Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Công an Hà Nội cướp tài sản và bắt giữ trái phép người biểu tình yêu nước Bùi Thị Minh Hằng (phải gọi họ là gì?!)

Nguồn nuvuongcongly

Công an Hà Nội cướp tài sản và bắt giữ trái phép người biểu tình yêu nước Bùi Thị Minh Hằng

Sáng ngày 16/10/2011, một số người đến Bờ hồ Hoàn Kiếm đi dạo, trong đó có chị Bùi Minh Hằng, một người tham gia các cuộc biểu tình yêu nước nhiệt tình chống Trung Cộng xâm lược.

Đoàn người đi dạo trên bờ hồ mang những chiếc áo No-U chống đường lưỡi bò ngang ngược của Trung Quốc, họ im lặng đi bộ trên vỉa hè và được rất nhiều quần chúng nhân dân ủng hộ, gia nhập đoàn.

Đoàn người đã bị bao vây bởi rất đông cảnh sát cơ động mặc áo trắng, dân phòng, công an Quận Hoàn Kiếm, công an Phường và nhiều loại an ninh, quay phim, chụp hình…

Cảnh sát cơ động mặc thường phục đeo băng đỏ đã xông vào cướp nón, mũ mang dòng chữ "Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam" trên đầu những người đi trên bờ hồ Hoàn Kiếm. Đây không phải là lần đầu họ thực hiện hành vi hèn hạ, sợ hãi đến mức cướp những chiếc nón nói lên lòng yên nước của nhân dân, chống Trung Cộng xâm lược. Chủ nhật tuần trước chị Bùi Minh Hằng và một số người cũng đã bị nhóm này đến cướp và bỏ chạy vào UBND Thành phố Hà Nội. Hành động đê hèn và ô nhục này của nhà cầm quyền Hà Nội lần nữa chứng tỏ những tên tay sai, Việt gian bán nước đang nằm trong cái gọi là Ủy Ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và Công an Quận Hoàn Kiếm.

Những người đi bộ đang đi trên vỉa hè, thì chị Bùi Minh Hằng đã bị một nhóm cảnh sát mặc thường phục đeo băng đỏ đến bắt lên xe và chở đi. Thông tin cũng cho biết (Chưa được kiểm chứng) là trong quá trình công an cướp nón ghi Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam, chiếc lắc tay của chị cũng đã bị cướp mất.

Việt cướp này diễn ra giữa ban ngày, giữa bờ hồ với sự đồng lõa của hàng loạt công an, cán bộ, an ninh, dân phòng…

Biểu tình viên yêu nước Bùi Thị Minh Hằng

Đến chiều nay, sau 24 giờ, chị Bùi Minh Hằng vẫn chưa được thả ra, hiện không có thông tin về chị Bùi Minh Hằng.

Những ngày qua, chị Bùi Minh Hằng là người đã nhiệt tình và tham gia đầy đủ những cuộc biểu tình yêu nước, chống Trung Cộng xâm lược và đã bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt bớ, giam giữ nhiều lần. Nhưng lòng yêu nước nhiệt thành của chị đã không hề giảm bớt bởi chị sẵn sàng chấp nhận vì tình yêu Tổ Quốc và nhân dân.

Việc nhà cầm quyền Hà Nội vô cớ cướp giật tài sản, những chiếc nón mũ ghi những câu khẩu hiệu khẳng định lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc, có phải là những hành động nhằm triệt tiêu tinh thần dân tộc, buộc người dân không được nhắc đến phần lãnh thổ đã bị nhà cầm quyền Hà Nội thậm thụt bán cho Trung Cộng hay không?

Việc bắt những người biểu tình, sách nhiễu và đàn áp những người yêu nước, có phải là hành động tiếp tay cho giặc hay không?

Trong một đất nước, ngay giữa Thủ đô, những người yêu nước bị hành hạ, cướp giật ngang nhiên, thử hỏi đất nước này đang ở vào tình trạng nào?

Lúc 17h30 ngày 17/10/2011, nhiều biểu tình viên yêu nước đã lên Công an Quận Hoàn Kiếm để hỏi về việc bắt Bùi Minh Hằng trái pháp luật. Đến 18h30 số lượng biểu tình viên trước Công an Quận Hoàn Kiếm khoảng 25 người, bà con đang tiếp tục về Công an Hoàn Kiếm.

Tuy nhiên,Công an Quận Hoàn Kiếm đã không đưa ra được bất cứ câu trả lời nào với lý do "ngoài giờ làm việc". Mặt khác, công an Hoàn Kiếm còn đưa xe ô tô ra xua đuổi mọi người không tụ tập.

Mời độc giả xem hình ảnh và video về vụ việc này:


Nữ Vương Công Lý

*************************

Nguồn Nguyễn Tường Thụy

CƯỚP CẠN GIỮA BAN NGÀY

Vợ tôi vốn là người an phận, chỉ biết chăm lo phục vụ chồng con. Cô là con nhà cách mạng tiền khởi nghĩa. Chẳng bao giờ cô dám dính đến việc biểu tình. Không ngăn được chồng biểu tình thì cô đành chịu. Vậy mà sau khi chứng kiến toàn bộ sự việc ở Bờ Hồ hôm qua, cô phải thốt lên: "Thật kinh khủng. Trước mặt công an mà kẻ cướp không bị trừng trị còn người bị cướp kêu cứu không được bênh vực mà còn bị bắt. Sao lại vô lý như thế được?"

 Chủ nhật 16/10, một số người biểu tình hẹn nhau đi dạo Bờ Hồ rồi vào một quán cà phê nào đó. Nói chuyện, nhìn nhau cho đỡ nhớ thôi.

Tôi rủ bà xã cùng đi cho vui. Cũng lâu lắm rồi, chúng tôi không cùng đi chơi ngày chủ nhật. Tôi phải thuyết phục mãi, rằng có ai biểu tình gì nữa đâu mà sợ, rằng mọi người đã nhắc nhau không ai được hô khẩu hiệu, không mang theo cờ hay biểu ngữ gì cả, chỉ là đi dạo chơi thôi.

Vậy mà đến Bờ Hồ đã thấy công an, mật vụ dày đặc. Xe công an cũng nhiều. Chúng tôi, người đến sớm, người đến muộn, tất cả chừng hai chục người gì đó. Gặp Minh Hằng, cô đưa ngay điện thoại cho tôi xem tin nhắn gửi vào máy cô với giọng đe dọa chửi bới rất tục tĩu, cuối cùng thì nó thách cô chủ nhật này ra Bờ Hồ, tao sẽ đánh chết mày.

Thấy vợ tôi lần đầu xuất hiện, một tay mật vụ mà tôi nhẵn mặt đi sát dò hỏi: "Nhà ở đâu?". Tôi thấy thế kéo cô ấy lên đứng cạnh nói to: "Đây là vợ tôi, còn tôi thì mọi người đã nhẵn mặt, khỏi giới thiệu. Nói thế để mọi người khỏi mất công lẽo đẽo theo sau, điều tra dò hỏi làm gì. Chúng tôi không làm điều gì khuất tất mà sợ". Ấy vậy mà bao nhiêu ống kính vẫn thi nhau chĩa vào chúng tôi. Chúng tôi đứng một lúc cho họ quay chụp chán rồi đi tiếp.

Tư thế này được rất nhiều người chụp để nhận diện kẻ lạ, không phải là người biểu tình mà chỉ đi chơi Bờ Hồ cùng chồng. Đưa luôn lên để họ đỡ mất công kiếm.

Lại tiếp tục đi dạo, ngắm cảnh. Chúng tôi đi rải rác, vài ba người một, giữa vòng vây của công an, mật vụ và xe cảnh sát chạy chầm chậm, song song dưới lòng đường.

Chúng tôi định đi một vòng thì vào nghỉ ở một quán cà phê. Thế nhưng mọi việc lại diễn ra theo hướng khác.

Đến ngang tòa báo Hà Nội Mới, có tiếng nói bằng loa từ xe cảnh sát phát ra: "Yêu cầu mọi người bỏ những chiếc nón có viết chữ trên đầu đi". Chừng vài phút sau, một nhóm thanh niên đeo băng đỏ (có người cho là cảnh sát cơ động mặc thường phục) xông vào cướp nón. Nhóm chúng tôi có 2 cái nón mới với 1 cái cũ  được Minh Hằng viết lên chữ HS-TS-VN và mép phía dưới viết chữ "Đả đảo TQ". Ngoài ra có 2 chiếc mũ lá không viết vẽ gì.

Bọn cướp xông vào rất nhanh. Số cướp nón Minh Hằng chừng 6-7 tên. Chúng vừa giằng, vừa bóp nát nón. Khi tôi phát hiện ra bị cướp thì thấy chúng đang cố giằng chiếc nón của Minh Hằng mặc dù đã bẹp dúm, còn Minh Hằng ngồi thụp xuống ra sức giành lại. Có lẽ chúng muốn giật lấy để phi tang. Nghĩ thế, tôi xông vào cùng Minh Hằng ôm chặt lấy cái nón rồi tách cô ra khỏi đám cướp. Hai chiếc nón kia tôi không nhớ ai đội cũng đã bị cướp từ lúc nào.

Minh Hằng giơ cổ tay trái ra kêu: "Cả chiếc lắc của tôi đeo ở tay nó cũng cướp mất rồi". Tôi chưa kịp hỏi lắc vàng hay bạc thì một tên xông vào giật chiếc mũ lá tôi đang đội cho khỏi nắng mặc dù trên mũ không viết chữ gì. Tôi giằng lại được và đuổi theo túm được tay trái nó. Nó giật ra chạy xuống đường. Tôi lao xuống đường đuổi theo nhưng nó đã trốn lẫn vào giữa đám đeo băng đỏ. Chiếc mũ lá của Từ Anh Tú dù không viết gì cũng đã bị cướp giằng không được nên chúng bóp nát.

Nón của Minh Hằng bị bẹp dúm.

Mũ của tôi không có chữ gì. Tôi giằng lại kịp thời nên chỉ bị móp.

Mũ của Tú cũng không viết chữ nào nhưng cũng bị vò nát.

Sau khi bị cướp, MH quấn dải băng rôn vào cổ đề phòng bị giật nốt.

Bị cướp thì phải la lên, thấy công an thì yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự không cho kẻ cướp hoành hành, đó là chuyện đương nhiên. Nhưng khi chúng tôi đi đến ngã tư Hàng Khay – Đinh Tiên Hoàng thì Minh Hằng bị bắt khiêng lên một chiếc xe công an (sau tôi được biết họ mang cô vào công an Hoàn Kiếm). Việc bắt bớ diễn ra rất nhanh chóng, điều này nhiều bài báo đã tường thuật kỹ.

Cụm từ "Chủ nhật, Bờ Hồ" mấy tháng nay được chính quyền và công an coi như những từ nhạy cảm, ngay cả khi việc cấm biểu tình đã thành công. Chính việc huy động lực lượng công an quá mức vào mỗi sáng chủ nhật tại Bờ Hồ đã gây nên sự căng thẳng không cần thiết, đã khoét sâu thêm khoảng cách giữa công an và người dân.

Sự việc hôm chủ nhật 16/10 vừa qua rất đáng tiếc. Người ta chỉ đi dao chơi thôi mà công an cũng đẩy sự việc lên tới mức căng thẳng như thế.

Xin có mấy câu hỏi gửi tới lãnh đạo công an quận Hoàn Kiếm và Công an Tp Hà Nội:

  1. Việc cấm viết mấy chữ HS-TS-VN (dù viết lên vật dụng cá nhân) được qui định ở văn bản nào? Ai ký? Người ký?
  2.  Việc cấm đội mũ lá của mình dù không ghi vẽ cái gì lên đấy được qui định ở văn bản nào? Ai ký? Người ký?
  3. Nếu đã có qui định cấm tàng trữ hay sử dụng những vật dụng nói trên thì việc giật rồi bỏ chạy có nằm trong trình tự thu hồi hay bắt người không?
  4. Nếu không có qui định cấm thì việc giằng, giật, bóp nát những vật dụng ấy có phải là hành vi ăn cướp và cố tình hủy hoại tài sản không?
  5. Chị Bùi Thị Minh Hằng phạm tội gì? Khi bị cướp thì la lên cho mọi người biết dể giúp sức hoặc trông thấy công an đang làm nhiệm vụ thì yêu cầu bảo vệ an ninh trật tự cho người dân yên tâm dạo chơi có phải là hành vi gây rối trật tự không? Nếu phải thì từ nay, có ai bị cướp thì làm sao họ dám trình báo với công an nữa.

Việc xảy ra ở Bờ Hồ là một sự cố không được phép có. Trước khi bị cướp, rồi sau đó Minh Hằng bị bắt, chúng tôi đang dạo chơi bình thường như những người dân chơi Bờ Hồ khác. Chỉ khi vụ cướp xảy ra thì Minh Hằng mới la lên và mọi người xúm đen xúm đỏ tụ lại hàng trăm người. Vậy chị Hằng hay công an gây rối trật tự ngày hôm đó?

Vợ tôi vốn là người an phận, chỉ biết chăm lo phục vụ chồng con. Cô là con nhà cách mạng tiền khởi nghĩa. Chẳng bao giờ cô dám dính đến việc biểu tình. Không ngăn được chồng biểu tình thì cô đành chịu. Vậy mà sau khi chứng kiến toàn bộ sự việc ở Bờ Hồ hôm qua, cô phải thốt lên: "Thật kinh khủng. Trước mặt công an mà kẻ cướp không bị trừng trị còn người bị cướp kêu cứu không được bênh vực mà còn bị bắt. Sao lại vô lý như thế được?"

 TƯỜNG THỤY



*************************

Nguồn rfablog

Phải gọi họ là gì?

Họ là công an, là băng đỏ là dân phòng, là lực lượng nổi bật hiện nay trong mắt công dân thường lẫn công dân mạng. Họ được chính quyền ưu ái, được nhận huân chương, được xem là con mắt của đảng.
Nhưng rất nhiều người không biết phải gọi họ là gì!
Người ta có cảm giác rằng xã hội này không còn thuộc về người dân nữa mà nó nằm hoàn toàn trong tay của những kẻ có sức mạnh, cái sức mạnh được giao cho họ bảo vệ người dân nay thì quay ngược lại để bảo vệ chế độ. Bảo vệ chế độ cũng có thể hiểu là bảo vệ nhà nước, chính phủ nhưng chế độ ấy nếu có những manh động bất chính thì không còn một đối trọng nào có thể đứng ra cảnh báo, kềm giữ và chuyện độc tài đương nhiên xuất hiện.
Chưa bao giờ công an lại lộng hành như hiện nay. Những vụ bắt bớ cứ dồn dập hẳn lên và người dân thì không biết dựa vào ai để nói lên hàm oan của họ.
Từ vài tháng nay dư luận cứ ngày một nóng lên qua các vụ bắt cóc các thanh niên công giáo thuộc giáo phận Vinh. Hiện tượng những người bị công an bắt một cách lén lút khiến người dân cứ nghĩ rằng họ đang sống trong một xã hội mafia. Luật của kẻ mạnh đang hoành hành và người thế cô đang là nạn nhân rõ ràng không thể chối cãi.
Không một nhà nước pháp quyền nào trên thế giới này lại bắt công dân của mình một cách lén lút và bất chính như vậy. Toà án không biết, Viện kiểm sát không biết, gia đình nạn nhân không biết và chỉ có một cơ quan duy nhất biết, đó là công an. Công an không ngần ngại bắt giữ hàng chục người trong một lúc. Không công khai về việc phạm tội của nghi can. Không thông báo tình hình họ bị giam giữ và im lặng trước mọi cáo buộc của dư luận. Công an Việt Nam ngày nay không khác mấy với mật vụ KGB của thời Sô Viết, toàn quyền bắt bớ bỏ tù bất cứ ai mà nó thấy rằng không thích hợp với chế độ. Không thích hợp chứ không cần thiết là phản chế độ.
Sự không thích hợp ở đây bao gồm công dân dám công bố những bài viết khó nghe, hay lên tiếng ủng hộ một người bạn, một nhóm người đang có hành động chống lại sự trì trệ của chính quyền. Sự không thích hợp tăng cao khi công dân cố ý làm trái những gì mà công an không muốn họ làm.
Bất kể những quan ngại của dư luận, công an ngang nhiên bắt người và không buồn giải thích. Sự im lặng khó hiểu của các thẩm quyền cao nhất trước hành vi bất hợp pháp của công an đang là động lực thúc đẩy ngày một nhiều hơn các hành vi vô pháp luật của bộ phận có nhiệm vụ thực hành pháp luật. Người dân thấy gì qua các vụ lén lút bắt giữ này?
Trước nhất hãy nói đến giới trí thức, mặc dù giới này hình như đang rất bận bịu với những đối sách hết sức thực tiễn: kinh tế gia đình. Hai chữ kinh tế chừng như có khả năng tê liệt hoá tất cả mọi sinh hoạt bằng trí não và đồng tiền đang tỏ rõ sức mạnh của nó trên từng vuông đất của điều mà người ta thường gọi một cách trân trọng qua hai từ "trí thức".
Hà Nội có vài trí thức dám lên tiếng. Sài Gòn có vài người. Cả nước cộng lại chưa tới trăm người trên hơn 85 triệu dân. Có ít quá không?
Trí thức là đối trọng duy nhất còn lại trong xã hội nhưng đã bị tối thiểu hoá. Trí thức không lên tiếng một cách mạnh mẽ để đánh động guồng máy nhà nước vốn đang chìm ngập trong một mớ bòng bong kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó chính quyền vẫn đang mãi mê tìm cho ra lối thoát cho bài toán Biển Đông không hy vọng gì giải quyết trong vòng 20 năm tới. Báo chí không được phép nói tới các vụ bắt người vì đây là vấn đề nhạy cảm. Tư pháp lại càng không biết tới, hay làm bộ không biết vì sự thoả hiệp quá lộ liễu với công an kể từ khi Hiến pháp mới thành lập chứ không phải bây giờ mới có. Trí thức bó tay và cuối cùng cam lòng nhắm mắt, bịt tai xem như thời nay không phải là thời của mình.
Một số ít, rất ít cả gan lên tiếng cũng là chuyện may mắn hiếm hoi. Báo chí không đăng thì họ viết blog. Blog bị hacker thì tạo một blog khác…. nhờ vào cái số ít đến ngạc nhiên này mà người ta biết mọi việc làm của công an, dù có bí mật tới đâu thì hành vi ngoài vòng pháp luật của họ cũng bị vạch trần, lên tiếng.
Công an biết là họ khó giữ bí mật, nhưng thôi thúc bắt người như một khao khát oan khiên khiến họ vượt qua ranh giới pháp luật. Chóp bu ra lệnh một, họ thừa hành mười. Tất cả mọi cánh cửa đều đóng trước mặt của nạn nhân và thế là đám khuyển ưng thời đại hả hê, thoả mãn.
Có thể trong những căng tin của công an phường, công an thành phố những câu chuyện bắt người của họ sẽ được kể cho nhau nghe trong lúc trà dư tửu hậu. Có thể trong một bàn tiệc chiêu đãi nào đó họ sẽ hé ra một vài chi tiết mà người ngoài không biết về điều mà họ tự hào là đã triệt tiêu một khuôn mặt, một nhân vật hay một phần tử mà họ ghét. "Ghét", thế thôi. Ghét trước đã và tội sẽ đến sau.
Hiến pháp này không hiếm những điều luật vu vơ sẵn sàng ghi tên nạn nhân vào một nhà tù không ngày trở ra với cuộc sống bên ngoài. Chính sự thù ghét công dân của cán bộ cấp dưới cộng với tính cao ngạo, đam mê quyền lực tuyệt đối của cấp trên đã làm nên bi kịch cho rất nhiều gia đình. Những chiếc mũ với nhiều tên gọi được chụp lên đầu người bị bắt có khả năng bịt mọi tiếng nói bất kể ai, bất kể chính phủ nào nếu muốn can thiệp cho thân phận bé mọn của nạn nhân.
Trường hợp mới nhất nhưng không phải là cuối cùng được trang blog của TS Nguyễn Xuân Diện loan tải như một lời kêu cứu. Khản giọng và lạc loài như giữa sa mạc, sa mạc mang một cái tên rất đẹp đẽ: Thăng Long!
"Thưa chư vị,
Sáng qua, Chủ nhật 16.10.2011, chị Bùi Thị Minh Hằng cùng bạn bè đi dạo Bờ Hồ Hoàn Kiếm. Bất đồ bị lực lượng đeo băng đỏ, có sự yểm trợ của công an mặc quân phục đã xông vào khiêng chị lên xe chở đi đâu, đến giờ chưa ai biết. Được biết, chị còn bị cướp mất 01 chiếc lắc đeo tay.
Giang hồ đang đồn đại, đây là vụ trả thù của công an quận Hoàn Kiếm vì chị đã kiện Trưởng công an Hoàn Kiếm ra tòa. Hiện nay, chưa một ai biết họ đưa chị đi đâu và làm gì đối với chị (đánh đập, bắt lăn tay, cho uống thuốc độc, hay thủ tiêu....).

10h55 (17.10): Hiện tại chị Bùi Thị Minh Hằng đang bị giam tại Công An quận Hoàn Kiếm. Công an quận Hoàn Kiếm Địa chỉ: 2 Tràng Thi, Hoàn Kiếm Điện thoại : (84-4) 38 254 108 Trưởng CA Quận (3825 6227) - Phó CA Quận (3825 2754).

Tôi - Nguyễn Xuân Diện kêu gọi công an Hà Nội, công an quận Hoàn Kiếm nhanh chóng trả tự do cho chị Bùi Thị Minh Hằng."
Ông Diện là người hiếm hoi còn lại giữa đám đông vô cảm đã gồng minh kêu cứu cho một người đàn bà bị cướp, bị bắt giữa thủ đô trong khi dân Hà Nội không ai buồn lên tiếng. Chị Minh Hằng có lẽ là nạn nhân may mắn nhất vì được ông Diện thay mặt gia đình đánh động dư luận. Còn hàng trăm người khác kém may mắn hơn chị đang chờ đợi ai, chờ đợi sức mạnh nào giải cứu cho họ đây?
Câu trả lời không khó nếu những người cầm quyền cao nhất nước có một lúc thinh lặng hỏi lại lòng mình: "tại sao tôi im lặng?"

*********************


Hồ Gươm là đất thiêng ?

 Chắc chắn rồi.
 Không thiêng thì sao mà lại được đặt tượng của hai Vua : Vua Lê và Vua Lý ?. Tháp Hòa Phong, tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn, tượng đài Cảm tử quân ...nhiều cơ quan hành chính thấy thế nên cứ đòi xây dựng quanh đây.
 Hồ Gươm quả là đẹp nhất là vào thu. Hè nó cũng đẹp khi những cây phượng ngả ra hồ trĩu xuống những chùm hoa đỏ rực, đám học trò nhà quê mà có được cơ hội ra đó một lần chụp ảnh, lấy được cả Tháp Rùa vào thì có mà về khoe cả làng.
 Hồi những năm bảy mấy, mình hay rủ đám anh em con nhà chú nhảy tàu điện từ Cầu giấy ra chỗ đài phun nước. Ngày ấy mấy thằng em chỉ mặc mỗi quần đùi, chả có áo may ô hay áo thun như bây giờ, mình thì mặc quần đùi và áo cộc bằng vải xanh chéo bạc đỏ cả sau lưng. Tàu điện chạy chậm như rùa nên cứ nhảy lên nhảy xuống như nhảy xe đạp, trẻ con không bị mấy bác lái tàu thu vé nên cứ đi đi lại lại suốt mùa hè.
 Rồi tàu điện đã chia tay chúng mình để đi vào dĩ vãng. Đám trẻ con Hà nội ngơ ngác khi bỗng dưng một ngày chúng phải nghe tiếng nổ phành phạch của xe máy babeta, mô kích mà không còn thấy tiếng tiếng leng keng của tàu điện.
 Rồi lần lượt các loại xe buýt, xe điện ra đời sau khi Hà nội thử nghiệm xe  điện bánh lốp không được thành công. Rồi tượng đài được dần dần dựng xung quanh hồ. Tuy nhiên không hiểu vì sao mà khu tượng đài Vua Lê đẹp và thiêng thì lại làm hàng rào vây quanh, có vẻ không thích cho bà con vào thăm viếng ?
Con gái được chụp ảnh với bác hoa hậu áo dài Vũng tàu bên hồ gươm hôm 16.10
 Cũng vì Hồ Gươm là nơi đất thiêng nên vài đơn vị có đất quanh đó tìm mọi cách để chạy chọt, lách luật đòi xây dựng nhà cao tầng nhưng rồi đều bị quả báo. Nào đòi xây trung tâm thương mại của ngành, nào định xây nhà mang tên ban quản lý hồ, nào định là xây khách sạn nhưng bị bà con giới kiến trúc và dân moi ra nên đều bị dừng lại.
 Bất kể hè hay đông, xuân hay thu thì ngày nay các đôi trai gái đều thích ra đó chụp ảnh áo dài, áo cưới. Chụp ở đó không mất tiền phí thuê cảnh bằng phông giả, ảnh giả. Bản thân hồ và phong cảnh quanh hồ đã là một bức tranh đẹp hơn bất kỳ bức tranh nào của Hà nội, ai mà không sung sướng được đứng dưới gốc lộc vừng nở cả chùm hoa dài rồi chụp ảnh ?

Sắp cưới - Cứ thế này mãi thì thích nhỉ !

Lộc vừng ngả ra hồ cho anh ngồi bên em. Ôi Hồ Gươm Hồng hà, Hồ tây !
  Vài thứ tạm thời có thể làm hỏng vẻ đẹp của Hồ như : hàng rào lan can sắt bao quanh bãi cỏ chân tháp Rùa, vài dãy chông sắt chống đua xe của bên giao thông hay công an để trên hè, vài ông câu cá trộm, vài bảo vệ hồ tay ve vẩy cái dùi cui, vài dây chão to giăng quanh trước cửa Ủy ban...nhìn rất phản cảm chỉ bởi sự lười nhác của nhân viên, sự bận bịu quá xá của các lãnh đạo.
Một hình ảnh bôi bẩn Hà nội
Công an quay lưng để băng đỏ cướp nón ?

Khó có thể chấp nhận được nếu ai là Người Hà nội.

Và Hồ Gươm đã có vài lần bắt người lên xe buýt, lên xe con giữa ban ngày. Sao lại có chuyện như vậy ?

Ảnh : Bố Chíp.

Người về hưu, giáo viên, công chức, nhà nghiên cứu, công an bên hè Hồ Gươm. Ảnh : Chíp.

  Không hiểu vì lý do gì mà gần đây, hễ có mặt người nào mặc những cái áo có hình lưỡi bò bị gạch chéo - áo do báo Sài gòn tiếp thị bán lấy tiền ủng hộ ngư dân - ra bờ hồ là công an Hà nội lại đi theo họ từng bước chân ? hình ảnh này chắc chắn không đẹp cho một thủ đô hòa bình như chúng ta quảng cáo.
 Lãnh đạo Hà nội chắc bận mấy thì cũng phải biết việc này. Hồ gươm là đất thiêng,  hàng ngày Vua Cha đứng đó, quan sát tất cả.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét