Nguồn nguoibuongio
Thứ Năm, ngày 11 tháng 12 năm 2014
Bắt sóng.
Bắt sóng hay ngóng ra đa là hai từ quen thuộc của nhà tù.
Nghe ngóng là phản xạ của người mới bị bắt và thân nhân bạn bè họ. Phản xạ rất tất nhiên của con người. Người mới bị bắt thường thăm dò cán bộ hỏi cung để biết mình sẽ bị xử lý thế nào. Thân nhân họ thì thăm dò để biết tình hình, liệu có cách nào gỡ gạc tội.
Cán bộ điều tra thường tung '' sóng '' tuỳ thuộc vào từng vụ án. Nhằm để moi tiền, moi tin, đánh lạc hướng để tội phạm chủ quan hoặc khủng bố tinh thần đối tượng. Tung '' sóng '' là một nghiệp vụ mà bất cứ cán bộ điều tra thụ lý vụ án nào đều rành. Tung '' sóng '' có thể còn là thằng A, thằng B đã khai ra mày. Đôi khi giả vờ úp mở chìa ra bằng chứng nào đó như vô tình....mục đích chính của phát '' sóng '' là nhằm gây hoang mang, mất bình tĩnh, sợ hãi của đối tượng dẫn đến đối tượng không tự chủ được. Từ đó cơ hội tấn công của cán bộ điều tra tăng thêm được sức mạnh.
Nếu bạn có thân nhân bị bắt, kiểu gì bạn cũng phải cố gắng hỏi người này, người kia, nhờ vả để biết thông tin về người thân của mình. Trừ những con nghiện phá gia chi tử mà gia đình quá chán ra, thì hầu hết ai cũng làm vậy.
Biết được tâm lý đó, nhiều kẻ đã đứng ra làm trung gian để truyền sóng từ cơ quan điều tra lại cho thân nhân, dàn xếp chạy án, giảm tội. Có kẻ thì lợi dụng ra vẻ mình là người quan trọng, biết nhiều để thiên hạ nể sợ. Những người ngoài cuộc mang bản tính hiếu kỳ lại càng muốn biết phong phanh tin '' mật '' từ bên trong ra thế nào. Cho nên bọn '' truyền sóng'' lại càng được người ta chú ý, lân la kết thân.
Trong những vụ án an ninh , chính trị thì tôi có một lời khuyên rất chân thành với gia đình và bạn bè những người bị bắt. Đừng chạy đi, chạy lại hỏi chỗ này chỗ kia về tình trạng người bị bắt làm gì. Vì đó chính là điều mà cơ quan an ninh điều tra đang chờ đợi để đưa những thông điệp có lợi cho cơ quan điều tra. Khi người thân đã bị bắt rồi, hãy bình thản đón nhận và đi tìm tiếp xúc với các cơ quan ngoại giao, báo chí nước ngoài, làm đơn kiện đến các cơ quan hành pháp trong nước. Đừng nghe và đừng tin bất cứ một nguồn tin nào từ bên trong nói ra là nên thế này, nên thế kia. Cũng đừng hỏi những người khám xét nhà mình hay bắt người nhà mình đi câu gì về số phận người bị bắt.
Với những người bị bắt, cũng không nên sốt ruột thăm dò cán bộ hỏi cung hoặc muốn gặp ai làm gì. Cứ lặng lẽ chờ, ông hỏi cái gì tôi nói được thì nói, không nói được thì tìm cách chối. Đừng nhắn nhe cán bộ điều tra câu này câu kia về gia đình, hãy coi chuyện tù là tất nhiên. Nếu có bắt sóng thì lên bắt trước khi bị bắt để đề phòng , chẳng hạn như đóng blog, facebook, hạn chế quan hệ. Còn khi đã bị bắt rồi thì cách tốt nhất là xác định thái độ chấp nhận án tù, không cố gắng loay hoay nghe ngóng dăm ba điều từ cán bộ điều tra hé ra làm gì. Những thông tin có lợi cho bạn chắc chả bao giờ có từ những người tống bạn vào nhà giam.
Nếu các bạn là người hiểu biết, đừng bao giờ nghe từ một nguồn tin nào khiến bạn e dè khi làm gì đó để trợ giúp cho người bị bắt.
Khi chị Bùi Hằng bị bắt vài ba hôm, bên công an đã trả lời với sứ quán Hoa Kỳ vài hôm nữa sẽ thả chị. Đó là một '' sóng '' để kéo dài thời gian tạm giam, tranh thủ thời gian lấy cung, dựng nhân chứng, hiện trường kết tội chị. Đến khi đã hòm hòm thì một '' sóng '' nữa tung ra là Bùi Hằng đấu tranh gì đâu, mục đich chỉ đi gây sự với chính quyền, chống người thì hành công vụ. Người đấu tranh tử tế sẽ ôn hoà chứ không chửi bới như Bùi Hằng. '' Sóng '' này nhằm tâm lý chuẩn bị khởi tố Bùi Hằng không bị phản ứng mạnh.
Cho nên, trong những vụ án chính trị, an ninh quốc gia cũng vậy thôi. Kẻ nào đưa ra thông tin này nọ ,chính kẻ ấy là người trung gian của cơ quan an ninh. Chúng đang thực hiện kế hoạch chuyển '' sóng'' cho cơ quan an ninh điều tra, nhằm những mục địch đã nói trên.
Những trường hợp đưa tin cảnh báo, khuyên răn trước khi bắt người, hoặc trước khi xảy ra vụ viêc còn có thể có ý tốt. Nhưng khi đã xảy ra rồi, bắt bớ rồi, đàn áp, cưỡng chế rồi...tất cả những kẻ đưa tin ấy đều là loại tay sai, cò mồi, đó là điều chắc chắn.
Hy vọng vài lời giúp các bạn nào đang tò mò, đang nghe ngóng thông tin về người này, người kia bị bắt sẽ hiểu chút về '' sóng '' và '' ra đa'' . Đừng háo hức hay thì thầm bàn đi, nhắc lại là vô tình tiếp tay cho một âm mưu nghiệp vụ của cơ quan an ninh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét