Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

PHƯƠNG BÍCH: BƯỚC CHÂN VÀO CHỐN NGỤC TÙ (5, 6) (hết)

Nguồn xuandienhannom

Ghi chép của Phương Bích
Trong Hỏa Lò
Tôi không hề cảm thấy hổ thẹn với lương tâm, chỉ choáng váng phút ban đầu khi nhìn cái còng số 8 bập vào tay mình. Một người phụ nữ hơn 50 tuổi như tôi, xấu hổ ngay cả khi nói to khiến người khác phải nhìn vào, chưa bao giờ ỷ thế vào bất cứ mối quan hệ nào để trục lợi cho bản thân mình, chưa bao giờ làm điều gì xấu xa, tổn hại đến bất cứ một cá nhân nào chứ nói gì đến đất nước. Vậy thì tại sao tôi lại phải hổ thẹn vì cái còng số 8 trên tay tôi lúc này đây. Dẫu cho họ có gán cho tôi cái tội danh gì đi chăng nữa, thì tôi chắc bạn bè và gia đình, những người biết tôi dù chỉ là trong thời gian ngắn ngủi nhất cũng sẽ không bao giờ nghĩ tôi là một kẻ có tội.
Lại được ở bên nhau trong lúc chờ đợi, Minh Hằng ngồi xuống bên cạnh, xiết chặt lấy bàn tay tôi nghẹn ngào:
- Tôi với bà từ nay không thể xa nhau được nữa rồi
Tôi rưng rưng nước mắt. Bây giờ tôi mới cảm nhận được, mỗi giây phút được ở bên đồng đội trong những ngày này quý giá đến thế nào. Họ phát cho chúng tôi mỗi người một mẩu giấy có ghi số, bảo đấy là số cơm của chúng tôi, số gọi đi cung, số gọi đi nhận quà tiếp tế.
Trước khi đi theo người dẫn chúng tôi vào trại, tôi đến bên hai người bạn tù áp giải chúng tôi trên xe, nắm lấy những bàn tay đang bị còng chào tạm biệt họ:
- Mình đi nhé, giữ gìn sức khỏe nhé.
Trong đôi mắt cô gái mở to ngước lên nhìn tôi lúc ấy, tôi cảm nhận có chút gì ấm áp trong đó, hoàn toàn không còn vẻ dữ dằn, phớt đời như lúc ban đầu. Chỉ một khoảng khắc ngắn ngủi ấy thôi, tôi vừa mừng vừa thấy xót xa về số phận của những con người này.
Đã đến đây rồi, tôi bình tĩnh chấp nhận tình thế, không còn bất ngờ trước mọi diễn biến nữa. Nỗi lo nhất của tôi là về bố, bây giờ thì chắc gia đình tôi cũng thu xếp ổn thỏa. Thương mẹ lại vất vả thêm, thương các anh chị có thể bị nhiễu nhương, phiền hà vì tôi.
Thái độ của những người tại khu giam giữ lịch sự và thân thiện, khác hẳn so với khu vực tiếp nhận tù vào trại. Có lẽ do tiếp xúc trưc tiếp với tù nhân, ít nhiều họ cũng cảm nhận được sự đau khổ vì mất tự do của những người tù nên họ nhẹ nhàng hơn chăng. Chỉ có một điều tôi nhận thấy ngay là không bao giờ họ cho tù nhân ngồi cao ngang hàng với họ. Ghế dành cho cán bộ là ghế tựa thông thường, còn ghế cho tù nhân khi làm việc với họ là những chiếc ghế thấp, để làm sao người tù luôn phải ngồi ở dưới chân họ.
Tuy nhiên ở đây đâu phải là chỗ để cho tôi có ý kiến. Tôi nghĩ sau này, tôi sẽ tìm hiểu kỹ hơn về luật pháp Việt Nam. Nếu có thể, sẽ kiến nghị lên các ông nghị bà nghị, đề nghị cải thiện chế độ nhà tù, để những người tù được đối xử tử tế hơn, nhân đạo hơn.
Mỗi một khâu là một cuộc thẩm vấn, ở đâu họ cũng hỏi chúng tôi làm sao lại bị bắt, hỏi lai lịch,  quê quán, chỗ ở, việc làm. Sau khi nghe chúng tôi nói, ông phụ trách gật gù:
- Các chị đã vào đây thì cứ chấp hành nội quy cho tốt. Còn có tội hay không có tội thì là với đảng và nhà nước, chứ không phải có tội với chúng tôi. Các chị cứ yên tâm, không có tội thì sẽ thả thôi.
Có lẽ lý do vào tù như chúng tôi ở đây là chưa bao giờ có, nên trong khi tôi ngồi dưới chân họ, nói về chuyện bộ đội ta bị bắn giết ở Gạc Ma, về ngư dân ta vái lạy lính Trung Quốc để được sống sau khi bị cướp hết tài sản, về gần 3 tháng qua chúng tôi- trong đó có rất nhiều nhân sĩ trí thức- chủ nhật tuần nào cũng đi biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược... những người đại diện pháp luật cai quản đám tù ở đây cứ nhìn chúng tôi chăm chú, ánh mắt họ tôi không tả chính xác được, chỉ biết khi đưa tôi vào phòng giam rồi, đích thân ông phụ trách đứng ngoài hành lang nói vọng vào với đám bạn tù mới của tôi:
- Chị ấy là trí thức, nhớ đối xử tử tế đấy.
Ước mơ hòa bình. Ảnh: Phạm Văn Mùi
Ôi chao, một nhân viên quèn như tôi, đi biểu tình chống Trung Quốc về bỗng trở thành trí thức! Nếu họ được tiếp xúc với các trí thức thật sự thì không biết họ sẽ "choáng" như thế nào. Tôi cũng không "cãi" lại ông phụ trách khi ông ấy nói, nếu có tội thì là có tội với đảng và nhà nước. Trong lòng tôi khi ấy thầm bật lại ngay tức thì: tôi chỉ tự hỏi, mình có làm gì đắc tội với Tổ quốc, với nhân dân hay không thôi. Tổ quốc và nhân dân đơn giản là mảnh đất tổ tiên cha ông tạo dựng nên, ở đó có cha có mẹ, có các anh chị em, bạn bè thân hữu, hàng xóm láng giềng.. ..tất cả những cái đó không dễ nói ra, nhưng nó là trường tồn và bất biến.
Lời dặn dò của ông phụ trách trại giam thực ra chỉ để tỏ thiện chí và sự tôn trọng của ông ấy, chứ đám bạn tù tốt ngoài sức tưởng tượng. Cả căn phòng rộng chỉ có 6 người, cộng với tôi là 7. Không khác gì khi ở buồng giam công an quận Hoàn Kiếm, tôi thở phào nhẹ nhõm khi nhìn những gương mặt đang tò mò quan sát tôi, không có vẻ mặt nào là hung dữ, bặm trợn.
Chúng tôi làm quen với nhau rất nhanh, hóa ra tất cả đều ít tuổi hơn tôi, vậy mà trông họ già quá. Tất cả họ đều bị tạm giam vì tội cờ bạc, hay mại dâm. Tuy là tạm giam nhưng người ở đây lâu nhất cũng đã gần 4 năm, sớm là hơn 2 năm. Họ chăm chú lắng nghe tôi nói chuyện, hết sức ngạc nhiên khi biết lý do tôi bị bắt. Cũng như nhiều người ở ngoài đời, họ chẳng biết gì về chuyện biên giới và hải đảo. Họ gật gù - có, có! Em có nhớ về thác Bản Giốc – như thể nó chỉ còn ở đâu đó trong một miền ký ức xa lắc, trong cái guồng quay nhọc nhằn của cuộc sống cơm áo, gạo tiền. Tôi lại là người hay chuyện, nói không bao giờ biết chán về cuộc sống. Hai cô bạn từ "giường" bên kia nhảy sang hóng chuyện. Các cán bộ quản giáo đi qua, ngó thấy cả bọn túm tụm vào một chỗ nghe tôi kể chuyện, không biết họ có cho rằng tôi "đầu độc, tuyên truyền" gì không.
Đã qua giờ cơm chiều từ lâu, nhưng các cán bộ quản giáo vẫn hỏi tôi có ăn cơm không để đi lấy. Tôi cảm ơn, nhưng chỉ xin được uống nước. Họ đưa cho tôi một chai nước còn nguyên "tem", một cái khăn mặt mới và một bàn chải đánh răng. Một cô bạn tù trẻ nhất ép tôi uống bằng được một hộp sữa vinamilk, họ còn đưa cả bánh cho tôi ăn, đưa quần áo cho tôi thay. Thật khó lòng mà từ chối sự quan tâm của họ. Tôi hỏi thăm qua đám tù tự giác cũng như cán bộ quản giáo, họ bảo Minh Hằng vẫn khỏe, ăn uống bình thường. Tôi thực thà tin ngay, thế là trong ngày thứ ba và thứ tư, tôi đã đồng ý ăn cơm. Cơm của trại chỉ có cơm không và rau muống hấp. Rau ở đây còn nguyên xi gốc lẫn lá vàng, để trong một cái xô nhựa. Mọi người xúm lại nhặt bỏ hết lá, chỉ lấy một đoạn thân phía ngọn, rửa lại nhiều lần bằng nước uống trại cấp, đem ngâm nước muối rồi mới dám ăn. Cả một xô rau mà chỉ nhặt được một bát tô nhựa nhỏ. Thức ăn thì gia đình hàng tuần tiếp tế bằng cách mua tại căng tin của trại, chứ không được tự đem từ nhà vào. Thế là trại lại có lý do rất hợp pháp để kinh doanh. Tôi hỏi thì các bạn tù nói, gia đình tiếp tế cái gì đều nhận được đủ cả, không bị bớt xén tý gì.

23/8 -  Sang ngày thứ hai tôi vào Hỏa Lò, tức là ngày thứ ba tôi bị tạm giữ, không một ai đến "hỏi cung" tôi. Nếu tính theo giờ thì có nghĩa là đến 8 giờ 30 ngày mai – 24/8 là hết 3 ngày tạm giữ tôi. Mặc dù đã chấp nhận hoàn cảnh, nghĩa là tôi có giận dữ, đau buồn hay uất ức thì để sau này ra ngoài, còn bây giờ tôi chỉ còn biết chờ đợi. Vậy mà tôi vẫn tính từng giờ trôi qua, tự hỏi họ sẽ tìm ra cái cớ gì để tiếp tục giam giữ tôi. Thậm chí ngay cả khi không có chứng cớ gì, họ vẫn sẽ tận dụng hết 9 ngày để giam tôi cho bõ tức, cho tôi nhụt cái ý chí đòi quyền biểu tình của tôi đi, để răn đe những người khác trông đó mà coi chừng. Rồi tôi nghĩ ở bên ngoài, mọi người đang làm gì, có bị gây khó dễ không.
Ngày trở nên dài vô tận. Đám bạn tù giải khuây bằng cách ngêu ngao hát những bài nhạc chế. Đối với họ thì quá quen, nhưng với tôi nó vô cùng thú vị. Nó chứng tỏ mỗi một con người dẫu rất bình thường nhưng đều có cái tài lẻ nào đó. Họ hát hay, lời chế rất linh hoạt, đượm buồn. Trong khi họ thản nhiên hát, tôi lúc cười, lúc lại che mặt giấu đi những giọt nước mắt. Thương nhất là bài hát về tử tù: " xin cha mẹ tha thứ cho con, phận làm con chữ hiếu chưa tròn..." kể về nước mắt người mẹ, về sự hối hận của đứa con, về mong muốn khi đã về bên kia thế giới, vẫn cố tìm đường trở về nhà qua làn khói, để rồi thấy bên bàn thờ bóng mẹ gầy và đàn em nhỏ thơ ngây...

24/8 – Lại một ngày dài nữa trôi qua, tôi càng tin rằng họ sẽ giữ tôi đến hết 9 ngày mà không cần thông báo. Khi mọi người đã chuẩn bị đi nằm thì tôi được gọi ra. Lúc đó đã gần 10 giờ đêm, họ cần gì tôi vào giờ này được?
Xuống đến tầng 1, tôi thấy lố nhố sáu bẩy cảnh sát đứng đó. Họ bảo tôi ký vào quyết định gia hạn tạm giữ thêm 3 ngày. Như một cái máy, tôi ký vào, thậm chí khi họ bảo tôi điền vào là 8 giờ 30 tôi cũng không để ý. Tất cả lúc này là tôi muốn quay trở về phòng ngay tức khắc, tôi không muốn bọn họ nhìn thấy vẻ mặt tôi lúc này.
Khi nằm xuống rồi, cơn phẫn nộ của tôi lúc đó mới trào lên. Tôi tự xỉ vả mình vì đã ký vào cái quyết định đó mà không kịp suy nghĩ gì, rằng vì sao tôi không yêu cầu được gặp điều tra viên để hỏi xem, ba ngày qua, họ điều tra được những chứng cớ gì để tiếp tục giam giữ tôi. Tôi phẫn uất quá nên gần như cả đêm ấy tôi không ngủ được, hễ cô quản giáo đi qua lần nào là đều thấy tôi mở mắt nhìn thao láo ra bên ngoài chờ trời sáng.

25/8 – Từ sáng sớm, tôi thấp thỏm chờ cô quản giáo đi qua để yêu cầu được gặp điều tra viên. Cô ấy nghe tôi nói rồi hứa sẽ chuyển lời.
Mặc dù tôi không tin là họ sẽ cho tôi gặp, nhưng quãng hơn 9 giờ, tức là gần đến giờ ăn trưa thì tôi được gọi ra ngoài. Tôi gặp Minh Hằng ở ngoài hành lang. Hai chúng tôi lại nắm chặt lấy tay nhau, lúc ấy tôi mới biết tất cả họ nói dối tôi, rằng từ hôm vào Minh Hằng không hề ăn gì. Nghe vậy tôi giận mình quá, nhưng Minh Hằng bảo tôi phải lượng sức mình.
Họ bắt chúng tôi mặc quần áo tù ra ngoài, hai chúng tôi nắm tay nhau đi ra ngoài khu vưc thẩm vấn phía ngoài cổng. Ở đó họ để chúng tôi chờ hết buổi sáng mà không có ai hỏi han gì. Lại quay trở về phòng giam. Mọi người đang ngủ trưa. Tôi uống nước cho dịu bớt cơn phẫn nộ và cái dạ dày đang sôi réo.
Buổi chiều, mọi người ngủ dậy, bắt tôi ăn cơm. Nhưng từ tối hôm qua tôi đã quyết định sẽ tuyệt thực để phản đối. Ước chùng quãng 1 rưỡi chiều, họ lại gọi chúng tôi ra. Chúng tôi có ba người nhưng lại chỉ có hai điều tra viên. Vậy là trong khi họ hỏi Minh Hằng và Dũng, tôi phải ngồi chờ ở bên ngoài. Suốt một buổi chiều, tôi cứ ngồi trong phòng chờ, chứng kiến bao nhiêu con người ra vào như mắc cửi. Mỗi người một số phận: ma túy, lừa đảo, và kể cả giết người. Một phụ nữ to béo trông rất ngầu, bị bắt vì bán lẻ ma túy, khi biết lý do tôi bị bắt bèn buột miệng chửi tục:
-       Ơ! Đ.mẹ, biểu tình chống Trung Quốc mà cũng bị bắt. [...] Sao mà ngu thế.
Tôi đang bực bội vì phải chờ đợi, nghe chị ta chửi dẻo quẹo cũng cảm thấy buồn cười.
Thế là lại sắp hết ngày, không biết bao giờ tôi mới được đối mặt với những kẻ buộc tội tôi đây. Vẫn chưa thấy Minh Hằng và Dũng quay trở ra, còn tôi lại bị đưa trở về phòng giam. Trước khi vào phòng, tôi ký vào biên bản về việc tôi sẽ không ăn cơm để phản đối việc bắt giữ tôi vô cớ, các cán bộ quản giáo bảo tôi làm thế chỉ thiệt thân thôi, nhưng tôi rất kiên quyết:
-    Nếu tôi có tội thì có tuyệt thực đến chết cũng không thoát tội. Còn thiệt thòi về thân xác cũng không thể quý giá bằng sự tự do của tôi được.
Lập xong biên bản, tôi quay trở về phòng, thay bộ quần áo của bạn tù cho mượn rồi bình tĩnh ngồi xuống. Tôi đã sẵn sàng chuẩn bị tinh thần cho cuộc đấu tranh sắp tới, bất chấp nó sẽ đưa tôi đến đâu. Nếu họ có thể kết án một người như tôi, thì thực là không còn tin được vào thứ công lý nào trong cuộc đời này nữa.
Chưa kịp chuyện trò, tôi thấy đám bạn tù nhốn nháo:
-    Chị được về rồi kìa
Tôi nghĩ họ trêu tôi, nhưng họ cứ cuống quýt lên:
-    Thật mà, cô bảo kia kìa, chị được về rồi.
Tôi ngó ra cửa, thấy cô quản giáo cầm chìa khóa đến mở cửa, đám bạn tù thì rối rít giục tôi thay quần áo. Tôi không hề ý thức được mình đang làm gì, thay quần áo như một cái máy rồi đi ra cửa. Một bạn tù đứng ở cửa sổ rên rỉ:
-   Ôi chị ơi, thế là là chị được về rồi.
Tôi nắm lấy cả hai bàn tay cô ấy đang thò ra ngoài chấn song cửa:
-   Chị đi nhé
Không kịp nhìn lại ai, tôi đi như người mất hồn theo cô quản giáo. Sau này tôi hết sức ân hận là đã không ôm lấy từng người trong bọn họ để tạm biệt, chỉ bởi lẽ đến lúc ấy tôi vẫn chưa thực sự tin là người ta chịu thả tôi. Dù chỉ ở với họ chưa đầy 3 ngày, nhưng tôi thực sự rất nhớ và thương họ vô cùng. Tôi thầm hứa một ngày gần đây, sẽ trở lại trại để gửi quà cho họ. Giá mà gửi được lời thăm hỏi đến họ thì tốt biết chừng nào.
Còn nữa...
*************************

PHƯƠNG BÍCH: BƯỚC CHÂN VÀO CHỐN NGỤC TÙ (Phần cuối)

Trước cửa Hỏa Lò, Phương Bích gục vào lòng chú em Lê Dũng và khóc nức nở, mặc cho Nguyễn Xuân Diện khuyên giải hết lời.
Bước chân vào chốn ngục tù
Ghi chép của Phương Bích
Chị ơi lau nước mắt,
Chị đã ra tù rồi.
Còn đây muôn vạn nụ cười
Tấm lòng chị, có đất trời chứng minh!
(Nguyễn Xuân Diện)

Trong khi làm thủ tục ra trại, tôi biết Minh Hằng và Dũng cũng sẽ được thả. Rồi tôi băn khoăn không biết làm sao báo cho ai biết được để đi đón chúng tôi. Điện thoại không, tiền không, tôi nghĩ cứ gọi taxi hoặc xe ôm về nhà tôi, rồi trong khi Minh Hằng và Dũng ngồi chờ, tôi sẽ lên nhà lấy tiền trả.
Họ không cho tôi chờ hai người bạn ở trong trại. Tôi lơ ngơ đi ra ngoài, chả biết đâu là lối ra vì lúc vào ngồi trên xe bịt bùng, có biết giời đất gì đâu. Còn đang ngó quanh xem có taxi không thì nghe thấy tiếng kêu kéo dài:
 - Chị....
Từ xa, tôi trông thấy Nguyễn Vỹ chạy tới, nước mắt tôi trào ra, mặc dù mới chỉ nhìn thấy một mình Vỹ, nhưng thế là tôi biết các bạn tôi đã ở đây rồi. Hai chị em tôi ôm chặt lấy nhau, rồi đến Lê Dũng, Xuân Diện, Cường, Hiếu, Thủy, Trí Đức, bé Oanh, Kim Tiến, một phụ nữ tôi quen mặt nhưng chưa biết tên, người mà Xuân Diện kể cứ khóc suốt khi chúng tôi bị giam vào Hỏa Lò và một vài anh em khác tôi cũng chưa biết tên... Một lúc sau Tiến Nam phóng xe máy đến, nó chỉ kịp gạt chân chống xe rồi nhào tới ôm lấy tôi. Mới có ba ngày xa cách mà chị em tôi cứ ngỡ như đã lâu lắm rồi không được gặp nhau.
Cuộc hội ngộ trước cổng Hỏa Lò của những người trong nhóm biểu tình chắc chắn sẽ khiến những người dân quanh đó thấy rất lạ. Mấy anh lính gác thấy các tay máy cứ chĩa vào chụp lia lịa, vội vàng ra đề nghị chúng tôi giải tán. Sau khi đón đủ 3 người chúng tôi, tất cả mọi người lên xe kéo nhau đến một nhà hàng, trừ Dũng bị mẹ bắt về ngay. Tôi hiểu thái độ của mẹ Dũng, nên không dám nói gì với cô ấy, chỉ tiếc là Dũng không được tham gia cuộc vui với đồng đội sau những ngày bị giam giữ.
Chưa bao giờ chúng tôi được nhiều người quan tâm đến thế trong buổi tối hôm đó. Hàng chục cú điện thoại gọi đến mà tôi chẳng nghe được cuộc nào vì ồn ào quá, vì tai tôi có lẽ đã trở nên nghễnh ngãng nên cứ phải nhờ Cường nghe hộ. Thậm chí bác Ba Sàm tôi mới chỉ biết đến qua blog nổi tiếng của bác ấy cũng gọi điện đến hỏi thăm, bác giáo sư Ngô Đức Thọ đáng kính cũng muốn hỏi chuyện trực tiếp với tôi qua điện thoại, nhiều lắm những người bạn của tôi gọi điện đến chia sẻ niềm vui. Nghe nói có cả công an chìm trà trộn vào buổi liên hoan hội ngộ giữa những người biểu tình. Mặc dù tôi chả thấy có thiện cảm gì với gương mặt đó khi được nhận diện trên facebook, nhưng tôi không biết anh ta sẽ nghĩ gì trước cảnh những con người đủ mọi lứa tuổi, không hề có liên hệ máu mủ ruột rà gì, mà lại có thể mừng vui thắm thiết đến thế khi găp lại nhau. Liệu anh ta có thể tìm thấy được thái độ thù địch nào ở đây không? Tôi mà như anh ta thì hẳn tôi sẽ thấy buồn và ghen tị lắm.
Lê Dũng và Xuân Diện đưa tôi về nhà. Nhìn thấy tôi, bố hơi mếu một chút, anh trai tôi không nói gì nhiều, nhưng ánh mắt nhìn tôi không hề có chút gì trách móc.
Mặc dù ngày hôm sau phải đi làm ngay, nhưng đêm ấy tôi không ngủ được. Nếu có máy tính, chắc chắn tôi sẽ ngồi vào kể ngay câu chuyện 5 ngày ở tù của tôi.
Đoạn kết.
Ngày 26/8 đi làm, vừa vào đến cổng cơ quan, một anh dang tay nói:
- Cho tôi ôm người hùng cái nào.
Mấy cô bạn thì tíu tít hỏi thăm, có cô mắt đỏ hoe sụt sịt bảo:
- Làm em khóc hết nước mắt.
Cô ấy bảo trước đây mọi người chả ai quan tâm đến chuyện biểu tình chống TQ, nay thì truyền tay nhau đọc các bài của chị, rồi tìm hiểu về chuyện biểu tình thời gian qua, thế là tự dưng lại tuyên truyền hữu hiệu về chuyện biểu tình còn gì. Chỉ có riêng thằng N vẫn cứ không tin, bảo chắc phải được cái gì thì mới đi như thế chứ. Em thì em không cho nó là người xấu, chỉ là nó ấu trĩ thôi.
Ấu trĩ ư? Chẳng phải đâu. Tôi cho rằng những kẻ vốn quen làm việc theo tư duy xin cho, chỉ quen làm việc bằng phong bì thì làm sao hiểu được trên đời, có ai đó lại có thể sẵn sàng tự nguyện làm không công một việc gì đó giúp ích cho đời, ví dụ như có những người tự nguyện đi vớt rác trên sông, hay đi nhặt đinh tặc chẳng hạn. Thậm chí ngay cả trong việc làm từ thiện cũng có những kẻ làm chỉ để lấy danh chứ đâu phải vì lòng trắc ẩn.
Mẹ tôi thì thầm: hàng xóm có vẻ xa lánh nhà mình, sợ liên lụy. Trước đây mẹ tôi chỉ biết đọc báo in, xem ti vi. Sau khi con gái bị bắt, bị một số kẻ trong tổ dân phố đơm đặt, bà tức lắm, đòi đọc báo mạng, bảo để biết mà còn đấu lại.chứ.
Tôi vừa ra khỏi nhà thì chị tổ phó tổ dân phố chạy đến ôm chầm lấy tôi bảo: bọn chị ngày nào cũng mong ngóng tin em. Thậm chí định rủ nhau viết đơn để gửi lên cấp trên, thằng Hiển – một cậu nhát như cáy- nghe thấy thế bảo: em cũng ký.
Suốt từ hôm ra tù, tôi không có lúc nào rảnh rỗi để viết. Đến cơ quan thì bận bịu. Về nhà thì không có máy tính. Sốt ruột quá nên đành phải mua cái máy tính để bàn về. Máy mới, chương trình cài đặt sơ sài, mạng bị phá không vào được. Cặm cụi 3 đêm mới viết gần xong bài tường thuật.
Sau này tôi mới biết Vũ Quốc Ngữ dù chưa kịp tham gia biểu tình ngày 21/8, nhưng vẫn bị bắt giam 5 ngày như chúng tôi chỉ vì sự quan tâm đến đồng đội, để rồi bị đánh đập, bị sỉ nhục. Vậy thì so với những gì Ngữ đã trải qua, những ngày ở Hỏa Lò của chúng tôi đúng là chẳng thấm tháp vào đâu.
Trước khi dừng ở đây, tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã quan tâm lo lắng cho chúng tôi trong những ngày qua, không ngoại trừ cả những người bạn tốt bụng đã chia sẻ từng miếng cơm, manh áo cho tôi trong những ngày tôi bị giam trong tù.
Hà Nội ngày 3/9/2011
Phương Bích
Một vài hình ảnh khi được trả tự do:
(Nguồn: Anh Ba Sàm)
Bích Phượng khóc nức nở khi nhìn thấy bạn bè ra đón – bloger Lê Dũng, blogger-TS Nguyễn Xuân Diện, …
 
Bộ cánh mà chị đang diện đây là của một người bạn tù cứu trợ
Minh Hằng áp dụng chế độ "ăn kiêng đặc biệt" trong mấy ngàyqua nên tỏ ra rất hiệu quả
 
Tí Hớn có cảm giác đón người thân ra tù, vì 2 năm trước cu cậu chưa thể biết khi bố Buôn Gió cùng cảnh ngộ như bác Hằng bây giờ

Chùm ảnh của Nguyễn Xuân Diện (dưới)
Các em Lê Dũng - Nguyễn Xuân Diện chờ các chị và các em ở cửa nhà tù Hỏa Lò từ rất sớm

Tiến Nam trả lại Nguyễn Văn Dũng chiếc ví (trong có 10.000đ)









Chùm ảnh của Người Buôn gió (dưới)
 
Cháu bé áo vàng lặn lội một mình ra đón mọi người



Kẻ khóc người cười

 
 
Đoàn tụ trong nước mắt


Những kẻ háo sắc


Nỗi niềm đoạn trường


Phóng viên nhí tác nghiệp giúp bố

Anh nhớ gì không anh, những anh hùng đi giúp non sông. Đất nước bốn ngàn năm, đã bao lần chồn chân thạch mã, gỗ đá còn gian lao. Tiếng anh hào muôn thưở hơn nhau (trích bài Anh của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông)
Hai cháu bé ở ngõ Yên Bái chia sẻ niềm vui với người được về từ cõi ...tạm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét