Một số bạn đọc email cho Cua Times và nhờ bàn về lời kêu gọi "Con đường Việt Nam" của anh Lê Thăng Long, người vừa ra tù trước thời hạn ngày 4-6-2012.
Trong thời điểm hiện nay, Đảng Cộng sản Việt nam đang nắm trong tay "Con đường Việt Nam", không phải mấy người đang chịu án tù hay do anh Lê Thăng Long khởi xướng.
Những người cộng sản biết thay đổi cho kịp với thời đại, đặt quyền lợi quốc gia, dân tộc lên trên Đảng, thì đó là phúc lớn của một đất nước chịu nhiều khổ đau.
"Con đường hoa hồng" của Bulgaria
Cuối tuần rồi, đến nhà bạn Thái – Quỳnh, gặp đôi vợ chồng Nga và Nikolai, người Bulgria. Chuyện trời biển, thời tiết rồi quay sang bàn về số phận nước Bulgaria.
Ta nhớ đến đất nước của hoa hồng, của nông nghiệp giầu có làm nên thương hiệu quốc gia này trong quá khứ.
Thật không ngờ, anh chàng Nikolai, khoảng ngoài 30 tuổi, lấy vợ Việt, có hai con nhỏ sinh tại Mỹ, lại hối tiếc thời cộng sản. Anh lên án không tiếc lời những kẻ dân chủ hiện nay ở Bulgaria vừa ngu vừa tham.
Anh cho rằng, Todor Zivkov, cựu tổng bí thư ĐCS Bulgaria, đã ổn định quốc gia này và làm được nhiều điều tốt cho dân. Kinh tế khá vững, rồi hệ thống y tế, giáo dục, hưu trí rất tốt và công bằng. Không có chuyện xe hơi chạy cán người mà tài xế không bị phạt tù.
Cả nước 9 triệu dân chỉ sản xuất nông nghiệp nhằm cung cấp đủ thực phẩm cho Moscow cũng khoảng 9 triệu dân. Thu nhập ổn định và dân chúng cảm thấy an phận với Liên Xô.
Khối Đông Âu sụp đổ, người ta xuống đường biểu tình và lật đổ Todor thì Bulgaria thành một quốc gia lãnh đạo bởi mafia, y chang nước Nga hiện nay.
Công cuộc tư nhân hóa được tiến hành cẩu thả và những kẻ có tiền, có quyền đã chiếm hữu tài sản quốc gia về làm của riêng. Từ nhà máy, công xưởng đến đất đai. Tất cả như một mớ bòng bong vì đa đảng đa nguyên.
Kinh tế đình đốn, lạm phát và thất nghiệp gia tăng, trộm cướp nhiều, an ninh không đảm bảo, tham nhũng hối lộ tràn lan. Xã hội Bulgaria khá đen tối sau khi biến thành nước dân chủ.
Nhiều người đã rời bỏ đất nước. Năm 1998, Nikolai ra đi là một trong những người đó. Hiện có tới 2 triệu người Bulgaria ở nước ngoài, dân số còn lại khoảng 7 triệu, trong khi đó, dân dzigan và Thổ đang đẻ nhiều và có cơ biến thành quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ và dzigan.
Năm 1990, quốc gia này đổi tên từ Cộng hòa Nhân dân Bulgaria thành Cộng hòa Bulgaria. Có cộng hòa nhưng không còn nhân dân vì số đông đã chán ngán, Nikolai nói thêm.
"Con đường hoa hồng" của Bulgaria, hoa đã tàn, chỉ còn gai góc trên con đường phát triển.
"Con đường Việt Nam"
Một số bạn đọc email về Cua Times lời kêu gọi "Con đường Việt Nam" của anh Lê Thăng Long, người vừa ra tù trước thời hạn ngày 4-6-2012.
Anh Long cùng bị xử với các anh Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Công Định năm 2010, vì bị kết tội tuyên truyền chống nhà nước XHCN Việt Nam, theo điều 88 bộ Luật hình sự.
Theo tin trên BBC thì anh Long nói vài câu quan trọng
- "Thay mặt ba anh trên phát động phong trào mang tên Con đường Việt Nam".
- "Chúng tôi rất mong để làm sao có một sự phát triển tốt cho đất nước không có sự hận thù, cực đoan, đạp đổ, phân biệt quá khứ, phân biệt chính kiến, làm sao trong yêu thương và làm sao cho đất nước chúng ta phát triển tốt nhất và đoàn kết với nhau."
- "Mục tiêu sắp tới của tôi là làm sao hình thành được phong trào cùng với các anh em và làm sao để phong trào này lớn mạnh để đem lại con đường đi tới dân chủ và thịnh vượng cho đất nước Việt Nam,".
- "Xác định mục tiêu tối thượng phải hoàn thành là quyền con người phải được bảo vệ trên hết và bình đẳng ở đất nước chúng ta".
- "Hãy tham gia làm người sáng lập, quản trị, điều hành, thành viên của phong trào sẽ được mở ra cho bất kỳ ai mà không có sự phân biệt. Hãy làm cố vấn, ủng hộ viên và tình nguyện viên cho phong trào".
Tin BBC và nhiều blog cho hay, anh Long gửi thư mời nhiều người tham gia, từ cựu Chủ tịch Quốc hội, doanh nhân, cho đến nhà bất đồng chính kiến, và cả người làm trong ngành giải trí. Danh sách mời được đăng hẳn trên mạng.
Nhiều người phản đối vì khi đưa lên mạng mà không tham vấn cá nhân trước, nhưng cũng có người đồng tình, có người nghi ngờ đó là "cạm bẫy".
Để giải tỏa chuyện đó, anh Long lại lên BBC lần nữa để khẳng định "Việc xây dựng và công bố các văn bản trên đã có sự trao đổi trước về chủ trương giữa ông và các ông Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức, trong thời gian ba người thi hành án tù".
Anh cũng nói thêm "không có bàn tay" của bất cứ ai đứng sau các lời kêu gọi và bản danh sách mời mà ông mới công bố, cũng như bác bỏ một số ý kiến cho rằng đây có thể là một "cạm bẫy".
Tin mừng
Trước hết phải khẳng định, việc anh Long vừa ra tù mà đã tuyên bố về phong trào "Con đường Việt Nam" một cách đàng hoàng trên BBC, có nghĩa là chính quyền Việt Nam đã cởi mở, dù anh Long đã bị tù về tội tuyên truyền chống nhà nước.
Dư luận quốc tế cũng sẽ đặt những câu hỏi về vấn đề này. Nếu thực sự thế thì sao không mừng.
Dù bị quản thúc mà anh vẫn có thể liên lạc với BBC để phát biểu với nội dung khá nhậy cảm như dân chủ, nhân quyền và ý định thành lập một phong trào mang tính đối lập.
An ninh Việt Nam thừa sức ngăn chặn anh nếu họ muốn.
Trong thời điểm quan hệ quốc tế có nhiều điểm liên quan đến Mỹ, Trung Quốc, biển Đông và an ninh khu vực, kể cả Myanmar bỗng nhiên đổi chiều, các cuộc cách mạng mầu, mùa xuân Arap, rồi trong nước đang bàn nhiều về sự tồn vong của chế độ, thì anh Long được phát biểu cũng là tín hiệu đáng mừng.
Chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này một cách tích cực và coi đó là chỉ dấu tốt cho tương lai nước nhà cởi mở hơn.
"Cạm bẫy"?
Chính quyền uy tín luôn làm việc theo chính danh. Nếu coi đây là "cạm bẫy" thì cũng ngây thơ.
Chuyện nghi ngờ có thể hiểu được vì trong lịch sử đã có những chuyện "tiền hậu bất nhất" trong chính sách đối nội.
Chả lẽ Việt Nam có vai trò trong khu vực, với hệ thống chính trị mạnh, quân đội đông, an ninh hùng hậu, sao lại cần đến một "con mồi" mới ra tù để nhử mấy trăm trí thức, nhân sỹ và cả những cán bộ cao cấp về hưu, để qui kết họ phạm vào điều 88.
Chả lẽ bỏ tù mấy trăm người trong danh sách vì do anh Long mời mà không báo trước.
Khó mà tin lãnh đạo cao cấp của Việt Nam lại để tiền của, trí tuệ và cả chiến lược vào một người vừa ra tù và 3 người đang trong tù, chỉ để tìm ra ai là người chống đảng, chống nhà nước. Một việc làm không cần thiết.
Với hệ thống tường lửa, an ninh trên mạng, hệ thống nghe lén, các quốc gia thừa sức biết ai định lật đổ chính quyền có tổ chức, ai thấy điều trái tai thì phát biểu và ai là người a dua theo đám đông. An ninh chính trị thừa biết những phát biểu có trách nhiệm và vô trách nhiệm dù trên mạng ảo.
Nếu dùng nhóm dân chủ Lê Công Định vào việc thành lập một tổ chức mang tính đối lập với ĐCS thì trái với những phát biểu của các vị lãnh đạo cao nhất "Việt Nam không cho phép đa đảng", ít nhất là trong thời điểm hiện nay.
Cuối cùng, nếu thực sự Việt Nam muốn thay đổi, dùng người đối lập như chính thể độc tài Myanmar dùng bà Aung San Suu Kyi, thì cũng rất đáng mừng. Nhờ có bà Suu Kyi mà hình ảnh Myanmar được cải thiện đáng kể, đầu tư nước ngoài đang ồ ạt, dù vẫn còn nghi kỵ.
Nếu hôm nào đó bạn đọc entry về Rangoon của tôi thì đó chính là nhờ chính quyền Myanmar đã và đang hiểu xu thế của thời cuộc.
Tôn chỉ mục đích của phong trào tiến tới "một sự phát triển tốt cho đất nước không có sự hận thù, cực đoan, đạp đổ, phân biệt quá khứ, phân biệt chính kiến, làm sao trong yêu thương và làm sao cho đất nước chúng ta phát triển tốt nhất và đoàn kết với nhau" thì cả đảng Cộng sản lẫn dân thường và bên đối lập đều muốn hướng tới.
Trong trường hợp này, thì "Con đường Việt Nam" là "cạm bẫy ngọt ngào" và chúng ta nên ủng hộ.
Vĩ thanh
Nghĩ đến nước Bulgaria và "Con đường hoa hồng" chỉ còn lại chông gai, rồi CH Séc, Ba Lan, Đức đã hội nhập từ lâu, và nhiều cuộc cách mạng mầu, nơi mang lại hạnh phúc, nơi còn nhiều bất cập, thì nhiều người trong chúng ta đang tự hỏi "Con đường Việt Nam" là con đường nào.
Trong thời điểm hiện nay, Đảng Cộng sản Việt nam đang nắm trong tay con đường đó.
Những người cộng sản biết thay đổi cho kịp với thời đại, đặt quyền lợi quốc gia, dân tộc lên trên Đảng, thì đó là phúc lớn của một đất nước chịu nhiều khổ đau vì chiến tranh, đói nghèo và cả những sai lầm.
HM. 18-06-2012
**********
Chưa đọc bài của Tổng Cua, nhưng mấy hôm rồi, thấy mọi người, rồi trên mạng bàn tán kháo nhau về chuyện Con đường VN.
Thật ra trong xã hội ta, hầu như đã là công dân, đều từng tham gia một tổ chức chính trị, một hội (hè) nào đó. Nhỏ thì Đội Thiếu niên, trẻ thì Đoàn TN, rồi Đảng CSVN. Các chị phụ nữ thì có Hội phụ nữ. Các bác lính thì có Hội CCB. Già thì Hội Phụ lão… Có nghĩa là nam phụ lão ấu trong xã hội ta đều luôn có mặt trong một tổ chức đoàn thể… nào đó và đương nhiên đều thuộc Chính quyền quản lý.
Cái tâm lý bất ngờ thấy tên mình trong danh sách mời của CDVN, lại là do một vị- "tù nhân" LTL vừa ra tù- "sáng lập", lại công khai danh chính ngôn thuận trên mạng, trước hết là của anh BS, khiến ko ít người cảnh giác, lo lắng, hoài nghi. Tâm lý đó dễ hiểu, và hoàn toàn hiểu được.
CDVN là do cá nhân hay do "tổ chức" nào đứng đằng sau "giật dây" thì cũng chưa biết, chưa thể sáng tỏ, trong hoàn cảnh tranh tối tranh sáng. Sự từ chối của nhiều bác là hoàn toàn đúng. Vì cần thấy, ở XH ta, hiện ko có tổ chức nào được phép tồn tại ngoài những tổ chức do CQ quản lý.
Chỉ có điều thấy buồn cười. Một số bác văn nghệ sĩ nhảy dựng lên, mạt sát người công khai đứng tên, đến mức thành… vô văn hóa, khiến cho người đọc ko nhịn được cười. Và tin chắc, "nhiều người" cũng… cười mũi. Lẽ ra, nên vào mạng anh BS thẳng thắn từ chối, vừa đàng hoàng vừa bày tỏ thái độ, thể hiện là người có trí, có dũng, có tâm, có hơn ko.
Chỉ một chuyện CDVN, cũng là một "phép thử" về con người.