Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Phương Bích : Gió rét về (lại nhớ bà bạn yêu nước bị bắt giam một cách mờ ám khó hiểu!)

Nguồn chimkiwi

Gió rét về. Buổi sáng ngó qua cửa sổ, thấy bầu trời xám xịt, gió ù ù thổi. Ngồi trong buồng cũng vẫn thấy lạnh, tôi phải lấy thêm cái áo len khoác vào người. Thấy nhói lòng khi nghĩ về một vùng khuất nẻo xa xôi, có một người đang bị giam giữ ở đó mà tất cả bạn bè, người thân đều không biết lý do tại sao.
Chuyện tưởng chừng như vô cùng đơn giản. Thấy người thân quen bị công an bắt giữ, thì vào đồn hỏi tin tức, thế là bị giữ lại luôn không cho ra nữa. Sau hơn chục ngày biệt tăm, mới biết người đã bị đưa đi cải tạo 2 năm. Bạn bè, người thân ngã ngửa ra. "Không tin được, dù đó là sự thật".
Tôi nhớ lại buổi đầu tiên gặp cô ấy, ở trước quán cà phê Cột cờ vào ngày 12 tháng 6. Một phụ nữ khá đẹp, cao lớn, đang đi ngang qua thì dừng lại trước mặt tôi. Cô ấy nhìn thẳng vào mắt tôi, hỏi nghe nói ở đây có biểu tình chống Trung Quốc phải không. Tôi ngạc nhiên khi thấy một người đàn bà son phấn, đeo kính mát, trông khá tay chơi lại quan tâm đến chuyện này. Sau khi tôi trả lời, cô ấy à há, ra vẻ thủng chuyện rồi bỏ đi. Hôm đó cũng là ngày đầu tiên tôi tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội. Nói thực khi ấy tôi hồi hộp lắm. Không hẳn vì sợ, mà vì chưa bao giờ tôi tham gia bất cứ một hoạt động xã hội nào, nên cứ thấy ngượng ngùng sao đó. Không khí ban đầu của cuộc biểu tình khiến tôi xúc động đến mức, đứng khóc ngon lành trên sân vườn hoa Lê Nin. Những tiếng hô hừng hực khí thế của những người xung quanh làm tôi trấn tĩnh lại. Và vượt qua sự e ngại, tôi bắt đầu giơ nắm đấm lên trời hô theo đám đông. Thực sự khi đã bước qua cái rào cản ban đầu rồi, sự ngại ngùng sẽ không còn nữa. Đi trong đoàn biểu tình, tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy người đàn bà đẹp ban nãy. Cái áo thụng màu đỏ tía ướt đẫm mồ hôi, và cô ta cũng đang hô thật là nhiệt tình. Khi nhận ra nhau, cả hai chúng tôi đều mỉm cười thay câu chào hỏi.
Cho đến chủ nhật lần thứ ba gặp nhau trong đoàn biểu tình, tôi với cô ấy mới thực sự bắt chuyện với nhau. Rồi sau lần cùng bị bắt ngày 17/7, cùng bị tống vào Hỏa Lò đợt bị bắt ngày 21/8, cô ấy và tôi có vẻ gắn bó với nhau hơn.
Người phụ nữ đẹp ấy là Bùi Thị Minh Hằng, một biểu tình viên nhiệt tình nhất trong những người tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc thời gian qua ở Hà Nội, người phụ nữ có nụ cười rạng rỡ như khuôn trăng trong câu thơ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo.
Thường thì thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng. Trong thời buổi bây giờ, những người dám nói thẳng đều chẳng được mấy người ưa. Tôi cũng chẳng được mấy người ưa vì cái tính thẳng thừng của mình. Nhưng tôi không có được cái dũng mãnh, cái gang thép như của Bùi Hằng. Trong khi tôi là một kẻ thụ động, chỉ sống bằng đồng lương còm trong cơ quan nhà nước thì Bùi Hằng lại vật lộn với cuộc sống bên ngoài từ rất sớm. Mọi đau khổ và hạnh phúc, thất bại và thành đạt trong kinh doanh, dường như cô ấy đều kinh qua cả. Mặc dù biết Bùi Hằng mới vài tháng gần đây, một thời gian quá ngắn ngủi để có thể hiểu hết một con người, nhưng tôi nghĩ  những kẻ tính khí bộc trực có lẽ dễ nhận biết và dễ gần nhau hơn
Theo như cái thông báo đăng trên mạng về việc giam giữ Bùi Hằng, mọi người đều thấy rất khó hiểu. Cô ấy sống ở Vũng Tàu, bị bắt giữ ở Sài Gòn, UBND TP Hà Nội ra quyết định bắt giữ, nơi giam giữ lại ở Vĩnh Phúc. Thông tin chỉ vẻn vẹn có cái thông báo rất mù mờ. Không ai nhìn thấy mặt mũi cái quyết định của UBND TP Hà Nội ấy nó ra sao, để còn biết lý do bắt giữ Bùi Hằng. Cái thông báo ấy không nói là bắt giam mà là cải tạo giáo dục. Chưa cần biết tính pháp lý của việc cải tạo giáo dục ấy như thế nào, nhưng cái cách người ta áp dụng biện pháp cải tạo, giáo dục đối với Bùi Hằng khiến cho nhiều người cảm thấy bị xúc phạm. Bởi vì nếu cái lý do bắt Bùi Hằng như tôi thử lý giải dưới đây, thì họ không chỉ phải giáo dục cải tạo riêng Bùi Hằng, mà cả những người đã từng tham gia biểu tình ở Hà Nội thời gian qua, trong đó có không ít các nhân sĩ trí thức.
Mọi người phỏng đoán tại sao UBND TP Hà Nội lại là cơ quan ra quyết định bắt giữ Bùi Hằng, trong khi cô ấy không hề sinh sống ở đây. Có lẽ thời gian qua, khi cô ấy ngừng tất cả công việc kinh doanh của mình ở Vũng Tàu, để về Hà Nội thuê luật sư trong vụ khiếu kiện đất đai ở Sơn Tây, cô ấy đã tham gia gần như tất cả các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội. Rồi trớ trêu nữa là văn phòng luật sư mà cô ấy thuê lại chính là văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ, ngay trước khi tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ bị bắt. Ngày xử phúc thẩm tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, trong số  những người đang đứng hô "Cù Huy Hà Vũ vô tội" trên vỉa hè thì chỉ có mỗi Bùi Hằng bị công an quận Hoàn Kiếm xông vào lôi lên xe, giữ tại trụ sở công an quận đến cuối ngày rồi thả. Rồi những vụ bắt giữ sau đó trong thời gian biểu tình, trong thời gian hết biểu tình rồi thì cô ấy đi dạo trên Hồ Gươm, với cái nón lá ghi những tên Hoàng Sa –Trường Sa – Việt Nam trên nón. Có lẽ tất cả chỉ có thế, và cái tội danh quen thuộc duy nhất mà chỉ có họ mới có quyền kết tội Bùi Hằng là gây rối trật tự công cộng. Để rồi từ đó UBND TP Hà Nội ra quyết định bắt Bùi Hằng, với ý định giáo dục và cải tạo lại con người cô ấy.
Tôi không rõ chính quyền muốn giáo dục cô ấy những gì, cải tạo cô ấy thành con người như thế nào?
Khi những người biểu tình và ủng hộ biểu tình cả trong và ngoài nước bình chọn cô ấy là hoa hậu và là người phụ nữ của năm, một số người lên tiếng chỉ trích cô ấy là một kẻ tục tĩu thô thiển. Nhưng những giải thích trên mạng về việc bình chọn này tôi cho là thuyết phục. Bởi lẽ cái sự tục tĩu mà người ta nói đến ấy, chỉ căn cứ vào những lời chửi rủa trong lúc giận dữ, mà Bùi Hằng chỉ nhằm vào những gã đàn ông chẳng rõ xuất xứ, chỉ cần đeo cái băng đỏ vào tay là có thể xông vào trấn áp thô bạo, thậm chí đánh đập người biểu tình, nhồi nhét họ lên xe buýt bất kể người già hay trẻ nhỏ. Ngay những cảnh sát cơ động trang bị đầy đủ, chỉ đứng nhìn cũng có người đã rưng rưng nước mắt trước cảnh nồi da xáo thịt đó.
Tuy nhiên ngay sau khi cơn giận dữ đã lắng xuống, sau khi có những bài báo chỉ trích cô ấy, Bùi Hằng không nói tục một lần nào, kể cả những khi bị công an mặc thường phục chửi bới cô ấy thô tục không kém ngay trong đồn. Có chăng cô ấy dám nói thẳng những gì mà chính quyền không ưa thôi. Nếu nói về chửi tục, ai dám nói trong đời mình chưa một lần chửi tục? Thậm chí công an khi còn đang mặc quân phục trên người, còn công khai chửi tục nữa là. Như vậy chính quyền cho rằng nếu được giáo dục, cải tạo, Bùi Hằng sẽ trở thành một công dân ngoan ngoãn, chỉ biết ngợi ca cuộc sống, hoặc không thì cũng phải hiền lành, nhẫn nại như một chú cừu chăng?
Sau khi phỏng đoán thế, rồi tìm hiểu cái hình thức cải tạo, giáo dục ấy, mặc dù chưa đầy đủ, nhưng cũng khiến cho mọi người ai nấy đều giật mình. Tức là chính quyền cho ai là kẻ gây rối trật tự công cộng, sẽ có quyền lôi kẻ đó vào trại cải tạo để giáo dục họ? Sẽ không có một phiên tòa nào hết, và kẻ bị cho là gây rối sẽ không có cơ hội để phản đối, chứng minh là mình vô tội. Vừa rồi tìm thấy trên mạng một bài đăng trên báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh ngày 14/12/2010  nói về vấn đề này (kèm theo link dưới đây). Đọc xong thấy hoang mang quá chừng. 
Trong khi chưa tìm kiếm được bất cứ một lời giải đáp chính xác nào về việc bắt giữ Bùi Hằng. Tôi và bạn bè  rất lo lắng về chuyện gia đình và về bản thân cô ấy. Tôi hiểu con đường đi tìm ra sự thật còn rất chông gai. Có người nghi ngờ cô ấy nhận tiền của nước ngoài để phục vụ việc chống đối chính quyền. Việc nào ra việc ấy, nếu có bằng chứng thì người ta đã chả bỏ tù cô ấy ngay tắp lự, đâu cần phải giáo dục cải tạo gì.
Khi chính quyền không công bố rõ ràng những tội danh của những người như Bùi Hằng, hay Người Buôn Gió với những chứng cớ thuyết phục, thì đối với một người trần mắt thịt như tôi, họ vẫn là những người bạn tốt, có nghĩa khí và hơn hết, họ là những con người có tấm lòng nhân hậu, luôn đồng cảm với những kẻ khốn khó, bất hạnh. Trên đời thực tế vẫn có hai loại tòa án. Ngoài tòa án theo pháp luật thì còn có một loại tòa án khác nữa: đó là tòa án lương tâm!
Lạnh quá! Ngồi trong căn hộ kín bưng mà vẫn phải bật thêm cái lò sưởi mini, tôi lại nghĩ về một nơi xa tít đâu đó. Với một người chẳng mấy khi đi đâu xa như tôi thì nó xa xôi lắm, và hẳn là nơi ấy cũng lạnh hơn nhiều lắm. Thương bà bạn tôi biết chừng nào.

Hà Nội đêm 10/12/2011

Xin tham khảo về hình thức giáo dục cải tạo ở đây: 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét