Thanh Tâm
Nghĩ rằng chằng cần phải giảng giải biểu tình là gì và sưa tặc là gì thì chắc mọi người đều hiểu không sai đó là hai chuyện khác hẳn nhau, đặt cạnh nhau, so sánh với nhau có vẻ như khập khiễng. Một đằng là hành động công khai, đường đường chính chính, đông người, một đằng chỉ kẻ trộm cắp, lén lút, hành động như một kiểu giặc. Biểu tình đương nhiên là thể hiện nỗi lòng, sự bức xúc của người dân về một vấn đề nào đó có mệnh hệ đến quyền lợi, đời sống của nhiều người, thậm chí, cả một vùng miền, cả một dân tộc, một đất nước. Lịch sử nước ta đã ghi danh không ít cuộc biểu tình ở Trường Thi – Bến Thủy, Xô Viết Nghệ Tĩnh, nông dân Tiền Hải, những năm 30 – 31 thế kỷ trước vv… Sang chính thể mới, không còn đế quốc, thực dân, biểu tình lại là vấn đề kiêng kỵ, bị hiểu như là cái gì xấu xấu mà thực ra tinh thần của nó lại hoàn toàn tốt đẹp. Lạ thế! lạ thế còn vì hiến pháp có ghi, sắc lệnh Bác Hồ đã ký mà người ta vẫn chưa chịu cho ra luật để vận hành. Nếu có một xã hội dân sự với Nhà nước pháp quyền thực thụ thì biểu tình có thể hết ga cũng là chuyện nhỏ như con thỏ. Những năm qua, nhân dân tập trung khiếu kiện, biểu tình vì quá bất bình về chuyện đất đai, tham nhũng, dân chủ, và cả về công ăn việc làm của người lao động. Hơn 10 năm trước, hàng vạn nhân dân Thái Bình, đội ngũ chỉnh tề, trật tự (có lẫn cả manh động) kéo lên huyện, lên tỉnh hàng tuần lễ, để rồi sau đó Bộ chính trị phải ra chỉ thị về vấn đề dân chủ từ cơ sở. Một, hai năm nay, đặc biệt từ tháng 6 và tháng 7/2011, Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hết sức nóng lên với những cuộc "xuống đường" – chữ dùng của một vị to to nào đó về vấn đề biển đảo mà kẻ tội đồ không ai khác là thế lực cầm quyền Trung Quốc. Buồn lắm, tiếc lắm, phẫn uất lắm khi tai nghe rồi mắt thấy, người xuống đường biểu tình (thực ra là họ đứng, họ đi có trật tự trên vỉa hè, vườn hoa, khẩu hiệu toàn là câu chữ, từ ngữ quá tốt đẹp, đố tìm ra câu nào là kích động, là chống đối chế độ) thế mà lại bị cấm đoán, xua đuổi, bắt bớ, lôi kéo như con vật tống lên xe. Hôm ấy 17/7 với tư cách là người đi tập thể dục sáng (giầy vải, mũ vải, áo phông, quần ngố), biết có biểu tình, tôi chủ động nán lại để mục sở thị một lần xem sao, nhìn cảnh bắt bớ đó mà tôi dâng trào phẫn uất, hai con mắt rân rấn ầng ậng nước, thương đồng bào mình quá, khổ ghê!. Vừa thương vừa cảm phục. Vì họ cũng yêu nước như mình thôi nhưng họ dám hành động, hành động nhiều lần, có chuẩn bị. Họ làm ra nhiều khẩu hiệu to nhỏ khác nhau, rất hay, nhiều cờ và áo cờ đỏ sao vàng. Còn tôi bữa ấy, tôi mới chỉ… đi kết hợp. Nhưng sau bữa ấy, cái bữa nhìn thấy công an, bảo vệ, dân phòng, băng đỏ kéo người, khênh người, đạp vào mặt người, nghẹn ngào xót xa, tôi nghĩ hình như mình phải khác. Lại nhìn thấy một người đàn ông trung trung tuổi mặc quần áo dân thường, giật lá cờ của một thanh niên buộc trên người miệng lầu bầu "làm ô uế cờ". Quả thực tôi thấy nếu có ô uế thật thì từ miệng anh ta nói nét mặt cau có đằng đằng sát khí và tay vo lá cờ thành một nắm. Là người của chính quyền làm nhiệm vụ nhưng làm vậy là sai, là xấu. Yêu nước mà xuống đường một cách ôn hòa chứ có làm gì quá đáng đâu, có mưu mô giành lợi lộc gì đâu, có ai cho phong bì trả công đâu. Thật tình tôi rất nể phục các vị trí thức tên tuổi, nói giỏi, viết hay, sách báo các vị đó viết ra nhiều người thích đọc, các vị thừa biết quý trọng chất xám của mình nhưng điều đó không mâu thuẫn gì với hành động xuống đường để làm phận sự một công dân yêu nước. Còn nếu… cứ chép miệng, rồi mũ ni che tai và "lạnh tanh máu cá" – chữ dùng của nhà thơ Chế Lan Viên thì thôi rồi, hết chuyện. Thử hỏi, đất nước có biến thì Đảng, Nhà nước trông mong vào loại người nào? Hay chỉ biết đốt nào hay đốt đó? Một lần, chứng kiến hành động xuống đường làm tôi thấy rất lạ là sao công an các kiểu, rồi bảo vệ, dân phòng vv… đứng ngồi la liệt, các ngả đường đông hơn rất nhiều người đi biểu tình. Có cần phải phí phạm sức người toàn là trai tráng cả vào cái việc mà nếu khéo ra không cần phí phạm thế, không cần phải đằng đằng sát khí thế. Nhìn rào sắt, xe cộ, dây thừng, biển cấm, cảnh sát quá nhiều ở một vườn hoa rất đẹp mà thấy tiếc cho cái việc quân ta lại chống quan mình, tiếc cho bước đi chệch nhau của lòng yêu nước. Và hai bên cứ như vậy thì cái như vậy ấy kéo đến bao giờ?. Hôm đó, tôi đã nghe có người nói một câu chí lý rằng chẳng có người Việt Nam nào thúc giục lôi kéo tôi xuống đường biểu tình, chỉ có thế lực bá quyền Trung Quốc giục tôi. Tôi cũng như rất nhiều người, không cần phải là trí thức, chỉ là người rất bình thường nhưng đều có chung cảm nhận thay vì câu trả lời cho điều nghi ngờ, xót xa rằng… trong chuyện đại sự này hình như có điều gì mờ ám.
Còn cái hành động của viên đại úy Minh đứng trên cửa xe dọi vào mặt đạp vào mặt cái người đang bị đồng nghiệp của anh vật ngửa ra, khênh như khênh lợn chỉ vì cái tội đi biểu thị lòng yêu nước thì nên xử lý kỷ luật, hình sự là tốt, là nên, còn nếu không thì ít ra, mèng ra, cũng có một lời xin lỗi. Xin lỗi cũng là chính trị nhằm lấy lại hình ảnh công an nhân dân trong mắt dân, là thu phục nhân tâm đấy chứ! Biết xin lỗi, con người sẽ nhân bản hơn và lớn hơn lên.
Có một thực tế là mấy lâu nay, đi bất cứ đâu ở bất cứ chỗ nào (chợ búa, bến xe, vỉa hè, quán nước, bàn bia, bữa cơm gia đình, họp hành to nhỏ vv…) ta đều có thể nghe người ta bàn luận, thở than chuyện dân tình thế thái, chuyện lộn xộn, lùm xùm của đất nước mình. Người thì chép miệng. Người chửi đệm một câu. Người triết lý vặt. Không ít người hăng say phân tích đầy thuyết phục giỏi giang vv… Đây là dân tình chứ là gì khác! Cảm giác bất an như lơ lửng trên đầu, như cứ chực rơi bất cứ lúc nào vào số phận mình, người thân của mình, và cả nhân dân, đất nước mình. Người lãnh đạo hay làm chuyên môn điều tra xã hội học không thể bỏ qua thực tế… đáng buồn này. Các vị làm to nhất cứ thử "vi hành" (tên một truyện ngắn của Bác Hồ), cứ thử tiếp xúc với cử tri kiểu này xem sao?. Vì tuổi tác rồi bệnh tật (ngày nào cũng phải uống cả vốc thuốc) làm cho tôi có tâm lý ngại đụng vào chuyện quốc gia đại sự. Nghĩ vậy nên có nghe lắm, thấy nhiều rồi cũng dễ cho qua, dồn toa để đấy. Nhưng khổ nỗi cho cái thân già, cái mắt già, đi dưỡng sinh thể dục thế nào lại nhìn thấy "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng" (Truyện Kiều – Nguyễn Du", vào cái hôm 17/7 ở Vườn Hoa Lê Nin, ở đường Điện Biên đường Hoàng Diệu. Lại khốn nỗi thêm cho cái thân già, tai già, mấy ngày cuối tháng 7 rộ lên loạt tin sưa tặc ngang nhiên chặt đốn sưa (trong Nam gọi sưa là gỗ cẩm lai, rất quý) ở nhiều điểm trong quận Ba Đình, Hà Nội – nơi có vườn hoa Lê Nin, Đại sứ quán Trung Quốc, đường Điện Biên đã xảy ra cuộc biểu tình như trên tôi đã nói. "Sưa tặc" không ở trên rừng. Cũng không ở vùng sâu vùng xa. "Sưa tặc" ở ngay Hà Nội, cách nơi xảy ra biểu tình chỉ một, hai, ba cây số. Thế là Trung Quốc bá quyền Đại hán ở biển Đông giục nhiều người xuống đường biểu tình đòi sự toàn vẹn của đất nước, còn tôi, tin "Sưa tặc" kích tôi phá cái van an toàn để tôi tức khắc phải liên tưởng chuyện hơi bị nhiều công an, bảo vệ, dân phòng trong cuộc biểu tình rất ôn hòa với câu hỏi lực lượng ấy ở đâu và làm gì mà "sưa tặc" hành động trót lọt, ngon lành đến vậy?. Những ngày cuối tháng 7, báo chí cả hai lề cho biết sơ sơ mới đây là bốn vụ bọn trộm gỗ sưa ở Hà Nội mang về Thanh Hóa bán. Đêm 14-5, chúng mang ba cưa sắt, thuê tắc xi đến cưa cây gỗ sưa ở khu vực Đại học Kiến trúc (Văn Quán – Hà Đông, một quận mới ở Hà Nội), chúng đủ thời gian cưa thành 4 khúc, chở trót lọt gần 200 cây số về Thanh Hóa bán được 80 triệu đồng. Tháng 6/2011 cũng nhóm sưa tặc này cưa trộm ba cây ở phố Đội Cấn, Nguyễn Khuyến và vườn thú Thủ Lệ bán cho một người ở ngay trong Hà Nội lấy 30 triệu đồng. Một hai năm trước xảy ra liên tiếp ở vườn Bách Thảo, gò Đống Đa vv… Tôi cứ nghĩ như bọn cướp tiệm vàng, chúng có thể manh động rất nhanh, chỉ vài ba phút, với một cái xe máy, một cái túi nhỏ chúng có thể cướp đi tiền tỷ. Còn để chặt hạ được một cái cây to, ở giữa Hà Nội đông đúc này nó phải ầm ĩ, lôi thôi lắm chứ. Bao nhiêu nhà dân, rồi xe cộ, người qua lại, có lẽ họ cũng thấy, cũng nghi ngờ nhưng chắc họ sợ thò mặt, lên tiếng sẽ chuốc vạ vào thân. Hội chứng vô cảm và hội chứng sợ sệt mà! chết thế! Nhưng còn công an có vũ khí, đồn nào chả trực ban ca kíp cùng dân phòng tuần tra bảo vệ, vậy thì họ ở đâu? Sưa tặc chặt hạ ngon lành (có người nói vui, có khi chúng còn kịp pha trà, hút thuốc), bán gần bán xa, hàng cồng kềnh, bán xong xuôi rồi mới thấy công an tiến hành điều tra, truy tố. Thật ra chuyện mất mát kinh tế mấy cái cây này không thực lớn. Chỉ như cái cúc áo, nhưng tính chất mất và địa điểm xảy ra mất thì lại buồn cười, kỳ khôi quá!
*
Nêu vài suy nghĩ mà tai già nghe, mắt già thấy về chuyện biểu tình và "sưa tặc" gần đây, kể ra cũng không hoàn toàn khập khiễng. Nó cũng có chút lý của người Mèo đấy chứ.
T.T
Tác giả gửi cho Quê choa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét