Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

THỤ PHẤN: MỘT MẢNG LỊCH SỬ VIỆT NAM TRONG VŨ ĐIỆU BAL (Vết Lăn Trầm)

Nguồn diendantheky

SUNDAY, OCTOBER 16, 2011

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

   Vũ công Sarah Hicks trong Vết Lăn Trầm
những kết hợp dị khởi

Có một người bày cho Mẹ tôi nấu canh chua với đọt lang. Trước giờ, Mẹ đã từng nấu canh chua lá me (hồi còn ở Việt Nam), canh chua rau muống, canh chua rau nhúc, canh chua đọt cà, canh chua lá quế màu (cũng ở Việt Nam). Bây giờ, có canh chua đọt lang. Không biết có bao nhiêu người từng nấu canh chua đọt lang. Có thể không nhiều.

Thời gian vợ chồng tôi lập tổ ấm ở Upper East Side, chúng tôi không có đủ vật liệu khi nấu những món ăn Việt Nam, vì không có chợ Á Châu gần nhà. Đi Phố Tàu thì cũng mất công và mất giờ, mà không phải khi cần quả ớt hay ít rau thơm lại cất công đi một chuyến đến vài giờ đồng hồ. Nên chúng tôi phải thay thế bằng những món tương đồng. Ớt hiểm được thay bằng jalapeno. Không có giá sống thì thay bằng bắp cải trắng bào mỏng. Thay thế lâu ngày, rồi… quen tay, khi nấu các món không Việt như spaghetti, tôi cũng theo bản năng da vàng, nên thay các gia vị gốc. Hôm ăn spaghetti có nêm nước mắm, chồng tôi đắc ý, hỏi bí quyết, tôi chỉ cười tủm tỉm: em nêm bằng tình yêu. Bí mật nhà nghề, dại gì mà khai!

Trong chuyến đi Á Căn Đình năm 2009, tôi cũng để ý thấy chỉ có một vài nhà hàng Việt Nam tại nước này, và tập trung ở khu thượng lưu trong các thành phố lớn, nhắm vào du khách. Green Bamboo, nhà hàng Việt đầu tiên tại Buenos Aires. Hay nhà hàng Vietnam, nằm ở phố Gurruchaga, trong cùng thành phố. Tôi nghĩ, ở những nơi xa xôi đó, có lẽ thức ăn tươi của bếp Việt không những chỉ hiếm hoi, mà còn đắt đỏ. Tuy khí hậu ở Á Căn Đình có lẽ rất thuận tiện cho việc trồng trọt những rau củ nhiệt đới, số lượng người Việt ít ỏi tại đây không tạo nên cái vòng xoay cung-cầu viên mãn để một nền kinh tế ẩm thực Việt được định hình.

ba rọi

Nhiều năm trước, trong các bài viết về đề tài dành cho người trẻ cho tờ Việt Mercury, tôi có ví von những thế hệ như tôi, vừa Việt vừa Mỹ, là ba rọi. Ba rọi, tuy có người không thích thì chê bai là không ra thịt không ra mỡ, nhưng vẫn có chỗ đứng của nó. Và ba rọi cũng hiện diện trong nhiều món ăn khoái khẩu: thịt kho tàu, ba rọi luộc ăn mắm tôm chua, gỏi tôm thịt, vân vân. Thời nay, ba rọi là một thực tế của giới trẻ: họ vừa Mỹ vừa Việt, vừa về nguồn vừa hội nhập.

Có nhiều trẻ con gốc Việt sinh tại Mỹ đã kết hợp ẩm thực và văn hóa ngôn ngữ một cách ngẫu nhiên. Ăn chả giò chấm… ketchup. Nói tiếng Việt… dịch ra từ tiếng Anh. Đi học trường Việt ngữ, sử dụng mô phạm Hoa Kỳ. Trong thiệp mừng một người bạn cùng thế hệ tốt nghiệp tiến sĩ, tôi gọi bạn là 'đang hai hì,' đi hai hàng. Chúng tôi phải luân chuyển luôn luôn giữa hai dòng văn hóa, hai mạch ngôn ngữ, hai cấu trúc xã hội.

So với các cộng đồng gốc Á khác tại Mỹ, như người Hoa hay người Nhật, thì người Việt có một lịch sử trẻ hơn nhiều. Do đó, những giao thoa văn hóa của những cộng đồng đó có lẽ đến sớm hơn nhiều so với người Việt. Kỹ thuật sân khấu Kabuki đã được kết hợp vào các vở Shakespeare từ nhiều thập niên nay. Trống Taiko đã trở thành một bộ môn nghệ thuật trình diễn rất 'hyphen' vì chỉ có ở Mỹ, Taiko mới đi vào những biến tấu mới. Tôi cho rằng đỉnh cao và vùng sáng tạo mới này, không chỉ đối với Taiko, là hiệu ứng của một môi trường đa văn hóa của Mỹ. Các tay trống Taiko cũng lặn lội từ Nhật sang Mỹ để thọ giáo.

Do vậy, đối với tôi, sự kết hợp giữa ballet và âm nhạc Việt Nam không phải là một điều quá lạ. Điểm quyết định ở đây là cách kết hợp. Làm thế nào để chọn giữa muôn trùng giai tầng vũ điệu và lớp lớp di sản để chọn hai vùng nối kết? Làm sao để – như một bài haiku – nói ít mà diễn đạt được nhiều? Làm thế nào để hai thế giới, hai thể hình đến với nhau, hài hòa mà không lẫn lộn, uyển chuyển mà không lửng lơ?

thụ phấn

Ca sĩ Khánh Ly
Cuối tuần đầu tiên của tháng 10, 2011, Quận Cam hân hoan đón đợi và thưởng thức một chương trình đặc biệt. "Vết Lăn Trầm," một chương trình múa ballet hiện đại do nghệ sĩ Thắng Đào, người từng đoạt giải 2006 New American Talent/Dance và 1997 Spotlight, đạo diễn. Có lẽ đây là lần đầu tiên ballet được trình diễn tại 'quê tôi,' Little Saigon.

"Vết Lăn Trầm" mang một căn tính song tộc, thẩm thấu hai dòng văn hóa và biểu đạt được hai mảng di sản riêng biệt: lịch sử Việt và nghệ thuật ballet Tây phương. Tiếng hát Khánh Ly, trong dòng nhạc Trịnh, như con ong xứ lạ, bay vào cánh hoa Ballet, gieo những hạt phấn mới. Hoa nhuận sắc, cánh biến tấu, hương như huyền thoại.

Vết Lăn Trầm
Tuy phần giới thiệu chương trình có nói là tiếng hát của Khánh Ly làm nền cho chương trình múa, nhưng theo tôi, tiếng hát Khánh Ly chính là kim chỉ nam cho tác phẩm. Tiếng hát bất hủ ấy không đi sau (làm nền), mà đi trước, dẫn dắt những vũ điệu đi vào một câu chuyện lịch sử qua dòng nhạc Trịnh Công Sơn. Vũ điệu, xét cho cùng, thì cũng chỉ là những động tác độc lập, có thể được hiểu theo nhiều cách, nhiều câu chuyện khác nhau. Nếu tiếng hát Khánh Ly đã quyến dụ Thắng Đào đi vào dự án sáng tạo này, thì chính tiếng hát Khánh Ly vẫn tiếp tục là la bàn để những vũ điệu được hướng theo một con đường lịch sử, và nhờ vậy, mặc lấy hơi hướm da vàng.

Những bài hát Trịnh thôi miên người xem, dồn họ vào giữa bốn bức tường khói lửa, xô họ đến bờ vực để đối diện với cái chết, căng tai họ ra để nghe bom rơi giữa ngực trần. Cả buổi trình diễn giật lùi, dậm chân trong cái hoảng loạn của chiến tranh, dậm chân mãi cho đến nỗi đất lún sâu hơn, và người đang dậm chân ấy dần dần đứng giữa huyệt mộ, cái huyệt mộ vô vọng của chiến tranh.

Những mái tóc vàng óng của các vũ công, và mái tóc xoắn của chàng vũ công người da đen, nhắc tôi nhớ đến một thực tế mà đôi khi tôi không nghĩ đến nhiều, chỉ vì quá chú trọng vào kinh nghiệm của tộc da vàng: có nhiều chiến sĩ không cùng màu da với chúng ta đã chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất Việt Nam. "Vết Lăn Trầm" cho chúng ta tưởng niệm họ qua sự hiện diện của các vũ công không phải là người Việt. "Xin cho người [vừa] {đã} nằm xuống thấy bóng Thiên Đường cuối trời thênh thang…"

Nhưng sự thôi miên ấy rồi cũng sẽ đi vào chung cuộc, như cuộc chiến nào rồi cũng phải kết thúc. Tôi nhớ đến bức tranh "Splash" của họa sĩ Ann Phong tại cuộc triển lãm cũng trong cùng cuối tuần tại Phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt. Tôi nhìn, thích ngay. Tác giả ngạc nhiên, hỏi tôi tại sao. Tôi bảo, vì những mảnh vụn trông như một con tàu đã vỡ. Chúng ta có thể đã bị đắm tàu trong quá khứ, nhưng chính cái tan nát của một con tàu vỡ vụn đã làm nên hiện tại. Nên bức tranh ấy 'gọi' tôi ngay. Và Chị Ann cười, bảo rằng đó chính là những ý nghĩ đã dựng nên bức tranh ấy. Tôi có đùa, nói là tôi nên làm agent cho Chị.

Những ca khúc mà Thắng Đào chọn cho chương trình "Vết Lăn Trầm" cũng phác lên những vỡ vụn của một cuộc đắm tàu: một thể chế chính trị bị xóa sổ, một đất nước bị chiếm cứ (miền Bắc chiếm cứ miền Nam, Việt Nam bị chế độ Cộng Sản chiếm cứ), một dân tộc bị phân tán. Nhưng chính nhờ những vỡ vụn đó, qua cái thổn thức nồng nàn của giai điệu Trịnh và sắc giọng Ly, đã giúp phác họa nên hiện tại. Ít khi đi xem ballet mà bị tướt ruột tướt tim như thế này. Vì tiếng hát Khánh Ly? Vì những vỡ vụn từ chiến tranh? Hay vì tâm thức quay về tiềm thức, rã rời những tang thương? Mà cũng có thể vì chúng ta đã tâm phục ý phục khi bước vào Rose Theatre, tin tưởng vào tài biên đạo của Thắng Đào, phó mặc trái tim chúng ta cho anh xoay theo "Vết Lăn Trầm."

Và vì chú trọng hoàn toàn vào dòng nhạc Trịnh, "Vết Lăn Trầm" gói gọn mình trong một không gian và phong thái nhất định. Chúng ta có quyền chờ Thắng Đào mở ra những không gian mới trong tương lai, để những chương trình sau này sẽ có thêm sự đa dạng và nhiều màu sắc hơn. Trong một chương trình cô đọng, và một sự bắt đầu, có lẽ bất cứ người biên đạo nào cũng phải xoay sở với những giới hạn của thời lượng, nội dung, và ngân sách. Tôi mong rằng với một sự bắt đầu khả quan như thế này, Thắng Đào sẽ tiếp tục khai triển những tiết điệu và kết hợp mới, để cống hiến đến nền nghệ thuật ballet hiện đại những chân trời mới.

Tôi tự hỏi, nếu Ballet được múa theo những điệu nhạc cổ của Việt Nam, được lồng vào tiếng đàn đáy, đàn kìm, được ngân nga theo giọng hát ả đào, thì sẽ thế nào? Và những bài quan họ tình tứ, những bài trống quân lãng mạn? Tôi cố hình dung, xem ballet được diễn trong áo tứ thân, với nón quai thao, áo the, guốc mộc, thì sẽ làm sao… Được trình bày bằng chính những vũ công da vàng tóc đen, am tường và thẩm thấu văn hóa và lịch sử Việt tộc… Ôi, muôn trùng lối mở!

Xin hẹn tái ngộ quý độc giả và quý vị yêu thích ballet trong những vũ điệu tương lai!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét