ giúp bố vượt qua cuộc đại phẫu. 5h chiều hôm ấy, nhìn thấy bố yếu ớt thều thào trong phòng hồi sức cấp cứu, con vừa mừng vì bố đã hồi tỉnh sau cuộc phẫu thuật kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ để cắt bỏ đi 3/4 dạ dày, vừa lo lắng liệu với sức khỏe sau cuộc đại phẫu thì bố làm sao có thể chống chọi khi không có người thân ở bên chăm nom. Nỗi lo lắng ấy càng tăng lên khi mẹ hỏi bác sỹ kết quả xét nghiệm khối u của bố. Phải năm lần bảy lượt mẹ đi hỏi, vị bác sỹ mới dám hé lộ một chút thông tin: Bố bị ung thư, khối u đã di căn đến các hạch trong cơ thể! Một lần nữa mẹ như người mất hồn, mẹ lắp bắp bối rối khi báo hung tin cho bố. Những tưởng bố sẽ ngã, nhưng không. Bố lại bình tĩnh đón nhận đến không ngờ. Chính bố còn khuyên mẹ, động viên con và các em cố gắng vì "còn nước còn tát". Bố bảo "còn rừng thì không sợ thiếu củi". Chính bố lại là người tiếp thêm động lực cho mẹ và các con. Mặc dù xung quanh bố, lúc nào cũng có 5 vị cán bộ đại diện cho công quyền canh giữ chặt chẽ; mặc dù mỗi lần con đến thăm gặp bố, họ đều mang máy quay phim ra thu âm, ghi hình con- đến mức con phải cảm thấy khó chịu.

Một lần khi mẹ vào thăm gặp bố, bố đùa bảo, nếu ông trời không thương, mà bố phải chết, thì hãy hỏa táng bố và mang tro rải xuống sông Sài Gòn, để hồn bố được chu du khắp đất nước. Nghe mẹ nói lại như thế mà con nấc nghẹn. Nhất định bố không thể chết được, bố ơi. Trời không phụ người hiền, nhất định bố sẽ khỏi bệnh, bố ạ.

Bố vừa truyền hóa chất được một lần, bị tác dụng phụ của thuốc, bố ói mửa liên miên, nửa đêm lên cơn đau bụng, đổ mồ hôi như tắm, phải gọi bác sỹ trực đến cấp cứu. Ấy vậy nhưng trại giam lại đột ngột cho xe đến đưa bố về trại. Đột ngột đến mức cả mẹ, cả con, và ngay cả bố còn không thể tin được. Chẳng kịp chuẩn bị gì cho chuyến trở về trại giam của bố cả. Con được mẹ báo tin, từ nơi làm việc vội thuê xe ôm đến bệnh viện. Khi đến nơi, chỉ kịp thấy xe cứu thương lao ra từ cổng bệnh viện. Con chạy theo, gào thét và bất lực.

Cái cách mà trại giam phối hợp với bệnh viện đón bố về, còn hơn quân ăn cướp, vội vã, bí mật. Thậm chí vị bác sĩ trực tiếp điều trị cho bố cũng không đến căn dặn, động viên bố lấy một lời. Có một nỗi sợ hãi vô hình nào đó đã khiến bác sỹ ấy không dám đến gặp và căn dặn bố nên con cũng không trách vị ấy được. Họ đều làm theo chỉ đạo cả. Nhưng con trách chế độ này sao vô nhân đạo quá đỗi. Bố bệnh tình đến mức này rồi mà họ còn không buông tha. Mẹ đã viết đủ các lá đơn, gửi đến tất cả các cơ quan hữu quan, từ đơn đề nghị miễn chấp hành án họ trả lời bố chưa đủ điều kiện để miễn; mẹ viết đơn xin hồ sơ bệnh án của bố, trại giam bảo họ không có thẩm quyền giải quyết. Mẹ viết tiếp đơn đề nghị tạm hoãn chấp hành án phạt tù để xin cho bố về nhà chữa bệnh; trong khi chứng bệnh ung thư di căn của bố vẫn đang phát triển trong người thì câu trả lời của các cấp thẩm quyền đến nay vẫn bặt vô âm tín. Không biết nơi đâu, cấp có thẩm quyền nào, thế lực vô hình nào chịu trách nhiệm cho sinh mạng của bố đây?

Có một lần, một bác sỹ bạn của bố đến bệnh viện thăm, tuy không được gặp bố, chỉ được đứng từ rất xa quan sát bố; nhưng bằng kinh nghiệm bác sỹ lâu năm, người bạn ấy nói với mẹ là bố bị ung thư giai đoạn 4 rồi. Về nhà, con mở lọ thuốc mà bệnh viện dùng để hóa trị cho bố ra đọc, thì thấy thuốc ấy để dùng cho người ung thư di căn giai đoạn 3… Dù bệnh tình của bố bị bưng bít, bị giấu nhẹm nhưng qua những lần thăm gặp bố, bằng trực giác, mẹ và con cảm nhận được bệnh tình bố đang nặng lắm rồi, nếu không muốn nói là ung thư giai đoạn cuối!

Họ đưa bố về trại giam, khi đến gặp ông phó giám thị trại giam, con được ông ấy bảo rằng đến ngày bố hóa trị, họ sẽ lại đưa bố đi bệnh viện để hóa trị. Nhưng con biết người bị ung thư di căn cần pháp đồ điều trị khoa học kèm theo chế độ chăm sóc chu đáo thì mới mong kéo dài được mạng sống; chưa kể đến việc hồi phục sau ca đại phẫu cần thời gian cả năm trời. Nhưng với điều kiện nhà tù đọa đày thân xác; rồi những lần di chuyển từ trại giam đến bệnh viện và ngược lại; những đợt hóa trị với tác dụng phụ của thuốc thì làm sao bố có thể… Con lo lắng, con bất an lắm. Dù rất muốn nhưng con không thể đặt niềm tin trọn vẹn vào trại giam và bệnh viện được. Sinh mạng của bố là do bác sỹ nắm giữ và quyết định. Nhưng điều trị cho bố như thế nào lại là do sự chỉ đạo từ trên cao. Họ chạy chữa thuốc men cho bố thì cầm chừng, gia đình không thể quyết định được bệnh viện điều trị hay thậm chí muốn xin cho bố được nằm điều trị ở một cái phòng thoáng đãng trong bệnh viện cũng không thể! Tại sao chế độ này lại mất nhân tính tới mức đày đọa bố con đến như thế. Còn chần chừ gì mà họ chưa chịu phóng thích bố con nữa?

Nhìn bố bơ vơ trên giường bệnh, mà lòng con xót xa. Nếu bảo con làm gì đó để đánh đổi lấy tự do cho bố, con cũng sẵn lòng làm. Chỉ mong sao bố được chữa bệnh đến nơi đến chốn, được mẹ và các con chăm sóc hàng ngày. Cuộc sống của con là do bố mẹ tạo ra, vậy mà ngày con trưởng thành, bố không kịp nhìn thấy – mới chỉ nghĩ đến đó thôi là ruột con như có ai đó xát muối vào rồi. Xin hãy đừng để có thêm một người Tù Nhân Lương Tâm nào phải chịu cảnh như người tù Bùi Đăng Thủy, Trương Văn Sương, Nguyễn Văn Trại nữa. Xin hãy nhân đạo mà thả tự do cho bố tôi và tất cả các Tù Nhân Lương Tâm trên đất nước đau khổ này.

Đinh Phương Thảo

* * *

Dân Luận: Ngày hôm nay 25/11 trại giam lại chuyển thầy giáo Đinh Đăng Định đi cả trăm km lên bệnh viện ở Sài Gòn để thực hiện hóa trị đợt hai. Thầy Định sẽ phải trải qua tám đợt hóa trị, mỗi đợt gồm một ngày hóa trị, 14 ngày uống thuốc và 7 ngày nghỉ ngơi trước khi bước vào đợt hóa trị sau. Trong lúc này cơ thể rất mệt mỏi và đề kháng yếu, dễ bị nhiễm trùng – nhưng chính quyền vẫn tiếp tục chọn con đường đầy đọa tù nhân lương tâm này bằng những chuyến đi dài như thế, mà không cho thầy được nghỉ ngơi và điều dưỡng tại bệnh viện.

Trại giam và bệnh viện cũng từ chối cung cấp bệnh án của thầy Định cho thân nhân, đồng thời trại giam "lý luận" rằng bệnh viện đã xác nhận thầy Định đủ khỏe để tiếp tục thi hành án! Tất cả những gì mà gia đình thầy Định mong đợi lúc này là thầy được nghỉ ngơi và được khám chữa bệnh bởi những bác sĩ có chuyên môn và tại bệnh viện tiên tiến bởi bệnh viện 30/4 của Bộ Công An không phải là một nơi có uy tín trong lĩnh vực điều trị bệnh ung thư.

1_smallsize.jpgHình chụp thầy Đinh Đăng Định năm 2003

5_smallsize.jpg
Bà Đặng Thị Dinh, vợ tù nhân lương tâm Đinh Đăng Định, đang ngồi đợi được vào thăm chồng ngày 20/11/2013

7_smallsize.jpg
Hình bà Dinh cho đàn mèo ăn cơm (Giờ đàn mèo ấy đã mất hết rồi, vì bà Dinh đi Sài Gòn chăm sóc thầy Định, ở nhà không ai chăm sóc đàn mèo, chúng đã bị người ta bắt hết).

Bấm vào đây để xem khối u được cắt bỏ từ dạ dày của thầy giáo Đinh Đăng Định.

Nguyễn Gia Kiểng : Một cuộc chuyển hoá không thể được

Nguồn thongluan

November 26, 2013 at 10:43am

Nguyễn Gia Kiểng


"…Dân tộc Việt Nam chắc chắn là muốn dân chủ và cũng xứng đáng để có dân chủ không kém nhiều dân tộc khác, nhưng chính trị ở nước nào và thời nào cũng chỉ là quan tâm và hoạt động của thiểu số tích cực. Vào thời điểm này chưa thể nói chúng ta đã có một văn hoá dân chủ và một đội ngũ dân chủ mà đất nước đòi hỏi…"


Đây là lần thứ 26 người Việt Nam kỷ niệm biến cố 30-4-1975. Một sự tình cờ đã khiến nó đến khi đại hội 9 của đảng cộng sản vừa bế mạc, đánh dấu một giai đoạn mới không những với đảng cộng sản mà đối với cả đất nước. Vậy đây đúng là một dịp để tổng kết và suy nghĩ.

Nhưng trước hết là một vài suy tư nhân dịp lễ Phục Sinh.

Giê-Su ra đời được hai năm thì vua Herode từ trần. Các hoàng tử tranh quyền, nước Do Thái rối loạn và bị sáp nhập thành một tỉnh của đế quốc La Mã khi ông mới vừa 12 tuổi. Người Do Thái chờ đợi một vị cứu tinh, và nhiều thủ lãnh đã xuất hiện. Giê-Su là một trong những lãnh tụ này, và là lãnh tụ độc đáo nhất. Trong khi mọi người chỉ nhìn thấy giải pháp võ trang, Giê-Su đã nhận ra nguyên nhân đã khiến người Do Thái thất bại và mất nước là sự thua kém về tư tưởng và văn hoá. La Mã đã hơn hẳn Do Thái và mọi nước khác vào thời đó, bởi vì xã hội của họ tự do hơn, dân chủ hơn, có đối thoại, và nhất là có phân biệt giữa tôn giáo và chính trị. Giê-Su nhìn thấy sự vô vọng nguy hiểm của các chủ trương giải phóng võ trang. Ông cũng nhìn ra nguyên nhân chính khiến Do Thái không vươn lên được : đó là sự kỳ thị giai cấp, sự tôn thờ bạo lực, óc bất dung và nhất là sự lẫn lộn giữa tôn giáo và chính trị giam hãm xã hội trong cái khung cứng nhắc của kinh thánh khiến xã hội không tiến hoá được. Từ đó Giê-Su kêu gọi hòa giải và hòa hợp dân tộc, bao dung, bác ái, bất bạo động và nhất là phân biệt tôn giáo và chính trị.

Giê-Su có phải là hiện thân của Thiên Chúa hay không là câu hỏi mà mỗi người tự trả lời cho mình. Nhưng nếu chúng ta chỉ giới hạn dưới góc nhìn chính trị thì sự nghiệp của Giê-Su thật là oan trái : ông đã chinh phục được chính đế quốc La Mã, không những thế ông còn chinh phục được cả thế giới chung quanh ông và mở ra một nền văn minh lộng lẫy, nhưng riêng đồng bào Do Thái của ông mà ông muốn giải thoát lại bức tử ông. Giê-Su đã không thuyết phục được dân tộc ông cũng như không ai có thể là tiên tri tại quê hương mình vì ông đụng phải một bức tường văn hoá. Cuộc đời ông chứng tỏ thay đổi văn hoá là một điều cực kỳ khó khăn.

*
Năm 1883 nước ta bị người Pháp đô hộ sau một cuộc chinh phục dễ dàng trong đó triều đình nhà Nguyễn chỉ chống trả một cách yếu ớt. Nguyên nhân của thất bại là do văn hoá và tổ chức xã hội kém hẳn đối phương. Vua Tự Đức không phải là không nhìn thấy yêu cầu canh tân, nhưng ông bị vây bọc bởi cả một bức tường thủ cựu kiên cố của quần thần nên đã tiếp tục sa lầy và cuối cùng mất chủ quyền. Quán lực văn hoá lớn đến nỗi ngay cả quyền lực tuyệt đối của Tự Đức cũng không thể thay đổi cách suy nghĩ và hành động bằng mệnh lệnh.

Cuộc đô hộ của người Pháp hoàn toàn khác với những giai đoạn Bắc thuộc trước đây : kẻ thống trị khai thác tài nguyên của Việt Nam nhưng họ cũng đồng thời mở mang đất nước như chưa bao giờ thấy. Người Pháp vừa là kẻ thống trị vừa là người giải phóng, giúp Việt Nam vứt bỏ ách nô lệ văn hoá của Trung Quốc. Về mặt trí tuệ phải nói người Pháp đã đem đến cho chúng ta cả một bước nhảy vọt. Ngay cả ý thức về quốc gia như một thực thể của chung của mọi người cũng ra đời dưới thời Pháp thuộc, cũng những ý niệm về tự do, dân chủ, bình đẳng nam nữ, v.v... Về khoa học kỹ thuật thì phải nói chúng ta đã được người Pháp giáo dục từ số không. Nói chung, mặc dù cái nhục đô hộ, giai đoạn Pháp thuộc đã rất có lợi cho chúng ta. Nhưng người Việt càng tiến lên nhờ người Pháp thì cái nhục bị lệ thuộc Pháp lại càng đau nhức. Điều mà chúng ta cần trong giai đoạn này là những nhà tư tưởng tìm ra một cách nhìn và một cách sống cái nhục đó. Một đồng thuận dân tộc trên một cách ứng xử sáng suốt có thể đã giúp chúng ta lấy được quyền tự chủ sau một hai thế hệ. Nhưng chúng ta đã không có được những nhà tư tưởng đó. Phong Trào Đông Kinh Nghĩa Thục nhiều tình cảm tốt nhưng thiếu nền tảng lý luận. Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh là những học giả nhưng không phải là những nhà tư tưởng. Phan Châu Trinh đơn độc và chết quá sớm. Do sự thiếu định hướng đó, mặc dù cuộc sống tinh thần và vật chất đã được cải thiện rất nhiều, người Việt Nam, nhất là giới sĩ phu, chỉ cảm nhận sự kiện bị một nước có nền văn hoá khác hẳn đô hộ như một sự xúc phạm lớn. Đã có nhiều cuộc kh%ởi nghĩa nhưng vì thiếu hiểu biết và thiếu sáng kiến chúng đã chỉ loanh quanh trong chống đối võ trang để rồi bị đập tan. Kể cả đảng cộng sản. Và ngay cả trong giai đoạn thế chiến II khi tại Đông Dương chỉ còn lại một nắm nhỏ người Pháp đã thua trận và mất nước. Sau cùng quân Nhật, chứ không phải kháng chiến Việt Nam, đã lật đổ chính quyền thuộc địa Pháp.

Bế tắc của cố gắng giải phóng dân tộc cũng cùng một nguyên nhân như bế tắc của dân Do Thái vào thời Giê-Su. Văn hoá cũ đã đưa đến thua kém và thất bại, phải có một văn hoá mới để nhìn ra một phương thức đấu tranh mới. Nhưng vấn đề ngàn đời vẫn thế: thay đổi văn hoá là điều cực kỳ khó khăn.

*
Giai đoạn Pháp thuộc cũng là giai đoạn mà phong trào cộng sản bành trướng trên thế giới và lan tới Việt Nam. Chủ nghĩa cộng sản không mới. Nó nằm trong một luồng tư tưởng đã có từ rất lâu và thể hiện rất mạnh mẽ qua các bài giảng của Giê-Su. Nó cũng là một đề tài tranh luận sôi nổi trong thế kỷ 18 và 19 tại châu Âu sau cuộc cách mạng kỹ nghệ. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để xã hội ngày càng giàu mạnh lên và của cải làm ra được phân chia một cách công bằng. Karl Marx là một trong những người chủ trương dành hẳn ưu tiên cho công bằng xã hội. Marx không phải là một triết gia, cũng không phải là một nhà tư tưởng lớn. Ông là một học giả, một nhà văn và một nhà báo. Ông thu thập những ý kiến và khám phá của người khác rồi làm tổng hợp. Những tổng hợp của ông thường vội vã, thiếu chiều cao trí tuệ, nhưng ông diễn đạt một cách rất đặc sắc và hùng hồn. Những đóng góp thực sự của Marx như phân tích về giá trị thặng dư, dự báo sự sụp đổ chắc chắn của chủ nghĩa tư bản, v.v... đều sai một cách ngây ngô. Do tài diễn đạt, đặc biệt là cách trình bày mạch lạc của một người uyên bác, Marx được nhiều người ngưỡng mộ, và những gì ông viết ra có ảnh hưởng lớn. Những tác phẩm của Marx có thể đã chỉ là những tài liệu nghiên cứu nếu không có Lênin.

Lênin mới thực sự là cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản như đã được thực hiện tại nhiều quốc gia. Lênin đã nhận thấy ở những tác phẩm của Marx một số khẩu hiệu có tác dụng kích thích quần chúng nghèo khổ đồng thời một hệ thống tư tưởng sơ sài nhưng có vẻ hoàn chỉnh bao gồm cả triết học, sử quan, kinh tế, xã hội. Đó là một kiện hàng lý tưởng cho một người đang tìm kiếm một cơ sở lý luận để cướp chính quyền. Lênin đã dựa vào tư tưởng của Marx để phát minh ra cả một lý thuyết thực dụng để cướp và giữ chính quyền bằng bạo lực. Lênin đã viết và nói mỗi lúc một khác trên tất cả mọi vấn đề, nhưng ''tư tưởng Lênin'' có thể tóm tắt trong hai thành tố: 1/ lẫn lộn cứu cánh (thí dụ xây dựng một xã hội công b^ằng và phồn vinh) và phương tiện (thí dụ cuộc cách mạng vô sản), nâng phương tiện lên thành cứu cánh để biện minh cho những phương tiện khác; 2/ đồng hoá một khái niệm (thí dụ cách mạng) với một trong những biểu hiện của nó (thí dụ đảng cộng sản). Cả hai đều là cách lý luận bất lương. Được áp dụng một cách dây truyền, và hơn nữa lại phối hợp với nhau, lối lý luận này có thể dẫn đi rất xa khỏi cả điểm khởi hành lẫn mục tiêu ban đầu. Từ giấc mơ một thiên đường trên mặt mặt đất hoàn toàn tự do và thân ái, không còn bóc lột, hà hiếp và cũng không cần chính quyền, nó dẫn tới một nhà nước khắc nghiệt và nhiều lần hung bạo hơn những nhà nước tư bản mà Marx muốn xoá bỏ. Nó cũng đã dẫn hàng chục triệu người vô tội vào nhà tù hay ra pháp trường.

Lênin, Stalin và các lãnh tụ cộng sản khác thừa biết rằng thiên đường cộng sản mà Marx tưởng tượng chỉ là một ảo tưởng nhưng là một ảo tưởng có thể lợi dụng để cướp chính quyền. Một khi đã cướp được chính quyền các chế độ cộng sản cai trị thuần túy bằng bạo lực và khủng bố. Sử dụng một xác quyết sơ đẳng của Marx theo đó lịch sử nhân loại chỉ là đấu tranh giai cấp và đẩy tới tột đỉnh lô-gích khủng bố, chủ nghĩa cộng sản còn cho phép tiêu diệt không những các cá nhân mà toàn bộ những thành phần xã hội theo giai cấp, chủng tộc, tín ngưỡng. Về bản chất không có sự khác biệt giữa các chế độ nazi, phát xít và cộng sản. Tất cả đều là những phong trào cho mình quyền tiêu diệt những cá nhân không phải vì họ đã phạm một tội gì mà vì họ thuộc một thành phần bị chế độ coi là thù địch.

Các chế độ cộng sản còn cần một loại nạn nhân khác. Vì lấy một ảo tưởng làm cứu cánh, chúng luôn luôn cần chứng minh tại sao cứu cánh vẫn chưa thực hiện được và không những thế càng ngày càng xa vời thêm trong khi những hy sinh ngày càng nhiều. Phải có những thủ phạm, những kẻ phá hoại việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và lần này các nạn nhân không nhất thiết phải là những kẻ thù giai cấp mà cũng có thể là những kẻ thất bại trong những tranh chấp nội bộ bị chọn làm dê tế thần trong những đợt thanh trừng.

Một đặc tính khác của phong trào cộng sản cần được lưu ý. Đó là nó hoàn toàn không dựa vào hậu thuẫn của quần chúng. Kỹ thuật của mọi đảng cộng sản là chỉ dựa vào một thiểu số có kỷ luật và đội ngũ vững chắc để khai thác một tình trạng khủng hoảng để cướp chính quyền và sau đó cai trị bằng bạo lực và sự nghèo khổ. Đi xa hơn các chế độ phát xít, các chế độ cộng sản còn sử dụng cả lương thực như một vũ khí khống chế xã hội.

Nhiều người cộng sản sẽ rất phiền lòng khi nghe nói rằng về bản chất phong trào cộng sản là một phong trào khủng bố và tội ác. Sự phiền lòng càng chân thực khi chính họ là những con người lương thiện. Nhưng sự thực là như thế. Có lẽ trước hết cần đồng ý trên định nghĩa của tội ác. Đó là việc cố ý sử dụng bạo lực để tiêu diệt, lưu đày hay ngược đãi những người vô tội vì quan điểm, tôn giáo, chủng tộc hay giai cấp của họ. Đây là định nghĩa chính thức của công pháp quốc tế về ''tội ác đối với loài người'' và cũng là điều mà mọi chế độ cộng sản đều làm. Cuốn Sách Đen Về Cộng Sản (Le Livre Noir du Communisme) không phải do một tổ chức chống cộng nào viết ra trong mục đích tuyên truyền, mà là công trình tập thể của một số đông đảo các nhà khảo cứu có uy tín, đa số đã từng ủng hộ phong trào cộng sản. Nó cho thấy phong trào cộng sản đã làm thiệt mạng trên 100 triệu người qua những quyết định độc ác có chủ ý và được thực hiện một cách lạnh lùng. Điều không thể chối cãi được là ở tất cả mọi quốc gia mà nó có cơ hội được thực hiện chủ nghĩa cộng sản đã chỉ đẻ ra những chế độ hung bạo và gian ác. Như vậy thì phải kết luận rằng chủ nghĩa cộng sản chất chứa tội ác và bạo lực ngay trong bản chất của nó (*).

Lênin đã thắng Kerensky và các đối thủ khác bởi vì xã hội Nga chưa bao giờ có một văn hoá chính trị nào khác ngoài bạo quyền và bạo lực. Những người dân chủ Nga đương thời với Lênin không thiếu nhưng họ đã thất bại bởi vì văn hoá chính trị của nước Nga chưa chín muồi cho dân chủ. Cùng một lý do đã khiến Mao Trạch Đông đánh bại Tưởng Giới Thạch tại Trung Quốc. Văn hoá nào chế độ đó. Một lần nữa chúng ta thấy trọng lượng và quán lực của văn hoá.

*
Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập như là một phân bộ của cộng sản thế giới. Cha đẻ của nó là Hồ Chí Minh đã được đào tạo tại Nga, trong lò Stalin. Nó có mọi đặc tính một đảng cộng sản.

Theo đúng kỹ thuật Lênin, nó không dựa trên quần chúng mà dựa trên một số nhỏ có đội ngũ và quyết tâm để chờ đợi khai thác một tình trạng khủng hoảng. Cơ hội đến với thế chiến II. Với một đội ngũ nhỏ không quá 2.000 nhưng có tổ chức và quyết tâm, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã nắm được chính quyền vào một lúc mà chính quyền bỏ ngỏ : Nhật lật đổ chính quyền thuộc địa Pháp rồi thua trận và đầu hàng. Sau đó nó dùng bạo lực để tiêu diệt các đảng phái yêu nước khác.

Sau khi đã nắm được độc quyền đấu tranh giành độc lập, theo đúng bài bản của mọi đảng cộng sản, nó thực hiện khủng bố toàn diện và tối đa. Người ta sẽ không thể nào đánh giá đúng mức sự khủng bố trong cuộc chiến tranh chống Pháp. Bao nhiêu người đã bị giết oan trong thời gian này? Có những người đã bị giết chỉ vì họ có chút uy tín tại địa phương và cũng có rất nhiều người đã bị giết chỉ vì bị tình nghi là gián điệp dựa trên những chi tiết như đội mũ có ba màu hay trong người có mảnh gương. Thêm vào sự khủng bố theo chính sách còn có khủng bố vì ngu dốt. Thực là cả một giai đoạn kinh hoàng. Trong cuộc chiến tranh lần thứ hai, 1960-1975, khủng bố cũng vẫn là vũ khí chính của đảng cộng sản. Chính quyền Sài Gòn dù có phương tiện dồi dào hơn cũng không sao chống trả được một lực lượng cộng sản không bị vướng tay bởi bất cứ một qui luật nào.

Trong cả hai cuộc chiến này, đảng cộng sản cũng đã được một bối cảnh quốc tế thuận lợi. Văn hoá chính trị thế giới trong hơn ba thập niên từ sau thế chiến II là chống Mỹ và chống chủ nghĩa tư bản. Trong số các sinh viên chống sự can thiệp của Mỹ tại Việt Nam có cả một tổng thống tương lai của Hoa Kỳ. Cảm tình dành cho Đảng Cộng Sản Việt Nam lớn đến nỗi những tin tức về những vụ bắt cóc, ám sát, đặt mìn trong các thành phố và những hố chôn tập thể tại Huế không có một ảnh hưởng nào. Khủng bố và bạo lực không bị lên án vì được coi là những vũ khí cần thiết cho một cuộc cách mạng phải có. Chỉ từ thập niên 1980 thế giới mới tiến tới một văn hoá hòa bình, quay lưng lại với bạo lực và các tổ chức khủng bố không còn được ủng hộ. Một lần nữa chúng ta thấy văn hoá quyết định cách ứng xử tập thể và văn hoá không dễ thay đổi.

Khủng bố và tội ác đã là vũ khí lợi hại nhất của đảng cộng sản nhưng không phải là lý do duy nhất giúp họ chiến thắng. Các phong trào cộng sản ở châu Mỹ La-Tinh cũng quyết tâm và hung bạo không kém nhưng đã thất bại. Còn môt lý do quyết định khác, đó là đảng cộng sản đã được sự ủng hộ của chính nhân dân Việt Nam. Dĩ nhiên là có rất nhiều người Việt Nam thù ghét đảng cộng sản nhưng cũng có một số rất đông đảo ủng hộ họ rất tận tình. Những người này không phải không biết tới những tội ác của đảng cộng sản nhưng họ vẫn ủng hộ phe cộng sản bởi vì các chính quyền quốc gia dưới mắt họ chỉ là lai căng, vọng ngoại, công cụ của nước ngoài. Họ ủng hộ phe cộng sản nhân danh lập trường dân tộc.

Chủ nghĩa cộng sản không hoàn toàn là một ''chủ nghĩa ngoại lai'', như những người chống cộng lập luận, mà ở ngay trong lòng người Việt Nam, bởi vì không có một khác biệt căn bản nào giữa chủ nghĩa cộng sản và ý thức hệ Khổng Giáo mà người Việt tôn sùng trong hàng ngàn năm. Xét về bản chất thì cộng sản và Khổng Giáo chỉ là một, nếu nhìn kỹ hơn cộng sản là chủ nghĩa hay nhất có thể có nếu chỉ muốn cải tiến Khổng Giáo. Như vậy không có gì ngạc nhiên khi đảng cộng sản đã được một hậu thuẫn rộng lớn, vững chắc và bền bĩ trong dân chúng. Chính nhờ hậu thuẫn này mà dù gặp khó khăn tới đâu hay bị thất bại nặng nề tới đâu họ vẫn gượng dậy được. Văn hoá và tâm lý có sức mạnh ghê gớm của chúng và chúng cũng rất khó thay đổi. Đó là lý do khiến những tội ác kinh hoàng của người Thái đối với người Khmer, và ngược lại, vẫn không ngăn cản họ thấy gần gũi với nhau hơn là với người Việt.

Cần chấm dứt một huyền thoại đã kéo dài quá lâu. Đó là đảng cộng sản tuyên truyền giỏi và tổ chức giỏi. Hoàn toàn sai. Họ tuyên truyền rất vụng về và tổ chức một cách rất luộm thuộm. Sức mạnh đã đưa họ đến thắng lợi gồm ba yếu tố: 1/bản chất khủng bố và tội ác cho phép họ làm bất cứ gì để đạt mục đích mà không cần thắc mắc; 2/ họ có căn bản dân tộc bởi vì chủ nghĩa mà họ theo đuổi về bản chất phù hợp với văn hoá Khổng Giáo của xã hội Việt Nam; 3/ những người lãnh đạo cộng sản đều ít học cho nên rất quyết tâm, cuồng tín và kiên trì. Tất cả những lý do khác đều là phụ, những phân tích về quân sự lại càng không quan trọng.

Nhưng đó là đảng cộng sản nhìn từ bên ngoài. Một câu hỏi cần được đặt ra là bằng cách nào họ đã giữ được sự ổn vững trong nội bộ mặc dầu đã phạm rất nhiều tội ác đẫm máu và sai lầm nghiêm trọng? Lý do là vì ít nhất từ sau đại hội 3 năm 1960 đã có ''một đảng cầm quyền trong đảng'', thực hiện sự khủng bố ngay trong nội bộ đảng để duy trì kỷ luật. Đảng cầm quyền trong đảng này do Lê Đức Thọ cầm đầu. Từ 1960 trở đi tất cả mọi cấp lãnh đạo thực sự trong đảng đều thuộc phe này. Một đảng khủng bố không thể không thực hiện khủng bố ngay trong nội bộ.

Đảng cộng sản đã có được một bối cảnh quốc tế thuận lợi, đã được viện trợ một cách dồi dào từ cả Liên Xô lẫn Trung Quốc, họ cũng đã may mắn chỉ gặp những đối thủ rầt tầm thường trong phe quốc gia và những vụng về của người Mỹ, nhưng hai lý do chính khiến nó đã thành công là vì nó đã có hậu thuẫn quần chúng và vì nó là một đảng khủng bố và tội ác và dám đẩy đến cùng lô-gích khủng bố và tội ác đối với bên ngoài cũng như trong nội bộ đảng.

*
Nhưng từ ngày 30-4-1975 họ đã toàn thắng và qui được cả đất nước về một mối. Lô-gích tự nhiên lúc đó là phải hành xử như một đảng cộng sản cổ điển, và như họ đã làm tại miền Bắc trong hơn hai mươi năm, nghĩa là cai trị bằng kềm kẹp, khủng bố bằng bạo lực và bằng sự nghèo đói. Nhưng thế giới đã thay đổi, phong trào cộng sản thế giới đã rạn nứt. Đảng Cộng Sản Việt Nam dù muốn hay không cũng phải bắt đầu chuyển hoá.

Đại hội 4 cuối năm 1976 đánh dấu bước đầu của một cuộc chuyển hoá từ một đảng khủng bố và tội ác sang một đảng cầm quyền và quản trị. Từ đó mọi đại hội đảng đều là những đại hội chuyển hoá theo cùng chiều hướng bắt buộc này.

Đại hội 9 cũng không khác. Điều khác biệt là nó cũng là đại hội chuyển giao thế hệ. Những cấp lãnh đạo xuất thân từ chiến tranh và có công lao trong chiến tranh cuối cùng đã phải ra đi vì già yếu theo luật đào thải tự nhiên của tạo hoá.

Không nên để bị lung lạc bởi những lời tuyên bố lạc quan và tin tưởng sau đại hội 9. Một số quan sát viên quốc tế sẽ nhận xét rằng những cấp lãnh đạo mới trẻ hơn, cởi mở hơn và hiểu biết hơn và không giáo điều như những người tiền nhiệm. Tất cả những nhận xét này đều đúng nhưng cũng chỉ là những gì chúng ta đều đã thấy. Từ 1975 đến nay tất cả mọi đại hội đảng cộng sản đều đã có tiến bộ. Nhân sự luôn luôn trẻ hơn, cởi mở hơn và hiểu biết hơn nhưng điều đó vẫn không ngăn cản đảng cộng sản tiếp tục sa lầy và chế độ cộng sản tiếp tục suy thoái. Cố gắng chuyển hoá đã thất bại.

*
Nhưng tại sao cuộc chuyển hoá này lại thất bại ?

Đó là vì chuyển hoá từ một đảng khủng bố và tội ác sang một đảng cầm quyền và quản trị là một cuộc chuyển hoá cực kỳ khó khăn mà chưa một đảng cộng sản nào làm được. Cuộc chuyển hoá này đòi hỏi một thay đổi văn hoá. Phải thay văn hoá chiến tranh bằng văn hoá hòa bình, văn hoá căm thù bằng văn hoá anh em, văn hoá cướp bóc bằng văn hoá lương thiện, văn hoá khủng bố bằng văn hoá đối thoại và thoả hiệp, văn hoá phá hoại bằng văn hoá xây dựng. Và dĩ nhiên cũng cần thay những kiến thức cũ bằng những kiến thức mới. Đây là một cuộc cách mạng văn hoá to lớn và toàn diện, đòi hỏi những cấp lãnh đạo có văn hoá cao và tầm nhìn xa, những người mà đảng cộng sản hoàn toàn không có. Bộ máy khắc nghiệt của đảng đã loại bỏ khỏi vị trí lãnh đạo hầu hết những người lương thiện, có trí tuệ và nhân cách.

Mọi cuộc chuyển hoá văn hoá đều rất khó khăn, ngay cả nếu người ta ý thức được và thực hiện với tất cả quyết tâm. Nhưng mặt khác đảng cộng sản cũng không ý thức được tầm vóc và sự khó khăn của cuộc chuyển hoá này. Họ đã chỉ để cho thực tại xô đẩy và họ đã chỉ làm những thay đổi vụn vặt bất đắc dĩ khi không có chọn lựa nào khác. Những khuôn mặt lãnh đạo mới dù trẻ tuổi hơn cũng chỉ là những người già nua trong kiến thức, văn hoá và tâm lý. Điều duy nhất thực sự mới so với các đại hội trước là ''đảng Lê Đức Thọ'' đã chết già. Từ nay đảng cộng sản không còn dụng cụ để duy trì kỷ luật nội bộ nữa.

Thời gian sau cùng đã làm công việc của nó. Đảng cộng sản đã thay đổi, dù là một sự thay đổi không thành công. Tháng 4-1975 nó là một đảng khủng bố và tội ác xuất sắc, tháng 4-2001 nó là một đảng cầm quyền và quản trị tồi tệ. Không có gì đáng ngạc nhiên và cũng không thể khác. Các đảng cộng sản không được thành lập để quản lý tốt một đất nước và giành thắng lợi trong một cuộc bầu cử, chúng chỉ được thành lập để tạo khủng hoảng và lợi dụng khủng hoảng để cướp chính quyền. Đảng Cộng sản Việt Nam không khác, nó còn cộng sản hơn đa số các đảng cộng sản. Không những thế nó còn thiếu quyết tâm tự cải thiện. Cuối cùng thì tên tướng cướp dữ tợn vẫn chưa thành người lương thiện, hắn mới chỉ thành một tên du đãng. Đỡ hơn, nhưng chưa đủ. Đảng cộng sản không còn ám sát, bỏ tù hàng chục năm không cần xét xử nữa, nhưng nó vẫn tạm giam, quản chế, cắt điện thoại và dùng báo chí độc quyền để vu cáo và bôi nhọ. Và nó vẫn sợ đa nguyên đa đảng.

Giê-Su Ki-Tô cũng đã không thay đổi được văn hoá của dân tộc ông và đành chịu lấy tính mạng để trả giá cho sự sáng suốt của mình. Gorbachev cũng đã không thích nghi được bộ máy đảng cộng sản của ông, sự thay đổi tại Nga đã chỉ đến một cách khó khăn với sự đào thải của Đảng Cộng Sản Liên Xô khỏi chính quyền. Alexis de Tocqueville đã nhận định rằng mối nguy của một chế độ bạo ngược thường đến vào lúc mà nó tìm cách cải tiến. Đó là trường hợp của đảng cộng sản. Mọi cuộc thay đổi văn hoá đều không thể đến từ bên trong một trật tự có sẵn. Nó chỉ có thể đến từ những con người ngoài hệ thống đã đóng góp vào thay đổi và đã biết chuẩn bị trước để đúng hẹn với thay đổi.

*
Chúng ta sẽ nhìn rõ hơn tương lai của chế độ và rút ra một kết luận cho đất nước mình nếu chúng ta suy nghĩ một cách bình tĩnh về giai đoạn cộng sản đang chấm dứt. Đất nước ta từ ngày thành lập vẫn chỉ đặt nền tảng trên một văn hoá duy nhất : văn hoá Khổng Giáo giáo điều và độc đoán. Sau thế chiến II chúng ta có một cơ hội để giành độc lập và thiết lập dân chủ. Nhưng chuyển hoá về dân chủ đòi hỏi một thay đổi văn hoá lớn và một đoạn tuyệt dứt khoát và toàn diện với văn hoá Khổng Giáo. Chúng ta đã không có nổi bước nhảy vọt đó bởi vì chúng ta không có những nhà tư tưởng để hướng dẫn. Các trí thức của chúng ta đã chỉ nghĩ đến cải thiện Khổng Giáo, đa số còn kêu gọi giữ gìn văn hoá truyền thống. Có thể chúng ta không ý thức được nhưng chủ nghĩa cộng sản đã đến đúng như chúng ta mong muốn. Dù nhiều người có thể không đồng ý, nhưng chủ nghĩa cộng sản đã là một cải tiến lớn theo chiều hướng tốt của Khổng Giáo. Nó đã đem vào những giá trị dân chủ và nhân quyền, dù ở một mức độ rất thấp so với yêu cầu của đất nước. Chế độ cộng sản như vậy là một giai đoạn chuyển tiếp tự nhiên từ Khổng Giáo sang dân chủ. Cộng sản không phải là một tai họa từ trên trời rơi xuống hay từ dưới đất mọc lên. Nó từ chúng ta mà đến và chúng ta đã xứng đáng với nó.

Một khi những đam mê và xúc động đã qua đi, các thế hệ mai sau sẽ nhìn giai đoạn cộng sản như một giai đoạn chuyển tiếp đáng tiếc mà trách nhiệm không phải chỉ thuộc về những người cộng sản. Trong chiều dài lịch sử, ngày 30-4 sẽ là một ngày để suy nghĩ.

Giai đoạn chuyển tiếp này đã kéo dài quá lâu và đã gây thiệt hại quá nhiều. Nó phải chấm dứt nhưng sự cáo chung của nó chỉ có ý nghĩa và cũng chỉ đáng mong muốn nếu để mở ra một kỷ nguyên dân chủ. Và muốn thế chúng ta cần một cố gắng tư tưởng vĩ đại để đạt tới một văn hoá dân chủ. Không có một cuộc vận động chính trị nào thành công nếu không được chuẩn bị trước bởi một cuộc vận động văn hoá. Chúng ta đã làm cố gắng này chưa và đã làm tới đâu rồi? Chúng ta đã có bao nhiêu người dân chủ chân chính? Dân tộc Việt Nam chắc chắn là muốn dân chủ và cũng xứng đáng để có dân chủ không kém nhiều dân tộc khác, nhưng chính trị ở nước nào và thời nào cũng chỉ là quan tâm và hoạt động của thiểu số tích cực. Vào thời điểm này chưa thể nói chúng ta đã có một văn hoá dân chủ và một đội ngũ dân chủ mà đất nước đòi hỏi.


Nguyễn Gia Kiểng
Thông Luận, số 148 (tháng 5-2001)