Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

VỤ TRUNG QUỐC XÂM PHẠM VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ CỦA VIỆT NAM -Phép thử của Trung Quốc và giải pháp của chúng ta

Nguồn phapluattp
Trong suốt những năm qua, các con tàu ngư chính của Trung Quốc đã liên tục bắt giữ, đánh đập và đòi tiền chuộc đối với ngư dân Việt Nam tại các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. 
 Nhưng với sự kiện ngày 26-5-2011, Trung Quốc đã leo thang từ bắt giữ các tàu thuyền ngư nghiệp của Việt Nam tại các vùng nước xa bờ đến tấn công tàu khảo sát địa chấn trong chính vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam!
Vào ngày 26-5, Trung Quốc đã ngang nhiên tấn công tàu Bình Minh 02 của Việt Nam ngay tại vùng biển của Việt Nam (12 độ 48'25" vĩ bắc, 111 độ 26'48" kinh đông), trong vòng 200 hải lý kể từ đường cơ sở, tức hoàn toàn không dính dáng gì đến các tranh chấp ngoài xa hơn là Hoàng Sa và Trường Sa.
Sự kiện này diễn ra ngay sau chuyến thăm các nước Singapore, Indonesia và Philippines (từ 15-5-2011) của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt. Trước đó, ngay trước chuyến thăm Mỹ của Tham mưu trưởng Trung Quốc Trần Bỉnh Đức (16-5-2011), Trung Quốc cũng đã đơn phương ban bố lệnh cấm đánh bắt cá trong biển Đông có hiệu lực từ 16-5-2011 đến 1-8-2011, trên vùng biển mà Việt Nam có chủ quyền…
Những tín hiệu phát đi từ phía Trung Quốc
Thái độ ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp những gì mà chính phủ Trung Quốc đã cùng ký kết và cam kết tại các hội nghị từ trước đến nay, bất chấp văn minh ứng xử của cộng đồng các quốc gia văn hiến, cho thấy một số tín hiệu phát đi của các giới làm chính sách của Trung Quốc.
Thứ nhất, giới quân đội có tinh thần dân tộc cực đoan Trung Quốc đang cố chứng tỏ với ASEAN và cộng đồng thế giới rằng Trung Quốc sẽ sẵn sàng phủ nhận các văn bản mà chính mình đã ký kết và kiên trì cách tiến xuống vùng biển Đông bằng chính sách vừa lấn vừa đàm. Những sự kiện nêu trên cho thấy các văn bản ký kết với các nước ASEAN có ít giá trị ràng buộc.


Khu vực tàu Bình Minh 02 của Việt Nam (dấu  O ) bị cắt cáp nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Chính sách tàm thực (tằm ăn dâu), vừa lấn vừa đàm, tuyên bố trước, hù dọa kèm và giành giật sau, đã được Trung Quốc thực hiện lâu dài từ nhiều năm. Từ giai đoạn sử liệu Trung Quốc nhìn nhận cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam cho đến lúc tuyên bố mập mờ cả vùng chữ U là "lợi ích cốt lõi", Trung Quốc đã tiến xa, tiến sâu ngay trước sự chứng kiến của ASEAN và thế giới.
Thứ nhì, Trung Quốc đang tiến đến cô lập và uy hiếp Việt Nam hơn nữa sau chuyến thăm Mỹ và ASEAN của giới quân sự nước này, bất chấp những động thái ôn hòa hơn của giới ngoại giao; đồng thời phát một tín hiệu đến Việt Nam và các nước ASEAN khác rằng họ đang tìm cách vừa làm thân với Mỹ và các cường quốc có lợi ích quốc gia về hàng hải tại khu vực, vừa cách ly Việt Nam với các quốc gia ASEAN. Thậm chí thái độ này của Trung Quốc còn là một nước cờ nhằm làm cho ASEAN bán tín bán nghi liệu họ đã thỏa thuận được với Mỹ và cho Việt Nam phỏng đoán liệu Trung Quốc đang mặc cả với Singapore, Philippines và Indonesia và cả Mỹ trên lưng Việt Nam.
Thứ ba, Trung Quốc đang làm phép thử đối với đường chữ U (đường lưỡi bò). Nếu gặp phải sự phản ứng kiên quyết của Việt Nam và của ASEAN thì họ sẽ tính toán khác. Nếu Việt Nam im lặng và ASEAN giữ thái độ đứng ngoài, Trung Quốc sẽ đương nhiên ghi điểm và sự việc ngày 26-5-2011 sẽ có thể được tô vẽ thành một sự kiện bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc như sự kiện Lý Chuẩn ra Hoàng Sa năm 1909 và sự kiện Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974.
Thứ tư, Trung Quốc đang chuyển hướng lưu ý của dư luận ra bên ngoài nhằm hạ nhiệt dư luận đối với các khó khăn xã hội trong nước. Các cuộc đình công của giới xe tải tại Thượng Hải vào cuối tháng 4-2010 và các cuộc đánh bom tại Giang Tây trong tuần vừa qua đã nói lên phần nào lý do của thái độ gây hấn của Trung Quốc vừa qua.

Tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Thứ năm, tại Trung Quốc, các nhà nghiên cứu về biển của Trung Quốc được sự tài trợ của chính phủ đã liên tiếp cho ra nhiều sách và xuất bản phẩm đưa thông tin sai lệch về chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và lần này họ cũng đang tạo một tiền đề cho các học giả Trung Quốc "bảo vệ" hành động của các tàu hải giám, để dành cho những ngụy biện về sau.
Thứ sáu, Trung Quốc dùng sự kiện này để răn đe các nước khác có tranh chấp với Trung Quốc như Nhật, nước hiện đang có kế hoạch triển khai quân ra đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư).
Chúng ta cần có những giải pháp tổng thể
Trước những động thái vừa được phân tích trên, những nhà làm chính sách và nhân dân Việt Nam chúng ta cần làm gì?
Đầu tiên chúng ta cần có những phản ứng về ngoại giao ở cấp cao nhất tầm quốc tế (Liên Hiệp Quốc) và quyết liệt như gửi kháng thư, yêu cầu bồi thường và thông tin kịp thời đến cho các giới kinh doanh, các hộ ngư dân làm thủy sản, các giàn khoan ngoài khơi để tránh bị động nếu giới quân sự của Trung Quốc lại leo thang xâm lấn. Việc minh bạch các thông tin này cũng là để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân trước thái độ hung hăng này.
Cần nhanh chóng xúc tiến xây dựng và ban hành Luật Biển Việt Nam để có cơ sở bảo vệ ngư dân, lãnh hải trong khuôn khổ luật quốc tế và các cam kết đối với khu vực.
Chúng ta cần luôn luôn tận dụng chữ ký của Trung Quốc tại Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và tại Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC 2002) cũng như có những biện pháp để ASEAN có ý kiến, vì đây là một vi phạm nghiêm trọng đến thể diện, lợi ích và những cam kết hòa bình mà ASEAN đã theo đuổi.
Chúng ta cũng cần có cách thức tác động đến nhân dân Trung Quốc là những giới bị thiếu thông tin trong vấn đề biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa - họ đang ngày càng xa rời sự thật khách quan khi nhận nhiều thông tin có tính dân tộc cực đoan và bóp méo hiện trạng cũng như lịch sử từ giới quân sự.
Nhân dân Việt Nam cũng cần lên tiếng từ các hội đoàn, người Việt ở cả trong nước và ở nước ngoài. Đây cũng là lúc mà sự đoàn kết trong và ngoài nước sẽ có giá trị lớn để vượt qua khủng hoảng. Người Việt sẽ tiếp tục sử dụng những cách thức ôn hòa và văn minh để vượt qua thách thức này của đất nước.
Sau cùng, ngoài việc bảo vệ đất nước bằng ngoại giao, chúng ta có lẽ cũng cần tính đến việc buộc phải sử dụng cách thức bất khả kháng, khi có những tình huống xấu hơn nữa, mà không rơi vào tình thế bị động. Hành động xâm lấn không phải chỉ có thể xảy ra ở bờ biển nước nhà, khi người láng giềng lại tiếp tục leo thang với những hành động không thể biện minh được như vừa qua.
Tóm lại, sự việc 26-5-2011 nghiêm trọng ở chỗ sự xâm lấn ngày càng sâu dần vào lãnh thổ hợp pháp của Việt Nam, thách thức và thăm dò lòng tự trọng của nhân dân Việt Nam. Đã đến lúc chúng ta cần có những giải pháp tổng thể trên nhiều phương diện để tìm giải pháp cho Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông. Các giải pháp hiện nay cần tiến hành đồng bộ, đồng loạt và đi sâu vào nhiều tầng lớp nhân dân Việt Nam.
NHÓM TÁC GIẢ (*)
(*): Lê Vĩnh Trương - Nguyễn Đức Hùng - Dư Văn Toán - Nguyễn Trọng Bình - Phạm Thu Xuân (Quỹ Nghiên cứu biển Đông)

Dồn lực cho an ninh hàng hải
Việc tàu Trung Quốc cắt dây cáp, phá rối Petro Vietnam, đặt lại vấn đề quản lý và bảo tồn hải dương, chứng tỏ việc phát triển kinh tế biển của Việt Nam còn nhiều bất cập. Chức năng của các bộ ngành liên quan như bảo hiểm, an toàn giao thông hàng hải, cảnh sát biển cần phải được rà soát lại. Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi tính đến chuyện hợp tác làm ăn với các đối tác nước ngoài vì vấn đề an ninh hàng hải không được bảo đảm. Nếu cần thiết nên có một lực lượng tuần duyên đa ngành (hàng hải, biên phòng, tìm kiếm và cứu nạn, ứng phó tràn dầu, ban biên giới) cùng triển khai với cảnh sát biển được trang bị hiện đại với máy bay lên thẳng và khi cần có cả không lực và chiến đấu cơ để có sức mạnh răn đe trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Chính phủ cần có chính sách khuyến khích và tài trợ các hoạt động nghiên cứu biển Đông ở các trường ĐH và viện nghiên cứu ở Việt Nam một cách cụ thể. Việc nghiên cứu về biển Đông sẽ cho chúng ta xây dựng được tư liệu và cơ sở pháp lý cho vấn đề tranh chấp trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông để phản biện lại những lý luận của Trung Quốc.
 


Ôn lại hình ảnh hai cuộc biểu tình ngày 9/12 và 16/12-2007

Nguồn anhbasam
 
 

Đăng bởi anhbasam on 30/05/2011

HAI CUỘC BIỂU TÌNH

Ngày 9-12 và 16-12-2007

(Xem Wikipedia)

Đầu tháng 4-2007: hải quân Trung Quốc bắt giữ 4 thuyền đánh cá Việt Nam (gồm 41 người) hoạt động trong vùng biển gần Trường Sa.

Ngày 27-6-2007 tàu hải quân Trung Quốc bắn ngư dân Việt Nam. Sáu công nhân trên tàu bị thương.

Ngày 9-7-2007: hải quân Trung Quốc nã súng vào ngư dân Việt Nam, một người thiệt mạng. Hai tàu chiến của Việt Nam đến hiện trường nhưng bị hỏa lực Trung Quốc quá mạnh nên không thể đến gần.

Tháng 8-2007, nhiều tàu của ngư dân Việt Nam bị bắt, nhiều người bị bắn chết, bị thương.

Ngày 10-12-2007: Phản đối Trung Quốc lập Thành phố Tam Sa bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa: Người dân tụ tập bày tỏ bất bình(Tuổi trẻ/BNG)

Ngày 11-12-2007: người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố "… quan ngại về những diễn biến mới đây ở Việt Nam. Điều đó sẽ làm tổn hại quan hệ tốt đẹp giữa hai nước".

Mẹ chỉ yêu nước thôi, đừng đánh … Các con nhé!

Trên Đường Giảng Võ, đoàn biểu tình hướng về Hoàng Diệu, nơi có tòa Đại sứ Trung Quốc

Nhà báo tự do Xuân Bình "Nói với con về Tổ Quốc"  — (BBC)

Tại TPHCM

Nhạc sĩ Tuấn Khanh cùng một số nhà báo, văn nghệ sĩ và quần chúng trước tòa Lãnh sự TQ tại TPHCM

Nhạc sĩ Tô Hải đang làm bẽ mặt nữ cán bộ đi vận động khơi khơi

Gần trụ sở Thành Đoàn TPHCM

Biểu tình lần 2

Biếm họa giặc bành trướng

Khẩu hiệu có cả chữ Tàu

Như sẵn sàng "Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh"

Đoàn biểu tình đang rời khu Chung cư Giảng Võ

Trên đường tới "mục tiêu" tranh đấu

LS Lê Quốc Quân (trái)

Trước cổng Sứ quán TQ

"Ta vận" với thanh niên xung phong

Trước Dinh Độc Lập với ý nguyện độc lập

Phỏng vấn

Lực lượng công an chỉ canh chừng đề phòng quá khích

Kính Phật, yêu nước!

Mẹ con Nhà văn Trang Hạ

Ối giời ơi! … Cho chúng tôi làm người yêu nước!

(Theo độc giả, đây là một bác người miền Nam, tự đứng ra cầm trịch cho mọi người biểu tình)

Sài Gòn nóng

Tại Đức

Tại Anh

Tại Pháp

Mai Thah Hải : KHIÊU KHÍCH QUÂN SỰ THÁNG 5-2011 VÀ BÀI HỌC 2-1979

 

 

Lính Trung Quốc khiêu khích bộ đội ta (mũ cứng), cửa khẩu phía Bắc 1978
Mai Thanh Hải Blog - Mờ sáng 17/2/1979, Trung Quốc đã bất ngờ nổ súng, ào ạt xua bộ binh, xe tăng dưới sự yểm hộ của pháo hạng nặng, đồng loạt tấn công vào các điểm cao, mục tiêu quân sự - chính trị kinh tế của 6 tỉnh trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta. 

Chúng ta đã bị bất ngờ trước cuộc tấn công. Sự chống trả ngăn bước quân xâm lược, ngay những ngày đầu chỉ được thực hiện bằng những Đồn, Trạm, đơn vị Công an Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), bộ đội địa phương, dân quân - du kích - tự vệ và cả những người dân, với trang bị thiếu thốn, lạc hậu. Đến khi các đơn vị chủ lực cơ động từ các vùng miền, tỉnh khác về và đặc biệt là cấp tốc hành quân bằng máy bay, tàu hỏa từ miền Nam ra, chiến trường Campuchia về, thì số lượng không nhỏ cơ sở hạ tầng của ta đã bị lính Trung Quốc phá hủy tan nát, hàng vạn người dân bị thiệt hại và hàng triệu người mất nhà cửa, ruộng vườn, phải tay bị tay gậy, bồng bế nhau sơ tán về tuyến sau. Rất nhiều nhiều đơn vị chủ lực cơ động ra "chi viện cho biên giới phía Bắc" đã không kịp... nổ một phát súng, dù là chỉ thiên trên đầu quân bành trướng xâm lược, bởi lý do rất đơn giản: Quân Trung Quốc đã phá xong, giết xong, rút về từ... tám hoánh.
Lính Trung Quốc đe dọa phóng viên chụp hình

Hôm nay, cho dù một số người cầm quyền đã ký Hiệp định không nhắc lại sự kiện 17-2-1979 cùng quãng thời gian 10 năm sau đó, ròng rã bảo vệ biên giới Tổ quốc; người ta cũng "tế nhị" không ghi lại trong sách Lịch sử trong các cấp học dạy học sinh và cũng muốn lãng quên quá khứ máu xương - nước mắt cả chục năm liền trên biên cương... Thế nhưng chắc chắn, sẽ có 1 lúc nào đó, người ta sẽ phải công khai, sẽ phải tìm hiểu và lật lại vấn đề, để ít nhất rút ra bài học về quan hệ với kẻ láng giềng tham lam và bài học cảnh giác, nắm bắt tình hình, dự đoán tình huống và nhất là để Tổ quốc không bị bất ngờ...

Năm 1979, trước khi cuộc chiến nổ ra, những hành động khiêu khích quân sự, leo thang tình hình của nhà cầm quyền Trung Quốc với Việt Nam xảy ra liên tục. Đơn cử như: Rút hết chuyên gia, kỹ sư, công nhân kỹ thuật đang giúp đỡ, làm việc ở tất cả các công trình, dự án về nước; dựng lên cái gọi là "Nạn Kiều" và kêu gọi, xúi giục những người Việt gốc Hoa, sinh sống bao đời, bao thế hệ, bỏ hết nhà cửa, công việc ở Việt Nam, rồng rắn kéo nhau về "cố quốc" Trung Quốc, trên mọi phương tiện, hiểm nguy...

Đặc biệt, trên biên giới phía Bắc thời điểm 1978, hầu như các tỉnh đều nóng bỏng tình trạng lính Trung Quốc cải trang thành người dân, tràn quan biên giới, xâm nhập vào đất ta để cướp phá lương thực - thực phẩm, phá hoại sản xuất, gây rối - hành hung - bắt cóc cán bộ, nhân dân...
Thi thể chiến sĩ Lê Đình Chinh

Cao trào nhất phải kể đến trường hợp Thượng sỹ Lê Đình Chinh (sinh năm 1960, quê ở xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), đã hy sinh ngày 26-8-1978, tại biên giới Lạng Sơn. Thượng sỹ Lê Đình Chinh hy sinh trong khi ngăn chặn hàng chục lính Trung Quốc giả dạng côn đồ, vượt biên giới sang đất ta hành hung cán bộ, phụ nữ, nhân dân địa phương và xác của người chiến sĩ Biên phòng gần 20 tuổi này, bê bết những vết dao quắm, nhưng vẫn phải để vậy, đưa lên băng ca ra cửa khẩu, gọi bên Trung Quốc sang nhìn, để tố cáo...

Trước những hành động khiêu khích như vậy, rất nhiều người đoán chắc sẽ có xung đột - chiến tranh, thế nhưng một số người lại không nghĩ vậy và đến khi súng đã nổ rền trên biên giới, người ta mới "à!" vỡ lẽ và cuống cuồng điều quân chủ lực về chi viện cho những Đồn Công an vũ trang chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, ngọn lê cuối cùng, chiến sĩ cuối cùng; những tiểu đội dân quân - du kích tắc bụp bắn lính Trung Quốc đen đặc bằng súng trường K44, tiểu liên K50 từ hồi đánh Pháp...
Tàu Hải giám xâm phạm nghiêm trọng lãnh hải Việt Nam

Tháng 5/2011, hành động khiêu khích quân sự của Trung Quốc lại được tái diễn bằng việc 3 tàu tuần tra biển Trung Quốc phăm phăm chạy vào sâu trong lãnh hải Việt Nam 84 hải lý để uy hiếp, tấn công tàu địa chấn Bình Minh 02 của Tạp đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) ngay trên vùng biển Phú Yên - Khánh Hòa suốt 4 tiếng đồng hồ. Điều lạ ở đây là suốt thời gian tàu Bình Minh 02 và 4 tàu bảo vệ phải chơi trò "đâm, ủi" giằng co với các tàu Trung Quốc hiện đại trên biển, trong phía bờ không có bất cứ hành động trợ giúp, cứu viện nào, cho dù Quân cảng Cam Ranh (nơi đậu đỗ của các tàu chiến đấu hiện đại nhất thuộc Quân chủng Hải Quân) và sân bay Thành Chơn (hay còn gọi là căn cứ không quân Phan Rang, nơi lúc nào cũng sẵn sàng cất cánh những biên đội máy bay chiến đấu SU30 bảo vệ Trường Sa), nằm gần ngay đó, với tổng thời gian ra tới nơi, chắc chỉ khoảng 15-20 phút.
Cáp thăm dò bị tàu Trung Quốc cắt
Cũng giống như cuối năm 1978, khi hành động khiêu khích của Trung Quốc xảy ra, quá mức chịu đựng, hệ thống các cơ quan truyền thông lại có dịp lên tiếng xả láng, phản đối (điều mà lâu lắm rồi mới được phép, từ sau sự kiện 14/3/1988) và cũng ý chang cuối năm 1978, những phát ngôn của Nhà nước mới dừng ở cấp Bộ Ngoại giao, chưa thấy cấp cao hơn tỏ bày, động đậy...

Cuộc chiến tranh biên giới 1979 kéo dài trong cả chục năm, với không biết máu xương đã đổ xuống, cũng có 1 phần lý do bất ngờ, chủ quan không lường trước mưu đồ của kẻ xâm lấn. Thế nhưng sau hơn 32 năm, chẳng lẽ cái bài học xương máu, cực kỳ quan trọng với mỗi chính thể, lại không rút ra được?..

Thế giới ngày nay đã khác. Vị thế của quốc gia cũng đã khác. Ý thức của con người cũng đã khác và cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề cũng khác. Thế nhưng vẫn không gì thay đổi được là tinh thần dân tộc và yêu chuộng hòa bình, không muốn chiến tranh ở mỗi con người, mọi dân tộc, các quốc gia. Người dân Việt Nam - Trung Quốc, không ai muốn tái diễn cuộc chiến tranh như 1979, bởi suy cho cùng, trong mọi cuộc chiến tranh, chỉ người dân là chịu sự mất mát, hy sinh và ý thức của mỗi người, đều đặt niềm tin vào phương pháp xử lý, giải quyết vấn đề của những người cầm quyền. 

Nếu nhà cầm quyền Trung Quốc không âm mưu biến Biển Đông thành ao nhà, đưa những lính thủy Trung Quốc ra xâm phạm lãnh hải quốc gia khác, bắn giết người dân nước khác, thì chắc chắn những người mẹ Trung Quốc sẽ không phải tủi hổ khi cái chết của con mình bị gọi là "trừng trị đích đáng", "quân xâm lược"; nếu bài học cảnh giác, không để Tổ quốc bị bất ngờ được những người lãnh đạo Việt Nam thấm thía, thì chắc chắn sẽ không có những người nằm xuống trong uất ức, không thể hiểu vì sao mình lại bị bắn, như trong buổi sáng sớm ngày 17-2-1979 và bao nhiêu người mẹ, người vợ Việt Nam, đến bây giờ vẫn không biết xác của 64 người thân bộ đội Hải quân mình nằm đâu, khi trúng đạn Trung Quốc, sáng 14-3-1988 tại vùng biển Cô Lin - Gạc Ma, Trường Sa của Việt Nam.
Biên phòng Việt Nam - Trung Quốc đấu khẩu trên đường biên

Bảo vệ đất nước, không chỉ đơn giản là chuyện gọi điện mời báo chí đến họp, phát biểu mấy câu vô hồn như máy khâu chạy lạch xạch quen thuộc, chiếm mấy phút thời lượng trên Truyền hình Quốc gia phản đối, yêu cầu này khác; Bảo vệ đất nước, càng không thể là thi thoảng gặp gỡ - hội đàm cấp này khác và tranh thủ "gài" chuyện chủ quyền lãnh thổ để đối tác "lưu ý giúp đỡ"; Bảo vệ đất nước, lại không thể chơi trò "nói như rồng leo, làm như mèo mửa": Tuyên bố trên Báo đài, trước Hội trường, Cử tri thì hùng hồn, nhưng khi xảy ra sự việc thì im thin thít, thậm chí không thấy có mặt trên bản tin VTV, như thường lệ; bảo vệ đất nước, tuyệt đối không thể bịt mồm người khác muốn sát cánh hô câu "Bảo vệ đất nước"...

Bảo vệ đất nước, điều đầu tiên là phải tâm niệm "đất nước phải được bảo vệ", giữ gìn uy danh, phát huy truyền thống quật cường vốn có và phát huy, khơi gợi tinh thần dân tộc trong mỗi công dân. Bảo vệ đất nước - Việc này càng quan trọng hơn khi tư thế của người bảo vệ hiên ngang, ngẩng đầu chứ không dúm dó, sợ sệt và chấp nhận "Trạng chết, Chúa cũng băng hà"... Một chính thể mà những người cầm quyền không biết thổi bùng, tranh thủ ngọn lửa yêu nước trong mỗi công dân, khi chủ quyền lãnh thổ quốc gia bị xâm phạm thì chính thể ấy không đặt lợi ích dân tộc, người dân lên hàng đầu và dĩ nhiên, khái niệm bảo vệ đất nước - người dân, có chăng chỉ chuyện nằm trên giấy. Lâu nay, chúng ta hay nhắc đến 2 chữ "đồng thuận", thời điểm này là dịp tốt nhất để những người lãnh đạo tỏ rõ vai trò gắn kết, tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong việc bảo vệ - xây dựng Tổ quốc. Mọi công dân Việt đang chờ đợi những người lãnh đạo tỏ rõ chính kiến yêu nước, phát động yêu nước và noi gương yêu nước, từ câu chuyện nhỏ mà lớn, truyền thống và hiện tại: "Cương quyết chặn đứng mọi âm mưu xâm lược và để Tổ quốc không bị bất ngờ"...

Bài học này, cha ông ta đã truyền lại từ bao đời trước và vẫn còn vẹn nguyên, nóng hổi cách đây hơn 32 năm: Ngày 17-2-1979, Trung Quốc bất ngờ tấn công xâm lược Việt Nam...
-----------------------------------------------------------------------

HÌNH ẢNH TRUNG QUỐC KHIÊU KHÍCH VIỆT NAM, TRƯỚC 17-2-1979


Lính Trung Quốc khiêu khích bộ đội ta (mũ cứng) tại cửa khẩu biên giới phía Bắc, 1978

Người Việt gốc Hoa bị lôi kéo về Trung Quốc

Người Việt gốc Hoa phải bỏ nơi sinh sống, làm việc để về Trung Quốc trong gian nguy

Lính Trung Quốc hung hãn đe dọa phóng viên chụp hình

Biên phòng Việt Nam - Trung Quốc đấu khẩu ngay trên đường biên giới 2 nước


Thi thể chiến sĩ Lê Đình Chinh sau khi bị lính Trung Quốc dùng dăm quắm chém đến chết



Một số nhóm thám báo đột nhập vào Việt Nam bị bắt giữ