Website của Chính phủ Việt Nam chiều 12/9 đăng công văn thông báo ý kiến của ông Nguyễn Tấn Dũng về xử lý "việc đăng tải thông tin có nội dung chống Đảng và Nhà nước".
Công văn số 7169 /VPCP-NC nêu rõ tên ba trang mạng là Quan làm báo, Dân làm báo và Biển Đông, bị cho là các trang mạng "phản động", " thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch".
Thủ tướng Dũng cho rằng các trang này "bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Đảng và Nhà nước ta, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội" và yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức không xem, không sử dụng, loan truyền và phổ biến các thông tin đăng tải tại đây.
Ngay lập tức, các báo trong nước đồng loạt đăng nguyên văn chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Một số trang "lề phải" cũng mở cuộc chiến trực diện với các trang mạng vẫn bị chặn ở Việt Nam mà nhiều người thực sự chỉ biết tới sau khi đọc thông báo ý kiến Thủ tướng.
Tờ Giáo dục Việt Nam, báo của ngành giáo dục, đăng chùm ảnh nhằm chứng minh " Bấm Quan làm báo đã sai sự thật như thế nào?".
Chùm ảnh này mô tả các 'đại gia' Việt như Trầm Bê, Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh xuất hiện tại nhiều sự kiện, bác bỏ thông tin họ đã bị bắt như nêu trên Quan làm báo.
Tờ Giáo dục Việt Nam cũng nhắc lại tuyên bố của báo Thanh Niên rằng báo này không "tô son trát phấn cho các đại gia' như Quan làm báo đưa tin.
Một tờ báo điện tử khác, PetroTimes, do cựu đại tá công an Nguyễn Như Phong làm chủ biên, cũng bắt đầu chạy loạt bài phóng sự điều tra về Quan làm báo, mở đầu bằng bài Bấm Thủ đoạn "ném đá giấu tay" của "Quan làm báo".
Bài của nhóm phóng viên PetroTimes nói trang blog này là "do các phần tử cơ hội chính trị ở nước ngoài, có sự tiếp tay của một số phần tử thoái hóa biến chất trong nước" lập ra.
Báo này còn khẳng định qua các nguồn thông tin riêng đã nắm bắt được cách thức hoạt động cũng như "dã tâm của các phần tử phá hoại".
'Cơ hội chính trị'
PetroTimes nói Quan làm báo có lối viết suy diễn, bôi nhọ cá nhân, thậm chí là chửi đổng, và rằng "những kẻ cơ hội chính trị đã lợi dụng việc cung cấp thông tin chưa kịp thời của các cơ quan chức năng trong một số sự kiện thời sự để dẫn dụ người đọc vào thế giới tin đồn của Quan làm báo".
Báo của ông Nguyễn Như Phong, cựu phó tổng biên tập tờ Công an Nhân dân, hứa trong số sau sẽ phân tích việc Quan làm báo đã "vẽ ra các cuộc chiến" và bịa đặt, đưa tin sai sự thật như thế nào.
Trong khi đó trang Quan làm báo khẳng định "Quan làm báo từ khi ra đời đến nay nêu cao sự nghiệp chống tham nhũng và lũng đoạn đất nước của chính Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Bố già" còn Dân làm báo tuyên bố sẽ tiếp tục đăng tải "thông tin và quan điểm đa chiều của mọi thành phần nhân dân".
Dân làm báo viết: "Danlambao không chấp nhận và khuất phục trước mọi hành động bịt mồm, bịt mắt, bịt tai của bất kỳ nhà nước, đảng cầm quyền nào. Không ai có quyền phán xét và tự quyết định những gì mà công dân Việt Nam được đọc, nghe và trao đổi".
Hiệu ứng nhãn tiền đầu tiên của chỉ đạo từ ông thủ tướng là lượng người đọc vào các trang mạng được nêu danh tăng vọt.
Căn cứ vào số thống kê trên trang nhất của Quan làm báo, chỉ trong chưa đầy 24 tiếng đồng hồ, số lượt người đọc bài tăng gần một triệu.
"Đáng ra phải cân nhắc liệu quyết định của mình sẽ có hiệu quả hay không. Muốn chặn, nhưng chỉ chặn được ông này bà nọ, có tên tuổi, địa chỉ ở trong nước chứ những trang mạng ảo, đặt ở nước ngoài như thế này thì làm sao mà chặn được?"
Nhà văn, blogger Phạm Viết Đào
Giới quan sát nói rằng chỉ thị trong công văn 7169/VPCP-NC dường như không phải là "quyết định khôn ngoan".
Nhà văn Phạm Viết Đào, người từng công tác trong ngành thanh tra văn hóa-thông tin đồng thời là chủ một blog nhiều người đọc, nhận xét rằng đây chứng tỏ thái độ "thiếu bình tĩnh".
Không khả thi
Ông Phạm Viết Đào nói với BBC: "Thực ra việc ngăn chặn các trang mạng, các trang blog nhạy cảm được thực hiện ở trong nước lâu nay rồi, nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên Thủ tướng nêu đích danh ba trang mạng ảo như vậy".
"Các thông tin đưa trên Dân làm báo, Quan làm báo được dân blog trong nước gọi là "ghê răng", sát ván, trực diện đối đầu, tấn công Thủ tướng, Tổng bí thư... Tất nhiên không ai xác thực được tính chính xác của chúng".
Theo blogger này, việc cấm đoán lại càng tăng tính tò mò trong giới độc giả, "lợi bất cập hại".
"Đáng ra phải cân nhắc liệu quyết định của mình sẽ có hiệu quả hay không. Muốn chặn, nhưng chỉ chặn được ông này bà nọ, có tên tuổi, địa chỉ ở trong nước chứ những trang mạng ảo, đặt ở nước ngoài như thế này thì làm sao mà chặn được?"
"Đưa ra quyết định mà không thực hiện được thì thành ra lại buồn cười."
Ông Phạm Viết Đào bình luận: "Nếu là nhà nước thì nên đi con đường chính thống".
"Mình có những tờ báo lớn, các thông tin chính thức, thì nên cạnh tranh một cách hòa bình, lành mạnh."
Ông nhận xét rằng các blog là xu hướng chung trong thời đại thông tin ngày nay và không thể đi ngược lại dòng chảy này.
"Các cơ quan chức năng vẫn kiểm tra kiểm duyệt các blog một cách ráo riết, nhưng dần dần cũng phải thực hiện theo luật pháp. Vả lại, bản thân những người làm công tác kiểm tra, họ cũng có nhận thức của mình, cái gì đúng, cái gì sai."
"Muốn bưng bít, nhưng có bưng bít được đâu?"
Theo ông Đào, "giả sử ông Thủ tướng, Tổng Bí thư hay Trưởng ban Tuyên giáo có muốn áp đặt ý kiến riêng của mình thì cũng chưa chắc đã thành công. Họ có thể làm như vậy với báo lề phải, nhưng không thể làm với các blog".
Thay vì ngăn chặn các blog cá nhân, cơ quan quản lý có thể xem xét cải thiện hoạt động của báo chí nhà nước.
"Báo chính thống ở Việt Nam đang chết, không bán được, các nhà báo kêu ca rất nhiều. Cung cách quản lý báo chí hiện nay của Nhà nước hoàn toàn không thông minh, không vì phát triển."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét