Gennady Burbulis viết, Michele A. Berdy dịch ra tiếng Anh*
Trong mẩu hồi ký sau đây, Gennady Burbulis, nguyên Quốc vụ khanh của Boris Yeltsin, lý giải rằng cuộc đảo chính lật đổ Gorbachev đã thúc đẩy sự tan rã quá nhanh chóng của Liên Xô, cướp mất cơ hội xây dựng một nền dân chủ đích thực. Sự tan rã này được tác giả ví với hiện tượng tan chảy lõi lò phản ứng hạt nhân (meltdown), khiến cho những tàn dư phóng xạ độc hại của văn hóa toàn trị vẫn còn tồn tại trong các quốc gia thuộc đế quốc Xô viết cũ, đặc biệt ở Nga.
Tuy nhiên, xét về một mặt nào đó câu chuyện này cũng có tính hấp dẫn trào lộng. Trào lộng ở chỗ là vào cuối thế kỷ 20, trên một đất nước được mô tả là siêu cường, bản hiệu triệu của một vị Tổng thống gửi cho quốc dân và thế giới được mổ từng chữ trên một chiếc máy đánh chữ cũ kỹ bằng hai ngón tay của một phụ nữ không thạo đánh máy. Trào lộng ở chỗ, câu tục ngữ "nực cười châu chấu đá xe" của ta được minh họa sống động, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, khi Yeltsin liều lĩnh leo lên chiếc xe tăng của phe địch để đọc lời hiệu triệu trước đông đảo quần chúng. Trào lộng ở chỗ, Quốc vụ khanh Gennady Burbulis, mặc dù không một tấc sắt trong tay, đã lên tiếng răn đe và thuyết phục vị chỉ huy KGB đang điều động những đoàn xe tăng trên đường tiến chiếm trụ sở của Chính phủ và Quốc hội Nga. Ngoài ra, câu chuyện còn trào lộng ở chỗ Đại sứ quán Mỹ hứa cung cấp "ống đồng" cho Yeltsin và chính phủ của ông thoát thân ra nước ngoài.
Thế nhưng, cuối cùng phe đảo chính đã không thực hiện được ý đồ của họ. Yeltsin và các đồng chí của ông giành được thắng lợi trong cuộc đối đầu không cân sức này, chỉ nhờ vào một vũ khí duy nhất là thẩm quyền đạo lý và tính chính danh của một một chính phủ do dân thực sự bầu ra.
Bauxite Việt Nam
Lần đầu tiên, nhân vật được mô tả là cánh tay mặt của Yeltsin kể lại vụ việc bên trong cuộc đảo chính nhằm lật đổ Mikhail Gorbachev, một biến cố đã bức tử chủ trương glasnost – và thay đổi thế giới.
"Đồ hèn hạ!" Boris Yeltsin thốt ra một cách giận dữ. "Đây là một cuộc đảo chính. Chúng ta không thể tha thứ cho bọn chúng".
Đấy là vào sáng ngày 19 tháng Tám năm 1991, khi Tổng thống Nga đang đứng ở cửa dacha của mình tại Arkhangelskoe, một khu gồm những căn nhà ngoại ô nho nhỏ nằm ngoài thủ đô Matxcơva, nơi các viên chức chóp bu của chính phủ Nga cư ngụ. Từ nhà tôi gần đó, tôi vội vàng chạy qua, sau khi một người bạn gọi từ Mátxcơva, với giọng hoảng hốt gần như điên dại, đòi tôi phải mở radio ra nghe. Một cuộc đảo chính vừa mới xảy ra, lãnh tụ Xô-viết Mikhail Gorbachev đã bị hạ bệ.
Năm phút sau, tôi có mặt tại dacha của Yeltsin, một ngôi nhà gạch màu vàng hai tầng khiêm tốn, nơi đây một nhóm nhỏ gồm những người cộng sự thân tín nhất của ông vừa nhanh chóng quy tụ. Ngoài tôi lúc bấy giờ là Quốc vụ khanh của Yeltsin ra, còn có Ivan Silayev, người đứng đầu nội các Nga; Ruslan Khasbulatov, quyền Chủ tịch Xô viết Tối cao; Mikhail Poltoranin, Bộ trưởng Báo chí và Thông tin đại chúng; Sergei Shakhrai, Ủy viên Quốc vụ viện; và Viktor Yaroshenko, Bộ trưởng Quan hệ kinh tế nước ngoài. Anatoly Sobchak, Thị trưởng thành phố Leningrad, và Yuri Luzhkov, Phó Đô trưởng Mátxcơva, cũng đến không lâu sau đó. Mọi người đứng chen chúc trong phòng khách nhỏ bé của Yeltsin.
Qua nhiều tháng chúng tôi đã "bán tín bán nghi" một việc như thế này sẽ xảy ra. Vào mùa Hè 1991, Liên Xô bắt đầu tan rã. Kinh tế suy sụp từ bên trong, nạn thiếu hụt ngân sách ngày càng phình lớn, các trữ lượng vàng và tiền tệ cứng đã bị triệt tiêu, và những biện pháp cải tổ vá víu của Gorbachev chỉ làm cho cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ thêm. Cái ý niệm về một "nhân dân Xô viết", đoàn kết dưới bóng cờ của chủ nghĩa xã hội, đang tan vỡ cùng với ý thức hệ này. Quốc hội của các Cộng hòa liên bang, trước đó vốn đã đòi hỏi nhiều quyền tự do to lớn hơn trong hệ thống Liên bang Xô viết, thì nay lại bắt đầu lên tiếng đòi độc lập. Vào mùa Xuân 1991, năm nước Cộng hòa liên bang – gồm Armenia, Estonia, Georgia, Latvia, và Lithuania – đã chính thức tuyên bố độc lập. Tại Nga, các lực lượng dân chủ mong muốn chấm dứt chế độ toàn trị Xô viết. Mục tiêu của chúng tôi là không để cho Liên Xô tan rã một cách hỗn loạn, phải biến nó thành một Liên bang có khả năng cho phép mỗi nước Cộng hòa được hưởng quyền tự quyết đáng kể dưới sự bảo hộ của nó.
Chúng tôi đã vận động theo chiều hướng này qua nhiều năm trước đó. Yeltsin và các ứng cử viên dân chủ khác được đắc cử vào Quốc hội Nga năm 1990 với tiêu chí giành thêm nhiều quyền tự do và nhiều quyền được pháp luật che chở khác, cũng như đảm bảo một nền kinh tế thị trường. Rồi đến tháng Sáu năm 1991, Yeltsin được bầu làm Tổng thống Nga với gần 60 phần trăm số phiếu. Nhưng mặc dù chúng tôi rất yên tâm với sự ủy nhiệm của dân chúng, chúng tôi lại hoàn toàn bất lực khi đương đầu với mối nguy nghiêm trọng nhất của nước Nga: kinh tế suy sụp. Chúng tôi ước tính rằng hơn 93 phần trăm hoạt động kinh tế đang nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ Xô viết. Yeltsin và những người như chúng tôi trong nhóm thân cận nhất của ông đã nhanh chóng nhận ra rằng, nếu chúng tôi không muốn an phận làm một tổ chức bù nhìn, thì chúng tôi cần phải thay đổi các cơ sở kinh tế và pháp lý trong chính bản thân của Liên bang.
Gorbachev và một nhóm nhỏ các nhà cải cách Xô viết cũng đã chấp nhận điều kiện này. Chúng tôi bắt đầu hợp tác để soạn thảo một thỏa ước Liên bang mới, theo đó Liên Xô sẽ được chuyển đổi thành một Liên bang gồm các bang có chủ quyền (sovereign states) với một chính phủ trung ương bị hạn chế. Yeltsin dự định ký kết bản thoả ước đầy tranh cãi này vào ngày 20 tháng Tám.
Vào lúc chúng tôi chen chúc nhau trong phòng khách của Yeltsin vào sáng 19 tháng Tám, chúng tôi đã tức khắc hiểu ra rằng cuộc đảo chính này là một nỗ lực vào giờ phút chót để ngăn chặn việc ký kết thoả ước ngày hôm sau. Nhưng đó là điều duy nhất mà chúng tôi hiểu được. Người dân Mỹ theo dõi diễn biến của tình hình được CNN truyền hình trực tiếp còn biết rõ những gì đang diễn ra tại Nga hơn cả người Nga chúng tôi; những người điều hợp chương trình tin tức (news anchors) tại Mátxcơva chỉ đọc một tuyên bố chính thức của "Ủy ban Khẩn cấp" gồm những người do nhóm âm mưu đảo chính chỉ định vội vàng. Thông tin đến đượcdacha của Yeltsin có tính cách rời rạc, qua điện thoại của bạn bè và đồng nghiệp từ Mátxcơva và khắp nước Nga. Một người bạn gọi đến nói rằng tất cả các chương trình tin tức trên các đài đã bị hủy bỏ, một người khác lại cho chúng tôi biết xe tăng và xe bọc thép đang tiến về thủ đô. Chúng tôi không biết rõ là Gorbachev – một nhân vật mà quan hệ với Yeltsin vốn bị vẩn đục vì nghi kỵ – đang bị giam giữ ngoài ý muốn của ông hay đang đồng lõa với những kẻ chủ mưu.
Nội cái việc chúng tôi vẫn còn được tự do vào giờ phút này là điều khó lý giải. Các cuộc đảo chính thành công không diễn ra theo từng giai đoạn; một nhóm đảo chính lão luyện hơn chắc chắn đã nhốt hết chúng tôi vào giờ phút xe tăng và quân đội của họ tiến vào thủ đô. Chúng tôi biết rõ chúng tôi đang ở vào thế yếu và sơ hở như thế nào. Đòn bẩy duy nhất mà chúng tôi có được là chức vụ của vị Tổng thống và tính chính danh của chúng tôi trong tư thế một Chính phủ dân cử của nước Nga. Chúng tôi nhanh chóng quyết định thảo một lời hiệu triệu gửi đến dân chúng. Khasbulatov, Poltoranin, và tôi viết lên trên các mảnh giấy vụn trong khi các người khác đọc lớn các câu văn. Có người mang vào một chiếc máy đánh chữ cũ kỹ, và Tatyana, cô con gái 31 tuổi của Yeltsin, dùng một ngón tay mổ ra từng chữ của bài diễn văn. Bà Naina, vợ của Yeltsin, và Lena, một người con gái khác của họ, cũng quanh quẩn trong phòng, thay phiên nhau lo lắng cho Yeltsin và rất phẫn nộ trước tình hình.
Chúng tôi chỉ ngưng công việc đang làm mỗi khi Yeltsin bắt điện thoại nói chuyện với một người nào đó, và khi ấy tất cả chúng tôi lại vểnh tai nghe phần đàm thoại của phía ông. Một trong những cuộc gọi đầu tiên của Yeltsin là với Tướng Pavel Grachev, Tư lệnh dù của Quân đội Xô viết, một người Yeltsin đã gặp một vài tuần trước đó trong cuộc thăm viếng có tính lễ nghi để duyệt đoàn quân của ông ấy. Hai vị tức khắc lập được một quan hệ tốt đẹp. Trên điện thoại, Yeltsin trình bày với vị Tướng lập trường của chúng tôi, rồi ông hỏi: "Liệu tôi có thể dựa vào hậu thuẫn của anh không?" Grachev trả lời: "Thưa đồng chí Tổng thống, việc này sẽ khó cho tôi, nhưng tôi sẽ cố gắng làm bất cứ điều gì trong khả năng của mình".
Yeltsin còn gọi điện cho nhà lãnh đạo Kazắcxtan Nursultan Nazarbayer và Tổng bí thư đảng Ucraina Leonid Kravchuk, lãnh tụ của những nước Cộng hòa liên bang lớn nhất và có thanh thế nhất. Những đối thoại diễn ra ngắn ngủi: "Ông có nghe gì không?". "Chúng tôi có nghe". Nazarbayev nói rằng ông cần phải suy nghĩ lại. Còn Kravchuk thì hứa ủng hộ chúng tôi, nhưng ông phải triệu tập Chủ tịch đoàn, cơ quan lập pháp cao nhất Ucraina, trước khi hành động.
Chúng tôi soạn xong bản hiệu triệu lúc 9 giờ sáng, trong đó chúng tôi gọi những hành động của Ủy ban Khẩn cấp là "một cuộc đảo chính hữu khuynh, phản động, chống lại hiến pháp". Chúng tôi đòi hỏi Gorbachev được phép xuất hiện tại Mátxcơva trong một phiên họp đặc biệt của Quốc hội. Chúng tôi kêu gọi các cấp chính quyền địa phương Nga tuân thủ luật pháp và các sắc lệnh của Tổng thống Nga, đồng thời chúng tôi cũng kêu gọi quân đội không nên tham gia cuộc đảo chính và yêu cầu dân chúng tham gia một cuộc tổng đình công. Chúng tôi viết rằng chúng tôi chắc chắn thế giới sẽ lên án hành động phi pháp này. Sau khi soạn xong văn bản, chúng tôi bắt đầu dùng máy fax gửi ra thế giới bên ngoài.
Gửi lời hiệu triệu xong, chúng tôi bèn rời khỏi khu cư xá để đi đến Nhà Trắng, nơi làm việc của Chính phủ và Quốc hội nước Cộng hòa liên bang Nga; căn nhà ngoại ô của Yeltsin là quá sơ hở và khó phòng thủ. Chúng tôi chạy vào thành phố trên những xe riêng biệt và theo nhiều ngã đường khác nhau. Tôi ngồi cùng xe với Yeltsin và một toán cận vệ chỉ có hai người. Đường vào thành phố không có gì trở ngại; trên đường chúng tôi thậm chí còn đùa giỡn là liệu có nên giao cho Yeltsin một khẩu súng hay không, nhưng rốt cuộc ông đã từ chối, cho rằng "đó là nhiệm vụ của toán cận vệ". Khi chúng tôi đến Nhà Trắng thì vẫn chưa thấy bóng dáng một viên công an hay một chiếc xe tăng nào, nhưng đã có vài nhóm tụ tập gồm các người ủng hộ chúng tôi, các viên chức ngoại giao nước ngoài, và các ký giả đã nghe nói đến lời hiệu triệu của chúng tôi.
Nhà Trắng bây giờ là khởi điểm của cuộc kháng cự chống lại phe đảo chính. Chúng tôi nhanh chóng cử Andrei Kozyrev, Bộ trưởng Ngoại giao Nga mới được chỉ định, đi đến các thủ đô phương Tây cầm theo lá thư riêng của Yeltsin. Ở bên ngoài Nhà Trắng, dân chúng từ các ga xe lửa và phi trường, từ các thị trấn và thành phố xa xôi tụ về và nhập vào dân chúng Mátxcơva dọc theo các bức tường của Nhà Trắng, nơi họ bắt đầu xây các chướng ngại vật. Thoạt đầu các ụ cản này chỉ là những vật thô sơ, được dựng lên bằng cách chất đống bất cứ vật liệu nào kiếm được. Nhưng đến chiều tối những người ủng hộ chúng tôi xây dựng được những công sự kiên cố bằng các toa xe buýt, xe hơi, và các vật liệu xây cất, phong tỏa hết mọi nẻo đường dẫn đến bin-đinh Nhà Trắng.
Vào buổi chiều ngày đầu tiên, khi chúng tôi đang ở trong văn phòng của Yeltsin thảo luận các kế hoạch đối phó, thì một anh trợ tá hớt hải chạy vào cho chúng tôi biết một số binh sĩ vừa ra khỏi xe tăng của họ đậu trước bin-đing để nói chuyện với dân chúng. Yeltsin đứng phắt dậy và nói, "Để tôi đi ra ngoài đó".
Tôi phản đối. "Ông không thể làm như vậy", tôi nói với Yeltsin. "Đó là một hành vi liều lĩnh quá lớn. Chúng ta không biết được phe đảo chính có thể sẽ làm gì. Thật quá nguy hiểm".
Yeltsin không nghe theo lời tôi. Ông bảo một người nào đó lấy giùm ông một bản văn của lời hiệu triệu, rồi bước ra khỏi văn phòng. Tất cả chúng tôi đều chạy ùa theo ông. Ra bên ngoài, trước sự sợ hãi lo lắng của đội cận vệ, ông leo lên một chiếc xe tăng ngay trước Nhà Trắng để đọc lời hiệu triệu. Lúng túng không biết phải làm gì khác hơn, tất cả chúng tôi cũng nhảy lên theo. Lúc bấy giờ đám đông đã lên tới khoảng 30 ngàn người, và họ reo mừng vang dội cả khu vực. Những chiếc máy ảnh nhô lên khỏi đám đông chụp hình lia lịa. Chúng tôi vẫn chưa nắm được phần thắng, nhưng khi hình ảnh Yeltsin đứng trên chiếc xe tăng được đăng tải đều khắp trên trang nhất của báo chí thế giới, thì chí ít chúng tôi đã thắng được mặt trận biểu tượng.
Chỉ trước nửa đêm, khoảng sáu chiếc xe tăng của Quân đội đã chính thức gia nhập hàng ngũ chúng tôi, di chuyển vào đội hình bảo vệ Nhà Trắng. Bên trong, chúng tôi làm việc suốt đêm, theo dõi các đợt chuyển quân trong thành phố và duy trì liên lạc với các lực lượng đồng minh và hậu thuẫn của chúng tôi khắp nước Nga. Yeltsin, luôn luôn chỉnh tề, vẫn mặc vét và mang cà vạt. Các ký giả, các nhân viên trợ tá, và một số đại biểu Quốc hội cũng ngủ gà ngủ gật trên các đi-văng. Quả là một đêm dài và bấp bênh.
Những tuyên bố ban đầu của các nhà lãnh đạo then chốt phương Tây mà chúng tôi tìm kiếm hậu thuẫn là dè dặt và bằng giọng lưỡi ngoại giao; tất cả các vị ấy gần như đã cho rằng cuộc đảo chính là một fait accompli(sự đã rồi). Nhưng hậu thuẫn đến từ ngoài đã gia tăng vào ngày thứ hai nhờ nỗ lực của [Bộ trưởng Ngoại giao] Kozyrev, các nhân viên ngoại giao có mặt tại Mátxcơva, và chính bản thân Yeltsin đã làm việc không mệt mỏi qua điện thoại. Người Mỹ thậm chí còn đề nghị cung cấp cho Yeltsin và chính phủ của ông một con đường thoát thân xuyên qua Đại sứ quán Mỹ, nằm đối diện với Nhà Trắng ở phía bên kia đường. Chúng tôi lấy làm kinh ngạc về kế hoạch này, một kế hoạch chúng tôi không hề nghĩ tới. Chúng tôi cảm ơn họ, nhưng từ chối lời đề nghị.
Đêm thứ hai, tôi ngồi không chợp mắt trong văn phòng của mình. Chúng tôi được nhiều người chỉ điểm (informants) khác nhau cho biết phe đảo chính có kế hoạch dùng vũ lực đánh thốc vào Nhà Trắng lúc 3 giờ sáng, dùng trực thăng vận thả lính xuống mái nhà trong khi bộ binh đánh cắt ngang đám đông – một đám đông đã lên tới 100 ngàn người – trước toà bin-đinh. Xe tăng và xe chở lính đã chiếm lấy các vị trí phòng thủ trong thành phố. Ba thanh niên đã bị giết khi cố gắng chận đứng một đoàn xe tăng ở một vị trí không cách xa Nhà Trắng. Tin tức cho biết có thêm nhiều xe tăng đang trên đường tiến về phía chúng tôi. Trước sự năn nỉ của toán cận vệ, Yeltsin đã miễn cưỡng trú ẩn ở tầng dưới mặt đất (basement) của bin-đinh.
Vào thời điểm dự kiến của cuộc tấn công, tôi nhấc điện thoại lên. Trước hết tôi thử gọi Gennady Yanayev, Phó Chủ tịch nước của Gorbachev và là lãnh tụ dân sự duy nhất của phe đảo chính, tại Điện Cẩm Linh, nhưng không gặp ông ta. Tiếp đến, tôi gọi Vladimir Kryuchkov, lãnh tụ KGB, một người mà tình báo chúng tôi cho biết là đang điều khiển lực lượng thiết giáp. Tôi quyết không để lộ bất cứ dấu hiệu nào về thế yếu của mình, do đó khi ông trả lời điện thoại, tôi bắt đầu một cách mạnh dạn: "Ông không biết là ông không có một cơ may thành công nào cả hay sao?". Tôi nói, rồi đòi ông ta phải ra lệnh rút quân.
Kryuchkov bai bải từ chối hết mọi việc. Chẳng có việc gì xảy ra cả, ông quả quyết; người ta chỉ hù dọa chúng tôi đấy thôi. Rồi ông nổi cơn thịnh nộ. Ông hét vào máy: "Rồi đây, ai sẽ là người đứng ra chi trả việc sửa chữa những đoạn đường bị đào xới để dựng lên các chướng ngại vật?". Ông tuôn ra một tràng chửi rủa thậm tệ nhắm vào những thành phần dân chủ như chúng tôi, lên án chúng tôi đã hậu thuẫn bọn cực đoan và để cho đám đông bên ngoài Nhà Trắng uống rượu say sưa. Thật không ai tin nỗi: Vào nửa đêm, trong khi xe tăng đang tiến về Nhà Trắng và ba thanh niên đã hy sinh, và đây là một người điều khiển hết vụ việc, đang sỉ vả tôi về ý thức hệ và khiển trách tôi "đã mời một bọn xách động" đến Nhà Trắng. Tôi rất kinh ngạc. Tôi nói với ông rằng kẻ nào gửi quân vào thủ đô phải chịu trách nhiệm về cái chết của ba thanh niên kia và một lần nữa tôi đòi hỏi ông ta phải ngưng cuộc tiến quân.
Kryuchkov dịu giọng phần nào và nói rằng ông sẽ kiểm tra lại vụ việc, trong khi vẫn quả quyết rằng thông tin của chúng tôi là hoàn toàn sai lạc. Nhưng các báo cáo về việc chuyển quân vẫn tiếp tục đưa vào, và vào khoảng 5 giờ sáng tôi gọi lại ông ta, đòi hỏi một câu trả lời. Ông nói với tôi rằng ông đã kiểm tra lại tình hình và rằng không có xe bọc thép nào tiến về hướng Nhà Trắng.
Lần này ông ta nói thật. Những xe tăng của phe đảo chính đã ngừng lại – tuy nhiên, chúng ngừng lại không phải vì những kẻ chủ mưu đã biết phải trái, mà vì tuyệt đại đa số các Tư lệnh trong quân đội và KGB đã không chịu thi hành mệnh lệnh của họ. Trong số đó có Grachev, viên Tướng mà Yeltsin đã gọi điện vào hôm 19 tháng Tám; tin tức tình báo mà ông đã cung cấp cho chúng tôi liên quan đến kế hoạch của những kẻ chủ mưu và việc cuối cùng ông đã từ chối thi hành mệnh lệnh của họ là một trong những yếu tố quyết định cho sự thất bại nhiên hậu của cuộc đảo chính và cho sự sống còn của chúng tôi. Tổng thống Yeltsin thật sự đã có thể đặt niềm tin vào Tướng Grachev.
Khoảng 8 giờ sáng xe tăng bắt đầu ra khỏi thành phố. Gorbachev trở về Mátxcơva vào chiều tối hôm đó, nhưng ông đã không trở lại quê nhà – ông đã đến một nước khác. Trung tâm quyền lực bây giờ nằm ở Nhà Trắng với Yeltsin, chứ không nằm ở Điện Cẩm Linh. Mọi cơ may ký kết một hiệp ước Liên bang mới đã tan thành mây khói. Trong vòng vài tuần lễ sau đó, Chính phủ Liên bang và Đảng Cộng sản sụp đổ, các nước Cộng hòa liên bang phân tán thành các quốc gia độc lập.
Sự thất bại của cuộc đảo chính tháng Tám này vừa là mỉa mai vừa là bi thảm. Bằng cách dùng những biện pháp cực đoan mà họ tưởng là cần thiết để duy trì Liên Xô, những người âm mưu đảo chính đã đảm bảo sự hủy diệt của Liên bang này. Nếu không có cuộc đảo chính, thì Liên bang có khả năng tồn tại, mặc dù dưới một dạng thức cuối cùng có thể giống như Liên minh Châu Âu hơn là giống Liên Xô cũ. Nhưng cuộc đối đầu kéo dài 3 ngày tại Mátxcơva đã làm nổ tung khả năng đó.
Một sự chuyển hóa Liên Xô theo từng bước, nếu diễn ra, là có thể quản lý được; sự sụp đổ tức khắc do cuộc đảo chính gây ra là vô cùng tai hại. Cuộc đảo chính là sự cố Chernobyl chính trị của đế quốc toàn trị Xô viết. Giống như hiện tượng tan chảy lõi lò phản ứng hạt nhân, cuộc đảo chính bất thành đã làm nổ tung đất nước, vung vãi những tàn dư phóng xạ của hệ thống Xô viết khắp mọi nơi. Chỉ trong vòng một tháng, giới tinh anh cộng sản trong mọi đẳng cấp đã nắm giữ những địa vị mới trong Chính quyền và Quốc hội của các quốc gia [thuộc Liên Xô cũ]. Họ chiếm giữ nhiều bộ ngành chính phủ và lao vào hoạt động doanh nghiệp. Chính những người này một thời đã chống lại những cải tổ chính trị và kinh tế mà chúng ta vô cùng khao khát, nhưng bây giờ họ lại là những người điều hành các tổ chức, doanh nghiệp, và các bộ ngành chính phủ có nhiệm vụ thực hiện những cải tổ đó.
Không phải chỉ có thành phần nhân sự của chế độ cũ được phân tán vì vụ nổ độc hại này. Phần xác của một đế quốc có thể suy sụp và phần hồn ý thức hệ của nó có thể bị dẹp qua một bên, nhưng tinh thần của nó vẫn còn tồn tại. Tại nước Nga ngày nay tinh thần đó tồn tại trong việc làm sống lại niềm tin cho rằng Stalin là một vĩ nhân, trong việc dùng thủ đoạn để tạo ra một niềm hoài cổ (nostalgia) về quyền lực và sự ổn định giả tạo của thời kỳ Xô viết, trong óc bài ngoại và thiếu khoan dung, trong việc chà đạp dân quyền và nhân quyền, trong nạn tham nhũng hoành hành đều khắp, trong cốt cách và não trạng đế quốc của một số lãnh đạo và nhiều công dân của chúng ta.
Đây là di sản độc hại của 3 ngày căng thẳng ấy trong tháng Tám 20 năm về trước. Bây giờ là lúc ta nên đọc lại câu chuyện lịch sử này. Nó có ý nghĩa không ít, vì những tàn dư phóng xạ của cuộc đảo chính đã thay đổi màu sắc ký ức của dân Nga về chính bản thân của cuộc đảo chính. Âm mưu đảo chính này đã tước đoạt của chúng ta cơ hội tiến hóa dần dần, để có đủ thì giờ học hỏi kinh nghiệm thực tế, để dẹp bỏ những tàn dư của não trạng và hành vi đế quốc. Cuộc đảo chính đã làm tan vỡ niềm hứa hẹn về một nước Nga dân chủ, thậm chí cả trước khi nó ra đời.
G.B. – M.A.B.
*Gennady Burbulis là Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Mátxcơva, từng giữ nhiều chức vụ cao cấp trong Chính phủ Nga đầu tiên, kể cả Quốc vụ khanh. Michele A. Berdy là nhà văn và dịch giả hiện làm việc tại Mátxcơva.
Trần Ngọc Cư dịch theo Foreign Policy, July/August 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét