Thấy nhiều blog cười nhạo lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng "Ta và Trung Quốc cần hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đoàn kết để hai dân tộc cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội", Tổng Cua cũng định theo đuôi.
Lẽ đơn giản, Trung Quốc không còn là bạn của Việt Nam dù tặng nhau 16 chữ vàng và bốn tốt. Bạn bè gì mà suốt ngày dọa dạy nhau bài học, đánh thắng Việt Nam trong 31 ngày, chưa kể đài báo công khai chửi ra rả Việt Nam "ăn cháo đái bát", tiểu bá quyền ở Châu Á, rồi cho tầu chiến đâm chìm thuyền đánh cá.
Mấy hôm nay lại có tin Trung Quốc tập trận gần biên giới Việt Nam. Phía ta cũng chấn chỉnh hệ thống biên phòng, bảo vệ tại 12 tỉnh phía bắc. Các động thái này mang sắc mầu chiến tranh dường như đang lơ lửng trên đầu hai dân tộc từng "môi hở răng lạnh".
Nghĩ đi, rồi nghĩ lại, Tổng Cua thấy không nên cười bác Sinh Hùng.
Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, Việt Nam không có đồng minh, không có bạn bè, tiềm lực quân sự rất yếu so với Trung Quốc, thì có lẽ mình nên nhẹ giọng đi chút cũng phải.
Có bài "Trung Quốc có gây chiến tranh xâm lược Việt Nam lần hai không?" của tác giả Lê Ngọc Thống đăng trên viet-studies khá thú vị. Ông cho rằng, nguy cơ luôn tiềm ẩn nhưng khó xảy ra vì mấy lẽ sau:
Thế giới ngày nay khác xưa. Nhân dân Trung Quốc cũng khác xưa, họ không để cho những cái đầu nóng đại Hán muốn làm gì thì làm. Họ quá hiểu họ là ai, họ được gì…, họ cũng như nhân dân Việt Nam không muốn chiến tranh.
Hai là nhà cầm quyền Trung Quốc thừa hiểu một dân tộc mà vì "muốn hòa bình nên đã nhân nhượng nhưng càng nhân nhượng thì địch càng lấn tới"… lúc ấy sức mạnh và lòng căm thù của dân tộc đó như chiếc lò xo bị nén đến tận cùng nên khi bật ra thì sẽ giải phóng một năng lượng khủng khiếp: "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ". Đánh nhau với một dân tộc như vậy hoặc là bị trắng tay hoặc bị sa lầy. Với dân tộc Việt Nam thì lịch sử còn chưa ráo mực.
Ba là, đành rằng Trung Quốc bây giờ không phải như Trung Quốc năm 1979 thì Việt Nam càng không phải như năm 1979. Năm 1979 Việt Nam không sẵn sàng và bị bất ngờ thì nay yếu tố đó không còn. Vì thế chiến tranh xảy ra là khốc liệt. Việt Nam và Trung Quốc kề nhau nếu Trung Quốc gây chiến thì không gian của cuộc chiến không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà lãnh thổ của Trung Quốc cũng không loại trừ. Người dân vô tội của Việt Nam và Trung Quốc sẽ mất mạng vì đạn lạc, bom rơi của chiến tranh sẽ căm thù tột độ kẻ nào đã gây chiến. Mầm đại loạn nổi lên, là "giọt nước cuối cùng" sẽ làm cho Trung Quốc lung lay, bất ổn. Chưa biết chừng Trung Quốc lúc đó không còn là Trung Hoa vĩ đại nữa mà bị chia thành nước nhỏ như đã từng trước đó.
Không đời nào Trung Quốc muốn các nước khác như Nhật, Nga, Ấn Độ và Mỹ "tọa sơn quan hổ đấu". Vì nuốt gọn Việt Nam không dễ và nhanh như tờ "Hoàn Cầu thời báo" tưởng.
Trung Quốc từng dọa đánh chiếm Đài Loan nếu định tách ra độc lập. Trong thực tế, nếu mạnh thực sự thì họ đã chiếm từ lâu rồi, chẳng đợi đến bây giờ.
Đài Loan có Mỹ đứng sau, sẵn sàng gây khó cho Trung Quốc. Họ chỉ cần chỉ điểm cho tầu chiến hay máy bay của phe tấn công đang ở tọa độ nào thì cũng đủ cho tên lửa của Đài Loan bay tới phá hủy.
Việt Nam thì chẳng có ai chống lưng. Nhưng đánh chiếm Việt Nam cũng chẳng dễ chút nào.
Tin cho hay, vài ngày sau khi Trung Quốc thử tàu sân bay đầu tiên, ngày 13-8-2011, Hoa Kỳ mời đoàn quan chức Việt Nam thăm hàng không mẫu hạm USS George Washington đậu ở ngoài biển Đông.
Jim Webb bất thình lình tới Việt Nam trong bối cảnh biển Đông và biên giới phía Bắc đang nóng dần lên.
Thông điệp đã quá rõ. Người Việt biết làm bạn với tất cả thì cũng biết tìm đồng minh vào lúc cần thiết.
Một khi mà người bạn bè quốc tế vô sản cuối cùng quay lưng lại với CNXH thì chẳng có lý do gì mà Việt Nam không tìm một giải pháp tình thế.
Phía Đông của Trung Quốc đang có Đài Loan, Nhật Bản, Nam Triều Tiên là đồng minh thân cận của Mỹ án ngữ và là những cái gai vô cùng khó chịu.
Nếu đánh Việt Nam, Trung Quốc mất luôn "tiền đồn của phe XHCN ở Đông Nam Á" và chính tay hàng xóm trở thành một con dao nhọn đâm vào bụng con gà Trung Hoa, chưa kể đến những tổn hại do cuộc chiến gây ra về kinh tế, chính trị và ngoại giao.
Quốc gia lâm nguy trước nạn xâm lược thì liệu các nhà lãnh đạo VN có còn đặt ý thức hệ lên hàng đầu. Có lẽ những cái đầu nóng ở Hà Nội và Bắc Kinh thừa hiểu hệ lụy của cuộc chiến tranh Trung Việt nếu xảy ra.
Trung Quốc chắc hẳn không muốn một quốc gia theo dân chủ phương Tây ngay sát nách mình. Việt Nam cũng không muốn ý thức hệ bị thay đổi theo cách mà Trung Quốc xô đẩy.
Người ta ví Đông Bắc và Đông Nam Á như một con gà. Cái mỏ là bán đảo Triều Tiên, Đại Lục là thân gà và VN là cái chân. Đánh VN tương đương với việc Trung Quốc tự chặt chân mình.
Vì thế, phát biểu của ông Nguyễn Sinh Hùng vừa là mong muốn16 chữ vàng và cũng là đe dọa người phương Bắc "Ta và Trung Quốc cần hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đoàn kết để hai dân tộc cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội".
HM. New Mexico 14-8-2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét