Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Nguyễn Hữu Quý : Tâm sự của hai bác… Việt kiều.

Nguồn quy-blog

Đôi lời dẫn nhập của Quý-Blog: 

Chủ Blog tôi hay thức khuya, khi ở Việt Nam đã về sáng, thì ở bên châu Âu đang là 9-10 giờ đêm; cho nên, nhiều khi chỉ cần Email đi mấy phút, là bên trời Âu các bác lại có Email trả lời. 

Hôm nay, chủ Blog tôi muốn giới thiệu với bạn đọc lời tâm sự của hai bác Việt kiều; 

Tôi cứ phải tạm gọi là Việt kiều, mặc dù tôi không muốn thế, tôi vẫn muốn hai bác, mặc dù đang sống và định cư ở nước ngoài, những vẫn là người Việt Nam, quốc tịch Việt Nam. 

Người thứ nhất là TS Đoàn Phú Hòa, mà cách đây ít ngày chủ Blog tôi đã có dịp nói về anh (cả hai bác nay tuổi đã là 58-60 rồi, nhưng cứ gọi thế để thấy còn… trẻ, vì qua ảnh, nhìn các bác đang "khí thế" lắm!); bác Hòa hiện không còn mang quốc tịch Việt Nam, mà là quốc tịch Cộng hòa Czech; vì yêu cô gái Czech và nên vợ nên chồng, cho nên theo Hiến pháp Tiệp khắc trước kia, một người không được mang hai quốc tịch, cho nên anh là người đầu tiên của Việt Nam xin nhập quốc tịch Tiệp Khắc (và nay là Cộng Hòa Czech). Tôi rất mừng, vì theo như anh nói, tới đây anh về lại Việt Nam sinh sống đến cuối đời. 

Người thứ hai, anh là người rất quen thuộc với giới Blogger Việt Nam, qua đọc các bài viết trên Blog của anh và hay được Ba Sàm điểm tin, và nếu như con đường "quan lộ" của anh được hanh thông, thì có lẽ, chí ít anh cũng đã là Nghệ sĩ ưu tú. Bởi vì, ngày anh làm quay phim chính và kiêm biên tập và đạo diễn phim, thì ông Lại Văn Sinh – Cục trưởng Cục Điện ảnh bây giờ, là người Biên tập phim, đồng thời là người tự nguyện phụ quay phim cho anh. 

Anh là Phạm Cường – chủ Blog GOCOMAY, hiện đã nhập quốc tịch Cộng hòa Liên bang Đức và còn giữ lại cả quốc tịch Việt Nam. 

Đoạn trao đổi qua lại giữa hai anh, rất vui là hai anh có qua trung gian là địa chỉ Email của tôi; Tôi quý và kính trọng hai anh, không chỉ bằng tài năng thực sự, mà hơn hết là ở cả tấm lòng hướng về Đất mẹ. 

Nói về Chủ nghĩa Mác-Lênin thì đã có nhiều học giả, những nhà nghiên cứu… nói đến nhiều rồi; trong suy nghĩ của một người "làng nhàng" về kiến thức Chủ nghĩa Mác-Lênin như tôi, đã từ lâu tôi, qua hiện thực cuộc sống, tôi có suy nghĩ rằng: đây là học thuyết tự nó đã không hoàn thiện, cơ chế (thể chế) độc đảng đã làm triệt tiêu những người tài năng, trung thực…; ngược lại luôn luôn là cơ hội cho những kẻ có tham vọng cá nhân, với những thủ đoạn chính trị hèn hạ tìm cách vươn lên… 

Sự sụp đổ của khối XHCN nói chung và ở Đông Âu, đã một thời tung hô khẩu hiệu: "CHỦ NGHĨA MÁC-LÊ NIN VÔ ĐỊCH MUÔN NĂM!" là hệ quả tất yếu của thể chế này. 

Nội dung thư trao đổi giữa hai anh, một phần nói lên điều này ngay trên đất nước chúng ta trong thời gian đó. 

Tôi lại chợt nghĩ đến Đại tá Vũ Quang Kha, Một Đại tá 20 năm không có lương hưungười giỏi 3 ngoại ngữ, người túc trực bên lĩnh cửu Bác Hồ, Ông đã nhiều lần trực tiếp dùng tay không nâng thi hài của Bác trong dung dịch formon; đã 9 lần bị ngộ độc formon, có một lần bị nặng phải cấp cứu. Thậm chí tháng 10-1973, đã chết lâm sàng 24 tiếng đồng hồ. Đơn vị và gia đình đã bàn chuyện lo "hậu sự" thì ông sống lại… Thế nhưng vì ganh ghét của một "đồng chí" cấp trên (chắc phải là hàm tướng?!), để rồi năm 1979 Ông phải đột ngột về hưu không một tờ quyết định, chỉ nhận lệnh miệng, về hưu, và… 20 năm không có lương hưu. 

Nhưng đó chưa phải là điều tôi muốn nói đến vị Đại tá già đáng kính - Vũ Quang Kha! 

Nếu như, những người thông minh, trung thực, tận tụy… như ông được trọng dụng, năm 1979 khi ông đang ở Trường Sa nghiên cứu xây dựng công trình phòng thủ mà thành công…; thì liệu rằng, Đất nước Việt Nam có mất 7 đảo vào tay Trung cộng và 64 chiến sỹ đã hy sinh gần 10 năm sau đó?  

Vân vân & vân vân… 

Xin giới thiệu "nội dung tâm sự" của hai bác Việt kiều đáng kính TS Đoàn Phú Hòa và Nhà quay phim, đạo diễn, biên kịch... Phạm Cường, để bạn đọc hiểu thêm về một thời… oan nghiệt! 

Đây là lối viết tâm sự của hai người có trình độ hiểu biết, mới ngày đầu làm quen nhau; nhưng chứa đựng sự thật đau lòng của Đất nước một thời, đó chính là thông điệp mà chủ Blog muốn gửi đến bạn đọc. 

Ôi, CNXH, hay… Cùng Nhau Xuống Hố?! 

Cuộc trao đổi giữa hai người có nhiều đoạn, mang tình cảm của người xa xứ nghĩ về Tổ Quốc; sau đây chỉ là 4 đoạn điển hình.


Bác Đoàn Phú Hòa bên người vợ Việt Nam, sau khi người vợ người Czech của anh, chị bị bệnh mất năm 2000, và "tứ tử trình làng". Hai người trai ngoài cùng là hai chàng rể của bác Hòa.


 Phạm Cường tại cổng ĐSQ Trung cộng trong cuộc biểu tình ngày 25/6/2011
Bác Phạm Cường đang tác nghiệp đưa tin về cuộc biểu tình phản đối Trung cộng tại Hamburg, CHLB Đức ngày 16/7/2011

(bác Cường là nhà quay phim nên những tấm ảnh chụp về biểu tình rất đẹp)



Chào anh Phú Hòa! 

Nhờ anh nhắc Cường mới nhớ đúng là trường Trỗi là trường thiếu sinh quân chứ không phải trường Học sinh miền Nam (đã sơ tán lên Sơn Tây thời chiến tranh phá hoại). Ông Già anh là Đoàn Phú Thực thì Cường cũng có nghe nói tới nhưng chưa được gặp bao giờ. Dạo Cường ở phim Truyện thì hay gặp ông Dương Minh Đẩu (Đại tá) thôi. 

Hoá ra anh Phú Hòa là cháu ruột một nhà soạn kịch, nhà thơ, dịch giả hiện đại vô cùng nổi tiếng của Việt Nam! Cường rất thích bài thơ Màu Thời gian do bác Đoàn Phú Tứ viết (đã được nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc). Bác Tứ còn nổi tiếng như là cây bút chủ lực của các báo Phong hoá, Ngày nay, Hà Nội báo, Tinh hoa (Thời trước 1945). Nếu Cường không nhầm bác Phú Tứ còn là Đại biểu Quốc hội khóa 1 (cùng với các nhà văn như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi)... 

Nhưng thật oan nghiệt, với cái án Nhân Văn Giai Phẩm mà sự nghiệp của một học giả tên tuổi như bác ĐPT đã bị vùi dập. Lại còn gây hệ luỵ cho thân bằng quyến thuộc nữa. 

Được quen biết anh Phú Hòa, Cường thật sự xúc động! Cứ như được gặp người bạn tâm giao từ thuở nào rồi! Xin cám ơn tiên sinh Nguyễn Hữu Quý - Người đã giới thiệu địa chỉ E-Mail của anh Phú Hòa cho Cường! Vui qúa chả biết nói gì nữa chỉ biết tri ân các bậc anh linh tiên nhân vẫn đoái thương những người con Việt tìm đến với nhau trong lúc đất nước đang trăm mối tơ vò như thế này... 

Xin chép lại đây một khổ thơ của bác Đoàn Phú Tứ thay cho nén tâm nhang tưởng nhớ tới người thiên cổ tài hoa mà đa truân vậy! 

Ánh trăng - Đoàn Phú Tứ 

Mải miết đường đời đã bấy lâu, 
Biếng nhìn trăng cũ muốn quên sầu; 
Đêm nay bỗng thấy bên song ngõ 
Một ánh xanh mờ thoáng tự đâu, 
Leo lét gợi khêu tình quá vãng, 
Lòng thơ bao xiết nỗi thương đau; 
Vung chăn toan rũ màn đen tối, 
Mắt lệ đờ trong vành ngọc cao. 

Xin chúc anh Đoàn Phú Hòa và gia quyến có một buổi tối chủ nhật an vui! 
Thân mến 
Phạm Cường

-------------------------------------------------------------------------


Chào anh Phú Hòa! 

Như vậy anh bằng tuổi người anh trên của Cường nên gọi là anh (hay bác – theo cách gọi thay con của người Bắc) chứ ông ông tôi tôi là không đúng chút nào. 

Thưa bác Phú Hoà, như vậy bác đã trưởng thành từ ngôi trường nổi tiếng lắm mà Cường đã từng nghe từ hồi thập niên 60 ở VN rồi. Một dạo trường Trỗi sơ tán về vùng Phúc Thọ - Sơn Tây phải đi qua Lai Xá quê hương của Cường? (*) 

So với bác (con em cán bộ Tập kết) thì con đường học hành của Cường lận đận hơn nhiều. Năm 1972 thi đậu Đại học Tổng Hợp (Khối A) thừa điểm đi học nước ngoài mà bị ở nhà (quê) bám đít trâu cày. Cuối 1972 (dạo 12 ngày đêm) nghe tin Trường Điện Ảnh VN ở 33 Hoàng Hoa Thám HN có đợt  thi tuyển sinh vào lớp Quay phim K.6, cứ nộp đơn thi bừa vào… may mà lại trúng và năm sau vào học cho tới 1976 thì ra trường. Về phim Truyện (4.Thuy Khuê HN) 3 năm, sau đó chuyển sang xưởng TLKH vào đúng cái năm xẩy ra chiến tranh biên giới (1979)… cho tới cuối 1992 thì sang Đức sống. Mãi 1996 mới đón được cả nhà ở TT ĐH Thủy Lợi sang theo diện đoàn tụ (con đường hợp pháp). 

Chắc khi bác quyết định về VN sinh sống vào lúc đã suýt soát lục tuần thì cũng đã có sự chuận bị khá kỹ càng rồi! Vậy chúc bác thành công trên công việc mới! 

Cường thấy rất vui khi được bác cởi mở và thân thiện như vậy! Đúng là phải cảm ơn mạng Internet! Đã giúp mọi tấm lòng còn tha thiết với quê hương VN thân yêu gắn kết được với nhau! 

Một lần nữa cám ơn bác Phú Hoà! Chúc bác và gia quyến gặp nhiều may mắn! 

Thân mến! 
Phạm Cường 
(*) Xem ở entry này: Sự Nhầm Lẫn Đáng Yêu  



-------------------------------------------------------------------------


Thân gửi Cường, 

Có lẽ Cường nhầm trường Trỗi với một trường Học Sinh Miền Nam nào rồi. MÌnh là dân Hà Nội gốc (gọi là gốc cho nó sang chứ thật ra đến đời mình thì mới là đời thứ 3 thôi. Nếu Cường vào mạng tìm tiểu sử của dịch giả Đoàn Phú Tứ, anh ruột ông già mình thì sẽ rõ). Trường Trỗi là trường dành cho con em cán bộ trung cao cấp quân đội và cán bộ TW mà người ta thường gọi là trường thiếu sinh quân nên năm 1965, khi mình chưa tròn 13 tuổi thì đã phải mặc quân phục rồi, tất nhiên quân phục trơn chứ không có hàm hiệu gì cả. Lúc đầu trường Trỗi ở Trại Hòe gần Phố Thắng ở Bắc Giang rồi đến tháng 7 năm đó thì chuyển đến An Mỹ. Đại Từ - Bắc Thái, giáp chân núi Tam Đảo. 01.01.1967 thì qua Quế Lâm- Trung Quốc rồi hè 1968 lại quay về VN. 

Khối cấp 3 ở Hưng Hóa thuộc Phú Thọ còn khối cấp 2 ở Trung Hà. 

Ông già mình, tuy thuộc loại giỏi nhưng bị trù úm một thời gian khá dài bởi vì bác Đoàn Phú Tứ nhà mình bị mấy tay LĐ của Bộ Văn Hóa chụp cho cái mũ có liên quan với khối Nhân Văn Giai Phẩm. Có thời LĐ Bộ QP đã yêu cầu ông già mình chính thức làm đơn xin từ anh trai nhưng ông già mình không chịu vì vậy mặc dù hoạt động trước CM 1945, bạn bè của Cụ lên tướng cả nhưng Cụ vẫn cứ ôm cái lon tá. Tính ông già mình thẳng lắm, biết là bị trù dập như vậy nhưng Cụ không bao giờ than vãn cả. Suốt thời kỳ chống Mỹ, khi gia đình bác Tứ không được phát tem phiếu, sổ gạo thì tháng nào ông già mình cũng trích tiêu chuẩn của mình để mang đến giúp đỡ gia đình bác Tứ. 

Trong quyển sách mà nhà văn Văn Tâm viết về bác Tứ, có hai đoạn đáng chú ý là việc bác Tứ công khai phê phán Trần Dụ Châu trước văn võ bá quan trong bữa tiệc; và đoạn thứ hai là Thủ tướng Phạm Văn Đồng bắt gặp bác Tứ khi đang thu góm lá rau ở chợ để nuôi lợn. Rất tiếc là quyển sách này mình cho một người quen ở Bỉ mượn mấy năm rồi nhưng chưa lấy lại được (ảnh cuốn sách thì vẫn còn đây).




Mình nói ra điều này nhưng Cường đừng ngạc nghiên nhé. Thời ở VN, khi làm việc ở Xưởng phim truyện VN tại Thụy Khê thì có thể Cường biết ông già mình đấy vì hồi đó Cụ là phó giám đốc của Xưởng phim Quân Đội tại 17 Lý Nam Đế. Tên Cụ là Đoàn Phú Thực. Sau giải phóng, từ chức chỉnh ủy trung đoàn Cụ được giao nhiệm vụ xây dựng Bảo Tàng Quân Đội. Khi Bảo tàng bắt đầu bước vào hoạt động có nề nếp thì họ lại giao cho Cụ xây dựng Thư Viện Quân Đội để sau đó chuyển sang nhiệm vụ mới là xây dựng Xưởng phim Quân Đội. Nhiều lần Cụ nói với các bạn chiến đấu cũ hay mấy người bạn thân thời học trường Bưởi để được vào Nam nhưng họ đều khuyên là không nên vì chắc chắn LĐ BQP sẽ không đồng ý. 

Tuy thời gian sống với Bố Mẹ không nhiều nhưng mình đã học được ở Cụ rất nhiều điều và cho đến giờ vẫn cứ phải học mà chỉ đáng "xách dép" cho Cụ thôi. Bà gì (mà tự nhiên mình quên mất tên rồi) vừa về hưu, trước đó là Cục trưởng Cục Điện Ảnh thuộc Bộ Văn Hóa được ông già mình nhận là con nuôi quý và nể Cụ lắm.

Cường cùng gia đình có cuộc sống ổn định như vậy là yên tâm rồi. Liệu hai vợ chồng có tính chuyện sau này về VN sống rồi thỉnh thoảng qua Đức thăm con, cháu không? Ý định của mình là như vậy. Về VN là mình dẹp mọi việc để có thời gian với gia đình mới của mình rồi mỗi năm hai vợ chồng qua Czech 1-2 lần với các con.

Mình quen cách sống ở bên này nên ít khi xưng hô theo tập tục ở VN lắm. Về VN làm việc thì với mọi người, ít hay nhiều tuổi mình cũng xưng hô anh - tôi, chị - tôi vì như vậy dễ làm việc hơn. Khi thân mật rồi thì mình thượng gọi tên, xưng mình với những người ít tuổi hơn một chút. 

Nếu rảnh thì thỉnh thoảng buổi tối hai đứa mình lên mạng skype nói chuyện với nhau cho vui nhé. 

Không hiểu ở Hamburg thế nào chứ ở Czech thì mưa suốt cả tuần này rồi, nhiều chỗ nước đã dâng đến mức bạo động cấp 3. Thành phố mình ở cao hơn những chỗ khác, tiếng Czech gọi là Vysocina, tương tự như Cao Nguyên ở VN nên chưa có ảnh hưởng gì, chỉ tội mưa và lại mưa thôi. 

Thế nhé, chúc Cường cùng gia đình có một tối chủ nhật vui vẻ, đầm ấm 

Thân,
Phú Hòa

-------------------------------------------------------------------------

Thân gửi Cường, 

Cám ơn Cường nhiều về bài thơ "Ánh trăng" của bác Tứ. Chú Dương Minh Đẩu vẫn đã về hưu cùng thời với ông già mình và hiện đang sống ở Sài Gòn. Lần nào về SG thì mình cũng đến thăm vợ chồng chú. Dương Minh Đức, nguyên phó giám đốc đại học văn hóa nghệ thuật quân đội là con trai lớn của chú Đẩu vầ đồng thời là thằng bạn cùng khóa ở trường Trỗi với mình. 

Chính nhờ bác Tứ mà thời gian bác còn sống, nhất là trong khoảng 2 năm 1983 - 1985, khi mình chờ quyết định của nhà nước VN cho quay lại Czech thì mình đã có dịp tiếp xúc nhiều với tầng lớp văn nghệ sĩ nổi tiếng ở Hà Nội. Hồi đó các Cụ nghèo lắm nhưng Cụ nào cũng nghiện cafe và thường hay tụ tập ở cafe Lâm và không ít lần, để thay vì cho khoản thanh toán tiền trà nước thì Cụ Phái đã để lại những hình vẽ, những phác họa của mình được Cụ sáng tác trong lúc nhâm nhi với bè bạn (và những bức tranh phác họa đó sau này, khi Cụ Phái qua đời đã được dân sưu tầm bỏ những khoản tiền không nhỏ ra để tranh nhau mua). Đợt đó về nước thì mình cũng mang được một số xích và moay ơ xe đạp. Gần một nửa số tài sản nhỏ nhoi đó cũng được bán dần để chuyển thành rượu thuốc cho các Cụ. Ngồi nghe các bậc lão thành tâm sự với nhau mà  thấy xót xa nhưng lại càng quý phục tính cách ngang tàng, phớt đời của các Cụ. Cho đến giờ, mỗi khi vào mạng đọc về bác Tứ mà thấy họ giải thích biệt danh "Tuấn Đô" của bác là do xáo trộn cái tên Đoàn Tứ mà mình vừa buồn cười vừa ức. Thời kỳ đó, nếu viết thẳng tên Đoàn Phú Tứ thì không nhà xuất bản nào dám in vì vậy bác Tứ phải viết dưới tên khác. Theo như bác kể lại thì để chọn được tên Tuấn Đô bác đã phải mất mấy ngày trời bởi vì Tuấn Đô có nghĩa là Đố Tuân. Bác Tứ không thèm tuân lệnh của bất kỳ thằng nào cả. Nếu Quý và Cường tìm được cuốn " Đoàn Phú Tứ - Con người và tác phẩm " của nhà văn Văn Tâm viết hồi năm 1995 do nhà xuất bản Văn Học đăng thì sẽ rõ hồi đó bác Tứ đã có một cuộc sống vất vả như thế nào. 

Nói chính xác hơn thì nhà văn Văn Tâm cũng chỉ có thể được phép đề cập đến một phần nào thôi chứ thực sự thì còn tồi tệ hơn nhiều. Hồi đó mình thường xuyên đến nhà bác chơi, có hôm hai bác cháu ngồi tâm sự với nhau cả ngày và nhờ vậy mình đã được bác cho xem rất nhiều tác phẩm cổ điển của Pháp mà bác dịch ra tiếng Việt nhưng không được đăng, nhiều lắm, có thể nói là hàng chục quyển. Đã có lần trong lúc hai bác cháu tâm sự mà bác Tứ cứ chăm chăm nhìn vào những chồng giấy rồi nước mắt lặng lẽ chẩy. Mình biết là bác đau lắm vì bác gửi gắm tất cả hồn mình vào những trang giấy đó. Qua bạn bè của bác thì mình được biết bác Tứ là một trong số rất ít người Việt Nam giỏi tiếng La Tinh nhưng tiếc rằng xã hội hay chính xác hơn là lũ ngu ngốc LĐ Bộ Văn Hóa không biết tận dụng. Đã có lần bác Tứ tâm sự với mình là bác đã từng ước có một cách nào đó chuyển được các bản dịch và bản thảo vào trong Nam cho một nhà xuất bản nào đó trong Nam in mà không cần bất kỳ một khoản tiền nhuận bút nào. Bác chỉ có một nguyện vọng duy nhất là đến được tay người đọc. Rất tiếc là sau khi bác qua đời hồi năm 1988, khi mình đã quay về Czech được 3 năm rồi, vì hoàn cảnh túng bấn, các con của bác phải chuyển nhà từ 12 Châu Long ra bãi Chương Dương nên đã bán tất cả các bản dịch đó cho hàng đồng nát như là giấy vụn (mà quả thật thì người thường cũng có thể coi là giấy vụn được vì không có tiền mua từng ấy giấy nên bác đã phải mua lại của mấy bà đồng nát loại giấy đã viết hoặc đánh máy một mặt để dùng). Sau này, khi biết được chuyện đó thì mình cứ tiếc mãi vì các độc giả Việt Nam đã bị thiệt thòi nhiều lắm. 

Giống ông già nên mình không hận chế độ mà mình chỉ hận những người đang ngồi trên ghế LĐ nhưng không có tâm với quê hương, với đất nước và với dân tộc. Họ lao đầu vào những mưu tính cá nhân để làm sao có được nhiều tiền, thật nhiều tiền… vì vậy họ đã biến các công ty nhà nước thành những sân sau của họ và những khoản tiền không nhỏ của đất nước đã và đang dần dần được những kẻ họ nâng đỡ rót vào. Họ đã biến CHXH thành tà đạo và dùng tư tưởng HCM để làm bình phong cho những tính toán ích kỷ của  mình và đồng thời là "vòng kim cô " đối với những người dân lương thiện mong mỏi tự do, dân chủ. Quê hương Việt Nam của chúng mình sẽ không thể nào hùng mạnh được nếu vẫn còn tồn tại những loại người như vậy. 

Thôi, 23h rồi (ở VN là 4h sáng, anh chàng Quý vẫn còn đang ôm vợ ngủ say). Mình tạm dừng bút nhé. Hẹn gặp lại, tạm thời là trên mạng. 
Thân,
Phú Hòa

01.8.2011

------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét