Biểu tượng là hình ảnh, vật thể của một nhóm người, một cộng đồng dân tộc, một phong trào, đảng phái hay quốc gia…Biểu tượng có thể được hình thành từ quá khứ hay nhằm đặt mục tiêu cho tương lai.
Trên phương diện quốc gia, biểu tượng luôn luôn là một lá cờ. Những hình ảnh, màu sắc của lá cờ phản ánh đặc tính cũng như sự thành lập đất nước, dân tộc đó.
Trong phạm vi bài viết này, xin được bỏ qua phần ý nghĩa, chỉ bàn đến những diễn biến chung quanh biểu tượng của Việt Nam Cộng Hòa sau ngày 30 tháng 4-1975: – Cờ vàng ba sọc đỏ
Cờ vàng được chính thức sử dụng từ ngày 02.06.1948 bởi Chính phủ lâm thời quốc gia Việt Nam của Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân. Khi hiệp định Geneve được ký kết, chia đôi Việt Nam thành 2 quốc gia riêng biệt, cờ vàng trở thành quốc kỳ của Việt Nam Cộng Hòa từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam.
Khi cộng sản dùng vũ lực chiếm được miền Nam vào tháng 4 năm 1975, lá cờ vàng đã theo làn sóng người Việt tị nạn cộng sản đến nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Úc, Canada, Đức, Pháp.., trở thành biểu tượng của cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản sinh sống tại những nơi đó.
Dù chế độ VNCH không còn, biểu tượng của chế độ vẫn tồn tại trong lòng của hầu hết người Việt hải ngoại, bởi họ biết rằng suốt 21 năm từ 1954 đến 1975, máu của hàng triệu thanh niên miền Nam đã đổ ra để bảo vệ lá cờ.
Hình ảnh hào hùng của ngày dựng lại lá cờ vàng trên cổ thành Quảng Trị ngày 16.09.1972 của những người lính VNCH thuộc tiểu đoàn 6 TQLC đã làm chẩy nước mắt vui mừng, cảm động của nhiều người tham dự trận chiến khủng khiếp qua 68 ngày dai dẳng tranh nhau từng thước đất, căn nhà…
Bài hát Cờ bay trên thành phố Quảng Trị được sáng tác trong dịp này.
Từ tháng tư năm 1975 đến khoảng giữa thập niên 80, thời kỳ người Việt tị nạn CS còn đang bận bịu đối mặt với cuộc sống mới nơi xứ lạ, quê người, với học hành, công việc, ổn định đời sống, người Việt tị nạn chưa tập họp thành những cộng đồng rõ rệt, cờ vàng chưa trở thành biểu tượng rõ ràng trong sinh hoạt.
Khi cuộc sống của đa số người Việt bắt đầu an bình, sung túc, cộng đồng người Việt hải ngoại dần dần hình thành ở nhiều nơi như Orange County, San José, Houston, Washington…, cờ vàng trở nên không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng.
Việc giữ lại biểu tượng thiêng liêng, trân quý đó là việc nên làm, nó nhắc nhở các thế hệ mai sau tại hải ngoại, mãi mãi biết đến công ơn, xương máu, mồ hôi, nước mắt của cha anh đã đổ xuống để giữ vững tự do cho miền Nam suốt 21 năm.
Biểu tượng đó trở thành nền tảng tinh thần cho tự do, dân chủ, cần phải được gìn giữ một cách trân trọng, chỉ nên sử dụng trong những dịp lễ lớn, những sinh hoạt chính trị quan trọng, không thể đem phô trương một cách bừa bãi bất cứ nơi đâu như ở đại nhạc hội, ra mắt sách, cầu siêu, giảng đạo trong nhà thờ, chùa chiền…
Thế nhưng không biết từ bao giờ, nghi thức – chào quốc kỳ, hát quốc ca, phút mặc niệm các chiến sĩ VNCH đã bỏ mình vì tổ quốc, những đồng bào bỏ thây nơi biển Đông hay trong rừng rậm biên giời, trên con đường chạy trốn chế độ cộng sản…- trở nên gần như thông lệ trong bất cứ sinh hoạt nào, dù là sinh hoạt chính trị, văn hóa, văn nghệ, thể thao…
Không có văn bản chính thức hoặc điều luật nào được ghi lại rõ ràng trên giấy trắng, mực đen, bắt buộc phải thực hành những nghi thức trên trong các sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, thiếu nghi thức đó, mọi sinh hoạt dù diễn tiến chẳng có ngôn từ, hành động tuyên truyền cho CSVN, hoặc biểu lộ nào đó của ban tổ chức, người tham dự dính dáng đến chế độ cộng sản cũng dễ dàng bị chụp mũ, vu khống là thân cộng hay nặng nề hơn là của cộng sản.
Biểu tượng thiêng liêng đó từ từ bị lợi dụng cho những mục đích xấu xa, hoặc những trình diễn lố bịch, trơ trẽn. Biểu tượng trở thành phương tiện cho nhiều người đánh phá những người khác chính kiến, không chống cộng theo khuôn mẫu họ đặt ra.
Chuyện trình diễn xẩy ra vào cuối thập niên 90 qua thế kỷ đầu thế kỷ 21, đó là chuyện phủ cờ vàng cho người chết, đột nhiên bộc phát rôm rả với đầy đủ nghi thức cho những người từng là cựu quân nhân quân lực VNCH, công chức chế độ…, mặc dầu những người này chết trên giường bệnh, chết già, hay bị tai nạn, cũng như không hề có công trạng gì với chế độ cộng hòa miền Nam VN. Một chuyện từ 1975 đến khoảng cuối thập niên 80 chưa hề có.
Nếu tâm nguyện của người chết là được quấn lá cờ vàng lên thân xác khi chôn cất hoặc hỏa thiêu thì ta nên tôn trọng, nhưng nghi lễ cử hành lại thường nhằm mục đích làm hãnh diện, vênh vang người sống nhiều hơn là cho người chết.
Xốn mắt với chuyện ruồi bu này, thi sĩ Nguyễn Ngọc Trân, cựu thiếu úy Biệt Động Quân ờ xứ Vạn Hồ, tiểu bang Minesota sáng tác bài thơ – Mai tôi chết cờ vàng xin đừng phủ như sau:
Mai tôi chết cờ vàng xin đừng phủ.
Xác thân này đâu chết cho quê hương?
Súng gươm xưa đã bỏ lại chiến trường!
Thân chiến bại nhục nhằn nơi đất khách!
Hơn nửa đời đã tan rồi khí phách.
Nhớ bạn bè nằm xuống nghĩ mà đau!
Không quan tài cờ phủ giữa chiến hào,
Máu thịt đã thấm vào lòng đất mẹ.
Bao năm trời bao nhiêu người trai trẻ,
Chết không cần cờ phủ vẫn uy nghi.
Khi nằm xuống bạn nào đã lo chi?
Chỉ ước muốn thân này dâng đất nước,
Ta giờ đây đã tàn bao mơ ước!
Chuyện ngày xưa chỉ còn thấy trong mơ.
Ngày về quê càng lúc cứ xa mờ,
Thời gian vẫn lạnh lùng theo năm tháng.
Tuổi càng cao lòng càng nghe mặn đắng!
Xót thân này khi chết bỏ lại đây!
Nơi xứ người bạn hữu chẳng còn ai?
Mai tôi chết cờ vàng xin đừng phủ.
Bài thơ này được nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ nhạc. Trả lời phỏng vấn của báo Người Việt, ông Trân cho biết bài thơ được sáng tác khi thấy những hình ảnh phủ cờ tùm lum, làm mất giá trị thiêng liêng của lá cờ.
Cựu Thiếu Úy Nguyễn Ngọc Trân, tác giả bài thơ "Khi tôi chết cờ vàng xin đừng phủ". (Hình: Nguyễn Ngọc Trân cung cấp)
Khi nghị quyết 36 của CSVN được ký vào năm 2004, một số người càng có thêm lý do để gây sức ép, lèo lái cộng đồng theo ý họ. Bất cứ chuyện gì họ cũng có thể viện lý do chống nghị quyết 36.
Chỉ cần có hay không có sự hiện diện lá cờ vàng người ta dễ dàng vu khống, chụp mũ nhau là cộng sản hoặc chứng minh ta là người chống cộng triệt để. Ranh giới ý thức Quốc-Cộng qua đó gói gọn trong sự có mặt của lá cờ như một định lý. Định lý này có thể khiến nhiều người liên tưởng đến một sự việc bi thảm do cộng sản VN gây ra trong thời kỳ 1945-1954, đó là việc họ bắt, giết nhiều người dân vô tội chỉ vì những người này mặc quần áo bằng vải popeline trắng mà nơi mép vải có những sọc nhỏ có 3 màu xanh, trắng, đỏ. Họ kết tội những người này là gián điệp hoặc tay sai cho Pháp, những sọc nhỏ 3 màu là dấu hiệu nhận ra nhau, đó là biểu tượng của lá cờ Pháp.
Một chuyện lợi dụng lá cờ để trình diễn tinh thần chống cộng khác là chuyện vợ chồng ông Vũ Văn Tùng, chủ tịch văn bút VNHN đi họp văn bút quốc tế năm 2013 đã cắm 1 lá cờ vàng, 1 lá cờ Mỹ nhỏ trên mặt bàn trước mặt mình, trong khi tất cả thành viên quốc gia khác đều không có biểu tượng nào của nước họ.
Một số người lúc nào cũng dương cao lá cờ vàng, đòi hỏi giải thể chế độ cộng sản VN, dân chủ hóa đất nước, tự do cho người dân nhưng không chấp nhận những người do hoàn cảnh đất nước, sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, bị kềm kẹp, tuyên truyền sai lạc về VNCH nay ý thức được sự tồn vong của dân tộc đứng lên đòi hỏi tự do, dân chủ cho Việt Nam ngay trong lòng chế độ CS. Hô hô hào, kêu gọi tẩy chay những người như Bùi Tín, Trần Khải Thanh Thủy, Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải…khi những người này được cộng sản thả ra và trục xuất khỏi Việt Nam vì áp lực của quốc tế.
Họ dùng cờ vàng làm biểu tượng của tự do, dân chủ, nhưng đồng thời họ nhân danh tự do, dân chủ để chống lại chính nó.
Cuộc chiến tranh Quốc-Cộng đã chấm dứt gần 40 năm, dù muốn hay không người Việt quốc gia phải nhận rằng chúng ta đã thua người cộng sản trong trận chiến 1954-1975.
Ngày hôm nay, nếu người Việt quốc gia còn muốn tiếp tục chiến đấu chống lại chế độ cộng sản thì phải hiểu rằng cuộc chiến đấu mới này là chiến đấu cho tự do, dân chủ cho cả nước chứ không phải chiến đấu để cắm lại lá cờ vàng trên thành phố Sài gòn hay một nơi nào khác trên đất nước VN.
Cuộc chiến đấu đó đòi hỏi toàn lực của người dân mà lực lượng chính vẫn là quốc nội, lực lượng ở hải ngoại chỉ có thể làm nhiệm vụ yểm trợ. Khi chế độ cộng sản VN sụp đổ, việc chọn lá cờ nào cho cả nước sẽ do toàn dân quyết định thông qua quốc hội.
Có làm được việc yểm trợ một cách hữu hiệu thì biểu tượng cờ vàng mới có ý nghĩa thiêng liêng, xương máu của hàng triệu thanh niên miền Nam đổ xuống suốt 21 năm từ 1954 đến 1975 mới không uổng phí và anh linh của họ cũng sẽ được mãn nguyện.
© Thạch Đạt Lang
© Đàn Chim Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét