Thế là cho đến thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21, Thủ đô bên cạnh những cây cầu từng được gọi là "công trình thế kỷ", giờ đã trở thành "cây cầu tử thần", vẫn còn những cây cầu thời chiến. Và mới nhất là những cây cầu bằng sắt thù lù một chữ "tạm"
Cả tuần này, việc đi lại trên cầu Thăng Long, cửa ngõ huyết mạch phía Tây bắc Thủ đô, đã trở thành một cực hình thử thách lòng kiên nhẫn, tưởng từ lâu đã "vô biên cương" của cư dân thủ đô. Trên mạng, có một câu chuyện khá "cay" của một anh chồng đi đón vợ từ Thái Lan về. Khi người vợ bắt đầu bay từ Băng Cốc về Hà Nội, người chồng cũng bắt đầu đi từ Hà Nội lên Nội Bài, cũng vẫn Hà Nội, đương nhiên. Kết quả cuối cùng, người từ nước ngoài về ngồi vêu mõm cả tiếng đồng hồ để chờ người từ Hà Nội lên đón.
So máy bay với xe hơi thực ra là hơi khập khiễng. Nhưng hóa ra, sự kiên nhẫn, dù được đào luyện hàng ngày, cũng không thể là vô giới hạn. Chỉ bởi lý do ùn tắc thật không lòng kiên nhẫn nào có thể chịu đựng được.
Đại diện Bộ GTVT sau đó lý giải ùn tắc do "trục trặc kỹ thuật". Đại ý ùn tắc là do việc thi công sửa chữa mặt cầu. Sửa chữa đáng lý phải hoàn thành xong trước 6h sáng nhưng do "trục trặc kỹ thật" nên việc rải nhựa được bắt đầu đúng vào giờ cao điểm.
Không phải bây giờ cầu Thăng Long mới phải "vá víu" bởi không phải bây giờ, cái mặt cầu Thăng Long mới lồi lõm như cái…mặt người. Nhớ hồi năm 2009, cư dân Thủ đô được dịp "mắt chữ O mồm chữ A" khi chứng kiến một chiếc cầu phao thời chiến được bắc song song với cầu Thăng Long. Có báo bấy giờ còn hân hoan giật tít đó là chiếc cầu phao "hiện đại nhất thế giới". Ừ thì là giải pháp tạm thời. Nhưng đáng lẽ, sự kiện này nên được coi là "nặng mùi", hơn là mô tả nó một cách háo hức và thậm chí "nên thơ" như vậy. Bởi việc bắc cầu quân sự cho Thủ đô, chỉ có thể thấy đó chính là một biểu hiện của sự bị động trong quy hoạch và quản lý giao thông.
Hàng chục tỷ bấy giờ đã được đổ xuống tu sửa cầu Thăng Long. Số tiền đó giờ theo sông Hồng trôi ra biển cả khi cây cầu này đến hẹn lại lên, năm nào cũng phải sửa, chưa sửa xong đã hỏng, với một tình trạng "mặt cầu thời chiến", đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Số liệu của CSGT cho thấy từ trong 6 tháng đầu năm 2012, trên cầu Thăng Long đã xảy ra 6 vụ TNGT nghiêm trọng làm 7 nạn nhân chết thảm.
Con số này thực sự biến cầu Thăng Long thành "cây cầu tử thần". Nhưng ngẫm ra, vẫn còn là quá ít so với 32 vị trí hư hỏng trên mặt cầu (tính đến đầu tháng 7) trong đó có 24 điểm hoặc lõm sâu, hoặc nhô cao, không khác gì những cái bẫy người. Theo Tiền Phong, có những thời điểm diện tích hư hỏng lên đến 10.500 m2 , chiếm khoảng 40% diện tích toàn mặt cầu.
Thế là cho đến thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21, Thủ đô bên cạnh những cây cầu từng được gọi là "công trình thế kỷ", giờ đã trở thành "cây cầu tử thần", vẫn còn những cây cầu thời chiến. Và mới nhất là những cây cầu bằng sắt thù lù một chữ "tạm", căng ngang qua những ngã tư. Cây cầu nào cũng chỉ thể hiện sự vá víu, tạm bợ và tầm nhìn không quá mũi giày trong quy hoạch và quản lý giao thông thủ đô.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét