NTT – Bài viết dưới đây của nhà thơ Dương Kỳ Anh được đăng trên tamnhin.net nhưng bị nhiều lỗi chính tả và sai một số chữ khi trích thơ. Vậy xin đăng lại ở đây với bản đã được sửa lỗi…
Ứa nghẹn những bức bách đời thường
DƯƠNG KỲ ANH
(Tamnhin.net) Nguyễn Trọng Tạo được coi là người tài hoa, người của thơ, của nhạc, của họa… Trong nhạc và thơ Nguyễn Trọng Tạo đã có những tác phẩm neo giữ được trong lòng người.
Riêng tôi, vẫn cho rằng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo còn là một nhà báo sắc sảo, biết cách nói thật.
Hôm ra mắt tập sách "Nguyễn Trọng Tạo – thơ và trường ca" dày trên 500 trang, tôi đến hơi muộn, thấy có người đẹp đang ngâm thơ và rất nhiều đọc giả, bạn bè có mặt tại nhà sách Đông Tây đang lắng nghe thơ, nghe nhạc…tôi liền nhớ câu thơ mà tôi đã viết tặng Nguyễn Trọng Tạo "Say rượu, say thơ, say em… say ngất ngưởng cả ngày, vẫn biết cách lựa lời nói thật".
Thực ra, tôi và Nguyễn Trọng Tạo có duyên với nhau cách đây trên 30 năm.
Năm 1978, báo Nhân Dân có một cuộc chọn những bài thơ hay trong năm mà những người chủ trì cuộc chọn này là những nhà thơ nổi tiếng như Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên…
Hơn một chục bài thơ được chọn, đăng lên báo năm đó có bài thơ "Đi trong rừng Cúc Phương" của tôi và bài "Làng có một ngày như thế" của Nguyễn Trong Tạo.
Giờ đọc lại bài thơ mà thật ra là viết về một chủ trường rất ấu trĩ thời đó, chủ trương "Mạ vô sân, dân vô rú…", nhưng, với tài thơ của mình, Nguyễn Trọng Tạo đã có những câu thơ dân dã, ứa nghẹn:
Cái liềm, cái hái, cái cối giã vừng
Cái kiềng chịu lửa, ta nào dám quên…
Những chặng đường thơ của Nguyễn Trọng Tạo cũng là những chặng đường của đất nước, của cuộc đời tác giả. Nguyễn Trọng Tạo đã có hơn chục tập thơ và trường ca, viết về nhiều đề tài, nhiều sự kiện, nhiều người bạn thơ, nhiều địa danh mà tác giả đã đến, đã ở…
Nhưng, có lẽ chỉ khi tác giả viết về mình, về hai vùng quê mà tác giả gắn bó máu thịt là có thần hứng nhất.
Vùng quê xứ Nghệ:
Trời chang chang nắng, tôi về héo khô (Chia)
Cỏ may. Ta cúi xuống chào. Cỏ may (Cỏ may trên sân thượng)
Và Huế:
Sông Hương hóa rượu ta đến uống
Ta tỉnh, đền đài ngả nghiêng say (Huế 1) .
Nguyễn Trọng Tạo đã từng đi bộ đội, đã kinh qua chiến tranh. Và anh đã có nhiều câu thơ, có cả trường ca viết về đề tài này.
Nhưng, đọng lại là dư âm, là tâm tưởng, là máu thịt…chứ không phải sự kiện.
Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
Có con người sống mà như qua đời…
Tôi đã đọc một số bài viết nói về sự cách tân của Nguyễn Trọng Tạo trong thơ.
Cách tân, nghe có vẻ to tát! Tôi cũng rất ngại khi một số người ngộ nhận về cách tân, về hiện đại hay hậu hiện đại gì đó.
Tôi sợ là khi người ta cố làm khác mình, cố làm ra vẻ này, vẻ khác trong thơ… Bởi vì người ta có thể dối nhau ngoài đời nhưng trong thơ thì khó lắm. Nói như một nhà thơ Nga "Anh có thể dối em, thơ anh không thể dối".
Tôi thì tôi cho rằng Nguyễn Trọng Tạo cùng một số ít nhà thơ thế hệ chúng tôi đã tự làm mới mình để làm mới thơ.
Làm mới từ trong tư tưởng, từ trong nhận thức, từ trong tâm trạng, từ trong cách nhìn nhận thời cuộc… mà quan trọng nhất là trung thực với chính mình, dám đối diện với sự thật. Đó là sự làm mới đau đớn, thật không dễ gì!
Một người có tài thơ, khi không còn e ngại những điều mà ở ta người ta thường e ngại khi chạm vào sự thật, và khi bày tỏ hết mình thì thần hứng sẽ đến:
Vẽ tôi mực rượu, giấy trời
Nửa say, nửa tỉnh, nửa cười, nửa đau
Vẽ tôi, thơ viết nửa câu
Nửa câu ma quỷ đêm sâu gọi về…
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi cho rằng: "Trên bảng ghi công những văn nghệ sĩ đổi mới thực sự và đổi mới hiệu quả, có tên Nguyễn Trọng Tạo".
Nhà thơ Vũ Cao gần gũi hơn: "Ngòi bút anh thoải mái nói những điều không phải dễ nói ra…".
Riêng tôi, tôi rất tâm đắc về nhận xét của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha khi nói đến sự "Ứa nghẹn những bức bách đời thương…" trong thơ Nguyễn Trọng Tạo. Tôi cũng xin lấy nhận xét này để làm tít cho bài viết của tôi.
Chia cho em một đời tôi
Một cay đắng
một niềm vui
một buồn
Tôi còn cái xác không hồn
Cái chai không rượu, tôi còn vỏ chai… (Chia)
Những câu thơ viết như chơi, mà hay đến… lạnh người!
Cái sự nửa say, nửa tỉnh, nửa cười, nửa đau… này, đã làm nên những câu thơ, những bài thơ hay. Nguyễn Trọng Tạo thành công khi hát "đồng dao cho người lớn", kể cả những câu thơ có vẻ lạc lối nhưng, cũng rất Nguyễn Trọng Tạo.
Nó đứng trên cao cười tít
Đái qua đầu bạn đầu tôi (Tượng thằng cu đái).
Bây giờ thì tôi hiểu rằng, trước hết người làm thơ phải làm người cho ra người, sau đó mới làm thơ.
Phải sống cho ra sống, sống vượt lên mình, để không chìm nghỉm trong sự sợ hãi cường quyền, trong những cái nhỏ bé, tủn mủn, sâu sia… của cuộc đời, mới thực sự là thi nhân!
Cuối năm con Mèo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét