BỘ NGOẠI GIAO TA YÊU CẦU PHÍA TRUNG QUỐC TRAO TRẢ SỚM CÁC THUỶ THỦ VIỆT NAM BỊ NẠN TRONG SỰ KIỆN NGÀY 14-3-1988 TẠI QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA
Ngày 1-4-1988, Vụ trưởng Vụ Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Nguyễn Phượng Vũ đã tiếp và trao cho Đại Sứ Trung Quốc tại Việt Nam Lý Thế Thuần "Bản ghi nhớ", nội dung như sau:
1- Đài Bắc Kinh trong buổi phát thanh tiếng Trung Quốc sáng 1-4-1988 cho biết, phía Trung Quốc nói là đã cứu những thuỷ thủ Việt Nam của 3 tàu vận tải Việt Nam bị bắn cháy trong sự việc 14-3-1988 do Trung Quốc gây ra.
Phía Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc cung cấp danh sách và tin tức về những thuỷ thủ nói trên, săn sóc thuốc men nếu có người ốm đau, bị thương và sớm cho họ trở về đoàn tụ gia đình. Đây là vấn đề nhân đạo cần được quan tâm giải quyết. Đề nghị phía Trung Quốc đáp ứng và trả lời sớm.
2- Ngày 16-3-1988, trong cuộc gặp giữa Vụ trưởng Vụ Trung Quốc Bộ Ngoại giao với Đại sứ, phía Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc không ngăn cản Việt Nam tiến hành công việc cứu hộ thuỷ thủ và tàu của Việt Nam. Ngày 17-3-1988, trong cuộc gặp giữa Đại sứ và Thứ trưởng thứ nhất Đinh Nho Liêm, Đại sứ đã chuyển ý kiến chính thức của phía Trung Quốc trả lời đồng ý với ý kiến của Việt Nam. Nhưng trong những ngày vừa qua, tàu chiến Trung Quốc vẫn ngăn cản tàu cứu hộ Việt Nam đến nơi tàu bị cháy ở khu vực Gạc – ma để tiến hành việc cứu hộ tàu và thuỷ thủ. Phía Việt Nam sẽ đưa tàu cứu hộ Đại Lãnh ra khu vực này, sáng 2-4-1988 sẽ tới nơi, Phía Việt Nam nhắc lại yêu cầu phía Trung Quốc cần thực hiện lời hứa về việc không ngăn cản công việc cứu hộ thuỷ thủ và tàu của Việt Nam và không ngăn cản việc tàu vận tải Việt Nam tiếp tế cho quần đảo Trường Sa.
Nhân dịp này đồng chí Nguyễn Phượng Vũ nhắc lại ý kiến trước đây của phía Việt Nam đã mấy lần nêu với phía Trung Quốc sớm để phi công Trần Tôn trở về đoàn tụ với gia đình. Phía Trung Quốc cần trả lời sớm.
———–
Nhịp Cầu Thế Giới Online
Ghi chép của Trung Bảo: VÒNG TRÒN BẤT TỬ
(NCTG) Hơn 23 năm sau, vừa gặp lại, cựu chiến binh Lê Minh Thoa rủ đồng đội Trần Thiện Phụng chơi vật tay và thua mất 300 ngàn đồng.
Lê Minh Thoa và Trần Thiện Phụng là những cựu binh đã chiến đấu trên con tàu HQ604 trong chiến dịch CQ88 tại Trường Sa năm 1988. Họ là 2 trong số 9 người lính sống sót và bị phía Trung Quốc giam giữ cho đến khi trao trả năm 1991.
Giờ đây, mỗi người một cuộc sống, ở khắp mọi nơi của đất nước, 9 người họ đã gặp lại nhau lần đầu tiên sau 23 năm qua chương trình "Vòng tròn bất tử" do Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa tổ chức tại khu du lịch Suối Lương (Đà Nẵng) hôm 3-9.
"Khi tàu bị tấn công, lính và sĩ quan mình trúng đạn ngã la liệt. Tui chỉ kịp xé áo người này quấn cho người kia để cầm máu", cựu binh Dương Văn Dũng kể. "Tui nhớ đang băng vết thương cho anh Trừ (Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ – HQ604) thì nghe 'ầm' rồi tàu chìm."
Không phải từ các cơ quan chính sách, Vũ Xuân Khoa tìm được những thông tin đầu tiên về cha mình từ diễn đànHoangsa.org
Vũ Xuân Khoa, con trai của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, nghe đến đó, mắt rơm rớm.
"Bọn này ôm phao trôi nổi trên biển gần 12 tiếng đồng hồ mới được bọn nó vớt", Lê Minh Thoa thuật lại bằng giọng Bình Định, "vậy mà 3 ngày sau là hết bọn tui bị lột da từ đầu đến chân".
"Lột da sống lại kiếp khác đó" – cựu binh Dương Văn Dũng, hiện sống tại Đà Nẵng đùa. Năm 1987, tân binh Dương Văn Dũng gia nhập Hải Quân và chưa đầy 1 năm sau anh được điều đi Trường Sa tham gia chiến dịch CQ88.
"Cho đến gần đây vợ tui mới tin tui từng chiến đấu ở Trường Sa rồi bị Trung Quốc bỏ tù", cựu binh Trương Văn Hiền kể, "trước nay nó cứ tưởng tui bị đi tù rồi bịa chuyện để nói với con". Đứa con gái thứ hai của anh Hiền, năm nay 6 tuổi, thuộc lòng tên các hòn đảo ở Trường Sa, nơi cha mình từng chiến đấu. "Nó cứ đòi coi cái đĩa quay cảnh chiến đấu ở Trường Sa của tui", anh Hiền nói.
Mỗi người trong bọn họ giờ đây có cuộc sống riêng, có người tìm được cuộc sống thoải mái, có người vẫn còn cơ cực.
Họ giống nhau ở chỗ, tất cả cùng bật khóc khi được xem lại đoạn phim những vòng người ngã xuống dưới làn đạn của Hải Quân Trung Quốc trên những bãi đá Cô-lin, Gạc-ma hay Len-đao…
Hiện nay làm việc cho một công ty liên doanh nước ngoài, Vũ Xuân Khoa không có nhiều ký ức về cha mình, ngoài những lời kể của mẹ. Liệt sĩ Vũ Phi Trừ rời gia đình tham gia chiến dịch khi Khoa chỉ hơn 1 tuổi. Anh Trừ đã không thể thực hiện lời hứa cuối cùng với vợ mình: "Để lần này xong rồi anh xin ra quân về ở nhà chăm sóc mẹ con em."
Giờ đây, chàng trai 24 tuổi vẫn tiếp tục đi tìm kiếm những mẩu chuyện về cuộc đời chiến đấu của cha mình và các đồng đội bởi vì "mỗi lần em hỏi đến cha thì mẹ chỉ nói vài câu rồi lại khóc nên em không dám hỏi nhiều, lo mẹ buồn".
Di ảnh và di thư của Anh hùng Liệt sĩ Trần Văn Phương gửi về cho vợ trước khi hy sinh ở Trường Sa – Ảnh: Ngọc Lan ("VietNamNet")
Trên chuyến tàu HQ604 năm đó, có một thiếu úy không thuộc biên chế của thủy thủ đoàn nhưng đã hy sinh khi chiến đấu. Thiếu úy Trần Văn Phương, năm đó là Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc-ma, đang đi theo tàu để trở lại nhiệm sở thì bị Hải quân Trung Quốc tấn công. Anh đã chiến đấu và hy sinh khi giữ vững lá cờ tổ quốc trên đảo.
Cựu binh Trương Minh Hiền còn nhớ anh Phương đã hô vang: "Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo" trước khi từng loạt đạn đại liên Trung Quốc xé nát thân thể của anh.
Anh Phương đang trên đường trở về sau khi nghỉ phép gần 1 tháng để cưới vợ. Chị Mai Thị Hoa, không kìm được, bật khóc thành tiếng khi trên màn hình chiếu di ảnh của anh Phương. "Hồi tụi tôi đám cưới, anh Phương cũng trẻ như thế", chị Hoa nghẹn ngào.
Khi anh Phương ra đi, tự dưng anh lại căn dặn người vợ mới cưới của mình "nếu nhận thư anh thì không cần hồi âm lại vì anh sẽ sớm về với em". Lá thư cuối cùng chị nhận được từ anh Phương, đến sau tin anh hy sinh 17 ngày. Lúc đó chị Hoa đang mang thai. Con gái anh Phương nay cũng thuộc biên chế Lữ đoàn 146 Hải Quân, đơn vị cũ của cha mình.
"Lúc tôi nhận được lá thư cuối cùng của anh Phương thì tôi đã biết tin anh ấy hy sinh từ 17 ngày trước", chị Mai Thị Hoa nhớ lại. Liệt sĩ Thiếu úy Trần Văn Phương hy sinh khi trên đường trở lại nhiệm sở tại đảo Gạc-ma
Cuộc họp mặt không chỉ có những người đã chiến đấu tại Trường Sa mà còn có cả những người năm xưa đã từng làm việc tại Hoàng Sa. Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Quảng Ngãi cũng lặn lội ra Đà Nẵng từ 4 giờ sáng để đợi tham gia và trao giấy khen cho đại diện Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa.
Chỉ vắng mặt ông Đặng Công Ngữ, Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, ở ngay tại Đà Nẵng, người đã nhận lời tham gia chương trình từ rất sớm và rồi không xuất hiện mà không cần một lời giải thích.
"Hồi bị tụi nó bắt, ở trong tù suốt ngày nó bắt nghe đài tiếng Tàu, đau đầu lắm. Tui lượm được cái thiệp có cái loa nhỏ rồi tuốt dây đồng câu vào loa nó, tối tối hễ nó tắt đài là tụi tui dò đài Việt Nam nghe" – anh Thoa cười khoái trá nhớ lại thời đi tù Trung Quốc.
"Vậy mà nó cũng bắt được, hỏi ai làm, tui anh hùng nhận luôn" – Dương Văn Dũng hào hứng. "Cuối cùng thằng Thoa làm mà tui phải đi biệt giam mấy tuần".
Từ trái sang: các cựu binh Trương Văn Hiền, Lê Minh Thoa và Dương Văn Dũng. "Mỗi lần coi lại đoạn băng đó là ruột tui đứt từng khúc", cựu binh Lê Minh Thoa nghẹn ngào
Trước ngày có phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến thăm trại tù, mỗi tù nhân Việt Nam được phát 15 Nhân dân tệ để mua sắm. Cứ mỗi người đi ra tiệm tạp hóa cạnh trại giam là có 1 lính Trung Quốc "tháp tùng".
Đồ do Trung Quốc sản xuất thì rẻ còn đồ dùng của Mỹ đắt gấp 3-4 lần. Thấy tù binh Việt Nam cứ lựa đồ Mỹ mà mua, lính Trung Quốc hỏi, thì nhận được câu trả lời: "Bọn tao xài đồ Mỹ quen rồi".
Nhắc đến kỷ niệm này, các cựu binh cười váng lên. Lúc đó, họ lại là những người lính trẻ trung trên HQ 604 đang tiến ra khơi để bảo vệ Trường Sa. Dùng chính máu thịt của mình để bảo vệ máu thịt tổ quốc.
Vậy là chương trình đã diễn ra tốt đẹp sau nhiều trở ngại, có lúc chỉ lo các bạn trẻ ở Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa bỏ cuộc. Có thể, vẫn còn những thiếu sót này khác nhưng sự nhiệt tình và tấm lòng của các bạn đối với đất nước mình đã thuyết phục được nhiều người. Được sống và làm việc bên các bạn trong 3 ngày là một may mắn cho tôi.
Chương trình đầu tiên được diễn ra ở Suối Lương là một vinh dự cho Ban giám đốc và các nhân viên vì chúng tôi đã góp được chút sức nhỏ bé cùng các bạn. Có thể sang năm, chương trình sẽ được tổ chức ở một nơi khác, đàng hoàng hơn, đông quan khách hơn và các quan chức cũng sẽ bớt lo sợ để mà tham gia cùng các bạn, nhưng lần tổ chức này là một kỷ niệm không thể quên được với Suối Lương. Vòng tròn đó sẽ mãi mãi bất tử.
Bài và ảnh: Trung Bảo (Giám đốc khu du lịch Suối Lương), từ Ðà Nẵng
—————-
Nhịp Cầu Thế Giới Online
"HÃY ÐỂ MÁU CHÚNG TA NHUỘM ÐỎ BIỂN ÐÔNG!"
(NCTG) "Đã 23 năm nhưng chúng ta không hiểu tại sao đến giờ họ mới được gặp mặt. Chuyện đâu phải đáng để giấu, kẻ thù vẫn hằng ngày nói về ngày đó như là chiến thắng vinh quang của họ, còn làm phim để giáo dục con cháu họ kia mà?"
Loạt đạn đầu tiên từ súng 37 ly bắn thẳng vào những chiến sĩ Hải quân công binh dầm mình trong nước tay không giữ đảo
Trận Hải chiến Trường Sa – Gạc Ma xảy ra ngày 14-3-1988 có chín người sống sót sau cuộc thảm sát giữa một bên tay không giữ đảo và một bên là súng máy phòng không 37 ly cùng pháo 105 ly bắn thẳng vào vòng người tay không giữ đảo. Chín người bị bắt, cùng sống, cùng chiến đấu để thể hiện phẩm chất người lính Hải quân Việt Nam suốt 4 năm trại giam quân thù, nhưng sau ngày được trao trả vào năm 1992, đến nay họ mới lại gặp mặt. Thực ra là chỉ tám vì một người đã mất vì ung thư.
Cảm giác tức ngực như thế nào khi đạn 37 ly cắm xuống nước; Dương Văn Dũng và Phạm Văn Nhân vừa bơi vừa cố giữ thăng bằng hai đầu ván cho Trương Minh Hiền bị thương ở ngực, gãy xương sườn, gãy cánh tay trái nằm giữa, không bị lật xuống nước suốt một ngày như thế; những câu chuyện trong nhà tù đấu tranh giằng co với giặc ngay trong từng câu nói, từng thái độ, cương quyết không hút thuốc lá "không đọc được chữ"… đến giờ họ vẫn nhớ như in, tranh nhau kể và cả, ôm nhau khóc!
Trương Văn Hiền hiện ở TP Buôn Ma Thuộc Đắc Lắc; Dương Văn Dũng hiện ở Hòa Xuân, Cẩm Lệ, Đà Nẵng và Lê Minh Thoa hiện là chủ tiệm phở số 5 Tăng Bạt Hổ TP Quy Nhơn
Nhưng không hiểu sao đến sáng ngày khai mạc chỉ còn lại ba người, năm người đã lặng lẽ bỏ về trong đêm, ngay cả tư trang để trong nhà nghỉ Suối Lương cũng không buồn vào lấy. Không ai biết lý do tại sao họ lại bỏ đi. Qua điện thoại, họ chỉ a lô rồi nghe như tiếng khóc.
Có người đoán, hình như họ không chịu được những cảm giác như sang chấn tâm lý mạnh ngày ấy sống trở lại. Lại có người đoán hình như họ cảm thấy "sợ" vì Ban tổ chức không phải là một cơ quan nhà nước chính thống, và cũng không có ai đại diện đơn vị cũ đến cùng họ. Ngày khai mạc, thành phố Đà Nẵng không có đại biểu và ngay cả Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa cũng xin vắng.
Phút mặc niệm 64 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988
Mặc dù vậy, buổi lễ gặp mặt cuộc hội lần thứ nhất của những cựu chiến sĩ Hải quân và thân nhân các liệt sĩ từng tham gia trận Hải chiến Trường Sa, đã diễn ra thật cảm động và sâu lắng. Sau những nghi thức chào hỏi (đại diện chính thức duy nhất của chính quyền là Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi) là chiếu phim "Hải chiến Trường Sa 1988", trong đó có một đoạn phim tư liệu do Trung Quốc thực hiện mô tả rõ hình ảnh súng 37 ly bắn thẳng vào vòng người tay không giữ đảo ấy.
Có lẽ, cả hội trường, ai cũng đã xem đoạn phim này không dưới chục lần, nhưng đến đoạn những tiếng hô "Tả lơ! Tả lơ!" vang lên và đạn dựng lên những cột nước thì không ai chịu nổi. Đến đoạn thiếu úy Trần Văn Phương, người giữ cờ hô lớn trước khi hy sinh "Thà hy sinh chứ không để mất đảo! Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ tổ quốc" thì chị vợ anh, chị Mai Thị Hoa bật khóc thành tiếng.
Chị Mai Thị Hoa, vợ liệt sĩ thiếu úy Trần Văn Phương bật khóc khi xem đoạn phim kể chuyện chồng mình hô to khẩu hiệu "Thà hy sinh chứ không để mất đảo. Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo"
Câu khẩu hiệu của thiếu úy Trần Văn Phương được Trương Minh Hiền nhớ lại một cách khác, anh bảo lúc đó anh đứng gần chiếc xuồng, cũng là gần chỗ Trần Văn Phương cầm cờ, hình như đó là "Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo!"
Đến lúc giao lưu, khi cựu binh Dương Văn Dũng kể chuyện anh từ mũi tàu, nhảy bổ vào buồng lái thì thấy thuyền trưởng Vũ Phi Trừ người nhuộm đỏ máu nhưng vẫn gượng đứng bảo mọi người nhảy ra khỏi tàu thì con trai anh, chàng trai 25 tuổi Vũ Xuân Khoa bật khóc.
Vũ Xuân Khoa bật khóc khi nghe kể về giây phút cuối của cha mình, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ
Anh nghe mẹ và nhiều người khác nữa nói nhiều về cha nhưng đây là lần đầu tiên anh được nghe kể về hình ảnh cuối cùng của cha mình từ chính người đã nhìn thấy cha anh lần cuối, đã tận tay xé áo băng cho cha anh trước khi tàu chìm hẳn.
Đã 23 năm nhưng chúng ta không hiểu tại sao đến giờ họ mới được gặp mặt. Chuyện đâu phải đáng để giấu, kẻ thù vẫn hằng ngày nói về ngày đó như là chiến thắng vinh quang của họ, còn làm phim để giáo dục con cháu họ kia mà?
Trương Minh Hiền kể anh đứng gần chiếc xuồng này…
và chính anh cũng bật khóc khi xem lại cảnh đồng đội mình bị tàn sát, nhớ lại lúc viên đạn xuyên qua cánh tay làm vỡ nát xương cánh tay và vỡ toác một mảng ngực giờ còn sẹo
Vâng, chúng ta thường phong anh hùng cho những người đã diệt được nhiều quân thù, nhưng trong trường hợp này, cả 9 anh, chỉ riêng việc tồn tại thôi họ đã xứng đáng với danh hiệu anh hùng rồi. Chỉ với sự tồn tại thôi, những người thợ mỏ Chile đã được cả thế giới xem như những anh hùng. Sao vậy? Lẽ ra những người giải cứu mới xứng đáng được vinh danh hơn chứ?
Cuộc sống nhiều khi chỉ cần tồn tại thôi, vượt qua sự thử thách khắc nghiệt nào đó cũng đủ cho người sống chúng ta tôn vinh họ với ý nghĩa đầy đủ nhất của danh hiệu anh hùng. Huống hồ, sự hiện diện, sự có mặt của họ đến hôm nay không chỉ là minh chứng cho sự vô nhân bất tín nhất mà còn là sự sống thay cho 64 đồng đội đã hy sinh mất xác ở lòng biển Trường Sa. Thế nhưng, vì nhiều lý do, các anh như muốn được quên đi, không ai được nhắc tới.
Các bạn trẻ thuộc Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa chụp ảnh với các nhân chứng Gạc Ma 1988
Xin nói thêm về Ban tổ chức cuộc gặp mặt lần thứ nhất này, đó là các bạn rất trẻ, tất cả đều trên dưới 20 tuổi tập hợp tự nguyện tạiTrung tâm Dữ liệu Hoàng Sa sau rất nhiều năm tìm kiếm, liên lạc với 64 gia đình liệt sĩ, với chín người sống sót, đã kêu gọi đóng và tổ chức cho cuộc gặp mặt này nhưng vẫn thiếu trước hụt sau, thậm chí chút phần quà kèm giấy khen mà Sở Văn hóa Thế thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi tặng các bạn cũng bỏ vào chi phí cũng vẫn cứ không đủ.
Trong phát biểu với những cựu binh Trường Sa, các bạn trẻ đã nói rõ rằng thực tế có những chuyện mà vì nhiều lý do nhà nước làm không được, người lớn cũng không làm được thì chúng cháu xin được làm. Mong các chú các bác ủng hộ…
Bài và ảnh: Hồ Trung Tú
Nguồn: Nhịp Cầu Thế Giới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét