Tào Ngu nhà văn cộng sản Trung Quốc là tác giả vở bi kịch nổi tiếng "Lôi vũ", đã từng trải Chỉ tịch Hội nhà văn TQ. Vở Lôi vũ được sân khấu kịch nói và cải lương Việt Nam công diễn rầm rộ từ Bắc chí Nam mấy năm trước.
Thưở nhỏ tôi đã là khán giả của nhà văn Tào Ngu, bạn đọc của V. Hugo, đến lớn vẫn thích xem.
1. Đọc lại kịch bản "Lôi vũ"
Đọc kịch bản "Lôi vũ" của Tào Ngu, tôi giật mình thấy câu thoại sau đây trong Màn 1:
Chu Xung: Con vẫn nghĩ rằng: những người đó họ tranh đấu cho tất cả anh em thợ thuyền, thì chúng ta cũng nên biểu đồng tình với họ. Vả lại nhà mình giàu có, sung sướng thế này, cần gì đi cướp cơm của họ. Đây không phải là chuyện "mốt" hay "không mốt".
Chu Phác Viên (nhà tư sản chủ mỏ, cha của Xung) trợn mắt lên:
- Mày biết xã hội là cái gì không đã nào? Mày đọc được mấy bản sách nói về xã hội học, về kinh tế học rồi? Ngày xưa, lúc đi du học bên Đức, tao đã nghiên cứu xã hội chủ nghĩa kỹ càng bằng mấy chúng mày bây giờ ấy!
Xin nhớ rằng nhân vật tư sản Chu Phác Viên phát ngôn câu trên, thay choTào Ngu, vào năm 1933.
Chu Xung là thanh niên trẻ, mới tiếp thu chủ nghĩa Mác và ông Mao nên có cảm tình với phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản do cộng sản lãnh đạo. Anh bị cha là nhà tư sản mỉa mai rằng tụi bay chả biết gì đâu, tao thì đã biết cái XHCN ấy ở bên nước Đức rồi, chả ra gì đâu.
Tào Ngu viết vở kịch "Lôi vũ" khi ông mới 23 tuổi (khoảng năm 1933). Lúc ấy Cộng sản Đảng của ông Mao chưa cướp được chính quyền, còn đang trong thời gian tuyên truyền lôi kéo quần chúng, và may mắn vớ được nhà văn trẻ Tào Ngu, sau này nhiều văn nghệ sĩ khác nữa … Khi viết câu thoại trên, nhà văn Tào Ngu mỉa mai nhà tư sản họ Chu bóc lột công nhân lại còn phát ngôn ngớ ngẩn nực cười.
Cuối thế kỷ 20, khi đã làm chủ tịch Hội nhà văn TQ, nhìn thấy XHCN vỡ tan vỡ nát, chủ nghĩa tư bản đang tiến nhanh tiến mạnh tiến "quái đản" ở Trung Quốc, chẳng biết Tào Ngu có ý định sửa lại kịch bản hay không, và ông qua đời năm 1996… Nhà văn Tào Ngu thì không còn cơ hội sửa lại kịch bản nữa. Bây giờ nhân vật tư sản Chu Phác Viên lại trở thành nhà tiên tri của đất nước TQ rồi.
(Ghi chú: Mời quí bạn đọc lại toàn văn kịch bản "Lôi vũ"- entry kế tiếp sau)
2. Thi hào, nhà tiên tri Victor Hugo đã bị 4 dịch giả Việt Nam chê trách như thế nào?
Thi hàoV.Hugo là tác giả thiên tiểu thuyết "Những người khốn khổ" (Les Misérables).
Nhóm văn học Lê Quí Đôn gồm 4 nhà giáo nhà văn nổi tiếng, đồng dịch giả "Những người khốn khổ". Đó là các vị GS Huỳnh Lý, GS Đỗ Đức Hiểu, nhà thơ nhà giáo Vũ Đình Liên và GS Lê Trí Viễn, được biết năm nay chỉ có một vị còn tại thế.
Xin trích một ít "Những người khốn khổ" theo bản dịch của nhóm bốn dịch giả trên và đặc biệt phần chú thích:
"…Tất cả những vấn đề các nhà xã hội đem ra bàn để giải quyết chỉ thu lại trong hai vấn đề chính:
- Vấn đề thứ nhất: Sản xuất ra của cải vật chất
- Vấn đề thứ hai: Phân phối các của cải ấy.
Nước Anh giải quyết được vấn đề thứ nhất. Nước Anh làm ra của cải rất giỏi nhưng phân phối rất vụng.
Chủ nghĩa cộng sản và Luật ruộng đất cho rằng có thể giải quyết vấn đề thứ hai. Lầm to ! Phân chia như thế sẽ giết chết sự sản xuất. Chia đều nhau làm mất tính thi đua. Và do đó cũng làm mất tính lao động. Đó là cách phân chia của hàng thịt, nó giết chết cái mà nó phân chia. Không thể nào bằng lòng với giải pháp ấy.." (*1)
Dưới chân trang sách đó, nhóm văn học Lê Quí Đôn ung dung, tự mãn ghi chú thích như sau:
"Bạn đọc ngày nay chắc sẽ dễ dàng nhận thấy những ý kiến sai lầm của Huy-gô về chủ nghĩa cộng sản và những người cộng sản. Măc dù tiến bộ, Hugô cũng như phần lớn những người trí thức lúc ấy, chỉ nghe nói lờ mờ và tưởng tượng về chủ nghiã cộng sản chứ chưa hiểu. Vả lại đương thời, còn nhiều nhóm "cộng sản" không tưởng, quá khích, chứ không phải chỉ có một chủ nghĩa mác- xit.".
Bốn vị GS viết như là đã nhìn thấy khuôn mặt của chủ nghĩa cộng sản rồi (?!)
Các nhà lý luận văn học từng hơn một lần khẳng định Victor Hugo là nhà văn "lãng mạn" với hàm ý chê bai. Bây giờ xin hỏi lại quí vị giáo sư: qua các nhận định trên, Hugo là nhà văn hiện thực hay lãng mạn? Mong quí vị giáo sư và nhà xuất bản đi hết trách nhiệm với học sinh, sinh viên ngày nay, bởi họ vẫn nghe thầy cô dạy Văn nói những điều đại loại như thế đấy (đại loại như chú thích của nhóm Lê Quí Đôn)..
Chắc hẳn sách tái bản năm 2004 không chỉnh lý sửa chữa chữ nào nên phần chú thích trên vẫn y nguyên như lần xuất bản đầu tiên khoảng những năm 60 thế kỷ trước.
Chỉ cần thay thế chữ "Bạn đọc ngày nay…" bằng câu "Bạn đọc ngày xưa…" thì nhà xuất bản (và dịch giả) mới chứng tỏ được sự tôn trọng bạn đọc.
Riêng tôi cảm thấy một sự tương đồng thú vị giữa Tào Ngu và nhóm dịch giả Lê Quí Đôn. Họ ngây thơ hồn nhiên biết bao, sai lầm biết bao, và tác hại biết bao !
Và cảm thấy thi hào Victor Hugo vĩ đại biết bao, sáng suốt vô cùng ! Ông là nhà văn hiện thực, nhà tiên tri hiền minh của thời kỳ hiện đại.
3. Tâm sự cuối đời của một giáo sư đầu ngành
Một ngày nọ khoảng những năm 1990, tôi tới thăm một giáo sư từ Hà Nội vào công tác ở thành phố Hồ Chí Minh. Trò chuyện tôi hỏi "Thưa thầy, bây giờ đọc lại các giáo trình, em thấy nhiều điều bất cập, lạc hậu quá, sao các thầy chưa chỉnh lý và tái bản ? Thầy im lặng một hồi rồi nói "Có ai yêu cầu tái bản đâu, Nhà xuất bản Giáo dục chưa lên tiếng thì ai làm, kinh phí ai cấp! Thôi các cậu liệu mà tự chỉnh lý khi giảng dạy… Chúng ta đều bị lừa dối hết, cậu ạ".
(*1) Những người khốn khổ, trang 504, phần thứ Tư, quyển I, tập 2, do Nhà xuất bản Văn học tái bản, Hà Nội, 2004.
Phùng Hoài Ngọc
An Giang 17.6.2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét