Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Vũ Đông Hà (Danlambao) : Phạm Thanh Nghiên - thân gầy đứng thẳng trong giông tố cuộc đời

Nguồn danlambao

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Hôm nay, 24 tháng 11, sinh nhật của Phạm Thanh Nghiên. Tôi viết những dòng này để tặng Nghiên ngày sinh nhật, để cám ơn Mẹ Lợi đã sinh ra Nghiên, đã cho chúng con một người bạn, người chị, người em mà phong cách sống của con gái Mẹ đã làm chúng con còn hãnh diện mình là người Việt Nam.

Lúc Nghiên còn ở trong tù, đêm giao thừa nhớ Nghiên tôi viết mấy vần thơ:

em về giữa bốn thước vuông
thằn lằn chắt lưỡi: ngồi đây làm gì?
trả lời: tọa kháng tại gia
người ta không chịu nên mời vào đây
con ruồi rớt giữa bàn tay
đậu lên nỗi nhớ chưa quen đêm ngày
ở ngoài ma quỷ vây quanh
trong này yên ắng chỉ ruồi với em
(chia tay ruồi ngủ giấc êm
thằn lằn tới xực
giao thừa
nhậu
ngon)

Nhớ Nghiên, tôi chỉ có thể tưởng tượng được nỗi cô đơn của Nghiên trong bốn bức tường câm một cách lãng mạn kiểu thơ phú cải lương. Khi Nghiên ra tù và nghe kể lại tôi mới cảm nhận rõ ràng cuộc sống tù đày của Nghiên đã khủng khiếp như thế nào.

Tuy nhiên, 4 năm lao tù chưa bao giờ làm Nghiên gục ngã. Nghiên âm thầm "trả giá" cho trách nhiệm, lương tâm, lòng yêu nước và một chiều dài cuộc sống của Nghiên với bản án mà chế độ áp đặt lên Nghiên.

Nhưng Nghiên vẫn luôn luôn đứng thẳng. Nghiên chưa bao giờ gục ngã trước mọi giông tố của cuộc đời, của chế độ lao tù, của những cai tù lẫn những người tù độc ác không thua gì cai tù. 

Cho đến sau ngày Mẹ mất. 

Sự ra đi của Mẹ, hành vi sách nhiễu vong linh của Mẹ và  an ninh, cán bộ đảng làm nhục gia đình trong đám tang của Mẹ đã làm cho Nghiên sau đó đã phải quỵ xuống, tưởng chừng không thể đứng lên nỗi.

Nhớ lúc ra tù Nghiên tuyên bố:

"Những gì tôi đã tranh đấu, đã làm trước kia tôi khẳng định là chính nghĩa, là đúng, xác định con đường của mình là chính đáng, là đúng thì mình vẫn tranh đấu, bởi vì tôi quan niệm rằng những người vì dân tộc mình là tranh đấu thì sẽ không bao giờ thất bại nếu mình không lùi bước. Vì những giá trị tự do, vì những giá trị công bằng thì mình không bao giờ thất bại cả..." 

Mỗi ban mai thức dậy, trong căn nhà của chính mình đã bị biến thành một nhà tù với an ninh, côn đồ vây bọc chung quanh, Nghiên đã sống như những gì đã tuyên bố. Người tù tại gia, thân gầy dáng nhỏ, tình trạng sức khỏe suy yếu, ngồi nhìn màn hình một lát là chóa mắt, xây xẩm, có lúc phải âm thầm bỏ trốn về Hà Nội để khám bệnh, đã có những đóng góp cho công cuộc chung nhiều hơn rất nhiều người.

Những đóng góp đó có được vì bên Nghiên luôn có một người "bạn" đồng hành. Đó là Mẹ. Vẫn còn đó hình ảnh của Mẹ và con khắp nơi trên mạng cùng ngồi trong sân nhà, bên cành mai ngày tết, cùng nhau làm một cuộc dã ngoại Nhân Quyền để đồng hành với các bạn khác tranh đấu công khai cho quyền con người. Vẫn còn đó hình ảnh Nghiên ngồi bên "vườn rau" nhỏ xíu của Mẹ. Nhưng bây giờ Mẹ đã không còn nữa và căn nhà vẫn còn đông người đã trở nên quạnh quẽ, trống tênh.

Nỗi quạnh quẽ ấy, sự ra đi của Mẹ đã có sức công phá gấp trăm lần những khổ ải của nhà tù. Nhiều người không biết đằng sau con người can đảm, đứng thẳng trước mọi khủng bố của cường quyền ấy là một cô gái nhiều nước mắt và mang nhiều u uẩn. 


Nhưng rồi Nghiên cũng đã gượng đứng dậy để cùng đứng, cùng đi với những người em, người bạn của Nghiên. Từ nơi bị quản chế, Nghiên đã tiên phong khởi xướng chiến dịch Chúng Tôi Muốn Biết. Khi chung quanh là an ninh bủa vây, khi đầu óc vẫn bị choáng váng nếu ngồi lâu trước màn hình, Nghiên vẫn kiên trì nối kết, vận động nhiều người - từ những bạn trẻ vô danh cho đến những người nổi tiếng như nghệ sĩ Kim Chi để họ tham gia thể hiện quyền được biết và đòi hỏi Quốc hội bạch hóa Mật nghị Thành Đô.

Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, cho dù phải đối diện với nghịch cảnh, phải mang nhiều đau đớn từ thể xác đến tinh thần, vẫn có một người luôn đứng dậy và tiếp tục đi. Đó là Phạm Thanh Nghiên.

Hôm nay, 24 tháng 11, sinh nhật của Phạm Thanh Nghiên. Tôi viết những dòng này để tặng Nghiên ngày sinh nhật, để cám ơn Mẹ Lợi đã sinh ra Nghiên, đã cho chúng con một người bạn, người chị, người em mà phong cách sống của con gái Mẹ đã làm chúng con còn hãnh diện mình là người Việt Nam.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Danlambao) - Cám ơn các bạn – những người bạn mới của tôi

Nguồn danlamabao

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Danlambao) - Nhiều người ngạc nhiên khi thấy tôi sáng ở Hà Nội, tối ở Sài Gòn và hôm sau đã ở Nha Trang trong lần gần đây ở các buổi tiếp xúc gặp gỡ đại sứ các nước sau khi bị ngăn chặn quá gắt gao. Nhiều anh chị và bạn bè quan tâm lo lắng cho tôi luôn hỏi "Em ổn không?" sau đợt tôi phải liên tục "đi làm việc vì các bài viết trên Facebook". Không khí này đã khác hẳn năm 2009, khoảng thời gian mà tôi cứ đi lên và đi về một mình cũng vì những bài viết trên blog Multiply cá nhân.

Tôi cám ơn mọi người, thật lòng trong quá khứ tôi đã nghĩ bản thân tôi sẽ chọn làm điều đúng đắn cho dù chỉ có một mình, và đến bây giờ thì tôi thấy mình đã sai khi nghĩ rằng mình cô đơn. 

Mọi người đã không để tôi cô đơn, bằng cách này hay cách khác, những khích lệ tinh thần, sự quan tâm động viên của các anh chị và các bạn đã khiến tôi thấy rằng, tôi đã và đang làm điều đúng.
Và tôi không hề cô đơn.

Và như tôi đã trình bày, quan điểm của tôi là công khai làm những chuyện đúng đắn nên tôi sẽ không chọn cách giấu diếm, lắt léo để đối phó với công an - những người thường dị ứng với sự công khai.

Em cám ơn các bà chị của em lâu lâu nhắn tin gọi điện chỉ để nói: "Không cần cho tao biết mày ở đâu. Chỉ cần nói em ổn, em không đói, không bị bệnh".

Em cám ơn các ông anh của em, không nói nhiều, chỉ cần im lặng đưa em đến chỗ em muốn, chuẩn bị cho em một chỗ ngủ ấm áp ngon lành.

Cám ơn mấy đứa em của mình, không cần nói nhiều chỉ ngắn gọn: "Cần gì cứ gọi em".

Tôi cám ơn những người bạn mới – đã ủng hộ quan điểm công khai của tôi một cách không ngại ngần. 

Bên cạnh đó tôi cũng xin lỗi vì những bất tiện do mối quan hệ với tôi mang đến cho mọi người.

Trong lần gặp ông Sigmar Gabriel - Phó thủ tướng nước Đức mới đây ông ấy có hỏi: "Liệu các anh chị thấy các thành phần xã hội khác, đặc biệt những người làm kinh tế, có ủng hộ các anh chị không?", và tôi đã không ngại ngần khi trả lời "Tôi hạnh phúc vì có nhiều người ở nhiều giới khác nhau ủng hộ tôi"

Sự thật là như vậy.
Mỗi người chọn một cách ủng hộ phù hợp với khả năng và vị trí của mình, quan trọng hơn hết là mọi người nhận thức rằng họ đang ủng hộ một điều đúng đắn.

"Phải chăng người Việt Nam không quan tâm đến nhân quyền, dân chủ khi có điều kiện tiếp cận Internet như hiện nay?" – Một câu hỏi thú vị được các nhà ngoại giao Đức đặt ra. 

Và tôi cũng đã thẳng thắn với họ: "Mọi người biết hết, nhưng nỗi sợ hãi đã níu giữ họ lại. Người già có những mối lo lắng của người già, người trẻ lại sợ theo kiểu khác. Tôi không nghĩ rằng những người xung quanh tôi không có đủ kiến thức mà là vì sợ họ đã từ chối đón nhận và tiếp cận thông tin cũng như tìm hiểu về quyền của mình. Nỗi sợ hãi ấy đến từ sự trấn áp của công an. Và với kinh nghiệm cá nhân, tôi chọn cách bắt đầu từ những việc làm bình thường để xoá tan nỗi sợ. Đương nhiên khi anh chọn vị trí đi đầu, anh đã đặt mình vào thế đối đầu rủi ro, và cách chứng minh cho xã hội thấy việc đòi hỏi thay đổi ôn hoà và bị đàn áp là một trong những chứng minh cho thấy Việt Nam có tự do hay không".

Bạn bè thân mến,

Một lần nữa tôi cám ơn mọi người đã luôn quan tâm và khích lệ tinh thần tôi bằng cách này hay cách khác.

Nói như một anh bạn tôi đã nói: "Con đường thay đổi còn gian nan, nhưng thôi mình cứ nói, cứ thể hiện thái độ bất tuân một cách công khai mạch lạc trước đi đã. Dù chưa biết đi đến đâu, nhưng để bản thân bớt hèn trước rồi mới mong thấy thay đổi thực sự được."

Tôi cám ơn bạn tôi, đã chia sẻ suy nghĩ này như một cách ủng hộ tôi, và cũng nói lại để nhiều người khác biết:

Mục tiêu của những lần trấn áp, sách nhiễu, mời làm việc là chỉ để bạn sợ hãi mà chối bỏ chính kiến hoặc im lặng trước bất công. Nếu bạn không sợ nữa, người thất bại là họ - những người đang giăng bẫy với bạn. 

Họ doạ bạn để bạn sợ. Khi bạn vượt qua được nỗi sợ, thì vị trí sẽ dần cân bằng. Và ngược lại, họ sẽ là người cảm thấy sợ hãi khi đám đông can đảm thể hiện sự bất tuân và thái độ rõ ràng trước những sai phạm.

Chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu việc chế ngự, kiểm soát nỗi sợ hãi của mình từ những việc đơn giản nhất. 

Tôi tin là như vậy.

Một lần nữa chân thành cám ơn sự trân quý của mọi người.

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Xuân Dương : “Ghế cao” cộng “văn hóa lùn” = ? (bài trên GDVN bị phạt 50 triệu và phải gỡ bỏ)

Post lại từ  boxitvn

18/10/2014

(GDVN) - Cổ nhân có câu "ba anh thợ da hợp lại bằng một ông Gia cát", mới điểm qua sơ sơ đã có hơn ba ông "thợ da đầu tỉnh" vậy thì đất nước sẽ có bao nhiêu "Ra cát"?

Vụ Chủ tịch tỉnh Nghệ An huy động toàn bộ hệ thống chính trị trong tỉnh vận động người dân tiêu thụ bia do các nhà máy trong tỉnh sản xuất và vụ chín vị lãnh đạo tỉnh này động thổ xây ngôi nhà ba gian cấp 4 có thể chưa làm dư luận đủ sốc. Ngày 14/5/2014 thêm một vị Phó Chủ tịch thường trực tỉnh (Quảng nam) ký văn bản không đúng và "Bộ Tư pháp đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam tiến hành tự kiểm tra, hủy bỏ nội dung chưa phù hợp tại Công văn số 1747/UBND-KTN; thông báo kết quả xử lý sau 30 ngày". [1] Có điều dù sốc thì người ta vẫn có thể "tạm tha" vì người dân chưa thực sự biết hết năng lực lãnh đạo của các bác ấy.

Chuyện ông Lê Thanh Cung, Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (BD), Bí thư Ban cán sự Đảng trả lời phỏng vấn mà VTC News đăng tải ngày 29/10/2013 [2] thì mới thực sự khiến dư luận phải đặt câu hỏi về trình độ cấp Chủ tịch tỉnh của nước nhà.

Không biết có phải vì không được "đào tạo bài bản" hay vì nguyên nhân nào khác mà vị Chủ tịch tỉnh này ngang nhiên khẳng định với báo chí rằng  "tôi là người điều hành Nhà nước"?

clip_image001

Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ông Cung trình độ văn hóa 12/12, không thấy nói ông có bằng lý luận chính trị cao cấp như thông lệ?

Những người học đại học đều được học khá kỹ một số môn thuộc lĩnh vực chính trị và đều hiểu bộ máy Nhà nước được cấu thành bởi ba hệ thống:

1. Hệ thống các cơ quan lập pháp (các cơ quan quyền lực Nhà nước) bao gồm Quốc hội (hoặc Nghị viện) và các hội đồng địa phương.

2. Hệ thống các cơ quan hành pháp (các cơ quan hành chính Nhà nước) bao gồm Chính phủ (hay Nội các), các Bộ và cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ, các chính quyền địa phương.

3. Hệ thống các cơ quan tư pháp bao gồm các cơ quan xét xử (tòa án) và cơ quan kiểm sát (viện Kiểm sát).

Chủ tịch một tỉnh nghĩa là đứng đầu chính quyền địa phương cấp tỉnh, cũng nghĩa là thuộc hệ thống hành pháp. Khi ông Cung tự cho mình quyền "điều hành Nhà nước", nghĩa là ông nắm tất cả lập pháp, hành pháp và tư pháp không phải chỉ ở Bình Dương mà là toàn bộ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thế thì chắc ông phải là "con giời" chứ không phải là con người.

Nói ông điều hành "toàn bộ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" không phải là vu vạ (như ông Cung nói về ông Dũng "lò vôi") mà là dựa trên các "đặc trưng cơ bản của Nhà nước".

Khái niệm Nhà nước theo thông lệ quốc tế bao gồm bốn đặc trưng cơ bản: nhân dân (people), lãnh thổ (territory), chủ quyền (sovereignty) và chính phủ (government).

Nhà nước là chủ thể gắn luôn gắn với chủ quyền và quyền lực, quyền lực của Nhà nước là tuyệt đối và không có giới hạn về thời gian, chỉ  Nhà nước mới có quyền ban hành luật. Trong khi đó Chính phủ không có chủ quyền: quyền lực của Chính phủ là do Hiến pháp quy định, giới hạn trong từng nhiệm kỳ.

Vậy khi ông Cung tuyên bố ông "là người điều hành Nhà nước" thì có nghĩa là ông điều hành cả nhân dân, lãnh thổ, chủ quyền và Chính phủ, vậy chắc ông phải cao hơn cả Quốc hội lẫn Thủ tướng, vậy thì nhân dân phải gọi ông là "Bệ hạ" mới phải phép?

May mắn là ông mới học lớp 12, nếu ông mua thêm được cái bằng tiến sĩ thì có lẽ ông phải sẽ đòi điều hành cả thiên đình!

Phóng viên VTC hỏi ông Cung: "Thưa ông, việc ông Huỳnh Uy Dũng tố cáo ông lên Thủ tướng Chính phủ đang gây xôn xao dư luận. Ông có thể cho biết quan điểm của mình về vụ việc này", câu trả lời là: "Cái việc Dũng tố cáo tôi là chuyện của riêng doanh nghiệp".

Một Chủ tịch tỉnh trả lời báo chí mà gọi người khác chỉ có tên "Cái việc Dũng tố cáo…" cho thấy nếu không phải là trả lời VTC, nếu ông đi trên đường Bình Dương thì tất cả người dân đều sẽ là "con", là "thằng", ông là "con giời" thì còn sợ ai nữa, chỉ có điều những người không học hành như ông thì lại rất muốn bỏ chữ "ơ" trong từ "giời" mà thay bằng chữ "o".

Đến những câu trả lời sau thì mới thấy được "văn hóa Chủ tịch tỉnh BD" là như thế nào:

VTC News: Nhưng ông Dũng trước đây từng là Đại biểu Quốc hội?

Ông Cung: Đại biểu Quốc hội nhưng bị người ta gạt ra mất rồi, chỉ có hơn 1 nhiệm kỳ là người ta cho ra rồi, không còn nữa. Người ta thấy không đủ tiêu chuẩn nên không đưa ra ứng cử nữa thôi.

VTC News: Ông Dũng cũng có công trạng, đầu tư nhiều cho tỉnh Bình Dương?

Ông Cung: Ông Dũng sống được cũng nhờ "xương", "máu" của tỉnh Bình Dương chứ. Nhờ Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương, ông Dũng mới có tài sản như hiện nay chứ ông Dũng tài ba gì, cũng từ đất đai Bình Dương thôi.

Xin gác lại không nói thêm về "văn hóa" của người trả lời VTC News, bởi nói thêm lại sợ phải dùng các từ thiếu văn hóa. Ở đây chỉ muốn nói đến khía cạnh "chính trị". Ông Cung nói: "Người ta thấy không đủ tiêu chuẩn nên không đưa ra ứng cử nữa thôi".

Tại sao "Người ta" lại có quyền không cho người khác ứng cử đại biểu quốc hội"? "Người ta" ở đây là ai? Chắc chắn không phải là nhân dân, chắc chắn là phải có thực quyền mới làm được cái việc vượt qua cả Hiến pháp.

Xin nhắc lại điều 27 Hiến pháp 2013 quy định: "Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định".

Toàn bộ 5 khoản trong điều 3 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội nói về "Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội"  không hề có quy định nào nói rằng một công dân (không bị tước quyền công dân) lại không được phép ứng cử đại biểu quốc hội chỉ vì "Người ta không đưa ra ứng cử".

Bằng câu nói của mình, ông Cung đã  bôi nhọ nghiêm trọng luật pháp và chủ trương của Đảng về sự tự do, bình đẳng của công dân trong xã hội dân sự.

Vấn đề không phải chỉ dừng ở chuyện giữa ông Cung và ông Dũng, vấn đề còn liên quan đến chủ trương của tỉnh Bình Dương về công ty Becamex Bình Dương mà ông Cung hết lòng bảo vệ.

Ngày 1/7/2011 Tuanvietnam.net có bài: "Phố người Hoa ở Việt Nam, chính sách hay tầm nhìn?", tòa soạn đã đưa vào bài báo một bức ảnh minh họa về "khu phố xây dựng riêng cho người Hoa" mà lãnh đạo Bình Dương cho phép Becamex thực hiện. [3]

clip_image002

Đông Đô Đại Phố là khu phố được xây dựng dành riêng cho người Hoa

Khi Tuầnviệtnam/Vietnamnets đưa tin về sự kiện này, lập tức bị Becamex Bình Dương phản pháo: "Công ty Becamex IJC  "phản đối việc suy diễn những thông tin về định hướng phát triển dự án theo các hướng khác ngoài hướng thương mại và dịch vụ vừa kể trên".

Cực chẳng đã Tuầnviệtnam buộc phải truy cập vào trang web của chủ đầu tư và nhận được thông tin: "...Đông Đô Đại Phố là dự án khu đô thị thương mại đầu tiên dành cho người Hoa tại thành phố mới Bình Dương, được xây dựng trên tổng diện tích rộng 26ha, với tổng vốn đầu tư hơn 6,5 nghìn tỉ đồng chia thành nhiều phân khu chức năng như nhà phố, văn phòng, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại". [4]

Chủ tịch tỉnh như thế hèn gì một công ty nhà nước trong tỉnh lại dám khinh nhờn công luận, kể cả khi Vietnamnet là tờ báo thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông!

Cũng trên VCT News ngày 07/07/2010 còn có bài "Chủ tịch tỉnh Hà Giang thừa nhận 4 ảnh khỏa thân". Những ảnh này là do một phụ nữ qua đêm với ông Nguyễn Trường Tô tại một khách sạn ở Hà Nội chụp bằng điện thoại di động.

Ủy ban Kiểm tra TƯ đã "đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật ông Tô bằng hình thức cách hết các chức vụ trong Đảng, đề nghị cấp có thẩm quyền bãi nhiệm đại biểu HĐND và cách chức chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Bí thư Tỉnh ủy và giám đốc Công an tỉnh phải kiểm điểm trước Tỉnh ủy về việc này một cách nghiêm khắc". [5]

Cổ nhân có câu "ba anh thợ da hợp lại bằng một ông Gia cát", mới điểm qua sơ sơ đã có hơn ba ông "thợ da đầu tỉnh" kiểu như ông Tô, ông Cung, vậy thì đất nước sẽ có bao nhiêu "Ra cát"? Phải chăng vì thế mà Tuoitre.vn cho rằng "Ba Gia cát lượng ngồi với nhau thành một thợ giầy"?

Một đất nước với những "thợ giầy chủ tịch" như vậy người dân không khổ, không oan mới là chuyện lạ. Những câu nói của ông Cung xứng đáng được đưa vào sách kỷ lục guinness bởi sau ông Cung, khi mà người ta đã "nghiêm túc rút kinh nghiệm" thì khó mà tìm được người thứ hai. Đến đây thì chắc bạn đọc sẽ tìm được từ thật chuẩn để thay cho dấu "?" trong tít bài, người viết tin là như vậy./.

X.D

Nguồn:http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Ghe-cao-cong-van-hoa-lun-post151126.gd

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Bo-Tu-phap-tuyt-coi-van-ban-cua-Chu-tich-tinh-Nghe-An-post151080.gd

[2]http://vtc.vn/chu-tich-tinh-binh-duong-bi-to-cao-ong-dung-bia-dat-lua-dao.2.458141.htm

[3] http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-06-29-pho-nguoi-hoa-o-viet-nam-chinh-sach-hay-tam-nhin-

[4] http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-06-30-pho-nguoi-hoa-va-ly-luan-cua-chu-dau-tu

[5] http://vtc.vn/chu-tich-tinh-ha-giang-thua-nhan-4-anh-khoa-than.2.253297.htm

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Lê Công Định : Thầy Võ Phúc Tùng mãi là bậc thầy tôi tôn kính nhất.

Nguồn facebook Lê Công Định

Tôi nghĩ ai trong đời cũng đều có một người thầy mình quý trọng nhất. Trong học trình từ lúc niên thiếu đến tận bây giờ, tôi may mắn gặp nhiều người thầy xuất sắc, song dấu ấn lớn để lại trên sự nghiệp của tôi có lẽ là từ Tiến sĩ Võ Phúc Tùng. Tôi gặp thầy khi đã tốt nghiệp cử nhân luật ở trường Đại học Pháp lý Hà Nội, nhưng kiến thức lãnh hội nơi đó luôn làm tôi ngờ vực, bởi các thầy cô đứng lớp hầu hết chỉ vừa tốt nghiệp cử nhân, mà kiến thức của họ chỉ loay hoay như gà mắc tóc trong những quan niệm luật pháp học từ các trường luật Liên Sô và các nước XHCN Đông Âu mà thôi.

Thực tế đã minh chứng các quan niệm luật pháp được xây dựng trên chủ thuyết Marx-Lenin chỉ còn tìm thấy ngày nay ở sọt rác lịch sử, bởi chúng không chỉ lầm lạc mà còn sáo rỗng. Đáng thương cho những trường luật nào trên trái đất này vẫn còn ngày đêm gõ mõ tụng mớ kinh mụ mị đó. Bởi thế, mỗi khi nghe nói ai là "tiến sĩ luật XHCN", tôi đều tránh bàn về học thuật với họ, vì không muốn báng bổ công trình học hành của mình.

Thầy Võ Phúc Tùng hoàn thành chương trình cử nhân, cao học và tiến sĩ môn tư pháp tại Đại học Luật khoa Sài Gòn. Thầy là người cuối cùng được trao văn bằng Tiến sĩ tại Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 22/4/1975, khi ngoài cửa ngỏ Sài Gòn quân đội đang chuẩn bị trận đánh tử thủ. Do chương trình nghiên cứu bậc tiến sĩ của thầy vừa công phu vừa kéo dài, nên thầy đã được bổ nhiệm làm giảng sư trong nhiều năm trước đó tại các Đại học Luật khoa Sài Gòn, Đại học Luật khoa Cần Thơ và Học viện Quốc gia Hành chánh.

Đề tài luận án tiến sĩ luật của Tiến sĩ Võ Phúc Tùng là "Les droits de la personne humaine sur son corps" (Quyền của con người trên thân thể của mình), được viết và đệ trình bằng tiếng Pháp trước một hội đồng giám khảo gồm các vị giáo sư luật trứ danh của Việt Nam Cộng Hòa. Đó là một đề tài rất khó trong lĩnh vực tư pháp (droit privé). Điều làm tôi kinh ngạc là mãi đến tháng 11/1993 tại Pháp mới có một luận án tiến sĩ luật khác được viết hoàn tất và đệ trình bởi một học giả Pháp là bà Irma Arnoux, với tựa đề hoàn toàn tương tự bản luận án của Tiến sĩ Võ Phúc Tùng, là "Les droits de l'être humain sur son corps" (trong tiếng Pháp, "la personne humaine" và "l'être humain" đồng nghĩa với nhau).

Cả hai học giả đều xác định, phân tích và giải quyết thành công những vấn đề pháp lý tương tự nhau, nhưng thầy tôi đi trước bà Arnoux hơn 18 năm. Nói như vậy để thấy rằng, nền luật pháp và hệ thống học thuật làm nền tảng cho nó tại miền Nam Việt Nam trước 1975 đã rất phát triển và hoàn toàn có thể sánh vai với bất kỳ hệ thống luật pháp Tây phương hiện đại nào đương thời. Tiếc thay, sau gần 40 năm kể từ ngày đó, ở Việt Nam bây giờ người ta vẫn cứ loay hoay với bao chương trình "cải cách tư pháp", mà vẫn chưa thấy cách nào để cải!

Sau năm 1975, trường luật Sài Gòn bị giải tán, thầy tôi trở thành giảng viên môn Pháp văn kinh tế tại Đại học Kinh tế TPHCM cho đến năm 1984. Do chán ngán với lối giảng dạy tại đại học Việt Nam bấy giờ, thầy tôi bỏ dạy ra ngoài sửa đồng hồ kiếm sống và nuôi đàn con thơ sau này đều thành đạt. Nhắc lại chuyện bi hài ấy, thầy thường nói với tôi: "Học đến bậc tiến sĩ ngày xưa khó khăn như vậy mà tôi còn thành công, huống chi làm những việc tay chân lặt vặt để sống qua ngày!" Câu nói đó là bài học tôi mang theo đến tận hôm nay.

Vài năm sau, thầy chuyển sang dạy kèm Pháp văn tại tư gia. Nhờ vậy, năm 1991 tôi có cơ duyên gặp và theo học thầy môn Pháp văn. Dù tôi đã học tiếng Pháp từ nhỏ và có chút căn bản vững vàng, thầy Tùng vẫn yêu cầu tôi học lại từ đầu với quyển sách "Cours de langue et de civilisation francaises" của tác giả Mauger. Từ quyển sách căn bản đó, thầy chuyển dần sang những sách văn chương Pháp thế kỷ 18 và 19. Chính thầy đã mở ra cho tôi bầu trời văn chương Pháp tuyệt đẹp mà tôi vẫn còn giữ thói quen đọc đến ngày nay.

Cũng từ năm 1991 tôi theo học văn bằng cử nhân thứ hai tại Khoa Luật của Đại học Tổng hợp, nơi Tiến Sĩ Võ Phúc Tùng được mời giảng các môn luật căn bản và nâng cao. Năm 1994, thầy bắt đầu dạy riêng cho tôi tại nhà các môn luật học vốn được giảng tại ban cử nhân của các trường luật Pháp. Thầy trò dạy và học với nhau bằng tiếng Pháp. Chính quãng thời gian này đã ghi đậm dấu ấn của thầy trên con đường học thuật của tôi. Nhờ đó mà khi sang Pháp học chương trình cao học luật tại Đại học Panthéon-Assas (Paris 2) vào năm 1998 tôi đã không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Ngày đến chào từ biệt thầy Võ Phúc Tùng để đi Pháp học, thầy dặn tôi nhớ ghi danh các khóa giảng về triết học ở Paris, vì triết lý là nền tảng của luật pháp. Thầy bảo, "nếu chỉ làm luật sư kiếm tiền, anh không cần học triết, nhưng tôi biết anh muốn thay đổi hệ thống luật pháp này, nên tôi khuyên anh phải học thêm triết học ở Tây phương, vì nền tảng triết học sai lầm sẽ làm sụp đổ tòa lâu đài pháp lý." Lời dạy đó của thầy mãi mãi tôi không được phép quên. Thầy còn nói, "anh là người học trò tôi ưng ý và tự hào nhất, mai này anh thành công, tôi sẽ được người đời nhớ vì "danh sư xuất cao đồ", ráng mà giúp nước!" Tôi xin thầy tấm hình, trong đó Giáo sư Vũ Văn Mẫu khoác trên người thầy tôi áo mão của vị tiến sĩ mới khi thầy vừa nhận văn bằng Tiến sĩ luật năm 1975. Tôi giải thích, "con sẽ nhìn hình thầy mà làm gương để cố gắng học hành nơi xứ người."

Chuyện như mới vừa hôm qua song đã tròn 16 năm, từ ngày 20/11/1998. Dù về sau tôi có dịp gặp gỡ và học với nhiều vị giáo sư danh tiếng ở các đại học Pháp và Mỹ, song thầy Võ Phúc Tùng vẫn mãi là bậc thầy tôi tôn kính nhất, vì thầy đã mở ra cho tôi nhiều chân trời phía trước.

Nguyễn Đăng Quang : GHI NHANH CUỘC GẶP Ở NHÀ CỤ NGUYỄN TRỌNG VĨNH

Nguồn boxitvn

21/11/2014


Chiều 19/11/2014 Hà Nội đã vào cuối thu,bầu trời nắng vàng đẹp đẽ. Tôi tranh thủ đến thăm sức khỏe lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. Tôi quen biết cụ đã gần 40 năm nay và rất kính trọng và khâm phục cụ về nhân cách, đạo đức cũng như tấm lòng của cụ đối với dân và đất nước. Dù năm nay đã 99 tuổi song cụ vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh và minh mẫn! Mặc dù hơn tôi 26 tuổi song cụ vẫn coi tôi là một người bạn vong niên thân thiết.

Tiếp tôi, ngoài cụ còn có con gái cụ là nhà văn Nguyên Bình và chồng chị là anh Trịnh Văn Trà, một đại tá quân đội đã nghỉ hưu. Tôi đứng lên chào và xin phép cụ ra về vì đã tâm tình và trò chuyện với cụ hơn một tiếng đồng hồ thì cụ bảo tôi cố nán lại ít phút để dự buổi cụ tiếp đoàn khách của Thành ủy Hà Nội đến thăm cụ.

Năm phút sau khách đến. Dẫn đầu là Ủy viên Thường vụ Thành ủy kiêm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cùng 5 quan chức của Đảng, gồm: một chuyên viên của UBKT Thành ủy, ông Phó bí thư Quận ủy Đống Đa, ông Chủ nhiệm UBKT Quận ủy Đống Đa, bà Bí thư Đảng ủy phường Kim Liên và ông Bí thư chi bộ nơi cụ sinh hoạt Đảng. Đoàn khách đi luôn vào nội dung cuộc viếng thăm: Hỏi cụ có phải là người ký vào Thư ngỏ 61 không và ai là người chấp bút,thảo ra thư đó? Họ thuyết phục cụ tuyên bố rút tên khỏi danh sách 61 đảng viên ký Thư ngỏ đó vì đã vi phạm vào quy định của Đảng, đặc biệt là "19 điều cấm" mà Đảng không cho đảng viên làm. Cụ khẳng định chính cụ là người ký vào Thư ngỏ 61 đó, và vì cụ nhiều tuổi đảng nhất 75 năm tuổi đảng nên anh em xếp cụ lên danh sách đầu tiên. Còn ai là người soạn thảo thư đó thì cụ nói là mọi người ngồi trao đổi với nhau, đều nhất trí và đồng tình những nội dung cấp thiết phải kiến nghị với Lãnh đạo Đảng như nội dung Thư ngỏ đã nêu rõ, còn ai là người chấp bút khởi thảo thì không quan trọng, cụ không đáp ứng câu hỏi này vì cụ cho rằng mọi người ký vào Thư ngỏ thì đều có trách nhiệm như nhau và sẵn sàng đối thoại, tranh luận công khai và dân chủ với Lãnh đạo Đảng về những vấn đề mà Thư ngỏ 61 đã nêu lên. Liệu Đảng có đồng ý đối thoại và tranh luận công khai với nhóm 61 đảng viên ký vào Thư ngỏ này không?

Còn về yêu cầu cụ tuyên bố rút tên khỏi danh sách những người ký tên Thư ngỏ này thì cụ nói không, dứt khoát không bao giờ tôi rút theo yêu cầu của các anh!  Còn việc Đoàn kết luận cụ cùng 61 đảng viên ký tên tập thể vào Thư ngỏ là vi phạm qui định của Đảng và "19 điều cấm" không cho đảng viên làm thì cụ hoàn toàn bác bỏ, cụ nói chính những qui định đó đã triệt tiêu tinh thần dân chủ trong đảng và ngay "19 điều cấm" cũng vi phạm Điều lệ Đảng! Ông Chủ nhiệm UBKT Thành ủy trách cụ là tại sao cụ không trực tiếp góp ý kiến với Đảng theo con đường mà Đảng đã qui định mà lại tán phát những quan điểm sai trái,làm cho đảng viên và người dân hoang mang,dao động? Cụ trả lời là cụ rất thất vọng vì trong suốt gần 10 năm qua cụ đã kiên trì và chân tình góp ý, đã không dưới 10 lần viết thư tay gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban CHTW Đảng và cả Tổng Bí thư nhưng không lần nào cụ được hồi âm,trả lời! Cụ nói: Đến như cụ 16 năm là Ủy viên Trung ương Đảng (Khoá III),là lão thành cách mạng, có 75 năm tuổi đảng, mà các anh ấy trốn tránh, không thèm trả lời thì thử hỏi những góp ý, kiến nghị của các đảng viên khác các anh ấy coi ra gì?

Lãnh đạo Đảng ngày nay chỉ thích nghe những ý kiến xu nịnh, thuận tai của bọn cơ hội, giáo điều, nhưng ngược lại họ coi các ý kiến phản biện và những đóng góp chân tình, xây dựng, tâm huyết và khoa học của rất nhiều nhân sỹ trí thưc và đảng viên là những ý kiến có động cơ xấu, thậm chí còn bị chụp mũ là suy thoái, biến chất hoặc bị các thế lực thù địch xúi dục! Đấy chính là một trong các lý do cụ ký tên vào Thư ngỏ 61 và công khai thư đó cho nhân dân biết sau khi thư đó đã gửi chuyển phát nhanh cho TBT, BCT, BBT và  tất cả 200 UVTW Đảng.

Ông Chủ nhiệm UBKT Thành ủy trách là việc tán phát Thư ngỏ đó trên mạng là sai trái, làm cho các đảng viên hoang mang, dao động, không tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Điều đó làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng. Nghe đến đây tôi phải xin phép cụ Vĩnh để có đôi lời với ông Chủ nhiệm UBKT Thành ủy. Tôi nói: Vâng, thưa đồng chí Chủ nhiệm UBKT, tôi nguyên là cán bộ Bộ Công an, đã về nghỉ hưu 11 năm nay và là một trong 61 đảng viên ký tên vào Thư ngỏ 61. Ý kiến đồng chí vừa nói rất đúng. Nếu có ai hoang mang, giao động và không tin vào sự lãnh của Đảng thì người đó chính là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí Phú Trọng nói "Đến hết thế kỷ này không biết là đã có CNXH hoàn chỉnh ở Việt Nam hay chưa?"  Đồng chí TBT không phải nói ở chỗ riêng tư mà phát biểu chính thức trong một buổi thảo luận Tổ đại biểu ở Quốc hội khóa XIII để góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013 tháng10 năm ngoái và đã được VTV, VOA và TTXVN loan tải rộng rãi!  Chính phát biểu bi quan đó của đồng chí TBT làm tôi thực sự dao động, hoang mang và không còn tin vào sự lãnh đạo hiện nay của Đảng nữa, và đây cũng chính là một trong các lý do khiến tôi ký vào Thư ngỏ 61. Lúc nãy tôi có hỏi về di chúc của Chủ tịch HCM và đồng chí trả lời là di chúc của Bác Hồ rất đúng và tuyệt đối đúng! Vâng, tôi hoàn toàn đồng ý với đồng chí. Di chúc của Bác không căn dặn Đảng ta xây dựng CNXH mà chỉ  dặn Đảng xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, giầu mạnh và xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ văn minh thôi, và trong di chúc không có một từ nào Bác đề cập đến chủ thuyết Marx-Lenine và căn dặn nhân dân và Đảng ta phải kiên định con đường này! Vậy tại sao Đảng ta không làm theo di chúc của Bác?

Ông Chủ nhiệm UBKT Thành ủy không trả lời trực tiếp mà chuyển sang việc đề cập đến thành tựu lãnh đạo cách mạng của Đảng. Ông gợi lại chuyện 75 năm trước (1939) khi cụ vào Đảng và thoát ly tham gia cách mạng thì đất nước ta còn nghèo lắm, dân ta còn khổ lắm nhưng nhờ sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng nên ngày nay nước ta đã hết nghèo, dân ta đã hết khổ, nay thì nhà nào cũng có ít nhất một xe máy thì làm sao cụ lại nói đường lối của Đảng là sai lầm, cần phải từ bỏ con đường xây dựng CNXH theo mô hình Xô Viết?

Đảng đã và đang kiên định con đường XHCN, mang lại hạnh phúc cho nhân dân, xã hội ta không có người bóc lột người, Đảng không cho phép bọn tư bản bóc lột giá trị thặng dư nhân dân lao động VN, hiện nay nhân dân làm theo sức và hưởng theo lao động, mai này khi tiến lên xây dựng CNCS thì người dân sẽ làm tùy sức và sẽ hưởng thụ theo nhu cầu!  Về đối ngoại, Đảng ta cũng có chính sách khôn khéo và cương quyết với TQ, buộc họ phải rút giàn khoan HD-981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế của ta trước thời hạn. Đây rõ ràng là thắng lợi của ta. Cụ Vĩnh nói: Nó rút chủ yếu là do sức ép quốc tế. TBT Nguyễn Phú Trọng không hề có một lời nào lên án TQ. Hội nghị TW9 đang họp, cũng không hề có một tuyên bố nào. Rồi đến Quốc Hội họp cũng không ra tuyên bố hoặc nghị quyết lên án TQ, Chính phủ cũng vậy! Sao nay lại tự nhận là do ta đấu tranh kiên quyết, mạnh mẽ nên buộc nó phải rút? TQ không bao giờ từ bỏ dã tâm bành trướng, xâm lược nước ta. Đảng phải hết sức cảnh giác và phải thực sự dựa vào nhân dân và phải đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên lợi ích của Đảng thì mới có thể thắng lợi kể cả trong xây dựng đất nước cũng như bảo vệ Tổ quốc, và đừng có quá nhẹ dạ tin vào 16 chữ vàng và 4 tốt, kẻo sẽ bị lừa và dễ mất nước!

Đại tá Trà dù đã rất kiên nhẫn ngồi nghe từ đầu, song đến đây ông không kìm được, ông nói: Nghe các đồng chí lập luận, tôi không thể thông! Đồng chí khẳng định VN chỉ có thể chọn mô hình XHCN để xây dựng đất nước, ngoài ra không có con đường nào khác. Thế thì đồng chí giải thích tại sao Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đi hết nước tư bản này đến nước tư bản kia để van nài họ công nhận nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường? Phải chăng điều đó chứng tỏ chính Đảng không tin vào CNXH và thú nhận học thuyết Marx-Lenine là bế tắc? Không thấy vị Chủ nhịêm UBKT Thành ủy và các vị khách trả lời, tôi nói: Cho đến lúc này, ngay cả Hội đồng lý luận Trung ương cũng như các nhà nhà lý luận của Đảng cũng không có ai đưa ra được một định nghĩa có sức thuyết phục thế nào là nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Kinh tế thị trường và Chủ nghĩa xã hội không thể tồn tại và giao thoa cùng nhau được! Có cái này thì không có cái kia và ngược lại.

Cụ Vĩnh nghe vị Chủ nhiệm UBKT Thành ủy thuyết giảng, chắc cảm thấy rất mệt, song cụ vẫn vui vẻ nói: Lúc nãy nghe đồng chí Chủ nhiệm UBKT Thành ủy nói thời tôi vào Đảng và tham gia hoạt động CM đã cách đây 75 năm rồi. Vâng, đồng chí nói đúng. Hồi đó tôi vào đảng là Đảng Cộng sản Đông Dương sau này đổi tên thành Đảng Lao Động Việt Nam, và tôi thấy Đảng tôi chọn lúc đó đều rất trong sáng và thực sự vì dân tộc và đất nước, và nó khác xa ĐCSVN hiện nay. Mong các đồng chỉ về và phản ảnh trung thực, đầy đủ các ý kiến ta trao đổi hôm nay, và kiểm tra giúp các đơn thư mà tôi đã gửi Lãnh đạo Đảng trong hơn 9 năm qua và nhắc họ cố gắng đọc và ng/cứu. Nếu bố trí gặp trực tiếp tôi thì tốt, nếu không thì cố gắng hồi âm các thư tôi đã gửi.

Đoàn khách cũng cảm thấy khó có gì để nói thêm nên đứng dậy xin phép ra về. Ông Trưởng đoàn kính chúc cụ mạnh khỏe để tiếp tục đóng góp ý kiến xây dựng Đảng theo đúng quy định để Đảng thực sự trong sạch và vững mạnh.  Tôi về đến nhà  là  đã gần 6 giờ chiều, tuy khá mệt song cố gắng ghi lại trung thực nhưng chắc không đầy đủ nội dung cuộc gặp này, kẻo để lâu lại quên. Tôi nghĩ chắc đây chưa phải là cuộc thăm viếng và trao đổi cuối cùng.

N.Đ.Q.

Tác giả gửi BVN

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Nguyễn Thượng Long : Nhớ Trầm Lâm... một nhà giáo bị bỏ quên

Nguồn danlambao

Nguyễn Thượng Long (Danlambao) - Biết tôi có một mối quan hệ đặc biệt với Luật Sư Trần Lâm, chiều 13 – 11- 2014, Phạm Thanh Nghiên, nguyên là một tù nhân lương tâm nổi tiếng, nghẹn ngào cho tôi biết tin dữ: Cụ Trần Lâm đã tạ thế trưa 13-11. Tôi đã dành cho cháu Nghiên những lời động viên cần thiết và nối ngay máy với người con gái cụ Trần Lâm là cô Trần Ánh Hồng lúc đó cùng chồng đang trên đường từ Đà Nẵng ra Hải Phòng để làm tang cho cha mình. Dù tình trạng sức khỏe đang rất tệ, tôi vẫn quyết định sáng hôm sau 14-11-2014 sẽ lên đường đi Hải Phòng để đưa tiễn người thầy, người bạn vong niên có vai trò đặc biệt đối với tôi những năm tháng vừa qua.

Tôi lặng lẽ chuẩn bị cho chuyến đi đó trong những hồi ức, những kỷ niệm ngày nào cùng làm báo Tổ Quốc với cụ Trần Lâm. Và cũng từ đó, tôi phải trả lời nhiều cú điện thoại của người trong nước cũng như ngoài nước đang rất quan tâm tới sự kiện này. Trong đó có cả những câu hỏi của cơ quan an ninh thành phố, rằng tôi đã biết tin đó chưa? Và tôi có đi viếng Luật Sư Trần Lâm không? Tôi trả lời rằng,"Xin cám ơn sự quan tâm của quý vị, việc đó là việc riêng tư, đi hay không đi và đi thế nào là quyền tự do tối thiểu của tôi, xin quý vị nhớ cho". Và điều gì có thể đến với tôi trong suốt hành trình này... thật khó mà xác định và tôi cũng chẳng quan tâm. Chỉ biết rằng trong tôi duy nhất là tâm thế đi và sẵn sàng đón nhận...

Có lẽ hình ảnh dữ dội nhất đập vào mắt tôi khi đặt chân lên đất Hải Phòng là phải chứng kiến một vụ đánh lộn kinh hoàng giữa hai thanh niên săm trổ đầy mình, trong tay họ là dao là kiếm, làm tôi sực nhớ lời một học sinh cũ đang làm công tác đặc biệt ở Hải Phòng rằng: "Đến Hải Phòng, thầy cần nhớ, Rừng nào có Cọp đó - Nhưng giang hồ đất cảng luôn ở đẳng cấp thượng thừa về khoản máu lạnh!". Tôi càng nhớ hơn lời người đồng nghiệp của tôi, anh là thầy giáo của anh em nhà họ Dương, danh gia vọng tộc nức tiếng đất cảng (Dương Chí Dũng - Dương Tự Trọng)... ngày nào anh đọc được bài viết "Chiều mưa Tiên Lãng anh đi về đâu?" của tôi trên các trang mạng xã hội để bênh vực anh em nhà Đoàn Văn Vươn và chê bai "TRẬN ĐÁNH ĐẸP ĐÁNG GHI VÀO SỬ SÁCH!" của Đại Tá Đỗ Hữu Ca, nay là Thiếu Tướng giám đốc công an Hải Phòng... rằng "Viết như thế... mày có làm sao ở Hải Phòng! Đừng trông chờ gì ở tao!". Tôi biết là anh giỡn tôi thôi, nhưng khi thấy những người đồng bào săm trổ đầy mình đang lao vào nhau trong sự vô cảm của người đi đường... thú thực tôi cũng thấy chờn chợn...

Trong tâm trạng đó, tôi bước vào nhà tang lễ giữa lúc lễ cầu siêu cho cụ Trần Lâm do các vị sư sãi áo vàng cùng các phật tử đang đi đến phần kết thúc. Chọn một góc ngồi có thể quan sát được toàn cảnh hiện trường, tôi rất buồn khi thấy về hình thức bài trí và cả nội dung tiến hành lễ viếng... là không xứng tầm với một tên tuổi lớn mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải kính trọng. Tuy vậy tôi không hề gặp khó khăn hay trở ngại nào trong việc... di chuyển, chụp ảnh, gặp gỡ người này, hỏi chuyện người kia... và chỉ có một chi tiết mà tôi thấy rất bất ngờ... khi bạn bè của cụ Lâm, chống gậy và đi xe lăn tới lễ viếng nhận ra tôi. Đáp lễ lại, tôi trao cho các cụ cùng xem tờ PHIẾU CÁ NHÂN của Tòa Án Nhân Dân Tối Cao làm ngày cụ Trần Lâm về hưu (1/5/1983) mà năm đó, một lần đến đàm đạo với cụ, cụ đã trao gửi cho tôi như gửi gắm một nỗi niềm của một người biết trước chuyến đi xa không tránh khỏi của mình... thì bất ngờ một người đàn ông mặc đồng phục của công ty phục vụ tang lễ Thiên Thảo với cặp mắt mang hình viên đạn, anh ta xông vào chỗ chúng tôi khá thô bạo... Tôi giật mình, biết ngay anh ta là ai trong bộ đồng phục đó, tôi vẫn đàng hoàng đọc lớn:



QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC.

- 1945: Tự vệ Hà Nội.

1946: Cán bộ BDHV – Thông tin tuyên truyền Tỉnh Bộ Việt Minh Lạng Sơn. 

1946/ 1947: Trưởng Ty Thông Tin Hải Phòng – Trưởng Ban Thông Tin Chiến Khu Ba.

1947/1948 Trưởng Ty Thông Tin liên tỉnh Quảng Yên Hòn Gay – Thường Vụ Huyện Ủy, Trưởng Ban dân vận Huyện Thủy Nguyên.

1949/ 1951: Trưởng Ban huấn luyện Tỉnh Kiến An.

1951/ 1961 Tỉnh Ủy Viên Kiến An – Trưởng Ban tổ chức, Trưởng Ban tuyên huấn Kiến An.

1961/ 1964: Phó Giám Đốc Ty Giáo Dục – Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban kiến thiết Hải Phòng.

1961/ 1971 Chuyên Viên – Vụ Phó Vụ Địa Phương thuộc Ủy Ban Kế Hoạch nhà nước.

1971/ 1982: Thẩm Phán Tòa Án ND Tối Cao.

1982/ 6 – 1983: Chuyên Viên TANDTC.

Từ khi nghỉ hưu mở trường THPT tư thục – Làm Luật Sư Đoàn Luật Sư Hải Phòng.

Làm tại Hà nội ngày 1 Tháng 5 năm 1983

Trần Lâm.

Và tờ giấy này được truyền tay qua các cụ. Các cụ nhận ra những giai đoạn mà mình đã làm việc cùng cụ Trần Lâm. Cụ PBL (1926) người mặc vét mầu trắng tay chống can nói với tôi những ngày cùng cụ Lâm mở trường THPT tư thục đầu tiên của cả nước tại Hải Phòng. Cụ bảo: "Những năm tháng đó làm gì có nạn bằng giả, chứng chỉ giả, có thể mua được như bây giờ""Những năm đó, thầy ra thầy - trò ra trò" Và…

Cụ PBL người cầm can… 

"Chúng tôi mở trường tư thục hoàn toàn là vì dân trí chứ đâu có núp bóng xã hội hóa để thương mại hóa học đường , làm giầu nhem nhuốc như nền giáo dục bây giờ"... 

Suốt từ lúc đó trở đi, trong tôi như vang vọng những ước nguyện sẽ có một phép mầu nào đó:

Để các vị vua tập thể... còn nhớ đến một Trần Lâm, chiến sĩ tự vệ thành Hà Nội ngay từ ngày cách mạng tháng 8 bùng nổ 1945, một đảng viên cộng sản từ lúc ĐCS còn là trứng nước… một nén hương dành cho bậc Trưởng Thượng đó vào lúc này chẳng lẽ lại làm cho ĐCS bớt đi một ánh hào quang rực rỡ của một đỉnh cao trí tuệ hay sao! 

Để ông Phạm Vũ Luận - Đương kim BT Bộ Giáo Dục, ông Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng hôm nay... biết đến một Trần Lâm là chiến sĩ bình dân học vụ từ 1946, một Trần Lâm Phó Giám Đốc Ty giáo dục Hải Phòng 1961-1964, một Trần Lâm Hiệu Trưởng PTTH Hải Phòng 1983-1984... đã bị ngành GDĐT đưa vào quyên lãng. Một vòng hoa viếng dành cho một nhà giáo lão thành như cụ Trần Lâm lúc này chẳng lẽ lại là viêc làm "Không Đúng Quy Trình" như các quý vị vẫn nói.

Để ngành Thông Tin - Tuyên Huấn - Tư Pháp... đặc biệt là các luật sư đang chửi nhau, tố nhau, dọa khởi kiện nhau như mổ bò giữa diễn đàn quốc hội... Các quý vị nghĩ gì về Thẩm Phán Tòa Tối Cao, Luật Sư Trần Lâm đã từng dũng cảm nhận bào chữa miễn phí cho những gương mặt Dân Chủ nổi tiếng: Phạm Hồng Sơn, Hà Sĩ Phu, Lê Hồng Hà, Lê Thị Công Nhân, Vi Đức Hồi... Ông đến với họ trong các buồng giam, đứng bên họ trong các phiên tòa... những mong cho họ bớt được một ngày tù cụ cũng không từ nan, mà không hề vì tiền bạc như đời sống tố tụng bây giờ. Chẳng lẽ một phút lặng lẽ cúi đầu trước một bậc Đại Thụ, một nhân cách sáng ngời như thế lại cũng là một việc làm không cần thiết hay sao?

Những ước nguyện hết sức bình thường như thế cứ luẩn quẩn ám ảnh tôi suốt thời gian tôi nấn ná ngóng chờ những gương mặt Dân Chủ thân quen mà tôi đinh ninh họ sẽ không thể không đến trong lễ viếng này. Tôi không thể kiên nhẫn chờ đợi thêm khi đồng hồ đã chỉ 17 giờ chiều, đặt lên bàn lễ phong bì đề tên tôi và tên cụ Lê Hồng Hà - Nguyên chánh văn phòng Bộ Công An, nguyên Ủy Viên Đảng Đoàn Bộ Công An, thắp cho cụ Trần Lâm một nén hương, vái tiễn biệt cụ xong quay ra tạm biệt mọi người thì Ái Nữ duy nhất của cụ Trần Lâm cô Trịnh Ánh Hồng tiến đến cám ơn và cho tôi biết, gia đình đã thuê bao toàn bộ nhà nghỉ bên kia đường cho mọi người lưu trú lại chờ nghi lễ đưa thân phụ cô đi đài hóa thân hoàn vũ vào trưa hôm sau. Người phụ nữ thành đạt và giàu có đó ngập ngừng... diễn đạt rất lúng túng cái tình thế hết sức khó xử khi phải đối diện với những áp lực rất vô lý, rất không bình thường từ các ban ngành ở Đà Nẵng và ở cả Hải Phòng nhằm vào sự nghiệp kinh doanh của cô. Tôi bầy tỏ sự cảm thông của người không phải là doanh nhân như vợ chồng cô, nhưng...: "Gia đình tôi cũng đã từng rơi vào tình cảnh tương tự...".

Vì lý do sức khỏe, tôi không lưu lại theo ước muốn trân thành của cô Hồng được. Cô Hồng sai con rể lái xe chở tôi ra bến xe Tam Bạc cho kịp chuyến xe cuối về Hà Nội. Đây là lần thứ 2 tôi gặp cô Hồng, lần trước khi nhận được tin cụ Trần Lâm bị tai biến ở Đà Nẵng, tôi là thượng khách của khách sạn Starlet cực kì lộng lẫy của vợ chồng cô bên bờ biển Đà Nẵng. Hôm đó, lần đầu tiên cô Hồng nói với tôi: 

"Nhiều người nhầm tưởng em trưởng thành, thành đạt về kinh doanh là do em dựa vào cái bóng quá lớn của bố em. Người ta đâu có biết, em tự khẳng định mình bằng sự bươn trải của chính mình trên những khốc liệt của thương trường Thành Phố Cảng... Nơi đó không chấp nhận những đặc thù thường thấy của chính trị. Chính trị không phải là lựa chọn của vợ chồng em". 

Chia tay vợ chồng cô Hồng, tôi chỉ ao ước sẽ không có những gì là bất thường và khó xử sẽ xảy ra với gia đình cô trong những ngày tang tóc này. Vậy mà, khi về đến nhà... tôi vô cùng bất ngờ và thất vọng khi nhận được tin từ Facebook Phạm Thanh Nghiên:

"Một đoàn gồm 12 người từ Hà Nội đi Hải Phòng để tham dự tang lễ Luật Sư Trần Lâm đang gặp nguy hiểm. Một bọn người đi xe gắn máy đuổi theo xe ô tô chở đoàn và ném gạch đá vỡ cửa kính. Hiện tình đang rất khẩn cấp và nguy hiểm. Mong mọi người chia sẻ thông tin gấp".

Đọc được tin dữ này, tôi càng nhớ lời người học trò và người bạn của tôi mà phần đầu bài viết này đã nói tới. Thế là những ước nguyện cuả tôi trong bài viết này thoắt trở nên hoàn toàn vô nghĩa. Ngày 20 – 11 – 2014 đã đi qua, không chỉ một Nhà Giáo Trần Lâm bị quyên lãng mà "Con Người Chính Trị Trần Lâm!" ở thời khắc giã từ thế giới này... cụ vẫn phải nhận về mình những đọa đầy đến từ thể chế chính trị đương thời lại phải mượn bàn tay của những kẻ chỉ quen hành xử theo cách thức của đám xã hội đen.

(Ảnh Internet)

Chao ôi! Biết đến bao giờ người Việt Nam chúng ta mới thực sự được sống với nhau theo cái nghĩa cử "Một con ngựa đau - Cả tàu không ăn cỏ" và biết đến khi nào người ta mới được đến với nhau bằng cái nghĩa tình "Nghĩa tử là nghĩa tận!". 

Câu hỏi này xin được gửi đến tất cả những ai vẫn còn nghĩ đến nhau, vẫn còn nghĩ đến sự kết gắn của cộng đồng mình qua lời răn dậy của ông bà:

"Khôn ngoan đối đáp người ngoài…
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau".

Hà Đông 20-11-2014.

Nguyễn Thượng Long
- Nơi ở: Số nhà 4, Đường Văn La, Phường Phú La
Hà Đông, Hà Nội.
- ĐT: 0433521066 & 01652323836.


Bùi Tín : Bi kịch ‘đi tắt đón đầu’

Nguồn VOA

19.11.2014

Mạng Diễn Đàn Thế Kỷ ngày 12/11/2014 loan tin một nông dân Việt Nam quê ở Tân Châu, Tây Ninh, vừa được Nhà Vua Campuchia Norodom Sihamoni phong danh hiệu "Đại tướng quân". Đó là ông "Hai Lúa" Trần Quốc Hải.

Cũng theo Diễn Đàn Thế Kỷ, năm 2006 ông Hai Lúa chế tạo một chiếc trực thăng. Công trình này gây tranh cãi một thời rồi bị "xếp xó". Nhưng ông Hai Lúa không bỏ cuộc. Ông say mê sáng chế, cải tiến các máy nông nghiệp như máy nhổ củ mì, máy làm cỏ đồng ruộng, máy rải phân, cả máy thu hoạch mủ cao su. Tuy nhiên, theo lời ông kể lại cho một phóng viên của báo Một thế giới thì ông bị rắc rối với cả trung ương Hà Nội và địa phương Tây Ninh. Nhà nước khuyên ông: Thôi nhé đừng làm nữa.

Diễn Đàn Thế Kỷ thuật lại rằng thế là ông khăn gói sang Campuchia. Các máy nông nghiệp của ông có khách hàng. Ông còn sửa chữa nhiều máy nông nghiệp cũ của nước bạn. Một hôm ông đi qua một doanh trại bộ đội cơ giới có xe bọc thép đã cũ. Ông quan sát nhiều lần và nảy ra sáng kiến có thể tham gia việc bảo quản, sửa chữa, cải tiến xe bọc thép BRDM2. Phía Campuchia đồng ý. Thế là ông và cậu con trai Trần Quốc Thanh lao vào việc. Chẳng bao lâu 5 chiếc xe bọc thép được cải tiến, tiêu thụ xăng giảm từ 40 lít xuống 25 lít/100km, tháp pháo tự động, Campuchia rất hài lòng, vì từng có chuyên gia quân sự VN sang sửa nhưng không đạt, vẫn trục trặc, hư hỏng.

Campuchia đánh giá cao, quý trọng khả năng hiếm có, tinh thần tìm tòi cải tiến, lối sống giản dị khiêm tốn của ông Trần Quốc Hải, rất trọng thị dành cho ông tiêu chuẩn ăn, ở, đi lại như cán bộ cấp cao của quân đội. Gần đây Nhà Vua còn phong cho ông danh hiệu "Đại tướng quân". Hiện nay cha con ông đang nhận đóng mới 25 chiếc xe bọc thép cải tiến, nâng 6 bánh lên 8 bánh, có thể di chuyển thuận lợi trên địa hình phức tạp hơn.

Trước đây, hồi tháng 6/2014 mạng Đất Việt thuật lại câu chuyện một nhà phát minh khác không được trọng dụng trên đất nước mình. Đó là kỹ sư Phan Bội Trân, học từ Pháp về. Ông ham mê nghiên cứu về tàu ngầm, mò mẫm làm ra tàu ngầm nhỏ cho ngành thể thao du lịch biển . Chiếc tảu làm thử đẩu tiên đặt tên là Yết Kiêu 1, dài 3 mét 2, nặng 1 tấn, vỏ bằng composite, có ống kính viễn vọng, máy cung cấp khí, có bánh lái ở phía trước, phía sau và chiều ngang, có thể lặn sâu 70 mét trong nửa giờ, tất cả bộ phận đều làm từ trong nước, trừ động cơ phải nhập. Tàu ngầm tự tạo cho thể thao, du lịch biển được thử nghiệm từ năm 2010 ở hồ bơi Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân Sài Gòn. Kết quả được đánh giá là khả quan, thiết thực. Giá thành chừng 10.000 US$. Sáng chế này cũng không được trong nước hoan nghênh, bị ế.

Nhân các sự kiện trên, đã có nhiều tờ báo mạng và blogger trong nước bình luận vì sao chính quyền trong nước không khuyến khích, còn ghẻ lạnh với các nhà sáng chế phát minh từ nhỏ đến lớn của nước mình. Có blogger đau xót nhắc rằng một nước có 24.000 tiến sỹ, 10.000 giáo sư mà chưa sản xuất nổi một chiếc đinh vít hiện đại đúng tiêu chuẩn.

Ai nấy đều rõ Việt Nam là thuộc nhóm đèn đỏ của toàn thế giới về sáng chế, phát minh, về số lượng các bài nghiên cứu có tính chất tìm tòi, khai phá về khoa học và kỹ thuật.

Về nhà khoa học, ngoài nhà toán học Ngô Bảo Châu còn ai nữa? Đây là hậu quả của lối học vẹt, học thuộc lòng, nhồi sọ các công thức chết, không khuyến khích óc tưởng tượng, suy luận, tự tìm hiểu mọi hiện tượng và sự vật, tò mò tìm ra cái mới.

Trao đổi chuyện này với một nhà báo Pháp chuyên về kinh tế các nước châu Á, ông có cách nhìn sâu và độc đáo. Ông bảo cái nguyên nhân của nguyên nhân là nền kinh tế VN không bình thường, không giống ai. Ông giải thích:

- Bình thường mở đầu cho phát triển kinh tế trong một nước nông nghiệp là phải tập trung vào sự nghiệp công nghiệp hóa, từ tích lũy ban đầu rồi tiến dần lên với quá trình hiện đại hóa. Quá trình đó có khi dài hàng thế kỷ, với sự hình thành của một đội ngũ ngày càng đông công nhân tay nghề cao và cán bộ kỹ thuật chuyên sâu, gắn liền với nền giáo dục cung cấp công nhân và cán bộ kỹ thuật lành nghề, mang tinh thần cải tiến, sáng chế phát minh kết hợp với nền khoa học kỹ thuật không ngừng đi kịp với thế giới.

-  Sau vài chục năm nền sản xuất đạt mức công nghiệp hóa, hiện đại hóa cao, vốn tư bản được tích lũy, tích tụ lớn lên dần mới xuất hiện những nhóm tài phiệt hùng mạnh, những đế chế kinh tê - tài chính đại tỷ phú, như ở phố Wall Street ở New York, Hoa Kỳ, từ đó sinh ra những ngân hàng ngày càng lớn để chuyên kinh doanh tiền tệ, cổ phiếu, chứng khoán.

-  Về mặt thuần sản xuất ra giá trị của cải thì nông dân, công nhân, lao động tri thức - kỹ thuật , nhà kinh doanh… mới thật là cái gốc, là những người làm giàu thêm cho xã hội. Còn giới tài phiệt - ngân hàng chỉ là kẻ lợi dụng ăn bám vào giới lao động nói trên, lấy của người này chuyển cho người khác. Cho nên một chế độ tốt là chế độ chăm lo cái gốc, là ưu tiên cho việc sản xuất ra ngày càng nhiều của cải, đào tạo nhiều công nhân tay nghề cao, nhiều cán bộ kỹ thuật tài giỏi, có nền khoa học giáo dục khai phóng khuyến khích tìm tòi, phát minh, sáng chế phong phú, tạo nên nền sản xuất năng suất không ngừng được nâng cao.

Có vẻ như Bộ Chính trị cầm quyền trong nước đã rất coi nhẹ cái phần gốc nói trên, cho nên năng suất lao động xã hội rất thấp, công nhân chuyên nghiệp thiếu trầm trọng, sáng chế phát minh hầu như vắng bóng, kỹ thuật lạc hậu đến mức tận cùng của khu vực, nền giáo dục vẫn theo kiểu giáo điều nhồi sọ. Trong khi đó ngân hàng nhan nhản: ngân hàng Nhà nước, ngân hàng quân đội, ngân hàng xây dựng, gân hàng thương mại, ngạn hàng ngoại thương, ngân hàng tỉnh, ngân hàng huyện, ngân hàng ngành.

Trong Quốc hội không thấy tiếng nói của nhà khoa học - kỹ thuật, không ai biết bộ trưởng khoa học và công nghệ là ông nào. Quốc hội vẫn bàn nhiều đến ngân sách, tiền lương, đến các khoản nợ, nợ quốc gia, nợ của các cơ sở quốc doanh, nợ của ngành ngân hàng, vẫn chỉ lo các nguồn ODA và FDI bị giảm bớt do nền kinh tế của trong nước vẫn chưa đủ sức tự phát triển bình thường.

Phải chăng đây là "nét sáng tạo độc đáo" của Bộ Chính trị các khóa gần đây, đã tạo nên cho giới lãnh đạo của đảng một cuộc đi tắt, đón đầu hoành tráng, không cần chờ cho nền kinh tế trải qua thời kỳ tư bản tích tụ ban đầu để tạo nên cả một hệ thống ngân hàng hùng hậu với những nhóm tài phiệt - tỷ phú đô-la Mỹ, hầu hết là bà con anh chị em bạn hẩu của các quan chức ở đỉnh cao quyền lực.

Với chiến lược đi tắt đón đầu như thế, thì phải 40 năm nữa thu nhập trung bình của người dân VN mới có thể bằng dân Nam Triều Tiên hiện nay, nhưng ngay bây giờ tài sản của các tỷ phú đô-la VN đâu có thua kém các tỷ phú Nam Triều Tiên hay Thái Lan.

Một bạn Pháp ghé tai tôi: Dân Việt Nam các ông hiền quá. Sự phi lý quái đản của nước Việt Nam không thể trông đợi gì ở cuộc cách mạng hoa hồng hay hoa huệ hay hoa sen mà cần phải có một cú điện chấn (un electro-choc). Phải chịu đau, choáng váng, xáo trộn một chút, mọi người thức tỉnh, giật mình, mới có cuộc đổi đời cần thiết và xứng đáng với dân tộc Việt Nam.

Lê Công Định : Thư ngỏ gửi “người khuất mặt khuất mày”

Post lại từ boxitvn

20/11/2014


Hôm nay một vài bạn hữu gửi đến tôi đường dẫn bài viết công kích cá nhân tôi trên báo Nhân Dân. Tác giả tên Vũ Hợp Lân, có lẽ là bút danh của một người không dám lộ diện công khai. Vậy tôi xin mạn phép trò chuyện với "người khuất mặt khuất mày" ở đây.

Nội dung chính của bài viết nhằm chỉ trích việc tôi bày tỏ lòng kính trọng đối với các chính khách và quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, cụ thể là cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam. Quả thật, tôi vô cùng kính trọng hai nhân vật lịch sử anh hùng đã ngã xuống vì quốc gia ấy. Nếu so sánh họ với các nguyên thủ và tướng lĩnh ngày nay trước mối đe dọa và hành vi xâm lấn của ngoại bang đối với lãnh thổ mà tổ tiên chúng ta để lại, thì lời ca ngợi của tôi dành cho hai vị e rằng chưa diễn đạt hết niềm cảm phục pha lẫn tiếc thương của tôi. Sự đời vẫn vậy, những người đáng sống thì lại chẳng may qua đời quá sớm!

Tướng Nguyễn Khoa Nam lúc quyết định tuẫn tiết, do không làm tròn bổn phận của một quân nhân, ắt hẳn đã không đến nỗi quá "tâm tư" vì không được thăng cấp bậc Trung Tướng trước khi xả thân bảo vệ lãnh thổ mà mình mang trọng trách. Một vị danh tướng không màng đến địa vị và bổng lộc, đã chọn cái chết oai hùng, không đáng để nhiều người trong đó có tôi kính trọng sao? Việc tôi "đứng về phía nào" chẳng lẽ cũng phải xin phép ai? Yêu ghét một con người, một nhân vật lịch sử, lẽ nào cũng phải theo "định hướng"? Luật pháp nào quy định thế? Thưa ông Vũ Hợp Lân, xã hội này có thể còn thiếu tự do, nhưng tôi không cho phép mình mất tự do trong tư tưởng của chính mình, vì tôi là Con Người! Ông có quyền trung thành với ai đó, nên dù vẫn tôn trọng ông, tôi không nhất thiết phải giống ông. Tôi khác.

Bày tỏ lòng kính trọng đối với cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, không có nghĩa là muốn tái lập trong tương lai một thể chế của quá khứ. Cũng tương tự, ngưỡng mộ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và chiến công vĩ đại của ngài, không đồng nghĩa với ý định thiết lập một vương triều quân chủ đời nhà Trần vào Việt Nam ở thế kỷ 21 này. Và nếu tôi tôn trọng cụ Hồ trong tư cách một nhân vật lịch sử, như tôi vẫn luôn bày tỏ bất kể ai phiền muộn, thì trừ phi tôi bị tâm thần mới có ý mong muốn chế độ mà cụ Hồ thiết lập từ năm 1945 mãi trường tồn cùng với bao vấn nạn tham nhũng và vi phạm nhân quyền thế này! Viết như vậy đã dễ hiểu chưa ông Vũ Hợp Lân? Suy nghĩ theo cách ấy liệu sẽ bị suy diễn là có ý đồ chống và lật đổ chế độ chăng? Thú thật, nếu ông cố tình suy diễn theo hướng đó, thì không việc gì tôi phải e ngại hay sợ ông cả.

Dù sao cũng phải cám ơn ông Vũ Hợp Lân đã trích đăng công khai những câu chính trong các bài viết của tôi, vì điều đó vô hình chung quảng bá suy nghĩ của tôi đến một số độc giả mà tôi không có dịp tiếp cận. Chỉ tiếc là tờ báo ông dùng để đăng ít người đọc quá! Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, hồi ở tù tôi rất thường đọc báo Nhân Dân, vì không một tờ báo nào khác được phép phổ biến trong khuôn khổ các trại giam ở Việt Nam dù là Thanh Niên hay Tuổi Trẻ của chính nhà nước này. Đọc để mỉm cười vui vẻ, thay vì xem hài kịch vốn không thể có trong tù.

Tôi chưa bao giờ tự xưng am tường sử học, vì đó là một lĩnh vực sâu rộng đòi hỏi nhiều năng lực và thời gian nghiên cứu, mà tôi thì chỉ dừng lại ở sự say mê học hỏi từ lịch sử cho riêng mình thôi. Tuy nhiên, có hồ đồ lắm không khi một "người khuất mặt khuất mày" viết vài ba dòng "vỗ mông ngựa" (mượn chữ của tác giả Kim Dung trong tác phẩm "Lộc Đỉnh Ký") trên một tờ báo chuyên về tuyên truyền, chứ không chuyên ngành sử học, lại nhận định tôi "kém hiểu biết lịch sử" hoặc "xuyên tạc lịch sử"?

Để tránh tình trạng chụp mũ bừa bãi vô ích, tôi đề nghị ông Vũ Hợp Lân sớm tổ chức một mục đàm luận công khai và dân chủ với tôi về các vấn đề lịch sử Việt Nam hiện đại trên chính tờ báo Nhân Dân để độc giả rộng đường nhận định. Đây không phải là lời thách thức, mà là việc làm cần thiết để tránh tiếng "cả vú lấp miệng em" vốn thường dành cho những tay bồi bút, và cũng giúp tờ báo của ông nâng lên một tầm cao mới, thu hút thêm nhiều độc giả có đầu óc hơn. Ông đồng ý nhé?

Trân trọng,

L.C.Đ.

Nguồn: https://www.facebook.com/LSLeCongDinh/posts/1496825463924566

Sự tráo trở của một người từng là... luật sư !

VŨ HỢP LÂN

Sau hơn ba năm chấp hành án vì "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", ngày 6-2-2013, Lê Công Định được ra tù trước thời hạn. Ngỡ rằng sau khi được hưởng lượng khoan hồng của Nhà nước, Lê Công Định sẽ rút ra bài học để làm lại cuộc đời, song qua một số ý kiến đã công bố, lại thấy dường như anh ta đang muốn chứng minh mình là con người tráo trở?

Năm 2010, trước khi tòa nghị án, Lê Công Định đã thành khẩn nhận tội, tỏ ra ân hận vì "đi ngược lại những đóng góp của gia đình trong hai cuộc kháng chiến". Đến hôm nay, vi-đê-ô clip và lời nhận tội của Lê Công Định vẫn còn nguyên trên internet, cho thấy việc làm "có mục đích tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam, hành vi của tôi đã vi phạm pháp luật Việt Nam, cụ thể là Điều 88 Bộ luật Hình sự, như tôi bị khởi tố. Tôi rất hối hận về sai lầm của mình mà vì đó mà tôi đã bị bắt tạm giam như ngày hôm nay. Do vậy, tôi đã hợp tác khai báo đầy đủ về việc làm của mình cho cơ quan điều tra, mong muốn được hưởng các tình tiết giảm nhẹ và sự khoan hồng theo quy định của pháp luật".

Sau hơn ba năm, do chấp hành tốt nội quy trại giam trong quá trình thụ án, Lê Công Định đã được ra tù trước thời hạn. Trở về với gia đình, với xã hội, thời gian đầu, Lê Công Định khá im hơi lặng tiếng, nhưng từ ngày 3-2-2014, sau khi trả lời phỏng vấn của BBC với những dòng phác họa "Từ năm lên bảy tuổi, tôi đã bắt đầu quan tâm đến chính trị. Năm lên 14 tuổi, tư tưởng tôi dần định hình. Đến năm 20 tuổi, khi sự kiện Đông Âu diễn ra, tôi xác định phải làm gì đó để thay đổi đất nước theo hướng xây dựng một quốc gia pháp trị và xã hội dân sự. Hơn 20 năm nay vẫn như vậy, không lý do gì để biến cố của bốn năm vừa qua có thể thay đổi lý tưởng của tôi" thì dường như anh ta bắt đầu hoạt động trở lại thông qua facebook, qua những bài viết, bài trả lời phỏng vấn trên một số diễn đàn của các thế lực thù địch, hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam?

Ai cũng hiểu một điều đơn giản, một người có bản lĩnh sẽ rất khó có thể bị lôi kéo. Song theo lời khai của Lê Công Định với Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) vào năm 2009 thì anh ta lại liên tục bị lôi kéo, lúc thì: "Với sự lôi kéo của Nguyễn Sĩ Bình, tôi đã tham gia Đảng Dân chủ Việt Nam và là thành viên Ban Thường vụ tổ chức này và đã tham gia các việc làm tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam", lúc thì "Đầu tháng 3-2009, tại Pattaya, Thái-lan, tôi đã bị tổ chức Việt tân lôi kéo tham gia lớp huấn luyện đấu tranh bất bạo động"! Và đâu là sự chín chắn khi một người từng mang danh "luật sư" mà khi bàn về tự do ngôn luận, tự do báo chí trên BBC lại chỉ dẫn lại điều luật quốc tế hay điều luật nước này, nước khác có lợi cho mình (như để lòe bịp người chưa đọc các văn bản đó?), tảng lờ các nội dung có tính chế định và ràng buộc: "Trong khi thực hiện những quyền và quyền tự do cho cá nhân, mọi người chỉ phải tuân thủ các hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của những người khác, đáp ứng được các đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ" (khoản 2 Điều 29 Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế); "Việc hành xử quyền tự do phát biểu quan điểm (...) đòi hỏi đương sự phải có những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu: a. Tôn trọng các quyền tự do và thanh danh của người khác; b. Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý" (khoản 3 Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị); "việc thực thi các quyền con người phải được xem xét trong bối cảnh khu vực và quốc gia, tính đến hoàn cảnh khác nhau về chính trị, kinh tế, pháp lý, xã hội, văn hóa, lịch sử và tôn giáo" và "Việc thực thi nhân quyền và các quyền tự do cơ bản sẽ chỉ được giới hạn theo quy định của luật pháp nhằm mục đích bảo đảm việc thừa nhận nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của những người khác, và để đáp ứng các yêu cầu chính đáng về an ninh quốc gia, trật tự công cộng, y tế công cộng, an toàn công cộng, đạo đức công cộng, cũng như phúc lợi chung của tất cả mọi người trong một xã hội dân chủ" (Điều 7, Điều 8 Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN)?

Đồng thời với việc đưa ra ý kiến không hoàn chỉnh về tự do ngôn luận, tự do báo chí, Lê Công Định còn có xu hướng "hoài cổ", soi mói lịch sử nhằm xuyên tạc (hay mê hoặc người đọc thiếu am hiểu lịch sử?). Thí dụ, để hạ thấp ý nghĩa trọng đại của ngày 2-9, mấy tháng trước, trong khi nhân dân cả nước hồ hởi đón chào Quốc khánh thì Lê Công Định công bố trên facebook, sau đó gửi đăng trên BBC ý kiến cho rằng, ngày 11-3-1945 "Bảo Đại ký đạo dụ "Tuyên cáo Việt Nam độc lập", hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884 cùng các hiệp ước nhận bảo hộ và từ bỏ chủ quyền khác, khôi phục nền độc lập của đất nước, thống nhất Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ" là "thời điểm đáng lưu ý... xét về phương diện thực tế và pháp lý, Việt Nam đã thực sự độc lập từ ngày 11-3-1945"! Viết như vậy, Lê Công Định tự chứng tỏ anh ta hoặc là người rất kém hiểu biết lịch sử, hoặc cố tình xuyên tạc lịch sử để phủ nhận một sự kiện, một giá trị quan trọng của đất nước Việt Nam. Bởi người Việt Nam am hiểu lịch sử dân tộc đều biết ngày 11-3-1945 Bảo Đại ký đạo dụ "Tuyên cáo Việt Nam độc lập", ra tuyên bố này khác,... là do sức ép của phát-xít Nhật, qua đó chấp nhận thay thế thế lực ngoại xâm đô hộ này (Pháp) bằng thế lực ngoại xâm đô hộ khác (phát-xít Nhật). Để sáng tỏ, Lê Công Định nên tìm đọc hồi ký của ông Trần Trọng Kim cùng các tài liệu liên quan để hiểu quan hệ của ông với người Nhật như thế nào, tại sao lại có ý kiến cho rằng "Trần Trọng Kim bị người ta dùng làm con bài, mà vẫn tưởng là họ cho ông ra đóng góp với dân tộc"!

Phát ngôn bừa bãi về ngày độc lập của dân tộc xong, Lê Công Định chuyển sang ca ngợi... chế độ Sài Gòn trước đây! Như muốn hùa theo mấy kẻ chống cộng người Mỹ gốc Việt đang sống ngày tàn nơi đất khách quê người và tự huyễn hoặc, tự an ủi nhau về "quá khứ oai hùng", Lê Công Định làm thơ "kính tặng" một viên tướng vì bại trận phải tự sát và "tướng lĩnh, binh sĩ VNCH", mà qua câu thơ "Từng thao lược, can trường xông trận mạc - Giặc thù phơi xác, máu loang chân" (!) là có thể hiểu anh ta đứng về phía nào. Sau đó, nhân "ngày giỗ Ngô chí sĩ" và kỷ niệm sự kiện Ngô Đình Diệm phế truất Bảo Đại, Lê Công Định vừa viết trên facebook coi Ngô Đình Diệm là "nhân vật từng có sự nghiệp vĩ đại nhất của dân tộc ở thế kỷ 20..., nhân vật lịch sử đã từng tranh đấu và ngã xuống vì quốc gia Việt Nam" (!), vừa đưa lên internet bức ảnh chụp anh ta đứng bên mộ Ngô Đình Diệm như muốn khẳng định không nói suông!? Thậm chí mới đây, trong một status đăng trên facebook cá nhân, trong khi xưng xưng viết "lịch sử phải khách quan", anh ta lại bất chấp sự thật lịch sử, ngang nhiên coi việc chính quyền Ngô Đình Diệm "lê máy chém" giết hại nhân dân miền nam là "vu cáo... luận điệu tuyên truyền của nhà nước"! Bàn về một vấn đề hệ trọng như thế, nhưng không tìm hiểu lịch sử, hay anh ta cố tình bỏ qua lịch sử để "làm đẹp thần tượng Ngô chí sĩ"!? Rất nhiều tài liệu về tội ác của chính quyền Ngô Đình Diệm do chính người Mỹ và nhiều người nước ngoài viết đã xuất bản, chẳng lẽ Lê Công Định không đọc? Còn về máy chém, mọi người đều biết đó là một công cụ man rợ mà chính quyền Ngô Đình Diệm sử dụng để giết hại đồng bào, mà cái chết của Ba Cụt (tức Lê Quang Vinh, bị chém ở Cần Thơ năm 1956), Hoàng Lệ Kha (Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh, bị chém ở Tây Ninh năm 1960),... là những sự kiện đủ chứng minh Lê Công Định cố tình đổi trắng thay đen, phớt lờ sự thật lịch sử. Nếu là người cầu thị, Lê Công Định cần đọc mấy dòng của tác giả Cao Hữu Tâm khi trao đổi với một số người đang lao xao "hoài Ngô" đã viết trên trang mạng sachhiem.net: "Cụ đã mục xương lâu rồi, đừng mang cái xác thối của cụ ra bắt người khác ngửi mùi tử khí "anh minh" nữa. Cụ do Mỹ cho về, cũng lại do Mỹ bứng đi, đó là quy luật của nhờ cậy rồi phản bội, thôi. Còn muốn chống cộng, không phải chỉ văng tục chửi thề tục tĩu là cộng sản chết đâu, mà kết quả ngược lại, tức là bị phản ép - phê rồi đó!".

Tuy nhiên, sự tráo trở của Lê Công Định thể hiện rõ nhất khi anh ta viết: "Chính biến cố bắt giam tôi ngày 13-6-2009 đã đẩy tôi vào con đường chính trị một cách bất đắc dĩ"! Viết như thế, chẳng hóa ra là Lê Công Định tự "vả" vào những gì anh ta nói khi trả lời phỏng vấn của BBC như đã dẫn ở trên? Từ sự thành khẩn nhận tội của anh ta trước tòa, thử hỏi ai đã tham gia "ban thường vụ" của cái gọi là "đảng dân chủ Việt Nam" của Nguyễn Sĩ Bình ở Hoa Kỳ, và nếu không bị bắt giữ thì còn giữ chức "tổng thư ký" của cái "đảng" bịp bợm này? Thử hỏi, ai đã tham gia "khóa huấn luyện" của tổ chức khủng bố "Việt tân" năm 2009 ở Pattaya (Thái-lan)? Thử hỏi, ai đã lấy các bí danh Nguyên Kha, Paul, C4 (Chị Tư) để liên lạc với đồng bọn, soạn thảo 33 tài liệu công kích chế độ? Thử hỏi, ai đã công khai thừa nhận "Tôi thấy những việc làm của tôi đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Tôi rất ân hận với hành vi sai trái của mình"? Chẳng lẽ đó không phải là hoạt động chính trị? Bằng các câu chữ này, Lê Công Định không chỉ tráo trở sổ toẹt lời khai mà qua đó như muốn đổ lỗi cho chính quyền đã đẩy anh ta vào "con đường chính trị". Phải chăng Lê Công Định muốn dọn đường để tiếp tục đi trên con đường cũ bằng cách thức khác? Phải chăng anh ta muốn đánh tiếng về "lòng trung thành" với ai đó? Tiền hậu bất nhất, nhưng lời khai, vi-đê-ô clip nhận tội của anh ta thì vẫn còn rành rành trên internet. Thiết nghĩ, từng là một "luật sư" được ca ngợi có "tài năng", nhưng Lê Công Định lại công khai thể hiện thái độ tráo trở như vậy thì thử hỏi, đâu là con người đích thực của anh ta?

V.H.L.

Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/24862202-su-trao-tro-cua-mot-nguoi-tung-la-luat-su.html