Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Trương Duy Nhất : Chuyện tị nạn giữa thủ đô tị nạn

Chuyện tị nạn giữa thủ đô tị nạn
http://rfavietnam.com/node/3564

 -- via my feedly newsfeed

Tị nạn, không tị nạn Không hiểu sao, ai cũng nghĩ mình tị nạn. Từ hôm ở DC đã vậy. Qua Cali càng hỏi tợn hơn. Tội, nhiều người còn thẳng thừng "bước đầu khó khăn, có gì cứ nói, mỗi người xúm giúp một tí". Có quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng tưởng vậy khi hỏi tôi "Anh qua đây sống vùng nào?". Thấy cái tình của bà con mà cảm động. Nhiều người, xa lạ đấy, đã gặp, biết gì đâu, vậy mà quan tâm lo lắng như thể thiết thân, còn hơn ruột rà. Cảm động. Nhưng đấy không phải là cách mình lựa chọn. Nếu chọn đi, có lẽ tôi đã rời ngay từ trước khi... kết thúc điều tra. Không hiểu sao khi ở B14, đến 3 lần khi lấy cung gã điều tra viên hỏi "anh Nhất có ý định ra nước ngoài...?". Lần đầu, tưởng hắn đùa khích mình, tôi ngơ không nói gì. Lần sau vẫn câu ấy, tức khí đưa ngón tay trỏ di di qua lại trên trán "Hình như trong cái đầu tôi chưa bao giờ, dù chỉ manh nha một... ý tưởng thế!". Xong, chỉ tiếp vào thằng đang hỏi "Nếu có, tôi nghĩ tìm ngay trong chính lực lượng của các anh!". Ra tù, nghe vợ con kể: 2 lần, người của Đại sứ Mỹ điện thoại nêu nhã ý muốn gặp trực tiếp để thăm hỏi và... "trao đổi". Chẳng biết thực hư gì, nhưng khi ấy tôi và gia đình chọn cách im lặng, tránh tiếp xúc. Tuần đầu ở Toronto (Canada), Phạm Ngọc Cương cũng dặm "Em hỏi thật anh nhé, anh nghiêm túc suy nghĩ đi. Nếu chọn ở lại, sáng mai em chở lên Ottawa, vào Bộ Ngoại giao". Thương Cương quá, chỉ cười "cậu tha cho tớ về, lâu lâu có tiền mua cho cặp vé cho tớ bay qua nhậu trận chơi, vậy sướng rồi!". Mỗi người một chọn lựa. Thậm chí nhiều khi không thể, và không có quyền lựa chọn. Như Điếu Cày đấy, anh có chịu ký tá gì đâu nhưng vẫn bị tống ra sân bay đẩy đi. Và nhiều trường hợp khác, trước anh. Hoặc như Trần Huỳnh Duy Thức bây giờ. Đi hay ở lại, đều là những chọn lựa khó khăn và đau đớn. Đến Bolsa, tránh điều gì? Điếu Cày đón tôi về "nhà". Một góc phố nhỏ, giữa trung tâm "thủ đô tị nạn" Little Sài Gòn. Cái phòng trọ chỉ đủ kê vỏn vẹn một chiếc giường, cái kệ chén bát và một chiếc bàn viết xộc xệch. Thương anh quá! Điếu Cày hiểu tôi, nên chẳng cần dặn nhiều. Nhưng quá nhiều người lo cho mình. Trăm sự, bởi ai cũng nghĩ Trương Duy Nhất sang tị nạn. Đến lúc biết tôi qua Mỹ chỉ để chơi, no tị nạn, lại càng thương và đâm... sợ cho tôi. Sợ khó khăn khi trở về, nên nhiều người khuyên "Về Bolsa, ông nhớ tránh 3 điều: tránh cờ vàng, không dùng từ "giải phóng", và đừng đụng Việt Tân". Thật tình, ngay từ khi qua Mỹ những lần trước, khi vẫn còn mang cái thẻ nhà báo quốc doanh, tôi đã về ngủ với... cờ vàng. Ơ. Họ cũng là người Việt. Đỏ - vàng chi cũng Việt. Sao phải tránh? Sử là vậy. Thắng thua hay vàng đỏ chi vẫn là lịch sử. Và như thế mới là sử. Vì thế, tôi đếch ngại điều này. Mỗi người một chọn lựa. Và tôi tôn trọng họ. Muốn người ta tôn trọng mình thì mình cũng phải biết tôn trọng họ. Với tôi, đỏ vàng - vàng đỏ chi cũng là sử Việt. Rồi cũng phải đến lúc nhìn lại một cách công tâm về từng thời giá trị của tất cả các loại cờ quạt, cho dù vàng hay đỏ. Dù sao, đó cũng là một thể chế thực tồn tại mấy chục năm trên nước Việt. Là thực tế một thời của nửa phần nước Việt đấy thôi! Còn chữ "giải phóng", có lẽ nhiều người đụng, riêng tôi khó. Hôm ở DC, nhiều người đã ngạc nhiên khi thấy tôi viết câu này, sau cuộc gặp với ngài Dan Southerland, Phó tổng giám đốc chương trình Đài Á châu tự do (RFA): "... Ông là cựu phóng viên chiến trường Việt Nam. Một trong nhóm ký giả ngoại quốc cuối cùng còn ở lại, chứng kiến sự kiện Sài Gòn 30/4/1975". Tôi không dùng chữ "giải phóng", cũng không dùng cách gọi "giờ phút cuối cùng của chính quyền Sài Gòn". Tôi viết, đó là "sự kiện Sài Gòn 30/4/1975". Bởi thắng thua gì, đỏ vàng chi cũng là lịch sử. Đó là sự kiện lịch sử chung của cả hai phía, của người Việt. Lịch sử, đâu phải riêng của phe nào. Với Việt Tân. Thật tình suốt 36 ngày ở Mỹ, không thấy một "đồng chí" Việt Tân nào chào hỏi, mời hẹn gì. Tiếc là không thấy, nếu có cớ sao lại phải chối từ? Ai ngại, với tôi không! Cứ cho là họ khác ta, thậm chí chống ta, sao không một lần ngồi xuống cùng họ, nghe họ nói gì, họ nghĩ sao? Sinh thời, ông Thanh (Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính trung ương, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng - có lần thổ lộ với tôi rằng: Mình mà có quyền, sẽ mời hết tất tật các tổ nhóm chống đối, phản động chi đó ở hải ngoại. Chừng mươi hoặc vài mươi nhóm chứ mấy. Mời hết về, ngồi... nhậu với nhau đàng hoàng, nghe xem họ phản đối cái gì, chống cái chi? Làm được chứ, tại sao không? Cũng như cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam đâu phải của riêng đảng Cộng sản, hay một phe phái, tôn giáo nào... Vậy thì hà cớ gì cứ Việt Cộng - Việt Tân gây thù chuốc oán? Đúng ra, tôi suýt gặp Việt Tân một lần. Hôm ở DC, lên xe chạy một đoạn rồi mới nghe cô lái xe bảo "anh Lý Thái Hùng, Tổng Bí thư Việt Tân điện, nói định chào anh Nhất một tiếng mà anh đi nhanh quá". Thì ra, tôi và Tổng Bí thư Việt Tân suýt gặp nhau. Cũng hơi... tiếc! Cho dù cũng chưa hề gặp, chưa biết Lý Thái Hùng là ai. Thực ra, giữa phố Bolsa ấy, tôi cũng chả biết ai là Việt Tân, ai Việt Cộng? Nghe nói bên ấy, Việt Cộng cũng đầy! Mà biết để làm gì nhỉ? Bởi với tôi, Cộng cũng như Tân. Hơn nửa thế kỷ sống cùng Cộng sản. Bố tôi là Cộng sản. Nhưng tôi có Cộng sản đâu. Không Việt Cộng, cũng chẳng Việt Tân. Vì thế, tôi ngồi được tất. Cộng - Tân gì, nhậu tốt cả. Bolsa, với tôi, là đến với người Việt. Thoải mái vậy thôi, như anh bạn đồng nghiệp của tôi ở nhật báo Người Việt cười vui rằng: Chẳng khác chi ở nhà, đến nỗi hơn bốn chục năm rồi, mình chỉ sài tiếng Anh khi... ra khỏi nước Mỹ! Giản đơn vậy. Và cũng nhẹ nhõm vậy thôi. Chẳng ai dại chi, khoác trên mình cái áo váy đỏ lòm như nhà cậu Hùng Cửu Long kia đòi "hoà hợp hoá giải" giữa phố Bolsa. Có lẽ, sau sự kiện này, ngoài 3 điều tránh như trên, sẽ phải thêm một điều tránh thứ tư nữa: tránh mặc áo (váy) màu đỏ sao vàng tới phố Bolsa. "Ka ka ka" (nhại lời cậu Hùng Cửu Long tưng tửng), nhưng chớ "hoà hợp hoà giải" kiểu ai - nớp - du thế mà ăn đòn khổ thân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét