Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Lê Công Định – Xã Hội Dân Sự Nhìn từ Bản chất

Nguồn danluan

Lời giới thiệu: Thời gian qua có rất nhiều bài viết về xã hội dân sự (XHDS) được đăng tải góp phần khai dân trí về một đề tài rất quan trọng trong công cuộc xây dựng một nền dân chủ thực chất cho đất nước. Bài này được tôi viết lại từ trình bày của anh Lê Công Định – một người khởi xướng của Phong trào Con đường Việt Nam trong thời gian chúng tôi ở cùng nhau tại trại giam Xuân Lộc vào tháng 7 năm 2010. Xin được trân trọng giới thiệu đến các độc giả, thành viên Phong trào Con Đường Việt Nam với mong muốn góp một phần nhỏ vào việc cung cấp kiến thức cần thiết cho công cuộc dân chủ hóa đất nước.

Lê Thăng Long

Lê Công Định – Xã Hội Dân Sự Nhìn từ Bản chất

Cần hiểu XHDS ở cả hai góc độ: tính chất và hình thức.

Về hình thức:

Các tổ chức XHDS (Xã Hội Dân Sự) là bất kỳ cách thức tổ chức hoạt động nào để đáp ứng cho các nhu cầu của xã hội mà không nhằm mục tiêu tạo ra lợi nhuận và nắm quyền trong các bộ máy nhà nước. Như vậy các doanh nghiệp và các đảng chính trị tìm kiếm nhiệm kỳ cầm quyền hoặc các ghế đại diện trong Quốc hội đều không phải là các tổ chức XHDS. Nhưng các tổ chức hoạt động nhằm gây ảnh hưởng đến các chính sách của chính phủ, của quốc hội để đạt được các mục tiêu về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, môi trường…cho một cộng đồng nào đó thì vẫn là các tổ chức XHDS với điều kiện là các tổ chức này không được kiếm lời, kiếm ghế trong các bộ máy nhà nước từ các hoạt động đó. Các tổ chức này thường được biết đến dưới những cái tên như tổ chức phi chính phủ (NGO – non governmentorganization) hay phi lợi nhuận (non – profit organization).

Đây là những hình thức có đăng ký của các tổ chức XHDS với mục đích chủ yếu là để được miễn thuế và có qui mô hoạt tổ chức lớn hơn. Một tổ chức mà được chứng nhận phi lợi nhuận (non-profit status) thì những ai quyên tiền cho nó cũng sẽ được khấu trừ thuế. Khi nó giải thể thì tài sản còn lại của nó không được phép chia cho những người quản lý nó mà phải tặng cho các mục đích từ thiện hoặc chuyển cho những tổ chức có non-profit status khác. Công đoàn cũng là một dạng của tổ chức XHDS có đăng ký.

Tuy nhiên XHDS lại phong phú hơn nhiều nhờ vô số các hình thức không đăng ký. Điều này tạo ra sức sống mãnh liệt của nó, len lỏi vào tất cả mọi ngõ ngách của cuộc sống. Không thể kể hết được các hình thức này. Từnhững câu lạc bộ dưỡng sinh đến hội những người thích xe Vespa cũ, từ những phong trào hippy đến phản đối chiến tranh Việt Nam ở Mỹ,… đều là những hìnhthức hoạt động khác nhau của XHDS.

Về tính chất:

Hoạt động của các tổ chức XHDS chính là việc sử dụng các quyền dân sự của công dân để đáp ứng nhu cầu của mình và giải quyết xung đột lợi ích với những người khác bằng những quan hệ dân sự. Các công dân được tự do sử dụng quyền lập hội, biểu tình, bày tỏ ý kiến để vận động, đòi hỏi các đối tượng khác đáp ứng nhu cầu của mình và cộng đồng. Nếu các đối tượng này vi phạm pháp luật mà xâm hại đến lợi ích của mình và cộng đồng thì công dân có thể khởi kiện các đối tượng đó ra các tòa dân sự. Chúng ta thường nghe nói ở các nước dân chủ, các doanh nghiệp khổng lồ có khi phải bồi thường hàng chục triệu đôla cho một cá nhân vì đã không tuân thủ quy định của luật về an toàn thực phẩm làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cá nhân đó. Một sự kiện tương tự nếu xảy ra ở một nước thiếu dân chủ, đồng nghĩa với nơi đó XHDS hoạt động yếu ớt, thì sự việc có thể sẽ bị hình sự hóa. Người chủ doanh nghiệp có thể bị tống giam vào tù nếu cá nhân bị ảnh hưởng đến sức khỏe là một người thân thế.

Khi mà quyền con người không được tôn trọng và bảo vệ đúng mức thì XHDS sẽ không có sức sống dù nó vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhiều nghiên cứu dẫn ra một cách thuyết phục rằng mức độ về sức sống của XHDS là thước đo của mức độ dân chủ của một xã hội. Và mức độ yếu kém của XHDS sẽ tỷ lệ nghịch với mức độ tham nhũng, cửa quyền và toàn trị. Từ điều này dẫn đến cách dùng tính chất của XHDS để mô tả tính chất tồn tại phổ biến của một xã hội. Người ta thường nói xã hội dân sự hay xã hội công dân để mô tả cho một trạng thái của một đất nước đã phát triển dân chủ, thịnh vượng, văn minh ngược lại xã hội cảnh sát (hay hình sự) được dùng để mô tả cho một tình trạng kém phát triển, tham nhũng, nghèo nàn và lạc hậu của một nước trong một chế độ chuyên chế.

Trong một xã hội mà người dân luôn nghĩ đến nhờ công an hoặc tìm kiếm sự can thiệp hành chính của các cơ quan nhà nước khi giải quyết các xung đột lợi ích của mình thì đó là những biểu hiện đáng lo ngại về sự yếu kém của XHDS và sự hoành hành của xã hội cảnh sát. Không đòi được nợ cũng gọi công an, nghe một bài hát, đọc một tác phẩm mình và nhiều người không thích thì ngay lập tức kêu gọi các cơ quan chức năng vào cuộc. Đây không chỉ là biểu hiện của sự thiếu vắng ý thức công dân để sử dụng quyền con người của mình bình đẳng với người khác, mà còn cho thấy sự bất tin vào hiệu lực của toà án.

Và khi mà cá nhân tham gia vào việc giải quyết xung đột lợi ích lại là những người có quyền lực, thân thế thì chắc chắn một điều là phần thắng luôn thuộc về họ đồng thời với sự bóp méo làm bất công các quan hệ xã hội. Tệ hơn nữa nó làm thui chột mọi sức sáng tạo cho những cái mới ra đời.

XHDS không thể có sức sống và đóng góp vào sự phát triển tốt đẹp của xã hội nếu các quyền con người không được bảo vệ bình đẳng cho tất c ảmọi người. Muốn như vậy thì toà án phải độc lập trong một nhà nước pháp quyền mà trách nhiệm bảo vệ cho từng công dân có thể sử dụng đầy đủ các quyền con người của mình phải là ưu tiên trên hết của nó. Mức độ cấm đoán, xâm phạm các quyền này quyết định mức độ chuyên chế của các chế độ. Các chế độ độc tài (dictatorship, thường do một người) thường chỉ cấm đoán hoạt động của một số tổ chức XHDS như công đoàn, tôn giáo hoặc hạn chế rõ ràng một số các quyền con người như biểu tình, tự do báo chí…

Nhưng các chế độ toàn trị (totalitarianism, thường do một đảng) thì lại tự tổ chức ra tất cả các hình thức giống như XHDS nhưng phải hoạt động theo sự điều khiển của chính quyền. Ở các nơi này không thiếu các công đoàn, cơ quan thông tấn báo chí nhưng nhất mực đều phải chịu sự chi phối hoàn toàn của chính quyền.

Các quyền con người cũng không được công bố rõ là hạn chế như thế nào, nhưng muốn sử dụng các quyền này thì phải thông qua các tổ chức kiểu như trên. Do vậy trên thực tế mức độ cấm đoán các quyền tự do còn nghiêm trọng hơn nhiều so với trong các chế độ độc tài.

Cho nên muốn đánh giá một tổ chức có thực là XHDS hay không thì phải xem xét thực chất từ việc thành lập và hoạt động của nó độc lập đến mức độ nào đối với chính quyền. Tức là phải xem xét vào tính chất chứ không phải hình thức hay tên gọi của nó.

Cần chú ý một điều quan trọng là các tổ chức XHDS nói riêng hay một xã hội dân sự (hoặc xã hội công dân) nói chung là sự hình thành từ dưới lên, chứ không phải áp đặt từ trên xuống. Thông qua việc sử dụng quyền con người để đáp ứng các nhu cầu của mình, các công dân sẽ tự hợp lại với nhau thành từng nhóm. Đầu tiên là nhỏ.

Nhưng nếu thấy cần giải quyết các nhu cầu lớn hơn, phức tạp hơn, cho một cộng đồng to hơn thì sẽ thúc đẩy họ đến sự cần thiết phải hình thành nên một tổ chức có đăng ký để có thể huy động những nguồn lực lớn hơn. Có thể nói đây là sự hình thành tự nhiên trong một môi trường mà quyền con người được bảo vệ bình đẳng. Những quyết định hoặc ảnh hưởng từ nhà nước để hình thành nên các tổ chức có mục đích dân sự thì sẽ không thể là tổ chức XHDS.

Cuối cùng thì quyền con người vẫn là cái gốc, nền tảng cho cả XHDS, nhà nước pháp quyền và thị trường tự do. Do đó Quyền Con Người mới là mục tiêu tối thượng của phong trào Con đường Việt Nam.

Lê Công Định (Tháng 7/2010)
Lê Thăng Long viết lại – tháng 9 năm 2012

Con Đường Việt Nam @ 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét