Giai cấp chính trị mới của Trung Quốc: người dân
Elizabeth C. Economy, Council on Foreign Relations, 26 tháng Bảy 2012
Trần Ngọc Cư dịch
Nhân viên cứu hộ và người dân đứng cạnh chiếc xe bị mắc kẹt đang được kéo khỏi một đường phố bị ngập nước bên dưới cầu vượt Quảng Cừ Môn trong cơn mưa to ở Bắc Kinh ngày 21 tháng Bảy, 2012. (Joe Chan / Courtesy Reuters)
Quyền lực đã bắt đầu đến tay người dân Trung Quốc (TQ). Khi các quan chức chóp bu của TQ đang hội họp tại Bắc Đới Hà để đúc kết việc lựa chọn ban lãnh đạo mới cho đất nước, đầu óc họ còn bị ám ảnh bởi một giai cấp chính trị khác ngày càng có sức mạnh – đó là người dân TQ. Từ Bắc Kinh đến Giang Tô đến Quảng Đông, công dân TQ đang vận động để tiếng nói của họ được lắng nghe trên Internet và hành động của họ được cảm nhận trên đường phố. Chẳng hạn trong vụ ngập nước khủng khiếp tại Bắc Kinh vào cuối tuần qua. Cho đến thời điểm này, theo ước tính của chính quyền địa phương, vụ ngập nước này đã gây ra 1,88 tỉ đôla thiệt hại, khiến 65.000 cư dân phải sơ tán và 77 người thiệt mạng. Chính quyền địa phương rõ ràng thiếu chuẩn bị: hệ thống báo động trước không hoạt động; tin tức cho biết nhân viên cảnh sát bận viết giấy phạt cho các xe cộ bị bỏ lại trên đường hơn là giúp đỡ người dân đang cần cứu hộ; và công nhân tại các trạm thu lộ phí vẫn tiếp tục thu tiền khi dân chúng hốt hoảng cố thoát con nước đang dâng cao. Sự chỉ trích của người dân đối với cách thức chính phủ đối phó cuộc khủng hoảng này vẫn tiếp diễn không khoan nhượng, và ngay cả tờ Hoàn cầu Thời báo của Nhà nước cũng nói rằng uy tín của chính phủ bị thiệt hại vì đã đáp ứng yếu ớt trước sự mong đợi của dân chúng.
Nhưng trong những biểu hiện đáng lưu tâm, sự thụ động của chính phủ đã trở thành một câu chuyện phụ. Người dân Bắc Kinh không ngóng cổ chờ mong các quan chức làm theo lẽ phải. Như tờ Thời báo Kỹ thuật số Trung Quốc (China Digital Times) mô tả, diễn đàn xã hội Weibo đã trở nên sinh động vì những lời đề nghị giúp đỡ như: "Tôi ở gần Cổng Đông đền Thiên Đàn. Nếu bà con nào gần đó cần nghỉ ngơi, xin mời đến nhà tôi…"; "Văn phòng tôi ở Tả Gia Trang A2 Vườn Hữu nghị Bắc Kinh 1-6H. Chúng tôi có nước, chút thức ăn, TV, máy vi tính, wifi, giường, ghế xôfa, bộ bài Tam Quốc Sát và vòi tắm nóng! Tất cả miễn phí!..." Hàng trăm người đã lái xe đến sân bay Thủ đô Bắc Kinh để ra sức giúp đỡ trên 80 ngàn hành khách bị mắc kẹt tại đó.
Đi về phía Nam duyên hải TQ, một dạng thức khác của quyền lực người dân đã bắt đầu xuất hiện, một thế hệ mới những nhà hoạt động chính trị đang thành hình. Tại huyện Khải Đông, tỉnh Giang Tô, những lo ngại về y tế cộng đồng đã thúc đẩy hàng ngàn học sinh trung học và các thành phần khác tổ chức biểu tình để ngăn chặn việc xây cất một nhà máy xử lý nước cống mới. Nhờ Internet, học sinh đã tìm được sự khích lệ từ cuộc biểu tình vào tháng Sáu tại huyện Thập Phương, tỉnh Tứ Xuyên, nơi hàng ngàn người (kể cả học sinh trung học) đã chặn đứng kế hoạch xây một nhà máy hợp chất đồng-molybden. Với cuộc biểu tình tại huyện Khải Đông được dự trù diễn ra vào thứ Bảy này [28-7], các quan chức địa phương đang làm việc ngoài giờ để chặn đứng cuộc xuống đường, thậm chí còn kêu gọi các giáo viên đang nghỉ hè phải trở về để buộc học sinh phải ở nhà.
Đi thêm về phía Nam, tại huyện Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, nông dân TQ một lần nữa đã xuống đường trong một nỗ lực kiếm tìm công lý, chống lại tệ tham nhũng của quan chức địa phương và nạn cưỡng chiếm đất đai bất hợp pháp. Ở đây cũng thế, Internet tỏ ra là một yếu tố quyết định: người dân địa phương phát hiện trước tiên các vụ bán đất bất hợp pháp nhờ đọc các website chính phủ.
Quan chức TQ đang tìm phương cách hữu hiệu nhất để lèo lái một hiện tượng ngày càng phổ biến là quyền lực của người dân đang được thể hiện qua Internet. Chắc chắn là, các quan chức đang ra sức vận dụng công nghệ thông tin này để gửi thông điệp của chính mình đến người dân. Nhiều quan chức và văn phòng chính phủ có tài khoản (account) trên mạng Weibo mà họ có thể sử dụng để liên lạc trực tiếp với cử tri của mình: trong một huyện của tỉnh Chiết Giang, một bài kiểm tra về khả năng viết (writing test) trên mạng xã hội Weibo hiện nay được đưa vào kỳ thi thăng thưởng cho các viên chức địa phương. Và, mặc dù các cơ quan kiểm duyệt của Đảng đã phản ứng mạnh tay đối với các chỉ trích liên quan việc thành phố Bắc Kinh đối phó nạn ngập lụt vừa qua, người phát ngôn của thành phố Bắc Kinh, bà Vương Huệ, đã dùng tài khoản cá nhân để trả lời những lo lắng của người dân một cách tương đối cởi mở và trực tiếp. Bà gọi những bất bình của người dân là "rất bình thường" và nhìn nhận rằng chính phủ còn nhiều thiếu sót.
Một số quan chức trong ban lãnh đạo Đảng cũng nhìn nhận rằng thách thức mà họ đang gặp phải trong việc xây dựng một guồng máy quản trị quốc gia hữu hiệu không phải chỉ là đưa ra các thông điệp hay ho. Tại một cuộc họp các bí thư thành uỷ mới đây, ông Lý Nguyên Triều, người trông coi việc bổ nhiệm các quan chức, trong địa vị là người đứng đầu Ban Tổ chức Đảng và có khả năng vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, đã nói rất mạnh về nhu cầu là các bí thư đảng bộ địa phương phải "hiểu và tuân theo ý dân". Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh các quan chức phải hiểu rằng trên cơ bản họ chỉ là "đầy tớ của dân" và rằng sự thoả mãn của người dân là cái thước cơ bản nhất để đo công tác của các quan chức.
Thông điệp của Lý Nguyên Triều là điều được đưa ra nhiều lần trong những năm gần đây, nhưng rõ ràng là ít có hiệu quả. Nhưng, hình như những tác nhân chính trị mới của đất nước – người dân Trung Quốc – đã nghe qua thông điệp của họ Lý và càng muốn lên mạng xuống đường để cho các quan chức địa phương biết rằng họ không thể quên nó.
E. C. E.
Elizabeth C. Economy là nhà nghiên cứu thâm niên thuộc Chương trình C.V. Starr và là giám đốc Ban Nghiên cứu châu Á tại trung tâm nghiên cứu chính sách Council on Foreign Relations tại Hoa Kỳ.
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét