Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

RFA. Những nhạc sĩ gốc Huế

Nguồn RFA
Thưa quí vị, mới đây, chúng tôi nhận được một bài viết do đồng nghiệp gửi tặng về những nhạc sĩ gốc Huế, bên dưới có chữ ký của ông Nguyễn Văn Chánh ở Montreal. Chương trình âm nhạc cuối tuần thấy đây là một sưu tập rất có ý nghĩa và xin dành chương trình âm nhạc hôm nay để điểm lại một số nhạc sĩ tiêu biểu của xứ Huế mộng mơ và những bài hát nổi tiếng của các tác giả.

Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương

Ca khúc bất hủ Thu Ca của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương qua tiếng hát ca sĩ Ngọc Hạ
Phạm Mạnh Cương sinh năm 1933 tại Huế. Từ nhỏ ông đã say mê âm nhạc Tây phương và yêu thích các ca khúc của Đoàn Chuẩn - Từ Linh.
Sau khi thi đậu Tú tài ở Huế vào năm 1953, ông ra Hà Nội theo học Cao đẳng Sư phạm. Ông tốt nghiệp Cử nhân văn khoa năm 1955.
Suốt một quãng thời gian dài từ 1958 đến 1975, ông vừa đi dạy học vừa sáng tác nhạc, cũng như tham gia nhiều hoạt động âm nhạc khác nhau.
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, Phạm Mạnh Cương ở lại Việt Nam. Đến năm 1980, ông cùng hai con vượt biển từ Cà Mau rồi định cư tại Montréal, Canada.
Một số nhạc phẩm tiêu biểu của ông như: Mắt Lệ Cho Người Tình, Tóc Em Chưa Úa Nắng Hè, Thương Hòai Ngàn Năm hay Thu Về Trong Mắt Em.

Nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng

Là bạn đồng khóa với nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng cũng là người con đã làm rạng danh cho cố đô Huế.
Ông sinh năm 1932 tại Huế, ông đã từng học đàn với nhạc sĩ Lê Quang Nhạc, Văn Giảng, Hùng Lân và sau này, ông cũng theo học Cao đẳng sư phạm và đại học văn khoa tại Hà Nội. Ông tham gia giảng dạy một thời gian tại các trường Trần Lục và Nguyễn Du và khoảng thời gian này, những năm 1960 – 1963, ông đã cho ra đời 2 tác phẩm tiêu biểu là Mưa Đêm Ngoại Ô và Bước Chân Chiều Chủ Nhật. Ngoài ra, ông còn được biết đến nhiều qua các tác phẩm khác như: Vòng Tay Giữ Trọn Ân Tình, Xin Dìu Nhau Đến Tình Yêu và bản trường ca Những Người Đi Giữ Quê Hương.
Nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng cũng từng nhập ngũ trường võ bị Thủ Đức và làm việc cho Phòng Văn Ngệ Cục Tâm Lý Chiến. Năm 1980, ông vượt biên và định cư tại Hoa Kỳ.
Hôm nay, mời quí vị, cùng nghe lại nhạc phẩm nổi tiếng của ông Mưa Đêm Ngoại Ô qua tiếng hát Tuấn Vũ

Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo

LeMongBao-250.jpg
Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, ảnh chụp trước đây. File photo.
Một trong những tên tuổi khác của nền âm nhạc Việt Nam xuất thân từ Huế là nhạc sĩ Lê Mộng Bảo.
Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo sinh năm 1923 trong một gia đình nho giáo gốc Minh Hương. Khi mới 17 tuổi, ông đã xa gia đình sống tự lập. Ông ra Bắc làm việc cho tờ báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, ông học chữ Hán với cụ Phan Bội Châu và học nhạc với nhạc sĩ Đặng Thế Phong và Nguyễn Văn Thương.
Năm 1955, nhạc sĩ Lê Mộng Bảo cho ra mắt tạp chí "Sóng Nhạc". Đây là tờ báo đầu tiên của Việt Nam về ngành tân nhạc, kịch, và trở thành diễn đàn của giới ca, nhạc và kịch sĩ lúc bấy giờ.
Ngoài lãnh vực tân nhạc, ông còn soạn những bài tân cổ giao duyên và vọng cổ. Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo có khoảng hơn 50 tác phẩm, trong đó có thể kể đến: Đập Vỡ Cây Đàn, Con Mẹ Đã Về, Chiều Viễn Xứ hay Nửa Đêm Thức Giấc…

Nhạc sĩ Châu Kỳ

Trong số hàng chục nhạc sĩ gốc cố đô, nếu không kể đến nhạc sĩ Châu Kỳ quả là một thiếu sót. Ông là một nhạc sĩ thành danh trước năm 1975 tại Việt Nam. Sinh ra trong một gia đình sống bằng nghề cổ ca, nên ông rất am hiểu cổ nhạc miền Trung. Kết hợp với việc học nhạc của sư huynh Petrus Thiều, một tu sĩ giỏi về nhạc lý và sáng tác cũng như các nhạc cụ Phương Tây, nên nhạc sĩ Châu Kỳ rất mau tiến bộ.
h4b-250.jpg
Nhạc sĩ Châu Kỳ và Vợ, ảnh chụp trước đây. File photo.
Ông đã từng bị mật thám Pháp bắt giữ khi đang diễn vở Hồn Lao Động tại Lào trong ca đoàn của người chị gái hồi năm 1942. Một năm sau, khi được trả tự do, về tới Huế biết tin mẹ mất trong một cơn lũ, ông đã viết ca khúc đầu tay Trở Về và ca khúc này, được giới yêu tân nhạc rất chú ý. Ngoài ra, nhạc sĩ Châu Kỳ còn để lại cho đời hơn 200 ca khúc khác, trong đó phải kể đến: Bỏ Phố Lên Rừng, Được Tin Em Lấy Chồng, Giọt Lệ Đài Trang, Sao Chưa Thấy Hồi Âm.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương

Một trong những nhạc sĩ tiên phong cho nền tân nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương cũng là người gốc Huế. Chỉ khi mới 17 tuổi, nhưng tên tuổi của ông đã bắt đầu đi vào làng âm nhạc Việt Nam. Ông nổi tiếng với những ca khúc tiền chiến bất hủ như Đêm Đông, Trên Sông Hương. Năm 1939, ông ra Hà Nội học, và đêm giao thừa của năm đó do không có tiền để về lại Huế, lang thang trên những con phố của Hà Nội mà nhạc phẩm bất hủ Đêm Đông ra đời.
Ngoài ra, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương còn nổi tiếng với nhiều tác phẩm khí nhạc hay viết nhạc cho nhiều bộ phim của Việt Nam. Ông cũng từng có thời là giám đốc nhạc Viện Hà Nội.
Nếu thời lượng chương trình cho phép, chắc chắn, chúng tôi sẽ còn giới thiệu thêm đến quý vị, những nhạc sĩ khác cùng gốc cố đô như: nhạc sĩ Văn Giảng, Ưng Lang, Lê Mộng Nguyên, Thu Hồ, Ngô Ganh, Hoàng Nguyên, Nhị Hà, Lê Quang Nhạc…
Nhưng vì đến lúc ANCT phải chia tay, xin hẹn quý vị vào kỳ tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét