Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

RFI Điểm Báo : Nhật Bản trên đường đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân

Nguồn RFI

Khắc phục nhà máy điện Fukushima
Reuters/Tokyo Electric Power Co

Mai Vân

Chủ đề mà tất cả các báo Pháp chạy tựa lớn trang nhất hôm nay là bài diễn văn tại Toulon của tổng thống Sarkozy ngày 01/12/11 về tình hình khủng hoảng hiện nay tại Châu Âu và phương thức đối phó. Nhìn ra bên ngoài, tình hình Nga khá được chú ý với cuộc bầu cử Quốc hội sắp diễn ra. Riêng về Châu Á, khả năng Nhật sắp đóng cửa tất cả các lò phản ứng hạt nhân đã được tờ Les Echos nêu bật.

Nhật báo kinh tế Pháp đã dành 2 trang báo dài và bài xã luận cho sự kiện này. Đối với Les Echos, cho dù không muốn, Nhật Bản đang trên đường hướng tới việc ngừng hoạt động hoàn toàn các lò điện hạt nhân. Hiện chỉ còn 9 trên số 54 cơ sở tại Nhật là còn hoạt động sản xuất điện. Lý do là vì các chính quyền điạ phương không đồng ý cho chạy lại các nhà máy điện đặt ở điạ phương của họ.

Nhân sự kiện tại Nhật Bản, ngày hôm qua, 01/12/2011, lại có thêm một lò hạt nhân ngừng hoạt động, Les Echos đưa ra nhận xét : Không hề có một cuộc thảo luận nào trong công chúng, cũng không có quyết định nào của chính phủ, thế nhưng, điện hạt nhân đang dần dần biến mất tại Nhật Bản. Ngày hôm qua, công ty Kyushu Electric Power Company, đơn vị khai thác nhà máy điện Genkai đã cho lò số một của nhà máy ngừng hoạt động để bảo trì định kỳ. Theo lịch trình, đến 25/12 tới, đến lượt lò số 4 sẽ dừng hoạt động để kiểm tra. Như vậy, đến cuối năm nay, công ty này sẽ không còn sản xuất một kilowat nào điện hạt nhân nữa.

Thực ra, công việc kiểm tra và bảo trì đối với các lò phản ứng hạt nhân khác tại Genkai đã hoàn tất và công ty Kyushu rất muốn đưa trở lại vào hoạt động thế nhưng, họ đã vấp phải sự chống đối của chính quyền địa phương. Tại Nhật Bản, chính quyền địa phương có quyền từ chối, không cho phép khởi động các lò hạt nhân đặt trên phần lãnh thổ của mình.

Les Echos cho biết, trong quá khứ, các tòa thị chính rất hiếm khi chống lại việc khai thác điện hạt nhân. Tình hình đã hoàn toàn thay đổi sau thảm họa hạt nhân Fukushima.

Trước thời điểm xẩy ra động đất, sóng thần, ngày 11/03, 54 lò hạt nhân tại Nhật Bản chiếm gần một phần tư tổng sản lượng điện của Nhật Bản. Nay chỉ còn 9 lò sản xuất điện. Tức là Nhật Bản hiện đang khai thác có 17% công suất lý thuyết của các nhà máy điện hạt nhân.

Trong bối cảnh chính quyền các địa phương tỏ ra thiếu tin tưởng vào mức độ an toàn của điện hạt nhân và nếu như lịch trình kiểm tra và bảo trì được thực hiện nghiêm túc thì đến tháng 4/2011, toàn bộ số lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản sẽ ngừng hoạt động.

Để bù đắp số điện bị thiếu hụt, các công ty cung ứng năng lượng buộc phải mua dầu hỏa và khí để tăng sản lượng nhiệt điện, đồng thời kêu gọi chính phủ hỗ trợ, gây áp lực với các chính quyền địa phương cho phép tái khởi động các lò hạt nhân. Thế nhưng, theo Les Echos, họ chỉ nhận được một sự ủng hộ có chừng mực của Tokyo : Mặc dù chưa đề ra được một chính sách mới trong lĩnh vực năng lượng, chính phủ đã ra lệnh tiến hành một loạt các trắc nghiệm an toàn đối với các lò phản ứng hạt nhân. Mặt khác, cơ quan phụ trách điện hạt nhân và chính phủ lại không tỏ rõ thái độ đồng ý hay bác bỏ những báo cáo về kết quả thử nghiệm an toàn. Do vậy, một số chính quyền địa phương thì đồng ý, một số khác vẫn không chấp nhận.

Theo thông tín viên của Les Echos tại Tokyo, ngày 01/12/2011, công luận Nhật Bản lại càng lo ngại hơn khi tập đoàn Tepco, đơn vị khai thác nhà máy điện Fukushima đã công khai thừa nhận là đã đánh giá quá thấp quy mô nóng chảy tâm lò hạt nhân số một. Theo các tính toán Tepco, gần như toàn bộ nhiên liệu hạt nhân trong lò có thể đã nóng chảy, thẩm thấu qua đáy lò và ăn sâu xuống phần móng của vỏ bọc bê tông bên ngoài.

Nhân sự kiện này, báo Les Echos có bài xã luận nhan đề « Trắc nghiệm stress theo kiểu Nhật Bản ».

Sau khi nhắc lại những gì đang và sẽ xẩy ra tại Nhật Bản trong lĩnh vực điện hạt nhân, tờ báo nhận định, vào mùa xuân năm tới, Nhật Bản sẽ không có điện hạt nhân nữa. Trước sự phản đối mạnh mẽ của người dân, không ai biết đến lúc nào thì các lò hạt nhân tại Nhật Bản sẽ hoạt động trở lại.

Tờ báo so sánh tình hình Nhật Bản và Pháp. Vào lúc ở Pháp, người ta tranh luận triền miên về khả năng giảm một phần ba điện hạt nhân trong thời gian 13 năm, thì Nhật Bản đã làm được việc này trong vòng có một năm mà không cần đến quyết định của giới lãnh đạo chính trị.

Đương nhiên, một trong những yếu tố giải thích việc giảm nhanh chóng điện hạt nhân tại Nhật Bản là thiên tai thảm khốc, nhưng điều gây ngạc nhiên là trong vòng có sáu tháng, Nhật Bản đã thành công trong việc phục hồi bộ máy công nghiệp, trong bối cảnh phải khắc phục các hậu quả thiên tai, mất một nguồn năng lượng quan trọng là điện hạt nhân, đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chính trường bất ổn định.

Dĩ nhiên, không phải mọi việc đều tốt đẹp tại xứ Hoa Anh đào. Chắc chắn là Nhật Bản phải trả giá đắt cho khủng hoảng. Thất nghiệp và thâm hụt cán cân thương mại sẽ gia tăng. Các vấn đề chính trị và vĩ mô kinh tế chưa hề được giải quyết, việc ngừng sản xuất điện hạt nhân sẽ làm trầm trọng thêm các khó khăn kinh tế. Việc tăng cường khai thác nhiệt điện sẽ gây tốn kém và ảnh hưởng đến môi trường…

Theo Les Echos, cho dù mô hình Nhật Bản nói trên không thể áp dụng được tại Pháp, nhưng nó cho thấy là không có gì là bất khả thi, nên đa dạng hóa nguồn nhiên liệu, sự chấp thuận của dân chúng rất mong manh và dễ thay đổi.

Miến Điện : Mỹ đánh cuộc trên thiện chí mở cửa của chế độ

Quan tâm đến Châu Á, báo Le Monde theo dõi chuyến viếng thăm Miến Điện của ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, nhận định trong hàng tựa : Hoa Kỳ đặt cuộc trên việc mở cửa của chế độ Miến Điện. Tờ báo còn ghi nhận là đến Miến Điện để đánh giá về các cải tổ của chế độ độc tài, ngoại trưởng Mỹ còn chăm lo cho ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực.

Tờ báo cũng nêu lại nhận định chung hiện nay, chuyến viếng thăm này đánh dấu một bước ngoặt, một giai đoạn mới, đưa Miến Điện ra khỏi sự cô lập ngoại giao. Nhưng chuyến viếng thăm không đồng nghĩa với sự công nhận và bãi bỏ trừng phạt vì theo ngoại trưởng Mỹ, điều đó còn phải được sự chấp thuận của Quốc Hội, và việc này chưa phải là vấn đề thời sự hiện nay.

Trích dẫn một số nhà quan sát, Le Monde nhìn thấy là chuyến đi của bà Clinton không phải là không nguy hiểm về mặt chính trị đối với Washington. Gởi ngoại trưởng của mình đến Miến Điện, tổng thống Obama đã đánh cuộc là thật sự có thay đổi tại quốc gia này. Cho dù mục tiêu chính thức chuyến đi được nêu lên một cách dè dặt là để quan sát tại chỗ, xem thực hư những lời hứa của chế độ, nhưng nguy cơ là chuyến đi này sẽ bị họ khai thác.

Nhưng phân tích về tính toán phiá Mỹ, tờ báo nhìn thấy hậu ý là xích lại gần quốc gia được xem là 'con bệnh của Châu Á', Washington muốn đặt chân trên vùng ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong thời buổi cạnh tranh Mỹ Trung ở vùng Viễn Đông, đây là một mục tiêu mà Washignton thực sự nhắm đến.

Nga : Bầu cử tại một đất nước vẫn còn chuyên chế

Bầu cử Quốc hội Nga diễn ra vào chủ nhật là dịp để báo giới Pháp nhòm ngó vào quốc gia vẫn bị cho là 'chuyên chế', thiếu dân chủ. Le Figaro chú trọng đến cuộc vận động tranh cử, nhìn thấy cặp Medvedev và Putin đi vận động 'sự ngưỡng mộ', tít bài báo trang quốc tế.

Theo dõi cuộc vận động tranh cử, tác giả bài báo ghi nhận đó chỉ là một cuộc vận động giả tạo, đảng Nước Nga Thống Nhất của hai vị lãnh đạo sẽ chiến thắng. Thủ tướng và Tổng thống Nga, ăn mặc y như nhau, đến gặp cử tri, hơn 200 người ủng hộ được chọn lọc kỹ càng và chỉ nghe thấy toàn những lời tán tụng. Một phụ nữ còn gọi họ là 'những người có phép màu', nhờ họ mà bà có nhà sưởi ấm.

Le Figaro nhìn thấy là hai vị lãnh đạo đã tỏ ra khiêm nhường trước những lời ca tụng trên, và như để tìm hiểu sự thật, đã hỏi vặn lại về những thiếu sót, và đi đến kết luận là đảng Nước Nga thống Nhất quá che chở chính quyền.

Le Figaro cho là cũng như thời Xô Viết các lãnh đạo đều trách cứ những nguời chung quanh là che dấu sự thật. Thái độ khiêm nhường trên cũng giả tạo, chỉ là một chiến lược nhằm giành toàn thắng.

Tờ báo kinh tế Les Echos tự hỏi trong hàng tựa trang nhất là tại sao nước Nga phải cam chiụ bầu cho ông Putin. Theo Les Echos cho dù mối bất bình ngày càng cao ở Nga đối với ông, nhưng đảng của ông sẽ thắng cử vào chủ nhật này. Đó là vì đối với phần đông người Nga, ông Putin bảo đảm được sự ổn định.

Libération và L'Humanité nhìn vào nước Nga, tỏ thái độ bực tức đối với ông Putin. L'Humanité ghi nhận : Trong lúc mà cuộc bầu cử hôm chủ nhật này trên nguyên tắc là bệ phóng cho ông Putin trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 3, thì người dân đã bày tỏ thái độ không hài lòng đối với đương kim thủ tướng.

Phóng viên l'Humanité đến Matxcơva, mô tả cảnh những tấm áp phích đỏ được thấy khắp nơi ở Matxcơva, nhưng đây không phải là bích chương của đảng nước Nga thống Nhất hay của đảng Cộng sản đi vận động tranh cử, mà là áp phích của phim về Vissotsky, danh ca nổi tiếng qua đời cách đây 30 năm và đang thu hút sựu chú ý quần chúng, trong lúc mà họ có vẻ khá thờ ơ trước cuộc bầu cử chủ nhật.

Tác giả bài báo nhìn thấy là đa số cử tri sẽ bỏ phiếu cho đảng Nước Nga thống Nhất, nhưng những tiếng nói bất bình cũng đã vang lên. Trước tiên là việc đổi ngôi giữa Putin và Medvedev làm nhiều người thất vọng. Đối với họ, như phân tích của Valodia, làm việc trong ngành điện ảnh, ''chiến lược này tác hại đến nền dân chủ Nga. Medvedev sẽ như một con rối còn Putin là bị quyền lực mê muội. họ không mang lại viễn ảnh đối mới gì cho xã hội Nga.''

Một sinh viên tỏ vẻ chán chường : sân khấu chính trị Nga không có gì mới mẻ, toàn là những gương mặt cũ từ 15 năm qua. Một nhà nghiên cứu lịch sử điện ảnh, Naum Kleiman, bất bình cho là trong cuộc bầu cử này thì không đảng nào đưa ra những hướng đi về kinh tế, chính trị, xã hội, mà chỉ có chỉ trích nhau, bêu xấu nhau mà thôi.

L'Humanité trích một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy 34% người Nga đánh giá đảng của thủ tướng và tổng thống Nga xa rời với các mối quan tâm của người dân. Trong lúc mà 15% dân chúng Nga sống dưới ngưỡng nghèo khó, ngân sách năm 2012/2014 cắt giảm 20% chi tiêu trong các lãnh vực y tế, giáo dục và nhà ở.

Pháp : Tổng thống Sarkozy kêu gọi cố gắng trước khủng hoảng

Như nêu trên, chủ đề thời sự chiếm các dòng tít lớn trang nhất hôm nay là diễn văn tại Toulon của tổng thống Pháp hôm qua về tình hình khủng hoảng hiện nay. Les Echos nêu bật chủ trương của tổng thống : ông Sarkozy kêu gọi hãy 'cố gắng' trước khủng hoảng.

Tờ báo nhắc lại cách đây 3 năm tổng thống Pháp cũng đã đọc một bài diễn văn tại Toulon, hôm qua ông trở lại đây đọc bài diễn văn mới về tình hình về khủng hoảng, ông cần nói 'sự thật' với người Pháp.

Les Echos ghi nhận là ít có thông báo cụ thể về kế hoạch đối phó khủng hoảng, ngoài việc 50% công chức về hưu sẽ tiếp tục không được thay thế, việc tổ chức vào tháng giêng cuộc họp về việc làm. Thứ hai tới đây, tổng thống Pháp sẽ đón tiếp thủ tướng Đức để cùng nhau đưa ra những đề nghị bảo đảm tưong lai cho Châu Âu.

Chính hợp tác giữa Pháp và Đức đối phó với khủng hoảng, được các báo nêu bật nhưng dưới góc độ khác nhau : Le Figaro nói đến Châu Âu của ông Sakozy, trích lời tổng thống Pháp như sau : 'Châu Âu không chính trị là một châu Âu chỉ bó tay, cam chiụ'… 'Bảo vệ chủ quyền với những người đồng minh sẽ tốt hơn là tự bảo vệ một mình', hay 'Chu kỳ sắp tới là chu kỳ thoát nợ, và kinh tế sẽ hướng về tạo công việc làm / lao động và sản xuất', 'Cùng với thủ tướng Angela Merkel, ông sẽ đưa ra những đề nghị bảo đảm tương lai Châu Âu.

Bài báo bên trong nhắc lại là ý muốn của tổng thống Pháp làm cho châu Âu trở nên một 'vùng ổn định' đã làm cho Berlin hài lòng. Thủ tướng Đức vẫn luôn đặt điều kiện là các nước Châu Âu phải thực hiện nghiêm chỉnh chính sách thắt lưng buộc bụng để Đức tích cực tham gia hỗ trợ giúp giải quyết khủng hoảng.

Đối với các báo thiên tả như Libération hay L'Humanité, tổng thống Pháp đã chiụ khuất phục trước luật của ngân sách và chủ trương siêu khắc khổ mà bà Merkel áp đặt, Libération ghép hai tên lãnh đạo Pháp Đức nói đến ứng cử viên Tổng thống Pháp : Merkozy : ông Sarkozy đã cam kết với Berlin về ngân sách khắc khổ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét