Với cái nhìn từ lịch sử, cộng với sự quan sát những nước cờ liên tục của TQ trong thời gian gần đây, nổi lên một vấn đề mà VN không thể không dè chừng, đó là TQ đang chơi những đòn nghi binh lớn.
Có nhà nghiên cứu cho rằng, lịch sử tư tưởng mấy ngàn năm của TQ nằm ở hai chữ "che dấu". Khác với sự cởi mở của người phương Tây, người TQ luôn tìm cách che dấu suy nghĩ của mình, che dấu việc làm của mình, che dấu ý đồ của mình, tức là nói một đằng, làm một nẻo.
Nghi binh là gì? Nghi binh là "giương Đông, kích Tây", đánh lạc hướng đối phương, đánh lừa đối phương. Nghi binh là che dấu ý đồ thực sự của mình, ru ngủ đối phương bằng những động tác giả, để rồi sau đó tung ra một cú đánh quyết định hòng giành thắng lợi. Thông thường, hoạt động nghi binh diễn ra thường xuyên trong lĩnh vực quân sự nhưng đối với TQ, có lẽ không một lĩnh vực nào mà họ không thực hiện chiến thuật ấy – thậm chí, kể cả lĩnh vực hình thái ý thức.
Quả có vậy! TQ nói TQ và VN kiên trì xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng chẳng phải TQ sử dụng công thức "một nước – hai chế độ" để thu hồi Hồng Kông đó sao? Như thế, "chế độ" đâu phải là cái họ đặt lên hàng đầu? Nếu thiếu sự sáng suốt, rất dễ mắc mưu họ. Cho nên, xét cho cùng, "một nước – hai chế độ" là một đòn nghi binh lớn. TQ cho rằng, TQ có thể chung sống với mọi nước trên thế giới có chế độ chính trị – xã hội khác nhau, thế thì tại sao không thể sống chung với Hồng Kông – dù chế độ xã hội khác nhau? Sáng tạo "thiên tài" đó của Đặng đã đưa Hồng Kông trở về TQ. Ở đây, điều quan trọng nhất là chừng nào Hồng Kông trở về TQ, chừng đó TQ có quyền đóng quân đội tại đó. Đây là điều mà Đặng kiên quyết đòi bằng được khi đàm phán với "Bà đầm thép" Thatcher. Đặng lập luận, không có quyền đóng quân tại đó thì còn gì là chủ quyền của TQ? Nếu xẩy ra động loạn lớn thì làm thế nào? Như vậy, đòi quyền đóng quân (tại Hồng Kông) mới là thực, là cốt lõi của "một nước – hai chế độ", cái khác chỉ là nghi binh. Một khi quân đội đã đóng tại Hồng Kông thì TQ hoàn toàn sẽ khống chế được cục diện. Cho nên, Đặng đã vô cùng tức giận và công khai bác bỏ phát biểu của Cảnh Tiêu khi ông này cho rằng trong tương lai TQ không đóng quân tại Hồng Kông. Tuy nhiên, rủi thay (cho TQ), công thức "một nước – hai chế độ" cho đến nay không sao áp dụng thành công đối với trường hợp Đài Loan.
Phải công nhận, TQ là bậc thầy trong những đòn nghi binh lớn. Nhớ lại thập kỷ sáu mươi, bảy mươi thế kỷ trước, mâu thuẫn Trung – Xô ngày càng tăng cao và có thể nổ ra chiến tranh lớn bất cứ lúc nào. Nhận được tin mật LX đang chuẩn bị đánh đòn hạt nhân hạn chế nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân của TQ đúng ngày Quốc khánh, Chu Ân Lai rất lo lắng, lập tức đến Trung Nam Hải gặp Mao Trạch Đông.
- Thưa Chủ tịch, có Thủ tướng đến, đang chờ Chủ tịch ở phòng khách. Giọng nói của một nhân viên công tác cắt ngang dòng suy tư của Mao.
- Ân Lai, ngồi xuống ta nói chuyện. Giọng Mao hồ hởi.
- Thưa Chủ tịch, báo cáo khẩn cấp Chủ tịch đã xem chưa?
- Ờ, xem rồi, cũng vẫn chuyện có thể có chiến tranh hạt nhân thôi mà. Bom nguyên tử lợi hại thật, nhưng kẻ hèn này không sợ. Mao nở nụ cười dửng dưng.
- Thưa Chủ tịch, khả năng LX đánh lén nhân ngày Quốc khánh của ta rất lớn. Ý của tôi, ta có nên nghiên cứu lại cách tổ chức mít tinh quần chúng năm nay?
- Ờ! Không tổ chức mít tinh, tôi thấy không hay lắm! Làm như vậy chẳng phải là bảo với người ta rằng, chúng tôi cũng "hốt"? Mít tinh vẫn phải làm, tôi vẫn phải có mặt ở Thiên An Môn. Với lại tôi cũng muốn mở to mắt, xem xem uy lực của bom nguyên tử rút cục lớn đến chừng nào?
Những câu hỏi dồn dập đến trong đầu Chu. Mấy chục vạn con người tập trung ở quảng trường, có chuyện gì xảy ra, sơ tán thế nào, ẩn nấp ra sao? Mao và các vị lãnh đạo khác trên lầu Thiên An Môn làm thế nào kịp an toàn rút xuống đường hầm? Năm phút, bốn phút hay ba phút sau khi có báo động? Kế sách nào vẹn toàn nhất đây?
Thế nhưng, Mao lại cười cười, bàn thêm:
- Nếu thực sự không yên tâm, xem xem có thể cho nổ thử hai quả bom nguyên tử để doạ họ? Để họ cũng rối rít lên vài ba ngày, chờ mọi việc sáng tỏ thì Quốc khánh của ta cũng xong rồi.
Cho nên, ra quân trước tiên đánh bằng mưu, sau đó đánh bằng ngoại giao, sau nữa đánh bằng quân đội, cuối cùng mới đánh thành. Mao kết luận.
Với đòn nghi binh quỷ quyệt đó, Mao và Chu đã làm phá sản kế hoạch tấn công của LX. Cho nên, chúng ta đừng quên những đòn nghi binh lớn của TQ. Trong cuộc chiến biên giới năm 1979, TQ đã thực hiện nghi binh chiến lược làm cho VN không tin là TQ sẽ đánh VN. Và thực tế là VN đã bị bất ngờ lớn vào thời điểm bị TQ tấn công – ngày 17.2.1979.
Chiến lược "thu mình dấu tài" của Đặng cũng là một đòn nghi binh lớn vậy. Đặng nói rõ, "che dấu thành tích, giữ vững trận địa, thu mình dấu tài, làm nên công tích". Thậm chí, bấy giờ TQ không cần phải giữ thể diện, cốt để được việc mình đã. Che dấu tài năng của mình, đợi đến thời điểm thích hợp, đột ngột bung ra, chiến lược "thu mình dấu tài" đã tỏ ra thành công, làm thế giới sửng sốt và bắt đầu lo ngại.
Cái gọi là xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc TQ lại là một đòn nghi binh lớn khác. Có người hỏi, TQ xây dựng chủ nghĩa xã hội kiểu gì mà vừa bắt chước y như tư bản, lại vừa khác rất xa? Trả lời, đó thứ chủ nghĩa xã hội "đặc sắc" TQ. Như vậy, mọi thứ TQ đều có thể giải thích, chỉ cần gán cho hai chữ "đặc sắc" là xong. Quả là họ rất khôn ngoan, nói như vậy là không bị ràng buộc gì. Một sự "nghi binh lớn" – nói vậy mà không phải vậy. Nó khác với VN, xây dựng "nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" là một cách nói cách cứng nhắc, tự mình ràng buộc mình, không còn chỗ để xoay trở, vì cái "định hướng" ấy.
Đến đây chúng ta tự hỏi, vậy TQ nói TQ và VN cùng kiên trì xây dựng chủ nghĩa xã hội, rằng VN và TQ "văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng, vận mệnh tương quan" liệu có còn đáng tin? Hay chỉ là một đòn nghi binh lớn?
Và "16 chữ vàng", tinh thần "bốn tốt" là nghi binh, còn ru ngủ, dẫn đắt VN vào mê cung của mình mới là thực? Làm VN suy yếu toàn diện, phụ thuộc hoàn toàn vào TQ, tiến đến thôn tính VN mới là thực, còn hợp tác, giúp đỡ VN chỉ là nghi binh?
Hộ chiếu "lưỡi bò" là một bước đi có thực, còn làm ra vẻ đàm phán về COC (Quy tắc ứng xử trên biển Đông) là nghi binh; kỷ niệm Quốc khánh TQ ngày 1.10 là thực, còn tổ chức kỷ niệm tại Hoàng Sa của VN là nghi binh – đặt VN vào tình huống khó xử vì đã gửi điện chúc mừng; chiếm trọn Hoàng Sa của VN là thực, còn đang giữ nguyên trạng Trường Sa là nghi binh – TQ có thể chiếm Trường Sa bất cứ lúc nào; "gác tranh chấp" là nghi binh, còn cấp tốc khai thác biển Đông mới là thực; khuyên VN coi trọng đại cục là nghi binh, còn dập tắt mọi tiếng nói yêu nước của người VN phản đối hành động ngang ngược của TQ mới là thực.
Những đòn nghi binh lớn hiện này của TQ kết hợp một cách chặt chẽ giữa chính trị và kinh tế, giữa lịch sử và hiện thực, giữa trên biển và đất liền, giữa quân sự và dân sự, giữa trên và dưới. Đặc điểm nổi bật của nó là "hư hư thực thực" hòng đánh lừa VN và thế giới.
Song, một khi lẽ phải không thuộc về TQ thì sự thất bại của những đòn nghi binh lớn ấy là tất yếu. Tuy nhiên, trong một tương lai có thể thấy trước, còn rất nhiều những đòn nghi binh lớn của TQ đang chờ VN. Vấn đề là phải nhận ra nó và sự sáng suốt là điều kiện tiên quyết để giành chiến thắng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét