(Tham luận tại Hội thảo về sửa đổi Hiến pháp do UBTƯMTTQVN tổ chức tại TP HCM 30.11.2011)
Tương Lai
Kính thưa các cụ,
Thưa quý vị,
Vào đầu thế kỷ XIX, trong "Thời vụ sách", Nguyễn Lộ Trạch có viết: "Hiện nay thời thế như cục ung thư lớn. Trị thì không có phương thuật. Không trị chăng? Thì không thể cam ngồi mà ngó". Cứ ngỡ như Lộ Trạch nói với chúng ta hôm nay. Tôi cố gượng để đến đọc bản tham luận này vì nghĩ rằng: cục ung thư trong bụng tôi đã được phẫu thuật cắt bỏ (tác giả vừa trải qua một cuộc phẫu thuật ung thư – BVN), thế còn cục ung thư trên cơ thể đất nước thì ai phẫu thuật cắt bỏ và cắt bỏ cách nào đây? Tôi nghĩ, việc sửa đổi Hiến pháp kỳ này, nếu được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và trung thực do các chuyên gia về luật pháp và những người có tâm huyết thực hiện theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh thì sẽ là một giải pháp hết sức hữu hiệu góp vào cuộc giải phẫu cắt bỏ cục ung thư lớn trên cơ thể đất nước. Vì thế, tôi xin trình bày những ý kiến thẳng thắn sau đây:
I. PHÁP QUYỀN Ở TRÊN NHÀ NƯỚC VÀ DÂN CHỦ PHÁP QUYỀN
Vấn đề sửa đổi Hiến pháp đang được đặt ra đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm Quốc hội khóa I thông qua Hiến Pháp đầu tiên của nước ta, ngày 9-11-1946. Thời gian là vị quan tòa nghiêm khắc và công minh nhất thẩm định sự đúng sai của những tư tưởng, những quyết sách, và nhất là hướng đi.
1. Trong ý nghĩa thiêng liêng của nó, Hiến pháp chính là ý chí của toàn dân trịnh trọng tuyên bố trước thế giới về khát vọng của dân tộc mình và quyết tâm theo đuổi khát vọng đó bằng "tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải" [Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945] để thực hiện bằng được. Hiến pháp cũng là ý nguyện của toàn dân về một thể chế chính trị do mình xây dựng dựa vào thành tựu của nền văn minh mà loài người đã đạt được cùng với việc kế thừa bản lĩnh truyền thống dân tộc.
Vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 đáp ứng đòi hỏi bức xúc của cuôc sống, vì đó là đòi hỏi của sự phát triển của đất nước khi mà tiến trình hội nhập quốc tế đang đi vào chiều sâu. Một đòi hỏi đã chín muồi của lịch sử. Đương nhiên "con người làm ra lịch sử của chính mình, nhưng không phải làm theo ý muốn tuỳ tiện của mình, trong những điều kiện tự mình chọn lấy, mà là trong những điều kiện trực tiếp có trước măt, đã cho sẵn và do quá khứ để lại"1. Vậy thì "những điều kiện trực tiếp có trước măt, đã cho sẵn" đó là gì? Phải chăng đó là bản Hiến pháp 1946, do Hồ Chí Minh trực tiếp làm Trưởng ban Soạn thảo mà cho đến nay, giới nghiên cứu về luật pháp đánh giá là bản Hiến pháp mẫu mực nhất: một hiến pháp dân chủ.
Thì ra, đôi khi đổi mới cũng chính là sự trở về đúng quỹ đạo của sự phát triển mà vì những oái oăm của lịch sử, sự phát triển đó đã phải trải qua những chặng "vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh" khiến cho có lúc đã chệch khỏi quỹ đạo ấy với cái giá phải trả là quá lớn. Và rồi cuộc sống đòi hỏi phải trở về đúng với qũy đạo, thuận với quy luật của sự phát triển. Mà xét đến cùng, trở về đúng quỹ đạo chính là trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh về Hiến pháp nói riêng và nhà nước pháp quyền nói chung.
2. Bởi vì, Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, còn bản Hiến pháp 1946 cụ thể hóa những tư tưởng chỉ đạo của Tuyên ngôn Độc lập mà nội dung của nó đã đặt nền móng cho nhà nước pháp quyền đích thực của nước cộng hòa dân chủ ấy. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3-9-1945, Hồ Chí Minh khẳng định: "Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ"! Trong bộn bề những việc cấp bách hàng ngày với thù trong giặc ngoài, Hồ Chí Minh vẫn trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo Hiến pháp và cho ra đời bản Hiến pháp 1946.
Là người bôn ba khắp năm châu bốn biển, thông hiểu nền văn hóa Tây phương từ một hiểu biết sâu sắc triết lý phương Đông và truyền thống văn hóa nước mình, Hồ Chí Minh có điều kiện trải nghiệm để nhìn ra những điều mà người khác có thể không nhìn thấy. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh hiểu rõ dân tộc mình, nhân dân mình cần cái gì nhất. Điều đó quy định nội dung của Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945 và Hiến pháp 1946. Dân chủ nằm ngay trong tên nước và mục tiêu hướng tới, tức cũng là hướng đi, được ghi rõ ngay dưới tên nước:Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Nước có độc lập thì dân mới có tự do để làm ăn sinh sống, tự do suy nghĩ và hành động để mưu cầu hạnh phúc. Dân chủ là điều kiện tiên quyết để có tự do, và có tự do mới thực sự cóhạnh phúc!
Về điều này thì từ những năm 20 của thế kỷ trước, Nguyễn Ái Quốc đã từng nói rõ: "Nếu có một đảng độc lập tồn tại thì đảng này không phải đi ăn xin một vài quyền tự do mà thiếu nó thì con người là một tên nô lệ khốn khổ" 2. Như vậy là ngay từ lúc manh nha hình thành tư duy về nhà nước, Hồ Chí Minh đã hướng về những thành tựu mà trí tuệ loài người đã đạt được vào lúc đó, lúc mà người thanh niên yêu nước ấy sống trên quê hương của những nhà khai sáng. Đây là điều cần phải đặc biệt chú ý khi tiến hành sửa Hiến pháp.
3. Bởi vì, với "các nhà khai sáng" thì dân chủ phải được hiểu là dân chủ pháp quyền, mà Montesquieu, "nhà khai sáng thuộc thế hệ thứ nhất", đưa ra. Đây là một bước ngoặt trong tư duy của loài người về nhà nước, một cuộc cách mạng lý luận về quyền lực nhà nước và quyền lực chính trị. Đây là quan niệm về sự kiểm soát tự thân của chính quyền lực nhà nước trong mối quan hệ chung với toàn bộ quyền lực nhân dân với sự ổn định chính trị – xã hội. Một quan niệm mới về dân chủ, dân chủ pháp quyền, trong đó, dân chủ trực tiếp vàdân chủ đại diện được kết hợp một cách hợp lý và hiệu quả. Ở đó, nhà nước, công dân, các tổ chức xã hộiđược đặt vào những vị trí, những quan hệ thể hiện sự bình đẳng, tự do, công lý trong nội dung tôn trọng con người, đề cao quyền con người.
Có thể nói cả trên khái niệm lẫn hiện thực, nhà nước pháp quyền là một cấu trúc quyền lực, bao gồm quyền lực xã hội, quyền lực nhà nước, khác biệt về chất so với các nhà nước không pháp quyền đã có từ trước. Sự khác biệt đó thể hiện trên cả ba thành phần chung của toàn bộ hệ thống quyền lực, đồng thời cũng khác biệt ở những thành tố cấu thành nên nhà nước pháp quyền. Ở đó, dân chủ không chỉ là sự kết hợp được dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện mà là một nền dân chủ có sự ước chế lẫn nhau giữa các chủ thể trong xã hội, một nền dân chủ được cụ thể hoá và được bảo đảm bằng pháp luật. Bước ngoặt mà Montesquieu tạo ra trong triết học chính trị và trong quan niệm về dân chủ được hiểu là dân chủ pháp quyền.
Ở đây, trong liên hệ gắn kết với luật pháp của chế độ dân chủ, có mối liên hệ đan xen trực tiếp với tự do và tự do luôn là phạm trù chính trị – xã hội mang tính lịch sử cụ thể. Ông đã xây dựng một lý luận hiện thực hoá sự tự do thành một quyền căn bản của con người. Montesquieu (cũng như Locke và Rousseau) đều quan niệm được rằng: "dân chúng có quyền lực tối cao, họ rất giỏi khi chọn người để giao cho một phần quyền lực của mình" vì có những điều mà họ "học được nơi quảng trường một cách sâu sắc hơn mà ông vua không thể học được trong cung điện".3
Thế nhưng, không phải ai cũng đủ trình độ để tự mình quản lý công việc quốc gia, vì vậy, phải hợp lý hoá, tinh lọc hoá thành phần trực tiếp sử dụng quyền lực nhà nước trong tổng thể chủ thể quyền lực chung. Montesquieu tìm giải pháp tối ưu bằng việc xây dựng một nền dân chủ kết hợp được cả những yếu tố dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Dân chúng có được sự lựa chọn chính xác và tối cao, nhưng việc quản lýthì phải ở những người có đủ trình độ; dân chủ trực tiếp từ sự quyết định của toàn dân, nhưng dân chủ đại diện lại có thể tạo cho công việc tiến triển một cách thích đáng trong vòng trật tự. Đó chính là nền dân chủ pháp quyền, kết tinh toàn bộ tư tưởng về bình đẳng, tự do, dân chủ của Montesquieu. Đây là một điểm tựa cơ bản mà mọi Hiến pháp dân chủ, mở đầu bằng Hiến pháp Hoa Kỳ, đều chọn lựa.
Có điều đó vì trong lịch sử tư tưởng triết học chính trị, lần đầu tiên điều này được nâng lên thành các quyềnchính trị-xã hội của con người với tư cách công dân, tức là quyền tồn tại về mặt chính trị trong một xã hội hiện thực. Khi định hình một nền dân chủ mới, bản thân việc kiểm soát quyền lực trước khi trở thành một biện pháp ước chế sự lạm quyền của một nền dân chủ, trong lý luận và mục đích của Montesquieu, nó tồn tại như một biện pháp nhằm giành lấy quyền lập pháp khỏi các lực lượng chuyên chế để trao lại cho nhân dân và cho những người đại diện được nhân dân bầu lên. Cùng với việc đó, phải đặt quyền lực ấy trong vòng kiểm soát. Một quyền lực không được kiểm soát, bị thao túng bởi một người hoặc một nhóm người cùng lợi ích sẽ là thảm họa đối với đời sống của một đất nước! Rõ ràng đây là một cuộc cách mạng về quyền lực, dù là trên phương diện lý luận, mà hơn hai ngàn năm qua kể từ nền dân chủ cổ đại, đã không một nhà triết học nào trước Montesquieu thực hiện được.
Ở đây, dân chủ chỉ có thể được thực thi khi người dân có một nhà nước của dân, do dân và vì dân, một ý tưởng tuyệt vời được A. Lincoln, tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, nêu lên trong diễn văn đọc tại Gettysburg năm 1863, đảm đương sứ mệnh quản lý và hướng dẫn sự vận hành của mọi họat động xã hội. Vì thế, kiểm soát quyền lực nhà nước chính là một nội dung, một cấu trúc, một tiêu chí của nền dân chủ đó. Quyền lực nhà nước ấy hướng tới sự bình đẳng, tự do, công lý và khoan dung. Đó chính là khát vọng của con người về một xã hội được tổ chức như thế nào để con người có thể sống hạnh phúc trong đó. Bởi lẽ, trong trạng thái tự nhiên, con người sinh ra đã bình đẳng, nhưng khi hợp thành xã hội, con người mất bình đẳng và "chỉ trở lại bình đẳng nhờ có luật pháp". Cho nên, trong liên hệ gắn kết với luật pháp của chế độ dân chủ, có mối liên hệ đan xen trực tiếp với tự do và tự do luôn là phạm trù chính trị –xã hội mang tính lịch sử cụ thể. Có thể nói,nền dân chủ pháp quyền, là sự kết tinh toàn bộ tư tưởng về bình đẳng, tự do, dân chủ của Montesquieu. Tư tưởng đó được thể hiện rõ trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp mà bóng dáng của nó in đậm trong Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945 và Hiền pháp 1946.
II. TRỞ VỀ ĐÚNG QUỸ ĐẠO, THUẬN VỚI QUY LUẬT CỦA PHÁT TRIỂN
1. Dẫn ra những điều trên để hiểu rằng, hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh đã mở đầu Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nhà nước cộng hòa dân chủ của mình bằng những câu tiêu biểu nhất vềquyền con người, về khát vọng cháy bỏng của con người trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp: "Hỡi đồng bào cả nước! Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Từ "quyền con người", quyền đương nhiên không phải do ai ban phát cả, Hồ Chí Minh dẫn đến quyền của dân tộc với nội dung như đã dẫn ra ở trên.
Đó là một sự dẫn dắt rất uyển chuyển và khôn khéo thể hiện rõ tầm vóc của bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tầm vóc của Hiến pháp 1946 cụ thể hóa tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945 với một điểm tựa về mặt lý thuyết hết sức sáng tỏ về mặt trí tuệ mà nhân loại đạt được. Có thể hiểu vì sao trong Tuyên Ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và trong Hiến pháp 1946 không có bóng dáng của mô hình Xô Viết và Hiến pháp Xô Viết mặc dầu Hồ Chí Minh đã có một thời gian dài sống trên đất nước Xô Viết! Rõ ràng, "khi nhân loại ngày càng phát triển và khai sáng, khi ngày càng có nhiều phát minh và chân lý được soi rọi, khi cách thức và ý kiến thay đổi, thì trong bối cảnh mới đó, các định chế cũng phải đi lên để hòa nhịp với thời thế"4, đó là giải thích của Thomas Jefferson, tác giả Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ mà Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo trong bối cảnh của thời đại và của đất nước mình vừa thoát khỏi ách nô lệ đang bước vào quỹ đạo của thế giới văn minh.
2. Và rồi, những ý tưởng tiêu biểu ấy được thể hiện một cách thật giản dị, dễ hiểu trong Hiến Pháp 1946 với 70 điều. Nội dung của 70 Điều ấy hướng vào việc xác lập quyền của công dân và quyền của nhà nước, quyền giữa các cơ quan nhà nước với nhau. Ở đó, nổi bật lên hai vấn đề cơ bản nhất: ngăn cấm sự lạm quyền của quyền lực nhà nước và đảm bảo quyền tự do dân chủ của công dân. Phải tập trung vào hai vấn đề cơ bản này vì vi phạm quyền dân chủ vẫn là thói quen khó bỏ của người nắm quyền. Bởi lẽ, quyền lực nhà nước, xét cho kỹ, tự thân nó đã chứa đựng một khả năng lạm quyền, chuyên quyền mà trên lĩnh vực này từ khả năng chuyển thành hiện thực hầu như không có khoảng cách nào! Cho nên trong thực tế, bất kỳ một loại quyền lực nào cũng có khuynh hướng tăng cường hơn nữa, tăng cường vô hạn độ quyền lực của mình, cả trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện tổ chức. Chính vì vậy, nội dung của Hiến pháp 1946 đã làm nổi bật lên nguyên tắc: đặt pháp quyền ở trên nhà nước, và quyền phúc quyết Hiến pháp thuộc về nhân dân.
Để đảm bảo thực thi nguyên tắc ấy thì nhà nước pháp quyền ấy phải được tổ chức theo nguyên tắc "tam quyền phân lập"để kiểm tra nhau. Cơ quan Nhà nước và công chức chỉ làm được những điều luật pháp cho phép còn dân thì được phép làm tất cả những điều gì mà luật pháp không cấm. Những yếu tố pháp quyềnphải được làm nổi bật lên trên nguyên tắc quyền lực và tổ chức quyền lực là điều mà những Hiến pháp sau này không làm rõ được, thậm chí bỏ quên! Cần lưu ý rằng, phân quyền không vốn có trong bản thân quyền lực, nó chỉ có được bằng con đường có ý thức, con đường tự giác, cho nên nếu công việc của nhà nước và các cơ quan công quyền không công khai và minh bạch trước dân, và dân không được thực thi quyền tham gia vào việc hoạch định pháp luật, giám sát và kiểm soát các hoạt động của cơ quan nhà nước thì sẽ dễ dàng bị khuynh hướng tự phát vừa nêu của quyền lực lấn át, chi phối. Nguy cơ của "đặc quyền, đặc lợi", con đẻ của "độc quyền" dễ dàng trở thành hiện thực, và trên thực tế, nó đã là một thực trạng bức xúc mà việc sửa đổi hiến pháp phải góp phần giải tỏa sự bức xúc ấy. Và đó cũng là lý do mà việc sửa đổi hiến pháp lần này cần lấy Hiến pháp 1946 làm một điểm tựa với tính chuẩn mực của nó.
Trong nội dung của Hiến pháp 1946, nét nổi bật là việc kiểm soát quyền lực nhà nước chứa đựng tinh thần khoan dung của truyền thống Việt Nam. Ngay tại Điều 1 đã nổi rõ lên tinh thần ấy. "Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một nước dân chủ. Tất cả các quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam không phân biệt nòi giống, gái trai, giai cấp, tôn giáo". Những điểm khác như Hội đồng Nhân dân cũng được xác định như một cơ quan "tự quản" của nhân dân địa phương, quyết định các vấn đề của địa phương, do nhân dân địa phương bầu chọn và chịu trách nhiệm trước họ. Ở đây đã thấp thoáng bóng dáng những đường nét tư duy về cái mà ngày nay ta gọi là "xã hội dân sự". Định chế luật sư cũng đã được đề ra. Thậm chí, trong bối cảnh của một nhà nước mới thành lập, đang phải đối phó với thù trong giặc ngoài mà đã chững chạc khẳng định: "Những người ngoại quốc tranh đấu cho dân chủ và tự do mà phải trốn tránh thì được trú ngụ trên đất Việt Nam" trong Điều 16 của Hiến pháp 1946! Càng nghĩ càng hiểu hơn về tầm vóc của bản Hiến pháp 1946!
Hơn nữa, ở một đất nước mà nhà nước mang nặng "truyền thống" quan liêu, Hồ Chí Minh đã đòi hỏi xây dựng một "nhà nước đầy tớ của dân", điều mà nhiều nhà tư tưỏng lớn của loài ngưòi đã từng ấp ủ, nhưng vấn đề là Hồ Chí Minh đã sớm đưa ngay ý tưởng đó vào việc tổ chức nhà nước và cố gắng thực hiện. Điều này gặp rất nhiều trở ngại từ một tập quán "thư lại" của nhà nước phong kiến lại được củng cố và bổ sung bằng mô hình chủ nghĩa xã hội nhiều khuyết tật trước Đổi Mới. Hai yếu tố này đã làm trầm trọng thêm truyền thống cai trị và thuần phục thần dân trong vô thức của cả phía công quyền và công dân, tạo biến tướng sai lệch trong nhận thức về mối quan hệ giữa nhà nước và công dân. Không phải là ngẫu nhiên mà câu nói đã trở thành phổ biến "ơn Đảng, ơn Chính phủ" là câu cửa miệng của nhiều người dân. Đây là tập quán "thần dân" đã được thần thánh hóa làm lấn át tư cách công dân, trong mối quan hệ với nhà cầm quyền một cách đàng hoàng như nó vốn phải có trong một nhà nước pháp quyền mà Bác Hồ nói là một "nhà nước đầy tớ của dân". Ở đó, người lãnh đạo hay nhà cầm quyền chỉ huy những người bình đẳng với mình và người công dânphục tùng con người bình đẳng với mình điều mà Montesquieu từng ao ước: "Tôi sẽ là người sung sướng nhất đời nếu có cách gì làm cho người cầm quyền tăng thêm được tri thức về những việc họ phải quản lý, và làm cho người thừa hành thêm hứng thú khi họ tuân lệnh".5
Chính vì vậy mà Hồ Chí Minh đã nghiêm khắc cảnh báo ngay từ ngày chính quyền còn trong trứng nước: "Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân…Dân chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ. Làm việc ngày nay không phải để thăng quan phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ". Rõ ràng ở đây, mệnh đề "dân vi quý" trong học thuyết của Mạnh Tử được Hồ Chí Minh vận dụng một cách thiết thực và diễn đạt một cách dung dị dễ hiểu. Có hiểu điều này mới hiểu được vì sao Hiến pháp 1946 đã khẳng định vềquyền phúc quyết hiến pháp thuộc về dân. Đáng tiếc là vì hoàn cảnh của "dặm đường thời chiến" kéo dài khiến cho điều khoản cực kỳ quan trọng đó của Hiến pháp 1946 không thể thực hiện được. Càng đáng tiếc hơn là khi chiến tranh đã kết thúc, sự nghiệp giải phóng dân tộc đã trọn vẹn, non sông đã quy vào một mối thì điều quan trọng ấy lại bị bỏ quên.
3. Nói "bỏ quên" chỉ là một cách nói! Nguyên nhân sâu xa của chuyện "bỏ quên" này chính là dòng tư duy vềchuyên chính vô sản là dòng tư duy chính thống "ai thắng ai" trong cuộc đấu tranh giai cấp được xem là động lực của phát triển đã chi phối toàn bộ đời sống xã hội, đặc biệt là trong giới lý luận chính thống và trong những người chiếm lĩnh bộ máy quyền lực các cấp, bộ máy của Đảng và bộ máy của Nhà nước. Mà vì "đấu tranh giai cấp nhất thiết dẫn tới chuyên chính vô sản"5. Mao thì hào hứng hơn: "Đấu tranh với người là niềm vui lớn" 6. Và rồi, với sự khẳng định chuyên chính vô sản sẽ tạo ra một "nền dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản", bộ máy chuyên chính nhân danh lợi ích cách mạng, kiên quyết trấn áp mọi tư tưởng, chính kiến và hành vi được coi là "chệch hướng", đã dễ dàng vô hiệu hóa những quyền dân chủ, trong đó có quyền phúc quyết Hiến pháp. Thật đau xót khi mà vấn đề "chuyên chính vô sản" đã được hầu hết các Đảng Cộng sản trên thế giới và giới lý luận Mác-xít vứt vào sọt rác của lịch sử thì ở ta lại vẫn lưu giữ, bi đát hơn lại được xem đó là sự kiên định "lập trường vô sản"!* [xin xem phần PHỤ TRƯƠNG VỀ CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN ở cuối bài]
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng trong nguyên lý đã được công bố "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ" đã hàm chứa trong đó vai trò của dân, mà nếu hiểu thật sòng phẳng thì đã có nội dung "phúc quyết" nói trên, chỉ có điều nó chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, nhất là chưa được tạo điều kiện hiện thực để cho dân thực hiện. Nói chính xác hơn, trong mạch tư duy của người vạch ra nguyên lý đó đã có hướng thay thế "chuyên chính vô sản" bằng phạm trù "làm chủ tập thể" để khẳng định vai trò làm chủ của người dân và một nhà nước do dân và vì dân. Bởi lẽ, tinh thần cơ bản của nguyên lý nói trên chính là Đảng lãnh đạo Nhà nước thế nào để Nhà nước quản lý làm sao cho nhân dân thực sự thực thi quyền làm chủ của mình. Rõ ràng là mục tiêu hướng tới của nguyên lý nói trên là quyền làm chủ của Dân. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến việc thực thi ý tưởng là trùng trùng điệp điệp những chướng ngại vật. Điều này dễ hiểu, vì rằng "mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá" – chính sự "thần thánh hóa" cái "trạng thái cũ suy đồi", điều mà Hê-ghen đã từng cảnh báo được Ph. Ang-ghen nhắc lại khi bàn về phép biện chứng, đã khiến cho những di chứng nặng nề của "chuyên chính vô sản" được thực thi một cách nghiệt ngã đã trầm tích lại trong đời sống xã hội vẫn còn chi phối nhiều hoạt động của bộ máy nhà nước, khiến cho tình trạng xa dân, hành dân vẫn đang ngày càng làm xói lở niềm tin của dân vào nhà nước. Chẳng thế mà chỉ vừa mới đây thôi có người còn hùng hồn tuyên bố: nền dân chủ của ta hiện nay "đang phát triển lên tầm cao mới, khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản"! Và cũng trên "cái tầm cao mới, khác hẳn về bản chất" ấy mà ngay tại diễn đàn Quốc hội cách đây mấy ngày, có đại biểu đã ngang nhiên phát biểu thóa mạ dân, một hành động vi hiến tại Quốc hội với ánh mắt theo dõi của đông đảo cử tri. Thật xấu hổ cho cái thành phố mang tên Bác lại có một đại biểu cho dân như ông nghị phát biểu vi hiến này! Và may mắn thay, tại Quốc hội cũng như bên ngoài Quốc hội đã dồn dập tiếng đáp trả hành động vi hiến ấy. Tiêu biểu cho điều đó là bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương có nhan đề "Nhân dân" với câu hỏi: "Nhưng trên diễn đàn cao nhất nước / Có người nói nhân dân chưa đủ trí tuệ" và tiếp đó là câu trả lời: "Không! Sự sợ hãi không cứu được chúng ta/ Mà chính là sự can đảm/ Đi tới dân chủ"7.
Cho nên cũng không lạ khi quyền phúc quyết Hiến pháp của dân không được nêu lên trong các bản Hiến pháp sau Hiến pháp 1946. Quyền ấy giao về cho Quốc hội. Ấy vậy mà cần hiểu rằng, "Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất" như Hiến pháp 1992 quy định, thì "cao nhất" không phải là "toàn quyền", là tất cả. Mà, tất cả quyền lực, theo tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước là thuộc về dân và chỉ thuộc về dân chứ không thuộc về bất cứ một định chế nào khác. Cần nhớ lại, trong bài "Dân vận" đăng trên báo Sự Thật số 120 ra ngày 15.10. 1949, Hồ Chí Minh khẳng định dứt khoát: "Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều nơi dân". Rõ ràng là, trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh thì phải trả lại quyền phúc quyết Hiến pháp về cho toàn dân. Nói như thế cũng có nghĩa là, Hiến pháp năm 1946 thể hiện rất tập trung tư duy của Hồ Chí Minh về Nhà nước, việc sửa đổi Hiến pháp sắp tới chỉ có ý nghĩa khi trung thực và nghiêm cẩn lấy bản Hiến pháp 1946 làm điểm tựa. Đương nhiên, để thực hiện được điếu đó thì phải dám chỉ ra những bất cập của các bản Hiến pháp ra đời sau Hiến pháp 1946 và nguyên nhân cơ bản về những bất cập đó. Có một sự thật đau lòng không thể không nói ra: Việt Nam gần "đội sổ" về môi trường pháp lý ở châu Á với 8.10 điểm, chỉ trên được nước kém nhất là Indonesia 8.26 theo điều tra của Perc, tổ chức tư vấn chuyên đánh giá rủi ro kinh tế và chính trị.8 Phải dám nhìn thẳng vào sự thật và can đảm nói lên sự thật về môi trường pháp lý mà dân ta đang sống để phấn đấu quyết liệt cải thiện môi trường ấy. Sửa đổi Hiến pháp kỳ này chính là một giải pháp cơ bản cho sự phấn đấu quyết liệt ấy. Có như vậy thì việc sửa đổi Hiến pháp 1992 mới có ý nghĩa thiết thực, khỏi lãng phí sức người, sức của khi mà cuộc sống của dân đang còn quá nhiều khó khăn.
Vì thế, vấn đề cần đặc biệt lưu ý với sửa đổi Hiến pháp kỳ này là phải có sự phân tích thật nghiêm cẩn về thực trạng môi trường pháp lý của đời sống xã hội vừa nói đặng chấn hưng và đề cao tinh thần "thượng tôn pháp luật" trong nội dung của Hiến pháp mới. Có vậy mới lấy lại được niềm tin của dân đối với Hiến pháp, điểm tựa vững chắc cho việc đấu tranh bảo vệ "quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" mà Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945 đã dõng dạc tuyên bố với thế giới. Một khi mà tinh thần "thượng tôn pháp luật" không được thực thi hoặc chỉ dừng lại ở khẩu hiệu tuyên truyền mà không biến thành hiện thực trong đời sống xã hội thì xét cho cùng chuyện sửa đổi Hiến pháp cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Tinh thần ấy không có gì khó hiểu và xa vời, nó thể hiện rất sống động trong kỷ cương, phép nước về mối quan hệ hàng ngày giữa người dân và bộ máy công quyền, đặc biệt là với Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát. Một khi mà lòng dân bất an về tính nghiêm minh của công lý qua chất lượng xét xử của Tòa án, Viện Kiểm sát cùng với việc bắt giữ, giam cầm tùy tiện và trái pháp luật chưa được khắc phục thì chừng đó tinh thần "thượng tôn pháp luật" bị băng hoại. Sự băng hoại đó sẽ kéo theo những hệ lụy rất khó lường. Điều này chẳng có gì mới!
Cách đây hơn hai nghìn năm, Hàn Phi Tử, nhà tư tưởng cố đại đã đòi hỏi về tính nghiêm minh đó: "Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu. Cho nên điều sửa chữa được sự sai lầm của người trên, trị được cái gian của kẻ dưới, trừ được loạn, sửa được điều sai, thống nhất đường lối của dân không gì bằng pháp luật" (Hàn Phi Tử. Quyển 2.Thiên VI). Chẳng lẽ lại khắc khoải nói lên một khát vọng "bao giờ cho đến ngày xưa"!
Không phải vậy, vấn đề đặt ra chỉ là trở về đúng quỹ đạo, thuận quy luật của phát triển đất nước trong bối cảnh mới của thời đại.
T. L.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Chú thích:
1. Các Mác và Ph.cAng-ghen Toàn tập. Tập 8. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 145.
2. Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 1. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.5 và tr.10.
3. và 5. Dẫn lại theo Lê Tuấn Huy trong "Triết học chính trị Montesquieu với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền ViệtNam". Nxb Tổng Hợp TP. HCM, 2005.
4. Jefferson, Thomas Quick link http://quotationsbook.com/quote/44896
5. C. Mác và Ph. Ăngghen Tuyển tập. Tập 2. NXBST. Hà Nội 1981, tr. 662.
6. Mao không ngần ngại "nói cho các đồng chí biết điều này. Tôi sẽ là chủ tịch của 500 triệu nông dân đang thiếu đất, và tôi sẽ mang một đạo quân tiến xuống khu vực Đông Nam Á.
[Bài phát biểu của đồng chí Lê Duẩn về tập đoàn phản động Trung Quốc chống ViệtNam. Nguồn: Thư viện Quân đội Nhân dân, Hà Nội. Tài liệu do Christopher Goscha có được và dịch cho CWIHP.]
7. NHÂN DÂN
Nguyễn Khoa Điềm
Cúi mình trên đồng lúa
Lao lên các hỏa điểm chiến tranh
Lăn mình trong các cuộc xuống đường
Cặm cụi với sách vở
Họ là nhân dân thứ thiệt
Nhưng trên diễn đàn cao nhất nước
Có người nói nhân dân chưa đủ trí tuệ
Để hưởng luật biểu tình!
Tôi nghĩ mãi
Ai đã bầu ra ông nghị này nhỉ?
Sao lại sợ nhân dân biểu tình?
Không!
Sự sợ hãi không cứu được chúng ta
Mà chính là sự can đảm
Đi tới dân chủ.
Tháng 11. 2011
8. Bảng xếp hạng của Perc
Hong Kong1.45
Singapore1.92
Nhật Bản 3.50
Hàn Quốc 4.62
Đài Loan 4.93
Philippines6.10
Malaysia6.47
Ấn Độ 6.50
Thái Lan 7.00
Trung Quốc 7.25
ViệtNam8.10
Indonesia8.26
PHỤ TRƯƠNG VỀ CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN
Quả thật chuyên chính vô sản là khái niệm đã chi phối hoạt động của các Đảng Cộng sản trong một thời gian rất dài, nhất là khi Đảng đã nắm chính quyền. Một khái niệm có ảnh hưởng tác động đến sinh mệnh của triệu triệu con người. Khái niệm ấy gắn liền với giai cấp và đấu tranh giai cấp, được xem là động lực của phát triển. Người ta từng cho rằng đây là một khái niệm then chốt trong tư duy lý luận của học thuyết Các Mác. Tuy vậy, đã đến lúc phải thật sự tường minh trong cách nhận định và phân tích về khái niệm quan trọng vốn có một diễn biến khá phức tạp. Làm sáng tỏ điều này là một nhu cầu trực tiếp của việc đẩy tới sự nghiệpĐổi mới một cách toàn diện và triệt để.
Vì, "Đổi mới" là nhằm vứt bỏ những công thức, những giáo điều của một thời cứ ngỡ như là "thiên kinh địa nghĩa" song đã bị cuộc sống bác bỏ hoặc vượt qua, những gì mà qua khảo nghiệm khách quan và nghiêm khắc của thực tiễn, lý luận ấy đã tỏ rõ sự bất cập, sai lầm hoặc thiếu hoàn chỉnh. Do vậy phải bổ sung sức sống mới, nhằm hình thành những luận điểm mới, phạm trù mới giúp hoàn chỉnh một lý luận phản ánh được thực tiễn đang vận động. Nhờ đó, làm cho lý luận gắn kết được với thực tiễn, gần với chân lý hơn, có tác động thúc đẩy sự phát triển. Quả thật là, "vấn đề tìm hiểu xem tư duy của con người có thể đạt tới chân lý khách quan không, hoàn toàn không phải là một vấn đề lý luận mà một vấn đề thực tiễn. Chính trong thực tiễn mà con người phải chứng minh chân lý, nghĩa là chứng minh tính hiện thực và sức mạnh, tình trần tục của tư duy của mình", điều mà C.Mác đã căn dặn. Hãy vận dụng quan điểm ấy vào việc xem xét luận điểm về "chuyên chính vô sản" của chính ông.
1. Lần đầu tiên C.Mác dùng từ "chuyên chính vô sản" là năm 1848. Thật ra thì "chuyên chính vô sản" xuất hiện vào quãng 1837, là cụm từ của Blanqui, một nhà cách mạng nổi tiếng của Pháp. "Chuyên chính vô sản", với C. Mác, là một chiến lược cách mạng, Cụm từ này được nhắc lại nhiều lần hơn cả trong "Đấu tranh giai cấp ở Pháp", xuất bản năm 1850. Bối cảnh ra đời của khái niệm này là giữa cuộc cách mạng tháng Hai năm 1848 đến tháng Tám, 1848 thì bị phản cách mạng bóp chết. Hoạt động cách mạng ở vào tình thế ẩn náu đợi chờ cao trào, mãi cho đến bốn năm sau mới kết luận được rằng tình thế cách mạng đã hết, chế độ tư bản đã bước qua giai đoạn khủng hoảng chu kỳ và lại bắt đầu giai đoạn phồn thịnh của nó. Từ đó, C. Mác và Ph. Ang-ghen trong suốt hai mươi năm tiếp theo không dùng thuật ngữ chuyên chính vô sản nữa. Nếu xem xét thật kỹ thì, dưới ngòi bút của C. Mác, kể cả trong bản nháp, bản thảo viết tay và trong các tài liệu nội bộ không nhằm công bố ra, trong các bức thư viết cho anh em, bè bạn hoặc thư góp ý cho đồng chí của mình hiện còn lưu giữ đươc, thì tần số xuất hiện của thuật ngữ "chuyên chính vô sản" không đến mười lần.
Theo C. Mác, đấu tranh giai cấp tất yếu dẫn đến cbuyên chính vô sản, và nền chuyên chính đó chỉ là sự quá độ tiến đến một xã hội không giai cấp. Chuyên chính vô sản là một chiến lược gồm hai bước. Bước thứ nhất là chuyển từ chuyên chính của kẻ thù sang chuyên chính của đồng minh bao gồm giai cấp nông dân và "giai cấp trung đẳng", thuật ngữ của C. Mác trong "Nội chiến ở Pháp", làm thành chuyên chính của đồng minh chiến lược. Khi đã làm được cuộc chuyển đổi liên minh ấy trở thành đa số rồi, thì bước thứ hai là dùng con đường dân chủ, tự do đầu phiếu, lập ra chính phủ cách mạng và chế độ cách mạng. Quan điểm trên chịu ảnh hưởng khá rõ của phái tả trong cách mạng tư sản Pháp 1789. Và chiến lược đó đã không thực hiện được!
2. Lần thứ hai thuật ngữ chuyên chính vô sản được dùng là sau thất bại của Công xã Paris. Từ tổng kết sự thất bại đó, C. Mác nêu lên những bài học về vấn đề hình thành nhà nước kiểu mới của giai cấp vô sản, không giống với bất kỳ một hình thức nhà nước nào đã có trước đó, một hình thức nhà nước báo hiệu sự tiêu vong của nhà nước. Nếu xem xét thật kỹ thì trong những nội dung này có mang màu sắc ảo tưởng, vì kinh nghiệm của Công xã Paris còn quá nghèo nàn. Cần nhớ rằng, Công xã Paris chỉ tồn tại có 72 ngày (từ 18.3. 1871 đến 28.5.1871). Tuy nhiên, nếu đọc kỹ "Nội chiến ở Pháp" thì sẽ hiểu rõ chuyên chính vô sản theo quan niệm của C. Mác, là một hình thức nhà nước cách mạng đã không còn thuần túy là nhà nước nữa, mà đã nằm trong cái lôgich của nhà nước dần dần tự tiêu vong.
Thật ra, đây chỉ là một tiên đoán. Mà là một tiên đoán chưa có bao nhiêu căn cứ lý luận cũng như thực tiễn. Trong thực tiễn, thời C. Mác và Ph Ang-ghen chỉ có duy nhất 53 ngày công xã trong một thành phố là Paris, ngoài ra không có thực tiễn nào khác về cách mạng vô sản thắng lợi và thiết lập chuyên chính vô sản cả. Nói nôm na thì "chưa có bột để gột nên hồ", hoặc là quá ít bột, chưa thể đủ "gột" nên bất cứ thứ "hồ" gì! Thực tế lịch sử đã chứng minh sự phân tích của C. Mác về tình thế khủng hoảng và cách mạng vào giữa thế kỷ XIX là không đúng. Và C. Mác đã sớm nhận ra điều đó.
3. Khái niệm "chuyên chính vô sản" trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã chuyển đổi và mở rộng nội dung của nó ra. Cùng với thời gian và diễn biến rất phức tạp, việc nhận cho ra đâu là tư tưởng lý luận của chính C. Mác là điều hết sức cần thiết vì nó tránh được những ngộ nhận, sai lầm.
Với V. I. Lê-nin, ông từng xác định: "Lịch sử thế giới nhất định sẽ đi tới chuyên chính vô sản, nhưng tuyệt nhiên sẽ không phải đi theo những con đường bằng phẳng, giản đơn, thẳng tắp". Cho nên, với ông, chuyên chính vô sản là nội dung chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, nâng cao dân trí, dân quyền, dân sinh, dân chủ… của cả thời đại quá độ, mở rộng ra trên căn bản tư tưởng C. Mác, là đấu tranh vừa bạo lực vừa hòa bình; vừa hành chính, vừa giáo dục, tuyên truyền…
Có nghĩa là, với V. I. Lê-nin, nội dung của chuyên chính vô sản bao quát toàn bộ các vấn đề của thời đại chứ không phải chỉ có đóng khung trong vấn đề Nhà nước. V. I. Lê-nin cho rằng nhà nước chuyên chính vô sản ngay từ khi mới thành lập đã là vừa là nhà nước vừa không còn là nhà nước nguyên nghĩa, đã bước ngay vào quá trình tự tiêu vong của nhà nước. Điều này không diễn ra trong thực tế.
Vào cuối đời, những năm 1923 và 1924, V. I. Lê-nin nhiều lần vạch rõ những lệch lạc, suy thoái của chính quyền Xô Viết, nhất là tệ quan liêu và tham nhũng. V. I. Lê-nin đã chỉ rõ: "Trên lời nói thì bộ máy Chính quyền Xô Viết là bộ máy chính quyền của tất cả quần chúng lao động, nhưng trên thực tế thì mọi người chúng ta không còn ai xa lạ rằng còn xa mới đươc như thế". Có một sự thật hết sức có ý nghĩa là, chính vào những năm đó, V. I. Lê-nin đã nhận thức ra và tuyên bố rõ: Quan niệm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội phải thay đổi về cơ bản! Đáng tiếc là con người với bản lĩnh sáng tạo và dám thẳng thắn chỉ ra những sai lầm và tìm cách khắc phục ấy đã chưa kịp thực hiện ý định của mình. Tuy nhiên, bên cạnh những ý tưởng và việc làm tốt đẹp vừa dẫn, chính Lê-nin là người thực thi chuyên chính vô sản một cách khốc liệt nhất hoàn toàn không đúng với tinh thần của Các Mác.
Xin chỉ dẫn ra đây vài sự kiện có tính chất minh họa:
Khi phát biểu trước Hội đồng Hành pháp Xô viết trung ương vào ngày 1 (14) tháng 12, Lev Davidovich Trotsky, Ủy viên nhân dân về chiến tranh (tương đương Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) đã cảnh báo: "Chỉ trong vòng không đầy một tháng nữa, cuộc khủng bố này sẽ trở nên cực kỳ bạo lực, giống như cuộc cách mạng Pháp. Không những chỉ có nhà tù chờ đợi những kẻ thù của chúng ta mà còn cả những chiếc máy chém, một phát minh vĩ đại của Cách mạng Pháp, sẵn sàng làm cho chúng ngắn lại một cái đầu".
Minh chứng sống động cho dự báo đó, xin hãy xem một số công điện diệt trừ địa chủ không ghê tay do Lê-nin đích thân ký. Một trong những công điện loại đó do Lê-nin thảo nhân danh lệnh của Chủ tịch Hội đồng Ủy viên nhân dân, vào năm 1918:
"Các Đồng chí! Cuộc bạo động của bọn địa chủ ở năm huyện phải bị đàn áp một cách không thương tiếc… Đây là yêu cầu của cuộc Cách mạng, vì khắp nơi đang diễn ra "cuộc chiến đấu cuối cùng". Với bọn địa chủ, phải cho chúng một bài học.
1- Treo cổ (nhất định phải treo cổ để cho quần chúng thấy). Ít nhất 100 tên địa chủ, phú hộ – sát nhân.
2- Công bố tên tuổi bọn chúng.
3- Tịch thu tất cả lúa mì của bọn chúng.
4- Bắt con tin… như quyết định ngày hôm qua.
Phải làm thế nào để dân chúng cách hàng trăm dặm đều thấy, run sợ, hay biết và gào lên: Bóp cổ! Bóp cổ đến chết bọn địa chủ – sát nhân.
Ký tên: Lê-nin.
Tái bút: Hãy tìm những người cứng rắn".
Đối với tầng lớp trí thức bất đồng chính kiến, thì đơn giản là bị tống khứ ra sống lưu vong ở nước ngoài (trên hai chuyến tàu thuê của Đức – chuyến thứ nhất (28/9/1922) có 70 trí thức, chuyến thứ hai (19/11/1922) mang theo 150 trí thức cùng gia đình).
Các viện và các phòng thí nghiệm về di truyền bị giải tán, các nhà di truyền học lỗi lạc cùng với nhà di truyền học thiên tài của thế kỉ chúng ta làN. Vavilovbị xử bắn hoặc chết trong các trại cải tạo. Khoa di truyền đã bị đẩy lùi đến hàng chục năm. Học thuyết tương đối của Einstein và môn điều khiển học cũng bị coi là phản động và dối trá. Không thể tìm được tên các môn khoa học này trong cuốn bách khoa toàn thư Xô viết dày hàng chục tập.
Tờ Moskva buổi chiều, trong bài "Một nền văn chương bị hành quyết" dẫn ra danh sách 98 nhà văn ở Moskva bị giết (Moskva buổi chiều, ngày 12 tháng 11 năm 1988), trên toàn Liên Xô con số là gần 300, tuy rằng chưa ai có số liệu đầy đủ.
4. Đến J. Stalin thì chuyên chính vô sản chỉ còn là đảng trị, đảng trở thành "siêu nhà nước", đảng mới chính là nhà nước. Với J. Stalin, hệ thống chính trị chuyên chính vô sản gồm: Đảng là hạt nhân trung tâm lãnh đạo toàn bộ hệ thống, còn Nhà nước, công đoàn và các đoàn thể quần chúng là những dây chuyền chuyển tải giữa Đảng và nhân dân. Và như thế là nhân dân ở ngoài hệ thống chính trị. Nhà nước chuyên chính vô sảntrong nhận thức và trong hành động của J. Stalin đã mất hẳn triển vọng tự tiêu vong. Ngược lại, ngày càng tăng cường trong chế độ Đảng-Nhà nước. Mô hình chính trị kinh tế, xã hội của chuyên chính vô sản thời J. Stalin dần dần thể hiện bốn đặc điểm bản chất sau đây:
Một là Đảng lãnh đạo, mà thật ra là nhân danh Đảng mà cai trị, thực chất là sự cai trị của những người có chức có đặc quyền, đặc lợi trong Đảng và trong xã hội. Hai là, nhanh chóng thực hiện chế độ công hữu dưới hai hình thức nhà nước và tập thể, xoả bỏ tư nhân và thị trường. Ba là, quản lý kinh tế xã hội theo thể chế tập trung quan liêu bao cấp. Bốn là, đóng cửa với bên ngoài. Sau này khi có phe xã hội chủ nghĩa thì chỉ chủ yếu quan hệ trong phe, chiến tranh lạnh với chủ nghĩa tư bản hiện đại.
Sai lầm và nguy hiểm nhất là chủ trương của J. Stalin khẳng định rằng, sau khi Liên Xô đã kết thúc thời kỳ quá độ, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội năm 1936, thì từ đó về sau, đấu tranh giai cấp trong xã hội Xô Viết ngày càng gay gắt. Những cuộc trấn áp và khủng bố rất tàn khốc đã diễn ra sau năm 1936.
Liên bang Xô Viết dưới thời J. Stalin đã có những thành tựu vĩ đại, những chiến công hiển hách trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, những bước dẫn đầu rất ngoạn mục về xây dựng kinh tế, phát triển khoa học và công nghệ, sáng tạo văn hoá, văn học nghệ thuật, nâng cao phúc lợi xã hội cho nhân dân, giúp đỡ rất nhiều và có hiệu quả cho nhiều nước, nhiều dân tộc, có cống hiến lớn lao cho cả loài người.
Tuy nhiên, chuyên chính vô sản thời J. Stalin đã phạm những sai lầm và cả những tội ác. Đã từng có đến 70% Uỷ viên và Uỷ viên dự khuyết BCHTƯ của Đảng được bầu tại Đại hội năm1934 bị bắt, bị bỏ tù và bắn chết, tức là 98 trên tổng số 139 Uỷ viên! Đã từng có những sự cưỡng bức nặng nề và cả những sự chuyên chính tàn bạo với công dân, nông dân, đặc biệt là đối với trí thức. Nhiều nhà khoa học lỗi lạc bị vô hiệu hoá, thậm chí bị tù đày, bị thủ tiêu, nhiều ngành khoa học có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của đất nước và con người như xã hội học, tâm lý học, điều khiển học, di truyền học… bị xem là những "khoa học tư sản", đồng nghĩa với việc cấm hoạt động, xây dựng, phát triển. Đây sẽ là lý do cơ bản khiến cho nền khoa học vốn một thời ở trình độ cao của thế giới lần lần trở thành lạc hậu, không bắt kịp với sự phát triển chung của loài người. Hệ luỵ nặng nề nhất là sự bóp nghẹt tự do và dân chủ khiến cho đời sống tinh thần của xã hội lâm vào khủng hoảng nặng nề.
Sinh thời J. Stalin, rồi sau J. Stalin cho đến ngày Liên Xô sụp đổ, nguyên nhân suy thoái dần từ bên trong, tạo thuận lợi cho lực lượng thù địch bên ngoài, dẫn đến tan rã không phải là do không nắm vững "chuyên chính vô sản", mà là đã thực hiện "chuyên chính vô sản" một cách cực kỳ sai lầm. Ngay cả thời kỳ hàng chục năm khi Liên Xô bỏ hẳn không dùng cụm tù "chuyên chính vô sản" và tuyên bố không thi hành "chuyên chính vô sản" nữa, thì những hệ luỵ của mô hình J. Stalin vẫn tiếp diễn với những biến thái mới, đặc biệt là sự thiếu dân chủ và không dân chủ, đã dần dần làm mất lòng tin của nhân dân Xô Viết và của cả 20 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô. Và đó chính là nguyên nhân cơ bản đẩy tới sự sụp đổ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu.
Ở Trung Quốc, tuy chủ trương thực hiện nhân dân dân chủ chuyên chính của bốn giai cấp chứ không dùng "chuyên chính vô sản", nhưng sai lầm của mô hình Mao-ít với lý thuyết cũng tương tự như lý thuyết của J. Stalin đã dẫn ra ở trên, là càng đi sâu vào xây dựng chủ nghĩa xã hội thì đấu tranh giai cấp càng gay gắt, mở đường cho những cuộc trấn áp phản dân chủ, rồi những cuộc đấu tố trong cái gọi là "đại cách mạng văn hoá" mà thực chất là các cuộc thanh trừng lẫn nhau trong nội bộ thế lực cầm quyền mà hậu quả là mấy chục triệu người chết, trong đó có cả những "khai quốc công thần"! Trong một Hội thảo khoa học tại Hà Nội năm 2005, một học giả Trung Quốc chỉ ra rằng: Trong lịch sử Đảng cộng sản Trung Quốc đã có 14 Đại hội có những cuộc đấu như vậy. Mao từng nói: "Đấu tranh với người là niềm vui lớn". Chính lời nói này đã đem tai hoạ đến cho người dân Trung Quốc.
Trong phong trào cộng sản quốc tế, trong những người cộng sản, trong các nước XHCN một thời, đã có không ít ý kiến cho rằng quan niệm và thực tiễn chuyên chính vô sản chứa đựng nhiều bất ổn cần phải được nhìn nhận lại. Những ý kiến ấy đã bị lên án nặng nề, bị gạt bỏ, bị trấn áp để suốt gần nửa thế kỷ, từ năm 1919, khi thành lập "Quốc tế cộng sản", đến cuối những năm 60 của thế kỷ XX, các Đảng cộng sản trên thế giới đều coi chuyên chính vô sản là lý luận kinh điển và chủ trương cơ bản. Cho đến cuối thập kỷ 1960, nhiều đảng cộng sản lớn như Đảng Cộng sản Pháp, Đảng Cộng sản Ý… rồi đến những đảng cộng sản trung bình và nhỏ, đã có chính quyền hoặc chưa nắm được chính quyền, đều lần lượt từ bỏ chuyên chính vô sản. Có đảng lẳng lặng từ bỏ, có đảng giải thích rằng cụm từ "chuyên chính vô sản" dễ gây phản cảm, không được tán thành bởi nhiều người tiến bộ và yêu nước.
Và rồi, cho dù bị quyết liệt ngăn chặn, cản trở bởi những thế lực bảo thủ, giáo điều tìm thấy sự duy trì "chuyên chính vô sản" phù hợp với việc bảo vệ lợi ích và quyền lực đang có của ho, mô hình sai lầm ấy đã bị vứt bỏ. Cuộc sống không chấp nhận cả lý thuyết và thực tiễn "chuyên chính vô sản" kiểu "Stalinnít". Thật oái oăm, khái niệm "chuyên chính vô sản" mà một thời được tiếp thu và vận dụng ở một số nước XHCN, trong đó có nước ta, lại rơi vào đúng cái nội dung kiểu "Stalinnít" ấy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét