Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

BÁO CHÍ QUỐC TẾ ĐƯA TIN VỀ CUỘC BIỂU TÌNH TẠI HÀ NỘI NGÀY 5.8.2012

Nguồn xuandienhannom

RFI - Hàng chục người biểu tình chống Trung Quốc bị bắt giữ tại Hà Nội

Cuộc biểu tình chống Trung Quốc  xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại Hà Nội ngày 05/08/2012.
Cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại Hà Nội ngày 05/08/2012. REUTERS/Stringer

Thanh Phương
 
Hôm nay, 05/08/2012, người dân Hà Nội lại xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông. Đây là cuộc biểu tình chống Trung Quốc lần thứ tư kể từ đầu tháng 7 đến nay. Nhưng lần này công an đã bắt giữ khoảng 30 người đưa về Trung tâm lưu trú Lộc Hà ( tên gọi cũ là Trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà ), chuyên giam giữ gái  mại dâm và người nghiện ma túy.

Trong số những người biểu tình bị bắt giữ có ông Lê Dũng, một trong những gương mặt quen thuộc trong các cuộc xuống đường tại Hà Nội phản đối Trung Quốc. Từ trong trại Lộc Hà, ông Lê Dũng cho biết lực lượng bắt giữ người biểu tình gồm toàn những người mặc thường phục và vụ bắt giữ này diễn ra hoàn toàn không theo đúng quy định của pháp luật :


Theo hãng tin AFP, tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch vừa yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho những người biểu tình vừa bị bắt hôm nay. Theo lời ông Phil Robertson, phó giám đốc đặc trách châu Á của HRW, các vụ bắt giữ này cho thấy Việt Nam « chà đạp lên những cam kết tôn trọng các quyền chính trị và dân sự được bảo đảm trong các công ước quốc tế về nhân quyền mà chính phủ đã phê chuẩn».


VOA - Công an bắt giữ người biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội 

Công an ở Hà Nội đã bắt giữ hơn 30 người biểu tình bày tỏ sự phẫn nộ của họ về những hành động mới đây của Trung Quốc tại Biển Đông. Tin AP hôm nay cho biết cụ bà Lê Hiền Đức, 81 tuổi, là một trong những người biểu tình bị bắt.

Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch cho biết 4 blogger cũng bị bắt giữ cùng với bà Lê Hiền Đức.

Nói chuyện với phóng viên của hãng tin AP, cụ bà Lê Hiền Đức cho hay bà đã bị lôi ra khỏi xe lăn, đưa vào xe chạy tới một trạm cảnh sát. Cụ bà Lê Hiền Đức cho hay bị câu lưu trong hơn 2 tiếng đồng hồ và được lệnh không được tham gia tuần hành.

Cụ bà Lê Hiền Đức cho biết cảnh sát sau đó đã mang trả chiếc xe lăn về nhà bà. Sau khi được phóng thích, cụ bà Lê Hiền Đức đã đến trung tâm phục hồi Lộc Hà, thường được dành để giam dân ghiền ma túy và gái mại dâm, để ngóng tin về hơn 30 người biểu tình khác đã bị cầm giữ tại đó.

Trong khi đó, tin của Reuters nói rằng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cho triệu một nhà ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ đến để phản đối việc Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây nêu lên quan ngại về những căng thẳng trong tình hình biển Đông, khiến cuộc tranh chấp lãnh thổ càng thêm phức tạp.

Phóng viên Ben Blanchard của Reuters nhận định rằng cuộc tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông đã trở thành điểm nóng tại Châu Á, có nguy cơ gây ra xung đột quân sự.

Tân Hoa xã, cơ quan ngôn luận chính thức của nhà nước Trung Quốc, nói Hoa Kỳ đang tìm cách đưa ra một hình ảnh về một nước trung gian không ngả về phe nào trong cuộc tranh chấp, nhưng ý đồ của Washington, theo Tân hoa xã, là "cố ý khích động và gây chia rẽ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng vì quyền lợi riêng tư".

Hôm qua, Trung Quốc nói rằng việc Hoa Kỳ chỉ trích quyết định của Bắc Kinh thành lập khu cảnh bị trong Biển Đông là "một thông điệp sai lạc", đe dọa hòa bình tại vùng biển tranh chấp.

Bắc Kinh và Washington đã có quan điểm khác biệt về nhiều vấn đề khác nhau, kể cả vấn đề Tây tạng và Đài Loan, cũng như những xích mích liên quan tới việc nhà nước Trung Quốc định giá đơn vị tiền tệ của nước này.

Nguồn: AP, AFP, Reuters  
Nguồn: VOA.
  
RFA - Biểu tình chống Trung Quốc sáng 5 tháng 8 tại Hà Nội
2012-08-05
Cuộc biểu tình chống Trung Quốc của người dân Hà Nội sáng nay, Chúa Nhật 5 tháng Tám, đã bị dẹp tan khi vừa khởi sự, một số đông người bị bắt lên xe chở về một trại phục hồi nhân phẩm.
Thanh Trúc tường thuật tin này.

Từ sáng sớm nay ở thành phố Hà Nội, công an đã chốt sẵn nơi tượng đài Lý Thái Tổ gần ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đối diện với Hồ Hoàn Kiếm và nhà hát lớn. 

Công an chốt sẵn

Từ Hà Nội, nhà báo Nguyễn Khắc Toàn cho biết:

"Sáng nay công an đã bố trí một lực lượng rất đông ở quanh bờ hồ, đặc biệt hai địa điểm thường xuất phát những cuộc biểu tình mỗi sáng Chủ Nhật. Khi tôi đi ăn sáng và mua báo, có công an đi kèm, tôi quan sát thấy ở nhà hát lớn dày đặc các lực lượng công an ở đây. Có cả lực lượng dân phòng tăng cường từ các phường như phường Trưng Vương, phường Bạch Đằng, phường Phan Cư Trinh và phường Tràng Tiền. Độ khoảng gần chín giờ thì tin tức của Dương Thị Xuân và một số anh em biểu tình báo về là họ đã bắt giữ gần 50 người, trong đó có cụ bà Lê Hiền Đức, blogger Lê Dũng, anh Lê Thiện Nhân, Dương Thị Xuân, ông Nguyễn Thượng Long, Nguyễn Tường Thụy, vân vân."

Như vậy, lúc cuộc biểu tình vừa bắt đầu thì đã bị công an dẹp tan, hai người bị bắt sớm nhất là ông Lê Gia Khánh và vợ, bà Phùng Thị Trâm. Cả hai ông bà bị lên xe tắc xi về Ô Cầu Rền, trong lúc những người sau đó thì bị lùa lên xe buýt đưa về trại Lộc Hà. 

Có mặt tại phường Ô Cầu Rền, ông Lê Gia Khánh kể lại:

"Ra quanh bờ hồ thì bị công an bắt đưa về ủy ban phường ở Ô Cầu Rền, bây giờ đang ngồi ở ủy ban đấy, họ ngăn cản không cho anh em đi biểu tình nữa chứ có gì đâu. Họ sợ nhất là biểu tình quanh bờ hồ Hoàn Kiếm. Thế thì bọn tôi đi trốn mấy ngày rồi lúc ra hồ Hoàn Kiếm thì họ xông ra họ túm, họ biết mặt biết tên cả rồi.
Sáng nay công an đã bố trí một lực lượng rất đông ở quanh bờ hồ, đặc biệt hai địa điểm thường xuất phát những cuộc biểu tình mỗi sáng Chủ Nhật. Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn
Chúng tôi đang ngồi ở ủy ban phường, đang đấu võ mồm với các anh các chị ở đây đây. Mục đích là nó chỉ phá biểu tình, không cho tụ họp hò hét ngoài đường, còn khi đã làm được cái việc là hết biểu tình thì nó đuổi về chứ chẳng có thừa cơm mà nuôi bọn tôi đâu."

Thanh Trúc: Nghe nói hai ông bà bị bắt lên xe con chứ không phải xe lớn giống mấy người kia?

Lê Gia Khánh: "Là vì tôi đến rất sớm, cá nhân đến sớm, còn những người kia họ đến khi tập trung đông rồi thành thử bắt được nhiều người hơn. Tôi đến ngay phố Trần Nguyễn Hãn, vừa kịp khóa xe xong đi ra là nó túm ngay ở đường quanh bờ hồ. Một tiếng đồng hồ sau thì nó bắt nhốt nhà tôi cũng ở gần đấy, bây giờ cũng đang ngồi với tôi đây này."

Một người biểu tình khác là ông Lê Anh Hùng:

"Sáng nay khi chúng tôi đi biểu tình được khoảng 400 mét từ trước cổng của ủy ban thành phố, đến gần nhà hàng Cá Mập thì lúc ấy là an ninh họ xộc vào, họ bắt hết." 

Khoảng 30 người bị bắt

Trên đường dây viễn liên nối về trại Lộc Hà, nơi mọi người bị đưa về, là tiếng nói của chị Dương Thị Xuân và một số người khác như chị Nga, anh Nguyễn Chí Đức: 

"Ở trong trại Lộc Hà rồi đây, có ba mươi người ở trong này, có cả mấy bạn trẻ nữa, blogger Cát Bụi, Blogger Hư Vô, các bạn Hải Phòng. Đấy bạn Chí Đức đang nói đấy.

Sáng nay chúng tôi nói rằng chúng tôi không biểu tình được tại bờ hồ thì chúng tôi vào trại Lộc Hà biểu tình để phản đối Trung Quốc xâm lược Việt Nam, cũng như phản đối tất cả những người đã bắt giữ chúng tôi. Chí Đức còn đang quấn cờ lên người, công an họ cho chúng tôi vào một cái hội trường rộng và họ ngồi gác ở hai đầu nhà. Anh Tường Thụy, anh đang ghi tên của các bạn. Anh Tường Thụy đang bận, chị nói chuyện với Dũng Azoka nhé…"

Dũng: "Em bây giờ phải làm việc với công an đây."

Nga: "Mẹ con em bị chúng nó chia rẽ rồi, bé Vũ bị chúng nó tách ra bây giờ bé Vũ đang lang thang ở Hà Nội, thì bây giờ nhà một mẹ một con đi đâu cũng phải đem theo nhưng khi em bị bắt thì công an đã tách mẹ con em ra… Công an họ đang ép em đi làm việc đây."

Điện thoại được chuyển qua cho Nguyễn Chí Đức là người lúc trước đi biểu tình chống Trung Quốc đã bị an ninh đánh và đạp vào mặt:
Đây là Nguyễn Chí Đức, nhiều xe, đến ba xe cơ, giờ mọi người đang ở trong trại Lộc Hà này, họ chia mình thành từng tốp ra để làm gì đấy chưa biết. Anh Nguyễn Chí Đức
"Đây là Nguyễn Chí Đức, nhiều xe, đến ba xe cơ, giờ mọi người đang ở trong trại Lộc Hà này, họ chia mình thành từng tốp ra để làm gì đấy chưa biết. Mọi người vẫn đứng ở trong cái sảnh của trại Lộc Hà thôi, chưa biết gì cả. Cá nhân mình thì không sợ hãi gì, mọi người cũng chẳng sợ gì đâu."

Thanh Trúc: Có bà Lê Hiền Đức hoặc ông Nguyễn Thượng Long ở đó không?

Nguyễn Chí Đức: "Cụ Lê Hiền Đức thì bị tách riêng rồi, bị bắt ngay bờ hồ và đưa lên xe khác, xe con, còn đây mọi người toàn đi xe buýt, công an bắt về tập trung ở đây. Đây là trại gọi là Trại Phục Hồi Nhân Phẩm mà hồi xưa các chị như chị Bùi Hằng bị vào đấy. Họ mà cắt điện thoại của mình hoặc là nhiều khi họ không muốn cho nghe và cho gọi là phải chấp nhận đấy nhé."

Vừa rồi là thông tin từ những người bị bắt giữ trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc sáng nay, ngày 5 tháng Tám.

Đến 12:40 trưa, vẫn từ trại Lộc Hà, nhà giáo Nguyễn Anh Dũng nói:

"Tình hình ở đây thì mọi người được phân tách ra mỗi người mỗi nơi để làm việc với công an. Họ có hỏi nguồn gốc rồi lý do biểu tình vân vân.. Thì chúng tôi cũng trình bày rõ lý do là biểu tình chống Trung Quốc là thể hiện lòng yêu nước và thể hiện quyền và nghĩa vụ công dân theo qui định của Điều 69 và 77 Hiến Pháp.

Hiện đa số đã làm việc xong rồi nhưng không biết còn thủ tục gì nữa, nhưng mà bên công an họ đang ăn cơm trưa, họ cũng có nhã ý là mua cơm hộp về cho chúng tôi nhưng mà không ai ăn cả, còn đang ngồi ở đây chờ để xem họ làm thủ tục gì nữa."

Riêng ông Lê Gia Khánh và Phùng Thị Trâm, hai khuôn mặt kiên trì đi biểu tình chống Trung Quốc, đã được công an phường Ô Cầu Rền cho về nhà vào lúc 11:30 sáng nay. 

Chúng tôi nhiều lần cố liên lạc qua số điện thoại của bà với bà Lê Hiền Đức nhưng không thể được.

Đến 4:30 chiều nay, vẫn chị Dương Thị Xuân từ trại Lộc Hà báo cho chúng tôi biết:

"Lúc 4:30 có một anh công an họp chúng tôi lại và nói chúng tôi vi phạm nghị định 73 của chính phủ về gây rối trật tự công cộng ở ngoài Bờ Hồ. Họ nói là họ sẽ lập biên bản xử phạt chúng tôi, nhưng mà khi họ nói đến đấy xong thì lại bảo rằng thôi bây giờ tất cả mọi người giải tán.

Thế thì tất cả mọi người đồng thanh phản đối, nói rằng chúng tôi đi biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược Việt Nam, chúng tôi đi thể hiện lòng yêu nước chứ chúng tôi không phải đi gây rối trật tự công cộng.

Cái thứ hai nữa nếu theo luật gây rối trật tự công cộng thì phải lập biên bản tại chỗ, tại sao lại đưa chúng tôi cách xa Hà Nội 15 cây số, về tận trại lưu trú Lộc Hà, tức là nơi gọi là phục hồi nhân phẩm, chúng tôi có phải là tội phạm đâu mà đưa chúng tôi về trại lưu trú này."
Khi anh thấy công an khủng bố, bắt bớ các em sinh viên đẩy lên xe buýt, thì anh mới nói rằng, tại sao ở Việt Nam lại có hiện tượng này xảy ra, tại sao nhân dân tôi lại khổ như thế này. Chị Dương Thị Xuân
Trong số 30 người bị bắt mang về đây có một Việt kiều ở Thụy Sĩ về, tên là Nguyễn Văn Ngoan, là người bị thẩm vấn lâu nhất và cho đến khi công an ra lệnh cho mọi người giải tán thì Việt kiều Nguyễn Văn Ngoan vẫn chưa được thả ra. Do đó:

"Trong đoàn của chúng tôi có một người đàn ông khoảng tầm 45 tuổi. Anh ấy tên là Nguyễn Văn Ngoan. Sáng nay anh ra Bờ Hồ gặp đoàn biểu tình. Khi anh thấy công an khủng bố, bắt bớ các em sinh viên đẩy lên xe buýt, thì anh mới nói rằng, tại sao ở Việt Nam lại có hiện tượng này xảy ra, tại sao nhân dân tôi lại khổ như thế này. Đi biểu tình thể hiện lòng yêu nước mà lại bị đàn áp, khủng bố, bắt bớ. Khi anh ấy hô lên như vậy thì bị lực lượng an ninh bắt.

Khi vào trại thì hiện nay anh ấy là người bị an ninh thẩm vấn lâu nhất. Đến khi an ninh xuống tuyên bố giải tán chúng tôi, bắt chúng tôi phải đi ra khỏi trại, nhưng chúng tôi không đi và nói rằng, còn một người đàn ông nữa, ở nước ngoài về thăm Việt Nam, cũng là người Việt. Anh ấy chưa ra khỏi trại, anh ấy cùng vào với chúng tôi thì anh ấy sẽ cùng đi ra với chúng tôi, và chúng tôi cương quyết đến bao giờ người đàn ông ấy đi ra cùng với chúng tôi thì chúng tôi mới rời khỏi trại Lộc Hà. Hiện nay mọi người đều ở đây để chờ người đàn ông ấy."

Thanh Trúc tường trình từ Thái Lan.

BBC - Công an dẹp tan biểu tình chống TQ
Cập nhật: 08:58 GMT - chủ nhật, 5 tháng 8, 2012

Những người biểu tình chống Trung Quốc lần thứ 4
Cuộc biểu tình chống Trung Quốc lần thứ 4 có nhiều thanh niên tham gia

Công an Hà Nội đã bắt giữ 'ít nhất 20 người' hôm Chủ nhật ngày 5/8 trong đợt trấn áp cuộc biểu tình chống Trung Quốc, hãng tin Pháp AFP dẫn lời các nhân chứng tại hiện trường cho biết.

Đây là lần thứ tư Hà Nội chứng kiến cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc 'xâm phạm chủ quyền Việt Nam' ở Biển Đông trong mùa hè năm nay kể từ cuộc biểu tình lần đầu vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 7.
Ba cuộc biểu tình lần trước vào các ngày 1, 8 và 22/7 đều diễn ra suôn sẻ mặc dù đoàn người biểu tình bị chặn lại ở trước đích đến là Sứ quán Trung Quốc và một số nhân vật biểu tình cốt cán cáo buộc đã bị chính quyền sách nhiễu.

Trước đó, truyền thông Nhà nước của Việt Nam cũng có chiến dịch lên án những người biểu tình là 'gây rối trật tự công cộng' và 'bị các thế lực thù địch xúi giục' để diễn tập cho hành động 'như Mùa Xuân Ả Rập'.
Điều này cho thấy chính quyền hiện lo ngại các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trên Biển Đông cuối cùng sẽ chĩa mũi dùi vào chế độ.

Ba đợt bắt người

Theo AFP những người biểu tình đã 'bị cưỡng bức đưa lên xe buýt đang đợi sẵn' và bị đưa đến 'trại cải tạo' vốn là nơi dành cho gái mại dâm và người nghiện ma túy.

Những người này đã tham gia tuần hành bất chấp sự hiện diện dày đặc của an ninh, AFP cho biết.

Trước khi bị bắt đưa đi, những người biểu tình còn hô các khẩu hiệu 'Đả đảo Trung Quốc xâm lược' và vẫy cờ Việt Nam và các khẩu hiệu chống Trung Quốc.

BBC đã liên lạc ông Bùi Thanh Hiếu, chủ blog 'Người buôn gió' để tìm hiểu thêm về cuộc biểu tình sáng nay. Ông Hiếu là người đã chứng kiến những người biểu tình bị công an bắt giữ.
"Đó là nhận thức, là nghĩa vụ của tôi đối với đất nước. Không cần ai xúi mà tôi cũng không xúi ai đi cùng." Lê Dũng, người biểu tình bị bắt giữ
Ông Hiếu cho biết công an dồn người biểu tình phản đối Trung Quốc lên xe buýt tổng cộng là ba lần.
Tốp đầu tiên chưa tới 10 người đã bị khống chế đưa lên xe buýt ở ngay Vườn hoa Lý Thái Tổ, nơi dự định xuất phát của đoàn biểu tình, ông cho biết.

Sau đó, một nhóm khoảng 40 người đến sau cũng tụ tập ở vườn hoa này. Họ giương biểu ngữ hô khẩu hiệu và tuần hành được khoảng 200 mét thì cũng bị công an bắt giữ.

"Hai xe chở khách 24 chỗ chở đặc nhiệm mặc thường phục đeo băng đỏ toàn thanh niên khỏe mạnh nhảy xuống ồ ạt bốc mọi người chất lên xe buýt chở đi," ông Hiếu thuật lại.

"Còn lác đác 10, 15 người đi tiếp được mấy trăm mét nữa thì gặp thêm một nhóm 30 người nữa tiếp tục tuần hành hô khẩu hiệu," ông nói, "Được thêm 200 mét nữa thì xe buýt lại đến bốc lần cuối cùng nữa là hết."

Như vậy, đoàn biểu tình đã bị giải tán vào lúc hơn 9h khi vẫn còn quanh quẩn quanh khu vực Hồ Gươm, ông Hiếu cho biết, và xe buýt đã chở những người biểu tình đưa về Trung tâm lưu trú Lộc Hà thuộc xã Liên Hà, huyện Đông Anh của Hà Nội.

Trong những người bị bắt có bà Lê Hiền Đức, ông Nguyễn Lân Thắng và một người mẹ trẻ tên là Trần Thị Nga dẫn theo đứa con 3 tuổi bị bắt nên lạc con, ông Hiếu nói.

Bà Đức được đưa về chính quyền nơi cư trú của bà, còn ông Thắng thì bị 'đưa đi đâu không rõ' trong khi người mẹ lạc con đã được thả khỏi trại Lộc Hà để gặp con, ông cho biết thêm.

'Trấn áp quyết liệt'

Theo như ông Hiếu nhận xét công an Hà Nội đối phó với người biểu tình 'rất quyết liệt' và 'có sự chuẩn bị kỹ càng'. Ông cho biết số lượng công an được huy động lên đến hàng trăm người và 'một người biểu tình có đến 5,6 người bắt'.

"Họ rải từ đầu này đến đầu kia," ông nói, "Và khi đoàn biểu tình đến gần đài phun nước (chỗ chuẩn bị rẽ vào phố Hàng Bông) thì vẫn thừa hơn trăm người trực ở Vườn hoa Lý Thái Tổ."

Ông Hiếu cho biết cuộc biểu tình hôm nay chủ yếu là các thanh niên và một số trí thức.

Từ trong trại Lộc Hà, kỹ sư Lê Dũng, một trong người biểu tình bị bắt giữ, cho BBC biết là có khoảng 30 người bị đưa vào trại giống như ông.

Trong số này có luật sư, nhà báo, nhà văn, cựu chiến binh, thương binh một số sinh viên các trường đại học và có cả đảng viên, ông nói.

Ông Dũng cho biết ông là người đầu tiên bị bắt đẩy lên xe buýt vào sáng nay.

"Tôi ra (Vườn hoa Lý Thái Tổ) thì mới có khoảng 7,8 người," ông kể, "Họ xúm vào chĩa loa vào tận mặt yêu cầu giải tán vì khu này là khu vực cấm rồi sau đó lôi thẳng lên xe buýt."

Ông cáo buộc một lực lượng mặc thường phục mà ông 'không rõ là ai' đã hành xử 'côn đồ' đối với người biểu tình. Ông mô tả những người này là 'mặc quần cộc, áo phông, đi dép lê và ăn nói rất hỗn xược kiểu như 'xách thằng này lên xe buýt''.

"Họ kéo, lôi chân tay, khiêng, đạp đẩy lên xe buýt," ông nói.

Sau khi vào trại, ông cho biết, thì những người bị bắt vẫn tiếp tục căng biểu ngữ và hô khẩu hiệu chống Trung Quốc.

Sinh viên biểu tình

Ông Dũng, như lời ông nói đã tham gia cả thảy 14 cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong hai năm, cho biết ở trại Lộc Hà lần lượt từng người bị bắt đã bị công an gọi lên làm việc. Theo như ông thuật lại thì ông đã bị tra hỏi 'Vì sao ra Bờ Hồ biểu tình', 'Ai xúi giục?', 'Ai cầm đầu?'.

"Tôi nói với họ tôi ra đấy là quyền của tôi. Tôi không gây rối làm mất trật tự công cộng gì cả mà chỉ bày tỏ chính kiến của công dân trước sự xâm lược của Trung Quốc. Không ai có thể ngăn cản hay bắt bớ," ông thuật lại lời ông nói với cán bộ điều tra.
"Tôi cảm thấy bất bình trước các hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông nên tham gia biểu tình để cho thế giới biết và cũng thể hiện cho chính quyền biết rằng giới trẻ không thờ ơ với chính trị."
Một sinh viên biểu tình giấu tên

"Đó là nhận thức, là nghĩa vụ của tôi đối với đất nước," ông nói thêm, "Không cần ai xúi mà tôi cũng không xúi ai đi cùng."

Ông cho biết đêm thứ Bảy ngày 4/8 có đến 7,8 công an đến bao vây xung quanh nhà ông và ông đã tránh đến nhà bạn từ trước thì sáng Chủ nhật mới có thể đi biểu tình được.

Một sinh viên trong đoàn biểu tình bị bắt giữ đề nghị BBC giấu tên cho biết bạn cảm thấy bất bình trước các hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông nên tham gia biểu tình 'để cho thế giới biết và cũng thể hiện cho chính quyền biết rằng giới trẻ không thờ ơ với chính trị'.

Người này cũng cho biết trong số các thanh niên đi biểu tình có sinh viên đang đi học, có người vừa tốt nghiệp và cũng có người đã ra trường đi làm.

Vào lúc 17h, chị Đặng Bích Phượng, một trong những người bị bắt giữ ở trại Lộc Hà, cho BBC biết cán bộ trại đã họp mọi người lại và tuyên bố mọi người đã 'vi phạm trật tự công cộng và đã lập biên bản vi phạm hành chính' và cho phép mọi người giải tán nhưng mọi người không ký vào biên bản.

Tuy nhiên, chị Phượng cho biết do còn một Việt kiều quốc tịch Thụy Sỹ vẫn còn bị giữ lại nên mọi người vẫn nấn ná ở lại Lộc Hà để chờ đợi 'đủ người mới về'.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét