Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

Trần Huỳnh Duy Thức: Thời kì bản lề - Thư 81A

Thời kì bản lề trước kỉ nguyên "cuộc cách mạng công nghiệp 4.0"

Thời kì bản lề trước kỉ nguyên "cuộc cách mạng công nghiệp 4.0"

Nghệ An, 21/12/2016

Thưa ba và cả nhà thương yêu,

Ba vẫn khỏe phải hôn? Con thì rất khỏe và đang thích thú với mùa đông nơi này. Mùa đông Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc thì con ở nhiều rồi, ở Nghệ An và Bắc Trung bộ này là lần đầu tiên. Con cảm nhận được nhiều thứ mới mẻ từ hồn thiêng sông núi nơi này, từ đó hiểu biết thêm nhiều điều giá trị. Ra đây là một chuyến đi rất ý nghĩa trong cuộc đời con. Một chuyến đi "cận bắc đường xa" để tìm thấy "thần minh" . Phải cảm ơn những người giúp tạo nên nó.

Thăm con hồi tháng 7 rồi nhà mình nói rằng một số bạn bè khuyên con nên viết thư cho các ông lãnh đạo. Lâu nay con không viết vì không nghĩ mấy ổng lắng nghe. Nhưng gần đây có gì đó thôi thúc con phải viết. Sự thôi thúc ấy là một trong những điều con cảm nhận được từ nơi này. Hôm qua con đã gửi một Thư góp ý cho ông Nguyễn Phú Trọng. Bức thư được viết vào ngày 19/12, một ngày mùa đông nhiều kỷ niệm.

22/12

Trong bức thư con viết rằng cần một cuộc trưng cầu dân ý để nhân dân quyết định thể chế chính trị của đất nước, để nhân dân nói ra được nguyện vọng của mình, từ đó tạo nên sức mạnh thần kỳ. Trang 295 quyển "Nền dân trị Mỹ" viết: "Khi toàn thể nhân dân nói rõ nguyện vọng của mình ra, điều đó có một sức mạnh thần kỳ". Tác giả quyển sách này còn nhận định rất sắc bén: "Phương tiện mạnh mẽ nhất, thậm chí phương tiện duy nhất ta còn trong tay để làm cho mọi người quan tâm đến tổ quốc mình, đó là để họ tham gia vào việc cầm quyền" (trang 291). Đất nước VN mình hiện nay rất giống với những quốc gia mà học giả Tocqueville nghiên cứu hơn 150 năm trước. Đọc quyển sách này của ông nhiều lúc con phải kinh ngạc vì sự trùng hợp của những bối cảnh lịch sử ở những thời đại khác nhau. Điều này củng cố thêm cho Quy luật phát triển mà con đúc kết và làm con vững tin hơn vào sự chuyển biến của đất nước, sẽ đúng quy luật như con góp ý trong thư gửi ông Trọng.

Nội dung lá thư này con sẽ ghi lại vào cuối thư 81A cho ba đọc.

24/12

Sáng nay Trại giam thông báo đã chuyển thư góp ý của con đến ông Trọng qua đường bưu kiện rồi, bằng tem. Ba cũng giúp con gửi nội dung này đến ông ấy bằng thư đảm bảo có hồi báo nha.

26/12

Thư gửi cựu TT Obama

81d-letter-to-obama

"Chúng ta cần cố gắng vận động cho TPP vì nó rất quan trọng cho đất nước mình. Các chương trình hội nhập trên VTV gần đây cũng nhìn nhận tầm quan trọng của TPP và trao đổi nhiều về việc làm sao để tiếp tục nó hoặc giảm thiểu tác hại nếu Mỹ không tiếp tục nó. Như con nói với chị Năm, chị Sáu hôm 24/12 rồi, ba nên gửi thư cho Tổng thống Obama với nội dung sau:

Chúc mừng ông đã hoàn thành 2 nhiệm kỳ đầy cam go nhưng cũng đầy di sản. Tôi đồng ý với ông, con đường zic zac, nhưng nó vẫn tiến về phía trước dù nhiều cản trở.

TPP là một di sản lớn của nhân loại nên nó không dễ dàng kết thúc. Tôi tin có hàng tỷ người ủng hộ và sẽ hưởng lợi nhờ nó. Nên tôi cũng tin rằng ông không dễ dàng từ bỏ mà sẽ lãnh đạo một phong trào toàn cầu để vận động không chỉ cho TPP mà cho toàn cầu hóa, xanh hóa và mềm hóa.

Tôi viết thư này để ủng hộ và thúc đẩy ông tiếp tục khát vọng của nhân loại. Hy vọng qua thư này ông cảm nhận được sự tiếp sức của hàng tỷ người.

Nhân đây tôi cũng chia sẻ rằng vấn đề zic zac mà nhân loại đang đối mặt xuất phát từ sự không hiểu đúng quy luật phát triển (Rule of the road), từ đó dẫn đến ngộ nhận "trọng cứng khinh mềm", bỏ qua trào lưu mềm mà tập trung vào trào lưu cứng. Hậu quả là năng lượng xã hội không được giải phóng còn năng lượng vật lý thì bị sử dụng quá nhiều. Xung đột bạo lực là hậu quả tiếp theo. Vì vậy theo tôi phong trào vận động nói trên cần được trao cho sứ mạng khai sáng giúp mọi người hiểu đúng quy luật phát triển để thúc đẩy trào lưu mềm thượng tôn quyền con người.

Tôi có trực giác rằng phong trào khai sáng này sẽ tạo ra kỳ tích là một cuộc cách mạng tri thức, tương tự như cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên của thế giới xuất phát từ phong trào khai sáng ở Châu Âu thế kỷ 18.

Có lẽ không ai đảm trách tốt sứ mạng khai sáng này hơn ông – một người đoạt Nobel Hòa bình, có kinh nghiệm của tổng thống Mỹ với uy tín được biết đến nhiều là một người coi trọng quyền lực mềm hơn quyền lực cứng.

Chúc ông sức khỏe và thành công, gia đình hạnh phúc."

27/12

Thời kì bản lề đối với sự thành bại của các quốc gia, dân tộc

Con vẫn luôn cho rằng thế giới còn quá nhiều cái xấu vì con người mặc kệ chúng. Người thì vì ích kỷ, người vì sợ, người thì không biết làm gì. Nhưng thực ra rất đơn giản, chỉ cần cố gắng một chút thôi để làm một cái gì đó tốt hơn một tí, có khi chỉ cần một thái độ, một sự im lặng để bày tỏ ủng hộ hay phản đối cũng có thể góp phần thay đổi tốt đẹp. Vì vậy mà một xã hội vô cảm thì thật tồi tệ. Cũng có nhiều người do không nhìn thấy được sự thay đổi hoặc muốn thay đổi tức thời sau hành động của mình nên không có niềm tin để góp phần thay đổi. Brexit xảy ra vì có nhiều người dù ủng hộ toàn cầu hóa nhưng không đi bỏ phiếu, cứ nghĩ rằng 1 lá phiếu của mình không thay đổi được gì. Khi kết quả trưng cầu được công bố thì ngồi hối tiếc. Thời khắc hiện nay – nhân loại đang đứng trước sự lựa chọn dòng chảy hoặc ao tù – cũng tương tự như vậy. Những công dân toàn cầu như chúng ta cứ nghĩ mình nhỏ bé không làm được gì thì tất cả sẽ bị hút vào ao tù xám. Thực sự là các dân tộc trên thế giới đang đứng trước một thời khắc lịch sử của nhân loại. Dân tộc nào lựa chọn đúng sẽ vượt lên. Dân tộc nào lựa chọn sai sẽ phải hối tiếc cả thế kỷ. Cái bản lề đang xoay. Thời gian để nó lật hẳn sang trang mới không quá 10 năm nữa. Lật xong rồi mà ai vẫn còn ở trang cũ thì quả là khốn khổ. Nói 10 năm nhưng từ nay đến 2020 sẽ khốc liệt lắm. Trong sấm có câu: "Một thời lại một nhiễu nhưng nên lề" là nói về thời kỳ này. Lịch sử đang sang trang.

29/12

Như con viết trong thư 79A, Trump đắc cử đánh dấu một thời kỳ hỗn độn trước khi thời đại mới được xác lập – một trạng thái cân bằng mới. Khi một trạng thái cân bằng được xác lập thì thay đổi trật tự của nó là việc rất khó khăn, nên hầu hết các dân tộc thất bại trong thời kỳ bản lề đều tiếp tục thất bại sau đó và chìm trong lạc hậu, lệ thuộc lâu dài. Ngay cả đối với các dân tộc vĩ đại như Trung Hoa và Nga, sự lựa chọn sai lầm đã khiến họ phải trả giá hàng thế kỷ. TQ từng vượt xa mọi quốc gia khác trong Thời đại kinh tế nông nghiệp nhưng đã lạc hậu nghiêm trọng vì phủ nhận các bản lề Cách mạng công nghiệp 1.0, 2.0, 3.0. Hiện giờ đang đứng trước bản lề 4.0 nhưng họ mới chỉ chấp nhận một phần – phần trào lưu cứng của Dòng chảy thời đại kinh tế tri thức. Nếu không thay đổi – chấp nhận và ưu tiên trào lưu mềm, con dám nói họ sẽ lại thất bại. Còn dân tộc Nga, cách đây 1,5 thế kỷ là đại diện điển hình nhất và là niềm tự hào của xu hướng quân chủ chuyên chế. Rất nhiều người lúc đó tin rằng phương thức chuyên chế sẽ đưa Nga trở thành dân tộc thống trị thế giới trong thế kỷ 20. Nhưng đầu thế kỷ này chế độ quân chủ chuyên chế Sa hoàng bị sụp đổ bởi cuộc cách mạng Tháng 10, để lại một đất nước thua kém về công nghệ, kinh tế, xã hội trước một Châu Âu đang dịch chuyển dần sang dân chủ. Những người cộng sản Nga tiếp nhận đất nước bằng một nền chuyên chế mới và tập trung cho trào lưu cứng: dồn mọi năng lượng, kể cả bằng cưỡng bức cho khoa học kỹ thuật, điện khí hóa, … Hơn một nửa nhân loại đã choáng ngợp trước thành tích của họ và ùn ùn lao theo xu thế đó. Nhưng một lần nữa lịch sử đã chứng minh xu thế này đã thất bại như thế nào và các dân tộc đó phải trả giá ra sao. Cái giá của sự ngộ nhận "trọng cứng khinh mềm". Điều mà người ta dự đoán cho nước Nga lại đúng với nước Mỹ – một quốc gia mà 150 năm trước đây chỉ mới tuổi thất thập, còn nhỏ bé nhưng là đại diện duy nhất của nền cộng hòa dân chủ, còn mới mẻ nhưng đã tạo nên niềm hy vọng. Trong kiệt tác "Nền dân trị Mỹ" viết vào những năm 1830, Tocqueville đã dự đoán sẽ có một cuộc chiến đua tranh giữaa 2 dân tộc Nga và Mỹ đại diện cho 2 xu hướng quân chủ chuyên chế và cộng hòa dân trị. Và ông đã đúng. Người Mỹ liên tục vượt lên sau mỗi bản lề, sau mọi cuộc đại chiến và cả chiến tranh lạnh. Đơn giản là vì họ luôn đi trước bằng trào lưu mềm để làm xã hội cởi mở hơn. Ngay từ thời lập quốc, họ là những di dân từ Anh đến châu Mỹ. Họ di cư vì không thích sự thiếu cởi mở của xã hội Anh thời đó. Nếu biết rằng nước Anh là nơi cởi mở bậc nhất Châu Âu lúc ấy thì sẽ hiểu người Mỹ đam mê tự do và cởi mở đến thế nào.81a-open-mind-american Bây giờ họ chọn D. Trump làm tổng thống vì nguồn gốc cởi mở đó – họ muốn sự thay đổi, họ không muốn bị trói chặt với những cái cũ dù là cái đã thành công: họ muốn xóa cái định kiến nước Mỹ chỉ có thể được lãnh đạo bởi các chính trị gia chuyên nghiệp dù những người này rất hay đi nữa, dù Trump không có kinh nghiệm hoặc quá chiến thuật. Đơn giản là họ muốn phải thay đổi, muốn thử nghiệm những điều mới mẻ. Họ là những người cởi mở.

Chúng ta là những người may mắn được trực tiếp chứng kiến thời khắc cột mốc bản lề Cách mạng công nghiệp 4.0 xoay chuyển thời đại. Mọi người hãy quan sát sự vận động và lựa chọn của các dân tộc trong vài năm tới và nhìn sự thành công và thất bại của họ. Trước đó hãy nhìn lại lịch sử của bản lề Cách mạng công nghiệp 3.0, đặc biệt là sau Thế chiến II để thấy những lựa chọn nào thành công; những lựa chọn nào thất bại. Thành công nhất là Nhật và Đức – 2 dân tộc bị Mỹ đánh bại và chiến thắng, đã biết từ bỏ con đường chuyên chế để thúc đẩy trào lưu mềm cởi mở. Thất bại thì vô số, kể không hết.

81d-putin-and-trump-ally

Thập niên 1980 R. Reagan bắt tay với TQ (tiếp tục chính sách từ thời Nixon) để đánh gục Liên Xô bằng chạy đua vũ trang. Giờ đây, có lẽ D. Trump sẽ bắt tay với Nga để đánh gục TQ cũng bằng chạy đua vũ trang

Tổng thống Trump sẽ buộc các quốc gia phải lựa chọn. Chính sách coi trọng sức mạnh quân sự và không muốn tỏ ra hào hiệp của ông sẽ tạo ra một sự đối đầu và khiến các nước phải tỏ rõ thái độ, không thể ỡm ờ nước đôi kiểu "kiểu chính trị gia" được nữa. Chính sách này dẫn đến nguy cơ chiến tranh mà không hóa giải được sẽ là một thảm họa của nhân loại. Nhưng đề tài này con sẽ bàn vào dịp khác. Thế giới sẽ không thể tốt được nếu bị trong tình trạng đối đầu căng thẳng kéo dài, nhưng có lẽ không tránh được nó vào thời kỳ hỗn độn và cũng cần thiết để cái tốt lấn át. Chưa gì chính sách "Một Trung Quốc" đã bị hăm dọa. Thập niên 1980 R. Reagan bắt tay với TQ (tiếp tục chính sách từ thời Nixon) để đánh gục Liên Xô bằng chạy đua vũ trang. Giờ đây, có lẽ D. Trump sẽ bắt tay với Nga để đánh gục TQ cũng bằng chạy đua vũ trang. Putin gần đây đã cho thấy sự cởi mở hơn trong đối ngoại lẫn đối nội. Người Nga đang đứng trước thời cơ lựa chọn để có thể vươn lên bền vững chứ không như những đợt lóe sáng rồi vụt tắt như trước đây. Muốn vậy họ phải thuận theo trào lưu mềm để cởi mở. Dân Nga vốn cởi mở, tốt bụng nhưng các nền chuyên chế đã lợi dụng lòng tốt, lòng yêu nước của họ cùng với niềm tự hào dân tộc của họ. Putin có lẽ cũng đã nhận ra khó mà tin cậy được thể chế chuyên chế hiện nay của TQ sau hơn 2 năm bị phương Tây cấm vận. Vào lúc Nga khó khăn nhất, cứ nghĩ TQ "bạn bè" sẽ là chỗ dựa, nhưng lại thấy chủ yếu người bạn này lợi dụng khó khăn của mình để trục lợi, từ việc ép để mua dầu khí giá rẻ đến tìm cách để lấy bí quyết công nghệ vũ khí của Nga. Nước Mỹ dưới thời Obama đã làm cho người Nga lẫn Tổng thống Nga hiểu ra vấn đề, nhận ra chân lý phát triển. Con tin rằng nước Mỹ dưới thời Trump sẽ kéo Nga vào Châu Á TBD để ngăn cản sự bành trướng của TQ. Sự khởi động một hiệp ước hòa bình Nga – Nhật qua chuyến thăm Nhật của Putin vừa rồi là một tín hiệu tốt. Nếu Putin thực sự thay đổi cởi mở, không có lý do gì không ủng hộ ông ấy cả. Thông điệp liên bang ông ấy vừa phát ra cho năm sau đã chứa đựng sự cầu thị thay đổi.

Rodrigo Duterte, Mayor of Davao and presidential candidate, gestures to members of the media at a polling station during the presidential election in Davao, Mindanao, the Philippines on Monday, May 9, 2016. Filipinos began voting in a holly contested presidential election that's seen Rodrigo Duterte, the controversial mayor of Davao City, propelled to the front of the pack with his tough talk to combat crime and deal with traffic-clogged roads in the Philippines. Photographer: Veejay Villafranca/Bloomberg via Getty Images

TT Duterte là một thử thách cho thời kì bản lề của Philippines

Duterte có một nhiệm kỳ 6 năm và không được tái cử. Chắc là lúc này ông ta đang nghĩ cách sửa đổi hiến pháp để tiếp tục tại vị như nhiều nhà độc tài vẫn thường làm. Nền dân chủ Philippines đang bị thử thách. Nếu nó đủ thực chất thì ông này khó mà ngồi hết được nhiệm kỳ này. Ngược lại ông ta sẽ ngồi lên hiến pháp và dân chúng. Đây cũng là cuộc thử thách về lựa chọn trong thời kỳ bản lề của dân tộc Philippines. Thành công của Duterte đồng nghĩa với thất bại của nhân dân. Nếu người dân nước này nhìn lại lịch sử, rút được bài học thất bại của những quốc gia cuốn theo Liên Xô vì bị choáng ngợp với thành tích lóe sáng của nó thì họ sẽ ngộ ra sự ngộ nhận tương tự của mình hiện nay trước TQ. Sự lóe sáng hiện nay của TQ chưa là gì so với của Liên Xô trước đây cả. Không biết có thật không khi tin tức đưa rằng tỷ lệ tín nhiệm dành cho Tổng thống Duterte lên đến hơn 80% sau 100 ngày cầm quyền. Nếu thế thì dân tộc này quả là bất hạnh. Họ có đủ quyền và tự do để lựa chọn mà lựa chọn sai lầm thì họ xứng đáng nhận thất bại. Nhưng con không chắc là họ có đủ các quyền và tự do đó không. Vào tù đến giờ con không nghiên cứu hiến pháp mới của họ cũng như biết nhiều về sự vận động xã hội của họ.

30/12

Nghe có vẻ trái quy luật. Nhưng trong thời kỳ hỗn độn, các quy luật phổ quát có thể bị kém tác dụng trước các quy luật cục bộ – nơi có những nguồn năng lượng đặc biệt được tập trung vào nên lấn át các nguồn năng lượng được phân bổ theo các quy luật thông thường. Sự thay đổi các trạng thái vật lý hoặc các trạng thái xã hội đều do sự thay đổi năng lượng tạo ra. Trong hệ thống vật lý hoặc xã hội cũng vậy, một vùng tự do nhưng từ chối năng lượng tự do đổ vào nó thì rất có thể năng lượng này sẽ buộc phải đổ vào một vùng kém tự do. Châu Á TBD và đặc biệt là Biển Đông và ASEAN là khu vực mà Mỹ không thể không dồn năng lượng vào. Trump có thể không sử dụng TPP làm công cụ chiến lược để tập trung năng lượng vào khu vực này, nhưng buộc phải tạo ra một công cụ khác, có thể mang tính chiến thuật hơn nhưng cũng sẽ tác động nhanh hơn. Công cụ của Trump nhiều khả năng sẽ ít yếu tố kinh tế và nhiều yếu tố quân sự hơn. Nó sẽ tạo ra một loại năng lượng rắn hơn dẻo. Chính điều này sẽ tạo ra sự rung lắc ghê gớm.

Nếu quan hệ đồng minh Mỹ – Philippines tiếp tục có vấn đề thì năng lượng tự do của Mỹ sẽ dồn vào chỗ khác, có thể là một chỗ còn thiếu tự do nhưng đang có khát vọng tự do mãnh liệt và đã biết tích tụ năng lượng lâu nay. Mặt trái của những biện pháp mang tính chiến thuật kiểu như trên là chúng thường tạo ra những thay đổi thiếu thực chất mà về lâu dài có thể gây ra hậu quả, ngay cả cho Mỹ. Mujahadeen – Taliban là một hậu quả như vậy. Nhưng với một người trọng chiến thuật hơn chiến lược, coi trọng lợi ích kinh tế trước mắt của nước Mỹ hơn là các lợi ích chiến lược lâu dài của Mỹ trên toàn cầu thì Trump sẽ tạo ra nhiều biện pháp chiến thuật để gặt hái thành tích nhanh. Vì vậy mà những phong trào khai sáng chân lý phát triển để cân bằng lại với những biện pháp của Trump nhằm giúp thế giới thay đổi thực chất là rất quan trọng. Con quan tâm phong trào này không chỉ cho VN mà cho cả thế giới. Ngay cả với Nga, nếu sự thay đổi của Putin không thực chất thì Trump cũng sẽ phớt lờ để không bị lên án là bắt tay với một lãnh đạo không tôn trọng quyền con người và phản dân chủ. Obama là người thượng tôn các giá trị này, không dễ dàng chấp nhận sự xâm phạm nó vì sự phát triển thực chất và bền vững không chỉ cho Mỹ mà cho cả nhân loại. Nhưng Trump có lẽ là không, không sẵn sàng bảo vệ đến cùng các giá trị đó bên ngoài nước Mỹ. Ông ấy luôn đặt câu hỏi rằng tại sao Mỹ phải bỏ tiền và công sức để bảo vệ cho nước khác. Quan điểm này cục bộ và không thể tồn tại lâu ở Mỹ, nhưng chắc là không tránh được trong thời kỳ hỗn độn này. Tuy nhiên con thấy rằng nếu nó được tương tác với một Phong trào khai sáng mạnh mẽ thì lại tạo ra hiệu ứng thay đổi tốt – làm con người nhận ra cái hay cái dở và phải lựa chọn. Lúc đó nhiều người sẽ chọn cái hay hơn là cái dở. Cái xấu cũng sẽ bị năng lượng rắn của nước Mỹ thời Trump tấn công mạnh mẽ (Trong quyển "Nước Mỹ nhìn từ bên trong" (Cripple America: how to make America great again). D. Trump gọi một TQ xấu là chính quyền kiểm soát quyền tiếp cận internet, áp chế bất đồng chính trị, bất đồng chính kiến, hạn chế quyền tự do, tấn công mạng, sử dụng ảnh hưởng trên khắp thế giới để thao túng kinh tế (trang 64). Rồi sau đó ông kết luận: "Chúng ta phải bắt đầu bằng việc trở nên cứng rắn với người TQ" (trang 67)).

Quan điểm chống thương mại tự do của Tổng thống mới của Mỹ sẽ đe dọa nghiêm trọng xuất khẩu của các nước vào Mỹ, đặc biệt là TQ. VN cũng sẽ bị ảnh hưởng ghê gớm. Chính quyền Trump có lẽ sẽ không ngần ngại sử dụng thị trường Mỹ làm củ cà rốt và cả cây gậy để đạt được những mục tiêu nhanh. Sóng gió sẽ nổi lên. Nước nào không đủ sức cho những cuộc chiến kinh tế này sẽ rụng tơi tả. Mỹ cũng sẽ mệt nhưng họ thừa sức chịu đựng để hạ gục đối thủ. Lại còn thêm cuộc chiến dầu hỏa nữa. Mỹ thời Trump sẽ thúc đẩy mạnh khai thác dầu đá phiến và những nguồn năng lượng hóa thạch. Điều này đi ngược xu hướng xanh hóa chống biến đổi khí hậu nên nó cũng không tồn tại lâu được. Nhưng chỉ cần vài năm thôi, nó cũng đủ thay đổi trạng thái địa chính trị của thế giới một cách sâu sắc. Nga mà không hợp tác với Mỹ trong bối cảnh này thì tổn hại sẽ khôn lường. Các nước dựa nhiều vào xuất khẩu dầu sẽ rơi lộp độp. Thời gian này chắc cũng đủ để các nhà phát minh, sáng chế đưa ra được nguồn năng lượng xanh đủ sức thay thế năng lượng hóa thạch (Bất chấp việc Trump coi năng lượng xanh là một sai lầm, sự quyết tâm và sức mạnh của khu vực tư nhân Mỹ và Châu Âu, Nhật vẫn sẽ đẩy nó lên mạnh mẽ. Các Quỹ tài trợ nghiên cứu năng lượng xanh hàng tỷ $ của các tỷ phú công nghệ như Bill Gates đã ra đời sẽ giúp lĩnh vực này bất cần đầu tư nhà nước).

Xanh hóa, toàn cầu hóa và cả mềm hóa sẽ quay lại và xác lập; chứ không chỉ TPP. Nó sẽ được tiếp tục với tên gọi khác sau đợt rung lắc Trump.

Các chính trị gia ưu tiên bảo vệ quyền con người của Mỹ sẽ tận dụng cây gậy và củ cà rốt của Trump để bảo vệ và thúc đẩy QCN bên ngoài Mỹ. Tân Tổng thống Mỹ cũng sẽ ủng hộ những nỗ lực này dù nó không phải là ưu tiên của ông, để ông có thể đạt được sự thỏa hiệp chính trị cho những chính sách của mình. Vì vậy năng lượng của Mỹ dành cho lĩnh vực QCN sẽ vẫn tiếp tục. Quan trọng vẫn là nội lực của các nước dành cho mục đích QCN thì mới đạt được tiến bộ thực chất. Trong sự rung lắc hỗn độn tới đây, sẽ có nhiều khoảng trống được tạo ra thuận lợi cho người dân các nước thúc đẩy QCN cho mình.

Trong thời ký 4 năm tới đây, thời cơ và nguy cơ đan xen nhau. Dân tộc nào nắm được thời cơ thì vươn lên, chuyển mình mạnh mẽ, có thể làm một cuộc chuyển mình vĩ đại. Dân tộc nào bắt nhầm nguy cơ thì thôi rồi. Để tránh cho một dân tộc bị đặt vào trò may rủi như đã từng xảy ra nhiều lần trước đây thì phải lựa chọn một cách khoa học. Muốn vậy phải hiểu quy luật – Chân lý phát triển. Lựa chọn theo màu sắc, bè phái, tên gọi hình thức là những thứ phản khoa học, không chỉ đầy may rủi mà còn hầu hết là rủi ro.

Vì vậy mà hơn 10 năm trước con lựa chọn Con đường của mình là con đường khoa học: tìm hiểu quy luật và làm sáng tỏ Chân lý phát triển, chứ không lựa chọn hoặc phát triển bất kỳ ý thức hệ nào. Một dân tộc chỉ có thể lựa chọn đúng và phát triển thần kỳ khi họ bừng lên Chân lý phát triển, chứ không phải nhờ sự sôi sục theo bản năng vô thức.

31/12

Tóm lại, sẽ có rất nhiều biến động 4 năm tới, đặc biệt là 2 năm 2017 và 2018. Một thời kỳ hỗn độn tốt/xấu, thời cơ/nguy cơ đan xen. D. Trump không phải người xấu nhưng chính sách của ông sẽ tốt/xấu hay/dở lẫn lộn. Điều này dẫn tới những cơn chấn động, rung lắc khiến nhân loại nhìn được đúng/sai và phải lựa chọn.

Mọi người yên tâm. Dân tộc mình sẽ lựa chọn đúng và chuyển mình vĩ đại. Và cũng hãy an lòng, con sẽ không sao, sẽ vượt qua mọi cuộc thử thách cam go, sẽ sớm gặp lại mọi người. Mọi người hãy thật vui và khỏe.

Dưới đây là nội dung thư đã được gửi cho ông Trọng.

THƯ GÓP Ý

                                                          Nghệ An, 19/12/2016

K/g: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

          Tôi tên Trần Huỳnh Duy Thức, 50 tuổi, hiện đang ở tù tại Trại giam số 6 theo tội danh được gọi là "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" vì đã góp ý với nhà nước về những nguy cơ và chính sách phát triển quốc gia.

          Hôm nay tôi tiếp tục góp ý vì nhận thấy những nguy cơ này đang ngày càng nghiêm trọng. Nguy hại nhất chính là nguy cơ tụt hậu của dân tộc, mãi nhìn các dân tộc khác vượt qua sau mỗi cột mốc bản lề chuyển đổi thời đại. Dân tộc chúng ta đã không tiến lên được mà còn bị đẩy lùi xa sau các cột mốc Cách mạng công nghiệp 2.0, Cách mạng công nghiệp 3.0 của Thời đại kinh tế công nghiệp, rồi phải chìm vào những cuộc chiến giành độc lập.

          Thế giới đã bắt đầu chuyển sang Thời đại Kinh tế tri thức với cột mốc đầu tiên là Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vốn đã được nhiều quốc gia chuẩn bị từ nhiều năm trước. Việt Nam gần như chỉ mới biết đến nó vào cuối năm ngoái. Nhưng sự muộn màng này không đáng lo bằng sự chậm chạp trong việc hiểu đúng quy luật vận động của nó và thái độ không sẵn sàng thay đổi để tôn trọng quy luật để tiến cùng Thời đại. Thất bại của nhiều dân tộc chính là ở thái độ như vậy khi Dòng chảy của Thời đại tiến tới. Thái độ đó dẫn tới sự ngộ nhận hoặc cố tình không hiểu đúng các đặc trưng của thời đại, bỏ qua các đặc trưng mềm mang tính quyết định và tập trung vào các đặc trưng cứng mang tính hệ quả như công nghệ và phương thức sản xuất nói chung. Họ không chịu nhìn nhận rằng các thời đại được tạo nên bởi những dòng chảy được hợp thành bởi 2 trào lưu mềm và cứng, trong đó trào lưu mềm mang tính quyết định và phải đi trước vì nó thay đổi đặc trưng mềm của xã hội, dẫn đến quan hệ sản xuất mới và mối quan hệ tiến bộ giữa con người cũng như năng lực vận động của họ trong xã hội nói chung. Không hội nhập trào lưu mềm mà chỉ tập trung vào trào lưu cứng dẫn đến những cuộc cách mạng không được đặt trên những nền tảng vận động vững chắc của xã hội. Kết quả là sự sụp đổ.

          Biểu hiện dễ thấy của những quốc gia thúc đẩy hoặc hội nhập thành công vào dòng chảy của các thời đại là xã hội của họ rất cởi mở, không chỉ chấp nhận mà còn dễ dàng dung hợp sự khác biệt. Đó là tác dụng của trào lưu mềm. Chính phủ đang nói rất nhiều làm sao biến Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp như Israel. Các mô hình kinh tế của họ đang được học tập. Nhưng bí quyết quan trọng nhất của quốc gia non trẻ này là ở xã hội cởi mở – nơi người dân có thể chỉ trích bất kỳ vị lãnh đạo nào của đất nước không chỉ bằng những góp ý chính sách mà còn bằng sự chế giễu họ công khai. Bí quyết này chỉ có được nhờ mô hình chính trị cởi mở nhưng mới mẻ của dân tộc Do Thái, chứ không phải nhờ văn hóa bảo thủ lâu đời của họ.

          Một xã hội cởi mở như vậy thì mới có thể tạo ra hoặc chấp nhận những ý tưởng mới, đột phá về công nghệ và mô hình kinh doanh. Không có cởi mở về chính trị thì sự cởi mở về kỹ thuật, kinh tế rất hạn chế. Nói đến Cách mạng công nghiệp 4.0 – Nền kinh tế số hóa thì không thể thiếu tiền tệ kỹ thuật số, chính là các loại tiền ảo như Bitcoin. Không phải tự nhiên mà những nơi đã ra đời hoặc công nhận pháp lý đối với tiền tệ kỹ thuật số là những quốc gia cởi mở nhất thế giới như Mỹ, Thụy Điển và mới đây là Singapore. Thực ra Chính phủ Singapore đã chuẩn bị cho tiền tệ kỹ thuật số từ 9 – 10 năm trước. Cùng lúc đó, ý tưởng xây dựng một đơn vị tiền tệ kỹ thuật số cho Việt Nam là VN$ (Vietnam dollar) đã bị bóp chết trong trứng nước. Ngay đến bây giờ rồi mà những phát biểu của các quan chức ngân hàng vẫn còn kỳ thị và gây sợ hãi đối với các loại tiền ảo. Có rất nhiều nỗi sợ như vậy đối với các ý tưởng mới hiện nay trong xã hội Việt Nam, nhất là những gì liên quan đến mô hình phát triển.

          Chính phủ đang phát động cả nước nắm bắt cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Bộ Chính trị cũng đã tổ chức học tập đặc trưng của cuộc Cách mạng này. Nhưng tôi nhận thấy đặc trưng mềm đã bị bỏ qua.

          Tôi có thể hiểu được khao khát của ông về một chính quyền đạo đức. Nhưng lịch sử dân tộc và thế giới đã chứng minh rằng đức trị không tạo ra được các nhà nước và xã hội đạo đức, mà còn kìm hãm các dân tộc ở mãi trong nền Kinh tế nông nghiệp lạc hậu. Pháp trị là đặc trưng của Thời đại Kinh tế công nghiệp. Còn pháp quyền là đặc trưng của Thời địa Kinh tế tri thức. Không thể sử dụng đức trị để thành công trong Thời đại mới đang hình thành mạnh mẽ này được. Đức trị không làm xã hội cởi mở mà ngược lại, chìm trong sự phẫn uất và thù địch. Con người không thể phấn chấn để làm nên những điều tốt đẹp khi thường xuyên bị sôi sục bởi sự lên án về đạo đức, tham nhũng hoặc những tư tưởng sai trái. Kết quả là xã hội bị trói chặt vào những tư tưởng cũ kỹ, thì sao mà phát triển được. Từ thời Duy Tân Minh Trị cho đến tận bây giờ, các quan chức Nhật Bản vẫn hay bị chỉ trích về lối sống. Nhưng khó phủ nhận được họ là những người đã kiến tạo nên các nền tảng phát triển để nhân dân Nhật tạo nên kỳ tích. Chìa khóa của giải pháp nằm ở quyền chỉ trích. Khi nó còn được bảo đảm thì hành xử của quan chức và cả nhà vua còn được đặt trong giới hạn nhân dân có thể kiểm soát. Trong lịch sử Nhật, khi quyền này bị hạn chế cũng là lúc chủ nghĩa đức trị lên ngôi dẫn đến sự lụn bại của nước Nhật bởi những cuộc chiến tranh được phát động với danh nghĩa bảo vệ đạo đức.

          Tôi và nhiều người dân trên khắp thế giới rất mong đất nước hội nhập thành công và vượt lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đưa dân tộc Việt Nam nhanh đến thịnh vượng và văn minh. Nhưng điều này, lúc này, đang tùy thuộc vào những người nắm quyền hành tối cao như ông. Tôi nghĩ ông cũng muốn như vậy. Nhưng sự thành công chỉ đến khi quy luật phát triển được tôn trọng. Chính quy luật này tạo nên Dòng chảy không thể đảo ngược của Thời đại. Tôn trọng quy luật đó thì phải thúc đẩy trào lưu mềm trước thông qua những cải cách chính trị cởi mở mạnh mẽ. Đây là cơ hội dành cho những người như ông làm nên lịch sử. Ngược lại, không tôn trọng quy luật mà cố gắng dồn sức lực cho trào lưu cứng thì thất bại là không thể tránh khỏi và bị lịch sử vượt qua.

          Lịch sử thế giới cho thấy, khi người dân nói ra được nguyện vọng của mình thì dân tộc tạo ra sức mạnh thần kỳ. Cuộc cách mạng Tháng 8, Cuộc tổng tuyển cử 1946 và Hiến pháp 1946 là những điều như vậy. Nhưng Việt Nam vẫn chưa có kỳ tích phát triển vì Hiến pháp 1946 đã không được tiếp tục bằng một cuộc trưng cầu ý dân như bản Hiến pháp này dự kiến. Ý nguyện nhân dân cần phải được tiếp tục để dân tộc Việt Nam hóa rồng sánh vai cường quốc năm châu. Hơn lúc nào hết, một cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp để nhân dân quyết định thể chế chính trị của đất nước cần được thực hiện. Ai làm cho nhân dân nói ra được nguyện vọng của mình thì sẽ làm nên lịch sử.

          Chúc ông sức khỏe và kính chào.

       Mùa đông tháng 12, 2016

     THDT

4/1/2017

Ba giúp con chuyển nội dung trên đến ông Trọng nha. Ba phải vất vả vì con rồi. Nhưng còn nhiều người vất vả hơn mình nhiều. Xem TV thấy nhiều đồng bào Miền Trung trầm mình trong nước lũ mấy ngày liền, không có cả nước sạch, mì gói thì phải ăn sống, chứ không có nước nóng để ăn mì như con ở đây. Được ngả lưng lên chỗ khô ráo như con bây giờ với họ hẳn phải như thiên đường. Sức chống chọi của họ thật vĩ đại. Nhìn họ mà con thấy mình nhỏ bé trước họ. Nhưng cũng từ đó con thấy mình có nhiều năng lượng hơn để phải làm được một điều gì đó xứng đáng với họ. Con nói ba vất vả là nói vậy thôi, chứ con biết ba không thấy vậy, mà thấy niềm vui vì tiếp sức cho con. Thương ba và mọi người rất nhiều.

Thư 81A bản gốc

81a_181a_281a_381a_481a_581a_681a_781a_881a_981a_1081a_1181a_12

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét