-- via my feedly newsfeed
Ông Bá Ngọc có công bố một tài liệu lịch sử đặc biệt trên Tạp chí XƯA & NAY, số 438, tháng 10.2013, trong bài viết có nhan đề là « Ban thẩm tra vụ việc Nguyễn Ái Quốc ở Quốc tế Cộng sản ».
Tạm để sang một bên lối viết sử kiểu cộng sản chủ nghĩa để tập trung vào một số chi tiết và sự việc được trình bày trong bài này, ta có thể thấy rõ hơn về một vài điểm ở nhân vật Hồ Chí Minh và lịch sử đảng cộng sản Việt Nam.
Tài liệu mà Bá Ngọc tìm được trình bày một sự kiện xảy ra với Nguyễn Ái Quốc vào thời kỳ ông đến Liên Xô lần thứ ba trong đời hoạt động của mình, sau khi bị bắt giam ở Hồng Kông, từ 1934 - 1938. Sự kiện đó là Nguyễn Ái Quốc trở thành đối tượng điều tra của Quốc tế Cộng sản (QTCS). Tháng 2/1936, QTCS thành lập một Ban thẩm tra để xem xét trường hợp Nguyễn Ái Quốc, vì các lý do :
-Ban lãnh đạo Hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương (ĐCSĐD) gửi cho QTCS một lá thư viết ngày 20/4/1935 trong đó kết tội Nguyễn Ái Quốc đã phạm những sai lầm trong hoạt động cách mạng (xin xem chi tiết trên báo Diễn Đàn theo đường link: https://www.diendan.org/tai-lieu/ban-tham-tra-vu-viec-nguyen-ai-quoc-o-quoc-te-cong-san )
-Vì sao Nguyễn Ái Quốc chỉ bị kết án nhẹ nhàng có hai năm tù giam, vì sao sau hạn tù có thể trốn khỏi mật thám Pháp một cách dễ dàng, và bằng cách nào sang được Nga ?
Ban thẩm tra đã làm việc và dẫn tới hai kết luận : 1/Nguyễn Ái Quốc đã phạm một số sai lầm trong hoạt động bí mật và cần khắc phục. 2/Không tìm ra chứng cứ về sự thiếu trung thành chính trị ở Nguyễn Ái Quốc. Vì thế hồ sơ Nguyễn Ái Quốc được huỷ bỏ.
Ông Bá Ngọc có các phân tích và kết luận của riêng ông, như ông đã trình bày trong bài. Đối với cá nhân tôi, tài liệu này giúp tôi trả lời phần nào một vài trong số rất nhiều câu hỏi về nhân vật được xem là phức tạp vào bậc nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại :
-Đối với Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cộng sản là một con đường giải phóng dân tộc (nghĩa là một phương tiện giúp giải phóng dân tộc) hay là một mục tiêu tối hậu mà cả dân tộc phải hướng tới ?
-Hồ Chí Minh là một người theo chủ nghĩa yêu nước/ chủ nghĩa dân tộc, hay là một người cộng sản đúng nghĩa, hay là trong Hồ Chí Minh kết hợp cả hai con người đó, và còn kết hợp thêm cả con người nho giáo kiểu Khổng Tử ?
Câu hỏi này thoạt nghe có vẻ như thừa, sau tất cả các nghiên cứu đã công bố về Hồ Chí Minh, đặc biệt là sau vô số công trình của các nhà nghiên cứu quốc tế. Thế nhưng thực tế hiện nay đòi hỏi phải đặt lại câu hỏi đó, bởi vì một bộ phận người Việt dường như chỉ muốn nhìn Hồ Chí Minh như một người cộng sản, và duy nhất ở khía cạnh cộng sản. Ngược lại, không phải là không có người nghĩ rằng Hồ Chí Minh « phi cộng sản », và cho rằng cộng sản, đối với Hồ Chí Minh, chỉ như là cái áo che giấu cái thực chất là cách mạng dân tộc. Lại có những người cho rằng Hồ Chí Minh bất đắc dĩ mà trở thành cộng sản. Mỗi bên đều tìm thấy trong lịch sử những yếu tố làm căn cứ cho suy diễn của mình.
Chưa lúc nào mà Hồ Chí Minh và di sản Hồ Chí Minh lại gây tranh cãi như hiện nay. Điều này là bình thường, và có thể nói là đáng mừng. Bởi vì ít ra chúng ta cũng tự cho phép mình không đồng ý với nhau, tức là cho phép tồn tại tình trạng đa nguyên trong suy nghĩ. Chúng ta cũng hiểu rằng không thể tự cho phép mình áp đặt nhận định chủ quan của mình lên người khác, càng không thể bắt người khác phải tin theo mình một cách vô điều kiện.
Nhân đây cũng xin một lần giải thích rằng đối với những người làm nghiên cứu như tôi, những người lấy việc tìm hiểu sự thật làm mục đích, lấy sự công bằng làm phương châm trong đánh giá, thì chỉ có sử liệu, sự kiện, căn cứ, bằng chứng, nhân chứng, và phân tích dựa trên các căn cứ và bằng chứng ấy, mới có khả năng thuyết phục. Và sẽ không chấp nhận bị chi phối bởi bất kỳ một áp lực nào (dù là áp lực của bạo lực chính trị hay là áp lực của tin đồn, của dư luận, của bình luận…).
Vụ thẩm tra năm 1936 cho phép phần nào nhận diện sự lựa chọn của Nguyễn Ái Quốc vào thời điểm ấy, xin nhắc lại, vào thời điểm các thập kỷ 1920 và 1930. Ở đây các phân tích của tôi chỉ dựa vào bản báo cáo của Vera Vasilievna, đoạn trích được dịch ở trong bài, chứ không dựa vào phần phân tích và bình luận của Bá Ngọc.
Dưới đây là trích đoạn từ bản giải trình của Vera Vasilievna, theo bản dịch của Bá Ngọc :
" Nguyễn Ái Quốc là người cộng sản Đông Dương đầu tiên, là người rất có uy tín giữa những người cộng sản, là người đã tổ chức các nhóm cộng sản đầu tiên trên cơ sở đó để thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Khi hợp nhất Đảng, Nguyễn Ái Quốc tự nhận mình là đại diện của Quốc tế Cộng sản, mặc dầu Quốc tế Cộng sản chưa trao ủy quyền. Trong thời gian hợp nhất Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Ủy ban lâm thời và đã để xảy ra một số sai lầm như hợp nhất một cách máy móc các nhóm cộng sản, không phân định rõ ràng quan hệ với các tầng lớp địa chủ và tư sản... Do đó, uy tín của đồng chí bị giảm sút, đặc biệt, trong đội ngũ những người lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị tháng 10-1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương đã nghiêm khắc phê phán những khuyết điểm của đồng chí. Sau Hội nghị, Nguyễn Ái Quốc đảm nhận công việc liên lạc viên, công tác tại Trung Quốc và Hồng Kông. Trong các bức thư từ Ban lãnh đạo Đảng phản ánh tâm trạng không bằng lòng của Nguyễn Ái Quốc, về công việc của một liên lạc viên bình thường mà luôn thể hiện vai trò lãnh đạo; đã đưa ra những ý kiến, ghi chú, nhận xét của mình trong các chỉ thị, thông báo của Quốc tế Cộng sản và cản trở những thông tin từ đất nước gửi Quốc tế Cộng sản.
" Ngày 6-6-1931, Nguyễn Ái Quốc bị mật thám Anh bắt tại Hồng Công và bị kết án 2 năm tù giam. Trong thời kỳ này, chúng tôi (Vaxiliepna) liên hệ với luật sư bào chữa thông qua Tổ chức cứu trợ những người cộng sản bị nạn của Pháp, gửi tiền để thuê luật sư bào chữa và luật sư đã tổ chức cho Nguyễn trốn thoát, việc này đã được luật sư nói rõ trong thư gửi chúng tôi. Một thời gian sau đó, có tin là Nguyễn Ái Quốc đã chết trong tù vì lao phổi. Năm 1933, xuất hiện tin rằng Nguyễn Ái Quốc không chết mà được thả tự do và biến mất.
" Vào tháng 7-1934, Nguyễn Ái Quốc đến Matxcơva. Theo lời kể của Nguyễn Ái Quốc thì khó xác định được vì sao trốn thoát khỏi mật thám Pháp một cách dễ dàng sau án ngồi tù của mình, và vì sao chỉ bị kết án một cách nhẹ nhàng vậy. Tôi đã nhiều lần đề nghị Nguyễn Ái Quốc trình bày bằng văn bản về các việc liên quan đến bị bắt, bị kết án tù, được giải thoát và trở về với chúng ta, nhưng Nguyễn Ái Quốc đã không thực hiện. Chuyến trở về, theo Nguyễn Ái Quốc kể thì do Vaillant-Couturier trong thời gian ở Trung Quốc đã tổ chức giúp đỡ. Tôi nghĩ rằng, tất cả những vấn đề này cần được thẩm tra kỹ lưỡng. Sau khi đến đây, Nguyễn Ái Quốc được cử đi học tại Trường Mác - Lênin cho đến ngày nay. Thống nhất với các đồng chí Mip và Côchenxky chưa thể nắm hết các hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, mặc dầu chúng tôi biết rằng, Nguyễn luôn luôn kiên trì phấn đấu. Nguyễn đã nhiều lần yêu cầu tôi trao đổi về việc tổ chức liên hệ với Đảng, đặc biệt, rất quan tâm tới các chuyến đi công tác của các sinh viên, về việc họ đi đâu và với những nhiệm vụ gì. Nguyễn rất khổ tâm và nóng lòng về việc không được tham gia những nhiệm vụ bí mật. Trong mối quan hệ với các sinh viên, Nguyễn luôn cố gắng đóng vai trò là người thầy, người lãnh đạo, nhưng về lý luận tỏ ra yếu kém và thường xuyên để xảy ra sai sót trong quá trình trao đổi. Trong bản thân Nguyễn chứa đựng nhiều tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và tàn dư cũ, những thứ đó có thể chống lại ý nguyện của mình.
Trên đây là những dẫn chứng tôi đã trình bày. Nguyễn Ái Quốc khi tự phê bình tỏ ra bình tĩnh và luôn luôn chấp nhận những tự chỉ trích đó.
Điểm lại những sự kiện và tư liệu, phải chăng cần khẳng định vị trí đại diện trong Đảng của Nguyễn Ái Quốc. Phải chăng Nguyễn Ái Quốc có thể tham gia Đại hội (Quốc tế Cộng sản) như một đại biểu chính thức ".
(trích báo cáo của Vaxiliepna)
Với câu đầu tiên trong trích đoạn này, Vasilievna khẳng định một điều mà chúng ta đều đã biết : Hồ Chí Minh là người cộng sản Đông Dương đầu tiên, là người có uy tín quốc tế và là người đã thành lập những tổ chức cộng sản đầu tiên ở Đông Dương. Tuy nhiên, điều này chưa đủ để thoả mãn những người đặt câu hỏi về việc chủ nghĩa cộng sản đối với Nguyễn Ái Quốc là mục đích hay phương tiện.
Trong bản báo cáo, một số chi tiết cho thấy Nguyễn Ái Quốc không hoàn toàn tôn trọng quy định và kỷ luật của QTCS. Chẳng hạn, ông tự nhận mình là đại diện của QTCS trong khi chưa được QTCS uỷ quyền. Điều này cho thấy đối với Hồ Chí Minh, việc thành lập ĐCSVN quan trọng hơn tất cả, và để có thể thực hiện điều đó ông đã nhân danh là đại diện QTCS dù chưa được phép. Và ông cũng không để cho QTCS nắm được hết các hoạt động của mình. Đáng chú ý hơn là nhận định này của Vasilievna : « Trong thời gian hợp nhất Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Ủy ban lâm thời và đã để xảy ra một số sai lầm như hợp nhất một cách máy móc các nhóm cộng sản, không phân định rõ ràng quan hệ với các tầng lớp địa chủ và tư sản ».
Xét theo các nguyên tắc của QTCS, Nguyễn Ái Quốc đã phạm sai lầm. Nhưng trong thực tế, chính là nhờ « sai lầm » trong việc kết hợp với các tầng lớp địa chủ và tư sản mà ĐCSVN mới có thể thu hút được quần chúng và những người yêu nước, cho dù những người đó thuộc tầng lớp địa chủ hay tư sản. Dĩ nhiên, kết hợp với giai cấp địa chủ và tư sản là đi ngược hoàn toàn với tư tưởng của Lê-nin. Điều mà QTCS (đại diện là Vasilievna) cho là « máy móc », thì chính lại là « sáng tạo » của Nguyễn Ái Quốc, nó cho phép hợp nhất các tổ chức cộng sản manh mún lúc đó để tạo ra một đảng có thực lực lớn hơn, có điều kiện để phát triển mạnh hơn. « Những người muốn giải phóng đất nước, cần phải thành lập một đảng mạnh », câu này chính là bài học mà Phan Bội Châu truyền lại cho Nguyễn Tất Thành từ những ngày đầu tiên đi tìm đường giải phóng quê hương.
Một chi tiết cần lưu ý trong tài liệu này là, mặc dầu Nguyễn Ái Quốc là người thống nhất các tổ chức cộng sản để thành lập ĐCSVN, tuy nhiên, ông không giữ chức vụ lãnh đạo trong tổ chức đảng. Nguyễn Ái Quốc không giữ vai trò nào trong cấu trúc quyền lực của ĐCSVN giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 10 năm 1930. Trong danh sách thành viên của Uỷ ban lâm thời không có tên ông, và người được chỉ định giữ chức vụ Tổng bí thư là Trịnh Đình Cửu. Tại sao ? Điều này, trong số các tài liệu mà tôi đã đọc tôi vẫn chưa tìm thấy một lý giải nào thoả đáng, hơn nữa các tài liệu đều không đặt câu hỏi về việc này, trong khi điều đó phản ánh một lô-gic không bình thường đối với người sáng lập đảng. Sau khi đảng đổi tên thành ĐCSĐD, do bị chỉ trích vì các sai lầm, Nguyễn Ái Quốc chỉ còn giữ vai trò là một liên lạc viên bình thường, đảm nhiệm công viêc liên lạc giữa QTCS và các đảng cộng sản tại Đông Nam Á.
Tài liệu về vụ thẩm tra cho thấy rằng Nguyễn Ái Quốc, vào lúc đó, không lệ thuộc vào các nguyên tắc của chủ nghĩa cộng sản kiểu Lê-nin, và đối với ông, đó chỉ là một phương tiện phục vụ cho công cuộc giải phóng dân tộc. Nguyễn Ái Quốc « không phân định rõ ràng quan hệ với các tầng lớp địa chủ và tư sản », bởi vì ông hiểu rằng muốn tạo sức mạnh để giải phóng đất nước cần đoàn kết các giai cấp khác nhau trong xã hội. Đây là điểm khác biệt giữa Nguyễn Ái Quốc và những người cộng sản được đúc khuôn từ lò Liên-Xô, được đào luyện bài bản trong môi trường Xô-Viết và tuân thủ trung thành tư tưởng Sta-lin.
Có thể nhớ lại rằng ở đại hội Tour, 1920, Nguyễn Ái Quốc đã gióng lên tiếng kêu trước đảng Xã hội Pháp: « Camarades, sauvez-nous ! » (Các đồng chí, hãy cứu chúng tôi !). Tuy nhiên, rất nhanh chóng Nguyễn Ái Quốc nhận thấy rằng các đồng chí cánh tả ở Pháp không cứu được Việt Nam thoát khỏi ách thuộc địa, rằng các phong trào chính trị ở Pháp, kể cả đảng cộng sản Pháp, không quan tâm đúng mức đến vấn đề thuộc địa. Và chỉ sau một thời gian rất ngắn tham gia đảng cộng sản Pháp, ông đã rời Paris để sang Nga năm 1923, nơi mà theo ông vấn đề thuộc địa được coi là quan trọng.
Nhưng Nguyễn Ái Quốc cũng chỉ lưu lại Nga chừng 2 năm, cuối 1924 ông rời Nga sang Trung Quốc. Tại sao ? Tại vì ở Nga, dù đó là cái nôi của chủ nghĩa cộng sản thì ông cũng không thể thành lập các tổ chức chính trị của Việt Nam. Thực tế cho thấy, chỉ mấy tháng sau, vào tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội tại Quảng Châu, Trung Quốc, tiền thân của ĐCSVN sẽ ra đời 5 năm sau.
Những gì mà QTCS vào năm 1936 xem là « sai sót » ở Nguyễn Ái Quốc thì có thể không hẳn như vậy. Đối với QTCS là sai sót, nhưng đối với Nguyễn Ái Quốc đó là những gì cần phải làm. Vasilievna nhận định : « Trong bản thân Nguyễn chứa đựng nhiều tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và tàn dư cũ ». Điều này hoàn toàn đúng. Tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và tàn dư cũ là điều mà Nguyễn Ái Quốc lúc đó và Hồ Chí Minh sau này không bao giờ từ bỏ.
Nguyễn Ái Quốc không quan tâm nhiều đến vấn đề lý luận, không giành thời gian cho lý luận về chủ nghĩa cộng sản, về cơ bản ông là người hành động. Đấy là lý do khiến Vasilievna nêu nhận xét này : « Trong mối quan hệ với các sinh viên, Nguyễn luôn cố gắng đóng vai trò là người thầy, người lãnh đạo, nhưng về lý luận tỏ ra yếu kém và thường xuyên để xảy ra sai sót trong quá trình trao đổi. » Sự yếu kém về lý luận của Nguyễn Ái Quốc là sự thật, chứ không phải do ông giả vờ yếu kém. Có nhiều lý do cho sự yếu kém này, trong đó có một lý do căn bản : ông chọn hoạt động thực tiễn và coi lý luận Marx-Lê nin chỉ là một công cụ, một vũ khí, một con đường để thực hiện giải phóng dân tộc. Ít ra là ở thời điểm 1920-1930 là như vậy. Sự phát triển về sau của chủ nghĩa Marx-Lê nin trong tư tưởng Hồ Chí Minh như thế nào, vấn đề này sẽ được đề cập tới một dịp khác. Dù sao, Võ Nguyên Giáp có thuật lại trong cuốn « Đường tới Điện Biên Phủ » lời của Hồ Chí Minh : "Chủ nghĩa Mác - Lênin là cái gì lợi cho cách mạng thì làm !". Câu này của Hồ Chí Minh cho thấy tính chất « phương tiện » của chủ nghĩa Mác-Lê nin trong quan niệm của ông. Tuy nhiên, có vô số dẫn chứng khác cho thấy Hồ Chí Minh tôn chủ nghĩa Marx-Lê nin lên thành kinh thánh, thành kim chỉ nam cho hành động. Vấn đề rất phức tạp và không thể đơn giản hoá trong một câu trả lời mang tính chất một chiều.
Xin dẫn ra đây thêm một ví dụ về phía những người nghĩ rằng chủ nghĩa cộng sản, thậm chí đảng cộng sản, với Hồ Chí Minh, là một phương tiện. Jean Lacouture, trong cuốn sách xuất bản năm 1967 viết về Hồ Chí Minh, khi bình luận về những quyết định của Hồ Chí Minh từ 1941 đến 1951 [thành lập Việt Minh, giải tán ĐCSĐD, thành lập Đảng Lao động Việt Nam – theo Lacouture ĐLĐVN là « thuần tuý Việt Nam » -, thành lập Mặt trận Liên Việt…], đã viết : « Tất cả diễn ra cứ như thể Hồ Chí Minh không xem đảng như là một mục đích, mà như là một phương tiện, như là một công cụ cách mạng. Có lẽ chưa bao giờ mà chủ nghĩa thực dụng của ông lại xuất hiện một cách can đảm như thế, sống động như thế » (Ho Chi Minh, Jean Lacouture, Seuil, 1967, tr.196). Lacouture không phải là không có lý khi nêu nhận xét này. Cái lý đó là : nếu mục đích của Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc, thì không có gì khó hiểu khi đảng cộng sản đối với ông chỉ là phương tiện, là công cụ để giúp ông đạt mục đích đó.
Cũng đừng quên rằng cho đến khi Hồ Chí Minh chết, đảng vẫn mang tên « Đảng Lao động Việt Nam ». Phải chăng, đối với Hồ Chí Minh, tên gì cũng được, không nhất thiết phải là « đảng cộng sản », miễn là nó phục vụ công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ? Ngoài ra, dưới thời kỳ lãnh đạo của Hồ Chí Minh, Hiến pháp Việt Nam không có điều khoản quy định sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng cộng sản Việt Nam, thậm chí cũng không có điều khoản quy định sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam (ĐLĐVN), đảng đang cầm quyền lúc đó. Việc đổi tên đảng thành ĐCSVN, và đưa quyền lãnh đạo của ĐCSVN vào Hiến pháp chỉ xảy ra dưới thời Lê Duẩn toàn quyền.
Điều này có ý nghĩa đối với những người đang ra sức « học tập và làm theo lời Bác », nhất là những người phát động phong trào này. Lãnh đạo Việt Nam chỉ phát động phong trào « học tập tư tưởng Hồ Chí Minh », chứ không phát động phong trào « học tập tư tưởng Lê Duẩn ». Vậy ĐCSVN hiện nay đang học tập Hồ Chí Minh, hay đang học tập Lê Duẩn ? Và lãnh đạo đảng cũng không nên tiếp tục lảng tránh và nguỵ biện về việc Lê Duẩn và đảng đã phản bội di chúc của Hồ Chí Minh. Đã đến lúc phải thực hiện di chúc của ông ấy. Làm sao có thể vừa phản bội Hồ Chí Minh vừa học tập Hồ Chí Minh ?
Chủ nghĩa cộng sản là mục đích hay phương tiện ?
Câu hỏi này, những đảng viên đảng cộng sản ngày nay cần đặt ra cho mình. Vì sao ?
Nếu chủ nghĩa cộng sản chỉ là một phương tiện để đạt tới mục đích giải phóng dân tộc, thì sau khi đạt được mục đích, có thể loại bỏ phương tiện, nhất là khi mà phương tiện đó không còn hữu ích nữa. Càng cần phải vứt bỏ phương tiện đó, khi mà ngày nay nó đang trở thành lực cản, cản trở việc thực hiện các mục đích : độc lập dân tộc, sự hùng cường của quốc gia, tự do và hạnh phúc của nhân dân.
Paris, 21/2/2017
Nguyễn Thị Từ Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét