Hà Sĩ Phu
Mấy hôm nay trời oi ả, mưa nắng thất thường, có thể bạn thấy trong người bực bội. Tôi xin kể hầu bạn câu chuyện "to-nhỏ" tào lao để thư giãn.
Tất nhiên có những chuyện "to-nhỏ" rất nghiêm túc như lời bác Hồ "Nước ta có vinh dự LỚN là một nước NHỎ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc TO" (nhưng rồi "đế quốc TO" khác lại bắt mình thử thách), song dân thì vốn "gian" nên nhiều lúc cứ đem tất cả sự to-nhỏ ra mà cười với nhau:
Ở một nước nho nhỏ có một thủ đô rất to Trong cái thủ đô rất to có những con đường rất nhỏ Bên những con đường rất nhỏ có những cái biệt thự rất to Trong cái biệt thự rất to có những cô "vợ nhỏ" Những cô "vợ nhỏ" là vui thú của những quan rất to Những quan rất to hay xách những cái cặp nho nhỏ Trong những cái cặp nho nhỏ có những dự án rất to Những dự án rất to thường mang lại những hiệu quả rất nhỏ Hiệu quả nho nhỏ nhưng thất thoát lại rất to Thất thoát rất to nhưng ở nước ta chỉ là chuyện… nhỏ như con thỏ... |
Thế rồi đến chương trình khai thác bô-xít, đáng lẽ là chuyện to phải thông qua Quốc hội, người ta bèn chia thành nhiều đề án nhỏ, thế là trót lọt…
Nhưng đề án này ở tầm "Bộ Chính trị đã thông qua" nên phải đâu chuyện nhỏ, lại thành to…, lúc to lúc nhỏ như cái "của… nợ "!
Nhưng chuyện to-nhỏ này mới gớm. Xin chép nguyên văn bài Ðón sứ Tàu , mà một blog đã kể lại theo truyền thuyết:
Triều đình chuẩn bị đón sứ nhà Thanh sang nước ta. Chúa nghe nói tên này là kẻ hống hách, hợm hĩnh, bèn kêu (Trạng) Quỳnh vào, giao cho giữ việc nghênh tiếp.
Quỳnh phụng mạng vua, đồng thời xin triệu thêm bà Ðoàn Thị Ðiểm giả làm người bán hàng nước cho khách qua đường, còn mình giả trang làm anh lái đò đưa sứ bộ qua sông.
Khách Tàu đến, đi ngang quán bà Ðiểm, thấy trong hàng có một cô gái xinh xắn ngồi bán, liền hùa nhau kéo vào uống nước, sẵn thói buông lời chọc ghẹo, bỡn cợt. Một tên líu lo đọc bâng quơ:
"Nam bang nhất thốn thổ bất tri kỷ nhân canh" 南 邦一 寸 土 不 知 几 人 耕 (Một tấc đất nước Nam không biết bao nhiêu người cày, ý cho rằng đàn bà nước Nam lẳng lơ) Bà Ðiểm đang nhai trầu, nhổ toẹt một bãi, đọc: "Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất" 北 國 諸 大 夫 皆 由 此 途 出 (Bọn quan quyền phương Bắc đều từ chỗ đó mà ra cả) |
Nghe xong câu ấy, cả bọn ngừng uống nước, tròn mắt, há hốc miệng nhìn bà Ðiểm. Chúng không thể ngờ rằng một bà bán nước bên đường lại có sức học kinh người đến thế ! (Hết trích).
Tên sứ giả ra câu đối đã có ý cậy thế nước lớn nói lời khinh miệt, chẳng ngờ bị cú "phản biện" trời giáng: những vị tai TO mặt LỚN nhất của nước LỚN nhất của quý ngài cũng từ cái chốn NHỎ nhất, như của những người NHỎ nhất (ngày xưa còn trọng nam khinh nữ) ở cái xứ NHỎ nhất này như tôi đây mà chui ra! Vậy ai to hơn, cái gì to hơn?
Lời giải đáp đầy tính sinh học và hình học (géometrie) không cãi vào đâu được. Vũ khí trời cho nằm ngay trong thân thể mình, nhưng có thành vũ khí được hay không là do cái khí chất anh hùng từ trong tim trong máu mình có còn hay không thôi.
Thế mà những kẻ có vũ khí tuyệt đối trong tay là sức mạnh nhân dân, sức mạnh của tám chục triệu Đoàn Thị Điểm - Trạng Quỳnh, lại mang danh đại diện Tổ quốc, mà tự quỳ xuống trước mặt những tên sứ giả vô danh phương Bắc, nói lời bán nước, xỉ nhục đồng bào, làm nhục quốc thể… thì những cái mặt "đại diện" (rất đại) ấy liệu có dám đối diện với cái "nhất thốn thổ" của con cháu Bà Trưng - Bà Triệu như các chị Minh Hằng, Phương Bích, Kim Tiến… hôm nay hay không?
Nói cái "sự đời" lại động đến cái lá nho. Trời sinh cái lá có diện tích "tương đối" và hình dáng mỹ thuật đủ để làm chức phận che. Có khi cả một "tòa thiên nhiên" tuyệt mỹ cũng cần chút lá để giấu bớt cái đẹp khiến cho cái đẹp thành vô biên. Nhưng có khi ngược lại, cái xấu toàn cục cũng cần chiếc lá che mặt như một ẩn số để níu kéo chút hy vọng, để sự đời khỏi bị đẩy đến chỗ tận cùng.
Nhưng nếu quá đáng, Trời cũng không thương được, nổi lên một "trận gió cuốn cờ" thì lá che cũng rụng, thế là "Point final"!
Khi giới văn nghệ sĩ đầy tính văn hóa và tế nhị đã phải thốt lên "Rõ rồi nhé, rõ mồn một rồi nhé", Thôi nhé, hiểu quá rõ rồi… thì biết mùa lá nho đã rụng tả tơi theo đồng chí "Nguyễn Trường Tô… hô" hết cả.
Chế độ phong kiến thường dùng những con số lớn như "cửu trùng", muôn năm, vạn tuế… để mô tả những cái lớn lao, trang trọng, trong khi lại khinh thường phụ nữ, và giả đạo đức bằng cách dè bỉu bộ phận kín đáo, nơi "Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất" ! Chẳng biết có phải để lột trần sự đạo đức giả ấy mà các cụ nhà ta ngày xưa cũng dùng những con số rất lớn như "ba vạn, chín nghìn" để gọi cái nơi khiêm tốn của mình (thực ra là vĩ đại), qua mặt những "cửu trùng, vạn tuế" hay không?
Viết đến đây, tôi xin phép nhắc đến một câu thơ trước đây của mình, liên hệ khăng khít cái nhỏ đơn chiếc với cái lớn lao:
Chính trường rụng một lá nho Tái tê Ba vạn, tô hô Chín nghìn |
nhưng tôi đã sửa lại thành: Tái tê Ba vạn, tô hô Cửu trùng… cho rõ cái ý đối chiếu ấy.
Ngẫm ra tầm cỡ người thấp người cao, nước lớn nước nhỏ cũng do "kích thước" của nhân cách con người, nhân cách dân tộc mà ra cả.
Ngày 5-9-2011
H.S.P.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét