Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

gocomay_Phạm Cường : "Giấc Hoè Nam Kha" & ván cờ thế ngày 2/8/2011

Nguồn gocomay

CHO%20CO%20XUAN.jpg

Đánh cờ (Hình minh hoạ)

Nhân đọc bài "Có thể Cù Huy Hà Vũ sắp được trả tự do (?!)" trên nguyenhuuquy blog  * -  hôm mùng 7 tết, tôi có nhanh nhảu gửi một cái còm thế này:

"Thưa tiên sinh, cách đây đúng 1 tuần, đón giao thừa cùng gia đình xong, mọi người đi ngủ, còn tôi ngồi một mình bên khóm hoa trà (hải đường), tự dưng tôi giật mình nghĩ đến anh Vũ! Thú thật tôi chưa bao giờ được gặp con người nổi tiếng này. Mặc dù bố anh, ông Cù Huy Cận thì tôi đã gặp rất nhiều lần ở 51 Trần Hưng Đạo.
Mặc dù cái cách mà anh Vũ tranh đấu với cái xấu đôi khi hơi trì triết qúa, khiến người ta sinh oán cừu... Nhưng khách quan mà xét anh là một người yêu dân yêu nước vô bờ. Một nhân cách lớn, đáng để cho nhiều trí thức noi theo. Người ta cứ vin cớ vì anh tự ra ứng cử Bộ trưởng BVH và thưa kiện thủ tướng... như thế là xấu. Nếu người Việt mình vẫn còn tin như thế là xấu thật thì có lẽ còn khướt sinh hoạt chính trị ở xứ mình mới khởi sắc. Cứ miên man như thế và tôi ngủ quên lúc nào không hay. Tới tầm gà gáy sáng thì bỗng dưng giật mình, mồ hôi vã ra như tắm khi trong cơn mơ màng ngày đầu năm ấy thấy anh Vũ được trả tự do, đi bên anh chả có ai khác ngoài gã Lái gió....

Tôi đang định cứ giữ nguyên cái giấc mơ đó để chiêm nghiệm xem sao. Nhưng nay thấy tiên sinh giật cái titte kêu như vậy thì đành phi lộ vậy! Thiết nghĩ nếu người có quyền thế không biết sử dụng quyền cho phải đạo thì lúc hết quyền... ai thèm nhìn nữa. Nếu không biết hành xử đúng thì tiếng xấu sẽ nhơ tới muôn đời....
 (
gocomay - 23:46 Ngày 09 tháng 2 năm 2011).

Nay xét lại thấy đúng là một giấc mơ giàu trí tưởng thật qúa đi thôi. Nhưng có phải giấc mơ nào của người đời cũng thành sự thật cả đâu. Bởi thế mới có câu "đời đẹp như mơ". Hay: "đừng có mơ (hão)". Như ông lão đầy tớ trong thơ Tố Hữu từ cuối thập nên 30 của thế kỷ trước chả đã  "ngồi mơ nước Nga…" ** là gì. Lại nhớ một bài hát (kèm múa): "Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ" ra đời từ cách đây 40 năm có lẻ. Đã được đưa vào chương trình múa hát ở hầu hết các nhà trẻ mẫu giáo trên khắp cả nước. Cho dù chả ai dám khẳng định 100% chuyện này đã có thật trong các giấc mơ của trẻ nhỏ? Từ đó cho thấy, qui kết cho một giấc mơ (dù lành hay dữ) tại sao lại như thế này mà không phải thế kia... thật chẳng nên chút nào.

Bàn về các giấc mộng đẹp, người ta thường nhắc đến một nhân vật có tên Thuần Vu Phân từ thời nhà Đường bên Trung Quốc. Câu chuyện thì khá dài. Xin kể vắn là vào ngày sinh nhật của Thuần Vu Phân, người thân và bạn bè đều đến chúc thọ, ông qúa vui, uống rượu tới say mèm. Sau khi người thân và bạn bè về nhà, Thuần Vu ngà ngà dưới bóng cây hòe, bất giác ngủ quên.

Trong giấc mơ, nhận lời mời của hai sứ thần, Thuần Vu bước vào một lỗ cây. Trong lỗ tự dưng hiện ra một thế giới huyền diệu, có nước Đại Hòe thịnh trị. Lúc đó, kinh thành đang tổ chức cuộc thi lựa chọn quan chức, ông cũng ghi danh tham gia. Cả ba cuộc thi, khi công bố kết quả, ông đều đứng hàng đầu bảng. Nhà vua nhìn thấy Thuần Vu vừa đẹp trai, vừa tài ba lỗi lạc, nên hết sức sủng ái, liền gả công chúa cho tân trạng nguyên. Lại bổ nhiệm Phò mã chức Thái thú Quận Nam Kha giàu có. Vợ̣ chồng quan Thái thú sống rất hạnh phúc. Được dân chúng tin yêu. Đang vui hưởng vinh hoa phú quý... thì chợt tỉnh giấc nồng. Thấy một mình trơ chọi nằm ở gốc cây hoè. Thuần Vu Phân theo cõi mộng đi tìm nước Đại Hoè, hóa ra dưới cây hòe có một tổ kiến lửa, bầy kiến đang nô nức tha mồi, xây tổ. Từ câu chuyện này, giấc mộng đẹp được gọi là Nam kha. "Giấc mơ Nam Kha" hàm ý chỉ đời người như một giấc mơ, phú quý quyền thế đều là hư ảo. Các nhà thơ thường dùng tích này để nói cuộc phú quí ở đời như một giấc mộng:

"Giấc Nam kha khéo bất bình

Bừng con mắt dậy thấy mình tay không".

Cụ Tiên Điền cũng nhắc đến tích này qua câu:

"Tiếng sen sẽ động giấc hoè

Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần."

(Truyện Kiều)

Trở lại chuyện "giấc hoè" của tôi! Cũng có thể tôi qúa mong mỏi một giải pháp dung hoà. Một kết cục tốt đẹp cho cả hai phía. Để không ai bị mất thể diện, mất mặt vì những chuyện oán cừu nhỏ nhen. Từ thiện ý ấy, trong mơ thấy Cù Huy Hà Vũ (CHHV) được trả tự do. Đành rằng ai cũng biết khả năng tha bổng tại toà đối với CHHV thật khó chả khác gì đơm đó ngọn tre. Khi những người vẫn muốn trừng trị CHHV như là một sự răn đe đối với bất cứ ai dám "vuốt râu hùm" như thế. Khi tất cả những ai đã ký kiến nghị và lên tiếng bênh vực cho CHHV đều được các cơ quan chức năng cho vào tầm ngắm. Rồi "thăm hỏi" xa gần ở từng cấp độ khác nhau. Tựu trung cũng chỉ muốn lung lạc ý chí của những ý kiến trái chiều... cốt sao đạt cho được mục tiêu mà người đạo diễn vở tuồng muốn nhắm tới.

chhv-vng5fd.jpg

Là một bên tham dự cuộc chơi, có lẽ CHHV cũng nhận thấy rõ kết cục của "trận cầu" (phiên toà) Phúc thẩm ngày 02.08.2011 rồi. Bằng việc chủ động gửi thông điệp là bức thư ngỏ cho hàng triệu fan hâm mộ và những người quan tâm theo dõi phiên tòa. Với những lời hết sức tự tin:

"Cù Huy Hà Vũ không có tội song cũng biết chấp nhận hy sinh. Xin đồng bào hãy coi như đứa con này lưu lạc xa nhà ít lâu. Những điều tiêu cực không thể sống lâu hơn những điều Tích cực! Điều Hà Vũ này lo lắng nhất khi xa gia đình, xa bè bạn, anh, chị em ấy là lo cho đất nước này rơi vào tay bọn đại giảo hoạt Bắc Kinh. Đó mới là điều đau lòng nhất của Cù Huy Hà Vũ này!

Xin đồng bào hãy cảnh giác!

Một lần nữa Cù Huy Hà Vũ xin cúi lạy đồng bào và nhắc lại lời cảm ơn thống thiết của đứa con xin hẹn ngày gặp lại để được cống hiến nhiều hơn nữa cho đồng bào, cho Tổ quốc. Cù Huy Hà Vũ có hy sinh bao nhiêu thì cũng là vô cùng bé nhỏ so với những hy sinh trời biển của đồng bào!" ***

Đến nước này, nếu gặp phải đối thủ cũng cao cờ, anh hùng tương ngộ, nhìn bàn cờ tàn vào thế, đã luận được cuộc cờ. Trong khi cả hai bên đều đã qúa quen nước đi của nhau. Mong gì có nước sót của đối phương mà còn cố xoay chuyển?

Xưa cổ nhân từng dạy "đánh kẻ chạy đi, ai nỡ đánh người chạy lại". Cũng trong tinh thần ấy, nhà thơ Bằng Việt đã rất yêu đảng, yêu chế độ mà ông suốt đời phụng sự thì mới phát cái câu khẳng khái "Nếu không tha bổng cho Cù Huy Hà Vũ thì đấy là một sự ngu xuẩn". Mặc dù ông không bao giờ tin một trí thức con nhà nòi như CHHV lại có tội với những việc làm vì nước vì dân như vậy. Nên ông dùng từ "tha bổng" ở đây chính là muốn gỡ thể diện cho chế độ. Muốn xoa dịu lòng tự ái của một thế chế vốn coi lẽ phải và chân lý luôn thuộc về mình bất chấp thực tế khách quan.

Một quốc gia chỉ hưng thịnh khi người bề trên biết nghe kẻ dưới nói những điều phải trái. Bằng không, đó chính là dấu châm hết của một triều đại. Cho dù qúa khứ của triều đại ấy có vàng son tới đâu.

Viết những dòng cuối cùng của entry này, nhìn lên đồng hồ chỉ còn hơn 3 tiếng đồng hồ nữa là phiên toà Phúc thẩm sẽ được bắt đầu ở Hà Nội! "Giấc mơ Nam Kha! - "Giấc hoè" của tôi rất có thể sẽ trật lấc? Nhưng cuộc cờ tàn đã vào thế phân định thắng thua giành giành như vậy!

Cố đấm ăn xôi phỏng có ích gì?

Gocomay

http://nguyenhuuquy2.blogspot.com/2011/02/co-cu-huy-ha-vu-sap-uoc-tra-tu-do.html?showComment=1297269970615#c3673402514906942498

** http://www.thica.net/category/tat-ca/t%E1%BB%91-h%E1%BB%AFu/

*** http://boxitvn.blogspot.com/2011/07/thu-cua-ts-luat-cu-huy-ha-vu-cam-on-ong.html#more

_

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét