Song Chi.
Cách đây mấy ngày, trên BBC, VOA, RFA, Dân làm báo…có đưa tin, bài về người tù chính trị Nguyễn Văn Trại đã qua đời vào ngày 11.7 tại nhà tù Z30A – Xuân Lộc Đồng Nai, hưởng thọ 74 tuổi, khi chỉ còn 5 tháng nữa là được trả tự do sau khi thụ án 15 năm trời.
Theo những tờ báo trên, vào những ngày cuối cùng của cuộc đời, người tù Nguyễn Văn Trại chỉ có một nguyện vọng là được về nhà để chờ chết bên cạnh gia đình, vợ con…nhưng nguyện vọng cuối cùng này cũng bị từ chối. Trước đó, mọi người vừa mới được biết đến tình trạng sức khỏe cũng như nguyện vọng của ông qua lời kêu gọi của ông Nguyễn Bắc Truyển, một cựu tù nhân chính trị hiện vẫn đang bị quản chế, gởi cho Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Như vậy là mọi người chưa kịp lên tiếng thì ông Nguyễn Văn Trại đã ra đi.
Sau khi ông qua đời, gia đình muốn xin đưa xác ông về an táng tại quê nhà nhưng Ban Giám thị trại cũng từ chối.
Bản chất của một chế độ, nhiều khi chỉ cần qua một câu chuyện như thế này là đã quá rõ, có dùng cả bộ máy truyền thông, sách giáo khoa để tuyên truyền ngược lại, cũng bằng thừa.
Khi thế giới lên án VN về những vụ bắt giữ những người bất đồng chính kiến, hoạt động dân chủ…câu trả lời thường trực của bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao VN là: " Không có cái gọi là "tù nhân lương tâm ở VN". Hoặc ở VN không có tù nhân chính trị mà chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật VN …Trong khi đó thì danh sách những người tù chính trị cứ dài theo năm tháng.
Sau 30.4.1975, hàng chục, hàng trăm ngàn binh lính, sĩ quan, dân quân cán chính của miền Nam đã bị đẩy vào tù, gọi là "đi học tập cải tạo". Có những người đã phải ở tù mười mấy năm mới được ra. Đó là những người tù chính trị thuộc dạng thứ nhất. Dạng thứ hai, là những người có dính dáng đến chế độ VNCH, đồng thởi có những hoạt động chính trị, đòi tự do dân chủ sau năm 1975, thường bị giam giữ rất lâu năm, án rất nặng nề. Như cựu trung úy Trương Văn Sương-bị tù hơn 33 năm,tháng 7. 2010 mới được tạm hoãn thi hành án một năm để về chữa trị bệnh tim, cựu đại úy Nguyễn Anh Hảo-bị tù hơn 23 năm mới được trả tự do, cựu đại úy Nguyễn Hữu Cầu hay cựu cảnh sát Trần Văn Thiêng bị tù hơn 3 thập niên vẫn chưa được thả…
Khi trả lời phỏng vấn Đài RFA, những cựu tù nhân chính trị như ông Nguyễn Khắc Toàn, ông Nguyễn Bắc Truyển, ông Nguyễn Ngọc Quang…hay cựu tù nhân Trương Văn Sương đều khẳng định "còn hàng trăm người tù chính trị, tôn giáo vẫn đang bị giam trong hơn 80 trại tù lớn nhỏ rải rác trên khắp đất nước VN", trong những hoàn cảnh hết sức tồi tệ. ("Còn biết bao người tù chính trị bất khuất đang trong cảnh đọa đày", RFA ngày 25.7.2010).
Trong bài "Người tù chính trị Nguyễn Văn Trại đã qua đời", trang Dân làm báo cho biết:
"Ông Nguyễn Văn Trại nằm trong tổng số hơn 40 người tù chính trị bị bắt & tuyên án trước thời điểm năm 2000, hiện đang bị giam giữ tại nhà tù Z30A, Đồng Nai. Tất cả những người tù này đều phải chịu những bản án hết sức nặng nề, chỉ vì họ đã tham gia các tổ chức chính trị nhằm đòi hỏi tự do, dân chủ. Trong đó, nhiều trường hợp gần như đã bị lãng quên bởi nhiều lý do, và một phần cũng vì sự bưng bít của nhà nước Việt Nam. Được biết, trong những tù nhân chính trị đang bị giam giữ tại Đồng Nai, có một số trường hợp khác cũng rất cần được báo động như sau :
- Ông Nguyễn Tuấn Nam (Bí danh : Bảo Giang) : 76 tuổi, bị kết án 19 năm tù. Đến nay, ông Nam đã qua 2 lần tai biến và không còn đi đứng được. Ông Nguyễn Tuấn Nam từng là một sỹ quan quân đội vào tiếp quản miền Nam năm 1975, nhưng ngay sau đó đã mau chóng bị vỡ mộng dưới chiêu bài "giải phóng". Sau đó, ông gia nhập quân tình nguyện tại chiến trường Camphuchia, đồng thời tìm cách liên lạc với các tổ chức chính trị. Ông Nguyễn Tuấn Nam bị bắt tại biên giới Camphuchia – Thái Lan và bị đưa về Việt Nam chịu án tù từ năm 1996.
- Ông Lê Văn Tính : 72 tuổi, bị kết án 20 năm tù. Trước năm 1975, ông là một dân biểu Việt Nam Cộng Hòa, sau năm 1975, bị bắt đi tù cải tạo 10 năm. Sau đó tiếp tục tham gia các tổ chức chính trị, ông bị bắt khi đang trên đường sang Thái Lan, rồi bị đưa về VN
– Ông Nguyễn Hữu Cầu : 67 tuổi, bị kết án tù chung thân. Ông Nguyễn Hữu Cầu từng là một đại úy trong quân đội VNCH, năm 1975 ông bị bắt làm tù binh. Năm 1982, ông Nguyễn Hữu Cầu tiếp tục bị cáo buộc "phản động" và bị kết án tử hình, nhưng sau đó giảm xuống còn chung thân. Tính đến nay, ông Nguyễn Hữu Cầu đã ở tù được 29 năm, mắt đã mờ hẳn, kèm theo chứng bệnh suy tim."
Với những người bị bắt từ sau năm 1975 cho đến khoảng năm 2000, lúc đó internet chưa ra đời hoặc chưa phát triển mạnh ở VN, hệ thống báo chí "lề trái" cũng chưa mạnh như bây giờ, nên thông tin về họ rất ít khi lọt ra bên ngoài. Đó là lý do vì sao nhiều người bị tù, phải sống trong cảnh đọa đày hàng chục năm mà số phận của họ không mấy ai hay biết.
Những tù nhân chính trị dạng thứ ba là những người sống trong chế độ hiện tại và bất đồng chính kiến hoặc có những hoạt động dân chủ như ông Nguyễn Khắc Toàn, ông Nguyễn Bắc Truyền, ông Nguyễn Ngọc Quang, linh mục Nguyễn Văn Lý…Đặc biệt là những người đã từng đứng trong hàng ngũ của đảng cộng sản VN như trung tá Trần Anh Kim, cán bộ Đảng Vi Đức Hồi, thương binh thời chống Mỹ Nguyễn Kim Nhàn hay cựu bộ đội-nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày…
Dạng cuối cùng là những người hoàn toàn sinh ra và trưởng thành trong chế độ CHXHCN VN, là trí thức có trình độ, thậm chí thuộc loại thành đạt, có vị trí trong xã hội như bác sĩ Phạm Hồng Sơn, nhà giáo Vũ Hùng, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Công Định, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, thạc sĩ tin học Nguyễn Tiến Trung, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ v.v…Với những thành phần này thì đảng và nhà nước không thể đổ thừa họ là con em gia đình ngụy nên có nhận thức kém, có sẵn mối căm thù đối với chế độ được.
Trong một xã hội độc tài như Việt Nam, bản án dành cho những tù nhân chính trị thường rất nặng nề. Chỉ cần bất đồng chính kiến, viết blog, viết bài, lưu trữ tài liệu hoặc có những phát biểu về tình hình chính trị xã hội ở Việt Nam, có những khao khát tự do dân chủ cho đất nước là đã bị ghép vào tội Tuyên truyền chống nhà nước Cộng sản Việt Nam theo điều 88 Bộ Luật Hình sự hồi năm 2009. Khung hình phạt cho tội danh này thường từ 3 đến 7 năm tù, chưa kể thời gian quản chế sau khi ra tù. Còn nếu bị ghép vào tội Hoạt động chống phá nhà nước theo điều luật 77 thì nặng hơn nhiều.
Nếu người nào may mắn được dư luận biết đến thì nhà nước Việt Nam dù sao cũng không dám đối xử quá nặng tay với họ. Nhưng ngay cả một người như nhà báo tự do-blogger Điếu Cày mà kể từ tháng 10.2010 đến nay, tức là từ khi anh Hải tiếp tục bị bắt về tội Tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa VN sau khi đã phải chịu 30 tháng tù về tội "trốn thuế" một cách oan ức, đến nay gia đình vẫn chưa hề được gặp mặt, không biết rõ anh còn sống hay đã chết. Nói gì đến những người mà dư luận ít biết, thì số phận họ ra sao trong ngục tù của cộng sản?
Khi doanh nhân, blogger Trần Huỳnh Duy Thức bị kết án 16 năm tù về tội "hoạt động lật đổ chính quyền", một bản án quá nặng so với thực sự những gì anh đã làm, nhà báo tự do Lê Diễn Đức đã viết bài "Trần Huỳnh Duy Thức ơi, chế độ cộng sản không tồn tại đến 16 năm để tù anh!"
Một chế độ độc tài càng tồn tại lâu dài thì "hồ sơ tội ác" đối với nhân dân, đất nước càng chất cao như núi. Càng ngày càng có nhiều người theo chân những người đi trước, dám cất lên những lời nói thật và chấp nhận tù đày, áp bức.
Nếu những người lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN kịp thời tỉnh ngộ, quyết tâm thực hiện cải cách chính trị, quyết tâm đặt quyền lợi của đất nước, dân tộc lên trên tất cả, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi nguy cơ bị phụ thuộc nặng nề, thậm chí mất nước đang treo lửng lơ trên đầu cả dân tộc, thì không có lý gì người dân VN lại không bỏ qua quá khứ để cùng nhau xây dựng đất nước. Và những ai có thực tài, có tâm, vẫn sẽ có chỗ đứng của mình trong chế độ mới, như thực tế diễn ra tại các nước Nga, Đông Âu bây giờ. Còn nếu không, khi chế độ sụp đổ, họ sẽ phải trà giá đủ cho lòng oán hận của người dân cũng như những bản án phi nhân mà họ đã bắt bao người phải gánh chịu hôm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét