Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

Nhật Tuấn : CHÂN DUNG HAY “CHÂN TƯỚNG” NHÀ VĂN ? (2)

Nguồn vietsuky

Nhật Tuấn 2011

Nhật Tuấn

Tiếp theo 10. CHÂN DUNG HAY "CHÂN TƯỚNG" NHÀ VĂN (1) ?

Nhà thơ Nguyễn Bính, tham gia cách mạng từ 1947, về Hà nội năm 1954, làm báo tư nhân Trăm hoa từ năm 1956. Thời đó, báo của Nguyễn Bính là cái gai đối với các nhà lãnh đạo văn nghệ. Ông "cả gan" chê thơ Tố Hữu và Xuân Diệu :"Vì những sai lầm nghiêm trọng, cần phải xét lại toàn bộ giải thưởng văn học 1954-1955; đề nghị đưa tập thơ Việt Bắc xuống giải nhì. Loại tập thơ Ngôi sao và một số quyển không xứng đáng.". Táo tợn  hơn nữa, Trăm Hoa còn "đề nghị bỏ lệ khai báo trong chính sách quản lý hộ khẩu". Tất nhiên chỉ ra được vài số Trăm Hoa "chết yểu" .Tuy không xơi đòn nặng như Nhân Văn Giai phẩm nhưng Nguyễn Bính cũng phải rời Hà Nội về Nam định làm anh nhân viên ngoài biên chế dưới sự "quản lý chặt chẽ " của Trưởng ty văn hóa, nhà văn Chu Văn. Trong thơ chân dung về nhà thơ tình số 1 VN này , Xuân Sách điểm có hai tác phẩm tiêu biểu Lỡ Bước Sang Ngang (1940), Giếng Thơi (1957) nhưng vẫn không quên "sự kiện báo Trăm Hoa" với tình cảm xót xa  :

  "Hai lần "lỡ bước sang ngang "

 Thương con bướm đậu trên dàn mồng tơi

 Trăm hoa thân rã cánh rời

 Thôi đành lấy đáy "giếng thơi" làm mồ.

 Nhà thơ Tú Mỡ trước cách mạng đã từng "ngang ngạnh" trong "dòng nước ngược" :

" Dứt cái mề đay quẳng xuống sông

Thôi thôi tôi cũng "méc-xì" ông…"

Vậy nhưng từ ngày theo kháng chiến thì "Tú mỡ" đã thành "Tú tóp" :

" Một nắm xương khô cũng gọi mỡ

 Quanh năm múa bút để mua vui

 Tưởng cụ vẫn bơi dòng nước ngược

 Nào ngờ trở gió lại trôi xuôi."

 Nhà thơ Quang Dũng tác giả "Tây tiến"- một trong số ít bài thơ hay nhất thế kỷ, năm 1957 phải đi chỉnh huấn trong vụ Nhân Văn Giai phẩm , từ đó ông sống rất nghèo ,lặng lẽ trong cương vị biên tập báo Văn Nghệ và sau là NXB Văn Học. Năm 1978, tôi cùng ăn cơm với ông tại nhà ăn tập thể  NXB Văn học, Quang Dũng cao to nên ăn rất khỏe lâu lâu lại thấy ông đứng lên đi xin thêm cơm. Bà Gái cấp dưỡng lúc đầu còn cho thêm cơm, sau chỉ cho … miếng cháy. Xuân Sách viết chân dung ông với lời lẽ xót thương và mến phục :

""Sông Mã xa rồi tây tiến ơi…"

 Về làm xiếc khỉ với đời thôi

 Nhà đồi một nóc chênh vênh lắm

 Sống tạm cho qua một kiếp người.

 "Áo sờn thay chiếu anh về đất"

 Mây đầu ô trắng, Ba Vì xanh

 Gửi hồn theo mộng về tây tiến

 Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

 Nữ thi sĩ Anh Thơ (1921), được giải thưởng của Tự Lực Văn đoàn năm 1939 khi mới 18 tuổi, tác giả tập " Bức tranh quê" (1941) . Đi cách mạng năm 1945 trở thành cán bộ phụ nữ và làm thơ cách mạng, đại loại như :         

CON ĐÃ VỀ NƠI BÁC Ở NGÀY XƯA

 Bác về, mời cụ "Các Mác'' về, trên núi đá

 Trong cả lòng hang, Bác tạc tượng người.

 Như tạc niềm tin cho con cháu đời đời

 Từ thẳm rừng sâu ngời lên chủ nghĩa.

Bởi thế, Xuân Sách có vẻ tiếc cho bà :

"Ấy bức tranh quê đẹp một thời

 Má hồng đến quá nửa pha phôi

 Bên sông vải chín mùa tu hú

 Khắc khoải kêu chi suốt một đời.

 Nhà văn Vũ Trọng Phụng, tiểu thuyết gia vào loại hàng đầu ở Việt Nam nhưng số phận tác phẩm của ông thật bi thảm. Năm 1957, ông Trương Tửu và Trần Thiếu Bảo (nhà in Minh Đức) tổ chức giỗ Vũ Trọng Phụng và tái bản "Số đỏ". Có kẻ ỏn thót với Ủy viên Bộ chính trị Hoàng Văn Hoan là Vũ Trọng Phụng viết bài nói xấu ông ký ga , không may bố ông  "lãnh đạo cao cấp" này lại cũng làm nghề đó. Thế là một chiến dịch  triệt hạ Vũ Trọng Phụng được phát động. Ông bị quy là đệ tử của Freud, rồi ai đó moi trong thư viện ra bài báo của ông "Nhân sự chia rẽ giữa đệ tứ và đệ tam quốc tế, ta thử ngó lại cuộc cách mệnh cộng sản ở Nga từ lúc khỏi thủy cho đến ngày nay" in trên Đông Dương tạp chí số ra ngày 25/9/ 1937, ông bị quy là phần tử Trotskít. Từ đó Vũ Trọng Phụng coi như bị "khai trừ" khỏi văn đàn. Sau này khi tôi về NXB Văn Học, nhà phê bình văn học , Giám đốc Như Phong rỉ tai tôi :" Trong cuộc họp phê phán Vũ Trọng Phụng ở Thái Hà ấp toàn những nhà văn hàng đầu mà không một thằng nào dám mở mồm bênh Vũ Trọng Phụng lấy một câu…". Mãi tới thời kỳ đổi mới, ông Lý Hải Châu, GĐ NXB Văn Học mới lần lượt tái bản tác phẩm của Vú Trọng Phụng. Khắc họa chân dung ông, Xuân Sách đầy lòng cảm phục :

"Đã đi qua một thời Giông tố,

Qua một thời "cơm thầy cơm cô"

Còn để lại những thằng "Xuân tóc đỏ"

Vẫn nghênh ngang cho đến tận bây giờ"

Nhà văn Nam Cao , cha đẻ của Thị Nở, Chí Phèo, cán bộ cách mạng, từng phụ trách báo Cứu Quốc, hy sinh năm 1951 trên đường công tác thuế nông nghiệp ở khu III.Giả dụ ông còn sống như các nhà văn cùng thời khác , không hiểu có còn đứng vững trên lập trường cách mạng trong cơn "tai biến" " Nhân Văn Giai Phẩm" như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài…không ? Xuân Sách viết về ông đầy ưu ái :

"Em còn đôi mắt ngây thơ

 Sống mòn mà vẫn đợi chờ tương lai

 Thương cho thị Nở ngày nay

 Kiếm không đủ rượu làm say Chí Phèo!"

 Nhà thơ, kịch tác gia Thế Lữ , tác giả của "Mấy vần thơ" (1935) trong có những bài nổi tiếng : Nhớ rừng, Tiếng trúc tuyệt vời, Tiếng sáo Thiên Thai, Vẻ đẹp thoáng qua, Bên sông đưa khách, Cây đàn muôn điệu và Giây phút chạnh lòng. Năm 1936, hoạt động kịch với Ban kịch Tinh Hoa, ban kịch Thế Lữ . Sau năm 1947, ông tham gia kháng chiến, năm 1957 được bầu làm Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, hầu như không viết gì .

Xuân Sách tiếc cho ông đã quá sớm "về vườn bách thú":

" Với tiếng sáo Thiên Thai dìu dặt

Mở ra dòng thơ mới cho đời

Bỏ rừng già về vườn bách thú

Con hổ buồn lặng lẽ trút tàn hơi "

 Nhà văn Bùi Hiển, nổi tiếng với truyện ngắn "Nằm vạ " (1940), nhưng sau đó tham gia cách mạng quá sớm, không viết được gì nhiều, nổi bật là tập "Trong gió cát". Năm 1958, ông viết truyện ngắn "Ngày công đầu tiên của cu Tí" để cổ vũ cho phong trào hợp tác xã. Truyện ngắn này được sử dụng trong giáo trình văn học phổ thông tại miền Bắc và cả nước Việt Nam trong nhiều năm. Những năm 1945-1960 ông là Chủ tịch Hội văn nghệ Nghệ An, sau đó suốt trong nhiều năm , ông công tác trong Hội nhà văn VN.Xuân Sách giễu cợt :

" Sinh ra " trong gió cát"

Đất Nghệ An khô cằn

Bao nhiêu năm "nằm vạ"

Trước cửa hội Nhà văn"

 Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng tham gia cách mạng từ năm 1930, đại biểu quốc hội khóa 1, người sống mãi với…Hội nhà văn, sau cách mạng viết tiểu thuyết "Truyện anh Lục","Bốn năm sau", "Sống mãi với Thủ đô" , vở kịch " Lũy Hoa"…Xuân Sách khắc họa chân dung ông :

" Anh chẳng còn "sống mãi

 Với Thủ đô" Lũy hoa

Để Những người ở lại

Bốn năm sau khóc òa…"

 Trong các nhà văn "tiền chiến" đi theo cách mạng, người bị Xuân Sách "giễu cợt sâu cay" nhất có lẽ là nhà văn Kim Lân. Trước cách mạng, từ năm 1941, Kim Lân đã nổi tiếng về truyện ngắn "vợ nhặt". Ông viết không nhiều, sau cách mạng ông viết "Làng" về nông thôn Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp, tuy nhiên, hai truyện "Ông lão hàng xóm" (1955) và "Con chó xấu xí" (1962) bị phê phán phi hiện thực xã hội chủ nghĩa .

"Nên danh nên giá ở làng

 Chết vì ông lão bên hàng xóm kia

 Làm thân con chó xá gì

 Phận đành xấu xí cũng vì miếng ăn."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét