Đảng có quân đội, công an nên đảng có quyền đưa đảng viên vào thành tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội và cũng có quyền làm ra Hiến pháp có lợi cho mình. Đó là chuyện của cả thời kỳ lịch sử rất dài có đảng.
Đến năm 1992, biến hoá kịp thời với những thay đổi lớn ở Liên Xô và Đông Âu, đảng sửa Hiến pháp với việc cưỡng chế vào đó Điều 4. Chủ nghĩa hợp hiến kiểu Việt Nam đã đóng cửa bộ luật mẹ mà qua bao nhiêu xương máu của nhân dân, ở tất cả các quốc gia, người ta mong đó là sự thể hiện nguyện vọng của toàn dân, là công cụ để nhân dân có cách uỷ quyền và kiểm soát nhà nước một cách tốt nhất, là bản hợp đồng để nhà nước thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ công dân mình.
Có bản hôn thú cưỡng ép như vậy, đảng cũng đồng thời có quyền tạo ra toàn bộ hệ giá trị, các chuẩn mực trong đời sống văn hoá, tinh thần của toàn dân tộc suốt mấy chục năm qua, kể cả niềm tin, tình cảm, chân lý, đạo đức, cái đẹp; đồng thời cũng nắm toàn bộ các thiết chế xã hội liên quan đến các giá trị, chuẩn mực đó cùng các nguồn lực phục vụ cho việc vận hành chúng và trực tiếp lãnh đạo, điều hành, đánh giá, thưởng phạt công cuộc vận hành đó.
Do vậy chỉ còn biết tin đảng thôi. Đảng bảo Trung Quốc là kẻ thù thì tin đó là kẻ thù; bảo là bạn thì là bạn. Đảng bảo những người vượt biên là phản quốc, rồi lại yêu nước, khúc ruột ngàn dặm thì chắc cũng đúng thôi. Đảng bảo tóc dài quần loe là đồi truỵ do Mỹ Nguỵ để lại thì phải xén tóc cắt quần; còn khi đảng cho lộ hàng bày nách phơi đùi khoe rốn qua hoa hậu, bước nhảy hoàn vũ … thì cũng chắc đó là cái đẹp thật.
Về thể chế kinh tế – chính trị, khi đảng bảo chế độ tư hữu, kinh tế thị trường, chủ nghĩa tư bản là xấu và giẫy chết thì tin thế; còn khi bảo kinh tế thị trường không đi ngược với chủ nghĩa xã hội, là một phần của chủ nghĩa xã hội, có thể xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì cũng phải tin. Không tin sao được vì không có kinh tế thị trường thì lấy gì mà sống, mà tồn tại, mà làm giàu, tham nhũng, gửi tiền và con cái ra nước ngoài; kinh tế thị trường mà không định hướng xã hội chủ nghĩa thì đảng phải đổi tên sao, mà đổi tên thì làm sao còn giữa thế độc quyền được ? Rõ khổ.
Thế cho nên mấy ngày qua, các cơ quan thông tin có những ý kiến về cách giải thích việc không giảm giá xăng dầu của Petrolimex; theo đó, quan điểm cho rằng không giảm vì giá xăng dầu ở Việt Nam là do đã quá thấp so với các nước trong khu vực của doanh nghiệp này là không đúng. Qua phân tích, một số báo chí đã vạch ra sự lấp liếm của con buôn, vì giá mặt hàng đang nói ở Việt Nam đang hưởng thuế suất nhập khẩu 0%, trong khi ở tất cả các nước trong khu có thuế suất nhập khẩu rất cao. Do vậy, khi người tiêu thụ mua giá cao, họ đã gián tiếp đóng góp vào ngân sách quốc gia một khoản nghĩa vụ của mình, và doanh nghiệp góp phần vào đó qua việc nộp thuế nhập khẩu. Với Petrolimex thì không có giai đoạn tác nghiệp này, chỉ mua về, bán và hưởng chênh lệch ròng. Nhưng Petrolimex là của đảng, do đảng viên lãnh đạo quản lý, nên họ có quyền từ chối làm việc với nhà báo đến 2 lần; còn đài báo cũng là của đảng, họ có quyền đưa tin theo cách đó; nhân dân không biết thế nào mà lần, chỉ đành tin đảng thôi.
Niềm tin đó, cũng là cách thế hành xử mấy chục năm của công dân trong nhà nước cộng hoà dân chủ sớm nhất Đông Nam Á, và gần đây, bauxite, đường sắt cao tốc, phá Hội trường Ba Đình, sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, đến điện hạt nhân, biển Đông, yêu nước, cũng vậy. Đành lòng vậy, bằng lòng vậy.
Xích Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét