Khi anh lên đứng đầu đất nước thì tôi mới nhớ ra anh đã từng đứng đầu Quốc Hội. Lỗi nầy do tôi vì tôi rất ít để ý đến vị trí ấy trong hệ thống nhà nước mà cái gì đảng mình cũng quyết. Ở vị trí chủ tịch Quốc Hội dường như tôi chỉ nhớ đến hai người, đó là bác Trường Chinh và anh Nông. Bác Trường Chinh quá lớn nên không ai không biết. Còn anh Nông hồi phụ trách QH thì tôi có một kỷ niệm vui (thôi để kể sau) nên vẫn nhớ.
Trở lại chuyện anh Cử. Bây giờ thì cả nước đang quan tâm đến anh, nhất là thời gian anh hành phương Bắc. Mọi người dõi theo từng bước chân anh đi, từng lời anh nói, từng cử chỉ của anh và cả đến cái cách bắt tay của anh với xếp lớn bên ấy.
Rồi mọi người hồi hộp trông chờ anh trở về và bây giờ ai cũng thở phào nhẹ nhỏm, anh đã về an toàn. Đi sứ sang cái xứ ấy là hiểm nghèo lắm chứ đâu phải chuyện chơi. Sứ thần Giang Văn Minh đã từng bị chúng xé xác đấy. Quang Trung được Càn Long trọng vọng là thế nhưng khi được mời qua, ngài có dám đi đâu vì ngài vừa mới tẩn cho thằng con hoang của y một trận tan tác giáp hoàn nên phải dùng các ca đơ đấy thôi.
An toàn trở về, anh mang theo một món quà là bản tuyên bố chung dài đến hai trang báo mà báo nào cũng bấm bụng đăng nguyên văn không sót một từ. Có anh đài báo nào đó ở Hà Nội tí tỡn lập công đăng trước lại bày trò biên tập cho gọn, cho hay chắc là đang bị gõ cho u đầu.
Bình về bản tuyên bố dài dòng đó, dân mạng (mà chỉ dân mạng có nhiều mạng hoặc liều mạng mới dám bình chứ ai nào dám) cho rằng chỉ nổi lên hai điểm, một điểm rất rõ ràng và điểm kia rất không rõ ràng.
Điểm rõ ràng là sự gắn chặt như keo giữa hai đảng anh em, giữa hai dân tộc anh em được nâng thêm nhiều bước. "Gắn cứng vào em sâu hơn nữa đi anh !"
Điểm không rõ ràng mà dân mạng nói là cái vụ Biển Đông. "Trước khi giải quyết dứt điểm tranh chấp trên biển, hai bên cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước, xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng, hai nước và hòa bình, ổn định ở Biển Đông". Dân mạng bảo, nói nghe sướng tai lắm nhưng chẳng rõ ràng gì hết vì cái vụ tranh chấp ấy là tranh chấp bên trong đường lưỡi bò hay bên ngoài đường lưỡi bò. "Bên trong là của anh rồi đấy nhé, anh em mình chỉ có một chút vướng mắc ở mé rìa rìa bên ngoài thui. Chỗ ấy còn tranh chấp, đừng cho thằng Chà Và vào khoan bậy nhé! Hắn đang trở thành thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước và hòa bình, ổn định ở Nam Hải đấy, là tình địch của anh đấy, nó khoan em là làm đau anh đấy. Muốn khoan thì để anh khoan cho, sướng lắm!"
Một thằng dân mạng than lên bên tai tôi, rõ ràng cũng bầm dập mà không rõ ràng cũng bầm dập. Số phận nàng Kiều là vậy, phen này lại bầm dập, tơi tả sướng với ông anh to xác mà xấu bụng rồi.
Ấy là dân mạng nhận định như vậy. Còn với tôi thì ngay cái điểm rõ ràng là gắn cứng vào nhau cũng chẳng rõ ràng gì. Vì tôi vốn lạc quan. Tôi tin các anh đã tính hết rồi. Khi anh Cử đi Tàu thì anh Tư đi Ấn. Các anh chơi ngon theo kiểu chính sách cây gậy và củ cà rốt. Cây gậy là anh Ấn Độ đó, củ cà rốt là trinh tiết của Kiều. "Anh em ta cùng lý tưởng mà, lúc nào em chả thủ tiết chờ anh, lúc nào lại không ham muốn gắn cứng vào anh vì cái lý tưởng đó, anh hãy dắt tay em cùng đi lên sung sướng nhé! Nhưng anh cũng nương nương cho, chứ anh làm mạnh quá là em để anh ấy vác gậy nhảy vào đấy. Cây gậy ấy ngó vậy chớ to lắm đó vì đằng sau ảnh là Mỹ là Nhật, là Úc chớ không phải đùa."
Tôi nhớ lại Quang Trung, thời ấy cho các ca đơ qua vâng vâng dạ dạ nhưng ở nhà thì nói rằng: " Chờ tao mười năm nữa thì tao há sợ mầy". Tôi nghĩ anh Cử cũng đang có những động thái như vậy. Tay bắt, miệng cười bên ngoài chứ trong lòng chẳng tính chuyện keo sơn gì với ông anh Tàu đâu mà lo. Chờ đó vài năm nữa khi tàu kilo về, tên lửa, máy bay hiện đại ầm ầm xuất hiện, rồi Ấn xuất Đông, rồi Nhật du Nam, rồi Úc hướng Tây và Mỹ come back again thì ông sẽ tính.
Hì hì, tôi lạc quan nên mơ vậy. Chứ thật ra chơi trò hai mặt ấy thì VN chưa đáng hàng đồ tôn của sư thầy TQ.
Cho nên có khi, bình luận và lo lắng của dân mạng là đúng.
Thôi bỏ đi chuyện đau đầu ấy để tôi trở lại kỷ niệm vui của tôi với anh Nông trước đây mà tôi chợt nhớ lại vừa rồi.
Hồi đó tôi tập tễnh ra viết bài về Quốc Hội. Lúc ấy bản hiến pháp 1992 cũng còn mới rợi. Tôi phỏng vấn anh rằng các nước trên thế giới thường dựa trên nền tảng đạo lý: hoặc là Tuyên ngôn nhân quyền, dân quyền hoặc là triết lý tôn giáo truyền thống hoặc là cả hai để xây dựng hiến pháp, thế Việt Nam dựa trên nền tảng đạo lý nào của dân tộc để xây dựng nên hiến pháp 1992. Hẳn là mọi người cũng biết là anh Nông trả lời rất tròn trỉnh mà không cần nói ra nhưng ai cũng biết: Đó là chủ nghĩa Mác Lê Nin!
Không còn gì để hỏi, tự dưng lúc đó tôi vụt nhớ ra một chuyện thế là buột miệng hỏi: Thưa chủ tịch, dư luận trong nước cũng như báo chí nước ngoài nhận xét rằng chủ tịch có những nét rất giống bác Hồ. Chủ tịch bình luận gì về nhận xét nầy? Lúc đó có anh Tâm Chánh báo Tuổi Trẻ vừa bước đến đứng bên cạnh. Anh Nông trở nên rạng rỡ, nở một nụ cười rất tươi và nói: "Cái nầy thôi đừng ghi âm nhé". Tôi vâng lời tắt máy ghi âm. Anh nói một câu dường như đã chuẩn bị sẳn : "Trên đất nước chúng ta, ai không là con cháu bác Hồ". Tôi hơi ngớ ra vì đâu có hỏi như vậy.
Sau nầy tôi nghe anh Nguyễn Công Khế, tổng biên tập báo Thanh Niên là xếp của tôi kể lại, ngay tối hôm đó anh Lê Văn Nuôi, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ nhận được một cú điện thoại nói rằng có phóng viên của Tuổi Trẻ hỏi về mối quan hệ giữa chủ tịch Nông và Bác Hồ, chớ mà đăng cái đó lên đấy nhé. Hồi đó báo Thanh Niên còn hơi yêu yếu nên anh Nông hiểu lầm tôi là PV của Tuổi Trẻ.
Tâm Chánh bị Lê Văn Nuôi điện ra phàn nàn, y đính chính không kịp. Và từ đó, y bực tôi lắm nên đến bây giờ vẫn luôn nhìn tôi bằng đôi mắt mang hình... lưỡi bò. Nhưng y đã mất chức rồi nên tôi chả sợ.
Mới nhận được giấy thông báo nghĩ hưu nên đâm ra thờ thẫn, viết lung tung không đâu vào đâu, bạn bè vào đọc có gì xin bỏ qua.
Và có khi đây cũng là những tâm sự ở những giây phút cuối cùng vì khi nghỉ hưu thì tôi cũng dự định nghỉ luôn blog.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét