Ngày mai thứ Hai ngày 24/9, ba blogger nổi tiếng của Việt Nam là Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Phan Thanh Hải (Anhbasaigon) và Tạ Phong Tần (chủ blog Công lý và Sự thật) sẽ ra tòa tại thành phố Hồ Chí Minh về tội 'Tuyên truyền chống Nhà nước' theo điều 88 Bộ luật hình sự.
Đây là phiên tòa đang rất được dư luận trong nước và ngoài nước quan tâm theo dõi sau hai lần trì hoãn, một lần không rõ nguyên do và một lần chỉ vài ngày sau khi bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ Tạ Phong Tần, châm lửa tự thiêu trước trụ sở chính quyền tỉnh Bạc Liêu.
Cả ba blogger này đều là thành viên của Câu lạc bộ nhà báo tự do vốn không được chính quyền thừa nhận. Họ thường xuyên đăng các bài viết chỉ trích chính quyền.
Trước thềm phiên tòa, BBC đã tìm hiểu ý kiến một số nhân vật liên quan.
Hà Huy Sơn - Luật sư biện hộ cho ông Nguyễn Văn Hải
Theo tôi được biết cho đến giờ thì chưa có thông tin gì về sự thay đổi ngày giờ phiên tòa.
Khó đoán được cơ hội của ông Hải và chỉ có thể hy vọng thôi. Tuy nhiên, dựa vào pháp luật Việt Nam và dựa vào những chứng cứ có trong hồ sơ thì tôi tin rằng thân chủ của tôi không phạm tội như bị cáo buộc.
Tôi tin là thân chủ tôi không có tội theo cáo trạng theo khoản 2, điều 88 Bộ luật hình sự.
Tôi có gặp ông Nguyễn Văn Hải hôm thứ Sáu vừa rồi (21/9). Sức khỏe ông không tốt nhưng tinh thần thì ổn định. Mắt kém đi, sắc thái nước da không được khỏe.
Trước đây ông bị giam cùng phòng với hai người nước ngoài. Nhưng nay phòng giam của ông thêm một người Việt Nam nữa là bốn người.
"Tội đó (Tuyên truyền chống Nhà nước) có ghi trong luật pháp Việt Nam. Còn cáo buộc đối với ông Hải có xác đáng không còn phụ thuộc vào hành vi của ông Hải."
Luật sư Hà Huy Sơn
Ông tin tưởng việc làm của mình là không có gì vi phạm pháp luật Việt Nam cả.
Tội đó (Tuyên truyền chống Nhà nước) có ghi trong luật pháp Việt Nam. Còn cáo buộc đối với ông Hải có xác đáng không còn phụ thuộc vào hành vi của ông Hải.
Tuy nhiên, tôi cho rằng tội này có mâu thuẫn với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam tham gia ký kết vào năm 1982.
Tòa xử căn cứ theo pháp luật, còn việc thủ tướng đưa ra quyết định cấm các blog (Quanlambao, danlambao, Biển Đông) thuộc về hành pháp. Các chủ blog bị xét xử không nằm trong danh mục thủ tướng nêu tên.
Dương Thị Tân - Vợ cũ ông Nguyễn Văn Hải
Tôi và gia đình chỉ hy vọng nhà nước Việt Nam thực thi đúng pháp luật. Ở Việt Nam có pháp luật nhưng không bao giờ được thực thi. Điều này đã xảy ra rất nhiều lần đối với tôi và gia đình tôi.
Tôi chắc chắn chính quyền sẽ lấy cớ tôi không còn là vợ ông Hải để không cho tôi dự phiên tòa. Mặc dù tôi không còn là vợ ông Hải nhưng là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Họ (công an) đã vào nhà tôi khám xét, đập phá, thu giữ, cướp bóc tài sản để phục cho vụ án trong khi anh Hải đã không còn ở đó nên đương nhiên tôi là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Tôi còn là người đại diện hợp pháp của các con ông Hải.
"Tôi và gia đình chỉ hy vọng nhà nước Việt Nam thực thi đúng pháp luật. Ở Việt Nam có pháp luật nhưng không bao giờ được thực thi. Điều này đã xảy ra rất nhiều lần đối với tôi và gia đình tôi."
Dương Thị Tân, vợ cũ Nguyễn Văn Hải
Đến giờ này không hề có thông báo hay thư mời gửi đến gia đình chúng tôi để tham dự phiên toà cả. Ngay cả các con tôi cũng không nhận được. Chúng tôi đã gửi đơn nhờ luật sư khiếu nại đến tòa án nhưng họ vẫn không trả lời gì hết.
Công an địa phương gửi thư mời tôi vào lúc 7h30 sáng ngày 24/9 (đúng lúc phiên tòa diễn ra) có mặt tại công an phường 6 quận 3 để làm việc về một số vấn đề liên quan đến việc 'gây rối trật tự công cộng ở Bạc Liêu'.
Họ làm ra việc này là để tôi không thể tham dự phiên tòa.
Tôi đã tham khảo ý kiến luật sư. Luật sư nói họ không được phép làm như thế và tôi có quyền không đi. Nếu thực sự có việc gây rối thì người giải quyết vụ việc phải là công an thành phố Bạc Liêu chứ không phải Sài Gòn.
Bằng mọi cách tôi sẽ đến (phiên tòa) dù họ có thể bắt bớ, xô đẩy, lôi kéo hay đánh đập tôi như những lần trước.
Lúc ông Hải mới bị bắt, họ có đưa tôi vào thuyết phục. Sau thấy không đạt được mục đích thì họ bắt đầu cấm. Từ tháng 6/2009 đến nay họ hoàn toàn cấm không cho tôi nhìn thấy ông Hải.
Lúc nào ông ấy (ông Hải) cũng tin tưởng vào việc mình làm. Ông tin rằng một lúc nào đó những việc đó sẽ được mọi người công nhận.
Bên ngoài sức khỏe của ông tương đối ổn nhưng trong người rất nhiều bệnh. Họ (công an) cũng không giấu diếm gì. Ông Hải đã kể rằng một trung tá có tên Hoàng Văn Dũng đã từng nói rằng 'tao sẽ làm cho mày suy kiệt mà chết' và họ thật sự đã làm như thế.
Người tù sống bằng sự thăm nuôi tiếp tế của người thân. Riêng ông Hải ở thời kỳ đầu luôn không cho gặp người nhà để gửi đồ thăm nuôi tiếp tế.
Ông bị tước đoạt rất nhiều thứ. Thậm chí đến cây bút và giấy để khiếu nại họ cũng không cho. Ông lớn tuổi phải đeo kính mới nhìn thấy chữ nhưng họ cũng tước đoạt luôn.
Gia đình tôi luôn tin tưởng vào ý chí đấu tranh cũng như lý tưởng của ông. Chúng tôi luôn tự hào và ủng hộ ông vì có những việc mà ông Hải làm cho đến giờ này nhà cầm quyền mới dám nói như biển đảo và những gì đã mất vào tay Trung Quốc.
Ông luôn nghĩ những việc ông làm là vì đất nước này và không có gì là tội lỗi.
"Chúng tôi luôn tự hào và ủng hộ ông vì có những việc mà ông Hải làm cho đến giờ này nhà cầm quyền mới dám nói như biển đảo và những gì đã mất vào tay Trung Quốc. Ông luôn nghĩ những việc ông làm là vì đất nước này và không có gì là tội lỗi."
Dương Thị Tân, vợ cũ Nguyễn Văn Hải
Dù bản án có tuyên ở mức hình phạt nào đi chăng nữa, gia đình tôi và chính bản thân ông Hải cũng chuẩn bị kháng cáo vì bất cứ bản án nào dù là nhỏ nhất cũng không đúng với những việc ông ấy làm.
Gia đình chúng tôi luôn được anh em bạn bè ông Hải động viên qua điện thoại hoặc đến nhà. Họ nói việc tranh đấu sẽ có tổn thất, mất mát và sẽ kéo dài. Có những người họ không dám ra mặt mà chỉ gọi điện thoại chia sẻ vì rất dễ bị quy kết và chụp mũ.
Đối với bản thân tôi và con trai tôi bất cứ đi đâu họ đều đi theo, bất cứ làm cái gì họ cũng theo dõi ở ngay bên cạnh. Có những việc rất riêng tư họ cũng để ý đến làm chúng tôi rất khó chịu.
Họ tăng cường theo dõi chúng tôi trong ba ngày gần đây. Tôi ở chung cư trên lầu ba. Họ ngồi ngay ở dưới rất nhiều người để phòng khi cần họ có thể bẻ tay bẻ chân tôi quăng lên xe như họ đã làm rất nhiều lần đối với tôi.
Tạ Khởi Phụng - Em gái bà Tạ Phong Tần
Hai chị em (Tạ Khởi Phụng và Tạ Minh Tú) sẽ đến dự phiên tòa. Tụi tui sẽ đến nhưng không biết trên đường đi có bị chặn hay không.
"Vô trỏng (thăm gặp) kể lại sự việc (mẹ tự thiêu) chị khóc dữ lắm. Khóc nhiều lắm. Buồn lắm. Chị Tần chửi um sùm: 'Lũ cộng sản chỉ giỏi ăn hiếp dân mà hèn với giặc'"
Tạ Khởi Phụng, em gái Tạ Phong Tần
Từ khi chị (Tạ Phong Tần) bị bắt đến giờ họ không thông báo gì hết. Đến khi mẹ chết họ cũng nín thinh. (Chúng tôi) không hay biết về vụ bắt giữ hay phiên tòa. Chỉ có luật sư thông báo thôi. Cho nên đang lo lắng không biết họ có cho vào (dự phiên tòa) hay không.
Đợt đầu lên không cho gặp chị (thăm gặp Tạ Phong Tần). Đợt sau có cho gặp được 30 phút. Vô trỏng kể lại sự việc (mẹ tự thiêu) chị khóc dữ lắm. Khóc nhiều lắm. Buồn lắm. Chị Tần chửi um sùm: 'Lũ cộng sản chỉ giỏi ăn hiếp dân mà hèn với giặc'.
Họ ức hiếp gia đình em. Họ dí mẹ em vào con đường chết. Bây giờ họ dí luôn anh em của em nữa. Không biết dí đến cỡ nào. Dí đến chừng nào chết thì thôi.
Chị Tần ốm yếu xanh xao lắm. Chuyện gia đình như thế thì ai mà không buồn. Nhưng thấy chị cứng rắn và nói là phải cố gắng.
Mọi lần họ (chính quyền) cho công an theo dõi bây giờ cho giang hồ. Hồi qua em đi họ cho ba người đi theo mặt mày xăm vằn vện.
Em cũng thông báo là sau này mà anh em của em có bị ai đánh đập hay có bất cứ chuyện gì xảy ra hay tai nạn là tụi này dàn cảnh không đó.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - Chủ blog Mẹ Nấm
Tôi không trông đợi một bản án thích hợp và thuyết phục bởi vì họ đã bị giam giữ trái phép quá lâu rồi. Bản án duy nhất tôi trông đợi là trả tự do cho họ, xin lỗi công khai và thừa nhận những gì họ làm là đúng ngay trước tòa. Tuy nhiên điều này khó xảy ra vì chính quyền không chấp nhận mình sai lầm.
Tôi trông đợi tất cả những người yêu tự do khác không bị đàn áp, bắt bớ, cưỡng chế lên xe buýt vào ngày mai nếu như họ đến tòa để bày tỏ ủng hộ đối với ba blogger.
Chính những thành viên của Câu lạc bộ nhà báo tự do là một trong những người đi đầu tiên và lót đường rất tốt để trang bị cho những người đi sau như tôi kiến thức về biển đảo, về một phần sự thật và khơi gợi nơi chúng tôi ước muốn được tự do thông tin, được tự do phát biểu chính kiến.
Việc cầm tù những người bày tỏ chính kiến của mình về chủ quyền biển đảo như thế hoàn toàn đi ngược lại tuyên bố chủ quyền của nhà nước Việt Nam hiện tại. Việc cầm tù họ trong thời gian quá dài và không tuân thủ bất kỳ quy định nào của pháp luật hết chứng tỏ các nguy hiểm mà các blogger phải đối diện.
Từ đầu đến cuối những gì ba blogger này làm là không có gì sai. Tự do tìm kiếm thông tin và tự do bày tỏ chính kiến là quyền không ai có thể phủ nhận được hết.
Sáng nay bên phía an ninh có mời tôi đi uống cà phê chỉ để xác minh rằng ngày mai tôi có đi Sài Gòn hay không. Thậm chí họ còn mời tôi buổi tối để đảm bảo rằng ngày mai tôi không có mặt ở Sài Gòn.
"Ngày mai những người có mặt ở phiên tòa và tất cả các blogger cũng như người Việt trên toàn thế giới nói gì về kết quả phiên tòa sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyền tự do ngôn luận của người dân Việt Nam sau này."
Blogger Mẹ Nấm
Nếu một mình tôi nói thì chưa đủ nhưng nếu có 10 người, trăm người, ngàn người nói về việc này thì nhất định nó phải thay đổi. Ngày mai những người có mặt ở phiên tòa và tất cả các blogger cũng như người Việt trên toàn thế giới nói gì về kết quả phiên tòa sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyền tự do ngôn luận của người dân Việt Nam sau này.
Bản thân tôi không sợ hãi (trước hành động đàn áp các blog của chính quyền). Lần đầu tiên chính phủ và các trang báo Nhà nước phải thừa nhận về mặt ảnh hưởng về mặt thông tin của các blog (qua lệnh trấn áp ba trang blog của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng). Đó sẽ là một bước lay chuyển nhận thức của những người tìm kiếm thông tin trên mạng.
Lúc này khác rất nhiều thời điểm của các anh chị blogger đi trước. Người đọc bây giờ biết lựa chọn thông tin và sự thật thì khó che giấu hơn trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét