Cho đến nay, nhiều tài liệu lịch sử đã khẳng định liên minh công - nông - trí là nền tảng sức mạnh của cách mạng Việt Nam. Nhưng nói như vậy có lẽ chưa đủ để xác nhận vai trò to lớn của lực lượng trí thức Việt Nam, đại diện cho trí tuệ và tinh thần dân tộc của nhân dân trong các cuộc đấu tranh giành độc lập.
Khi tìm hiểu về "vai trò của trí thức trong Cách mạng Tháng Tám", người viết bài này đã có dịp hỏi chuyện ông Nguyễn Trọng Xuất (tức Sáu Nhân) - nguyên Tổng Thư ký bộ phận biên tập "Lịch sử Nam Bộ kháng chiến", một cán bộ kỳ cựu, tham gia cách mạng từ thời 1945-1946. Căn nhà của ông ở số 51/10/14 Cao Thắng, Phường 3, Quận 3, TP HCM nay là di tích lịch sử cách mạng "Cơ sở Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ".
Xuất thân là một nhà giáo (từng làm Bí thư chi bộ Giáo viên TX Mỹ Tho), ông Xuất có cảm tình đặc biệt đối với trí thức mà theo ông là lực lượng góp mặt nổi bật trong lịch sử Việt Nam giai đoạn tiền khởi nghĩa và Cách mạng Tháng Tám.
Ông cho rằng, trí thức trong xã hội Việt Nam thời kỳ ấy có một số đặc trưng. Thứ nhất, về kiến thức, thì đứng trên mặt bằng thời đó, học sinh - sinh viên đã là trí thức rồi. Thứ hai, trí thức Việt Nam có tình cảm dân tộc rất sâu sắc. Thứ ba, các trí thức đều có tinh thần dám dấn thân, "không trùm mền" (từ dùng của ông Xuất). Theo ông Xuất, thậm chí ngay cả số "trùm mền" cũng là "vì giữ tiết tháo, không muốn hợp tác với Pháp"; hoặc nếu có quan hệ với thực dân Pháp thì cũng vì mong muốn vận động Pháp cải thiện đời sống và mở rộng tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam.
Sôi sục trí thức trẻ…
Trí thức trẻ của ngày trước là các học sinh - sinh viên. Họ chính là nòng cốt của Thanh niên Tiền phong (TNTP) – tổ chức chính trị mạnh nhất và là lực lượng chủ yếu tham gia giành chính quyền ở Nam Bộ trong Cách mạng Tháng Tám. Ông Xuất, năm ấy mới 13 tuổi, là thành viên của Thiếu niên Tiền phong, một bộ phận thuộc TNTP.
Ấy là vào năm 1945, sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp. Nhật "gợi ý" chính quyền thành lập một đoàn thể quy tụ thanh niên để xây dựng một lực lượng thân Nhật, chống Pháp. Thống đốc Minoda bèn đề nghị bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (tức Tư Đá, đảng viên cộng sản) đứng ra tổ chức đoàn thể này. Ông Phạm Ngọc Thạch báo cáo lại Xứ ủy Nam Kỳ (đứng đầu là ông Trần Văn Giàu), Xứ ủy quyết định thành lập TNTP, phát động phong trào Cứu quốc.
Vậy là TNTP ra đời. Ông Xuất kể lại: "Do có danh nghĩa công khai nên tổ chức lớn mạnh nhanh, khí thế lớn lắm; trong không tới 3 tháng đã thu hút 1,2 triệu thanh niên ở khắp Sài Gòn, Long An, Mỹ Tho, Tây Ninh, Đồng Nai. Phần lớn thành viên là tiểu tư sản học sinh - sinh viên, tức là trí thức. Trái với mục đích của Nhật Bản là xây dựng lực lượng thân Nhật chống Pháp, ủng hộ chủ thuyết Đại Đông Á, mục đích của TNTP đã luôn chỉ là 'đem tài ra cứu nước nhà trong cơn nguy biến'. Điều đó làm nên khí thế yêu nước rất mãnh liệt của thời kỳ tiền khởi nghĩa".
Có những gương mặt sinh viên rất nổi tiếng: Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Trần Bửu Kiếm, Nguyễn Việt Nam, Võ Văn Khải, Mai Văn Bộ… Có các trí thức lớn: bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, nhà văn Thiếu Sơn, nhà nghiên cứu Lê Thọ Sơn, Thuần Phong, Huỳnh Xuân…
TNTP sôi nổi hoạt động: hội họp, mít tinh, cứu đói ở miền Bắc, cướp súng đạn của lính Pháp… Dần dần tổ chức mở rộng ra, có thêm TNTP Ban xí nghiệp (tức TNTP của công nhân), TNTP Phụ lão (tức Phụ lão Tiền phong), Thiếu niên TP, Phụ nữ TP.
Sau này nhớ lại, ông Nguyễn Trọng Xuất nhìn nhận: "TNTP là ngọn cờ mà người trí thức ở Nam Bộ giương lên. Quần chúng nhìn vào tổ chức, thấy có những trí thức như ông Phạm Ngọc Thạch, người ta mới tin tưởng. Trí thức là bộ phận tinh túy của dân tộc. Nói về trí thức thì đừng nên bị khuôn vào vấn đề giai cấp, mà hãy đánh giá họ cho thỏa đáng".
Ở miền Bắc, trí thức trẻ cũng đã đóng vai trò lớn trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Một nhân chứng của thời đó, bà Lê Thi, con gái cố GS Dương Quảng Hàm, cho biết: "Lực lượng chính làm nên Cách mạng Tháng Tám ở thủ đô là tiểu tư sản học sinh - sinh viên. Không có lực lượng vũ trang vì khi đó quân của ông Võ Nguyên Giáp ở chiến khu chưa về kịp. Nhân dân Hà Nội đã tự đứng lên làm khởi nghĩa.
Khi tôi đi trong đoàn biểu tình, tôi thấy rất nhiều nữ sinh. Thời đó ở Hà Nội phụ nữ ăn mặc như vậy: Nữ sinh, con gái gia đình công chức luôn đóng bộ quần trắng, áo dài màu hoặc trắng. Tôi nhận thấy hôm đó rất đông các chị em quần trắng".
Ảnh hưởng của các trí thức lớn
Ông Trần Văn Giàu đánh giá rằng trí thức Việt Nam, nhất là ở Sài Gòn - Gia Định, luôn đoàn kết với quần chúng nhân dân: "Trong hàng ngũ của TNTP, của Mặt trận Việt Minh… rất đông trí thức có học vị cao, chức cao, lương cao ở chế độ thực dân, ruộng vườn đồn điền cả ngàn mẫu, cả trăm mẫu, xe hơi, nhà lầu, thế mà họ vẫn tham gia cách mạng và kháng chiến, họ vẫn đi đến "mút mùa" với những trí thức bình thường, với nhân dân lao khổ".
TS Hồ Hữu Nhựt, chủ biên cuốn Trí thức Sài Gòn - Gia Định 1945 - 1975, cũng nhận định: "Trí thức Tây học sớm truyền bá cả tư tưởng dân chủ tư sản và tư tưởng cộng sản chủ nghĩa vào Sài Gòn… Trong đấu tranh, trí thức có vai trò tập hợp, hiệu triệu quần chúng, họ đương đầu trực diện với kẻ thù".
Và sức ảnh hưởng của trí thức thật to lớn. Trí thức đã sử dụng báo chí, văn nghệ để giáo dục lòng yêu nước, vận động đấu tranh giành độc lập. Những bài viết trên Đông Pháp thời báo của chủ bút Trần Huy Liệu, Thanh Niên của Huỳnh Văn Tiểng từng làm chấn động cả Sài Gòn.
Trước và trong Cách mạng Tháng Tám, những bài ca yêu nước của giới nhạc sĩ – trí thức Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi… như Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca, Ải Chi Lăng, Bạch Đằng Giang, Người xưa đâu tá, Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên, Diệt phát xít… đã cổ vũ không ngừng cho khí thế người dân tiến lên giành chính quyền.
Sau Cách mạng Tháng Tám, khi thực dân Pháp trở lại, bản tuyên ngôn tập hợp hơn 200 chữ ký của trí thức ủng hộ Chính phủ kháng chiến chống Pháp đã ảnh hưởng cả tới công luận thế giới, thu hút sự chú ý và phản đối của công luận quốc tế với cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương.
Nặng lòng với dân tộc
Trí thức Việt Nam đã đi theo cách mạng với tấm lòng và nhiệt huyết, thậm chí với cả một chút ngây thơ và nhát sợ khi mới bước vào cuộc chiến đấu. Ông Nguyễn Trọng Xuất cười kể lại: "Hồi đó, chúng tôi dũng khí thì có thừa đấy mà kinh nghiệm trận mạc, tổ chức đội ngũ chả có gì. Cướp được súng của Nhật, của Pháp, súng bự quá lại không biết cách tháo ra, cả chục người phải xúm lại khiêng một khẩu. Hồi đầu kháng chiến, nghe tiếng đạn đum đum cũng sợ. Đạn ngày đó, một viên bắn ra, lọt khỏi nòng nó nổ một lần, "cắc", tới đích nó nổ lần thứ hai, "bòm", nên gọi là đạn "cắc bòm" là vì vậy".
Nhưng trí thức Việt Nam là thế, họ luôn gắn bó cùng đất nước trong một tinh thần dân tộc rất sâu nặng. Trọng nghĩa khinh tài, khí khái, dấn thân, đặc điểm đó nhiều ít ở mỗi người mỗi khác, nhưng cái chung của họ luôn là tình cảm đối với quốc gia và dân tộc. Chính điều này làm nên sĩ khí của họ. Trong lịch sử gần một thế kỷ chống Pháp, khởi đầu từ phong trào Cần vương của giới văn thân và sĩ phu yêu nước cho đến những nhóm chính trị đầu thế kỷ XX, trí thức luôn thể hiện tinh thần yêu nước của mình, dù ở những dạng khác nhau và theo những quan điểm khác nhau.
Tuy nhiên, cần phải nói là trong một thời gian dài, họ đã không có được một đường hướng đoàn kết và thống nhất, hoạt động của họ, lúc thì đi vào con đường bế tắc, lúc thì theo hướng trùm chăn "án binh bất động" chờ thời hoặc ngược lại, theo chủ trương bạo động mà chưa đặt trọng tâm vào vận động quần chúng nhân dân. Chỉ đến cuối năm 1944 và nhất là mùa xuân năm 1945, khi Mặt trận Việt Minh đưa ra những kêu gọi và đường hướng rõ ràng, cương quyết và mạch lạc cho cuộc cách mạng Việt Nam, thì giới trí thức mới thực sự đồng thanh dấn thân cho sự độc lập của dân tộc.
Tạm thời xếp lại một số bất đồng, đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết, sẵn sàng chiến đấu để giành và giữ độc lập cho đất nước dưới ngọn cờ của Việt Minh - ấy là một số nét cơ bản của đội ngũ trí thức tiêu biểu trong Cách mạng Tháng Tám, như lời tự thuật của nhà trí thức - nhà thơ Tú Mỡ:
Lên đường dẻo bước khoác ba lô
Mang theo ý chí người dân Việt
Thà chết không làm vong quốc nô.
Khi tìm hiểu về "vai trò của trí thức trong Cách mạng Tháng Tám", người viết bài này đã có dịp hỏi chuyện ông Nguyễn Trọng Xuất (tức Sáu Nhân) - nguyên Tổng Thư ký bộ phận biên tập "Lịch sử Nam Bộ kháng chiến", một cán bộ kỳ cựu, tham gia cách mạng từ thời 1945-1946. Căn nhà của ông ở số 51/10/14 Cao Thắng, Phường 3, Quận 3, TP HCM nay là di tích lịch sử cách mạng "Cơ sở Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ".
Xuất thân là một nhà giáo (từng làm Bí thư chi bộ Giáo viên TX Mỹ Tho), ông Xuất có cảm tình đặc biệt đối với trí thức mà theo ông là lực lượng góp mặt nổi bật trong lịch sử Việt Nam giai đoạn tiền khởi nghĩa và Cách mạng Tháng Tám.
Ông cho rằng, trí thức trong xã hội Việt Nam thời kỳ ấy có một số đặc trưng. Thứ nhất, về kiến thức, thì đứng trên mặt bằng thời đó, học sinh - sinh viên đã là trí thức rồi. Thứ hai, trí thức Việt Nam có tình cảm dân tộc rất sâu sắc. Thứ ba, các trí thức đều có tinh thần dám dấn thân, "không trùm mền" (từ dùng của ông Xuất). Theo ông Xuất, thậm chí ngay cả số "trùm mền" cũng là "vì giữ tiết tháo, không muốn hợp tác với Pháp"; hoặc nếu có quan hệ với thực dân Pháp thì cũng vì mong muốn vận động Pháp cải thiện đời sống và mở rộng tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam.
Sôi sục trí thức trẻ…
Trí thức trẻ của ngày trước là các học sinh - sinh viên. Họ chính là nòng cốt của Thanh niên Tiền phong (TNTP) – tổ chức chính trị mạnh nhất và là lực lượng chủ yếu tham gia giành chính quyền ở Nam Bộ trong Cách mạng Tháng Tám. Ông Xuất, năm ấy mới 13 tuổi, là thành viên của Thiếu niên Tiền phong, một bộ phận thuộc TNTP.
Ấy là vào năm 1945, sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp. Nhật "gợi ý" chính quyền thành lập một đoàn thể quy tụ thanh niên để xây dựng một lực lượng thân Nhật, chống Pháp. Thống đốc Minoda bèn đề nghị bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (tức Tư Đá, đảng viên cộng sản) đứng ra tổ chức đoàn thể này. Ông Phạm Ngọc Thạch báo cáo lại Xứ ủy Nam Kỳ (đứng đầu là ông Trần Văn Giàu), Xứ ủy quyết định thành lập TNTP, phát động phong trào Cứu quốc.
Vậy là TNTP ra đời. Ông Xuất kể lại: "Do có danh nghĩa công khai nên tổ chức lớn mạnh nhanh, khí thế lớn lắm; trong không tới 3 tháng đã thu hút 1,2 triệu thanh niên ở khắp Sài Gòn, Long An, Mỹ Tho, Tây Ninh, Đồng Nai. Phần lớn thành viên là tiểu tư sản học sinh - sinh viên, tức là trí thức. Trái với mục đích của Nhật Bản là xây dựng lực lượng thân Nhật chống Pháp, ủng hộ chủ thuyết Đại Đông Á, mục đích của TNTP đã luôn chỉ là 'đem tài ra cứu nước nhà trong cơn nguy biến'. Điều đó làm nên khí thế yêu nước rất mãnh liệt của thời kỳ tiền khởi nghĩa".
Có những gương mặt sinh viên rất nổi tiếng: Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Trần Bửu Kiếm, Nguyễn Việt Nam, Võ Văn Khải, Mai Văn Bộ… Có các trí thức lớn: bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, nhà văn Thiếu Sơn, nhà nghiên cứu Lê Thọ Sơn, Thuần Phong, Huỳnh Xuân…
TNTP sôi nổi hoạt động: hội họp, mít tinh, cứu đói ở miền Bắc, cướp súng đạn của lính Pháp… Dần dần tổ chức mở rộng ra, có thêm TNTP Ban xí nghiệp (tức TNTP của công nhân), TNTP Phụ lão (tức Phụ lão Tiền phong), Thiếu niên TP, Phụ nữ TP.
Sau này nhớ lại, ông Nguyễn Trọng Xuất nhìn nhận: "TNTP là ngọn cờ mà người trí thức ở Nam Bộ giương lên. Quần chúng nhìn vào tổ chức, thấy có những trí thức như ông Phạm Ngọc Thạch, người ta mới tin tưởng. Trí thức là bộ phận tinh túy của dân tộc. Nói về trí thức thì đừng nên bị khuôn vào vấn đề giai cấp, mà hãy đánh giá họ cho thỏa đáng".
Ở miền Bắc, trí thức trẻ cũng đã đóng vai trò lớn trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Một nhân chứng của thời đó, bà Lê Thi, con gái cố GS Dương Quảng Hàm, cho biết: "Lực lượng chính làm nên Cách mạng Tháng Tám ở thủ đô là tiểu tư sản học sinh - sinh viên. Không có lực lượng vũ trang vì khi đó quân của ông Võ Nguyên Giáp ở chiến khu chưa về kịp. Nhân dân Hà Nội đã tự đứng lên làm khởi nghĩa.
Khi tôi đi trong đoàn biểu tình, tôi thấy rất nhiều nữ sinh. Thời đó ở Hà Nội phụ nữ ăn mặc như vậy: Nữ sinh, con gái gia đình công chức luôn đóng bộ quần trắng, áo dài màu hoặc trắng. Tôi nhận thấy hôm đó rất đông các chị em quần trắng".
Ảnh hưởng của các trí thức lớn
Ông Trần Văn Giàu đánh giá rằng trí thức Việt Nam, nhất là ở Sài Gòn - Gia Định, luôn đoàn kết với quần chúng nhân dân: "Trong hàng ngũ của TNTP, của Mặt trận Việt Minh… rất đông trí thức có học vị cao, chức cao, lương cao ở chế độ thực dân, ruộng vườn đồn điền cả ngàn mẫu, cả trăm mẫu, xe hơi, nhà lầu, thế mà họ vẫn tham gia cách mạng và kháng chiến, họ vẫn đi đến "mút mùa" với những trí thức bình thường, với nhân dân lao khổ".
TS Hồ Hữu Nhựt, chủ biên cuốn Trí thức Sài Gòn - Gia Định 1945 - 1975, cũng nhận định: "Trí thức Tây học sớm truyền bá cả tư tưởng dân chủ tư sản và tư tưởng cộng sản chủ nghĩa vào Sài Gòn… Trong đấu tranh, trí thức có vai trò tập hợp, hiệu triệu quần chúng, họ đương đầu trực diện với kẻ thù".
Và sức ảnh hưởng của trí thức thật to lớn. Trí thức đã sử dụng báo chí, văn nghệ để giáo dục lòng yêu nước, vận động đấu tranh giành độc lập. Những bài viết trên Đông Pháp thời báo của chủ bút Trần Huy Liệu, Thanh Niên của Huỳnh Văn Tiểng từng làm chấn động cả Sài Gòn.
Trước và trong Cách mạng Tháng Tám, những bài ca yêu nước của giới nhạc sĩ – trí thức Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi… như Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca, Ải Chi Lăng, Bạch Đằng Giang, Người xưa đâu tá, Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên, Diệt phát xít… đã cổ vũ không ngừng cho khí thế người dân tiến lên giành chính quyền.
Sau Cách mạng Tháng Tám, khi thực dân Pháp trở lại, bản tuyên ngôn tập hợp hơn 200 chữ ký của trí thức ủng hộ Chính phủ kháng chiến chống Pháp đã ảnh hưởng cả tới công luận thế giới, thu hút sự chú ý và phản đối của công luận quốc tế với cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương.
Nặng lòng với dân tộc
Trí thức Việt Nam đã đi theo cách mạng với tấm lòng và nhiệt huyết, thậm chí với cả một chút ngây thơ và nhát sợ khi mới bước vào cuộc chiến đấu. Ông Nguyễn Trọng Xuất cười kể lại: "Hồi đó, chúng tôi dũng khí thì có thừa đấy mà kinh nghiệm trận mạc, tổ chức đội ngũ chả có gì. Cướp được súng của Nhật, của Pháp, súng bự quá lại không biết cách tháo ra, cả chục người phải xúm lại khiêng một khẩu. Hồi đầu kháng chiến, nghe tiếng đạn đum đum cũng sợ. Đạn ngày đó, một viên bắn ra, lọt khỏi nòng nó nổ một lần, "cắc", tới đích nó nổ lần thứ hai, "bòm", nên gọi là đạn "cắc bòm" là vì vậy".
Nhưng trí thức Việt Nam là thế, họ luôn gắn bó cùng đất nước trong một tinh thần dân tộc rất sâu nặng. Trọng nghĩa khinh tài, khí khái, dấn thân, đặc điểm đó nhiều ít ở mỗi người mỗi khác, nhưng cái chung của họ luôn là tình cảm đối với quốc gia và dân tộc. Chính điều này làm nên sĩ khí của họ. Trong lịch sử gần một thế kỷ chống Pháp, khởi đầu từ phong trào Cần vương của giới văn thân và sĩ phu yêu nước cho đến những nhóm chính trị đầu thế kỷ XX, trí thức luôn thể hiện tinh thần yêu nước của mình, dù ở những dạng khác nhau và theo những quan điểm khác nhau.
Tuy nhiên, cần phải nói là trong một thời gian dài, họ đã không có được một đường hướng đoàn kết và thống nhất, hoạt động của họ, lúc thì đi vào con đường bế tắc, lúc thì theo hướng trùm chăn "án binh bất động" chờ thời hoặc ngược lại, theo chủ trương bạo động mà chưa đặt trọng tâm vào vận động quần chúng nhân dân. Chỉ đến cuối năm 1944 và nhất là mùa xuân năm 1945, khi Mặt trận Việt Minh đưa ra những kêu gọi và đường hướng rõ ràng, cương quyết và mạch lạc cho cuộc cách mạng Việt Nam, thì giới trí thức mới thực sự đồng thanh dấn thân cho sự độc lập của dân tộc.
Tạm thời xếp lại một số bất đồng, đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết, sẵn sàng chiến đấu để giành và giữ độc lập cho đất nước dưới ngọn cờ của Việt Minh - ấy là một số nét cơ bản của đội ngũ trí thức tiêu biểu trong Cách mạng Tháng Tám, như lời tự thuật của nhà trí thức - nhà thơ Tú Mỡ:
Lên đường dẻo bước khoác ba lô
Mang theo ý chí người dân Việt
Thà chết không làm vong quốc nô.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét