Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

Kỳ Duyên : Bản năng tham, chính trường và chuyện cục 42

Nguồn tuanvietnam

Kỳ Duyên (Tuần Vietnam) - Và những tháng năm này, khi Biển Đông tiếp tục dậy sóng, ông, người lính già 85 tuổi đời, với mái tóc bạc trắng pha sương, lại không thể bình yên. Ông lên đường, tới thăm các nghĩa trang liệt sĩ, nơi các đồng đội của ông an nghỉ, thắp cho họ nén nhang, tâm sự với họ. Cũng là để lòng mình được tĩnh tại, và nghĩ về kế sách phòng thủ biển. Với ông, hòa bình là một mong ước thiêng liêng, vì ông và đồng đội đang nằm kia quá thấu hiểu chiến tranh. Nhưng "nếu phải đánh đổi mất đất, mất biển để lấy một cái hòa bình con con của vài người thì hoàn toàn vô nghĩa". Đó cũng là Tuyên ngôn Sống của một vị tướng- một người lính già...

*

Thắng ngoại xâm mà... chưa thắng nổi "nội xâm"?

Tuần này, có một sự kiện trọng đại, lay động tâm thức cả xã hội. Đó là cả dân tộc kỷ niệm Ngày lễ Quốc khánh (2/9/1945- 2/9/2011), ngày mà cách đây 66 năm, một nước Việt Nam độc lập- tự do- hạnh phúc non trẻ mới chào đời.

Nhưng để có được 6 chữ độc lập- tự do- hạnh phúc, khẳng định sự trường tồn và kiêu hãnh của một dân tộc, biết bao máu xương, nước mắt, bao tuổi thanh xuân của hàng triệu con dân Việt đã đổ xuống, suốt cả một chiều dài lịch sử hàng nghìn năm Bắc thuộc, chống Pháp, rồi chống Mỹ.

Để Tuyên ngôn Độc lập bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trên Quảng trường Ba Đình 2/9/1945 mãi mãi là Tuyên ngôn Sống của cả dân tộc.

Để bản giao hưởng hợp xướng "Điều còn mãi", cứ đến ngày 2/9 hằng năm lại cất lên hùng tráng, bi tráng trong Thánh đường Nhà Hát Lớn, về số phận khổ đau của một dân tộc nhưng bất khuất, can trường, khiến con tim bao người rưng rưng, nhỏ lệ...

 
Hòa nhạc Điều còn mãi do báo VietNamNet tổ chức

Và cũng bởi những tháng năm này, đất nước bỗng chưa thể bình yên.

Chủ quyền biển đảo và Tổ quốc đang tiếp tục bị đe dọa. Còn giặc nội xâm- tham nhũng vẫn tiếp tục hoành hành.

Đất nước được bảo vệ, gìn giữ, mà đất đai, khoáng sản lại đang bị xâu xé không thương tiếc.

Trên Bee. net mới đây, ngày 17/8, GS Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường đã phải vạch rõ bản năng tham lam của con người đang được "nối giáo" nhân danh ...cơ chế.

Theo ông, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai cho phép cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước được thu hồi đất của dân- người đang có quyền sử dụng- giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án vì lợi ích của nhà đầu tư, không vì mục tiêu lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Thật lạ. Cơ chế quản lý được xây dựng, chính là để xây dựng một xã hội ổn định, phát triển hài hòa lợi ích tập thể và cá nhân, kiểm soát hành vi sai trái của con người. Vậy nhưng ở đây, lại không phân biệt rạch ròi đâu là dự án quốc kế dân sinh, đâu là dự án kinh doanh của các chủ doanh nghiệp. Vậy thì người dân đứng ở đâu?

Câu hỏi này chưa bao giờ được trả lời minh bạch, bởi ngay cả những quy định mang tính quy phạm pháp luật về đất đai cũng còn khá mâu thuẫn, khiến các nhà luật pháp "khi tựa gối, khi cúi đầu. khi vò chín khúc, khi chau đôi mày". Đó là Hiến pháp 1980, 1992 đến Luật Đất đai 2003 đều quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu.

Trong khi đó, Luật Dân sự năm 2005 lại xác định đất đai thuộc sở hữu Nhà nước (Điều 200). Hai khái niệm này rất khác nhau, vì sở hữu toàn dân là nói đến một chế độ sở hữu, còn sở hữu Nhà nước lại là một hình thức sở hữu cụ thể. Thực hiện theo quy định nào đây?

Rừng, biển là tài nguyên, khoáng sản đất nước. Nhưng con bệnh tham nhũng cũng không tha, cũng "lên rừng, xuống biển", "trèo đèo, lội suối" cùng ăn, cùng đào, đào mãi... Đến nỗi sự nhận diện chân tướng này, lại do chính các chuyên gia quốc tế như ông Matthieu Salomon, cố vấn cao cấp của Minh bạch quốc tế (TI) phân tích trước thềm Đối thoại chống tham nhũng lần thứ 9 (tổ chức ngày 25/5):

"Tham nhũng trong ngành khai khoáng khiến lợi nhuận không thuộc về ngân sách Chính phủ và người dân, nếu năng lực quản lý của Chính phủ yếu".

Không phải nhân dân, mà chính là các ngành chức năng cho biết, để được giấy phép thăm dò, có đơn vị khai khoáng phải có đủ 26 con dấu và mỗi khi đi xin, họ phải đối diện với nguy cơ tham nhũng (ông Trịnh Xuân Bền, Phó Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ TN- MT).

Còn Cục chống tham nhũng- Thanh tra CP chỉ ra 6 nguy cơ tham nhũng. Đó là việc chia nhỏ để cấp phép, tiếp cận thông tin khó khăn, thời gian xử lý hồ sơ dài, chi phí không chính thức cho việc xử lý hồ sơ cao, khó khăn trong cấp phép và giám sát quá trình khai thác. Mà vấn đề "đầu tiên" tức tiền đâu lại quan trọng nhất: Trung bình các doanh nghiệp phải chi một khoản phí là 178 triệu đồng, tối đa là 5 tỷ đồng. Và có tới 91% cơ sở phải trả phí (?)

Nhưng cái tiền đâu đó cũng đâu phải tiền riêng các doanh nghiệp. Nó là mồ hôi nước mắt nhân dân.

Đương nhiên, chống tham nhũng là công việc Nhà nước cũng rất nhức nhối. Vì thế, một trong những giải pháp hữu hiệu nhất, mà các quốc gia tiên tiến ưu tiên số 1, là các quan chức phải công khai tài sản. Việt Nam cũng chủ trương như thế.

Trả lời báo chí mới đây về Nghị định 68 sửa đổi, bổ sung quy định về minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, Phó Tổng thanh tra CP Trần Đức Lượng lạc quan cho rằng: 

"Có tài khoản ở nước ngoài, khôn ngoan nhất là kê khai'

Nhưng đọc kỹ những câu trả lời của ông, nhân dân lại mỉm cười...bi quan. Vì có những quy định vô tình là "bảo hiểm" cho việc kê khai thiếu trung thực. Ví như theo Luật Phòng chống tham nhũng, nhân dân không được tiếp cận bản công khai, kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Ví như Nghị định 68 không hề tính tới việc kiểm soát người có chức vụ, quyền hạn chia nhỏ tài sản, để người thân đứng tên trong kê khai. Trong thực tế, đây là cách "giảm tải" tài sản khôn ngoan nhất.

Nhưng xin nhớ cho, khi tham nhũng trở thành quốc nạn, một hệ lụy cay đắng khác tất yếu sẽ xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ tới an sinh xã hội. Đó là sự bất tín, sự dám dẫm đạp lên mọi giá trị tử tế của con người. Khi những tấm gương xám xịt của người lớn chúng ta treo lên giữa cuộc đời, rất nhanh chóng, nó được các thế hệ hậu sinh soi tỏ, bắt chước và "Sẵn sàng thỏa hiệp với tham nhũng" (Đại Đoàn Kết, 17/8).

66 năm trước đây, cả dân tộc Việt Nam ngẩng đầu cao, chiến thắng vẻ vang giăc ngoại xâm. Vậy mà 66 năm sau, cả dân tộc lại phải day dứt, dằn vặt vì không thắng nổi giặc nội xâm?

Chính trường và dũng khí

Có một con người, mục Phát ngôn và Hành động tuần này xin được chọn để nói về phẩm cách người nước Việt.

Diện mạo ông, cuộc đời và nhân cách ông đẹp như cái tên cha mẹ đã đặt cho. Ông chính là Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, đại biểu QH các khóa IX, X, XI, người có phát ngôn ấn tượng trên Tuần Việt Nam mới đây "Dũng khí trên nghị trường khó hơn nhiều dũng khí trên chiến trường".

 
  Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

Sinh ra ở Nghệ An, mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi mà người ta bảo "sông ngắn, núi dài và những dòng sông cứ ồng ộc đổ thẳng tuột ra biển". Chả trách tính cách ông cũng vậy, yêu ghét, xấu tốt cứ là minh bạch. Tựa như đã chính nhân là phải thế!

Cái sự minh bạch đó khi ông cầm súng bảo vệ bờ cõi đất đai cha ông, bảo vệ nhân dân, lại có phần đơn giản hơn nhiều khi ông trở thành đại biểu QH.

Trên chiến trường, trước mặt chỉ có kẻ thù, sau lưng là cả dân tộc. Người lính Nguyễn Quốc Thước không có quyền lợi gì ngoài ý thức chiến đấu vì độc lập chủ quyền dân tộc. Lợi ích dân tộc là trên hết.

Còn trên nghị trường, xung quanh đều là đồng sự- có dấn thân vào nghị trường, quan sát, trải nghiệm thực tế, đại biểu QH Nguyễn Quốc Thước mới vỡ ra một điều "Cuộc đấu ở nghị trường là cuộc đấu 'tế nhị', khó hơn nhiều..."

Đọc tâm trạng ông, bỗng bị ám ảnh bởi bài viết "Nhóm lợi ích và tân Bộ trưởng" (VnEconomy, 15/8), với câu chuyện kể của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc (lúc đó) tại nghị trường QH tháng 11/2010.

Câu chuyện khiến cả nghị trường nín thở, khi ông Võ Hồng Phúc kể, ông và ông Lê Huy Ngọ (khi đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã bị biến thành... "đười ươi giữ ống" ra sao!

Bởi trong quá trình xây dựng Luật Doanh nghiệp Nhà nước 2003, số đại biểu QH là doanh nghiệp Nhà nước rất nhiều, đã hướng được cả một dự án luật theo cách có lợi cho họ. Với luật này, gần như khối doanh nghiệp Nhà nước miễn dịch mọi sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.

Ôi chao, đến các Bộ trưởng cũng có lúc phải... giữ ống, thì đủ hiểu sự lựa chọn lợi ích quốc gia, hay lợi ích nhóm đòi hỏi cái tâm, cái tầm của đại biểu phải sáng suốt thế nào trong những tranh luận, chất vấn.

Cũng vì thế mà với vị tướng già, từ chiến trường nóng bỏng bước vào nghị trường mát rượi máy lạnh, sự suy nghĩ về một mặt trận mới lạ lẫm, đa chiều, cần cái đầu tỉnh táo lẫn khôn ngoan kiểu khác,đã khiến ông trầm ngâm rất nhiều khi trả lời trước nhà báo.

Hình như ông cũng nhận diện ra những điều mà trước đây ở chiến trường, phải giáp mặt với cái chết, chưa bao giờ ông nhọc lòng đến vậy.

Như vấn đề tài nguyên- môi trường và di lụy của nó. Như xuất khẩu than rồi lại nhập khẩu than. Như chuyện ta có 3000 km bờ biển mà phải đi nhập khẩu muối... Như chuyện chất vấn trong QH, nhiều bộ trưởng trả lời, hứa hẹn... Ngày mai mọi việc lại đâu vào đó, còn lời nói gió bay. Rồi nhiều đại biểu không những hứa suông mà còn nói một đường làm một nẻo. Nói vậy, không phải vậy!

Thế nhưng dường như chất lính trong ông giữa nghị trường, chưa bao giờ nguội lạnh.

Và những tháng năm này, khi Biển Đông tiếp tục dậy sóng, ông, người lính già 85 tuổi đời, với mái tóc bạc trắng pha sương, lại không thể bình yên. Ông lên đường, tới thăm các nghĩa trang liệt sĩ, nơi các đồng đội của ông an nghỉ, thắp cho họ nén nhang, tâm sự với họ. Cũng là để lòng mình được tĩnh tại, và nghĩ về kế sách phòng thủ biển.

Với ông, hòa bình là một mong ước thiêng liêng, vì ông và đồng đội đang nằm kia quá thấu hiểu chiến tranh. Nhưng "nếu phải đánh đổi mất đất, mất biển để lấy một cái hòa bình con con của vài người thì hoàn toàn vô nghĩa".

Đó cũng là Tuyên ngôn Sống của một vị tướng- một người lính già.

Cục 42 hay cục 35?

Cứ ngỡ sau 2 chương của Mùa kiện trong bài "Phát ngôn và hành động: Minh bạch chủ quyền và con tim lập lờ" (TuầnViệtNam, 22/7) là kết thúc, không ngờ, tuần này, mục PN và HĐ phải kể tiếp chương III.

Tác giả của chương này, tiếp tục là các văn nghệ sĩ không phân biệt già trẻ nam phụ lão ấu. Họ nổi giận, và rủ nhau ký tên vào đơn kiến nghị tập thể gửi lên Chủ tịch nước, Thủ tướng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ trưởng Bộ VH- TT- DL về việc "một cục" 42 tỉ đồng ở Cục Điện ảnh bị thất thoát.

Nhân vật chính của vụ thất thoát này khiến cả giới văn nghệ sĩ sửng sốt là Phạm Thanh Hải (sinh năm 1977, kế toán của Cục Điện ảnh), đã biệt tăm chim cá.

Cũng chả phải chỉ giới văn nghệ sĩ, tâm hồn vốn mong manh, hay mơ mộng hão huyền nên dễ tổn thương và phẫn nộ. Đến nhân dân lao động quen chịu đựng, tâm hồn thuộc loại chai sạn cũng còn phẫn nộ nữa là.

Vì cái cục 42 tỷ đồng ấy nó khổng lồ quá. Mà không hiểu tại sao lại chui qua dễ dàng các văn bản mang tính nguyên tắc, chui qua được cả chữ ký của các quan chức có thẩm quyền của Cục Điện ảnh để cất cánh bay xa, ở đây là Cục trưởng Lại Văn Sinh, chủ tài khoản.

 
Cục trưởng điện ảnh Lại Văn Sinh

Điều rất lạ, trước phản ứng của dư luận xã hội, Cục Điện ảnh chỉ im lặng. Một sự im lặng không còn là đáng sợ nữa, mà là đáng bất bình. Bất bình vì trong lúc đời sống người nghệ sĩ, rất nhiều người còn gieo neo, vì không ít bộ phim, để có được nguồn đầu tư tài chính, người làm điện ảnh phải bơ phờ giật gấu vá vai.

Không những thế, ông Lại Văn Sinh vẫn được tín nhiệm giao làm Phó Ban chỉ đạo và Trưởng ban Tổ chức Liên hoan phim Quốc gia vào tháng 12. Bị phản ứng dữ dội quá, mới đây, được biết, ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VH- TT- DL sẽ đảm nhiệm vị trí này. Nhưng câu chuyện cục 42 chắc chắn sẽ là cảm hứng sáng tác chua xót cho không ít các nhà biên kịch, đạo diễn điện ảnh Việt Nam nay mai.

Có lẽ ý thức được sự phẫn nộ của giới văn nghệ sĩ, cùng dư luận xã hội, tại buổi họp báo mới đây, ông Cục phó Cục Điện ảnh tuyên bố Cục đã bị lừa. Và cái cục 42 ấy, thực chất là... cục 35.

Nhưng câu chuyện cục 42 hay cục 35 không có ý nghĩa là tiền bớt đi được 7 tỷ, mà vấn đề ở đây là sự quản lý hớ hênh, buông lỏng đến mức vô lý không hiểu nổi. Vô tình Cục Điện ảnh đào tạo kế toán Phạm Thanh Hải, từ năm 2009 đến nay, trở thành một kịch sĩ đại tài. Khác chăng, kịch sĩ này đang được các cơ quan chức năng "tung hô" là một kẻ tội đồ đặc biệt nguy hiểm, bị truy nã toàn quốc.

Hay là có gì bí mật rất khó nói ở đây, vì hiện nay, khi chưa bắt được Phạm Thanh Hải, thì có bao nhiêu tội vạ, Hải phải gánh tất. Cục Điện ảnh có mỗi tội là ngây thơ, mà văn nghệ sĩ đã âu yếm gọi là... "cục bị lừa".

Mùa kiện năm nay, còn tiếp tục những câu chuyện xung quanh các loại giải thưởng danh giá, mà thái độ ứng xử của các văn nghệ sĩ lớn trong các lĩnh vực âm nhạc, văn chương như Phạm Tuyên, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khoa Điềm, Sơn Tùng, cố nhà văn Sơn Nam, khiến cho xã hội một lần nữa rất ngán cái tư duy xơ cứng, lạc hậu, trì trệ của cơ chế xin- cho của ngành văn hóa.

Mới đây, lại có thêm nghệ sĩ Minh Tâm (lĩnh vực tuồng) có đơn khiếu nại lần thứ 4 về việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Hơn 20 năm đã qua, biết bao vật đổi sao dời, mà việc vinh danh tài năng người nghệ sĩ vẫn chỉ dựa vào một văn bản chỉ đạo từ năm 1990. Và các tiêu chuẩn vinh danh được quy đổi, như cách quy đổi ra thóc gạo, của hợp tác xã cho các xã viên... nghệ sĩ.

Không phải là khủng hoảng kinh tế với 2 con số % là đáng sợ nhất, mà chính là sự khủng hoảng văn hóa, khủng hoảng về con người. Nó mới là di lụy lâu dài cho sự phát triển và hội nhập văn minh của cả dân tộc.

Ai phải chịu trách nhiệm về sự khủng hoảng này?

Không ai cả. Câu trả lời quen thuộc mà vô hình: Cơ chế!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét