Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Văn Đức : Muốn tồn tại, không thể sợ hãi và hèn yếu!

Post lại từ nguyenhuuquy 



Hoàng Long Thư Quán (Văn Đức)

Tượng Lý Công Uẩn và "Chiếu dời đô"
chỉ có "tinh thần Đại Việt" mới cứu rỗi được dân tộc Việt Nam!

chỉ khi nào có một Hiến pháp đích thực, mọi quyền lực thuộc về nhân dân...
thì Việt Nam mới là chính mình
Đôi lời của Nguyễn Hữu Quý Blog:

Trong bài: Chia sẻ với tác giả bài "Thế trận Việt Nam: Cần một tư duy mới", chủ Blog rất tâm đắc với một comment của đọc giả Văn Đứcvì vậy, chủ Blog đưa thành một bài đăng trên trang chủ, theo đúng với tên tiêu đề mà đọc giả Văn Đức đã đặt.

Trước đó, vào lúc 06:18, một bác Nặc danh có một comment như sau:

Nặc danh nói...
Xin góp ý về nhận định cho là VN đã để cho TQ thọc sâu vào tình hình chính trị Lào và CPC có
lẽ không chính xác chút nào. Thật ra, TQ có khả năng áp đảo nước ta về nhiều mặt, nhất là viễn kiến nhìn xa thấy rộng và tiền bạc, do đó chúng đã thò tay vào chi phối nội bộ 2 nước nhỏ trên khiến cho VN. phải lép vế, đúng theo chiến lược vây hãm độc địa của TQ đối với nước ta.

Nhân đây, chủ Blog muốn trao đổi thêm với bác Nặc danh, xung quanh nhận định mà bác Nặc danh cho là "không chính xác chút nào".

Tôi đồng ý với bác Nặc danh, rằng TQ có khả năng áp đảo nước ta về nhiều mặt; tương tự như thế, với Lào và CPC họ cũng… chẳng tha; nhưng ngược lại, nếu như sau ngày giải phóng 30/4/1975, hoặc một thời gian ngắn sau đó, Việt Nam ta đi theo con đường dân chủ thực sự, nghĩa là có một Quốc hội lưỡng viện; thì chắc chắn, với mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào – CPC, thì hai quốc Lào và CPC sẽ đi theo con đường dân chủ như ở VN.

Và như thế, với một Quốc hội lưỡng viện, thậm chí là thể chế chính trị đa đảng… thì chắc chắn TQ không thể hối lộ các quan chức cầm quyền như đã từng xẩy ra. Chính tình trạng độc đảng mới là cơ hội để TQ mua chuộc (điều này không cần giải thích thêm).

Chính vì thế, trong bài "Nguy cơ đối với Việt Nam đến từ Lào và Căm Pu Chia (!?)", ngay từ tháng 7/2010, tôi đã viết:

… Chính vì mối quan hệ "đặc biệt" và gần gũi ấy, cho nên tất cả những tồn tại, bất cập trong xã hội VN hiện nay đều có ảnh hưởng tiêu cực đến đất nước Lào, "gần mực thì đen" được hiểu theo ý nghĩa ấy.

Tình trạng tham nhũng ở Lào cũng không thua kém gì ở VN, đó chính là cơ sở để TQ khai thác trong chiến lược bành trướng của Bắc Kinh; việc hối lộ để mua chuộc quan chức của TQ đối với đối tác nước ngoài là rất thành công, đặc biệt là ở châu Phi.

Thưa bác Nặc danh,

Đoạn nói lại trên đây, chắc là bác hiểu ý người viết?

Hôm nay ta lật ngược lại vấn đề; giả sử rằng, Quốc hội nước ta là lưỡng viện; thể chế chính trị nước ta là đa đảng… thì liệu rằng, TQ có vào được Tây Nguyên thông qua dự án bô xít; có tình trạng cho thuê đất rừng 50 năm…?

Rõ ràng là KHÔNG!

Vì thế, trong bài: Chia sẻ với tác giả bài "Thế trận Việt Nam: Cần một tư duy mới", tôi đã nhận định "… việc VN đã để cho TQ thâm nhập sâu vào tình hình chính trị tại Lào và CPC…" là được hiểu theo những điều nói trên.

Rất cảm ơn bác Nặc danh đã cho chủ Blog cơ hội để giải thích!

Sau đây là bài của bác Văn Đức:

Muốn tồn tại, không thể sợ hãi và hèn yếu!

Thưa quý vị,

Xin góp một số nhận xét sơ khởi để tham gia bàn thảo.

*
Nhận định: „nguy cơ (xâm lăng của Trung Quốc) đối với VN đã không còn xa nữa." là xác đáng. Nhân đọc một bài trên BauxiteVN.info có đoạn viết liên quan như sau, xin dẫn:

"Gien sợ" này không phải mới xuất hiện trong con người Việt Nam, mà có thể nói nó đã cùng dân tộc ta đi suốt chiều dài lịch sử. Bởi lịch sử của chúng ta: "1000 năm đô hộ giặc Tàu, 100 năm đô hộ giặc Tây", tức là lịch sử của một dân tộc nô lệ, mà đã là nô lệ thì biết sợ chính là chân lý để tồn tại. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng trong lịch sử chúng ta đã nhiều lần "anh dũng" chiến thắng ngoại xâm, và chẳng phải "người Việt Nam dũng cảm kiên cường" hay sao. Để tranh luận về vấn đề này tôi xin trích một câu của tác giả Nguyễn Lương Hải Khôi đã đăng trên Tuần Việt Nam [1]: Nước ta suốt nghìn năm, mỗi khi Trung Quốc xâm lăng thì ngoan cường tuyên bố "Nam quốc sơn hà Nam đế cư", nhưng thắng họ rồi thì lại đều đặn triều cống, các Vua mỗi khi lên ngôi thì luôn xin "thiên triều" phong tước, tự coi mình là nước nằm trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Hết trích dẫn.

*
Từ đây có 2 điểm cần xét:

1: Sợ là gì? Và

2: Tại sao ta luôn hành xử theo thế „sợ Trung Quốc", dù che dấu hay biểu hiện?

Xin dẫn ra sự giải thích sơ lược về „phản ứng sợ" làm cơ sở (tôi mới tìm hiểu bước đầu, trích dịch):
Sự sợ hãi trước hết là chỉ những trạng thái biểu hiện rung động phấn kích mạnh mẽ của lo lắng và rùng rợn mà theo ý nghĩa sinh học thì là chỉ dấu cảnh báo (nghĩa là các cảnh báo tự vệ và trốn chạy). Sợ hãi là đặc tính của cuộc đời con người, giống như mọi cảm giác khác. Nó xuất hiện trong những tình huống và quan hệ rất khác nhau, cảnh báo những hiểm nguy đe dọa và như thế, nó là chức năng tự vệ quan trọng của con người.

Tại sao ta sợ Tàu (viết cho ngắn) và lúc nào người Việt không sợ Tàu?

Nếu đọc lại Nguyễn Trãi:

Lúc mạnh yếu có lúc khác nhau,

Nhưng hào kiệt đời nào cũng có.

Thì sự „sợ hãi" đã có phần được giải tỏa. Sự thực là sau trận chiến của Hoàng Đế Quang Trung quét tan 20 vạn quân Thanh của Tôn Sỹ Nghị, chẳng những suốt mấy dặm dài nơi biên ải phía Tàu, không còn có bóng dáng con người cũng như tiếng gà kêu, chó sủa, mà ngay Hoàng đế Trung Hoa cũng dằn lòng bỏ mộng xâm lăng báo thù. Nhưng cũng chính trí tuệ ta lúc đó đã mách bảo:

„… Nghĩ nó là nước lớn; Chiến tranh mãi thì chỉ khổ trăm họ."

Tôi nghĩ chính sự nhìn nhận (không thấu đáo ở một số người) „nó là nước lớn" đã tạo ra sự „sợ" để phải nhún nhường đến thua thiệt và mang họa. Sự nhìn nhận „mạnh yếu có lúc khác nhau" cũng là điều cần suy nghĩ sâu thêm: „To" nhưng cũng có lúc, có cái „yếu" – Và chính đó là cơ sở tồn tại của tộc Việt trong suốt chiều dài lịch sử.

Vậy thì vấn đề chỉ còn là: Quốc gia phải mạnh, Dân tộc phải „không sợ".

*
Làm sao để „mạnh" và từ đó „không sợ"?

Tôi đang tìm hiểu để lý giải cho mình (tạm gọi là „Hệ thống luận") và thấy được qua sự minh xác đơn giản của trí tuệ dân gian:

Mạnh – Là mạnh CẢ BÈ!

Cả một Dân tộc, cả một Quốc gia có kết nối chặt chẽ như một cái bè: Một Hệ Thống gắn kết và hoàn chỉnh – Thì đó chính là sức mạnh tổng hợp để tồn tại và phát triển, như cha ông đã từng có được và chúng ta nhất thiết phải có được.

Một HỆ THỐNG kết nối bền chắc bằng một triết lý tiên tiến vượt trội hơn triết lý mà tiền nhân mới chỉ chắt lọc và mô phỏng của Tàu chính là cái ta cần để khắc chế căn bệnh „sợ và hèn" – Sức của „Thăng Long", chí của „Đại Việt" phải là như vậy!

Trân trọng và hy vọng,

Văn Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét