Ngày 12/09/2012, báo Quân đội nhân dân đăng bài "Tây Nguyên thương nhiều, yêu nhiều và ưu tư cũng nhiều" của hai phóng viên Quang Hồi và Duy Thành, ghi là trao đổi ngắn với nhà văn Nguyên Ngọc. Tôi đọc và kinh ngạc: Tôi bị nhét vào mồm nhiều câu rất vớ vẩn lẫn những ý rất bậy bạ.
Đọc kỹ đôi chút, có thể thấy hai phóng viên này có hai cách chính để sáng tác nên một bài phỏng vấn như sau:
- Một: Tự mình đặt ra một số câu hỏi, rồi dựa vào một số điều nghe loáng thoáng ở đâu đó, đoán mò người được phỏng vấn có thể nghĩ như thế này, thế này …, lấy những đoán mò của họ làm câu trả lời có thực của đương sự, cứ thế đăng đại lên! Chẳng hạn đọan rất sếnh họ cho tôi nói về "Tây Nguyên như bầu sửa mẹ …tạo nên ngôn ngữ văn chương Nguyên Ngọc…"; hoặc đoạn từ ý của anh Trung Trung Đỉnh nói ở Pleiku ngày 4-9 rằng "không ai làm cũ được NN", tưởng tượng và bịa ra toàn bộ câu trả lời rất lảm nhảm của tôi về những cái gọi là "tư duy".
- Hai: Nhặt nhạnh lỏm bỏm một số ý, một số chi tiết trong vài bài viết vào lúc nào đó của người được phỏng vấn, từ đó tự mình đặt ra câu hỏi (mà chính người được phỏng vấn không hề biết), tự mình sáng tác ra câu trả lời, liều lĩnh đăng lên, bất chấp tất cả. Chẳng hạn đoạn họ gán cho tôi nói (một cách ngu dốt) về "hai thành tố (?) Tây Nguyên đặc sắc đó là căn phòng chung và sử thi" … Tôi không hề nói một lời nào với họ về hai chuyện ấy. Tôi viết ở chỗ khác, đàng hoàng, chặt chẽ, và không hề bảo rằng đó là "hai thành tố Tây Nguyên đặc sắc".
Trước đây tôi cũng có làm báo, cũng có thời làm báo quân đội; đã lâu không còn làm báo. Không ngờ báo chí ta, có cả báo quân đội, đã đạt được … tự do đến thế!
N.N.
—–
Tây Nguyên thương nhiều, yêu nhiều và ưu tư cũng nhiều
QĐND – Nhân sinh nhật lần thứ 80 của Nhà văn Nguyên Ngọc, vừa qua, tại thành phố Plei-cu (Gia Lai), bạn bè, đồng nghiệp của nhà văn đã tổ chức mừng sinh nhật ông. Nhân dịp này, Nhà văn Nguyên Ngọc đã có cuộc trao đổi ngắn với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về trăn trở của ông với văn hóa Tây Nguyên, xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.
Phóng viên (PV): Thưa nhà văn, nhắc tới Nguyên Ngọc người ta nghĩ ngay tới Tây Nguyên, vậy điều gì ở Tây Nguyên đã làm nhà văn gắn bó và thành công?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Tôi sinh ra ở Quảng Nam – Đà Nẵng, nhưng tuổi đời đẹp nhất của tôi lại sống, chiến đấu và viết ở Tây Nguyên. Nếu không có Anh hùng Núp, cụ Mết thì không có "Đất nước đứng lên", không có "Rừng xà nu"… và đương nhiên không có Nguyên Ngọc. Chính cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ của đồng bào Tây Nguyên, chính văn hóa Tây Nguyên với những mái nhà rông, tiếng cồng chiêng vang giữa núi rừng, những đêm uống rượu cần nghe già làng kể sử thi… tất cả khiến Tây Nguyên như một bầu sữa mẹ, tạo nên ngôn ngữ văn chương Nguyên Ngọc. Tôi không nhận mình là một tài năng văn chương, tôi chỉ ghi lại hiện thực đời sống nơi núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ thôi.
- Nhà văn từng nói: Giờ mỗi lần trở lại Tây Nguyên, nhớ thật nhiều, thương thật nhiều và ưu tư cũng thật nhiều? Nhà văn ưu tư điều gì về vùng đất, con người Tây Nguyên?
- Về với Tây Nguyên tôi như được trở lại tuổi thanh xuân của mình, tôi được gặp lại những người bạn trong kháng chiến, gặp lại những tên đất, tên làng mà một thời tôi cùng đồng đội và đồng bào Tây Nguyên ngăn bước quân thù.
Nhưng niềm vui chẳng tày gang. Giờ đi về các buôn làng thấy bà con cả đời vì cách mạng, sống, chiến đấu, che chở cho bộ đội đánh giặc trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Ấy thế mà, giờ đây sau bao nhiêu năm đổi mới, bà con nơi đây còn nghèo khổ lắm! Cần phải trả ơn lại đối với đồng bào Tây Nguyên.
Nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh: S.T
Càng nhìn sâu về góc độ văn hóa, tôi càng thấy buồn. Giờ đây, hai thành tố văn hóa Tây Nguyên đặc sắc đó là căn phòng chung và sử thi cũng đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Dù gọi là nhà gươl (Cơ-tu), nhà rông (Ba-na, Xơ-đăng) hay nhà dài (Ê-đê)… thì căn phòng chung ấy là linh hồn của làng và tượng trưng cho tinh thần cộng đồng. Chúng ta dựng lại, tìm những giải pháp kiến trúc cho các căn phòng trong một ngôi nhà Tây Nguyên hóa ra chẳng đơn giản tí nào, chẳng hề đơn thuần là một vấn đề kỹ thuật hay thậm chí một vấn đề thẩm mỹ vì từ vị trí, diện tích cho đến trang trí, đều có căn nguyên và ý nghĩa văn hóa xã hội sâu xa.Một điều nữa, ai cũng biết Tây Nguyên như một mái nhà của Đông Dương. Nhắc Tây Nguyên là phải nhắc đến rừng, văn hóa rừng… nhưng giờ nhìn những cánh rừng tan hoang, núi đồi trơ trọc, tôi buồn lắm. Lúc chiến tranh rừng như là một thứ vũ khí hỗ trợ chiến đấu. Không có rừng thì Tây Nguyên không còn là Tây Nguyên nữa! Sự phát triển kinh tế ồ ạt đã phá vỡ cơ chế xã hội đặc sắc đó là văn hóa làng – rừng của đồng bào Tây Nguyên. Rừng là không gian sinh tồn của làng, mất rừng là mất làng, đồng bào Tây Nguyên không hề có quan niệm tư hữu về cái gọi là hộ gia đình. Chính vì vậy, phát triển ổn định vùng đất Tây Nguyên phải nắm vững tổ chức xã hội của đồng bào Tây Nguyên, hiểu rõ sự bảo tồn không tách rời văn hóa rừng và làng.
Sử thi Tây Nguyên đã thực sự làm kinh ngạc thế giới kể từ khi phát hiện viên ngọc vô giá Trường ca Đam San những năm 20 của thế kỷ trước. Cho đến nay, đã có hơn 200 bộ sử thi được sưu tầm, và người ta không thể giải thích được hiện tượng mật độ sử thi kỳ lạ này ở Tây Nguyên. Nó kỳ lạ không chỉ ở số lượng đồ sộ khó tưởng tượng, mà còn kỳ lạ vô cùng ở cách thức biểu hiện trong đời sống hằng ngày của người Tây Nguyên. Khi kể sử thi, không phải người ta đọc lại một bản sử thi đã thuộc lòng mà người ta nhìn thấy, nhìn thấy tất cả những cái ấy, tất cả những nhân vật, những cảnh tượng ấy. Tôi ngồi một đêm nghe kể sử thi thấy cuộc sống của mình nhân lên thêm vô số lần, sống thêm được bao nhiêu cuộc đời khác nữa. Nhưng giờ thì khác rồi, càng đi, càng nghe, càng thấy buồn là vì thế.
- Nhà văn Trung Trung Đỉnh từng nhận xét: Không có ai có thể làm cũ được Nguyên Ngọc, kể cả thời gian! Nhà văn có nói thêm gì về nhận xét này?
- Đấy là cố gắng của mỗi người. Nhất định nếu mình không tư duy, không suy nghĩ, nhất là sự tư duy ấy không gắn với cuộc sống thì con người dễ cũ lắm! Cái cũ là cái đáng buồn nhất đối với một con người, những suy nghĩ gắn thường xuyên với cuộc sống, từ cuộc sống mình có trách nhiệm, điều đó làm cho tư duy mình mới mẻ. Con người khi trẻ, không cũ trước hết là không cũ trong tư duy. Khi tư duy của mình còn lo lắng, trăn trở về cuộc sống là thể hiện cho mình sức khỏe về tư duy. Có sức khỏe về tư duy mới tạo nên sức khỏe về tinh thần và vật chất.
- Người ta thường nói: Con chim bay mãi cũng mỏi cánh, con ngựa chạy mãi cũng chồn chân. Ở tuổi xưa nay hiếm, điều gì thôi thúc nhà văn tiếp tục lên đường, sống và viết?
- Có lẽ cái còn giữ cho mình, thôi thúc mình là mình vẫn còn thấy mắc nợ. Mắc nợ với đất nước, với nhân dân. Nhân dân hy sinh cho mình biết bao nhiêu mà mình đã làm được cho dân bao nhiêu đâu, bà con mình giờ còn khổ quá! Khi mà còn sự thúc đẩy ấy thì mình không muốn nghỉ, không thể nghỉ được!
- Xin cảm ơn nhà văn
Quang Hồi – Duy Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét