Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

Những hoạt động của Phái đoàn Vận động Nhân quyền cho Việt Nam tại Hoa Kỳ

Nguồn mangluoiblogger

Thứ Sáu, ngày 24 tháng 1 năm 2014 - by MLBVN0


Theo lời mời của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền (OHCHR) và một số tổ chức quốc tế khác, đại diện của các tổ chức VOICEMạng lưới Blogger Việt NamDân Làm BáoCon Đường Việt NamPhật Giáo Hòa Hảo Truyền thốngNo-U Việt NamHội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam, và thân nhân một số tù nhân chính trị đã có những buổi tiếp xúc, làm việc với nhiều tổ chức khác nhau tại Washington DC, Hoa Kỳ.

Vào ngày 24 tháng 01, 2014 phái đoàn đã tiếp xúc với ông Scott Flipse, Phó Giám đốc Chương trình Chính sách và Đông Á, đặc trách Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế. Đại diện của phái đoàn Việt Nam gồm có anh Trịnh Hội và bạn Ann Phạm đại diện cho VOICE (Sáng kiến Thể hiện Lương tâm Người Việt Hải ngoại), nhà báo Đoan Trang, bạn Nguyễn Anh Tuấn đại diện cho Mạng Lưới Blogger Việt Nam; ông Trần Văn Huỳnh là cha của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức; và bà Nguyễn Thị Trâm là mẹ của Luật sư Lê Quốc Quân đang bị giam tù vì những hoạt động Nhân quyền.



Phái đoàn Việt Nam đã trao đổi, thảo luận về tình hình nhân quyền tại Việt Nam đặc biệt là tình hình đàn áp tôn giáo, chính sách bóp nghẹt tự do ngôn luận, tự do internet qua các điều luật, nghị định như 72, 258... Các đại diện cũng đã trình bày việc nhà câm quyền thay đổi chiến thuật đàn áp - chuyển từ xử phạt tù sang phạt tiền và dùng côn đồ gây thương tích với những bằng chứng cụ thể.

Trả lời ông Scott Flipse về các cách thức hiệu quả mà chính phủ Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế có thể thực hiện nhắm bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền Việt Nam, các đại diện Việt Nam đã đề nghị phương hướng gia tăng sự quan tâm, lên tiếng và biến những quan tâm và lên tiếng thành hành động cụ thể trong những thương thảo chính trị và thương mại với nhà nước Việt Nam. Các đại diện của phái đoàn cũng đã nhấn mạnh đây là những nỗ lực cần thiết, có thể đạt được những kết quả tích cực trong bối cảnh thương thảo, đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

(Xin được nhắc lại là sau phiên điều trần sáng ngày 16 tháng 1 tại Quốc hội Hoa Kỳ, vào buổi chiều cùng ngày, phái đoàn đã có buổi làm việc với văn phòng của ba vị Dân biểu nằm trong Ủy ban TPP của Hạ viện Hoa Kỳ gồm có ông David G. Reichert, Chủ tịch Ủy ban TPP Hạ viện, ông Rep. Charles W. Boustany, Jr., MD và ông Ron Kind. Phái đoàn đã trình bày sơ lược về tình hình nhân quyền Việt Nam và thảo luận về những cách thức hiệu quả để liên kết việc đảm bảo các quyền dân sự - chính trị ở Việt Nam (đặc biệt là quyền lập hội, quyền cho người lao động, công đoàn...) với việc chấp thuận Việt Nam trở thành thành viên của TPP.


Đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam trở thành thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Quốc Tế, các tổ chức Nhân Quyền Quốc Tế cần gia tăng áp lực buộc LHQ phải quan tâm đến những vi phạm nhân quyền của quốc gia thành viên. Đối với Hoa Kỳ, phái đoàn đã đưa ra những đề nghị thực tế mà phía Hoa Kỳ, trong tư cách một nước thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, có thể giúp đỡ để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam.)

Ngoài những trình bày và thảo luận về tình hình nhân quyền Việt Nam, các đại diện phái đoàn Việt Nam đã đề nghị chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu chính quyền VN thả các tù nhân lương tâm; đồng thời thông qua hoạt động của sứ quán Mỹ và Trung tâm Hoa Kỳ gia tăng các chương trình đào tạo về nhân quyền và xã hội dân sự cho giới trẻ Việt Nam.

Với sự kiện một số thành viên vừa bị nhà nước không cho xuất cảnh, tịch thu hộ chiếu vào cuối năm 2013 khi trên đường đi ra nước ngoài để gặp gỡ một số tổ chức nhân quyền quốc tế, đại diện của Mạng Lưới Blogger Việt Nam cũng đã trình bày và đề nghị chính phủ Hoa Kỳ quan tâm cũng như tạo điều thuận lợi về thủ tục Visa cho các nhà hoạt động Việt Nam thực hiện các chuyến đi vận động nhân quyền ở Hoa Kỳ trong tương lai.

Ông Scott Flipse trong vai trò đặc trách Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế đã có nhiều nỗ lực để yêu cầu Chính phủ, Quốc hội Hoa Kỳ quan tâm và yêu cầu nhà nước Việt Nam có những cải thiện về tự do tôn giáo tại Việt Nam. Ông từng có nhiều bài viết phân tích về tình hình nhân quyền VN, chẳng hạn như bài phân tích Đã đến lúc phải áp lực lên nhà nước Việt Nam về vấn đề Tự Do được đăng tải trên CNN.

Ông Scott Flipse cũng là người hỗ trợ nhiệt tình phái đoàn vận động nhân quyền cho Việt Nam, ông đã là người giới thiệu Phái đoàn tham gia Buổi điều trần Tom Lantos ở Hạ viện Hoa Kỳ, trong đó một thành viên Phái đoàn là ông Trần Văn Huỳnh đã có phần trình bày qua video.



Ông Scott Flipse đánh giá cao các đề xuất của phái đoàn và mong muốn làm hết khả năng để biến các đề xuất này thành hiện thực.

Lời cuối khi chia tay phái đoàn, ông Scott đã nói với bà Nguyễn Thị Trâm: "Tôi từng bế trên tay cháu nội của bà" - tức con của Luật sư Lê Quốc Quân.

*

Trước đó 1 ngày, cũng trong nỗ lực vận động chính giới Hoa Kỳ, Phái đoàn đã có cuộc gặp với ôngScott BusbyPhó Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động.


Trong dịp này, ông Scott Busby đã chia sẻ thông tin về những khuyến nghị mà Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ dự định đưa ra đối với Chính phủ Việt Nam tại phiên họp UPR sắp tới tại Geneva. Những khuyến nghị này liên quan đến các quyền tự do tôn giáo, ngôn luận và hội họp, cũng như bao gồm cả một danh sách các tù nhân lương tâm cần được phóng thích.

Theo chương trình dự trù - vào ngày 27 tháng 01, 2014, các đại diện của VOICE, Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Dân Làm Báo, Con Đường Việt Nam, Phật Giáo Hòa Hảo Truyền thống, No-U Việt Nam, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị sẽ có mặt tại thủ đô Brussel, Bỉ để gặp Nghị viện Châu Âu và một số tổ chức nhân quyền quốc tế tại đây. Đoàn sẽ đến Thủ đô Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 29 tháng 01, 2014 để tiếp xúc và làm việc với Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và các cơ quan Liên Hiệp Quốc khác liên quan đến cuộc điều trần về báo cáo Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review - UPR) của Việt Nam sẽ được diễn ra vào ngày 5/2/2014.

Hạ Đình Nguyên : Thế là xong! Chào anh Đằng.

Nguồn boxitvn

23/01/2014

Thế là xong!

Anh đã từ biệt!

Anh thực sự đã yên nghỉ, đã khép lại một chu kỳ hoàn hảo: "Trăm năm trong cõi người ta".

Lúc này, chúng ta lại nhớ lời nói đầy ý nghĩa của con người nổi tiếng Mandela, đúng với trường hợp của anh: "Cái chết là điều không thể tránh khỏi. Khi một người đã hoàn thành điều người đó coi là trách nhiệm với dân tộc mình, với đất nước mình, người ấy có thể yên nghỉ."

Chúng ta có thể nhất trí, "biểu quyết" rằng anh Đằng đã hoàn thành trách nhiệm của mình với dân tộc và đất nước, theo cái nghĩa là anh hết mình cho đến giờ phút trước khi hôn mê và chấm dứt hơi thở.

Anh không phải là nhân vật quan trọng ghê lắm, hay là người có chức vụ cao. Anh là con người bình thường, chính đó là ý nghĩa quan trọng, nó khơi dậy, nó động viên cho số đông người bình thường trong chúng ta những cảm xúc rộng lớn, về giá trị và trách nhiệm của một công dân, của con người bình thường, nó tạo nên mối liên thông của một làn sóng tích cực về tinh thần yêu nước và yêu dân chủ. Giờ đây, với sự so sánh, chúng ta có thể coi thường cái lớn mà rỗng, cái cao mà bên trong có chất lượng thấp. Chúng ta đều biết là anh rất tỉnh táo, sống thật với lòng mình. Trong những tháng ngày cuối, khi không nói về tình hình xã hội, thì anh hát những giai điệu boléro yêu đời với tình cảm đời thường, bằng tiếng khào khào đứt quãng của một người bịnh. Anh đi từng bước nhỏ, vui vẻ với chiếc gậy mây do anh B tặng.

Chúng ta đều yêu cái bình thường và chân thật ấy. Không ai thích sự giả dối, Đúng vậy! Chúng ta tôn vinh những giá trị đích thật, và có quyền từ chối những gì không thật. Đó là nét truyền thống của văn hóa nuôi dưỡng dân tộc, dù một nghìn năm bị đô hộ, bởi tinh thần lạc quan và chân thực ấy mà không bị đồng hóa.

Anh đã để lại một tấm lòng, với sự chia sẻ của tất cả những ai yêu cuộc sống này, và yêu tận đáy lòng sự công bằng của một xã hội dân chủ. Anh đã đi bước đi tiền phong của một giai đoạn chuyển hóa, vượt lên trên và không để ý tới mọi hình thức o ép của chủ thể vô minh.

Những tiếng hô của sân hận và hẹp hòi từ đâu đó, giờ đây tiếp tục vô nghĩa!

Tất cả chúng ta đều nghe thấy tiếng sóng gào thét ở Biển Đông, tiếng gió độc rít lên từ phương Bắc. Vì nghĩa cả mà con người phải dấn thân. Lẽ nào, vì sự nhỏ nhen mà thân phận con người hóa thành cỏ rác? Người Nhật Bản nắm chắc tay nhau sau cơn đại họa, mà chẳng tham của rơi. Lẽ nào trước nguy biến, lại tranh nhau bổng lộc không hơn kẻ dân đen "hôi bia" ngoài lộ?

Anh để lại sau một điều ray rứt: một dân tộc, một đất nước, chẳng thể sống cùng nhau trong một góc trời mà lại không có cùng nhau một "khế ước"? Thực dân, đế quốc còn trả lại cho dân tộc bị trị một Hiến Pháp sau khi cuộc đâm chém chấm dứt. Lẽ nào một đảng chính trị cầm đầu cuộc kháng chiến gian khổ đã thành công, lại lạm dụng thời cơ, áp đặt cho cả dân tộc phải sống đời đời dưới sự cai trị bởi một nhóm người nhân danh đảng ấy, dưới hình luật do nhóm người ấy lập ra, sống cho tới già chết, bịnh chết và giao lại cho kẻ được chọn làm truyền nhân kế thừa? Ở Việt Nam ngày nay lại mọc lên khá nhiều những ngọn núi Paektu để có những dòng máu thần thánh truyền ngôi ở các tỉnh thành.

Thật là buồn cười và đáng xấu hổ trong thời đại hôm nay!

Anh cũng thường nhắc đến ông Mandela – một người dân Nam Phi bình dị mà cao cả, được thế giới kính cẩn tôn vinh – bởi những lời nói ra từ một trái tim chân thật, một tinh thần rắn rỏi, cương nghị, yêu công bằng, cũng là lúc thế giới ngoái đầu nhìn về Bắc Triều Tiên với nổi kinh hoàng, về những chuyện giết người ở đây. Người bình thường không thể tránh nổi xót xa và ray rứt tự hỏi về một mô hình "độc tài toàn trị" của một đảng xưng là "Cách mạng". Nhân dân thế giới đang nghĩ ngợi trong lương tâm mình, về thân phận của người dân Bắc Triều Tiên. Nó bộc lộ một cách quá hiển nhiên sự tàn bạo mang tính quy luật của độc tài.

Nhân dân Việt Nam chưa rơi vào tình cảnh ấy, nhưng biết rõ mình đang ở đâu trên lộ trình đi từ nô lệ đến tự do, và từ độc lập đến dân chủ. Nơi thiếu dân chủ sẽ không bao giờ là điểm đến. Chắc chắn một điều, tâm thức Việt Nam luôn hướng về phương Bắc để cảnh giác, canh phòng cao độ, chứ không bao giờ nhầm lẫn là điểm đến tin cậy.

Anh Đằng,

Anh đã mong muốn và tích cực đấu tranh cho một xã hội dân sự được chuyển hóa theo cách hòa bình, như Kiến nghị 72 mà anh ký tên trong đó. Anh mong muốn một xã hội dân sự vì đó là nền tảng vững chắc cho độc lập dân tộc, đó cũng là nền tảng để một quốc gia phát triển. Anh đã gởi lại tâm tình của mình trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi này, với tinh thần đấu tranh không ngừng, như rất nhiều người con dân yêu nước khác. Anh ra đi như họ đã ra đi, vì hai chữ độc lập - dân chủ. Thái độ chọn lựa cuối cùng của anh về một sự chia ly đã củng cố và làm sáng rõ lý tưởng mà anh đã trọn đời theo đuổi.

Anh đã sống trọn vẹn với suy nghĩ của mình.

Anh không cô đơn. Anh nằm xuống có bạn bè chung quanh, có nhiều bạn trẻ tiếc thương anh và những giọt nước mắt.

Trong khi anh nằm xuống, dân tộc vẫn bước tiếp cuộc hành trình về hướng dân chủ!

Tất cả vẫy chào anh trong niềm thân thiết.

Anh có quyền an nghỉ./.

Lúc 2 giờ sáng, ngày 23-1-2014

H. Đ. N.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Xuống phố ngày 23 chạp Quý Tỵ

Cũng là ngày nhận tin một người nặng lòng với Quê hương Đất nước vừa qua đời, Ông đã công khai nhận những sai lầm của mình, và đã hết sức trong khả năng của mình để làm một cái gì đó mong bù đắp! Xin trân trọng những điều hiếm có trong cuộc sống hôm nay. Cầu cho linh hồn ông yên nghỉ

Xuống phố cho lòng thanh thản, và cũng để nhìn thấy mùa Xuân của trời đất đang đến, mong sao đất nước rồi cũng sẽ thật sự được đón một mùa Xuân dân tộc! một mùa Xuân của Dân chủ, Tự do thực sự!



Mai Anh Đào trong dáng Champagne phun trào.



Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

Phạm Toàn : Một viên đá bị cắt, những tiếng loa, và mấy cái đầu rỗng

Nguồn boxitvn

21/01/2014


Ghi chép Chủ nhật 19-1-2014

Cuộc gặp gỡ sáng hôm nay, chủ nhật 19 tháng 1 năm 2014, để tưởng niệm 74 chiến sĩ liệt sĩ trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, đã diễn ra thật là … vui, vui đến tức cười. Mới đầu, thấy mình cười cợt, cũng chợt nghĩ thật là thất thố trước anh linh những người đã hy sinh mạng sống cho đất nước. Sau rồi nghĩ lại, thì thấy nếu các anh hùng được chứng kiến cảnh nhà cầm quyền phô trương những cái đầu rỗng của họ qua năng lực tổ chức những tiếng loa và tiếng máy khoan … cắt chơi vào một hòn đá, cốt phá phách cuộc tưởng niệm, có lẽ các anh cũng phải … cười theo luôn.

Tôi xin kể thong thả, lần lượt, thấy đâu kể đó, nhớ gì kể nấy, kể hầu các bạn vắng mặt, và kể như một lời tôi đang khấn vong linh các anh, cả 74 anh ở trận Hoàng Sa lẫn 64 anh ở trận Gạc Ma – những người anh em bà con ruột rà chung của mỗi người dân Việt còn có liêm sỉ.

Tâm trạng riêng tôi là sự phập phồng chờ đón cuộc tưởng niệm ngày 19 tháng 1 năm 2014 này. Tôi tự nhủ mình sẽ phải có mặt trong cuộc lễ. Những cuộc "xuống đường" nhiều lần trước tôi không dám tham gia, vì tôi không thể đi bộ nhanh, càng không thể chạy, hễ vận động nhanh là nghẹt thở, mà không vận động nhanh thì làm sao tránh khỏi bị lôi sang trại giam nhân quyền ở Lộc Hà? Hơn tám chục tuổi đời, ngồi ôm máy tính làm việc dài hơi thì vẫn được, nhưng nỗ lực cơ bắp là điều rất khó. Nhưng lần tưởng niệm này, tôi có những niềm tin để hình dung một cuộc gặp gỡ của đông đảo đồng bào mà không bị gọi là "tụ tập đông người" – ít ra người ta cũng phải biết nghĩ đến những đồng bào của mình đã chết, ít ra cũng phải biết nghĩ để biến nỗi đau Hoàng Sa (và Gạc Ma) thành một giá trị gắn kết dân tộc, ít ra thì cũng phải biết lắng nghe những tiếng nói khoan thai để ngay cả những kẻ thất học cũng có dịp học thày không tày học bạn. Không! Lần này chắc chắn là không có đàn áp! Khỏi cần chạy! Khỏi sợ nghẹt thở!

Một sự tình cờ xảy đến: tối 16 tháng 1 năm 2014, tôi được mời là một trong ba diễn giả của buổi mạn đàm nhân kỷ niệm 30 năm ngày ra đời bộ phim "Chuyện tử tế" của nghệ sĩ nhân dân Trần Văn Thủy. Bữa đó, khi kết thúc sự kiện, nhà thơ Dương Tường nói vui "đợi chủ nhật này, xem anh nào tử tế". "Chủ nhật này" theo văn cảnh lời Dương Tường, đó là cuộc tưởng niệm 40 năm giặc Tàu lưu manh và ma mãnh cướp trắng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Để coi, bên biểu dương lòng yêu nước và "bên kia", bên nào tử tế. Và thế là, ngay lập tức nhóm Cánh Buồm hẹn nhau ai ở Hà Nội, sáng sớm chủ nhật, sẽ đến cất xe ở nhà Dương Tường rồi cùng đi bộ ra địa điểm tưởng niệm ở chân tượng đài Lý Thái Tổ.

Cá nhân tôi rất muốn có dịp để mấy em trong nhóm biên soạn sách giáo khoa cùng đi dự lễ tưởng niệm. Cũng là điều tốt nếu các em chứng kiến một hành xử dân chủ và lịch sự, do đó mà biết tôn trọng những người tới dâng hương đồng bào yêu nước đã ngã xuống ở Hoàng Sa (và Gạc Ma). Càng tốt hơn nữa, nếu các em thấy những điều chướng tai gai mắt… Lý do chỉ đơn giản thế này thôi: các em quá trong trắng, các em cũng đỗ đạt này nọ đấy, nhưng một đời đi học là một đời bị bưng bít, nên các em có quá ít thông tin để có thể trưởng thành đầy đủ. Những đầu óc "trên mây" ấy khó có thể đi tiếp con đường cải cách giáo dục như nhóm từng mơ ước.

Chúng tôi đến nhà Dương Tường lúc mới hơn bảy giờ. Tường đã dậy rồi và đã ăn sáng rồi. Sự lạ! Cậu chàng thường làm việc đến gần sáng rồi ngủ dậy rất muộn! Nhưng hôm nay thì khi mọi người tới, cậu đã đóng bộ rồi.

Tường định pha nước, nhưng tôi ngăn lại. Tôi bảo, nên đi sớm trước khi người ta giở trò. Chưa kể là, mình nên đến sớm để quan sát mọi điều, cho bõ là một cuộc học hỏi tại chỗ. Vừa vặn một em trong nhóm phóng xe tới. Em cho biết, "ở khu vực sứ quán Khựa chúng nó bố trí đông lắm, nên ra sớm thôi, kẻo các ngả đường có thể bị bịt". Thế là chúng tôi xuất hành.

Chúng tôi đi chầm chậm dọc đường Tràng Tiền rồi ra vườn hoa Chí Linh. Chúng tôi lên thẳng chỗ tượng đài và thấy một bà cụ đang quét các ngóc ngách ở chân tượng. Quét xong, cụ nhìn chúng rôi ra vẻ tạm biệt và chống gậy con cón ra đi. Tôi giữ tay cụ, hỏi tuổi. Cụ bảo "hơn chín mươi rồi, ngày nào cũng ra đây quét chân tượng". Lát nữa, chính tôi cùng những người đến tưởng niệm mỗi người một bông cúc trắng có băng đen in chữ tưởng niệm Hoàng Sa cũng đặt hoa tại chân tượng này nơi bà cụ không tên tuổi đã quét dọn sạch sẽ. Và khi cuộc lễ tưởng niệm còn chưa kết thúc, thì lại có hai người đàn bà trẻ hơn nhiều, vội vã đến đây "quét dọn". Một trong hai người đàn bà trẻ tuổi ấy nói với người kia như ra lênh, "quét mẹ nó hết đi". Thật lạ lùng! Bà cụ già hơn chín mươi tuổi lưng còng kia chắc chắn không phải là sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Còn hai chị này: họ ăn lương của ai để làm công việc súc phạm anh linh những liệt sĩ đã bỏ mình cho họ được ăn nói hỗn hào? Một xã hội khuyến khích những mụ công dân thủ đô có tâm hồn eo hẹp đến vậy, bảo làm sao không đẻ ra những quái thai có học vị bác sĩ Y khoa tên là Cát Tường?

Mở màn cho cuộc vui cười ra nước mắt là một ông quãng dăm chục tuổi. Anh ta đeo một chiếc loa, tay cầm micro, đến sát chúng tôi khi đó mới chỉ có dăm bảy người quây quần trò chuyện, lần lượt gí loa vào tận mặt chúng tôi để "mời các anh các chị đi chỗ khác, ở đây sắp thi công". Được hỏi lại, anh ta chỉ vào sợi dây điện màu vàng nằm dưới nền gạch hoa, "đấy, chúng tôi sắp thi công". Và rồi sau đó chừng dăm bảy phút thì họ "thi công" thật. Bụi đá bay mù mịt vì vừa cắt đá vừa cho cái máy phải gió gì đấy thổi cho bụi tung lên. Cùng lúc đó, cả chục cái loa di động cũng sa sả gí sát mặt đồng bào đến dự lễ tưởng niệm mà buông những lời lẽ với âm lượng tra tấn. Đấy là một hình thức tra tấn chứ còn gì nữa? Tra tấn bằng cách bắt nghe tiếng ồn cùng những lời lẽ khó nghe. Tra tấn là như thế, chứ còn gì nữa?

Thấy cái anh gọi loa đó cứ quanh quẩn gần bên, tôi nói đùa, "anh là người Tàu phải không? Quảng Đông hay Quảng Tây?" Mọi người cười ồ lên. Anh ta đi sang nhóm bên cạnh tôi. Nghe có tiếng người hỏi anh ta, "hôm nay anh được trả mấy trăm?" Có anh còn rút ra tờ năm trăm ngàn giơ trước mặt anh ta nữa. Không nghe thấy lời nói đùa, chỉ thấy tiếng cười rộ. Một máy quay video giơ cao trên đầu nhóm người đang vui cười này. Tôi tin chắc đoạn băng này sẽ sớm được phát trên một trang mạng nào đó của những người yêu nước. Nếu coi đoạn băng đó, xin bà con chú ý tới vẻ mặt vô cảm của người gọi loa kia. Và của tất cả những người gọi loa đồng bọn với anh ta. Nhà thơ của nhóm chúng tôi bình luận thiệt chí lí, "cả đêm qua, bộ tham mưu chắc là mất ngủ để nghĩ ra cái mẹo con nít này" – những cái đầu rỗng đang được trưng ra trước công chúng! – và trưng ra giữa thủ đô yêu dấu vào một sớm chủ nhật trời quá đẹp!

Vào một sớm chủ nhật trời quá đẹp, được thấy rõ một bọn độc chiếm quyền làm bẩn thủ đô của chúng ta. Nhìn hành tung của chúng ngăn cản việc tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh khi Hoàng Sa thất thủ, có thể đoán biết chúng là hạng người thế nào. Cá nhân tôi thì đã xác định lập trường vì biết rõ bọn chúng từ lâu rồi. Dẫu sao, sớm chủ nhật Mười Chín Tháng Giếng Hai Ngàn Không Trăm Mười Bốn này, chúng ta vẫn kỷ niệm được dù không trọn vẹn ngày Hoàng Sa thất thủ và cũng vẫn dâng được hương hoa tới những liệt sĩ đã lưu danh muôn đời cho Tổ quốc, cho dù các anh có bị gán ghép là "NGỤY".

Chưa kể là sớm chủ nhật hôm nay tôi còn làm thêm một công việc vô cùng tử tế: dắt mấy em trong nhóm soạn sách Cánh Buồm ra đường để các em chứng kiến những việc làm thay cho thói quen nghe những lời nói – và kể từ nay chắc là các em sẽ xóa cho tôi cái án treo gọi tôi là phần tử cực đoan.

P. T.

Nguyễn Quang A : Hãy đi thăm các cựu tù nhân lương tâm và gia đình các tù nhân lương tâm

Nguồn boxitvn

22/01/2014 

Chúng tôi định đi thăm các tù nhân lương tâm và gia đình họ ngày 18-1-2014, tôi mắc bận không đi được. Ngày 19-1-2014 khi dự lễ tưởng niệm Hoàng Sa tại tượng đài Lý Thái Tổ mới biết cuộc đi thăm tù nhân được chuyển sang ngày 20. Chứng kiến cảnh chướng tai gai mắt do công an (tôi tin những người mặc thường phục hôm đó cũng là công an mặc thường phục để che mắt thiên hạ) gây ra trong buổi tưởng niệm 40 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa, nhưng tôi đã không nhắc đến sự kiện đau lòng và ô nhục vào buổi sáng đó trong bữa cơm tối với phó thủ tướng Vương quốc Bỉ, một giáo sư về luật hiến pháp và nhân quyền. Giá mà bữa cơm ấy diễn ra sau 20-1-2014 thì tôi đã có thể nói cho vị giáo sư đáng kính về kinh nghiệm bản thân mà tôi tóm tắt sau đây.

Ngày 20 -1-2014 chúng tôi đi thăm và cuộc viếng thăm này đã kéo dài ngoài dự kiến. Đến tận sáng 21-1-2014 lúc 0 giờ 13 phút tôi mới về đến nhà sau hơn 3 giờ bị câu lưu trái pháp luật tại xã Chương Dương, huyện Thanh trì Hà Nội cùng 6 người bạn khác. Trả lời nhà báo Trần Quang Thành xong tôi lên giường đánh một giấc đến hơn 7 giờ sáng, rồi lại phải đi họp ở xa Hà Nội nên chỉ kịp gửi email cảm ơn bạn bè đã quan tâm đến việc xảy ra tối qua ngày 20-1-2014 và hứa sẽ viết lại tóm tắt để mọi người rõ.

Chiều mới quay lại Hà Nội và nhận được rất nhiều điện thoại từ những người quen và các sứ quán trước và trong lúc viết mấy dòng này và quên mất việc mình có lịch đi dự Quốc khánh Australia tại khách sạn Melia (rất xin các bạn Úc thứ lỗi).

A. Vài sự kiện

Chúng tôi gồm nhà thơ, cựu chiến binh Nguyễn Tường Thụy, anh Lê Hùng, anh Vũ Mạnh Hùng, anh Nguyễn Lân Thắng, anh Nguyễn Kim và cô Thảo đã đến thăm cựu tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội tại xã Chương Dương, Thường Tín, Hà Nội. Cuộc viếng thăm nhân dịp tết sắp đến kéo dài khoảng 20 phút, chúng tôi xin phép ra về vì đã muộn và còn phải đi thăm những người khác nữa.

1. Ra đến đường làng ngay trước cổng nhà anh Trội thì gặp hơn 20 người mặc thường phục vây quanh, cản không cho chúng tôi đi. Họ "mời" chúng tôi đến trụ sở Ủy ban Nhân dân xã để làm việc. Chúng tôi hỏi họ là ai, họ có quyền "mời" như vậy hay không? Và nếu là "mời" thì lời mời đó bị chúng tôi từ chối. Họ không chứng minh được tư cách của họ (thí dụ bằng trương ra thẻ công an của họ; thậm chí có một người được gia đình anh Trội nói là an ninh ở huyện đã từ chối nhận mình là công an mà chỉ nói anh ta là một người dân) nên chúng tôi không đi. Lúc họ nói họ rất tôn trọng chúng tôi nên mới "mời," lúc họ đe dọa, thậm chí văng tục, và ép mọi người đến ủy ban, sau khi mời không xong họ bảo "tôi yêu cầu chứ tôi đ. mời nữa!". Giữa chừng hai xe của chúng tôi (trong đó có một taxi) đã bị họ lùa đến sân Ủy ban. Với sức mạnh cơ bắp và bạo lực họ đã áp tải chúng tôi đến Ủy ban. Khoảng thời gian giằng co trước cổng nhà anh Trội đến Ủy ban xã hết khoảng 30 phút và cộng thêm thời gian họ áp tải chúng tôi đến Ủy ban xã tổng cộng hết khoảng 35-40 phút. Chi tiết những lời lẽ trao đổi dọc đường có thể nghe trên 3 clip của Nguyễn Lân Thắng có độ dài 17:54, 13:18 và 10:20.

2. Khi đã vào đến Ủy ban Xã, họ đưa 6 người chúng tôi lên Văn phòng Đảng ủy Đảng Cộng sản Việt Nam xã Chương Dương (!!!). Lúc đó là 20 giờ ngày 20-1-2014. Xuất hiện ba người: Ông Phạm Nhật Cường trưởng công an xã, ông Khánh và ông Hải từ an ninh huyện Thường Tín. Ông an ninh huyện trợ giúp pháp lý cho ông Cường và nói rằng theo quy định trưởng công an xã có quyền kiểm tra giấy tờ tùy thân của chúng tôi còn họ (từ huyện) thì không có chức năng đó. Họ yêu cầu chúng tôi cho họ xem chứng minh nhân dân (4 người có, 2 người không mang CMT theo người). Tôi bảo anh Cường rằng lẽ ra anh đã phải có mặt 30-40 phút trước ở trước cổng nhà anh Trội, trương thẻ công an của mình ra và với tư cách trưởng công an xã anh giải thích rằng theo quy định luật pháp anh có quyền kiểm tra giấy tờ tùy thân theo đúng thủ tục thì chúng tôi đã đưa CMT cho anh xem và việc đó hay hơn việc câu lưu chúng tôi rất nhiều. Vì cách làm của các anh là hoàn toàn trái luật và vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Trong suốt quá trình ở Văn phòng Đảng ủy 3 người họ thay phiên nhau ra ngoài hoặc đi xuống tầng trệt (chắc là để trao đổi hay nhận lệnh).

3. Lúc 9h45 có 3 xe nghe nói là từ Bộ Công an đến với nhiều người từ trên bộ. 10h00 anh Cường nói với tôi "mời anh Quang A xuống dưới để mấy anh hỏi vài chuyện". Tôi bảo anh Cường, anh hãy xuống và bảo mấy anh ở dưới đó "Tôi cám ơn lời mời, nhưng lời mời của họ không được tôi chấp nhận. Tôi không có chuyện gì để trao đổi với họ. Việc anh (Cường) có quyền hỏi CMT thì tôi đã đưa CMT cho anh và thế là xong chuyện, không còn gì để nói hay để bàn nữa. Nếu mấy anh ấy có lên trên này trước mặt 5 người khác và có hỏi tôi bất cứ gì tôi cũng sẽ không trả lời." Không ai khác được mời xuống để hỏi riêng. Chúng tôi ngồi uống nước suông với cái bụng đói mèm. Anh Trội ra mua được 2 gói bánh, tôi làm 4 chiếc với nước lã và ngồi đợi cùng mọi người.

4. 10h40 xuất hiện 3 người với video camera quay chúng tôi từ mọi góc. Lúc này chúng tôi mới bảo họ rằng "Ngay từ đầu chúng tôi đã hỏi các anh để chúng tôi quay toàn bộ cuộc câu lưu này thì các anh đã không chấp nhận, bây giờ các anh chĩa vào mặt chúng tôi quay mà chẳng thấy xin phép chúng tôi gì cả," nhưng chúng tôi đã quá quen cảnh bất lịch sự này rồi nên bỏ qua.

5. Anh Cường quay lại và bảo chúng tôi ký biên bản. Chúng tôi nói việc đưa CMT cho anh kiểm tra là đã xong. Chúng tôi không liên quan gì đến cái văn bản do các anh tự viết ra và gọi là biên bản cả và nhất quyết sẽ không ký vào bất kỳ giấy tờ nào. Anh Cường nói thế thì phải làm biên bản rằng các bác không ký. Chúng tôi bảo cái đấy tùy anh và chúng tôi không liên quan. Họ viết một tờ giấy gọi anh lái xe taxi lên ký làm chứng. Chúng tôi không biết hai văn bản đó họ viết gì.

6. Anh Nguyễn Kim đi xuống rồi chúng tôi nghe tiếng ồn lớn và tiếng kêu la rất to. Chúng tôi kéo xuống và thấy anh Kim bị đánh và đang kêu rất đau. Chúng tôi dìu anh lên, anh nói có một tên đánh anh 4 cú và định kéo anh vào phòng riêng, nhưng do anh la to và chúng tôi xuống kịp thời nên nó thôi (cũng tại đây một thời gian trước đã xảy ra việc một khách đến thăm anh Trội đã bị đánh gãy xương).

7. Anh Cường quay lại nói 5 người có CMT (thêm anh Kim người lái xe nên không bị đưa lên Văn phòng Đảng ủy Xã ngay từ đầu, nhưng họ thấy anh nói chuyện thân mật với vợ anh Trội, chứng tỏ anh cũng quen biết anh Trội nên đã bị đưa lên sau và bị hỏi CMT) có thể ra về, còn 2 người không có CMT ở lại chờ xác minh. Chúng tôi nói chúng tôi chờ xác minh xong thì về một thể. Một lúc sau họ nói đã xác minh xong và mời chúng tôi ra về. Lúc này vừa đúng 23 giờ.

8. Xuống sân đèn tối om. Chúng tôi đòi họ bật đèn sân, họ bảo bị mất điện (trong khi trên phòng điện vẫn sáng). Cổng bị khóa chặt từ lúc câu lưu chúng tôi được mở ra. Anh Trội có đèn pin dẫn chúng tôi ra cổng. Anh Kim vạch áo và có thể thấy một vết xước rớm máu dài trên bả vai. Gần 20 bạn hữu đến ứng cứu chúng tôi từ ngoài đường tràn vào sân. Một người hô to "đả đảo công an đánh người" và mọi người hô theo "đả đảo," "đả đảo". Hô ba bốn lần thì họ ép được chúng tôi ra khỏi cổng và khóa cổng lại. Chúng tôi lên xe về nhà.

B. Vài bình luận sơ bộ

1. Những người tự xưng là công an trong đoạn A.1 kể trên đã vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng, không hiểu chút gì về quyền con người và rất hách dịch với dân. Chúng tôi đòi công khai ngân sách nhà nước chi cho lực lượng công an, giành một phần thích đáng kinh phí đó để dạy công an về pháp luật, về nhân quyền, về việc không được vi phạm pháp luật và hỗn láo với dân những người đã đóng thuế để nuôi họ và toàn bộ bộ máy nhà nước này.

2. Chỉ có đi thực tiễn mới thấu hiểu được sự vi phạm nhân quyền, sự lạm dụng quyền lực tràn lan đến thế nào, nhất là ở vùng nông thôn nơi người dân chưa hiểu rõ quyền của mình và thường xuyên bị những người nhân danh nhà nước hành hạ, đối xử một cách hỗn láo và thô bạo. Chính vì thế tôi cầu mong càng nhiều người (nhất là các trí thức) hãy đi thăm các cựu tù nhân lương tâm, gia đình các tù nhân lương tâm (đang ở trong tù) để hiểu hoàn cảnh của họ và những âm mưu thâm độc của một số người lạm dụng quyền lực (mà chủ yếu là lực lượng công an) đã và đang tìm mọi cách cô lập họ về mọi mặt, triệt phá mọi kế sinh nhai của họ (hầu hết việc sản xuất kinh doanh hay công việc kiếm tiền của họ bị triệt hạ một cách hết sức tinh vi và hiểm độc). Việc thăm viếng này là quyền của chúng ta và không một thế lực nào có thể cản chúng ta. Chúng ta cũng nên tổ chức đi thăm các tù nhân lương tâm; việc này cần được phép của cơ quan chức năng vì các tù nhân lương tâm đang trong nhà tù. Và tất nhiên chúng ta phải liên tục lên tiếng đòi thả hết các tù nhân lương tâm.

3. Chúng ta có thể đọc và tưởng là hiểu rất nhiều. Tôi có thể khẳng định một giờ mà quý vị đến thăm họ để biết hoàn cảnh thật của họ tại gia đình họ, thì một giờ đó có thể giúp quý vị hiểu nhiều hơn một năm chỉ đọc và chỉ nghe. Hãy thường xuyên đến với họ, bày tỏ sự đoàn kết với họ và đấy là một trong những cách phá vỡ sự cô lập chết người mà một số kẻ lạm dụng quyền lực đã và đang gây ra một cách hết sức tinh vi và dã man cho các tù nhân lương tâm và gia đình của họ.

N. Q. A.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

BBC. Miền Bắc có tuyên bố Hoàng Sa của TQ?

Nguồn BBC

Cập nhật: 09:32 GMT - thứ hai, 20 tháng 1, 2014

Bản đồ có 'Tây Sa, Nam Sa' mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói là của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Năm 1980, Bộ Ngoại giao Trung Quốc có công bố một tài liệu với tên gọi "Chủ quyền không tranh cãi của Trung Quốc đối với hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa".

Tài liệu này có một tiểu mục với tựa "Sự man trá của chính quyền Việt Nam", trong đó chỉ ra những bằng chứng cho thấy trước năm 1979, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhiều lần tuyên bố Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Ngoài công hàm gây tranh cãi của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958, tài liệu này còn dẫn nhiều tuyên bố của các quan chức chính phủ miền Bắc, trong đó có của Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm:

"Ngày 15/6/1956, trong khi tiếp đại diện lâm thời của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Lý Chí Dân, Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nói với ông rằng: "Theo dữ liệu của Việt Nam, quần đảo Tây sa và quần đảo Nam Sa về mặt lịch sử là một phần lãnh thổ của Trung Quốc."

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chỉ ra một tuyên bố khác vào năm 1965 của miền Bắc:

"Trong tuyên bố ngày 9/5/1965 về việc chính phủ Mỹ quy định vùng chiến sự cho lực lượng của họ tại Việt Nam, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nói ... 'Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã chỉ định ... một phần của lãnh hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong quần đảo Tây Sa của Trung Quốc làm "vùng chiến sự" của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ'."

Cuốn sách "Cuộc tranh chấp Việt - Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" của ông Lưu Văn Lợi do Nhà xuất bản Công an Nhân dân Hà Nội phát hành năm 1995, xác nhận cả hai tuyên bố này:

"Việc nói Tây Sa là của Trung Quốc trong bản tuyên bố của chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong tuyên bố năm 1965 về việc Mỹ quy định khu vực chiến đấu của quân Mỹ hay câu nói của Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm về Tây sa là có thật," ông Lợi viết.

Ngoài ra, tài liệu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn kèm theo một tấm bản đò thế giới do Cục Đo đạc và Bản đồ thuộc Phủ Thủ tướng Việt Nam [Dân chủ Cộng hòa] xuất bản năm 1972 trong đó ghi Tây Sa và Nam Sa theo tên Trung Quốc.

Tài liệu này còn nói các bản đồ của miền Bắc trong các năm 1960 và 1974 cũng ghi rõ Tây Sa và Nam Sa là lãnh thổ của Trung Quốc.

Nhân dịp 40 năm hải chiến Hoàng Sa, BBC đã có cuộc phỏng vấn sử gia, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, về những tài liệu này.

'Nhiều chính thể, một Tổ quốc'

Công hàm năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi

BBC: Trước năm 1975, quan điểm của miền Bắc về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa là như thế nào, thưa ông?

Sử gia Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ rằng tùy vào hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam, có những thời kỳ có nhiều lực lượng chính trị khác nhau.

Ngay từ thời kỳ xa xưa, như Trịnh-Nguyễn phân tranh, Việt Nam vẫn là một nước Đại Việt thống nhất.

Hay như sau hiệp định Genève, hai miền Nam Bắc dù có bị chia cắt bởi vĩ tuyến 17, thì về nguyên lý, nước Việt Nam vẫn là thống nhất, với quy định là 2 năm sau thì tổng tuyển cử.

Tôi nghĩ vào thời điểm năm 74, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã thực thi đúng nhiệm vụ của mình được quốc tế đảm bảo.

"Những quan hệ được xây dựng từ trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp thì có thể tạo ra một điều mà tôi có thể nói thẳng là sự mất cảnh giác."

Tổ quốc Việt Nam thì chỉ có một, còn chính thể thì có thể có nhiều, và đó là trách nhiệm của bất kỳ chính thể nào đối với lãnh thổ của Tổ quốc.

BBC: Ngoài công hàm năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Trung Quốc cũng đưa ra nhiều tài liệu để nói miền Bắc đã nhiều lần công nhận Hoàng Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc, như tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm năm 1956, tuyên bố năm 1965 về vùng chiến sự của Mỹ, hay các bản đồ mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sử dụng trong các năm 60,72,74.

Ông nghĩ gì về những tài liệu này và giá trị pháp lý của chúng?

Sử gia Dương Trung Quốc: Chúng tôi thì chưa được tiếp cận với bản gốc, thế nhưng nếu những điều đó có xảy ra thì cũng không có gì là lạ.

Bởi vì vào thời điểm đó thì chúng ta đều biết rằng Việt Nam đang diễn ra một cuộc chiến tranh, và rõ ràng Trung Quốc đang là đồng minh trực tiếp của miền Bắc Việt Nam.

Thêm vào đó, những quan hệ được xây dựng từ trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp thì có thể tạo ra một điều mà tôi có thể nói thẳng là sự mất cảnh giác. Đó là chỗ mà người Trung Quốc, vốn thâm hiểm, muốn khai thác.

Nhưng nếu nhìn vào chiều dọc lịch sử và tính liên tục của nó thì ta có thể thấy rất nhiều bằng chứng là Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình, từ thời kỳ quân chủ, và trước đó là các chúa Nguyễn.

Chúng ta cũng biết là người Pháp khi biến Việt Nam thành thuộc địa cũng thực thi quyền ngoại giao của mình và khẳng định tất cả.

Quan trọng nhất là đến năm 1974, sự hiện diện của quân đội Việt Nam Cộng hòa trên Hoàng Sa nói riêng và các đảo trên Biển Đông nói chung thì hết sức rõ ràng. Trận chiến năm 1974 cũng rất rõ ràng.

Vào thời điểm đó, theo Hiệp định Genève thì lãnh thổ nào của Việt Nam ở sau vĩ tuyến 17 thì đều thuộc quyền quản lý Việt Nam Cộng hòa.

Đương nhiên người Trung Quốc sẽ tìm mọi chi tiết để chứng minh, nhưng nếu nhìn theo tổng thể lịch sử và cái tính liên tục của nó thì tôi nghĩ rằng những chi tiết không quan trọng.

Bài học lịch sử

Chính quyền trong nước vẫn còn dè dặt trong việc tưởng niệm tử sỹ Hoàng Sa

BBC: Ông cho rằng việc thay đổi quan điểm trong việc vinh danh tử sỹ Hoàng Sa thì có thể giúp gì cho Việt Nam trong việc đòi lại chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa trong tương lai?

Tôi cho rằng trước hết là cần phải rút ra bài học lịch sử, nhất là trong quan hệ với phương Bắc.

Nếu đọc kỹ lịch sử, chúng ta thấy là khi nào trong nước có mâu thuẫn, không ổn định, không đoàn kết thì mất nước. Họ luôn khai thác điều đó.

Tôi nghĩ rằng để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, kể cả những vùng Trung Quốc đã chiếm đóng thì việc đầu tiền là người Việt Nam phải biết đoàn kết với nhau, thống nhất về ý chí rằng đó là lãnh thổ của chúng ta.

Còn về thời gian thì chúng ta phải chấp nhận một quá trình mà trong thế giới hiện đại ngày nay, chúng ta không thể không dựa vào những cam kết, những luật quốc tế để giải quyết vấn đề một cách cơ bản, không chỉ đối với quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc mà còn quan hệ giữa Trung Quốc với khu vực có liên quan.

Ghé thăm các Blogs: 20/01/2014 (Diễn Đàn Thế Kỷ)

Nguồn diendantheky

vào lúc 11:58 SA

FACEBOOK HUY ĐỨC

CÙNG BẮC NHỊP CẦU HOÀNG SA


Cho dù có rất nhiều bài viết từ tối 17-1-2014 đã phải rời khỏi khuôn báo "lề phải"; cho dù, một lễ đốt nến tưởng niệm dự định diễn ra ở Đà Nẵng đã đột ngột bị hủy bỏ, mỗi người dân Việt Nam, ở Sài Gòn, Hà Nội... vẫn lựa chọn một cách riêng để nhớ tới ngày 19-1-1974: Ngày Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm đoạt Hoàng Sa; ngày mà 74 chiến binh Việt Nam Cộng hòa đã cùng ngã xuống.


 Ở đây, nhiều người Việt cũng chọn một cách riêng, cùng bắc nhịp cầu tưởng nhớ: tưởng nhớ một phần lãnh thổ thiêng liêng chưa biết bao giờ lấy lại được; tưởng nhớ anh linh của 74 chiến sĩ trận vong; tưởng nhớ Hoàng Sa nơi mà ngay trong những ngày chia cắt, người Việt, thay vì chĩa súng vào nhau, đã bắn vào đích thị quân xâm lược.

Gần 200 cá nhân người Việt ở nhiều nơi trên thế giới đã gửi tới tài khoản Nhịp Cầu Hoàng Sa hơn 500 triệu đồng chỉ sau 12 ngày. Cho dù chúng ta mới đi được một phần quãng đường: giúp cải thiện nơi ở cho 3 mẹ con bà quả phụ thiếu tá Nguyễn Thành Trí; giúp bà Huỳnh Thị Sinh mua lại căn hộ đã bị giải tỏa đặng có nơi đặt di ảnh chồng, trung tá Ngụy Văn Thà; giúp cựu binh Hoàng Sa Vũ Văn Chu, đang bị liệt, chút thuốc men sau khi đột quỵ... Nhưng không chỉ là vấn đề tiền bạc, rất nhiều người Việt, ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, đã tham gia "Nhịp Cầu Hoàng Sa" vì muốn nhắc tới một phần lịch sử.

Anh Phạm Văn Tịch, một người chịu thương tật do chiến tranh Việt Nam, hiện đang sống ở Berkeley, nhờ một cô gái Hà Nội giúp chuyển khoản 4 triệu đồng. Một cô bé Sài Gòn mới ra trường trích một triệu từ tiền nhuận bút dịch sách. Một luật sư ở Sài Gòn đã gửi 10 triệu đồng cùng lúc với một phụ nữ ở Hà Nội (gửi 3 triệu đồng) chỉ vài phút sau khi tài khoản của Nhịp Cầu Hoàng Sa công bố. Nhiều người, đã cùng chúng tôi dõi theo từng con số được cập nhật.

Trong khi đó, nhiều bạn đề nghị có thêm các hình thức giản tiện để các em sinh viên có thể góp xây "Nhịp Cầu" từng 20 nghìn, 50 nghìn... Vào lúc nửa đêm, có nhiều cuộc điện thoại từ Úc, Mỹ, Canada... gọi về. Có bạn tuyên bố sẽ tổ chức nhạc hội, có bạn bắt tay ngay vào việc bán các kỷ vật để lấy tiền ủng hộ...

Sáng kiến tặng tranh, bán đấu giá, của nhà thơ Đỗ Trung Quân đã mang lại cho chương trình hơn 65 triệu đồng. Bức "Tĩnh vật hoa" của anh, chỉ sau một đêm đưa lên Facebook đã được một người Việt đang làm việc ở bệnh viện Boston mua với giá 2000 USD. Bức "Những bông hoa cũ" của họa sĩ Nguyễn Quốc Dũng đã được bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn (Atlanta, Mỹ) mua với giá 1200 USD... Chị Lê Chung và anh Hiệu Minh đưa bộ sách Bên Thắng Cuộc mà tôi ký tặng trước khi rời Washington,D.C., ra bán được 501 USD. Theo chủ nhân mới của "Tĩnh vật hoa", bức tranh sẽ được đưa về Mỹ để luân lưu đấu giá.

Tối 18-1-2014, khi chúng tôi tới nhà bà Huỳnh Thị Sinh dâng nhang tưởng nhớ 74 người lính Việt Nam Cộng hòa nằm lại biển Hoàng Sa, cô Nguyễn Thị Thanh Thảo - con gái thiếu tá hạm phó Nhựt Tảo Nguyễn Thành Trí - nói: "Suốt 40 năm qua, không một ngày chúng tôi cất di ảnh của ba tôi khỏi bàn thờ". Thanh Thảo nói câu đó với giọng đầy tự hào. Trong 40 năm qua, không phải gia đình Việt Nam Cộng hòa nào cũng có thể làm, một việc tưởng đơn giản, như gia đình Thảo.

Cũng chiều 18-1-2014, tại Đức, khi người Việt biểu tình tưởng nhớ sự kiện Hoàng Sa, người ta thấy trong đó những người mang cờ vàng đứng bên cạnh những người mang cờ đỏ. Không phải ở đâu người Việt cũng có thể đứng bên nhau. Chúng ta biết, giữa người Việt với nhau vẫn còn những "bức tường Berlin" rất cần phá bỏ.

Chúng tôi rất trân trọng những đóng góp lớn; chúng tôi cũng nâng niu từng 5 chục, 100, được gửi tới tài khoản Nhịp Cầu Hoàng Sa. Những đồng bạc đó không chỉ nhắm tới mục tiêu giúp các gia đình liệt sỹ dựng lại mái nhà. Những đồng bạc đó là cát, là đá, mà các bạn góp cùng chúng tôi xây đắp một nhịp cầu. Nhịp cầu nối những tấm lòng, để người Việt hiểu thêm người Việt.

Chiều 18-1-2014, trong khói nhang tưởng nhớ các đồng đội của chồng, hai bà Huỳnh Thị Sinh và Ngô Thị Kim Thanh nghe chúng tôi nhắc lại trường hợp hy sinh của 64 chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam ở đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988. Hai bà đã lặng đi. Trong cuộc chiến giữ đảo, máu của những chiến binh người Việt đã trộn cùng máu của những chiến binh cũng là người Việt.

Hoàng Sa là nơi mà ngay khi đất nước còn chia cắt, người Việt đã không bắn vào nhau. Hoàng Sa là nơi suốt 40 năm qua, người Việt hiểu rõ ai mới thực sự có dã tâm xâm lược.

Mỗi người Việt đều có thể chọn một cách riêng để tưởng nhớ Hoàng Sa.

Huy Đức

Tiền Việt Nam và ngoại tệ góp cho chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa, xin gửi về: DO THANH TRIEU (tức Đỗ Thanh Triều) - số TK : 1000343796 Ngân hàng Citibank Việt Nam Chi nhánh Ho Chi Minh Swift code: CITIVNVX 

BLOG BÀ ĐẦM XÒE 
Cuộc chiến bắt sâu và hai ngả đường Dân tộc.


1. Bắt sâu.
 Đất nước như một rừng cây đang bị những bày sâu tham ăn (sâu nào không tham ăn?) tàn phá.

Phải bắt sâu là đúng rồi. Bắt được càng nhiều sâu càng tốt. Điều đó có ích nước lợi dân hẳn hỏi đấy. Hỡi các đồng chí bắt sâu, hãy cố lên!

2. Diễn tiến của việc bắt sâu.
Bắt bầu Kiên, bắt anh em nhà Dương Chí Dũng là bắt được hai con sâu bự rồi.

Công việc bắt sâu của phe bắt sâu nhất định không dừng ở đây. Những con sâu lãnh chúa tới phiên sẽ tiếp tục bị bắt. Mục đích chính của phe bắt sâu nhất định phải bắt cho kỳ được sâu Chúa mới thôi.

Ta hãy ngắm lại khuôn mặt của lãnh tụ số một phe bắt sâu khi ông ta uất ức đến mặt không còn hạt máu, tiếng nói như bị ai lấy mất hơi khi đọc diễn văn kết thúc HN trung ương 6. Sau hội nghị, sự uất ức vẫn còn nguyên, đến mức không thể kìm chế được, phải noi theo anh thợ cắt tóc hô to lên "nhà vua có đôi tai lừa" mà ngắc ngứ trước quốc dân đồng bào: "đồng chí x" và " đồng chí – cả một bầy sâu".

Tiếp đó, việc hai đệ tử bị rớt khỏi BCT làm phe bắt sâu như bị thêm một cái tát trời giáng nữa.

Tuy xã hội ta đang ở thời "đồng chí không bằng đồng tiền" nhưng bị sâu Chúa cho đo ván như vậy, cũng không thể dùng tiền xoa dịu, làm lành với nhau được, vì nó không chỉ là một mối hận.

Sâu Chúa lo đi, tính kế thoát hiểm đi là vừa.

Vì rằng, sâu Chúa có thể thắng trên nghị trường bằng những lá phiếu của sâu lãnh chúa chứ không thể thắng khi phe bắt sâu cứ lần lượt bắt từng con sâu, từng nhóm sâu một, nó tựa như người ta bẻ từng cái đũa và cơm vào miệng vậy.

Hơn nữa, các sâu lãnh chúa lâu nay theo sâu Chúa để cầu lợi, cầu danh, nay cái lợi danh đang bị soi mói và có nguy cơ bị bắt bất cứ lúc nào, họ sẽ như kỳ nhông đổi màu lần lượt gia nhập vào đội quân của phe bắt sâu để "lập công chuộc tội" nhằm bảo toàn tính mạng cùng cái danh, cái lợi của chính bản thân họ.

Thời gian đang ủng hộ phe bắt sâu.

3. Kết cục của việc bắt sâu.
Dân nước mình, đại đa số chỉ có nhận thức, nhìn thấy sâu thì ghét sâu, bởi vậy mà thấy ai đó giết được sâu thì hỉ hả lắm, nhưng lại không biết từ đâu mà sinh ra cái sâu đó. Họ chỉ biết ghét sâu mà không biết ghét cái Từ Đâu sinh ra cái sâu đó. Đồng bào cũng không biết rằng, nếu cái cây ấy tất yếu phải có sâu thì bắt được con sâu này, không chóng thì chầy người bắt con sâu đó lại lập tức trở thành sâu. Nhất định là như vậy. Từ trước năm 1917, ông Le nin ở nước Nga chả từng cảnh báo nhóm ám sát Nga Hoàng rằng "giết được Nga hoàng này lại có Nga Hoàng khác lên thay" hay sao?

Việc bắt sâu của phe bắt sâu tôi tin cũng chỉ như việc Nga Hoàng bị âm mưu ám sát.

Vậy thì việc bắt sâu có ích lợi gì? Chẳng có ích lợi gì cho dân cho nước cả. Nó chỉ mang lại ích lợi cho phe nhóm. Nó như cái đèn cù quay vòng vậy?

4. Hai ngả đường
Giả sử rằng, phe bắt sâu bắt được hết sâu, nhưng thể chế vẫn y như cũ thì đương nhiên sâu sẽ lại phát triển thành bày, thành đàn. Ích nước, lợi dân của việc bắt sâu đem lại là không có gì đáng kể. Nhưng nếu chúng ta vừa bắt sâu vừa đổi mới thể chế hoặc chưa vội bắt sâu mà cần tập trung đổi mới thể chế trước theo hướng dân chủ đa nguyên, tổ chức bộ máy nhà nước pháp quyền theo hình thức tam quyền phân lập thì việc bắt sâu, diệt sâu mới có sở để sâu không còn đất để sống nữa, tức là ta đã diệt tận gốc cơ sở khách quan và biện chứng sinh ra sâu.

Đó mới đích thị là điều dân muốn. Đó mới đích thị là việc bắt sâu chân chính và có ý nghĩa dân sinh và tiến bộ xã hội.

Dân tộc ta sẽ ra sao khi phe bắt sâu thắng? Rõ từ lâu rồi. "Giang sơn dễ đổi, bản tính khó rời", Dân tộc ta sẽ nhằm hướng chủ nghĩa xã hội mà thẳng tiến, mà sự thẳng tiến đó "chưa chắc đã hoàn thành nó trong thế kỷ 21 này (Lời TBT Nguyễn Phú Trọng)" và đương nhiên họ sẽ lấy Quốc Cộng làm điểm tựa, thế thì rồi đời Tổ quốc, rồi đời Dân tộc rồi, Giao chỉ quận là cái chắc, có còn gì mà tính với toán nữa.

BĐX

BLOG HIỆU MINH

Em Huyền Như lừa 4000 tỷ. Ảnh: VNN

Chẳng hiểu em Huyền Như xinh đẹp thế nào mà móc túi được 4000 tỷ của khách hàng thì quả là siêu lừa. Chuyện lừa thế nào có lẽ nên viết thành sách, hay hơn cuốn dự định của Đại tá Ca, Giám đốc CA Hải Phòng, vừa lên tướng, khi tấn công đầm Vươn.

Qua chuyện này, có thể nói, hệ thống ngân hàng Việt Nam yếu kém, cán bộ không chuyên nghiệp, Ngân hàng Nhà nước với chức năng quản lý hệ thống ngân hàng chắc là ngủ ở văn phòng. Còn người gửi tiền VN cực dễ tin người, thấy đâu lãi xuất cao là xô nhau đi, gửi tiết kiệm theo tin đồn.

Kinh nhất là VietinBank thông báo, 4000 tỷ không đi qua ngân hàng, mà chỉ qua túi em Huyền Như, nên VietinBank không chịu trách nhiệm. Nhiều khách hàng đã chứng minh là có giao dịch qua Ngân hàng hẳn hoi, nghĩa là có chuyện gửi tiền vào tài khoản của VietinBank.

Một ví dụ trên VNN. "Từ ngày 18/5/2011 đến 31/8/2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã làm giả 14 hợp đồng ủy thác đầu tư giữa Công ty CP Chứng khoán Saigonbank-Berjaya (SBBS) với Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Sau khi SBBS chuyển tiền vào tài khoản mở tại Vietinbank – chi nhánh TP.HCM, Như đã giả lệnh chi để chuyển tiền từ tài khoản này đi trả tiền cho các tổ chức, cá nhân đã vay trước đó, chiếm đoạt của SBBS 210 tỷ đồng.

Tài khoản của SBBS mở tại Vietinbank – chi nhánh TP.HCM là hoàn toàn hợp pháp, giấy đề nghị mở tài khoản do đích thân Tổng giám đốc SBBS ký, được ông Trương Minh Hoàng – đại diện Vietinbank chi nhánh TP.HCM duyệt. Như vậy, tài khoản được mở hợp pháp thì đương nhiên phát sinh giá trị thực hiện giao dịch giữa chủ tài khoản là SBBS và Vietinbank.

Từ đó, Huyền Như làm giả lệnh chi để chiếm đoạt tiền là chiếm đoạt tài sản của Vietinbank chứ không phải của khách hàng. Việc Viện kiểm sát cho rằng hành vi phạm tội của Như đã hoàn thành ngay sau khi các đơn vị chuyển tiền vào tài khoản Vietinbank là không đúng. Nếu đã hoàn thành, đã chiếm đoạt được tiền thì tại sao bị cáo Như lại phải làm giả lệnh chi và gian dối trong các công đoạn tiếp theo?"

Đó là luật sư bảo vệ nói thế. VietinBank cãi, tiền không giao dịch qua tài khoản của ngân hàng nên họ không chịu trách nhiệm.

Kiểm tra việc này quá đơn giản. Tòa án ra lệnh cho Vietinbank xuất trình các giao dịch vào khoảng thời gian SBBS có gửi tiền là biết ngay. Nhưng chả hiểu tòa án nước mình có đủ thầm quyền lệnh cho một nhà băng hay không.

Nếu là giao dịch online, VietinBank có thể xóa dấu vết các giao dịch trên máy nhà mình, nhưng không thể xóa dấu vết trên máy chủ của SBBS. Máy chủ chứa dữ liệu, các băng từ chứa dữ liệu hàng ngày, các thư từ trao đổi giữa hai bên trong thời gian giao dịch là bằng chứng, tiền đã đi qua Vietinbank. Thích làm tới chốn thì cãi đằng trời.

Mình không hiểu lắm về nghiệp vụ ngân hàng, nhưng biết chắc là, nếu đã gửi tiền vào đó, ngân hàng đánh mất thì phải đền. Còn việc ai đánh mất, ai lừa đảo, tôi không quan tâm. Trả tiền cho chúng tôi về quê 
Giới ngân hàng còn nhớ, tỷ phú Blavatnik đâm đơn kiện JP Morgan Chase sau khi bị thiệt hại nặng nề do cuộc khủng hoảng trên thị trường tín dụng thứ cấp của Mỹ vào năm 2009. Leonid Blavatnik đã chuyển cho JP Morgan gần 1 tỷ USD dưới dạng các khoản đầu tư. Theo các điều khoản của hợp đồng được ký kết năm 2006 giữa hai bên, ngân hàng này phải đầu tư tiền vào các tài sản có độ rủi ro thấp.

Tuy nhiên, phần lớn khoản đầu tư đó lại được ngân hàng đặt mua trái phiếu chính phủ Mỹ mà sau đó đã bị mất giá nghiêm trọng sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008. Leonid Blavatnik cho biết, ông ta đã bị mất ít nhất 10% trong tổng số tiền đầu tư gần 1 tỷ USD của mình, do những tính toán sai lầm không đúng với điều khoản hợp đồng đã ký từ phía JPMorgan Chase.

Do vậy, Leonid Blavatnik đã đâm đơn kiện đòi ngân hàng này phải bồi thường cho mình 100 triệu USD. Thẩm phán Melvina Shvaittsera cho rằng, những lỗi của JPMorgan Chase không nghiêm trọng như cáo buộc của nguyên đơn. Tuy nhiên, tòa án cuối cùng đã thừa nhận rằng tập đoàn tài chính hàng đầu của Mỹ này đã vi phạm hợp đồng. JP Morgan phải đền gần 50 triệu đô la cho tỷ phú gốc Nga.

Dân Mỹ gốc Việt kiện Chase Manhattan New York và 4 nhà băng của Mỹ. Năm 2003, một nhóm người Mỹ gốc Việt ở Californi nộp đơn kiện một số nhà băng quốc tế đã đóng cửa chi nhánh ở Sài Gòn vài ngày trước khi xe tăng miền Bắc tiến vào thành phố, làm họ lúc đó không thể nào rút tiền kịp. Đơn kiện nói rằng các nhà băng đã đóng cửa mà không cảnh báo trước.

Năm 1981, một nhóm người Việt khác cũng kiện Chase Manhattan NY cùng lý do tương tự. Năm 1989, một vụ kiện Citibank cũng vậy.

Dù đã sang Mỹ, nhưng người Việt vẫn bắt nhà băng "trả lại tiền cho chúng tôi về quê" 

Một anh bạn còn kể, năm 1918, khi cách mạng tháng 10 Nga thành công, nhiều người đã bỏ của chạy lấy người, ngân hàng bị chính quyền Xô Viết quốc hữu hóa, nên mất hết. Nhưng khách hàng chạy sang phương Tây đã kiện các các ngân hàng và đòi lại tiền. Đó là vụ Tòa án New York phán quyết National Citibank phải trả tiền cho khách ở Nga từ trước cuộc CM Tháng 10 (Sokoloff v National Citibank).

Trên đây là vài ví dụ về trách nhiệm của ngân hàng đối với người gửi tiền. Bạn đọc nào biết thêm các vụ kiện tương tự, xin chia sẻ lên đây.

Vài thông tin vỉa hè cho các bạn tìm hiểu. Biết đâu khách hàng VietinBank dựa vào Cua Times mà tìm ra thêm chứng cứ và lấy lại được 4000 tỷ. Lúc đó hang Cua chỉ xin 1 tỷ làm từ thiện 

HM. 17-1-2014

BLOG HIỆU MINH


Khách mời của Tenor Media International.

Hôm qua (17-1-2014), Tổ chức Media Tenor International có trụ sở tại Berlin đã tổ chức một cầu truyền hình giữa Berlin, Washington DC và Boston, bàn về chủ đề tranh chấp biển đảo ở vùng Đông Nam Á và nguy cơ xung đột.

Khách mời phát biểu có ông Mark Fuller, Chủ tịch và CEO của Global Rosc và cũng là một trong những người tổ chức Hội nghị kinh tế thế giới.  Marvin Kalb, cựu phóng viên nổi tiếng của CBS, NBC News, Fox Radio, hiện là người nghiên cứu cho viện Brookings, một trong những think tank của Hoa Kỳ tại DC. Cựu Đại sứ Bindenagel của Hoa Kỳ tại Germany, chuyên bàn về vai trò của thông tin và truyền thông. Nguyễn Anh Tuấn (cựu TBT VNN) cũng dự cầu truyền hình từ Boston.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long bay từ đại học Maine về DC để dự cuộc gặp ngắn 1 tiếng đồng hồ này. Giáo sư Long được mời nói về vấn đề tranh chấp biển đảo đúng vào dịp 40 năm  Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng Hoàng Sa của Việt Nam.

Hiệu Minh Blog được anh Nguyễn Anh Tuấn gửi giấy mời tham dự tại đầu cầu Washington DC ở phòng họp trong trung tâm think tank Brookings trên đường Massachusetts. Có hai nhà báo Thu Hà và Việt Lâm của VNN cũng tới dự nhưng chưa thấy đưa tin.

Các diễn giả tập trung bàn làm thế nào để tránh được những xung đột do tranh chấp biển đảo gây nên, nhất là những cường quốc, trước khi xuống tay, bấm nút tên lửa, hãy nghĩ kỹ về hậu quả. Chiến tranh thế giới 1, 2 và chiến tranh Việt Nam là những bài học cay đắng trong lịch sử nhân loại bởi các chính khách tính toán sai lầm.

Chủ đề tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc trong quần đảo Điếu Ngư, giữa Trung Quốc và Philippines, Việt Nam và nhiều nước trong khu vực, đã được các diễn giả mổ xẻ và đưa ra những ý kiến mang tính toàn cầu.

Việc trỗi dậy trong hòa bình của Trung Quốc sẽ được hoan nghênh bởi sự đóng góp to lớn của họ cho thế giới. Tuy nhiên, nếu họ giương cao ngọn cờ dân tộc chủ nghĩa quá khích và đại hán thì sự trỗi dậy đó trở nên nguy hiểm.

Mỹ, Trung Quốc và các nước lớn nên coi sự tranh chấp biển Đông và Nam Trung Hoa là vấn đề quốc tế bởi nó liên quan đến lợi ích chung, giao thương hàng hải, nguồn tài nguyên cần được chia sẻ.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long có nhắc lại trận hải chiến Hoàng Sa mà trong đó Trung Quốc đã giết hại 74 lính của CP VNCH, cướp luôn đảo Hoàng Sa từ đó đến nay. 40 năm kỷ niệm là dịp nên nhìn lại cách giải quyết một cách hòa bình.

Trong cuộc nói chuyện riêng, Giáo sư Long có nói, Việt Nam cần quốc tế hóa vấn đề tranh chấp. Hiện ta ở thế yếu, chưa có đồng minh, phải dựa vào dư luận quốc tế. Nếu chỉ bàn song phương thì các nước sẽ coi đó là tranh chấp giữa hai quốc gia, và họ sẽ không để ý tới nữa.

Mỹ hiện đã cảm thấy mất quyền kiểm soát trong khu vực. Tuy nhiên quyền lợi của Mỹ tại Trung Quốc rất lớn, rất nhiều nhà đầu tư Mỹ có dự án tại quốc gia hàng tỷ người này, mà giới làm ăn có tiền nên có thể lobby nhiều nơi để kéo phần lợi cho họ.

Hiện Mỹ đang cần Việt Nam. Nhưng một khi quyền lợi Mỹ Trung được dàn xếp thì Việt Nam sẽ đứng ngoài cuộc chơi. Liệu mấy cái tầu Kilo có đủ sức đương đầu với Trung Quốc như đã từng xảy ra tại Hoàng Sa cách đây 40 năm. Hạm đội 7 ngay cạnh nhưng cũng không cứu tầu Nhật Tảo bị đánh chìm.

Gs. Ngô Vĩnh Long và Marvin Kalb. Ảnh: HM

Nghe tin Đà Nẵng bị việt vị khi định tổ chức kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng, chắc bạn đọc cũng buồn. Ngồi nghe các diễn giả trong trung tâm Brookings sang trọng giữa DC nối với trung tâm tri thức Boston, và quyền lực của Châu Âu là Berlin, người viết bài này chợt thấy cô độc lạ lùng.

Các học giả thế giới đang cố tìm giải pháp toàn cầu cho xung đột, trong đó có cả quyền lợi quốc gia rất lớn của Việt Nam ở biển Đông, thì dường như Việt Nam ta đứng ngoài cuộc.


Trong giấy mời dự cuộc họp của Media Tenor có lời giới thiệu rất hay. What lessons can be learned from the Paracel-Island Crisis 40 years ago? Why is Vietnam still the Elephant in Oval-Office for each US president since Nixon till Obama? Những bài học gì có thể rút ra sau khủng hoảng ở đảo Hoàng Sa 40 năm trước? Tại sao Việt Nam vẫn là con voi to tướng trong phòng Bầu Dục của Nhà Trắng kể từ thời Nixon đến Obama.

Với Việt Nam ta, có lẽ có một con voi Hoàng Sa đang lang lang ở Ba Đình, ai cũng thấy, ai cũng biết, nhưng không ai dám nói. Bởi cách đó một phố có một tòa đại sứ, nơi người Việt thích biểu tình về Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng có người cũng gần đó lại không thích.

Các học giả thế giới nghe tin ta bỏ cuộc tưởng niệm tri ân Hoàng Sa, chắc sẽ ít nói đến quyền lợi của Việt Nam hơn trong các hội thảo quốc tế về xung đột.
HM. 18-1-2014

Đầu cầu Washington DC. Ảnh: HM

Brookings ở DC nối với Boston. Ảnh: HM

Cua Times, VNN và giáo sư Ngô Vĩnh Long trước viện Brookings DC. Ảnh; Trịnh Hải – HTKH.

Chú thích. Viện nghiên cứu chiến lược Brookings (think tank) là một tổ chức tư nhân phi lợi nhuận ra đời hơn 100 năm nay, có trụ sở tại Washington DC trên đường Massachusetts. Việt Nam từng có IDS có vai trò tương tự nhưng đã bị giải thể.

Brookings nghiên cứu các vấn đề toàn cầu một cách độc lập và dựa vào kết quả đưa ra những cố vấn mang tính chiến lược nhằm (1) Nâng cao sức mạnh dân chủ Mỹ; (2) Thúc đẩy kinh tế, giá trị xã hội dân sinh, an ninh và cơ hội cho người Mỹ; và (3) Đảm bảo hệ thống quốc tế được hợp tác tốt hơn, thế giới được an toàn và mở hơn.

Brookings là một trong những viện có công trình được trích dẫn nhiều nhất và được tin cậy nhất trên thế giới.
Quality. Independence. Impact. – Chất lượng, độc lập và gây ảnh hưởng

The Brookings Institution is a nonprofit public policy organization based in Washington, DC. Our mission is to conduct high-quality, independent research and, based on that research, to provide innovative, practical recommendations that advance three broad goals:
• Strengthen American democracy;
• Foster the economic and social welfare, security and opportunity of all Americans; and
• Secure a more open, safe, prosperous and cooperative international system.
Brookings is proud to be consistently ranked as the most influential, most quoted and most trusted think tank.

Website http://www.brookings.edu/

BLOG HUỲNH NGỌC CHÊNH
CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 1 NĂM 2014

Sau này khi nói đến sự hèn hạ thấp kém, con cháu chúng ta chỉ cần đưa những tấm ảnh nầy ra là đủ. Một thời đại sẽ được đánh dấu trong lịch sử qua các tấm hình sau mà không cần phải viết gì nhiều. Đó là thời đại Hèn Nhục



Đưa công an hoặc côn đồ giả danh công nhân sửa chữa công trình trước tượng đài vua Lý Thái Tổ


Và thành quả lao động của các "công nhân" ấy



Những loa phường chỉa vào mặt một nhà báo nước ngoài


BLOG NGUYỄN VĂN TUẤN
Thursday, January 16, 2014

Nói về cung cách phục vụ của Hãng hàng không Việt Nam (VNA) thì có lẽ là câu chuyện không có hồi kết. Điều này cũng dễ hiểu vì một công ti tương đối lớn và phục vụ cho hàng vạn người, và mỗi người có một cá tính cũng như kì vọng rất khác nhau, thì chẳng khác gì "làm dâu trăm họ". Nhưng về mặt văn hoá phục vụ và cách ăn nói của nhiều nhân viên thuộc VNA quả thật có vấn đề. Rất hiếm khi nào tôi thấy người của VNA có phong cách lịch lãm, hiểu biết, và cảm thông; họ hành xử như là những cỗ máy hành chính và lạnh lùng một cách đáng sợ.  Do đó, những "ta thán" về VNA không phải là ngẫu nhiên, mà là những tín hiệu về phong cách phục vụ và làm việc của VNA hình như có vấn đề.


Tiêu biểu cho vấn đề phục vụ là … cách nói. Hôm làm thủ tục check-in ở phi trường Cam Ranh, tôi chứng kiến một câu chuyện làm tôi có cảm hứng ghi chép đôi ba dòng. Người khách hàng của VNA bằng một giọng lịch sự và có chút ngần ngại nói với người trưởng nhóm tiếp viên rằng hôm nay là ngày sinh nhật của anh ấy, và hỏi VNA có dịch vụ gì đặc biệt cho anh không. Cô trưởng nhóm tuổi bậc trung, mặc bộ đồ veston (kiểu business suit) màu đen, khoanh tay trước ngực nói như thách thức: "Không, VNA không có dịch vụ nào cho ngày sinh nhật cả". Rồi hình như chưa hài lòng với câu trả lời, cô trưởng nhóm mỉa mai nói tiếp: "Tôi ngạc nhiên là anh hỏi câu đó." Anh hành khách lủi thủi rời khỏi quầy làm thủ tục làm tôi áy náy trong lòng dù sự việc chẳng dính dáng gì đến tôi.

Tôi bèn nhân cơ hội nói với người tiếp viên rằng tôi từng có một kinh nghiệm với Singapore Airlines (SA) về ngày sinh nhật. Hôm đó tôi đi Trung Đông trong một chuyến bay SA. Tôi ngỡ ngàng một cách lí thú khi máy bay vừa cất cánh khoảng 10 phút thì trên loa có lời chúc mừng sinh nhật tôi. Tôi nhớ y chang lời chúc: "Today is the birthday of our passenger, Dr Nguyen, and we wish you a happy birthday". Họ tặng tôi một ly rượu champagne và một cái bánh nhỏ. Thật là phục vụ đến mức độ cá nhân hoá. VNA thì không có dịch vụ này, và có lẽ chúng ta cũng không quá ngạc nhiên. Nhưng ngạc nhiên là ở cách ứng xử của VNA.

Tôi nghĩ cô tiếp viên có thể nói tốt hơn với anh hành khách. Tôi thử tưởng tượng nếu tôi là cô ấy, tôi sẽ nói: "Oh, chúc mừng sinh nhật anh. Hãng của chúng em chưa có dịch vụ chúc mừng sinh nhật cho hành khách, nhưng em thấy việc làm đó rất hay. Em sẽ trình báo lên sếp để hi vọng trong tương lai có một dịch vụ như thế. Mong anh thông cảm." Tôi nghĩ lời nói không mất tiền mua, và một câu nói đại khái như thế sẽ làm cho người khách hài lòng. Đằng này, với cách nói sẵn giọng của cô tiếp viên làm cho mọi người đang xếp hàng thấy có gì không ổn, nếu không muốn nói là mất lịch sự.

Chợt nhớ đến Trịnh Công Sơn khi ông nói về "tấm lòng" với ca sĩ Khánh Ly. Trong một chương trình nhạc "50 năm đời vẫn hát", Khánh Ly hỏi Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rằng ở đời ông quí cái gì nhất, và ông trả lời [đại khái] rằng sống ở đời cần phải tử tế với nhau và phải có một tấm lòng; tấm lòng dù chẳng để làm gì cả, thậm chí để gió cuốn đi. Sống tử tế với nhau qua hành xử và lời nói. Tôi sợ là cách nói của cô tiếp viên trên là cách nói thiếu tử tế.

Tôi thấy các phi công và tiếp viên của VNA cũng rất tiết kiệm lời. Bay với VNA là chấp nhận mù thông tin. Có chuyến bay dài suốt 9-10 giờ đồng hồ, hành khách chẳng nghe lời nói nào từ phi công trưởng (ngoại trừ những câu họ nói với phi hành đoàn lúc cất cánh và sắp đáp). Gần đây thì phi công trưởng của VNA bắt đầu … biết nói. Họ cung cấp vài thông tin kĩ thuật, như tốc độ bay, chiều cao trên mặt biển, nhiệt độ nơi sắp đến, v.v. Nói chung là những thông tin nhàm chán, chứ chẳng có thông tin nào mang tính thân thiện và cá nhân hoá. Ngược lại, trong các chuyến bay với các hãng hàng không nước ngoài, các phi công trưởng nói với hành khách như là nói với người nhà. Có khi anh ta đọc một bản tin nào đó về bóng đá, anh ta cũng chia sẻ với hành khách làm nhiều người cười vui vẻ, bớt căng thẳng và buồn chán trong chuyến bay. Tôi đoán có lẽ một phần do tiếng Anh của các phi công VN còn hạn chế, nên họ thiếu tự tin và khó có thể nói tự nhiên như phi công của các hãng danh tiếng ở nước ngoài. Còn tiếp viên trưởng của VNA có nói, nhưng thật ra là họ đọc từ những văn bản đã được soạn sẵn. Nhưng vì tiếng Anh còn hạn chế nên nhiều khi họ đọc mà khách cũng cảm thấy khó hiểu.

Do đó, tôi nghĩ có lẽ một trong những ưu tiên của VNA là huấn luyện cho nhân viên của họ về cách nói. Họ cần học để biết nói có văn hoá với khách hàng, với hành khách. Nếu muốn cạnh tranh với các hãng nước ngoài, người của VNA cần phải học phong cách lịch sự trong những tiếp xúc với hành khách.  Họ còn cần phải có một tấm lòng biết cảm thông cho những khó khăn của hành khách, chứ không phải là những cỗ máy "hành là chính". Khẩu hiệu của VNA là đem văn hoá Việt Nam đến thế giới, nhưng tôi sợ văn hoá phục vụ của VNA là một nỗi xấu hổ cho Việt Nam.

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

RFI. Saigon phải tưởng niệm Hoàng Sa trong lặng lẽ : Chính quyền lúng túng trước Trung Quốc ?

Nguồn RFI

 Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 19 Tháng Giêng 2014


Buổi lễ đơn sơ tưởng niệm các tử sĩ Hoàng Sa - Trường Sa tại Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình, Saigon ngày 18/01/2014.
Buổi lễ đơn sơ tưởng niệm các tử sĩ Hoàng Sa - Trường Sa tại Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình, Saigon ngày 18/01/2014.
diendanxahoidansu

Tại Saigon, không có hoạt động nào hôm nay 19/01/2013 để kỷ niệm 40 năm trận hải chiến bi tráng, sau buổi lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa, tổ chức tại Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình ở số 43 Nguyễn Thông chiều qua.

Tham dự buổi lễ có khoảng 100 người trong đó có giáo sư Tương Lai, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng, tiến sĩ Phạm Chí Dũng…Đặc biệt còn có sự hiện diện của hai bà quả phụ Huỳnh Thị Sinh và Ngô Thị Kim Thanh, vợ góa của các sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa trong trận hải chiến Hoàng Sa là Ngụy Văn Thà và Nguyễn Thành Trí.

Theo những hình ảnh trên mạng, gian phòng diễn ra buổi lễ không có một băng-rôn nào về Hoàng Sa – Trường Sa, mà chỉ có những dòng chữ viết mờ nhạt, rất khó đọc trên tường « Tưởng niệm, tri ân & cầu nguyện cho các đồng bào & chiến sĩ đã bảo vệ biển đảo », và chữ « Hoàng Sa – Trường Sa » ở phía dưới gần như không đọc nổi.

Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng, giảng dạy tại trường đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhận định chung:

PGSTS Hoàng Dũng - TP Hồ Chí Minh
 
19/01/2014
by Thụy My
 
 

PGSTS Hoàng Dũng : Ở Việt Nam, thì đúng như là câu thơ của Cao Bá Quát trong bài « Bãi cát dài » :

Bãi cát dài, bãi cát dài
Tiến một bước lại lùi hai bước

Vừa rồi chung quanh những chuyện về Hoàng Sa – Trường Sa thì đúng là như thế. Sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến gặp Hội Sử học, cho biết là có thể tổ chức công khai tưởng niệm các liệt sĩ ở Hoàng Sa, kỷ niệm 40 năm Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, thì người ta tưởng rằng lãnh đạo Việt Nam đã thay đổi. Nhưng mà những gì xảy ra trên thực tế mấy ngày qua đã cho thấy rằng sự tin tưởng như thế là vội vàng.

Ở Đà Nẵng, người ta biết rằng ông Ngữ là Chủ tịch huyện Hoàng Sa, cuối cùng phải viết một cái thư cáo lỗi. Lý do nêu lên là chuẩn bị không được chu đáo. Cộng đồng mạng truyền đi hình ảnh sân khấu Hoàng Sa được xây dựng rất đẹp, có thể nói là hoành tráng. Không hiểu là « không được chu đáo » nghĩa là gì ?

Nhưng mà ở Việt Nam dần dần người ta phải tập thói quen là nghe như thế, nhưng mà phải nghĩ ra điều khác. Sáng hôm nay ở Hà Nội người dân đi biểu tình cũng để kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa bị xâm chiếm. Tuy không phải là bị đàn áp một cách bạo liệt như đã từng xảy ra, nhưng không phải là những người biểu tình tự do muốn làm gì thì làm. Nhân viên an ninh cũng xô đẩy, ngăn trở, và trưa nay tôi được giáo sư Nguyễn Huệ Chi là người tham gia trực tiếp vào cuộc biểu tình cho biết rằng đã có lúc đoàn biểu tình phải thét lên : « Đả đảo bọn bán nước ! ».

Như thế chúng ta thấy rằng thay vì tổ chức cho tử tế, mình lại ngăn trở như vậy thì không thể nào mà không khiến cho đồng bào nghĩ không được đẹp về chính quyền. Tôi thấy về mặt ứng xử, điều đó không tốt tí nào.

RFI Nhưng dù sao cũng còn hơn là ở Saigon, vì không thấy có hoạt động nào, trừ buổi lễ tưởng niệm hôm qua mà những dòng chữ viết trên tường cũng rất mờ nhạt ?

Tôi là người có tham dự buổi đấy, phải nói là rất bất ngờ khi chỉ có một tấm bảng, trên đó viết bằng bút mấy dòng chữ để tưởng niệm, tri ân các liệt sĩ ở Hoàng Sa, rất là nhạt. Chính tôi chụp ảnh mà cũng không thấy rõ được.

Tại sao như vậy ? Thì tôi có đi hỏi một người có trách nhiệm. Họ cho tôi biết, tất nhiên là với tất cả sự dè dặt, rằng rất có thể là do an ninh – do những người phụ trách về chính trị, an ninh gây áp lực cho Dòng Đa Minh, là đơn vị tổ chức, chủ sở hữu địa điểm 43 Nguyễn Thông. Đến mức những người tổ chức không biết là có thể được tổ chức hay không.

Cuối cùng khi đã được tổ chức, họ có ra một điều kiện là không được có băng-rôn, biểu ngữ gì cả, đẩy phía tổ chức vào thế bị động. Vì trước đây theo tôi biết là họ đã có chuẩn bị băng-rôn rồi, chứ không phải đến nỗi là không có gì cả. Nhưng đến khi bị ra lệnh như thế, mà bên này thì muốn tổ chức, nên không kịp chuẩn bị một cái gì đó đẹp hơn, để ít ra người ta cũng thấy là chu đáo, thì không làm kịp.

Cũng theo tôi biết, người ta đòi phải bảo đảm không được biểu tình. Tôi nhớ là anh bạn kể cho tôi chuyện này đã nói rằng ở trong khuôn viên của 43 Nguyễn Thông thì chúng tôi bảo đảm, nhưng mà ra ngoài thì đó là chuyện của các anh, tôi không biết được.

Có thể nói với chị sơ qua cái không khí như thế. Tôi xin nói lại, nếu cho đó là thông tin chính thức thì không phải, vì chả ai nhân danh người tổ chức để trả lời chính thức như vậy. Nhưng đó là những tin do bạn bè cho biết, và ở Việt Nam thì những cái tin như thế này không xa sự thật bao nhiêu đâu.

RFI : Cám ơn ông đã cho biết những chi tiết trên. Nhưng ông nghĩ gì, khi sau đúng bốn mươi năm, những người đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa lại một lần nữa bị lãng quên ?

Tôi thấy khó nói rằng một lần nữa bị lãng quên, mà trong lòng của từng người dân – những người nào biết nghĩ về đất nước thì họ không thể quên được. Và ngay cả báo chí « lề phải », tuy dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Ban tuyên giáo, của cấp trên, nhưng vừa rồi họ cũng có làm được nhiều chuyện về Hoàng Sa.

Họ công khai nói về cái chết của những người đã ngã xuống ở Hoàng Sa năm 1974. Họ đi vào chi tiết nữa cơ, chứ không phải chỉ nhắc qua đâu. Tờ Tuổi Trẻ chạy một loạt đến năm bài liền, tờ Thanh Niên cũng như vậy. Sự lặng đi của báo chí « lề phải » chỉ mới xảy ra một, hai ngày nay thôi. Tức là sự thay đổi chính sách nó nhanh lắm, và cũng mới đây thôi.

Có thể nói rằng quên thì không phải quên, nhưng tất cả những chuyện khi cho phép, khi thì không cho phép – tôi xin mở ngoặc, ngay cả khi không cho phép cũng không có nghĩa là quên – phản ánh một chính sách ở trên họ lúng túng không biết đối xử với Trung Quốc ra làm sao. Hoặc thậm chí đối xử với nhau như thế nào. Họ chưa kịp nghĩ, hay là nghĩ rồi mà không có cách giải quyết !

Tôi nghĩ việc chỉ đạo báo chí khi thế này, khi thế kia phản ánh tình hình đó. Chứ không phải lúc họ chợt nhớ, lúc lại quên bẵng.

RFI : Ông có nghĩ là do bị áp lực từ phía "bên kia" ?

Bên kia là bên nào hả chị ?

RFI : Dạ, từ Trung Quốc chẳng hạn…

À, cái đó tôi không rõ. Mà người ta đoán là như thế. Nhưng thực ra chuyện chính trị ở Việt Nam là một thứ chính trị hũ nút, không ai cho ai biết đâu. Chúng ta có thể biết được rất nhiều tin ở nước ngoài, thậm chí tôi có thể biết kỹ lưỡng cái tin Tổng thống Pháp đi vào thăm cô vợ đang bị sốc nằm ở bệnh viện. Thế nhưng khó thể đọc cái tin như thế ở Việt Nam, về những ông lãnh đạo Việt Nam.

Người dân Việt Nam hoàn toàn có quyền tự do tìm hiểu tin tức của toàn thế giới, chứ còn ở Việt Nam thì không. Thành thử tôi không có đủ thông tin để nói như vậy.

Nhưng mà vấn đề ở chỗ này : Nếu người ta cứ làm như thế, thì tránh sao được người dân nghĩ rằng lãnh đạo Việt Nam đã bị phương Bắc làm áp lực rồi, và phải chịu thua cái áp lực đó.

RFI : Xin rất cảm ơn Phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh.