Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Luật sư Trần quốc Thuận: Bài bào chữa cho Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tại phiên tòa phúc thẩm ngày 2 tháng 8 năm 2011 tại Hà Nội

Nguồn BVN

Luật sư Trần quốc Thuận

Tôi, Luật sư Trần Quốc Thuận, Văn phòng Luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, là Luật sư bào chữa cho Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ bị kết án tại bản án sơ thẩm số:178/2011/HSST ngày 4/4/2011 TAND Hà Nội; "theo điểm c, khoản 1, Điều 88, Bộ luật hình sự:

"Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam"

"Xử phạt bị cáo Cù Huy Hà Vũ 07 (bảy) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị bắt giam 05/11/2010; phạt quản chế tại địa phương nơi bị cáo cư trú là 3 (ba) năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù và một số hình phạt phụ".

Bài bào chữa của tôi gồm 7 phần như sau:

I. Nêu kiến nghị, cung cấp tài liệu.

II. Bản án sơ thẩm TAND Hà Nội vi phạm một số qui định của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự

III. Nhận định của Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND Hà Nội không có căn cứ pháp luật dẫn đến kết án thiếu cơ sở pháp lý.

IV. Nhân thân của TS Cù Huy Hà Vũ

V . Động cơ, mục đích hành vi của Cù Huy Hà Vũ.

VI. Trích một số trích đoạn, một số câu, đoạn trả lời báo chí, phát biểu tại các cuộc Hội thảo của các vị Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng CSVN, Nhà nước, Quốc Hội, các vị GS, Phó GS Tiến sĩ nói về Đảng, về chế độ XHCN, về Chủ nghĩa Mác Lê nin đã đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước hoặc lưu truyền rộng rãi hoặc báo chí nước ngoài đăng lại, đưa tin không thấy Nhà nước lên tiếng đính chính hoặc phản đốihoặc buộc tội.

VII. Kết luận.

Sau đây là phần trình bày:

I. Kiến nghị, cung cấp tài liệu

Một là, hiện nay ngành tư pháp đang triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ chính trị về "Cải cách tư pháp". Vì vậy phiên tòa hôm nay phải được diễn ra đúng theo tinh thần của Nghị quyết này, nghĩa là "Tòa án là khâu trung tâm của quá trình cải cách, xét xử là khâu trọng tâm của toàn bộ họat động tư pháp bởi vì thực chất hiệu quả của họat động tư pháp thế hiện chủ yếu ở họat động xét xử, ở bản án hay quyết định của toà án, nếu án đúng thấy ngay kết quả, nếu án sai là họat động không có hiệu quả. Các hoạt động khác của tiến trình tư pháp như điều tra, kiểm sát, truy tố, v.v. nếu có sai phạm vẫn có thể khắc phục được và ít để lại hậu quả nhưng nếu xét xử sai hậu quả để lại rất lớn và đôi khi không thể nào khắc phục được, khó phục hồi nguyên trạng như trước khi điều tra, kiểm sát, truy tố"… Đảng và Nhà nước ta cũng chủ trương trong giai đoạn hiện nay cần "nâng cao vai trò của luật sư hơn nữa trong tiến trình tham gia tố tụng, đảm bảo vị trí cân bằng của luật sư và bên công tố khi tham gia xét xử".

Hai là, Nhà nước CHXHCN VN là Nhà nước của dân, do dân và vì dân mọi quyền lực thuộc về nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân… Do đó, tôi xin gửi đến HĐXX Danh sách các cá nhân ký "Kiến nghị trả tự do cho công dân Cù Huy Hà Vũ" công bố trên trang mạng Boxitvn.net trong tháng 4 và 5-2011 của nhiều vị Lão thành Cách mạng, Tướng lãnh, Sĩ quan "bộ đội cụ Hồ", của các Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo, Luật sư, Nhà báo, Nhà văn, Nhà thơ, Nhạc sĩ, Nhà soạn kịch... học sinh, sinh viên… các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Ba là, xin gửi bản photo toàn văn các văn bản ghi lại các bài viết, trả lời phỏng vấn của Cù Huy Hà Vũ mà gia đình còn lưu giữ để so sánh với các bài mà cơ quan điều tra đã vào nhà, thu giữ tại 24 Điện Biên Phủ, nơi cư trú của 2 nhà thơ được Giải thưởng Hồ Chí Minh, từ sau 1954 đến khi từ trần: Cù Huy Cận và Xuân Diệu; là nơi lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu; công an vào nhà 30 phút trước khi vợ Cù Huy Hà Vũ là Bà Nguyễn Thị Dương Hà và em gái là Bà Cù Thị Xuân Bích kịp về nhà. Kèm theo ý kiến của Luật sư Hà Huy Sơn nêu ra 12 chỗ mà Cáo trạng đã "thêm, bớt, sửa đổi…" so với các văn bản có trong Hồ sơ vụ án làm căn cứ để truy tố, xét xử Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ mà Bản án sơ thẩm TAND Hà Nội không đề cập đến.

Bốn là, gửi đến HĐXX các bài trả lời báo chí của một số vị Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước (nguyên văn hoặc trích câu, đoạn); Bản kiến nghị của nhân sĩ, trí thức "về Bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay".

II. Bản án sơ thẩm số: 178/2011/HSST ngày 4/4/2011 TAND Hà Nội vi phạm một số qui định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự

Qua xem xét các chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy cơ quan an ninh điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân Hà nội trong quá trình tiến hành tố tụng: tạm giữ, tạm giam, bắt, khám xét, thu giữ tài liệu, dẫn đến khởi tố, truy tố, lập Cáo trạng và ban hành Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân Hà Nội, có nhiều dấu hiệu vi phạm các qui định tại một số Điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Đặc biệt TAND Hà Nội không thực hiện theo qui định tại các điều:

* Điều 54. Người có quyền và nghĩa vụ liên quan: không mời Đài VOA, Đài RFA, Phóng viên Trâm Oanh vàBauxite Việt Nam là các nơi phỏng vấn, đăng tải các bài trả lởi phỏng vấn, bài viết của Vũ. Điều 64: Chứng cứ; Điều 183: Triệu tập những người cần xét hỏi (đã nêu tại Điều 54 và 55);

* Điều 55. Người làm chứng; không mời vợ và em gái Cù Huy Hà Vũ: Bà Nguyễn Thị Dương Hà và Bà Cù Thị Xuân Bích.

* Điều 214: Việc trình bày, công bố các tài liệu của vụ án và nhận xét, báo cáo của cơ quan, tổ chức. Không công bố toàn văn 10 bài Trả lời phỏng vấn, bài viết theo qui định tại Điều 214 BLTTHS mà chỉ trích, cắt xén theo ý chủ quan của Viện Kiểm sát và Chủ tọa phiên tòa. Khi Bị cáo, Luật sư chất vấn thì dẫn Điều 208 BLTTHS "Công bố những lời khai tại cơ quan điều tra" (Biên bản phiên tòa TAND Hà nội BL 1793) không có liên quan đến nội dung này, rồi tự cho mình quyền không công bố toàn văn các chứng cứ làm căn cứ để truy tố, xét xử.

Bên cạnh đó là 12 nội dung mà Luật sư Hà Huy Sơn đã nêu ra ngày 13/7/2011 chỉ rằng Cáo trạng đã: thêm, bớt, sửa chữa làm sai lệch Hồ sơ vụ án, Tòa sơ thẩm TAND Hà nội không trả lời trong bản án.

Các bài của Cù Huy Hà Vũ, "trả lời phỏng vấn, viết bài đăng trên báo đài công khai" nhiều tháng, không thấy ai nói gì, đặc biệt là "cơ quan an ninh Việt Nam" có trách nhiệm "không một giây, phút bỏ qua việc dõi theo tin tức trên mạng". Bỗng dưng, cơ quan chức năng lại dùng "2 bao cao su đã qua sử dụng" để biến thành vụ án "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam". Cách hành xử như vậy liệu có làm vẻ vang cho ngành hay không?

III. Nhận định của Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND Hà Nội không có căn cứ pháp luật dẫn đến kết án thiếu cơ sở pháp lýdấu hiệu vi phạm pháp luật không rõ

* Xem xét toàn bộ các chứng cứ buộc tội Cù Huy Hà Vũ, từ Kết luận điều tra của cơ quan an ninh, đến Cáo trạng của Viện Kiểm sát và nội dung Bản án Sơ thẩm của Tòa án nhân dân Hà nội không có điểm nào khác. Phần nhận định của Tòa án thì nói theo. Điều đó cho thấy Tòa Sơ thẩm Tòa án nhân dân Hà nội đã không tuân thủ lời văn, ý tưởng theo qui định của Nghị Quyết 49/BCT của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam nêu trên.

* Về 10 đầu tài liệu mà Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, tiếp đến là Tòa Sơ thẩm TAND Hà nội đã nhặt, trích, cắt xén ra một số đoạn, câu chữ, ý kiến trong một số bài trả lời phỏng vấn, kiến nghị, ý tưởng hoặc lưu trong USB, máy tính cá nhân của TS Cù Huy Hà Vũ mà không công bố toàn văn, để làm chứng cứ lập Cáo trạng, làm căn cứ để kết án, tôi có ý kiến như sau:

– Về 2 bài Cù Hà Huy Vũ lưu giữ trong máy tính xách tay, USB:

+ Bài "Đường sắt cao tốc Bắc Nam – Dự án tham nhũng", Vũ chưa đồng ý nội dung nên đài VOA chưa đăng tải.

+ Bài "Bàn về Đảng cầm quyền", Vũ đang viết, chưa xong.

Đây là 2 "bản nháp", viết chưa xong, chưa xác định được nội dung ý kiến, quan điểm, chưa công bố, đăng tải. Pháp luật ngăn cấm hành vi truy bức tư tưởng, không có pháp luật nào lại truy tố, xét xử một "bào thai".

Đề nghị rút 02 chứng cứ này ra, khi xét xử phúc thẩm.

– Bài "Bà Trần Khải Thanh Thủy cố ý gây thương tích và dấu hiệu bẫy người khác phạm tội": Đây là bài tố giác hành vi công an cơ sở bắt người, có khi đúng, có khi sai, việc lên tiếng tố cáo không thể gọi là tội phạm.

Đề nghị rút chứng cứ này ra khi xét xử phúc thẩm.

– Còn lại 07 bài trả lời phỏng vấn sau:

+ Bài "Bom áp nhiệt nổ giữa Ba Đình" do tác giả Nguyễn Thanh Ty viết, Vũ lưu giữ tại nhà.

+ Bài: "Chiến tranh Việt Nam và ngày 30 tháng 4 dưới mắt Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ".

+ Bài: "Kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, lấy "Việt Nam" làm quốc hiệu để Hòa giải dân tộc".

+ Bài "Phải đa đảng mới chống được lạm quyền".

+ Bài: "TS Cù Huy Hà Vũ từ khởi kiện Thủ tướng đến yêu cầu xóa bỏ điều 4 Hiến pháp".

+ Bài: Bài phóng viên Trâm Oanh phỏng vấn Cù Huy Hà Vũ.

+ Bài: ""Tam quyền nhất lập" đồng lòng hại dân".

Tôi đề nghị: vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định là xem xét kỹ dấu hiệu pháp lý qui định tại "điểm c khoản 1" Điều 88 Bộ luật Hình sự, làm căn cứ để truy tố, xét xử đối với Cù Huy Hà Vũ:

"Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

"1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

"c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam".

Vấn đề đầu tiên, tôi cố gắng nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, nhưng thật lòng không tìm thấy dấu hiệu nào trong hồ sơ vụ án để chứng minh mục đích, động cơ, ý chí của Vũ có hành vi "…nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam". Tôi chưa thấy chứng cứ nào của cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra có tính thuyết phục chứng minh được hành vi, nhất là động cơ, mục đích, ý chí của Cù Huy Hà Vũ là "…nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam". Đây là "dấu hiệu bắt buộc khi truy tố, xét xử các hành vi thuộc nhóm tội này". Trong khi Vũ luôn khẳng định mình không chống Đảng Cộng sản Việt Nam, không chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Bởi vì, TS Vũ luôn rất tự hào về gia đình, gia tộc mình và luôn nghĩ rằng các chủ thể này (Đảng, Nhà nước) có phần hy sinh xương máu, đóng góp công sức, trí tuệ của cả dân tộc Việt Nam trong đó có Tộc Cù Huy, cụ thể là Ông Bà nội -ngoại, Bố đẻ, Bố nuôi, Mẹ đẻ cùng các Chú, Bác bà con Tộc Cù Huy ở Hà Tĩnh và gia tộc bên vợ của Vũ (Bà Nguyễn Thị Dương Hà) cũng là gia đình có truyền thống cách Mạng, có nhiều người hy sinh xương máu góp phần tạo dựng nên chế độ hiện nay.

Tiếp theo, trong phần nhận định nhằm buộc tội, kết án Vũ, Bản án Sơ thẩm có đoạn viết "Chỉ có những ai mang hận thù với Việt Nam" họ mới có những lời lẽ hằn học và có những việc làm nhằm chống lại chính quyền nhân dân, chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" (BL 1829).

Không rõ câu "Chỉ có những ai mang hận thù với Việt Nam", Tòa sơ thẩm Tòa án nhân dân Hà Nội nhằm nói ai?

* Nếu nói về Cù Huy Hà Vũ, thì Hội đồng xét xử, chưa tìm hiểu kỹ về nhân thân của TS Vũ, khi nói về nhân thân của Vũ, Tòa chỉ ghi một câu ngắn gọn "gia đình có truyền thống cách mạng". Chúng ta hãy xem bản thân, gia đình, Tộc Cù Huy, của TS Vũ có lý do gì phải "hận thù với Việt Nam" như nhận định của án sơ thẩm hay không? Trong khi Vũ rất tự hào về dòng tộc, về gia đình mình, đây là một dòng tộc, một gia đình có bề dày hàng trăm năm đóng góp cho đất nước, hàng chục năm đóng góp cho sự nghiệp Cách mạng của Đảng CSVN, của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; gia đình của Vũ được Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên Thủ tướng Phạm văn Đồng và nhiều vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước khác chăm sóc, yêu quí; bố đẻ Vũ là Nhà thơ Cù Huy Cận Huân Chương Sao Vàng; Vũ lại là con nuôi Nhà thơ Xuân Diệu mà hiện nay, Vũ đang có trách nhiệm bảo quản Nhà lưu niệm, thờ cúng Nhà thơ Xuân Diệu tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội; bản thân Cù Huy Hà Vũ là Tiến sĩ luật, Thạc sĩ văn chương, vợ là Luật sư, Bà Nguyễn Thị Dương Hà lại cũng là con trong một gia đình có truyền thống Cách mạng, có nhiều thương binh, liệt sĩ, mẹ đẻ có 4 người em là liệt sĩ, thương binh, bà ngoại là Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng…; 2 con đang học ở nước ngoài. Về tư cách, một số cán bộ công an "cấp Tướng" liên quan đến vụ án, đã báo cáo, phản ảnh với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị Lão thành, Nhân sĩ thậm chí đưa lên báo đài, nào là Vũ là thế này, thế khác… sự việc đã có 3 người chú ruột và bà cô là các vị Lão thành cách mạng, cao niên xác nhận. Sự việc chỉ là mâu thuẫn trong gia đình do tranh chấp về nơi cư trú, quyền sở hữu nhà tại nhà 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội giữa 2 dòng con của Ông Cù Huy Cận.

* Hay nói về Đài VOA, RFA của Hoa Kỳ, là nước mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đang đàm phán để tiến tới quan hệ chiến lược.

* Hay nói về người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì trái với Điều 75 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001) "Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận của cộng đồng dân tội Việt Nam".

*Tiếp đến xem các dấu hiệu " Làm ra, tàng trữ, lưu hành"

Trước hết, dấu hiệu "tàng trữ" với tài liệu Bài "Bom áp nhiệt nổ giữa Ba Đình" do tác giả Nguyễn Thanh Ty viết, thu giữ tại nhà riêng 24 Điện Biên Phủ.

Còn các tài liệu khác là các Bài trả lời phỏng vấn của Vũ, không thể bảo việc lưu giữ các bài trả lời phỏng vấn của mình tại nhà là "tàng trữ"?

Tuy nhiên, đây là quyền được thông tin, được pháp luật bảo hộ.

* Tiếp theo là nói đến dấu hiệu "Làm ra, lưu hành".

Đại từ điển tiếng Việt – Nhà xuất bản Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh năm 2007 định nghĩa "Phỏng vấn"  "Hỏi ý kiến một nhân vật nào về một vấn đề được nhiều người quan tâm để công bố lên đài, báo".

Như vậy, nếu có hành vi "Làm ra, lưu hành", thì đó là hành vi của Đài VOA (Đài tiếng nói Hoa Kỳ), Đài RFA(Đài Châu Á Tự Do, phát thanh từ Washington, thủ đô Hoa Kỳ); phóng viên Trâm Oanh ở Đức và trang mạngBauxit Việt Nam.

Nhưng một câu hỏi đặt ra là: tại sao các cơ quan tố tụng không có câu nào nói đến Đài VOA, Đài RFA, Phóng viên Trâm Oanh và Trang mạng Bauxit Việt Nam; kể cả khi có cá nhân, tổ chức này đã lên tiếng nhận trách nhiệm và đề nghị được tham gia phiên tòa "với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan" theo qui định của Bộ luật Tố tụng Hình sự tại: Điều 54 – "Người có quyền và nghĩa vụ liên quan"; đó cũng là đề nghị của Luật sư bào chữa gia đình và cá nhân TS Vũ, thì TAND Hà Nội bác bỏ, không thực hiện? Đề nghị này cũng lại được các Luật sư và gia đình bị cáo, bị cáo tiếp tục đề nghị trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, nhưng tại phiên tòa hôm nay vẫn không có mặt Đài VOA, Đài RFA, phóng viên Trâm Oanh và Trang mạng Bauxite Việt Nam?

Từ những phân tích nêu trên, tôi kết luận là Cù Huy Hà Vũ "không có việc phạm tội", "hành vi không cấu thành tội phạm"không có đủ các dấu hiệu qui định tại điểm c khoản 1 Điều 88 BLHS "Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam".

Tiếp đến, trong phần nhận định của Bản án sơ thẩm số: 178/2011/HSST ngày 4/4/2011 TAND Hà Nội, có đoạn viết Vũ có hành vi "nói xấu", "phỉ báng chính quyền" (BL1827), nếu có, thì đó là dấu hiệu qui định tại "điểm a khoản 1 Điều 88" BLHS, không thuộc phạm vi xét xử theo qui định tại Điều 196 BLTTHS "Giới hạn của việc xét xử".

Nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng cứ quyết hành vi của Cù Huy Hà Vũ là "nhằm chống", liệu chủ đích của cơ quan tố tụng có chi phối bởi bàn tay của "thế lực mềm" phương Bắc đang cố tình gây ra sự chia rẽ, phân hóa dân tộc Việt Nam mà trước hết là gây chia rẽ giữa các dòng tộc-gia đình có truyền thống chống ngoại xâm, gia đình Cách mạng, giữa trí thức với chế độ hiện nay hay không? Các hành vi của các cơ quan tố tụng có thật sự tỉnh táo, khôn ngoan trước các việc làm của mình, trước "thế lực mềm" hay không?

Việc đối xử với một trí thức như Vũ, điều cần chú ý là đối với một gia đình gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với các vị khai quốc công thần. Trong khi tình hình hiện nay chúng ta cần sự đồng thuận giữa người Việt Nam trong nước với nhau, giữa người Việt Nam trong nước với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, không phân biệt tôn giáo, dân tộc, chính kiến, quá khứ, thành phần giai cấp và tiếp đến là sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế trước hiểm họa Bắc xâm. Việc làm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện trong những năm 1940, Cách mạng Tháng 8 là một trong các nguyên nhân quan trọng đưa đến thành công cho cuộc kháng chiến chống các cuộc xâm lược của Thực dân Đế quốc và Bành trướng. Việc làm có ý nghĩa để giữ vững độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo trước thái độ hung hăng của Bá quyền phương Bắc muốn xâm chiếm nước ta, trước mắt là chiếm biển đảo.

IVNhân thân của TS Cù Huy Hà Vũ

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ là một trí thức, xuất thân từ gia đình có truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng nhiều đời. Theo gia phả của Tộc Cù Huy xã Ân Phú, Huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, thì Cù Huy Hà Vũ có:

+ Ông Tổ là Cù Ngọc Xán, chỉ huy căn cứ địa của Lê Lợi ở Hương Sơn, Hà Tĩnh trong suốt 6 năm đầu của cuộc kháng chiến chống quân Minh (1418-1424) mà sử sách ghi là "Lục niên thành", Binh bộ Thượng thư thời Lê Sơ (Bộ trưởng Quốc phòng), sau được phong tước Vương;

Cụ Nội 4 đời là Cù Huy Quán, tham gia khởi nghĩa Phan Đình Phùng, chống thực dân Pháp;

Cụ Nội 3 đời là cụ Cù Huy Trương (tức Cù Trương) tham gia khởi nghĩa Xô viết Nghệ Tĩnh chống thực dân Pháp, sau là Chủ tịch UB kháng chiến xã Ân Phú, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng chân dung Chủ tịch và tiền;

Bố là Nhà thơ Cù Huy Cận, Bộ trưởng trong Chính phủ Dân chủ Cộng hòa non trẻ, tiếp ký Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945, sau là Bộ trưởng đặc trách Văn hóa Nghệ thuật của Hội đồng Bộ trưởng, ĐBQH nhiều khóa, Huân chương Sao Vàng;

Ông ngoại là Ngô Xuân Thọ, liên hệ với Phan Bội Châu chống thực dân Pháp, tuyên truyền Cộng sản bằng sách báo, giải thoát cho người Cộng sản tiền bối là Ngô Đức Đệ khỏi sự giam cầm của thực dân Pháp.

+Ông Bác đồng thời là cha nuôi của Vũ là nhà thơ Xuân Diệu (tức Ngô Xuân Diệu, ĐBQH khóa I, Huân chương Độc lập hạng Nhất;

+Mẹ đẻ là Bà Ngô Thị Xuân Như (em ruột Nhà thơ Xuân Diệu), ở tuổi thiếu nữ đã tuyên truyền Việt Minh, tham gia kháng chiến, Bác sĩ Viện Y học cổ truyền Việt Nam, đã từng công tác tại Ban Kiểm tra 12 (Phủ Chủ tịch và Phủ Thủ tướng) ở chiến khu Việt Bắc, có thời gian trực tiếp tham gia bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Chủ tịch Hồ Chí Minh,

+Vợ Nguyễn Thị Dương Hà là Luật sư, gia đình có truyền thống cách mạng, mẹ đẻ có 3 em trai là liệt sĩ; Bà ngoại Hà là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Có 2 người con đang học nước ngoài.

Bản thân Cù Huy Hà Vũ học chuyên ngành kinh tế, là luật gia tốt nghiệp Tiến sĩ Luật Đại học Sorbonne (Sóc-bon) Pháp, một trong những trường Đại học hàng đầu trên thế giới, là Tiến sĩ Luật, là Thạc sĩ Văn chương và đã có thời gian phục vụ trong quân ngũ tại Sư đoàn 3 Sao Vàng, đóng tại Lạng Sơn, nhưng vì bị bịnh tim nên được giải ngũ.

V. Động cơ, mục đích hành vi của TS Cù Huy Hà Vũ

Theo Cù Huy Hà Vũ, thì vì ham muốn kiến nghị với Đảng, Nhà nước về những điều trăn trở, mà theo ý nghĩ chủ quan của mình cho là đúng. Đây là các vấn đề trước đây đã có người nói, đề cập đến, nên khi đặt lại muốn dùng lời văn "mạnh bạo", "dân dã", "thẳn thắng", chính những câu chữ này đã làm cho người không đồng tình về các nội dung này cảm thấy "khó chịu" có thể dẫn đến "tức giận", đó là tính cách cá nhân, vùng miền không phải là tội phạm. Trước khi thực hiện, Ông đã nghiên cứu các qui định của Hiến pháp, pháp luật CHXHCN VN để đảm bảo việc mình thực hiện là không vi phạm pháp luật, được pháp luật bảo vệ. Ông đã tìm đến các qui định của pháp luật sau đây:

Điều 53 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi bổ sung 2001) qui định: "Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu dân ý".

Điều 69 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi bổ sung 2001) quy định: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật".

Các nội dung qui định về quyền cơ bản của Công dân "theo quy định của pháp luật" trong Hiến pháp năm 1992 nêu trên, đồng thời được ghi trong các Nghị quyết IX và X của Đảng CSVN liên quan đến phát huy quyền dân chủ của nhân dân, nhưng đến nay đã 19 năm vẫn chưa có luật: Một là Luật Lập hội; Hai là Luật Quyền được tiếp cận thông tin; Ba là Luật Biểu tình; Bốn là Luật Trưng cầu dân ý; Năm là Luật Tòa án Hiến pháp.

Vì chưa có "quy định của pháp luật" CHXHCN VN khi thực hiện các quyền dân chủ qui định trong Hiến pháp nêu trên, Vũ lại tìm đến các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên:

Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên từ ngày 24 tháng 9 năm 1982. Quy định tại khoản 1 Điều 19: "Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp"; khoản 2: "Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ". Điều 5: "1. Không một quốc gia, một phe nhóm hay một cá nhân nào có quyền giải thích các điều khoản trong Công ước này để cho phép họ hoạt động hay làm những hành vi nhằm tiêu diệt những quyền tự do đã được Công ước thừa nhận, hoặc để giới hạn những quyền tự do này quá mức ấn định trong Công ước".

Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế số: 41/2005/QH11 năm 2005 của Việt Nam, quy định tại khoản 1 Điều 6: "Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và Điều ước quốc tế mà Nước CHXHCN Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Điều ước Quốc tế".

Như vậy, Cù Huy Hà Vũ có niềm tin là khi trả lời phỏng vấn của báo chí trong hay ngoài nước, viết bài đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng thể hiện quan điểm cá nhân của mình, thực hiện các quyền nêu trên, thì được luật pháp bảo hộ.

TS Cù Huy Hà Vũ đã nhiều lần nhắc đi, nhắc lại:

* Tôi không có tổ chức; không tham gia tổ chức; không có tuyên ngôn; không lui tới với các cá nhân gọi là "Bất đồng chính kiến";

* Các bài viết, trả lời phỏng vấn của tôi không có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; không có nội dung chống Đảng Cộng sản Việt Nam; không có nội dung đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam;

* Bài viết, trả lời báo chí nêu thực trạng hiện nay của đất nước "quốc gia hưng vong thất phu hữu trách" nhằm kiến nghị Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; kiến nghị về chủ nghĩa Mác Lê nin mà qua nhận thức chủ quan của mình cho là đúng.

* Việc thực hiện quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước là quyền có căn cứ pháp luật.

* Tôi không hề có hành vi "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

* Tôi viết nhiều bài ca ngợi cuộc Kháng chiến thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam; khẳng định Mỹ thua những người Cộng sản ở chiến trường Việt Nam; không hề có nội dung xuyên tạc cuộc kháng chiến chống xâm lược thống nhất đất nước;

* Tôi kiến nghị thực hiện Chính sách Hòa hợp - Hòa giải Dân tộc sau năm 1975.

* Kiến nghị Đảng Cộng sản Việt Nam, là người chiến thắng hãy khoan dung, hãy thực hiện Chính sách Hòa hợp - Hòa giải Dân tc.

* Tất cả những nội dung phát biểu đều là những kiến nghị, thực hiện một cách hòa bình, bất bạo động.

Sau khi nguyên cứu kỹ Hồ sơ vụ án, tôi cũng đồng tình với Cù Huy Hà Vũ về các nội dung Vũ đã khẳng định nêu trên nghĩa là: Vũ không có hành vi "nhằm chống" Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Vũ không có hành vi "nhằm chống" Đảng Cộng sản Việt Nam; không có hành vi đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; không xuyên có hành vi xuyên tạc cuộc Khángchiến thống nhất đất nước như Cáo trạng đã nêu và Bản án sơ thẩm TAND Hà Nội đã tuyên. Tuy nhiên lời văn, câu chữ giọng nói có phần nặng nề "dân dã", "nặng nề" ít thuyết phục, làm cho người nghe có cảm giác khó chịu, có khi dẫn đến bực tức, đó "là thái độ, tính cách, đặc tính vùng miền" không phải là tội phạm.

Nếu nói Vũ "xuyên tạc, phỉ báng chính quyền" thì bộ phim nhiều tập "Chủ tịch tỉnh" chiếu nhiều ngày trên VTV1 vạch trần sự thối nát, mafia của chính quyền còn nặng nề hơn gấp nhiều lần so với lời lẽ của Vũ. Bộ phim đã mô tả lãnh đạo từ cơ sở đến lãnh đạo tỉnh đều hư đốn, hủ hóa, cấu kết với cá nhân ngoài xã xã hội để "cướp" đất của dân. Ở Việt Nam, chúng ta đều biết Bí thư, Chủ tịch, Phó chủ tịch tỉnh/thành phố khi điều động về TW hầu hết được bố trí làm Thứ trưởng, Bộ trưởng. Bí thư Tỉnh ủy cơ cấu là UVTW Đảng CSVN. Tuy bộ phim là "hư cấu", nhưng phóng viên VTV1 phỏng vấn nhiều người dân đã xem phim, thì đều trả lời đó là "sự thật" của tình hình hiện nay ở đất nước ta.

* Tại cuộc Hội thảo khoa học của Hội khoa học kinh tế Việt Nam ngày 7/10/2010 tại Hà Nội, các nội dung này cũng đã được đặt ra một cách mạnh mẽ, thẳng thắng kiến nghị với Đại hội Đảng XI về xây dựng Đảng; về Nhà nước CHXHCN Việt Nam; về chủ nghĩa Mác Lê nin;về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; về thực trạng kinh tế - xã hội; về văn hóa; về giáo dục của Việt Nam mặt được và các tồn tại nghiêm trọng và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước về các vấn đề được đặt ra. Với sự tham dự của hơn 80 đại biểu, phát biểu ý kiến của các vị nguyên BT TWĐ, UVTW Đảng CSVN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, GS, PGS, Tiến sĩ, Nhà khoa học, Chuyên gia kinh tế… (như GS Trần Phương, Ông Vũ Khoan, Ông Hồng Hà, Ông Phạm Văn Tiệm, GS Đào xuân Sâm, Bà Dương Thu Hương, Bà Phạm chi Lan, TS Lê đăng Doanh; các trợ lý Thủ tướng: Trần Việt Phương, Nguyễn Trung, Vũ Quốc Tuấn, GS Đào Nguyên Cát, Phó GS TS Đào Công Tiến, các GS TSKH NguyễnQuang Thái, Vũ Huy Từ, Nguyễn Mại, Lê Đại Phong, Phó GS Trần Đình Thiên, Bà Mai Thu…) (Bản toàn văn đã gửi HĐXX).

VI. Trích một số trích đoạn, một số câu, đoạn trả lời báo chí, phát biểu tại các cuộc Hội thảo của các vị Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng CSVN, Nhà nước, Quốc Hội, các vị GS, Phó GS, Tiến sĩ nói về Đảng, về chế độ XHCN, về Chủ nghĩa Mác Lê nin đã đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước hoặc lưu truyền rộng rãi hoặc báo chí nước ngoài đăng lại, đưa tin không thấy Nhà nước lên tiếng đính chính hoặc phản đối hoặc cho là vi phạm pháp luật

* Trích câu, đoạn Bài của Nguyên UVBCT Đảng Cộng sản Việt Nam, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu về ngày 30 tháng 4 năm 1975 đăng trên Tạp chí Ngoại giao của Bộ Ngoại giao tháng 4 năm 2005. Bài trả lời phỏng vấn này đã được đăng tải, đưa tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin trong nước và quốc tế như: BBC, AFP, RFA, BBC… (17.4.2005):

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói rằng: "chiến thắng tháng  năm 1975 là vĩ đại, nhưng Việt Nam cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát".

Ông nói tiếp, "lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam vào hoàn cảnh có người thân ở cả hai bên, ngay cả họ hàng ông cũng vậy". Ông cho đó "là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu".

Vẫn theo lời vị Thủ tướng, theo cách mà Việt Nam kỷ niệm những ngày lịch sử hiện nay, thì ông e rằng đang lặp lại những gì đã làm truớc đó. Ông nói "một sự kiện liên quan đến chiến tranh, khi nhắc lại, có hằng triệu người vui, mà cũng có hằng triệu người buồn. Nói đi nói lại quá mức cần thiết có thể gây ra sự phản cảm".

Ông kêu gọi giới lãnh đạo Việt Nam "phải thực tâm khoan dung và hòa hợp thì mới động viên được mọi người Việt Nam ở mọi nơi chung tay tạo dựng đất nước".

Khi còn sinh thời, nguyên UVBCT Đảng Cộng sản Việt Nam, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có những câu nói nổi tiếng:

– "Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người Cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả".

– "Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào".

* Những năm 1980, nguyên UVBCT BTTW Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Xuân Bách đã đề nghị thành lập chế độ đa đảng ở Việt Nam, chỉ bị kỷ luật Đảng, không bị truy tố trước pháp luật.

Năm 2010 trong chuyến thăm Ấn Độ trả lời báo chí, được truyền hình lại trên VTV1, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn phú Trọng, nay là Tổng Bí thư BCH TWĐ Đảng CSVN khi trả lời câu hỏi tại sao chưa thực hiện chế độ đa đảng ở Việt Nam, trong bài trả lời của mình, có đoạn nói: "Tôi không phản đối cũng không định kiến với các nước có chế độ đa đảng". "Ở Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan cần phải có chế độ đa đảng".

* Sau đây là trích một số đoạn, câu trong Bài trả lời phỏng vấn của nguyên UVBCT Đảng Cộng sản Việt Nam, CTQH Nguyễn Văn An (tuanvietnam.vietnam.net/2010-12-07):

(Toàn văn bài trả lời phỏng vấn chúng tôi đã gửi Hội đồng xét xử)

Hỏi: Chúng ta rút được bài học gì từ sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô?

Trả lờiĐảng (ở Liên xô trước đây) đã trở thành lực lượng cản trở sự phát triển của xã hội, đã trở thành lực cản của sự phát triển tự do dân chủ của xã hội. Nói theo tinh thần của Marx thì cái gì cản trở sự phát triển là thối nát, là phản động. Chính những người Cộng sản chân chính, chính liên minh giai cấp công nhân với nông dân và nhân dân lao động, chính độ ngũ trí thức cũng không muốn bảo vệ một Đảng đã thoái hóa biến chất như vậy. Đó mới là nguyên nhân chính, chứ không phải do kẻ thù của chủ nghĩa xã hội phá hoại là chính. Chính những người Cộng sản chân chính cũng muốn giải tán Đảng đã biến chất để xây dựng Đảng mới, để sửa lỗi hệ thống, để làm lại từ đầu.

Ông nói tiếp: Và như chúng ta đã biết, nhân dân ở các nước Đông Âu và Liên Xô (cũ) (sau khi sụp đổđã phúc quyết Hiến pháp mới để xác lập chính thể mới phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm sửa cái lỗi hệ thống của họ. Một bài học quá đắt giá trong lịch sử nhân loại. Chúng ta cần tỉnh giác để suy ngẫm, để chỉnh đốn Đảng ta như trong di chúc thiêng liêng của Bác Hồ đã ghi.

Hỏi: Đã có lần ông đã nói về sự phân quyền, vậy phân quyền trong thể chế Đảng lãnh đạo toàn diện nên được hiểu thế nào? (ở Việt Nam)

Trả lời: Hiến pháp và Pháp luật đã ghi rất rõ: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật là tối thượng. Song trong thực tiễn thì không ít trường hợp chỉ chị, nghị quyết của Đảng mới là tối thượng. Thực chất chúng ta có hai hệ thống quyền lực song song, đó là hệ thống của Đảng và hệ thống Nhà nước đi kèm theo là hai hệ thống tòa nhà của hai cơ quan đảng và nhà nước cồng kềnh chưa từng cóĐây là mô hình của Cộng hòa Xô viết. Thông lệ quốc tế không có như vậy.

Quốc hội là nhánh lập pháp có quyền lực cao nhất, song cũng còn nhiều hình thức, thực chất là Trung ương, Bộ Chính trị quyết.

Chính phủ là nhánh hành pháp song cũng rất yếu, chủ yếu là chấp hành chỉ thị nghị quyết của Đảng.

Chủ tịch nước từ chỗ tập trung thực quyền như khi Bác Hồ đảm nhận, ngày nay đã dần trở thành hình thức, nghi lễ. Quyền của nguyên thủ quốc gia bị phân tán ra làm ba nơi, ba người nắm giữ, đó là Tổng Bí thư thống lĩnh lực lượng vũ trang, Thủ tướng đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch nước đại diện cho Nhà nước về đối nội và đối ngoại nhưng không thực quyền.

Tòa án là nhánh tư pháp lại càng yếu thế.

Cả ba nhánh quyền lực đều đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Ban lãnh đạo Đảng (Bộ Chính trị - Ban Chấp hành Trung ương).

Quyền lực nhà nước được phân công ra làm ba nhánh song lại thống nhất ở nơi Đảng. Vậy, Đảng trở thành ông vua tập thể rồiKhông phải dân chủ nữa mà là đảng chủ rồi.

Hỏi: Trong bài viết mới đây nhất, ông có cho rằng đã đến lúc phải xây dựng luật về Đảng?

Trả lời: Đúng. Trước đây, khi Đảng chưa cầm quyền, khi Đảng còn đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân thì Đảng hoạt động ngoài vòng pháp luật, chống lại pháp luật của chính quyền thực dân phong kiến.

Ngày nay Đảng ta đã trở thành Đảng cầm quyền rồi, thì không được làm như trước nữa, mà phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật và hoạt động theo luật về Đảng. Song tiếc rằng đến nay Đảng ta vẫn chưa có luật về Đảng. Do vậy không tránh khỏi một số trường hợp Đảng vẫn đứng trên Nhà nước, đứng trên pháp luật. Người ta gọi như vậy là Đảng trị.

HỏiXin được hỏi câu cuối, theo ông tư tưởng chủ đạo để hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI là gì?

Trả lời: Đó là Tư tưởng - Minh triết Hồ Chí Minh, là Lý luận - Hành động Hồ Chí Minh đã được thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945, trong Hiến pháp năm 1946, trong di chúc thiêng liêng của Bác..., trong lời nói và việc làm của Bác. Cụ thể là:

1- Quán triệt tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc;

2- Bảo đảm phát huy tự do dân chủ, dân là người chủ đích thực của đất nước, dân phải được phúc quyết Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia;

3- Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN vững mạnh, pháp luật là tối thượng, quyền lực nhà nước là của dân, thống nhất ở nơi dân, thể hiện trong Hiến pháp và Pháp luật theo mô hình phổ quát phân chia ba nhánh quyền lực nhà nước một cách rạch ròi, minh bạch (tam quyền phân lập).

4- Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội Việt Nam nhưng không được tự cho mình là đương nhiên, mãi mãi, mà Đảng phải giành quyền lãnh đạo thông qua tranh cử trong Đảng và ngoàixã hội. Đảng phải hoạt động hợp pháp, theo Luật về Đảng do Quốc hội ban hành.

Để hiểu về chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Tôi xin trích một số câu, đoạn trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật Hà nội - 2011):

"…xóa bỏ mặc cảm định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc " (trang 48);

"…tôn trọng, phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo" (trang 49);

"Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của con người"(trang 85).

"Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân"(trang 86);

"Tăng cường cơ chế giám sát, bảo đảm sự tham gia giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp"(trang 14).

"Trong quá trình thực hiện các phương hướng cơ bản đó (8 phương hướng) phải đặc biệt chú trọng và giải quyết các mối quan hệ lớn:

"…giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị" (trang 72-73);

Sau phiên tòa Sơ thẩm ngày 4/4/2011, có hàng ngàn người lên tiếng không đồng tình với nhiều góc độ, mức độ khác nhau. Khi nói về Cù Huy Hà Vũ, thì nhà văn Võ thị Hảo đã sưu tầm một câu nói của Nguyễn Trường Tộ thế kỷ 19 khi trình sớ cho vua Tự Đức "Biết mà không nói thì bất nhân. Nói mà nói không hết thì bất nghĩa".

GS Ngô Bảo Châu, người nhận giải Fields về Toán, được Nhà nước vinh danh đã ghi trong blog của mình, khi nhận xét về phiên tòa Sơ thẩm TAND Hà nội đã viết: "Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này", "Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ".

Nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã viết trên blog của mình: "Không ngẫu nhiên mà hàng nghìn trí thức, tướng lĩnh đã ký vào Kiến nghị trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ, một người vừa bị Tòa sơ thẩm kết án 7 năm tù vì tội "Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam".

Trong các ngày qua, khi gặp các vị Lão thành Cách mạng, các nhà trí thức, GS Tiến sĩ, Nhà giáo, Nhà văn, Nhà báo… các người quan tâm đến thời cuộc ở TP Hồ chí Minh, TP Hà Nội và một số nơi, đều có tâm trạng "bất an", khi biết một số Nhà báo bị tước thẻ làm báo, khi một số bloggers biểu lộ ý nghĩ của mình trên mạng bị gây khó khăn, bị điều tra, bị bắt…; khi thấy những người biểu tình với biểu ngữ "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam" bị đàn áp, bị bắt, bị đánh đập, có người bị 4 công an nắm tay chân cho một người khác đạp vào mặt vào bụng… và qua vụ án Cù Huy Hà Vũ.

Trước tình hình có nhiều tiếng nói với liều lượng khác nhau về các vấn đề có thể gọi là "nhạy cảm" nêu trên, tôi đồng tình với các Luật sư bào chữa và Cù Huy Hà Vũ trước phiên tòa sơ thẩm TAND Hà Nội: Đề nghị "Thành lập Hội đồng giám định" gồm các cá nhân độc lập tiêu biểu am hiểu về các lĩnh vực này, để giám định nội dung các bài trả lời phỏng vấn, phát biểu về các vấn đề nêu trên, trong đó có các bài viết, trả lời phỏng vấn và các tài liệu khác thu giữ được của Cù Huy Hà Vũ để kết luận, định hướng cho dư luận; để cho mọi công dân Việt Nam biết mình được thực hiện nghĩa vụ, quyền của mình đến đâu? Giới hạn, phạm vi nào thì bị cấm, điều gì được nói và điều gì bị cấm nói? Có được tự do tư tưởng không? Có quyền nhận xét, phê bình, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, về Chủ nghĩa Mác Lê nin không? Hàng ngàn, hàng triệu người Việt Nam trong nước và Người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi trăn trở về tình hình đất nước, dân tộc muốn nói lên tiếng nói trong đó có Cù Huy Hà Vũ biết căn cứ vào đâu, để khi phát biểu, trả lời báo chí, tự thể hiện ý kiến riêng của mình, thì được "an toàn".

Nhưng, rất tiếc là Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND Hà Nội, đã bác bỏ đề nghị "Thành lập Hội đồng giám định" để giám định nội dung các tài liệu của Cù Huy Hà Vũ, lại xuất phát từ ý chí cũng lại chủ quan của mình, nói rằng chỉ cần nghe qua cũng có thể xác định là Vũ có hành vi "nhằm chống" như đã nêu trên.

Hôm nay, tôi tiếp tục kiến nghị "Thành lập Hội đồng giám định" để thực hiện các nhiệm vụ, như đã nêu ở trên.

Một câu nói mà các GS, Phó GS, Tiến sĩ, Thầy giáo, Nhà báo, Nhà văn, Nhạc sĩ… gặp nhau thường nói:

"Có thể tôi không đồng ý với những gì anh nói, nhưng tôi sẽ đấu tranh đến chết bảo vệ quyền được nói của anh" (François-Marie Arouet (21 tháng 11 năm 1694 – 30 tháng 5 năm 1778; phiên âm tiếng Việt:Vôn-te), nổi tiếng qua bút hiệu Voltaire, là một đại văn hào, tác giả, bình luận gia, nhà thần luận và triết gia ngườiPháp).

Giáo sư Tương Lai khi nghe tin tôi bào chữa cho Cù Huy Hà Vũ đã gửi cho tôi một số câu của một số vị danh nhân đã nói, tôi xin trích:

"Người trí thức, như tôi hiểu, không phải là người làm hòa dịu, cũng không phải là người tạo dựng sự đồng thuận, mà là người dấn hết thân mình, hứng mọi hiểm nguy, luôn luôn lấy phê phán làm cơ sở; trí thức là người từ chối, dù phải trả với giá nào, những công thức dễ dãi, những tư tưởng nhàm cũ, những kết luận chiếu lệ nơi lời nói và hành động của những người có quyền hoặc của những đầu óc máy móc.

Đâu phải họ chỉ từ chối một cách thụ động mà thôi: họ còn tích cực, công khai nói lên tiếng nói của họ. Lựa chọn cốt yếu mà người trí thức phải đối phó là: hoặc liên minh với sự bền vững của người thắng trận, người chế ngự, hoặc - và đây là con đường khó khăn nhất - xem sự bền vững đó như đáng cảnh báo, như một tình thế có cơ nguy đưa người yếu và người thua cuộc đến chỗ diệt vong. Nghĩ đến kinh nghiệm lệ thuộc của kẻ yếu và kẻ thua, người trí thức không quên những tiếng nói và những người đã bị lãng quên". Trong cuốn "Về trí thức và quyền lực" (Edward W. Said, Des intellectuels et du pouvoir, Paris, Seuil, 1996) – dẫn lại theo Cao Huy Thuần.

"Soyez des immeubles effondrés de mensonges" (Hãy đập tan toà nhà của sự dối trá).

VII. Kết luận

Từ những phân tích nêu trên, tôi kết luận là TS Cù Huy Hà Vũ "không có việc phạm tội", "hành vi không cấu thành tội phạm", không có đủ các dấu hiệu qui định tại điểm c khoản 1 Điều 88 BLHS "Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam".

Vì vậy, tôi đề nghị Hội đồng xét xử, căn cứ điểm 1 và 2 Điều 107 BLTTHS "không có việc phạm tội", "hành vi không cấu thành tội phạm". Điều 251 BLTTHS, "Hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án". Tuyên bố:

* Bị cáo Cù Huy Hà Vũ không có tội.

Đình chỉ vụ án.

Trả tự do TS Cù Huy Hà Vũ.

Thưa Hội đồng xét xử,

Hiện nay, Quốc hội đang họp để hình thành bộ máy Nhà nước cho nhiệm kỳ mới, cả nước đang triển khai thực hiện NQ XI Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi kiến nghị, yêu cầu Hội đồng xét xử ban hành một Bản án không trái với các qui định của Hiến pháp, pháp luật Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Công ước Quốc tế mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; phù hợp với lời văn, chữ viết trong các Nghị quyết IX, X và XI của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bản án là Thông điệp gửi đến toàn thể nhân dân Việt Nam trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế rằng: "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tôn trọng Quyền con người, Quyền tự do Tư tưởng. Ở Việt Nam không có ai bị bắt, giam cầm, xét xử, kết án vì biểu lộ ý kiến của mình một cách Hòa bình, Bất bạo động. Ở Việt Nam không có bất đồng chính kiến".

Thưa Hội đồng xét xử,

Trước khi kết thúc Bài bào chữa, tôi xin chân thành cảm ơn các vị Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị Cách mạng Lão thành, các vị Tướng lãnh, Sĩ quan, Chiến sĩ "Bộ đội cụ Hồ", các Nhân sĩ trí thức, GS, Phó GS, Tiến sĩ, Nhà giáo, Luật sư, Nhà văn, Nhà thơ, Nhạc sĩ, Nhà báo, các Chiến sĩ Cách mạng, bị địch bắt tù đày ra Côn đảo cùng với tôi trước đây… bạn bè thân hữu trong Phong trào học sinh - sinh viên Sài Gòn trước năm 1975… đã ủng hộ, động viên khi biết tin tôi nhận bào chữa cho TS Cù Huy Hà Vũ.

Xin kết thúc Bài bào chữa.

T.Q.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét