Tôi mượn tên một truyện ngắn của Nhà văn Nguyễn Thiều Nam đặt cho bài viết này.
Vì mắc việc gia đình (đưa người nhà đi cấp cứu) nên tôi không thể có mặt cả ngày ở khu vực tòa án tối cao hôm xử phúc thẩm Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, chung hơi thở với những người bênh vực, cầu nguyện cho anh. Tôi chỉ có mặt được buổi sáng.
7 giờ tối, xem lại một lượt các trang web, chưa thấy tin tức gì về kết quả phiên tòa. Con gái mời xuống ăn cơm. Quá sốt ruột, tôi gọi cho một người quen và nhận được câu trả lời: họ y án sơ thẩm.
Tôi lặng người buông máy. Lòng đầy cay đắng, cổ họng nghẹn lại. Niềm tin còn một chút le lói bỗng sụp đổ.
Tâm trạng ấy không chỉ vì Cù Huy Hà Vũ mà còn vì lúc ấy, tôi loáng thoáng nghĩ tới rồi đây sẽ không chỉ là vài cái tàu ngư chính hay tàu chiến của hải quân Trung Quốc gây hấn mà là cả một hạm đội Nam Hải rình rập ngoài khơi, ngấp nghé 26 hòn đảo Việt Nam đang chiếm giữ trong kế hoạch thôn tính toàn bộ quần đảo Trường Sa và 80 % Biển Đông của Trung Quốc.
Kết quả của phiên tòa hôm nay chắc sẽ làm cho giới cầm quyền Tung Quốc hài lòng. Chẳng phải vì căm Cù Huy Hà Vũ đã vạch mặt họ, chỉ ra bản chất bá quyền Đại Hán của họ. Vấn đề ở chỗ họ biết rằng việc bỏ tù Cù Huy Hà Vũ sẽ làm cho Việt Nam lâm vào thế lòng dân ly tán, khối đại đoàn kết lỏng lẻo, dễ bề cho âm mưu thôn tính nước ta.
Người xưa từng đúc kết "dân là gốc", "chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân", "gốc có vững cây mới bền". Vì vậy, tạo ra một sự đồng thuận giữa nhà nước và nhân dân quan trọng hơn là tìm kiếm sự đồng thuận với kẻ rắp tâm xâm lược mà TS Cù Huy Hà Vũ gọi là kẻ đại giảo hoạt.
Với kết cục phiên tòa hôm nay, người ta đã bất chấp tiếng nói tâm huyết của hàng nghìn nhân sĩ, trí thức và các tầng lớp nhân dân khác, bất chấp tiếng nói của các tổ chức quốc tế.
Luật sư Trần Đình Triển cho biết, tòa Phúc thẩm không chứng minh được ông Cù Huy Hà Vũ phạm tội chống Nhà nước.
Mặc dù có sự tranh tụng tuy hạn chế, Viện kiểm sát đã không bác bỏ được lý lẽ của các luật sư. Họ đã thực sự lúng túng nhưng cuối cùng thì vẫn tuyên án Cù Huy Hà Vũ 7 năm tù giam và 3 năm quản chế. Điều này có nghĩa, việc tranh tụng chỉ gọi để là có, rút kinh nghiệm từ sự ê chề của phiên tòa trước chứ cuối cùng, họ vẫn dùng quyền để đạt bằng được ý muốn của mình.
Nhưng những người yêu Tự do, Công lý không thất bại. Nhà thơ Bùi Minh Quốc viết:"Dù người ta xử theo kiểu gì, kết án mức nào, thì ngay bây giờ, Cù Huy Hà Vũ đã thắng, lẽ phải đã thắng, trước hết là thắng trên công luận, phiên tòa chỉ càng làm sáng rõ hơn gương mặt của lẽ phải; bạo quyền sẽ càng hiện nguyên hình bạo quyền …"
Sử dụng quyền lực, không cần biết đến đúng sai, đó là việc làm của những người thiếu tự tin và không có chính nghĩa.
Trước khi phiên tòa diễn ra, nhiều người dự đoán tòa phúc thẩm sẽ giảm án. Có người lạc quan hơn cho rằng tòa sẽ tuyên bố Cù Huy Hà Vũ trắng án. Rất ít người tính đến chuyện sẽ y án nhưng điều tồi tệ ấy đã xảy ra.
Trong bài "VIẾT TRƯỚC NGÀY TIẾN SĨ CÙ HUY HÀ VŨ RA TÒA PHÚC THẨM", tôi có câu: "Vâng, đồng bào của Cù Huy Hà Vũ mong muốn anh được tuyên bố vô tội nhưng hy vọng này có vẻ mong manh vì có thể do cay cú, do cố chấp mà người ta sẵn sàng quên đi lợi ích đại cục". Câu này, đài RFA có trích đăng lại.
Tuy vậy, tôi vẫn cứ có hy vọng là Cù Huy Hà Vũ được tuyên bố vô tội. Tôi đã phác trong đầu một bài viết trong trường hợp anh được trả tự do, trong đó đã nhẩm thuộc câu chốt: "Đây là thắng lợi của Cù Huy Hà Vũ cùng những người bênh vực anh và của nhân dân Việt Nam. Đây còn là thắng lợi của nền pháp luật Việt Nam, của Nhà nước Việt Nam đã biết vượt lên chính mình". Đây là chiến thắng của công lý.
Nhà văn Phạm Viết Đào lạc quan: "Tôi tin, Cù Hu Hà Vũ sẽ được thả tại tòa".
Nhiều người cũng hy vọng như vậy. Nhưng chúng ta đã ngây thơ vì tình yêu đất nước và lòng tin vào nhân bản của chúng ta trong sáng.
Việc trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ đồng nghĩa với việc thừa nhận việc bắt giam, truy tố anh và kết quả phiên tòa sơ thẩm là sai. Nhưng khi việc đạp vào mặt Nguyễn Chí Đức và bắt giữ đánh đập người biểu tình hôm 17/7/2011 mà Công an Hà Nội còn chối phắt được thì làm sao chúng ta lại có thể hy vọng vào việc họ thừa nhận Cù Huy Hà Vũ vô tội cơ chứ. Sự ngây thơ của chúng ta là ở chỗ ấy.
Có thể việc khoác vào cổ Cù Huy Hà Vũ một bản án nặng nề là để răn đe. Tuy nhiên tôi nghĩ đấy không phải là cách làm hay và có hiệu quả. Tôi tin sẽ có thêm những Cù Huy Hà Vũ khác. Tôi cũng tin đội ngũ những người đấu tranh vì công lý, vì một nhà nước pháp quyền sẽ ngày càng đông đảo hơn, nhất là qua sự kiện kết án Cù Huy Hà Vũ.
Trở lại truyện ngắn "Gieo mầm" của Nguyễn Thiều Nam.Truyện ngắn này được giảng hồi tôi còn đang học phổ thông. Truyện kể về một người bí thư huyện ủy 27 tuổi bị rơi vào tay kẻ thù. Trớ trêu thay, kẻ định đoạt số phận anh lại là người bạn học cũ. Trong một cuộc nói chuyện, người bạn học bảo các ông gieo mầm như thế nào mà người của các ông ở đâu ra nhiều như vậy. Hình như chúng tôi càng đàn áp, các ông càng đông hơn. Anh bí thư huyện ủy trả lời, không phải là chúng tôi gieo mầm mà chính tội ác của các ông gieo mầm.
Người bạn học bảo vì nể tình bạn học nên tôi dành cho ông một đặc ân là được quyền chọn một trong hai cách chết: hoặc là bị bắn, đó là cái chết nhẹ nhàng nhất, hoặc là bị buộc vào xe kéo rê trên đường để nhận một cái chết đau đớn, dần dần. Người bí thư huyện ủy chọn cái chết thứ hai khiến kẻ kia tưởng mình nghe nhầm phải hỏi lại. Hắn làm đúng theo yêu cầu của anh. Cái chết của anh đã có bao nhiêu người chứng kiến. Anh muốn dùng cái chết của mình để gieo mầm.
Truyện ngắn này tôi được học cách đây đã 40 năm nên câu chữ có thể thiếu chính xác nhưng nội dung thì không quên. Tôi không có ý định so sánh câu chuyện này với việc xử án TS Cù Huy Hà Vũ mà chỉ muốn nhắc lại để bạn đọc ngẫm ngợi.
Nguyễn Tường Thụy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét