Khoảng tháng 11 năm 2007, nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu "khuấy động" Biển Đông một cách công khai bằng việc cho rò rỉ quyết định thiết lập một đơn vị hành chính mới có tên là Tam Sa bao gồm cả hai quần đảo của Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa. Hai cuộc biểu tình có dáng dấp tự phát (kể từ 1954 đối với miền Bắc và từ 1975 đối với cả hai miền Nam, Bắc) của người Việt Nam đã xuất hiện lần đầu tiên ngay sau đó ở Hà Nội và Sài Gòn, vào ngày 9 và 16/12/2007, để phản đối thái độ xâm lược của nhà cầm quyền Trung Quốc. Ngày 19/12/2007 trên Diễn đàn THPT chuyên Thái Bình đã đăng một bài với dòng giới thiệu như thế này: "Trong lúc tìm bài chính luận nộp cho cô trưởng khoa, tớ đọc được cái này. Đây là bài của tác giả Phạm Hồng Sơn. Nếu mà cô tớ đọc thì cô tớ sẽ bảo là: phản động…"
Đến nay, gần 5 năm đã trôi qua, sự bành trướng tại Biển Đông của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc vẫn tiếp tục và gần đây liên tục có những hành động ngang ngược, táo tợn, sỷ nhục hơn đối với chủ quyền Việt Nam-một đất nước thuộc loại nổi tiếng nhất về những chiến thắng lẫy lừng chống xâm lược, trong đó có cả những quân xâm lược đến từ phương Bắc. Tại sao lại như vậy?
Để góp một phần nào đó trong việc trả lời câu hỏi trên, Như Cây Tre Việt Nam xin chia sẻ lại bài viết "phản động" nói trên với quí vị:
Sức mạnh để bảo vệ bờ cõi
Viết tặng các bạn sinh viên tham gia cuộc biểu tình trước Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung quốc ngày 09 tháng 12 năm 2007.
Hiếm có lịch sử lập quốc của dân tộc nào trên thế giới không liên quan tới các cuộc xung đột, xâm lấn, chống đỡ vũ trang với các lực lượng ngoại giới. Dân tộc Việt ngày nay sống trên dải đất hình chữ S gọi là Việt nam có lẽ hiểu rõ cái qui luật khắc nghiệt đó hơn ai hết khi từng có 10 thế kỷ liên tiếp phải sống dưới sự cai trị của cường quyền phương Bắc và liên tục phải chống đỡ các cuộc xâm lấn, "bài học" đến từ các triều đại, chính quyền tiếp sau đó từ phương Bắc. Dù đã lấy lại được nền độc lập và từng tạc nên những trận thắng oanh liệt, thậm chí có cả những ý nghĩ táo bạo lấy lại đất Lưỡng Quảng, dân tộc Việt cần phải nhìn nhận trường lịch sử chống đỡ đã nói lên sự thụ động và yếu thế thuộc về dân tộc Việt.
Cho dù nhân loại ngày nay đã tạo dựng được những thiết chế tầm cỡ quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc (UN), Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF),... để giải quyết xung đột, ngăn chặn các hành vi xâm lấn, kiến tạo hòa bình giữa các lãnh thổ, nhưng sức mạnh nội tại quốc gia vẫn là yếu tố cốt yếu để ngăn chặn mọi đe dọa, nguy cơ xâm lấn từ bên ngoài bất kể tầm mức lãnh thổ hay dân số.
Sự tự tin đàng hoàng của hòn đảo nhỏ bé Đài loan nằm cạnh Trung hoa lục địa khổng lồ, của thành phố quốc gia Sinh-ga-po nằm cạnh các nước to lớn át hẳn về dân số và diện tích, cũng như các quốc gia bé nhỏ nằm lọt ở trung và tây Âu như Mô-na-cô, Lúc-xăm-bua, Áo là minh chứng cho sức mạnh, thế chủ động quốc gia không đến từ quá khứ hay độ lớn về nhân lực, lãnh thổ.
Sự xâm lấn, đe dọa từ phương Bắc suốt mấy ngàn năm qua đối với dân tộc Việt chỉ là hậu quả tất yếu của một vị thế chưa đủ sức tạo nên sự tôn trọng từ ngoại bang. Việc lên án hay căm hận truyền thống xâm lấn của phương Bắc không nên được coi là giải pháp căn cơ, mà phải coi là nguy cơ gợi lại những hận thù đối với dân tộc Việt khi những ẩn ức quá khứ của người Chăm cũng trỗi dậy. Nguy cơ này có thể là một giả thuyết xa xôi, nhưng nó nhắc nhở thế hệ ngày nay rằng không thể xây dựng một tương lai hòa bình bằng những ký ức hận thù hay mặc cảm. Hòa bình chỉ được kiến tạo và duy trì khi sức mạnh được cân bằng trong mối quan hệ giữa các quốc gia trên một tinh thần hữu nghị, bình đẳng và hiểu biết lẫn nhau.
Để tránh mầm chiến tranh từ ngoại bang và ước vọng một tương lai thịnh vượng, dân tộc Việt dứt khoát phải tạo dựng cho được sức mạnh nội tại và chủ động trong phát triển. Sức mạnh nội tại của một dân tộc không thể có khi những cá nhân của dân tộc đó không thể tiếp cận, truyền đạt, trao đổi những suy nghĩ, tư tưởng một cách tự do. Sức mạnh luôn đến từ trí tuệ. Mọi sức mạnh của cộng đồng đều xuất phát từ trí tuệ cá nhân, có thể chỉ là những suy tư, băn khoăn, bức xúc đơn lẻ. Sự kiềm chế, cách ly tư duy cá nhân bất kể lý do hùng hồn nào cũng đồng nghĩa với tiêu diệt sức mạnh dân tộc. Một dân tộc chỉ mạnh khi biết nâng niu và tôn dưỡng những con người có phẩm cách và tài năng. Phẩm cách và tài năng của một con người phải cốt ở tư tưởng, học thức, chứ không phải ở tiền của hay chức vị. Sự đúng đắn của tư tưởng không phụ thuộc vào tuổi tác hay quyền tước. Khi dân tộc có đủ tự do về trí tuệ, khi đó mọi tài năng của dân tộc sẽ được huy động đầy đủ, tránh được mọi nguy cơ bỏ sót, trù dập mà bất cần đến những khẩu hiệu, những lời hiệu triệu to tát. Con đường phát triển của một dân tộc có tự do về trí tuệ sẽ là con đường chủ động để đủ mẫn cảm và sáng suốt tránh khỏi những lừa mỵ ngọt ngào nhất hoặc nhanh chóng rút khỏi những bước hụt lịch sử. Sự tự do về trí tuệ sẽ giúp dân tộc biết khước từ mọi ngụy biện về độc quyền chân lý, độc quyền lẽ phải, độc quyền về "thiên tài" lãnh đạo và độc quyền về lòng yêu nước. Khi đó dân tộc sẽ tự tạo được sức mạnh đủ tạo nên sự bình đẳng, tôn trọng trong quan hệ với mọi thế lực ngoại bang kể cả những thế lực thiếu thiện ý nhất.
Sức mạnh dân tộc không thể hiện ở tốc độ tăng trưởng GDP đạt hai hay nhiều con số, nếu có, điều đó chỉ thể hiện qui mô nền kinh tế so với dân số còn rất thấp. Không có quốc gia phát triển nào dám kỳ vọng tốc độ tăng GDP đạt hai con số. Không có một quốc gia có môi trường sống xanh và an lành lấy tốc độ tăng GDP làm mục tiêu quan trọng. Sức mạnh dân tộc không thể hiện ở mức độ tăng vốn ODA, nếu có, điều đó chỉ nói lên nợ nần mà dân chúng phải gánh càng trĩu nặng. Sức mạnh dân tộc làm sao có được khi hệ thống giáo dục khước từ những tư tưởng học thuật đa dạng của nhân loại. Sức mạnh dân tộc không thể có khi trí thức bị trù dập, tù đày chỉ vì có quan điểm khác giới cầm quyền. Sức mạnh dân tộc không thể có khi những tấm lòng yêu nước xa xứ bị cho là "khủng bố" chỉ vì mong muốn sự chuyển đổi chính trị hòa bình cho đất nước. Sức mạnh dân tộc càng không thể có khi tiếng kêu oan của dân chúng ngày càng thống thiết, vô vọng. Không có tự do, không thể có sức mạnh dân tộc đúng nghĩa. Sự huy động dân chúng trong tình trạng mất tự do để giành chiến thắng trong cuộc chiến gần đây nhất đã rút cục chỉ là một "nỗi buồn" cho chính những người đã xả thân.
Sức mạnh dân tộc không thể hiện ở tốc độ tăng trưởng GDP đạt hai hay nhiều con số, nếu có, điều đó chỉ thể hiện qui mô nền kinh tế so với dân số còn rất thấp. Không có quốc gia phát triển nào dám kỳ vọng tốc độ tăng GDP đạt hai con số. Không có một quốc gia có môi trường sống xanh và an lành lấy tốc độ tăng GDP làm mục tiêu quan trọng. Sức mạnh dân tộc không thể hiện ở mức độ tăng vốn ODA, nếu có, điều đó chỉ nói lên nợ nần mà dân chúng phải gánh càng trĩu nặng. Sức mạnh dân tộc làm sao có được khi hệ thống giáo dục khước từ những tư tưởng học thuật đa dạng của nhân loại. Sức mạnh dân tộc không thể có khi trí thức bị trù dập, tù đày chỉ vì có quan điểm khác giới cầm quyền. Sức mạnh dân tộc không thể có khi những tấm lòng yêu nước xa xứ bị cho là "khủng bố" chỉ vì mong muốn sự chuyển đổi chính trị hòa bình cho đất nước. Sức mạnh dân tộc càng không thể có khi tiếng kêu oan của dân chúng ngày càng thống thiết, vô vọng. Không có tự do, không thể có sức mạnh dân tộc đúng nghĩa. Sự huy động dân chúng trong tình trạng mất tự do để giành chiến thắng trong cuộc chiến gần đây nhất đã rút cục chỉ là một "nỗi buồn" cho chính những người đã xả thân.
Nếu chúng ta biết bức xúc, căm phẫn trước hành động thôn tính bờ cõi của ngoại bang, chúng ta không thể im lặng trước cách hành xử bất công của chính quyền người Việt đối với người Việt. Hành động xâm lấn bờ cõi từ ngoại bang hay sự ức hiếp của chính quyền đối với chính đồng bào của mình đều là thể hiện của cường quyền, bất công. Một chính quyền đối kháng với người dân cũng sẽ là một chính quyền có khả năng quị gối trước ngoại bang.
Bờ cõi, đất nước chỉ có ý nghĩa khi những con người sống trên đó được tôn trọng, được đối xử công bằng và thân ái. Quốc gia chỉ có ý nghĩa, dân tộc chỉ có sức mạnh khi cộng đồng con người sống trên đó biết nương tựa vào nhau, biết chia sẻ vui buồn và giúp nhau thăng tiến với sự tôn trọng mọi khác biệt. Con đường nhận thức có thể không thẳng tắp nhưng không thể bỏ qua những vấn đề nền tảng. Nhiều phần bờ cõi của tổ tiên đã mất, nguy cơ tiếp tục bị mất đang hiển hiện. Dân tộc Việt nếu thực sự hiểu được sự thiêng liêng của từng tất đất tổ tiên để lại không thể không cùng nhìn lại để vực dậy sức mạnh nội tại của dân tộc, đó chính là nguyên nhân sâu xa của mọi âm mưu xâm lấn của ngoại bang hoặc sự phòng thủ chủ động thành công của dân tộc.
Phạm Hồng Sơn
Hà nội 10/12/2007
(Xin cảm ơn Diễn đàn THPT chuyên Thái Bình đã đưa ra thảo luận và lưu giữ bài viết trên.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét