Ðòi cải thiện giam giữ, bị biệt giam ở nhà tù mới lập tại Nghệ An
Nam Phương/Người Việt
LTS: Ông Phạm Văn Trội, 40 tuổi, bị chế độ Hà Nội kết án 4 năm tù hồi Tháng Mười 2009 sau hơn một năm giam giữ. Ông hết hạn tù ngày 11 Tháng Chín 2012 nhưng vẫn còn bị án quản chế 4 năm chứ chưa được hoàn toàn tự do. Ông là thành viên của Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam, một tổ chức đấu tranh cho nhân quyền do Luật Sư Nguyễn Văn Ðài và một số người khởi xướng. Ông bị bắt trong đợt một số người đấu tranh dân chủ ở miền Bắc bị bắt khi treo biểu ngữ chống Trung Quốc bá quyền và chống tham nhũng, đòi dân chủ, dù ông không liên quan. Trong cuộc phỏng vấn của báo Người Việt, ông Trội cho biết về lý do tại sao ông và một số bạn tù bị biệt giam hai lần và bị đưa từ nhà tù này sang nhà tù khác vì đấu tranh đòi cải thiện tình trạng giam giữ.
Phạm Văn Trội và vợ con chụp hình trong vườn nhà, ngày mới ra tù hôm 11 Tháng Chín, tại huyện Thường Tín, Hà Nội. (Hình: Gia đình Phạm Văn Trội cung cấp)
Nam Phương (NV): Chào anh Trội. Sức khỏe anh hiện ra sao?
Phạm Văn Trội: Em bị đau đại tràng. Khi bị bắt chừng nửa tháng thì thấy nó bắt đầu đau, từ đó đến giờ. Họ cho thuốc giảm đau, mấy tứ thuốc lăng nhăng rồi nói em bị đau đại tràng. Ðiều kiện y tế trong trại giam thì nó không làm được những chuyện đó mà đi bệnh viện thì nó không cho đi.
Em sẽ đi bác sĩ kiểm tra lại vấn đề đau đại tràng và đồng thời có những triệu chứng của vấn đề tim mạch bị rối loạn. Huyết áp thì lúc lên 150 lúc xuống 80, 90.
NV: Có hay khó thở không?
Phạm Văn Trội: Trước kia thì có nhưng dạo sau thì tốt rồi vì em có tập thể dục nên đỡ một chút. Khi huyết áp thay đổi thì hiện tượng tim mạch thay đổi, cơ thể thay đổi mà.
NV: Hồi đó làm sao người ta bắt anh? Anh đâu có tham dự vào những vụ treo biểu ngữ chống Trung Quốc hay có đi biểu tình chống Trung Quốc đâu mà bị bắt? Rồi bị kết án tù 4 năm.
Phạm Văn Trội: Em có quan hệ với các anh em đấu tranh dân chủ ở trong nước. Họ đã ngăn cản em. Sau Tháng Mười Một năm 2006 họ lại càng tăng cường ngăn chặn. Lại có một số bài viết của em tố cáo những hành vi sai trái của họ. Cái vấn đề thứ hai là khi có vụ xử án Ðài với Nhân vào Tháng Ba 2007 thì họ không cho em đi, chận em lại rồi đánh em. Em viết một bài về vụ đó. Vấn đề thứ ba là một loạt sự kiện về sau này, liên quan một số vấn đề trong nước. Nó thấy em càng ngày càng dấn thân thì nó tìm cách ngăn chặn. Ðấy là những chuyện chính, rồi có mấy anh em treo băng-rôn, rải truyền đơn ở Hải Phòng. Ngô Quỳnh mượn máy ảnh của em chụp ảnh những cái đó đưa lên mạng. Khi người ta bắt Ngô Quỳnh thì khai ra là mượn máy ảnh của em. Công an khởi tố luôn em, tưởng em là nằm trọng vụ anh Nghĩa. Nhưng khi điều tra thì thấy em không nằm trong vụ anh Nghĩa mà nó đã khởi tố điều tra rồi thì truy tố chứ không thả ra. Nó nói em cứ nhận một ít tội rồi nó tha nhưng em một tí cũng không nhận vì em bảo em không có tội, ông muốn làm gì ông làm, muốn xử sao thì xử. Chính vì thế nó đem ra tòa. Em cãi với họ nhiều nên nó bắt 4 năm tù.
NV: Luật sư nào cãi?
Phạm Văn Trội: Lúc đầu thì lẽ ra Luật Sư Lê Trần Luật nhưng anh ấy bị người ta chặn lại, lấy bằng nên sau đó Luật Sư Huỳnh Văn Ðông tham gia vào biện hộ cho em.
NV: Thấy vợ Trội kể cho biết có hai lần Trội bị biệt giam, tại sao vậy?
Phạm Văn Trội: Lần thứ nhất vào Tháng Năm 2010. Tại trại tù Nam Hà có đường điện cao thế 500KV trên nóc nhà làm cho anh em tù nhân bị tê buốt ngực, nhồi huyết áp. Ðồng thời sát ngay sau nhà giam có lò gạch đốt than. Mỗi một tháng đốt 3 lần, khói vào buồng không chịu nổi. Ðeo khẩu trang cũng không thở được, mà lại còn bắt lao động nhiều. Tất cả bọn em đấu tranh, tuyệt thực không ăn cơm, đòi không lao động, đòi cải thiện môi trường sống. Bọn chúng thấy bọn em chống đối nên đem chúng em đi biệt giam 3 tháng. Rồi đến Tháng Mười Một 2011 chúng em đấu tranh vì cái hố phân rất gần thối không chịu được. Chúng nó thấy em đấu tranh từ chống cái lò gạch làm chúng mất ăn rồi lại tới vụ này. Chúng đổ tội cho em là tuyên truyền nói xấu đảng, nói xấu quan chức cấp cao ở trong tù. Nó đem em giam cách ly, biệt giam 3 tháng không cho ở chung cùng với các anh em bạn tù khác. Hai lần biệt giam xong thì nó đưa em vào giam tại một trại giam mới ở Nghệ An, nơi nắng gió khắc nghiệt nhất, không giam tiếp tục ở Nam Hà nữa.
NV: Bị đưa tới nhà tù Nghệ An từ bao giờ?
Phạm Văn Trội: Bị đưa vào Nghệ An từ mùng 7 Tháng Ba 2012. Tại nhà tù này cũng bị giam cách ly hoàn toàn với toàn bộ những phần khác của nhà tù, với các tù nhân khác. Tất cả có 10 người tù sinh hoạt trong một khu.
NV: Ngoại Trội ra còn có những anh em tù chính trị nào khác?
Phạm Văn Trội: Cùng bị đưa vào nhà tù mới ở Nghệ An còn anh Nguyễn Xuân Nghĩa. Anh Trần Anh Kim, anh Nguyễn Bá Ðăng và với 4 đồng bào Thượng bị vu cho tội đòi ly khai ở Tây nguyên, cộng thêm hai người bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc. Hai người này tuy là tù nhưng được sử dụng làm ăng-ten, theo dõi và báo cáo bọn em.
NV: Cả bằng đó người bị đưa từ nhà tù Nam Hà vào biệt giam ở nhà tù Nghệ An đấy?
Phạm Văn Trội: Vâng. Ði cùng một chuyến xe. Hiện nay tại Việt Nam họ xây nhiều nhà tù để nhốt, để giam giữ vì vấn đề an ninh. Họ xây thêm bốn, năm cái nữa. Họ phân loại tù nhân ra làm nhiều loại. Loại tù nhân không nguy hiểm nhốt riêng và loại nguy hiểm bị nhốt riêng. Vì xu hướng cần phát triển nên nó phải mở rộng thêm nhiều chi nhánh.
NV: Nhà tù ở Nghệ An thuộc huyện xã nào?
Phạm Văn Trội: Nó ở xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, cách 10km thì tới biên giới với Lào.
NV: Vợ có khi nào vào tới đó thăm không?
Phạm Văn Trội: Tháng nào cũng vào, phải đi xa khổ lắm, mất một ngày một đêm mới về tới nhà. Tất cả 10 người cùng nhóm bị cách ly hoàn toàn nên không hề biết gì khác, không gặp ai để hỏi han di dù biết cái nhà tù ở đây lớn. Người nhà tới thăm thì được dẫn ra, khám đồ khám đạc rồi lại dẫn vào. Nó không cho nói chuyện với ai, hoàn toàn bị giữ bí mật.
NV: Tinh thần và sức khỏe của mấy người đưa vào biệt giam ở nhà tù Nghệ An như em ra sao?
Phạm Văn Trội: Nói chung thì tinh thần vững nhưng sức khỏe cơ thể thì một số anh em bị bệnh. Anh Nguyễn Xuân Nghĩa thì bị u tiền liệt tuyến, bị trĩ rất nặng. Anh Trần Anh Kim thì bị huyết áp. Anh Nguyễn Bá Ðăng cũng bị huyết áp.
NV: Mọi người có bị bắt lao động không?
Phạm Văn Trội: Lúc đầu thì bắt em làm nhưng bọn anh em chúng em phản kháng nên nó chỉ bắt làm cầm chừng, không ép được nữa. Lúc thì nó bắt khâu bóng, lúc thì nó bắt đi đập đá, lúc bắt đan nát đồ mỹ nghệ tre mây.
NV: Có bị bắt làm theo chỉ tiêu không?
Phạm Văn Trội: Ở Nam Hà thì có nhưng ở Nghệ An thì nhà tù mới, có thể nó chưa ký hợp đồng với các doanh nghiệp nên chỉ làm theo kiểu học nghề, đan nát giết thời gian thôi.
NV: Người tù mà không được tiếp tế thì ăn uống thiếu thốn khổ sở lắm?
Phạm Văn Trội: Khó khăn lắm. Các người tù đều sống được nhờ người nhà tới thăm.
NV: Mấy người Thượng Tây Nguyên có được gia đình giúp đỡ gì không hay mình giúp họ?
Phạm Văn Trội: Bọn em giúp họ nhiều hơn là gia đình họ gửi đến. Một tháng họ được gia đình gửi cho 500,000 đồng rồi một ít gói mì tôm, vậy thôi.
NV: Cảm ơn anh đã dành cho báo Người Việt cuộc phỏng vấn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét