Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

vietsuky - Chép sử Tháng 4-2012

Nguồn vietsuky

Năm 2012. Thời Cộng sản, năm thứ 68

Nhiệm kỳ Trương Tấn Sang-Nguyễn Phú Trọng-Nguyễn Sinh Hùng-Nguyễn Tấn Dũng, năm thứ 2

Tháng 4

Ngày 1. Chính phủ thông báo vẫn chưa nhận được báo cáo của Hải Phòng về kết quả xử lý vụ Đoàn Văn Vươn-Tiên Lãng theo thời hạn 31/3 mà thủ tướng đưa ra ngày 10/2. Trong khi đó, tại hội nghị toàn quốc của báo chí nhà nước, Đỗ Quý Doãn, thứ trưởng bộ Thông tin&Truyền thông, đại diện cơ quan quản lý báo chí, thông báo một văn bản gọi là  "Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2011 và một số nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2012″ đã phê phán: "mặc dù đã được Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông 4 lần nhắc nhở, định hướng nhưng có một số tờ báo vẫn thông tin dồn dập, quá liều lượng cần thiết, mất cân đối với những vấn đề quan trọng khác của đất nước. Đáng lưu ý, trong khi nhấn mạnh sai phạm của chính quyền ở Tiên Lãng, Hải Phòng, lại thông tin 'nương nhẹ' về những vi phạm, sai phạm của ông Đoàn Văn Vươn theo kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng về vụ án này." 

Sau một làn sóng dữ dội phản đối của công luận trong cả tháng trước, bộ trưởng giao thông tuyên bố "nếu được thông qua, đề án phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và phí lưu hành xe vào thành phố giờ cao điểm chưa thể thực hiện ngay trong năm nay". Tuy nhiên, vẫn tiếp tục có rất nhiều bài viết phê phán nặng nề       xung quanh việc thu phí chủ phương tiện giao thông cá nhân.

Có thông tin dự án bô-xít alumin Tân Rai, Lâm Đồng gây nhiều tranh cãi mấy năm qua đang chuẩn bị để tháng 6-2012 chạy thử có tải. Tuy nhiên, cơ quan chủ quản vẫn chưa trả lời được câu hỏi về hiệu quả kinh tế, khi ban đầu thì cho là có, nhưng nay nảy sinh hoàng loạt vấn đề như cảng giành cho xuất khẩu sản phẩm chưa xây, phải bỏ thêm tiền làm đường, chưa hoạt động mà đã xảy ra rò rỉ chất độc hại, v.v..

Ngày 3. Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ra Thông cáo báo chí về vụ Đoàn Văn Vươn.

Sau một thời gian dài dịch bệnh chân tay miệng ở trẻ emViệt Nam gây tử vong cao mà không thuyên giảm, không có biện pháp thích đáng để ngăn chặn, Hội Chữ thập đỏ quốc tế đã cảnh báo tình trạng này đang ở mức báo động khi từ đầu năm tới nay đã có 18.000 trẻ mắc bệnh, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, 15 tử vong.

Trong khi đó, ở Quảng Ngãi cũng xuất hiện một bệnh ngoài da, bên trong chảy máu đường tiêu hóa, suy gan làm chết người, chủ yếu trẻ em, ngành y tế lúng túng.

Theo số liệu mới được công bố, có 1/3 trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị suy dĩnh dưỡng thấp còi.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Campuchia. Một số bình luận cho là việc nước chủ nhà chủ động không đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông vào chương trình là do sức ép, gây chia rẽ của Trung Quốc, trong đó có chuyến thăm của chủ tịch Hồ Cẩm Đào và cam kết giữa hai bên ngay trước và trong khi diễn ra hội nghị. Cũng có những phản ứng cứng rắn của một số thành viên ASEAN, rõ hơn cả là Philippines, như phản đối việc Trung Quốc muốn tham gia vào việc soạn thảo bộ quy tắc hành xử có tính ràng buộc về pháp lý trên Biển Đông (COC).

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn được ban giám khảo Festival Livre et Mer (Sách và Biển) trao tặng giải thưởng lớn cho tiểu thuyết Biển và chim bói cá. Có rất ít báo nhà nước Việt Nam đưa tin này.  Tấn từng bị tập trung cải tạo 5 năm trong một vụ án chính trị lớn có nhiều người bị phạt tù, cải tạo những năm 1960, sau đó có cuốn tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 viết về cuộc sống lao tù nhưng bị tịch thu ngay sau khi phát hành.

Ngày 5. Hai thương gia người Việt ở thành phố Hồ Chí Minh mua được một thị trấn nhỏ ở Mỹ qua một cuộc bán đấu giá.

Viện kiểm sát Phú Yên thay đổi tội danh 18 thành viên trong tổ chức "Hội đồng công luật công án Bia Sơn", bị chính quyền gọi là "phản động", bị bắt vào tháng trước, từ "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo Điều 258 thành tội "Âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79 Bộ luật Hình sự. Chỉ có báo Phú Yên, sau đó là hãng tin nước ngoài đưa tin về quyết định này.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố một bài xã luận thể hiện quan điểm chính thức lúc này về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, phê phán việc Chính phủ Việt Nam vẫn siết chặt kiểm soát hoạt động của xã hội dân sự, trích dẫn vụ xử tù một mục sư mới đây và tuyên bố sẽ tiếp tục thúc giục Việt Nam cho phép các công dân nước mình được thực hiện những quyền làm người mà quốc tế công nhận.

Thanh tra chính phủ cho biết "qua thanh tra đã phát hiện sai phạm, thiếu sót về kinh tế số tiền 30.720 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 3.712 tỷ đồng."  Trong khi đó, báo nhà nước đưa tin về nhiều vụ có dấu hiệu tham nhũng lớn, đặc biệt tại Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Sông Đà, nhiều sai phạm của cán bộ đảng viên dưới nhiều hình thức.

Nam Phi quyết định không cấp phép săn tê giác cho những người mang quốc tịch Việt Nam với lý do tình trạng buôn bán sừng tê giác ở Việt Nam gia tăng mạnh, không có gì đảm bảo những người đi săn sẽ vi phạm quy định bằng cách bán lại sừng tê giác với giá đắt hơn vàng. Còn Đài Loan thì cảnh báo nguy cơ sẽ hạn chế tiếp nhận lao động Việt Nam, trong đó có lý do tình trạng bỏ trốn ngày càng tăng.

Ngày 9. Thông tấn xã Việt Nam đưa tin người phát ngôn bộ ngoại giao lên tiếng phản đối việc Trung Quốc bắt đầu cho du lịch đến đảo Đá Bắc quần đảo Hoàng Sa. Trước đó mấy ngày, Cục Du lịch quốc gia Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ thông tin là có hoạt động du lịch này.

Quy định mới để Ngân hàng nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng và kinh doanh vàng miếng với lý do nhằm "ổn định thị trường ngoại hối, tỉ giá VND/USD và sức mua VND" nảy sinh nhiều ý kiến thắc mắc, gây khó khăn, thiệt hại cho người dân và nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng lâu nay.

Mặc dù là báo của nhà nước, bị quản lý ngặt nghèo tất cả những nội dung phản ánh mặt trái xã hội, thế nhưng cũng đã có quá nhiều những thông tin phản ánh tình hình kinh tế xấu đi nghiêm trọng, từ nông nghiệp, ngư nghiệp,  cho đến các doanh nghiệp, các ngân hàng nợ xấu cao ngày càng nhiều. Lúa trúng mùa rớt giá, sắn mất mùa, mía thu hoạch không bán được vì đường tồn kho quá lớn, báo động tình trạng người trồng cà phê đang chặt bỏ để trồng điều, rau quả xuất đi EU bị trả lại vì nhiễm sâu, bệnh, chăn nuôi bấp bênh vì nạn sử dụng chất cấm tràn lan không bị kiểm soát, rất nhiều thông tin báo động về tình trạng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm kém … Số doanh nghiệp phá sản ngày càng nhiều liên quan tới nông, ngư dân cùng góp phần ảnh hưởng thêm. Trong khi đó, ngày càng nhiều thông tin về việc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lợi dụng kẽ hở pháp luật, chính sách để trốn thuế, giành lợi thế với doanh nghiệp trong nước, hàng trăm doanh nhân nước ngoài bỏ trốn vì nợ không trả được. Nhiều phân tích cho thấy hậu quả sâu xa là từ chính sách kinh tế vĩ mô, tình trạng làm ăn thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước nhưng vẫn được o bế.

Từ tình trạng hơn 50.000 án dân sự tồn đọng lâu không thi hành án được vì nhiều lý do, Bộ Tư pháp đang chuần bị đề nghị Quốc hội cho xóa nợ hoàn toàn.

Cả báo chí nhà nước lẫn nước ngoài, trên mạng tự do vẫn đưa nhiều tin, bài về nhiều vụ việc công an sử dụng bạo lực quá mức, vi phạm pháp luật với người dân hoặc những nghi can chết không rõ nguyên nhân tại nhà tạm giam của công an.

Ngày 12. Một cuộc họp hiếm hoi về thành phần đông đảo và cao cấp của lãnh đạo Thanh tra chính phủ, Bộ Công an, Ủy ban tỉnh Hưng Yên, … với những người nông dân của một xã thuộc huyện Văn Giang khiếu kiện đất đai dai dẳng từ lâu mà không được giải quyết thỏa đáng. Trong mấy ngày trước cũng có cả ngàn lượt nông dân kéo lên thủ đô Hà Nội khiếu kiện việc thu hồi đất đai. Báo chí nhà nước im lặng, chỉ có báo, đài nước ngoài và các trang mạng tự do đưa tin, hình ảnh, âm thanh.

Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng kết thúc chuyến thăm Cuba, nhưng bất ngờ không thăm Brazil như kế hoạch, lý do chỉ được Thông tấn xã Việt Nam cho biết muộn màng, ngắn gọn là "do có khó khăn đột xuất của phía Brazil".

Một bài thuyết giảng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam do tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc trong chuyến thăm Cuba được báo nhà nước Việt Nam đăng lại nhưng đã bị nhiều bài viết trên mạng tự do mỉa mai, coi đó như là tiếp tục cho sự dối trá, cố bưng tai bịt mắt trước thực tế thất bại hoàn toàn của mô hình xã hội chủ nghĩa và sự phi lý của mô hình kinh tế được gọi là "thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" mà Việt Nam đang thực hiện suốt 30 năm qua, mang lại bao nhiêu hậu quả xấu cho đất nước trên tất cả mọi lĩnh vực. Có những bài viết và nhiều lời bình luận trên mạng quy cho việc Brazil bất ngờ khước từ đón tiếp Trọng cũng là từ nội dung bài thuyết giảng này.

Người phát ngôn bộ ngoại giao lại lên tiếng yêu cầu Trung Quốc thả vô điều kiện 21 ngư dân Việt Nam bị nước này bắt giữ trái phép từ đầu tháng trước. Trong khi đó vẫn không thấy báo chí đưa tin kết quả xử lý 2 tàu Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển Khánh Hòa cũng trong tháng trước.

Trong lúc liên tục có nhiều thông tin liên quan tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước xung quanh bằng hoạt động kinh tế và tuyên truyền, báo chí nhà nước Việt Nam cũng có nhiều tin bài về vấn đề này, thì trên mạng tự do vẫn có không ít thông tin và bài viết phân tích, chỉ trích những dấu hiệu được cho là đáng ngờ, hèn hạ thỏa hiệp, trấn áp những ai lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền. Ngày càng nhiều những trí thức, nhà báo, cựu quan chức nằm trong số những người lên tiếng phản đối.

Liên quan chuyện biểu tình từ năm ngoái chống Trung Quốc gây hấn trên vùng biển đảo của Việt Nam, báo, đài của thủ đô bất ngờ tung ra hàng loạt bài xỉ vả, bới móc đời tư Bùi Thị Minh Hằng, nhân vật tích cực nhất trong các cuộc biểu tình. Trên mạng tự do lập tức có nhiều bài viết chỉ trích hành động này của chính quyền Hà Nội, trong số các bài viết có cả của tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc.

Những tin tức về thay đổi nhanh chóng theo chiều hướng dân chủ ở Myanmar cũng được báo nhà nước đăng tải mà có vẻ như ít có sự ngăn cản nào từ phía cơ quan quản lý của nhà nước.

Ngày 15. Thực hiện tăng viện phí đồng loạt trong cả nước. Có khoảng 447 dịch vụ y tế tăng giá, mức tăng từ 3-20 lần so với giá hiện hành.

Một vụ sạt lở bãi đất đá thải của mỏ than ở Thái Nguyên đã vùi lấp 10 hộ dân, 6 người chết.

Vẫn tiếp tục có nhiều tin bài về tình trạng bạo lực học đường, giữa trò với nhau, giữa thầy cô với nhau, với trò, học sinh tự tử và lối giáo dục phản khoa học trong đó có o ép học quá mức. Trong khi đó có hiện tượng gây tranh cãi, lo ngại khi nhiều thanh niên si mê quá mức thần tượng là các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh nước ngoài, chủ yếu là Hà Quốc.

Rộ lên thông tin trên báo đại biểu quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến từng không minh bạch khi khai lý lịch, cụ thể là không khai rõ là đảng viên và về người chồng cũ bị truy nã.

Ngày 19. Một người đàn ông ở Kiên Giang bị bắt với cáo buộc tham gia vào một tổ chức người Việt ở nước ngoài để âm mưu lật đổ chính quyền.

Thông tin về một bản dự thảo nghị định về quản lý Internet thu hút nhiều mối quan tâm khi trong đó có nội dung buộc tất cả người dùng phải khai danh tính thật. Tổ chức Nhà báo Không biên giới RSF lập tức yêu cầu Việt Nam chấm dứt những kiểm duyệt Internet trong đó có nghị định này.

Ngày 20. Trung Quốc thả 21 ngư dân Việt Nam bắt giữ 49 ngày trước do họ đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa với lý do đó là vùng lãnh hải của Trung Quốc. Không nghe nói họ bị phạt tiền như đòi hỏi ban đầu của phía Trung Quốc, nhưng bị giữ lại một chiếc tàu và phải viết cam kết sẽ không vi phạm. Hãng thông tấn của nhà nước Việt Nam đưa tin rất sơ sài, không có tình tiết các ngư dân phải viết cam kết, lại còn dùng từ "từ Trung Quốc trở về" trong khi họ bị giam ở Hoàng Sa là quần đảo mà Việt Nam luôn tuyên bố thuộc lãnh thổ của mình. Một số bao đăng lại nguyên văn,

Một bài trên báo Tuổi trẻ cho biết Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng vừa công bố kết quả kiểm tra đập thủy điện Sơn La, trong đó có đề cập về một vết nửa ngang thân đập. Tháng 9-2008 đã rộ lên thông tin có nhiều vết nứt trên đập này.

Đang có nhiều bàn luận về mức lương sẽ tăng vào ngày 1 tháng 5 không đáng kể so với mức lạm phát thì giá xăng lại tăng.

Sau khi có tin ngày 17/4 tòa sẽ xử blogger Điếu Cày, người nổi tiếng đi đầu tranh đấu cho chủ quyền biển đảo, chống Trung Quốc từ 2007, cùng 2 người khác trong Câu lạc bộ Nhà báo tự do, rất nhiều bài viết trên báo nước ngoài và trang mạng tự do bình luận về sự kiện này.

Ngày 24. Một cuộc cường chế đất đai lớn chưa từng thấy do chính quyền huyện Văn Giang, Hưng Yên tổ chức, phản ứng chống đối của nông dân cũng quy mô, đông đảo, quyết liệt chưa từng thấy trong mấy chục năm qua. Hàng nghìn công an, nhân viên mặc thường phục đụng độ với hàng nghìn dân làng. Báo đài nhà nước đưa tin sơ sài, có bài đăng lên mạng rồi lại bị gỡ xuống. Trong khi đó báo nước ngoài, trên mạng tự do đưa tin, ảnh, video rất nhiều, nhanh chóng, thái độ chung đều phê phán cách thực hiện cưỡng chế và nghi ngờ động cơ. Không nghe nói có thương vong, nhưng có 20 người dân bị bắt.

Ngày 24, người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố phản đối việc Trung Quốc đưa ra "Quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc" giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030, chia biển Đông thành 7 khu vực, gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. 2 ngày sau, Trung Quốc lại tuyên bố nước này đã thông qua dự án xây một cầu tàu tại quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Sau 2 năm xảy ra gần 400 vụ cháy xe máy, xe hơi, liên bộ Công an, Khoa học-Công nghệ, Công Thương, Giao thông Vận tải đã họp báo công bố nguyên nhân bước đầu nhưng vẫn không rõ ràng, không làm dư luận thỏa mãn, đặc biệt cho là không có vụ nào do chất lượng xăng dầu, trong khi có những nghi vấn thủ phạm là xăng.

Ngày 27. Chính quyền bất ngờ trả tự do cho Bùi Thị Minh Hằng, người nổi tiếng vì tham gia tích cực các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông, bị bắt tập trung cải tạo 5 tháng trước, vừa bị báo đài thủ đô đột nhiên có hàng loạt bài bới móc xỉ vả đời tư 2 tuần trước. Chỉ có 2 báo của thủ đô đưa tin ngắn gọn, nêu lý do thả là vì "chính sách khoan hồng", "nhân ngày lễ lớn", gia đình có đơn đề nghị. Trong khi đó trên mạng tự do lại mỉa mai những lý do này, cho đây là một thắng lợi của áp lực trong, ngoài nước mạnh mẽ, thắng lợi của xu thế chống hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc.

Một buổi lễ long trọng được nhà nước tổ chức tại thủ đô để công bố và đón nhận danh hiệu cho Vịnh Hạ Long là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên trên thế giới, tiếp theo là một lễ nữa tương tự diễn ra ở Quảng Ninh. Quanh những hoạt động lấy chữ ký, tuyên truyền cho danh hiệu này đã có rất nhiều bài viết phê phán, nghi ngờ không chỉ trên mạng tự do mà cả báo chí nhà nước về tính giả dối, háo danh, tốn kém quá mức và không minh bạch. 

Một thống kê của công an cho biết 5 năm qua phát hiện gần 2.600 vụ buôn bán người, 4.500 đối tượng tham gia, hơn 5.750 người bị lừa bán, 60% số vụ mua bán là sang Trung Quốc.

Ngày 28. Một cuộc bạo động lớn và theo cách thức chưa từng thấy ở Việt Nam đã nổ ra tại một trại giam ở Khánh Hòa bắt nguồn từ việc cán bộ trại đánh chết một phạm nhân. Chỉ có 2 tờ báo nhà nước đưa tin rất ngắn, không rõ ràng, trong khi tin tức của nhà báo cung cấp được đăng lên không chính thức tại một trang mạng cho biết cuộc bạo động lôi cuốn khoảng 2 nghìn phạm nhân, chiếm trại, lãnh đạo từ bộ công an đã phải từ Hà Nội tức tốc vào thương thảo mới ổn định được tình hình.

Từ ngày 28, báo trong nước mới loan tin do công an cung cấp về một thành viên đảng Việt Tân nhập cảnh bị bắt giữ từ ngày 17, kết tội định "thực hiện ý đồ của tổ chức khủng bố "Việt Tân", thực hiện kế hoạch kích động biểu tình, khủng bố nhằm phá hoại lễ kỷ niệm 30/4 và 1/5 năm 2012 tại Tp. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố". Trong khi đó, phía đảng Việt Tân đã phủ nhận các cáo buộc, chính quyền Hoa Kỳ luôn nhìn nhận đảng này hoạt động ôn hòa, đấu tranh cho nền dân chủ Việt Nam thông qua các biện pháp hòa bình. 

Nhân ngày 30-4, rất nhiều bài viết trên mạng tự do tập trung bàn về chủ đề hòa giải dân tộc. Phía nhà nước cũng không tổ chức rầm rộ như những năm trước, báo chi ít bài ca ngợi chiến thắng hơn.

.

———-

Tư liệu tham chiếu cho chép sử tháng 4-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét